Phật giáo có thuyết luân hồi, kinh Phật nói rằng mọi sự gặp gỡ đều sẽ được trùng phùng, mọi sự biệt li đều vì để trở về.
Từ nhỏ đến lớn, Thạch Lỗi chỉ có một người bạn duy nhất, người bạn ấy chết trên đường đi học.
Sáng sớm hôm ấy, trời mờ hơi sương, Thạch Lỗi và cậu bạn cùng đến trường.
Đường dành cho người đi bộ đã hiện đèn xanh, Thạch Lỗi cúi xuống thắt lại dây giày, cậu bạn đi sang đường trước, một chiếc xe Santana sang trọng vượt đèn đỏ húc phải cậu bé, chiếc xe còn lôi nạn nhân thêm mười mấy mét nữa mới chịu dừng lại, lốp xe đè bẹp một cánh tay, trên đường có một vệt máu chảy dài, trông đến hãi hùng.
Cậu bạn nhỏ khi nãy còn nói cười với mình đột nhiên chết thảm trước mắt khiến Thạch Lỗi chỉ biết trơ mắt đứng nhìn, cậu ngây người bàng hoàng.
Câu cuối cùng cậu bạn nói với Thạch Lỗi là: "Tớ đứng bên kia đường đợi cậu nhé!"
Từ đó trở đi tối nào Thạch Lỗi cùng đều gặp ác mộng, lần nào cậu cũng nhìn thấy nụ cười trong trẻo đậu trên gương mặt cậu bạn, cậu rất muốn nói với bạn rằng: "Dừng lại đi! Đừng sang đường...!"
Từ đó trở đi, mỗi lần qua đường đều trở thành việc khiến cậu sợ hãi nhất, dòng xe phi như mãnh hổ, dường như bất cứ lúc nào chúng cũng sẵn sàng hất tung và nghiền nát cậu.
Lúc đó, Thạch Lỗi mới mười tuổi, mỗi lần qua đường, cậu bé đó lại phải bám theo dòng người mới dám đi, nếu xung quanh không có ai, cậu sẽ đứng ở vạch kẻ dành cho người đi bộ và chần chừ chờ đợi, dẫu sắp muộn học, cậu cũng không dám tiến bước, không dám đánh bạo sang đường một mình.
Có lần cậu bám theo một cô bé để sang bên kia đường, đèn xanh dành cho người đi bộ vừa nhấp nháy mấy giây đã chuyển sang màu đỏ, cô bé liền chạy vù về phía trước, bỏ lại mình cậu đứng cho vơ giữa đường, dòng xe đi lại như mắc cửi vây chặt lấy cậu.
Cậu bé đứng bất động tại chỗ, vì quá sợ nên khóc lặng cả người.
Cô bé vội ngoái đầu nhìn, rồi quay lại nắm lấy tay cậu dẫn qua đường.
Cô bé ấy chính là Điệp Vũ, năm đó cô cũng mười tuổi.
Điệp Vũ và Thạch Lỗi là hàng xóm, cùng học trường tiểu học nhưng khác lớp.
Điệp Vũ lớn trước tuổi, cơ thể phồng phao, nom như nữ sinh cấp hai.
Con đường là một dòng sông, con người như những tấm bèo, họ tình cờ gặp nhau giữa dòng đời như thế.
Cô bé không hề hỏi cậu vì sao lại khóc, thực ra cô bé chẳng nói gì cả, chỉ dắt cậu qua đường mà thôi, cô bé dắt cậu qua chuyến hành trình của cuộc đời!
Dường như chỉ những đôi bạn tri kỉ nhiều năm gặp lại mới hiểu được ý nhau đến thế.
Lần đầu tiên gặp mặt, nhưng cơ hồ họ đã quen biết nhau một trăm năm trước đây.
Từ ấy trở đi mỗi khi đi học hay tan học, cậu đều đi cùng cô bé.
Buổi sớm, mặt trời nhô lên, áng mây rạng ngời vẽ lên những đường uốn lượn rực rỡ phía chân trời, cậu luôn luôn đứng trước cửa hàng bán đĩa hát lẳng lặng đợi cô bé cùng qua đường, cậu nấp sau cột điện, rồi đột ngột xuất hiện đằng sau cô bé.
Buổi trưa, tay cậu trượt trên thành lan can sắt quây quanh công viên, hoa tường vi khe khẽ nở trên rặng rào, cậu quay lại thấy cô bé vẫn chưa đến.
