Ngày bức thư của Thẩm Hề đến nơi, một người trẻ tuổi tới.
Người ấy khoác áo vải gai màu xanh, mặc quần vải bố màu tro, đi vào phòng sách, vừa nhìn thấy Phó Đồng Văn thì đôi mắt đỏ hoe: "Tiên sinh bảo tôi đến.
Cậu ba, xảy ra chuyện lớn rồi."
Phó Đồng Văn hơi nghiêng người về phía trước, ánh mắt nặng nề: "Cứ nói từ từ."
"Tống tiên sinh bị ám sát." Người nọ nói rất nhỏ, trong đôi mắt thấp thoáng nước mắt.
Phó Đồng Văn và bác sĩ vội vã nhìn nhau.
"Sau khi tiên sinh bị trúng đạn thì giao phó lại ba việc.
Thứ nhất, quyên góp tất cả sách lưu trữ ở Nam Kinh, Bắc Kinh và Đông Kinh vào thư viện Nam Kinh.
Thứ hai, gia cảnh tiên sinh khó khăn, trên còn mẹ già, nhờ mọi người chăm sóc.
Thứ ba là..." Cổ họng người ấy nghẹn lại, "Xin các vị tiếp tục cố gắng vì sự nghiệp cứu nước, đừng vì thương nhớ tôi mà từ bỏ trách nhiệm."
Lời vừa dứt, căn phòng chìm trong yên tĩnh.
Phó Đồng Văn im lặng rất lâu rồi khẽ hỏi: "Tiên sinh còn sống không?"
"Ôm hận mà đi."
Ánh mắt Phó Đồng khẽ dao động, cười gằn: "Hell is empty and all the devils are here." (1)
(1) Một câu nói của Shakespeare
Bác sĩ biết anh nói gì, khi du học ở Anh bọn họ từng nghe trong một vở opera: Địa ngục vắng tanh, và quỷ dữ luôn quẩn quanh chỗ này.
Quốc Dân Đảng đứng sau vụ ám sát, cả nước bàng hoàng.
Cậu hai luôn tôn kính Tống Giáo Nhân tiên sinh, chuyện này khiến anh ta vô cùng kinh hoàng, anh để riêng một mục đặc biệt trên tờ báo, phẫn nộ viết mấy trang lên án tổng thống.
Có người lén nói với Phó Đồng Văn, để anh khuyên bảo anh hai mình, ngoài mặt Phó Đồng Văn đồng ý, nhưng không hề khuyên cậu hai nửa chữ.
Phó Đồng Văn dùng tiền, thu xếp riêng với những tờ báo ấy, mớm lời để họ nghĩ cách bảo vệ cậu hai.
Vì vậy, sau đó bản thảo của cậu hai không có cơ hội lên mặt báo.
Mọi người đều tưởng cậu hai bị áp chế, ngay cả cậu hai cũng nổi giận ngay trên bàn ăn, ngược lại Phó lão gia quăng mạnh cái ghế, quát anh chỉ cần lo cái nghiệp cầm bút của mình, đừng làm liên luỵ đến nhà họ Phó này.
Không lâu sau, có người đưa một tấm danh thiếp vào phủ gửi cậu hai Phó, là quan tham mưu của quân cảnh vệ phủ Tổng thống.
Vị quan tham mưu này họ Lục, khá có tiếng tăm ở thành Bắc Kinh, ông ta có một sở thích đặc biệt, muốn giết ai sẽ mời người đó tới dùng cơm, tiếp đãi cơm no rượu say, ăn uống xong xuôi sẽ rút khẩu súng ra tiễn người ta lên đường.
Trắng trợn táo bạo, thủ đoạn cay độc, năm ngoái đã tự tay giết không ít chí sĩ yêu nước và trí thức tiến bộ.
Tấm danh thiếp này không đưa tới viện cậu hai, mà được người ở đưa tới phòng sách Phó Đồng Văn trước.
Phó Đồng Văn cầm tấm danh thiếp, cân nhắc trong giây lát: "Gọi cậu hai tới đây."
"Vâng." Người ở rời đi.
Anh ngồi trong phòng sách uống được nửa tách trà thì cậu hai Phó đến.
Phó Đồng Văn nói thẳng luôn với anh ta: "Quan tham mưu của quân cảnh vệ muốn gặp anh."
Cậu hai ngơ ngác.
Phó Đồng Văn chỉ vào băng ghế bên bàn Bát Tiên: "Ngồi đi, em cùng anh gặp."
