Đa số các vụ án bắt cóc đều là những vụ phạm tội đòi hỏi tội phạm phải có chỉ số thông minh rất cao, hung thủ cần vạch ra kế hoạch vô cùng tỉ mỉ trước khi thực hiện, cảnh sát rất vất vả trong quá trình đấu trí với kẻ phạm tội, bởi vậy ngoài việc phải sử dụng các thiết bị trinh sát điều tra hiện đại ra thì còn cần rất nhiều cảnh sát tham gia vây bắt và tấn công.
Quá trình bắt cóc thường diễn ra như sau:
1.
Lựa chọn mục tiêu, thông thường chúng lựa chọn con nhà giàu.
2.
Tìm nơi giấu con tin, địa điểm thường ở vùng ngoại ô hoang vắng, trong rừng hoặc trong ngôi nhà đổ nát nào đó.
3.
Liên lạc với người nhà con tin, nêu yêu cầu, đòi tiền chuộc.
Trước kia thông tin liên lạc chưa phát triển nên bọn bắt cóc thường thông báo cho người nhà nạn nhân bằng cách gửi thư, để tránh bị nhận ra nét chữ, các phần tử phạm tội sẽ cắt các chữ trên báo ra và ghép lại thành đoạn thư cần thiết, nhưng bọn bắt cóc thời nay thường sử dụng sim rác để thông báo cho gia đình con tin.
4.
Lấy tiền chuộc.
Đây là khâu dễ bị bại lộ thân phận nhất trong cả quá trình bắt cóc.
Nếu gia đình nạn nhân báo cảnh sát hoặc tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, người thân thì rất có khả năng bọn bắt cóc sẽ lộ hành tung khi đi lấy tiền chuộc, chính vì vậy đây cũng là khâu khảo nghiệm trí thông minh của các phần tử tội phạm nhất.
5.
Thả con tin hoặc giết hại con tin.
Giáo sư Lương phân công canh gác rất cẩn mặt trước ban công nhà Tô My, phân cục trưởng Diệp cúi đầu nghe lệnh, nữ cảnh sát A Tử ghi chép lại trọng điểm công việc.
Theo yêu cầu của giáo sư Lương, cảnh sát thành phố Phổ Giang và phân cục cảnh sát quân Xích Bắc phải cử ra những cảnh sát ưu tú nhất, chia thành ba tổ để tiện hành động.
Bao Triển phụ trách tổ điều tra, triển khai công tác ở vòng ngoài quanh hai nạn nhân là Vương Giai và Tiểu Hy, trọng điểm điều tra là gia đình của hai nạn nhân và các mối quan hệ xã hội.
Trong rất nhiều vụ bắt cóc, kẻ bắt cóc chính là người quen của nạn nhân, bởi vậy Bao Triển cần phải thẩm vấn và điều tra kĩ.
Hoạ Long chỉ huy tổ theo dõi, xe chỉ huy là loại xe hàng có thùng được nguỵ trang, vỏ ngoài cũ hỏng, trên thùng xe còn in dòng chữ "Chế phẩm sữa", chiếc xe đỗ ở một nơi kín đáo gần nhà Tiểu Hy, một đội trinh sát giàu kinh nghiệm và cảnh sát vũ trang tinh nhuệ ngồi trên xe chờ lệnh.
Ngoài ra, anh còn bố trí cả xe đạp và xe máy giúp di chuyển linh hoạt hơn trong quá trình theo dõi.
Trên xe có một phòng trang điểm loại nhỏ, các chiến sĩ cảnh sát sẵn sàng hoá trang thành người đưa hàng, người bán hàng rong, người đạp xe dạo phố bất kì lúc nào để tiện trinh sát.