Buổi chiều, cậu giẫm lên bóng cô bé, giữ khoảng cách nhất định, rồi cùng băng qua đường giống như chú lính chì bé nhỏ đi theo cỗ xe tăng.
Thạch Lỗi và Điệp Vũ chưa bao giờ nói chuyện với nhau, họ vờ như chẳng hề quen biết, mãi cho đến một ngày trời âm u của năm sau, nước mưa làm những đóa hoa ven công viên ướt sượt, làm quần áo và đầu tóc người đi đường ướt mèm, con chim sẻ đậu trên đường dây điện, tất cả các mái nhà đều giỏ giọt gianh, hai đứa trẻ lững thững bước đi trong mưa, cậu ho mấy tiếng, lấy hết can đảm, rụt rè bước lại gần cô bé hỏi: "Cậu tên là gì?"
Điệp Vũ bật cười "Hì hì! Tớ cũng đâu biết tên của cậu!"
Cậu luôn cảm thấy tên của cô bé rất đẹp, cái tên mang đượm mùi hương ngọt ngào, cậu viết tên cô bé ra giấy, viết kín hết trang này đến trang khác, rồi âm thầm vo viên vứt vào sọt rác như thể mình vừa làm điều gì xấu xa.
Hôm sau, khi gặp lại cô bé, cậu bỗng dưng thấy mất tự nhiên, tim đập thùm thụp trong lồng ngực, mặt đỏ tía tai.
Nếu bạn từng trải qua những rung động đầu đời thì bạn sẽ hiểu mặt đỏ mang hàm ý gì!
Cậu không biết vì sao mình lại như vậy.
Mối tình đầu bao giờ cũng đẹp và thơ mộng như thế, một số con chữ bản thân nó đã được ướp hương, ví như từ "tình đầu".
Trong những năm thiếu thời mơ hồ và ngày đại, chúng không hiểu được tâm trạng thích một người là thế nào, tình cảm đó đã bị an bài để trở thành tình yêu không thể thổ lộ.
Nhiều năm qua đi, khi chúng ta nhớ lại dĩ vãng, hồi tưởng lại những tháng năm chẳng bao giờ trở lại, chúng ta chỉ biết thở dài ước ao giá như thời gian mãi mãi ngừng lại tại thời điểm mùa hè năm đó.
Nếu một bóng hình được lưu giữ vào thời khắc đẹp nhất, thì nó chưa bao giờ đi xa, nó luôn ở trong tâm trí bạn và ngự trị trái tìm bạn.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Thạch Lỗi và Điệp Vũ lại học cùng trường trung học, họ đã quen với sự tồn tại của đối phương, hai người cùng đi qua mưa gió, cũng trải qua bốn mùa luân chuyển.
Trong trường bắt đầu dấy lên những lời chế nhạo, các bạn cho rằng họ đang bày trò yêu đương, thầy giáo liền gọi Điệp Vũ lên văn phòng nói chuyện, hỏi cô bé vì sao ngày nào cũng đi cùng Thạch Lỗi hết đến trường rồi lại về nhà.
Điệp Vũ không để tâm đến lời trách cứ của thầy.
Có cậu bạn xấu bụng còn bịa chuyện, nói rằng nhìn thấy Điệp Vũ và Thạch Lỗi hôn nhau ở góc cầu thang.
Thạch Lỗi nổi giận cãi nhau với cậu kia một trận, sau đó Thạch Lỗi bị đánh tơi bời, không làm gì được liền òa lên khóc.
Cậu vừa né tránh nắm đấm của cậu bạn xấu bụng, vừa khóc giải thích mình và Điệp Vũ hoàn toàn trong sáng.
Điệp Vũ lôi Thạch Lỗi ra khỏi cậu bạn kia, trừng mắt nhìn cậu ta, cậu bạn kia không hề sợ hãi, cũng trừng mắt nhìn lại với vẻ thách đấu.
Hành động tiếp theo của Điệp Vũ khiến ai nấy đều kinh ngạc, cô bé không dùng nắm đấm để giải quyết, cũng không ngoạc mồm ra chửi bới giống như đa số bạn gái cùng trường, có bước lại gần và ôm cậu bạn kia vào lòng.
Cậu bạn đờ dẫn, rồi hoảng hồn.
Từ đó, cậu ta không bao giờ dám bắt nạt Thạch Lỗi nữa, bởi lỡ đâu cái tiếng yêu sớm bị đồn ra ngoài thì chẳng hay ho gì.
