Tưởng Dực nhanh chóng choàng áo khoác định đến studio.
Tôi cũng quàng khăn lên theo: "Tớ đi cùng cậu."
Tưởng Dực tròng giày: "Cậu cứ ở nhà ngủ, không cần phải đợi tớ."
Tôi kiên định nắm tay áo cậu ấy, lặp lại: "Tớ đi cùng cậu." "Ngoài lạnh lắm, với trễ quá rồi."
"Tớ đi cùng cậu."
Lần này cậu đừng hòng đi một mình.
Cậu ấy khựng lại một thoáng, đợi tôi khoác xong áo khoác bèn kéo tay tôi cùng đi ra.
Từ Bắc Tứ Hoàn lái về khu Đông, trên đường hoa tuyết bắt đầu rơi, bọn tôi ở trong xe, tách biệt khỏi cái rét mướt đìu hiu của ngày cuối năm bên ngoài.
Tưởng Dực bụng như lửa đốt, nhưng ngoài mặt lại chẳng hề nao núng, lơ đãng trò chuyện cùng tôi.
Tôi lo đến thắt ruột, nhưng lời an ủi chỉ cất ở đó, một lòng bầu bạn bên cậu ấy.
Câu chuyện khi nãy nói dở giờ không ai buồn nhắc nữa.
Công ty bật đèn sáng trưng, nhưng mọi người đều bỏ việc, đứng gục đầu chỗ này chỗ kia trong studio.
Tưởng Dực nhìn qua rồi đi thẳng vào phòng họp, tôi xoay người sang văn phòng cậu ấy ngồi đợi, còn chưa đi vào đã nghe vẳng lại tiếng hai người đang nói: "Có một đoạn chắc chắn là từ nội bộ mình tuồn ra, mới vừa làm xong, người ngoài chưa ai thấy cả."
"Tuần trước làm rồi có đưa cho bên đầu tư Bắc Kinh xem, cũng không nói được." Công ty đầu tư Bắc Kinh? Không phải là tập đoàn Trang Viễn làm à?
Đầu tôi nổ đánh "oanh".
Tôi cầm điện thoại đi ra chỗ thang máy, muốn gọi cho Trang Viễn, nhưng lại không quyết tâm được.
Vậy mà, ngay lúc ấy, thang máy bất chợt sáng đèn, cửa thang rì rì mở, Trang Viễn từ trong vội vã đi ra.
Tay chân tôi lạnh ngắt, bỗng chốc lùi lại.
Cậu ấy sững người, nhưng thoáng sau lại trở lại như thường, hỏi: "Doanh Tử, Tưởng Dực đâu rồi?" Tôi chỉ về phía phòng làm việc, Trang Viễn gấp bước đi tới.
Tôi chầm chậm bám theo, một mình đứng ngoài vách phòng kính nhìn bọn họ bàn bạc, phân tích, cãi nhau, đến cuối cùng, cả hai đồng thời đứng bật dậy, xoay lưng về phía người kia.
Nửa phút sau đó, Trang Viễn xanh xám mặt mày đẩy cửa bước ra, Hầu Thịnh toan đuổi theo, Tưởng Dực lạnh lùng buông một câu: "Cứ để hắn đi." Hầu Thịnh không cam lòng, nhìn theo bóng lưng Trang Viễn, quay lại ngồi phịch xuống đất: "Lần này thì tiêu cả rồi."
Trang Viễn đứng ở chỗ thang máy một lúc ngắn, tưởng là trấn tĩnh, song lại rút phắt gói thuốc từ trong túi ra lấy một điếu, còn chưa tìm thấy bật lửa thì thang máy đã lên tới.
Cậu ấy bước vào, xoay người lại mới nhìn thấy tôi đang theo phía sau, sắc mặt hơi sững sờ.
Tôi nín thinh nhìn cậu ấy.
Gương mặt Trang Viễn dịu xuống hẳn: "Doanh Tử..."
Qua ngạch cửa thang máy, tôi ngập ngừng một thoáng, ngước đầu nói với Trang Viễn: "Bọn họ nói có một đoạn phim là bên công ty đầu tư Bắc Kinh tung ra, là giả đúng không?" Trang Viễn khựng lại, nói: "Tớ không rõ."
Tôi cúi đầu.
"Doanh Tử, cậu biết không phải tớ, đúng không."
Đúng, tớ biết, nhưng mà vừa nãy cậu đến là muốn làm gì.
Trang Viễn nhắm mắt, sau đó lại mở ra, mệt mỏi nói một câu: "Tớ biết cậu sẽ không khuyên cậu ấy, nhưng mà Doanh Tử, mục đích cuối của dự án là kiếm được tiền.
Bây giờ cậu ấy chịu buông sẽ thu được món hời to."
Nhưng Tưởng Dực làm dự án này muốn nhiều hơn thế nhiều, được hời chỉ là một phần.