Tô My và A Tử phụ trách giám sát và giúp đỡ về mặt kĩ thuật, nếu hung thủ gọi điện cho người nhà nạn nhân, thì công việc của Tô My là nghe lén và ghi âm, nhanh chóng định vị khu vực hoạt động của kẻ bắt cóc, đồng thời khoanh vùng khái quát địa điểm mà kẻ bắt cóc đang ẩn náu, công tác này có tính chất then chốt đối với việc có bắt được hung thủ và giải cứu con tin thành công hay không.
Bố mẹ của Tiểu Hy đều là dân buôn bán, sau khi con gái bị bắt cóc, họ lo lắng như ngồi trên đống than, họ lập tức làm theo yêu cầu của kẻ bắt cóc, bán ngay một lô hàng để gom đủ số tiền năm trăm năm mươi ngàn tệ, họ chỉ hi vọng con gái được bình an vô sự, thậm chí giờ đây họ còn không quan tâm đến việc có tóm cổ được kẻ bắt cóc hay không.
Giáo sư Lương giải thích: "Chỉ khi bắt được hung thủ thì mới có thể giải cứu cho Tiểu Hy, chúng ta không thể mong đợi vào lòng nhân từ của các phần tử tội phạm."
Mẹ Tiểu Hy sốt ruột: "Tôi lo lắm! Không biết hiện giờ con bé ra sao."
Giáo sư Lương trấn an: "Nếu bọn tội phạm gọi điện đến thì anh chị phải yêu cầu hung thủ cho nghe giọng của Tiểu Hy, như thế mới xác định được cháu bé còn sống hay không."
Bố Tiểu Hy nói: "Hắn nói trong vòng ba ngày phải đưa cho hắn năm trăm năm mươi ngàn tệ, hôm nay đã là hạn cuối cùng.
Tôi đã chuẩn bị tiền đâu vào đấy, nhưng sao mãi mà hắn vẫn chưa gọi điện đến nhỉ?"
Giáo sư Lương vỗ vai: "Còn hơn hai mươi tiếng nữa mà! Anh cứ bình tĩnh, cảnh sát sẽ cố gắng hết sức bắt hung thủ và giải cứu Tiểu Hy."
Tô My lắp đặt phần mềm nghe trộm vào điện thoại của mẹ Tiểu Hy, rồi kiểm soát đầu cuối cùng trên máy tính, yêu cầu họ luôn để điện thoại ở trạng thái mở máy hai tư trên hai mươi tư giờ.
Nếu kẻ bắt cóc gọi điện đến thì cố gắng kéo dài thời gian để cảnh sát kịp chuẩn bị.
Tô My nói: "Đây là phần mềm nghe trộm điện thoại mạnh nhất thế giới."
Bao Triển hỏi: "Sao cô dám chắc vậy?"
Tô My tự hào khoe: "Vì đây là phần mềm do tôi tự chế."
Hoạ Long trề môi: "Chém gió vừa thôi! Mạnh đến cỡ nào hả?"
Tô My giải thích: "Trừ công năng nghe trộm ra thì nó còn có tác dụng định vị địa lý, đặc biệt tính năng quan trọng nhất của nó là mặc dù điện thoại trong tình trạng chờ thì nó vẫn có thể bắt sóng và giúp ta nghe được tiếng động phát ra từ môi trường xung quanh người gọi đến.
Chúng ta sẽ phân tích âm thanh để tìm ra nơi ẩn náu của kẻ bắt cóc."
Bao Triển phỏng đoán: "Chắc chắn tên bắt cóc cũng tiên liệu được việc này nên y sẽ nghĩ ra cách cao siêu hơn."
Bao Triển tiến hành thăm dò và điều tra phía gia đình và trường học của hai nạn nhân.
Cảnh ngộ mà Vương Giai gặp phải khiến toàn thể giáo viên và học sinh nhà trường đều bàng hoàng, cậu bé ấy mới học lớp sáu, tuy thành tích học tập bình thường nhưng rất hoạt bát và ngoan ngoãn, nên rất được thầy yêu bạn mến.