Tối hôm đó, nghe nói có trận sao băng trăm năm khó gặp sẽ rơi xuống thành phố này, Thạch Lỗi và Điệp Vũ không về nhà ngay sau giờ tự học, cả hai ngồi dưới gốc anh đào ở công viên ngước mắt nhìn bầu trời đêm và chờ đợi mưa sao băng.
Bầu không trong vắt không một gợn mây, gió mơn man đùa cành lá, ánh trăng vằng vặc chiếu sáng những cành anh đào vờn vũ nhảy múa, khung cảnh thực chẳng khác nào thế giới thần thoại trong mơ.
Thế mà hôm ấy lại chẳng xuất hiện ngôi sao băng nào, chỉ có hoa anh đào rơi là đà như mưa sa.
Điệp Vũ phụng phịu: "Chắc người ta bịa ra chuyện sao băng chứ làm gì có!"
Thạch Lỗi an ủi: "Đợi chút nữa xem sao! Khi nảy tớ vừa khéo nhìn thấy một ngôi sao băng đấy!"
Điệp Vũ cả tin giục giã: "Thế thì cậu mau ước đi!"
Thạch Lỗi ngẩn người: "Nhưng tớ không biết...phải ước điều gì bây giờ?"
Điệp Vũ gợi ý: "Lòng cậu đang muốn có điều gì thì hãy ước điều ấy!"
Thạch Lỗi hỏi: "Không cần nói to lên chứ?"
Điệp Vũ lắc đầu: "Chúng ta có thể viết điều ước của mình vào mẩu giấy, rồi nhét vào trong chai, vùi xuống gốc cây."
Chúng đào một hố nhỏ dưới gốc anh đào, rồi viết điều ước của mình lên mảnh giấy, bỏ vào chai thủy tinh, sau đó chôn xuống đất.
Chúng không hề biết đối phương viết gì, chỉ ngây thơ nghĩ rằng nếu sao băng xuất hiện thì điều ước của mình sẽ trở thành hiện thực mà thôi.
Khi trở chúng về nhà, phố đêm vắng tanh, cô bé nắm tay cậu bé băng qua đường.
Chúng mỉm cười chào tạm biệt nhau ở đầu con ngõ nhỏ.
Nếu biết đây là thời khắc biệt ly thì lí nào cô bé chịu buông tay cậu bé ra, và lí nào cậu điềm nhiên mỉm cười chào tạm biệt cô bạn nhỏ của mình?
Nhiều năm sau, anh ta mới biết thì ra ngay từ hồi mười tuổi, anh ta đã yêu cô bé đó, không những thế anh ta còn phải dùng cả cuộc đời để hồi ức lại quãng thời gian ngọt ngào ấy.
Hôm sau, Thạch Lỗi không đến trường, góc đường quen thuộc ấy không còn bóng dáng cậu bé.
Suốt mấy ngày liên tiếp đều như vậy.
Điệp Vũ hỏi thăm hàng xóm mới hay tin từ giờ trở đi Thạch Lỗi không thể đi học được nữa.
Điệp Vũ tròn mắt hói: "Vì sao ạ?"
Câu trả lời là: "Vì cậu ấy là người tàn tật."
Mặc dù đã mười bốn tuổi nhưng cơ thể của Thạch Lỗi mãi mãi dừng lại ở giai đoạn mười tuổi, cậu đã mắc hội chứng người lùn.
Có lẽ từ ngày cậu quen Điệp Vũ thì cậu chẳng thể lớn thêm được nữa, mọi thứ đều dừng lại trên vạch kẻ băng qua đường dành cho người đi bộ đó.
Cô bé quay lại, bước về phía cậu, dắt tay cậu đi xuyên qua dòng xe cộ tấp nập.
Cha mẹ Thạch Lỗi đưa cậu đến một bệnh viện ở ngoại tỉnh để chữa trị, nhưng chữa suốt mấy tháng ròng vẫn chẳng hề có kết quả.
Cùng khoảng thời gian đó, gia đình Điệp Vũ chuyển nhà, sau khi có tốt nghiệp bậc trung học thì học trung cấp, ba chữ "người tàn tật" khắc ghi vào tim Điệp Vũ.
Rất nhiều cuộc ly biệt trong đời người chỉ cách nhau trong gang tấc, quay mặt đi một cái đã thành vĩnh biệt, ngoảnh mặt lại thì cách trở vạn núi ngàn sông, muốn gặp lại cũng khó.