Dường như Trang Viễn biết được tôi đang nghĩ gì, cậu ấy bình tĩnh nói: "Tớ biết cái cậu ấy coi trọng nhất không phải là chuyện thu lời, nhưng cậu ấy quá lý tưởng chủ nghĩa, đôi cánh của Lôi Chấn Tử cần bao nhiêu tiền của đổ vào mới có thể làm ra được.
Dự án kinh doanh phải chú ý tới hồi vốn, cái kiểu làm mặc kệ mọi giá thế này, nhỡ đâu thất bại cậu ấy không chấp nhận nổi đâu."
Đúng thế, cậu biết là cậu ấy xưa nay háo thắng, không chịu nổi thua cuộc.
Cậu lo cho cậu ấy, nhưng mà...
"Mỗi một dự án đều cần thu lời, mới có thể có không gian rộng rãi hơn mà làm cái mới, con người không thể để bị thứ gì gò bó, phải nhìn xa hơn."
Nhưng mà cậu ấy xưa nay chỉ làm chuyện mình coi là đúng, mỗi giờ mỗi lúc đều như thế.
Cậu ấy không chịu bất cứ ai tác động, cái này cậu cũng biết.
Các cậu chừng như đều nghĩ cho người kia, nhưng tại sao cứ nhất định phải bắt người kia sống theo ý mình chứ?
Tôi im lặng nhìn cậu ấy, cậu ấy nhìn lại tôi, cửa thang máy từ từ đóng lại.
Tưởng Dực bận rộn suốt một đêm.
Đến sáng tinh mơ, Tưởng Dực vỗ vỗ tôi đang cuộn mình ngủ trên sofa trong văn phòng cậu ấy, nói: "Đi thôi, mình về nhà ngủ." Tôi mơ màng mở mắt, thấy mắt cậu ấy toàn tơ máu, tôi hỏi: "Lão Nguỵ là ai?"
Tuyết còn chưa ai dọn, Tưởng Dực cho xe đi thật chậm, trên đường về, cậu ấy mới từ từ kể cho tôi nghe.
Studio của Tưởng Dực lúc vừa mới thành lập nhận được rất nhiều sự ủng hộ giúp đỡ của các đàn anh cũng là du học sinh, lão Nguỵ cũng là một trong số đó.
Lão Nguỵ học kỹ thuật ra, có cả bằng sáng chế riêng trong tay, rất được bên phương Tây coi trọng.
Có rất nhiều công ty cả trong lẫn ngoài nước đều ngỏ ý mua lại bằng sáng chế này, nhưng đều bị từ chối.
Khi ấy lão Nguỵ về nước gầy dựng sự nghiệp, dự tính mở một công ty làm hiệu ứng đặc biệt, dựa vào kĩ thuật được bảo hộ bởi bằng sáng chế nhận dự án kiếm tiền, sau đó đầu tư làm tác phẩm mới.
Khổ nỗi môi trường trong và ngoài nước quá khác nhau, công ty không hợp thổ nhưỡng, lão Nguỵ lại là dân kĩ thuật, thiếu khả năng tính toán kinh doanh, vừa về nước đã chăm chăm muốn quảng bá nhân vật hoạt hình "Ông bóng đèn" do mình thiết kế, đổ rất nhiều tiền bạc vào đó, dần dần thu không đủ chi.
Đúng lúc ấy, một công ty văn hoá dưới trướng tập đoàn đầu tư Bắc Kinh nơi Trang Viễn làm việc thông qua việc thu mua nợ bắt đầu vươn tay vào công ty của lão Nguỵ.
Lúc mới đầu, bên đầu tư Bắc Kinh thật sự đổ kha khá tiền đầu tư cùng tích cực ủng hộ nhân lực vật lực cho quá trình sản xuất tuyên truyền "Ông bóng đèn", nhưng đến khi chào thị trường lại không gây được tiếng vang nào, hai ba lần như vậy, vốn đầu tư coi như bỏ bể, công ty của lão Nguỵ lâm vào cảnh nợ ngập đầu.
Chính vào lúc ấy, Trang Viễn nhận chức phụ trách đầu tư mảng văn hoá giải trí của tập đoàn trên toàn cầu, đưa ra đề nghị với lão Nguỵ: Có thể lấy bằng sáng chế của anh ta ra bù tiền nợ, qua đó tiếp tục rót thêm vốn cho "Ông bóng đèn".
Tưởng Dực nói đến đây ngừng một lúc lâu.
Ngoài cửa kính xe, đèn đường vừa tắt, mặt trời còn chưa ló khỏi chân trời.
Đây là lẽ là khoảnh khắc tối tăm, tĩnh lặng nhất của thành Bắc Kinh giữa mùa đông giá.
Tôi không hỏi tiếp về sau thế nào.
Nhân vật "Ông bóng đèn" hệt như tia lửa loé lên trong đêm rồi vụt tắt, cuối cùng đành thất hẹn ở rạp, trước đây tôi có từng đọc báo thấy tin.
Tôi cũng không hỏi, lúc ấy Trang Viễn tiếp nhận lại công ty của lão Nguỵ, là tình cờ hay sớm có tính toán.
Trong lòng Tưởng Dực hẳn đã có định luận của cậu ấy.