Trong cặp sách của cậu bé còn có khăn quàng đỏ, giày trượt patin và cả những quân bài hình tròn bằng giấy mà bọn trẻ con vẫn hay chơi.
Chẳng ai có thể tin nổi một bé trai đáng yêu như vậy lại bị bắt cóc và giết hại, sau đó vứt ra ngoài đường.
Trong trường, các học sinh rỉ tai nhau một chuyện thế này: Sau khi Vương Giai tan học thì bị người ta lấy bao tải chụp vào đầu, vác lên xe chạy mất.
Cha của Vương Giai là tài xế xe bus, mẹ cậu bé bán hàng ở chợ đêm, gia đình không có nhiều tiền, có lẽ sau khi bắt cóc cậu bé, bọn bắt cóc mới biết điều này nên chúng dứt khoát xuống tay giết chết Vương Giai và vứt xác ra ngoài đường quốc lộ.
Bao Triển loại trừ khả năng người quen gây án, đúng như cha mẹ Vương Giai nói: "Nhà tôi làm gì có tiền, kiếm ăn qua ngày còn khó, tiền vay ngân hàng để mua nhà hãy chưa trả hết, hàng xóm láng giềng đều biết mà.
Chúng bắt cóc con tôi thì được gì?"
Trung tâm giám định pháp y thuộc sở cảnh sát thành phố Phổ Giang giám định lại thi thể của Vương Giai thêm lần nữa.
Vì di thể bị bánh xe cán qua người nhiều lần nên muốn tìm vết tích mà hung thủ để lại cũng vô cùng khó khăn.
Một đứa trẻ đột nhiên bị xẹp lép như chiếc bánh, thử hỏi đã phải chịu một ngoại lực lớn đến nhường nào? Trong lần khám nghiệm thứ hai, các bác sĩ pháp y đã có thêm phát hiện mới, trong tóc và cổ áo của Vương Giai có một vải sợi đay màu vàng, điều này dường như đã chứng thực câu chuyện được lưu truyền trong trường: Vương Giai đã bị hung thủ dùng bao tải chụp vào đầu.
Bao Triển yêu cầu phía nhà trường mở cuộc tổng động viên, khích lệ học sinh nói ra tất cả những gì mình nhìn thấy, nhưng rốt cuộc vẫn không tìm được nhân chứng chứng kiến việc Vương Giai bị bắt cóc.
Tổ chuyên án giấu biệt thông tin Tiểu Hy bị bắt cóc, như thế có thể đánh lừa bọn bắt cóc bớt cảnh giác, từ đó tổ chuyên án có thêm điều kiện thuận lợi để dò la tin tức.
Tiểu Hy mới học lớp một, cô bé có đôi mắt to tròn, tóc cắt mái Hỉ Nhi, thích đọc truyện "Nhóc Marưkô", thần tượng ban nhạc Hàn Quốc TVXQ, đặc biệt là ca sĩ Junsu.
Khi bị bắt cóc, Tiểu Hy mặc đồng phục trường, lưng đeo ba lô.
Sau lúc tan học, cô bé nói với bạn cùng lớp là mình đi mua trà sữa, kết quả một đi không trở lại.
Bao Triển suy luận và phân tích như sau: Bọn bắt cóc có xe, chúng sử dụng phương thức lừa gạt và uy hiếp để bắt cóc nạn nhân, số người bị bắt cóc là hai người hoặc có thể hơn.
Nhóm này rất thận trọng và nhát gan, rất có thể trong nhóm chúng có nữ giới, chúng không muốn hoặc không dám đối kháng trực diện với cảnh sát.
Sau khi bắt cóc, chúng tiến hành quan sát trong bóng tối, hễ biết người nhà nạn nhân báo cảnh sát là chúng dứt khoát bỏ cuộc.