Cậu hai sợ làm liên luỵ đến anh: "Hay là tiếp ở tiền đường."
Phó Đồng Văn cười cười, dặn dò người bên ngoài: "Dẫn khách tới đây."
"Vâng, thưa cậu ba."
Chưa tới một lát, quan tham mưu Lục bước vào.
Ông ta tưởng rằng chỉ gặp cậu hai, nhưng không ngờ mình lại vào phòng sách của cậu ba Phó.
Về cậu ba Phó tiếng tăm lừng lẫy này, quan tham mưu Lục đã có cơ hội gặp ở ngõ Bát Đại (2).
(2) Ngõ Bát Đại từng là đại từ chỉ chốn ngõ liễu tường hoa.
Ở Bắc Kinh, đặc biệt trong triều Thanh, ngõ Bát Đại nổi tiếng xa gần vì đây là nơi tập trung nhiều kỹ viện hạng nhất hạng hai, cấp bậc của kỹ nữ cũng khá cao.
Vào ngày mùng tám tháng trước.
Khi đó cậu ba để lấy lòng người đẹp mà đặt riêng hẳn nửa hội trường, chân bắt chéo, mặc áo sơ mi cổ đứng, áo gi lê để mở, nghiêng đầu thì thầm nói chuyện với người bên cạnh.
Ngày ấy ông ta chỉ thấy một góc mặt toát ra sự phong lưu chán nản của Phó Đồng Văn.
Nghe nói anh ta cũng nho nhã lễ độ khi cư xử với gái phong trần.
Trong những tin đồn ong bướm, tuy là kẻ thay lòng đổi dạ, bạc tình nhưng lại không bạc nghĩa, phụ nữ mỗi khi nhắc tới anh đều không tiếc lời khen.
Đương nhiên, là cậu ba ở nơi trăng gió ấy, chứ không phải ở đây.
Ai cũng biết rằng trong đối nhân xử thế, cậu ba tuyệt đối không phải quân tử.
Khi nhìn thấy cậu ba Phó, những lời chuẩn bị từ trước của quan tham mưu Lục đều không làm gì được, ngược lại chỉ nói chuyện với cậu hai về dân sinh.
Bầu không khí hoà thuận, như bạn già gặp nhau.
Từ đầu đến cuối Phó Đồng Văn chỉ thờ ơ lắng nghe, không hé một lời.
Đúng lúc này bác sĩ tới, đưa thuốc viên và nước cho anh, anh nuốt viên thuốc, đặt mạnh chiếc tách sứ xuống.
Quan tham mưu Lục nghe thấy giật nảy mình, như nhận được lệnh, vội vã đẩy ghế ra: "Hợp với cậu hai nên nói hăng say quá.
Không còn sớm sủa nữa, tôi còn có việc."
Phó Đồng Văn không trả lời, coi như ngầm đồng ý.
Quan tham mưu Lục không dám nán lại, cuống quýt cáo từ.
Phó Đồng Văn sai tôi tớ tiễn quan tham mưu Lục đến tận ngoài cửa phủ, vị bác sĩ luôn bên cạnh anh đuổi theo, lấy một lá thư trong ngực ra, đưa cho ông ta: "Cậu ba dặn dò, mùng tám tháng trước tham mưu ở ngõ Bát Đại có lẽ chơi chưa vui, trong này có một tấm chi phiếu, đủ cho tham mưu vui chơi ở đó nửa năm."
Quan tham mưu nhận phong thư, tay lạnh run.
Khách làng chơi ở lầu hôm ấy nhiều vô số, Phó Đồng Văn nắm rõ như thế, đêm đó anh ta cũng xuất hiện sao? Suy nghĩ này loé lên, quan tham mưu Lục chợt hiểu ra, sau này người họ Phó không thể động vào được.
Người đi hết, Phó Đồng Văn bỗng nhớ tới gói hàng từ nước Mỹ, anh tìm một con dao quân dụng, rạch mở gói hàng, lấy ra một xấp báo và báo cáo nặng trĩu, rồi cởi áo gi lê ra, thở phào một hơi.
Còn chưa kịp mở ra nhìn cẩn thận, người ở lại ôm một xấp thư vào, đặt lên bàn sách.
Bức thư ở bên cùng, trùng hợp sao cũng từ nước Mỹ.
* * *
Kì học năm thứ hai kết thúc, khu nhà trọ náo nhiệt hẳn lên.
Có thêm du học sinh mới được đưa tới nơi này, mọi người cùng nói về tình hình trong nước, nhắc đến ám sát của Tống tiên sinh.