Câu chuyện về sau hết sức đơn giản, lão Nguỵ bán cả bằng sáng chế cũng không thể đưa được tác phẩm ra mắt thị trường, cuối cùng đành ôm theo số tiền tích luỹ chẳng còn bao nhiêu về quê ở miền Nam sinh sống, đứt hẳn liên lạc với bên Tưởng Dực.
Tưởng Dực nhìn ra ngoài cửa, mệt mỏi nói: "Về sau tớ có hỏi Trang Viễn, có phải bọn họ nhắm vào bằng sáng chế kĩ thuật của lão Nguỵ không.
Cậu ấy không phủ nhận."
Nhìn bằng con mắt đầu tư kinh doanh, "Ông bóng đèn" không hứa hẹn gì mấy, khác hẳn kiểu bên đầu tư Bắc Kinh hay theo đuổi, càng không nói đến cả một mớ tiền đổ vào "nuôi" dự án cùng phí tuyên truyền.
Cái mà bên đầu tư Bắc Kinh để mắt đến trong suốt quá trình luôn là bằng sáng chế của lão Nguỵ.
"Cho nên là dự án "Lôi Chấn Tử" ngay từ đầu cậu đã không muốn hợp tác với họ là vì chuyện này?" Tưởng Dực quay sang nhìn tôi, một lúc ngắn sau cười nói: "Cũng không hẳn chỉ vì vậy."
Cậu ấy nghĩ ngợi rồi nói: "Sản xuất phim hoạt hình là dự án đầu tư lớn, chắc chắn cần bắt tay với nhiều bên.
Tuy tớ biết chuyện lão Nguỵ, nhưng Trang Viễn luôn thể hiện rất rõ ràng mục đích làm kinh doanh của cậu ấy, đã làm ăn thì chỉ nói làm ăn, tớ không thể đánh giá, cũng không phải dân chuyên.
Thế nên tớ vẫn ngồi vào thử bàn bạc hợp tác xem sao.
Điều kiện của bọn họ là bắt tay cùng khai thác thành một siêu vũ trụ có hệ thống khái niệm và thế giới quan đi kèm, nếu dự án có thể làm đúng theo hướng nghĩ bọn tớ, thì phân chia lời lãi thật ra cũng khá công bằng.
Năm ngoái bọn tớ đã chuẩn bị kí rồi, nhưng Hầu Thịnh đột ngột nghe được tin từ chỗ khác là bên đầu tư Bắc Kinh đã bàn sẵn với các nhà thầu phụ về kế hoạch mở rộng khai thác siêu vũ trụ.
Tuy họ chưa chính thức kí hợp đồng, nhưng cũng đã để lộ ra bên họ vừa lỗ mã.ng vừa kém tầm nhìn, để có thể thu hồi vốn nhanh chóng, chắc chắn họ sẽ không để tâm chuyện đảm bảo chất lượng hậu kỳ và đầu ra.
Tớ mới bảo Trang Viễn là tớ không tính tiếp tục hợp tác với bên đầu tư Bắc Kinh nữa, Trang Viễn không đồng ý."
Tưởng Dực nhìn lên phía trước, đầu mày sa sầm vì mệt mỏi.
Sau đó Trang Viễn nói làm dự án trong nước, đã bàn với đầu tư Bắc Kinh rồi sau lại không xong, thì chẳng bằng bỏ hẳn.
Một câu này đã chọc giận Tưởng Dực.
Tuy câu này chưa hẳn đã không đúng, nếu bên đầu tư Bắc Kinh bỏ ngang, thì các bên góp vốn vào theo cũng sẽ theo đó mà chùn bước, rủi ro rất lớn, Trang Viễn bắt nguồn từ chuyện không muốn dự án giữa đường phải gãy gánh, ắt sẽ không đồng ý cậu ấy làm như thế.
Tưởng Dực vẫn dõi mắt lên trước, nói: "Cậu ấy thừa biết cách làm việc của bên đầu tư Bắc Kinh, muốn tớ tập trung nhìn vào chuyện thu lời từ dự án, như vậy cũng không sai, cũng không phải chuyện khó khăn lắm, về sau bọn tớ cãi nhau cũng không biết là vì cái gì."
Bây giờ tình hình đã lâm vào cảnh khó giải quyết, hôm nay lại nảy ra thêm chuyện tuồn đoạn phim ra ngoài, khiến người ta không khỏi nghi ngờ tính chuyên nghiệp của cả đội ngũ.
Phim bị tuồn ra ngoài đa phần chỉ có hai khả năng, một là cạnh tranh không lành mạnh từ phía đối thủ, hai là lời cảnh báo chuẩn bị thôn tính từ tập đoàn khác.
Dù là cái nào đi nữa, cũng khiến người ta phải toát mồ hôi lạnh.
"Đoạn phim đó..." bị tuồn ra, cậu có nghi ngờ Trang Viễn không.
"Trò kém cỏi này hắn không làm đâu." Tưởng Dực nói đến đó bật cười một tiếng: "Hắn ra tay ghê hơn nhiều."
=======.