Từ khi họ chia tay, cả hai chưa bao giờ gặp lại đối phương, mười năm thoáng bay như cơn gió thoảng bên thềm hè...
Những năm đó, rất nhiều chuyện bất ngờ đã xảy đến với Thạch Lỗi và Điệp Vũ.
Nhà Thạch Lỗi bị phá dỡ, Điệp Vũ từng trở về phố xưa tìm lại cậu bạn cũ, nhưng không tìm thấy.
Trong khi Thạch Lỗi vẫn là cậu bé nhát gan chẳng dám băng qua đường thuở nào thì Điệp Vũ đã là một thiếu nữ trường thành.
Thạch Lỗi theo mẹ học cách may rèm cửa sổ, anh ta gần như không ra khỏi cửa nửa bước, bởi vì mỗi lần xuất hiện trên phố đều có người gọi anh ta là "con rùa", "chú lùn", "Võ Đại Lang".
Chúng ta buộc phải thừa nhận, tiếng cười của khán giả khi một cây hài nào đó bắt chước động tác của người tàn tật, những lời tục tĩu mắng chửi người tật nguyền như ngầm minh chứng thái độ miệt thị của xã hội này dành cho người tàn tật là một tồn tại nghiễm nhiên.
Một người câm xấu xí chỉ cần bắt đầu đối xử tốt với mọi người xung quanh từ năm mười tám tuổi.
Cố gắng nhìn thế giới này bằng con mắt khoan dung và cảm thông, cứ thế kiên trì suốt ba mươi năm thì sau đó anh ta cũng chỉ có thể trở thành một người đàn ông câm tuổi trung niên xấu xí.
Thường ngày, Thạch Lỗi rất kiệm lời, thậm chí còn trầm lặng quá mức.
Vì muốn con thích ứng được với xã hội, cha mẹ quyết định xin cho anh ta làm một chân gác cửa ở khách sạn.
Anh ta đứng trước cửa, mặc bộ đồng phục màu đỏ rất sến sẫm và nói với mỗi người khách bước vào cánh cửa ấy rằng: "Rất vui được phục vụ quý khách!"
Đôi lúc anh ta lại nhớ đến Điệp Vũ.
Đó là mối tình đầu của anh ta, hiển nhiên cũng là mối tình cuối cùng.
Thỉnh thoảng Thạch Lỗi lại ngồi xe buýt về lại nhà cũ, giờ đây anh ta đã đủ can đảm để băng qua đường một mình, nhưng khi ngồi trên xe buýt, anh ta phải lấy hết dũng khí mới chịu đựng được ánh mắt khác thường của những người xung quanh dành cho mình.
Tựa hồ mọi người đều nhìn cậu bé mãi mãi không thể trở thành người lớn giống như nhìn quái vật.
Có lần ở giữa ngã tư, Thạch Lỗi chợt cảm thấy có gì đó hết sức quen thuộc, anh ta và Điệp Vũ từng đi qua con đường này.
Trong cửa hiệu bán đĩa nhạc ven đường văng vắng vọng ra giai điệu bài hát "Dòng chảy":
Có lẽ đó là duyên phận
Bước chân định mệnh đẩy ta về phía nhau
Bao lần nước mắt hòa trong nụ cười khổ đau
Hóa thành đại dương, bao bọc kí ức
Có lẽ đó là cuộc đời rất thực
Chưa kịp gìn giữ đã vội phai phôi
Bao lần cười trong nước mắt tuôn rơi,
Ta đi lướt qua nhau về hai phía
Kỉ niệm trong mơ luôn chân thực đên thể
Ta bật tiếng thở dài
Giữa dòng đời xuôi ngược buổi sớm mai...
Chúng ta luôn gặp người mà mình gặp đầu tiên trong định mệnh cuộc đời, cùng người ấy đi một đoạn đường, rồi người ấy bỗng nhiên biến mất lặng lẽ khi bước vào bóng râm.
Nhiều năm sau, khi ta hồi ức lại, ta mới phát hiện thì ra mối tình mơ hồ và mơ màng ấy chính là tình yêu chưa chính thức bắt đầu.
Một tình yêu chẳng biết bắt đầu tự khi nào, cũng không hay giờ nó ở nơi nao.
Thạch Lỗi cứ sống yên ả như thế suốt bao năm, mười mấy năm sau, ở đầu đường xe cộ đi lại như mắc cửi, anh ta nhìn qua cửa kính xe buýt và đột nhiên thấy một bóng hình quen thuộc, anh ta chỉ cần nhìn dáng đi là đã nhận ra Điệp Vũ.