"Gia cảnh nhà Tống tiên sinh khó khăn, Viên Thế Khải sai người đưa cho ông ấy một tấm chi phiếu bỏ không, đảm bảo không bao giờ đòi lại, nhưng ông ấy từ chối.
Chí của tiên sinh, chính là đất nước! Là tấm gương để tôi noi theo!
"Đúng! Như tiên sinh đã nói, "Chết không sợ, chí bất diệt"!"
Có người nước mắt lã chã, cũng có người căm phẫn sôi sục.
Nếu bây giờ tổng thống nắm binh quyền, ai có thể làm gì được ông ta?
Thẩm Hề vừa nghe vừa phỏng đoán, cha và anh trai năm ấy cũng như thế ư? Nên mới có kết cục ấy.
Mọi người tập trung lại, trò chuyện thâu đêm.
Khi đó Thẩm Hề chọn học ngoại khoa, trừ thời gian viết thư cho Phó Đồng Văn, cô đều học hành không kể ngày đêm, chưa từng tham gia những chủ đề nói chuyện của họ.
Trong những lưu học sinh quen biết có một sinh viên nam học cùng chuyên ngành tên là Trần Lận Quan, rất hợp với tính cô, hai người thường ngày không nói chuyện nhiều, nhưng hễ khi mở miệng thì đều là bài vở.
Hai người tôi chạy anh đuổi, học tập hăng say, mô hình giáo sư cung cấp trên lớp, làm hay vẽ chưa xong, khi về đều bổ sung đầy đủ.
Những tiết giải phẫu, tiết thực hành không làm Thẩm Hề cảm thấy đủ, chỉ cần cô muốn, anh ta sẽ nghĩ cách, dùng tiền nhờ người cho vào xem phẫu thuật, nhờ đó tích luỹ được rất nhiều tranh vẽ giải phẫu quý báu.
Mỗi người biết những tư liệu này quý giá cỡ nào, nên đều tính rất rạch ròi.
Gia cảnh Trần Lận Quan nghèo khó, đa số đều do Thẩm Hề lấy tiền túi của mình ra.
Có lúc dùng tiền quá nhiều, Thẩm Hề cũng sẽ tức giận, ngày trước ở quán thuốc phiện có những cái xác con nghiện không ai đưa về, quả thật rất lãng phí.
Tất cả chi tiêu cô đều ghi vào một quyển sổ, để Trần Lận Quan nhớ sau này phải cứu bao nhiêu người Trung Quốc, cũng để tích phúc cho Phó Đồng Văn.
Uyển Phong cảm thấy Thẩm Hề học đến phát điên, luôn tìm cách kéo cô ra ngoài, nghe opera, xem phim, cô không hứng thú với mấy thứ này lắm.
Về sau Thẩm Hề càng ngày càng thích nghiên cứu tim mạch, nhưng ở trường không có người dạy cô.
Giáo sư cũng nói, máu tuôn ra ào ạt, tim không thể ngừng đập, nếu phẫu thuật trong tình trạng như thế, độ khó cực kì cao.
"Thế kỉ trước có người nói, làm phẫu thuật tim là không tôn trọng nghệ thuật ngoại khoa.
Ai dám làm như vậy, thì đó là một kẻ không còn danh dự," Giáo sư đứng trên giảng đường mỉm cười, dang tay ra: "Nhưng đã có người bắt đầu thành công, phá vỡ tấm băng, chúng ta sẽ tìm ra con đường biển để đi tới trái tim."
Mọi người đều mỉm cười, tràn đầy tự tin với tương lai.
Đến năm thứ ba, cô thuận lợi hoàn thành việc học.
Giáo sư hỏi cô có muốn học tiếp không? Nếu em dừng chân ở đây, trong ngành này rất đáng tiếc.
Cô do dự.
Phó Đồng Văn chưa từng nói sẽ sắp xếp tương lai cô thế nào.
Đêm nay cô ngồi dưới ngọn đèn, lật ghi chép sinh vật học của mình đến khi trời sáng, cuối cùng rút một tờ giấy viết thư đã chuẩn bị từ lâu dưới cuốn ghi chép, viết cho anh một bức thư.
Đây là lần đầu cô nhắc tới hai chữ "sau này", vì sợ hãi, sợ anh sẽ nói: "có ngày gặp lại", hoặc sẽ phải nhìn thấy những con chữ "không nên gặp nhau", cô giấu giấu giếm giếm, viết kín ba trang giấy mà cũng không dám nói thẳng.