Tim Thạch Lỗi bỗng dưng đập nhanh như trống trận, anh ta định hét người lái xe dừng lại, định chạy đến trước mặt cô, định đi xuyên qua thế giới hiện thực đang ngăn cách giữa hai người, ngực anh ta phập phồng bởi thở quá gấp, anh ta xúc động đến mức suýt chút đã oà lên khóc...!Nhưng cuối cùng, anh ta vẫn không xuống xe, anh ta chỉ ngây dại ngồi đó, lặng lẽ nhìn cô dần đi khuất khỏi tầm mắt, chầm chậm nhạt nhoà rồi biến mất hẳn vào dòng người nhộn nhịp.
Thạch Lỗi lẩm bẩm tự hỏi lòng: "Cô ấy thật ư?"
Có lẽ mình nhận nhầm người!
Có lẽ cô chỉ có thể cùng anh ta đi một đoạn đường ngắn ngủi trong dòng sông số mệnh dài miên man.
Nếu giờ gặp nhau thì sẽ ra sao? Người đi đường nhìn họ ở bên nhau sẽ lầm tưởng họ là hai mẹ con.
Thạch Lỗi tự ti.
Thôi! Thà không gặp còn hơn.
Thế mà vài ngày sau, Điệp Vũ lại hỏi thăm và cuối cùng đã tìm thấy Thạch Lỗi.
Ở đầu con đường đó, Điệp Vũ lại nắm lấy tay Thạch Lỗi đi ngang qua ánh mắt miệt thị của mọi người, ngang qua dòng xe cộ chảy xiết như nước lũ.
Họ vào công viên, ngồi dưới gốc anh đào năm xưa, nhẹ nhàng nói chuyện, khẽ khàng kể cho nhau nghe những biến cố đã xảy đến với mình.
Thạch Lỗi nói: "Điệp Vũ! Anh sẽ cưới em!"
Điệp Vũ lắc đầu: "Em đã bảo anh rồi còn gì, em bị nhiệm HIV mà!"
Thạch Lỗi kiên quyết: "Anh vẫn không thể nào tin nổi! Sao em lại bị nhiễm căn bệnh quái quỷ đó?"
Điệp Vũ bảo: "Giờ điều đó đâu còn ý nghĩa gì? Em nhiễm HIV như thế nào có lẽ đều do ông trời định đoạt, em không muốn truy tìm ngọn nguồn nữa."
Thạch Lỗi thở dài: "Anh biết em tâm địa rất lương thiện."
Điệp Vũ nói: "Nhưng có một người em nhất định phải đi gặp.
Em đã truyền virus HIV cho anh ta, em nợ anh ta một lời xin lỗi."
Thạch Lỗi hỏi: "Nhưng em có cố ý đâu? Mà người đó là ai?"
Điệp Vũ đáp: "Chính là người đàn ông đi cà nhắc vẫn thường lái thuyền ở bến tàu.
Chắc anh ta sẽ giết em mất."
Thạch Lỗi lo lắng: "Thế thì để anh đi cùng em!"
Điệp Vũ lại lắc đầu: "Chuyện của em cứ để em tự giải quyết, nếu em chết, em sẽ thác mộng cho anh."
Thạch Lỗi đăm đăm nhìn Điệp Vũ: "Anh vẫn sẽ lấy em làm vợ, cho dù em bị nhiễm HIV, cho dù chúng ta chỉ ở bên nhau mấy ngày."
Điệp Vũ lảng sang chuyện khác: "Em còn nhớ năm đó chúng mình lấp chai nguyện ước dưới gốc cây này, trong đó có hai mảnh giấy ghi ước nguyện của anh và em."
Thạch Lỗi gật đầu: "Chẳng biết cái chai đó còn dưới gốc cây không nhỉ!"
Điệp Vũ tò mò hỏi: "Thế hôm ấy anh đã ước gì?"
Thạch Lỗi nói: "Anh muốn cưới em.
Đó là nguyện ước năm đó của anh."
Nói xong, hai hàng nước mắt của Thạch Lỗi tuôn ra như suối chảy, tim nhói đau tựa bị ai bóp nghẹt.
Điệp Vũ dặn dò anh ta một vài chuyện, sau đó một mình đến bến tàu, để rồi chẳng bao giờ trở về nữa.