Lần này, cô mong mỏi từ hạ sang đông.
Tối hôm ấy, Uyển Phong và Cố Nghĩa Nhân đều nhận được lời mời đến một gia đình Cơ Đốc giáo dự tiệc.
Cô và Trần Lận Quan làm thủ thuật khâu mạch máu, chẳng mấy chốc trời sáng cô mới về nhà, đặt người xuống giường là ngủ thiếp đi.
Khi tỉnh lại trời đã xế chiều.
Thư của anh được đặt trên thảm như một món quà.
Thẩm Hề nhìn thấy không hề căng thẳng, cô quấn cả chăn bông bò xuống đất, nhếch nhác ôm cả thư cả chăn trở về giường.
Bên trong ngăn kéo dưới cùng của tủ đầu giường đặt một lưỡi dao chuyên để cắt thư, năm cũ sắp qua, cô mới dùng được lần này.
Thẩm Hề cẩn thận cắt phong thư, rút tờ giấy ra, vẫn ba lần gấp như trước đây.
Tim cô đập gấp gáp, nhưng ngón tay chậm rãi mở thư ra, vẫn là những câu chữ ngắn ngủi:
"Ít bữa nữa tôi sẽ đến Anh, chưa rõ ngày về.
Về học phí, em không cần lo lắng, có thể đưa đến ngày em không còn sách để đọc.
Thư viết vội vàng, lượng thứ.
Phó Đồng Văn.
Ngày mùng bảy tháng bảy."
Nhìn ngày viết, Thẩm Hề đoán, anh không kịp nhận được thư đã phải đi rồi.
Thẩm Hề quấn chăn bông kín mít người, vùi mặt trong gối.
Mùi thuốc khử trùng trên nếp gấp vương vấn không rời.
Anh đến nước Anh để làm ăn hay làm gì khác? Hay có hồng nhan tri kỉ đang đợi ở nơi ấy? Mạch suy nghĩ đến đây càng lúc càng mông lung.
Bụng đói cồn cào, nhưng trong đầu tràn ngập suy nghĩ anh đến Anh cưới vợ sinh con, Thẩm Hề không nằm nổi nữa bèn ngồi dậy xuống giường, gắng gượng ăn mặc chỉnh tề, đi xuống lầu.
"Ngay bây giờ mình phải ăn gì đó, ăn món người Trung Quốc nên ăn."
Bước chân Thẩm Hề nhanh nhẹn, chạy từ trên lầu xuống, chân trước vừa chạm xuống nền nhà, cô bỗng nhìn thấy một người ngồi trong phòng khách.
Cô không kịp để ý, đụng phải lan can một cách rất mất mặt.
Có mấy người ngồi trong phòng khách kiểu mở của căn nhà.
Đều vây xung quanh người đàn ông ấy như các ngôi sao vây xung quanh mặt trăng.
Phó Đồng Văn cầm tách trà, cổ áo khoác kiểu Tây màu đen xám hơi mở ra, để lộ áo gi lê và áo sơ mi bên trong, cà vạt rất đẹp, sơ mi cổ đứng rất đẹp, và người cũng...Từ bỏ thế giới này, người đẹp đâu dễ tìm...!
Trời ơi, lảm nhảm mấy lời gì thế này.
Chữ nghĩa hồi bé học với thầy giáo trong nhà đều trả thầy hết rồi.
Shakespeare, Goethe, Tolstoy; Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị; thủ thuật khâu mạch máu, tắc động mạch, băng cầm máu...!
Mình nên nói gì đây?
Thẩm Hề không còn biết mình đang ở nơi đâu, thời đại nào, mười lăm phút trước cô vẫn còn suy nghĩ chuyện tình yêu tình báo của anh ở Anh, giây phút này đã đối mặt với nhau, không, là nhìn nhau trong khoảng cách mười một...mười ba, mười bốn bước chân.
Phó Đồng Văn uống hết tách trà kiểu Anh trong tay, đặt tách rỗng xuống, cười với cô mà không hề vồn vã: "Không ngờ em dâu ở đây vẫn theo giờ Trung Quốc ư?"
Để nhấn mạnh câu trêu đùa ấy, anh nhìn ra ngoài cửa sổ.
Đã xế chiều rồi.
Ánh mặt trời còn sót lại từ ngoài cửa sổ hắt vào, rơi trên quần tây và giầy da màu nâu của anh, lấp lánh ánh vàng..