Gã què nghe nói mình bị Điệp Vũ truyền căn bệnh chết người HIV thì điên cuồng như phát rồ, gã giận dữ cầm chiếc ghế gấp nện vào người Điệp Vũ tới tấp, chưa thoả giận, gã lại lấy gạt tàn thuốc lá đập mạnh vào đầu Điệp Vũ mấy nhát.
Sau khi Điệp Vũ chết, gã què tiện tay nhét chiếc bình nhỏ vào hạ thể của cô và nguệch ngoạc khâu lại, gã đay nghiến cái xác: "Cho mày hết đường hại người khác!"
Thạch Lỗi lặng lẽ chờ đợi Điệp Vũ trở về mãi cho đến khi nghe cảnh sát báo tin Điệp Vũ gặp nạn.
Cái chết của Điệp Vũ đã tiếp thêm dũng khí và sức mạnh to lớn cho cậu bé không dám đi sang đường một mình năm xưa.
Anh ta mua một can xăng, phóng hoả đốt thuyền của gã què, gã què bị phóng nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu, anh ta lại đuổi theo đến bệnh viện, lấy dao kết liễu mạng sống của gã què.
Khi chạy trốn, Thạch Lỗi cầm con dao đẫm máu lao vào thang máy, hai cảnh sát chỉ chậm chân một bước mà để vuột mất hung thủ.
Trong thang máy có một cô gái mặc váy dài, Thạch Lỗi biết cảnh sát đã đợi sẵn ở tầng một để tóm cổ anh ta.
Anh ta liền nhấn nút cho thang máy chạy thẳng xuống tầng hầm gửi xe, đoạn quay sang uy hiếp cô gái: "Trên con dao này có virus HIV, nếu dính vào sẽ mất mạng, có hãy giúp tôi, cho tôi nấp nhờ một lát!"
Cô gái run rẩy cầu khẩn: "Đừng giết tôi! Xin anh đừng giết tôi! Anh muốn nấp ở đâu?"
Thạch Lỗi liền chui vào trong tà váy của cô gái, anh ta quỳ xuống, kề dao vào người cô gái khống chế.
Thang máy xuất phát từ tầng mười và di chuyển theo chiều xuống đất, khi đến tầng chín và tầng tám, khách liên tục len vào, trong thang máy toàn bệnh nhân, cô gái đứng cạnh vách thang máy, không dám nhúc nhích, thậm chí còn không dám thở mạnh, sợ hãi đến nỗi mặt trắng bệch, có sợ thằng lùn núp dưới váy giở trò cầm dao đâm mình.
Khi thang máy xuống đến tầng bảy lại có người nữa bước vào, thang máy liền kêu tít tít báo hiệu quá tải, người đó đành đi ra.
Trước khi ra hẳn bên ngoài, người đó vô tình nhìn thấy cô gái đứng sát vách thang máy, mặt cô trắng bợt, dưới váy có những hai đôi chân, anh ta liền quyết đoán bốc máy gọi điện cho cảnh sát.
Xuống đến tầng một, mọi người trong thang máy lũ lượt ra ngoài, viên cảnh sát phụ trách chặn đường quá sơ ý khi chỉ liếc mắt kiểm tra hành khách bên trong, không thấy bóng người lùn nào trong thang máy, anh ta liền quay đầu phóng như bay lên cầu thang bộ.
Thạch Lỗi xuống đến tầng hầm gửi xe liền chạy trốn, trước khi đi anh ta xin lỗi cô gái, bước được mấy bước, anh ta lại ngoảnh lại nói: "Cám ơn cô!"
Cô gái rụt rè hỏi: "Anh giết người à? Tôi khuyên anh nên đi đầu thú!"
Thạch Lỗi nói: "Tôi sẽ chuộc lỗi, nhưng không phải trong nhà ngục."
Dù cảnh sát phát lệnh truy nã khăn cấp dán khắp các bến tàu bến xe để đề phòng hung thủ đào tẩu, nhưng cuối cùng vẫn không bắt được Thạch Lỗi.
Một thời gian sau, thi thể Điệp Vũ được đưa đến nhà hỏa táng bỗng người ta phát hiện một dạng kết tinh thể lẫn trong xương cốt của cô, tinh thể lóng lánh như ngọc.
Giáo sư Lương đáp: "Ta không biết đó là gì, hay từ đâu lẫn vào! Chỉ có điều ta đột nhiên nhớ đến tích 'Khúc xương đòn của Bồ Tát" được ghi chép trong cuốn "Tục huyền quái lục"....