Mục tiêu mà chúng lựa chọn đều là những đứa trẻ từ mười tuổi trở lên, bởi đó là thời điểm mà các bậc cha mẹ dễ lơ là và thả lỏng nhất, hơn nữa ở tầm tuổi đó, trẻ đã biết nói số điện thoại của người thân và địa chỉ của gia đình.
Đầu tiên, bọn bắt cóc mua khá nhiều sim điện thoại, mỗi sim chỉ sử dụng một lần rồi vứt ngay, chúng thay đổi địa điểm gọi điện nhiều lần, điều đó chứng tỏ chúng có năng lực che giấu hành tung rất tốt.
Tổ chuyên án bày sẵn thiên la địa võng, chỉ chờ bọn bắt cóc gọi điện đến.
Vụ án này có rất nhiều điểm khó lường trước, tổ chuyên án không thể đoán được bọn bắt cóc sẽ bắt người nhà nạn nhân mang tiền đến đâu và dùng cách gì để lấy tiền chuộc.
Thông thường bọn bắt cóc có rất nhiều chiêu độc để lấy được tiền chuộc của gia chủ.
Có kẻ yêu cầu gửi tiền vào tài khoản ngân hàng được chỉ định trước, nhưng đây là cách ngu ngốc nhất vì ngân hàng nhà nước quy định chỉ được rút khoản tiền hạn mức ở cây rút tiền trong nước, trong một ngày không được phép rút trên hai trăm ngàn tệ, mà không tên tội phạm bắt cóc nào dám ra quầy ngân hàng để rút tiền, như thế chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này.
Hơn nữa, đầu ra quầy ngân hàng rút tiền thì mỗi lần cũng chỉ rút được năm trăm ngàn tệ.
Những phương pháp lấy tiền chuộc cao siêu hơn phải kể đến là yêu cầu người nhà nạn nhân vứt tiền qua cửa sổ tàu hỏa, còn hung thủ sẽ chui từ đường ống ngầm lặng lẽ chui lên lấy tiền.
Có bọn bắt cóc còn dám ngang nhiên lấy tiền ở những địa điểm có dòng người qua lại đông đúc.
Những phương pháp này của bọn tội phạm đều là những bài sát hạch khảo nghiệm năng lực phản ứng của cảnh sát.
Phần lớn những vụ bắt cóc được phá giải thành công đều do kẻ bắt cóc quả ngu ngốc chứ không phải bởi cảnh sát quả tài trí.
Mười giờ tối, cuối cùng kẻ bắt cóc cũng gọi điện đến, cha mẹ của Tiểu Hy vô cùng lo lắng cho con gái, mấy ngày nay họ đều không thể chợp mắt nối, vừa nhìn thấy số điện thoại lạ, họ lập tức bốc máy lên nghe.
Tô My đang phụ trách nghe lén cũng lập tức khởi động kế hoạch dự phòng, tiến hành ghi âm và phân tích vị trí địa lý của cuộc gọi đến.
Dưới đây là đoạn hội thoại giữa cha mẹ Tiểu Hy và tên bắt cóc.
Bố Tiểu Hy vội chào: "A lô! A lô! Xin hỏi anh là ai? Muốn tìm gặp ai?"
Đối phương im lặng năm giây, rồi cất giọng mũi trầm và nhỏ: "Mày đã chuẩn bị tiền xong chưa?"
Bố Tiểu Hy đáp:"Xong rồi! Xong đâu vào đấy cả rồi! Năm trăm năm mươi ngàn tệ, không thiếu một xu!"
Tên bắt cóc nói: "Mai đưa tiền cho tao, tao sẽ thả con bé ra!"
Mẹ Tiểu Hy sốt ruột cướp ống nghe từ tay chồng, hấp tấp hỏi: "Anh đảm bảo con gái tôi sẽ không sao chứ? Không sao tôi mới đưa tiền cho anh.
Năm trăm năm mươi ngàn tệ không phải con số nhỏ, nhà tôi phải bán vội bán vàng một lô hàng mới kiếm được chừng đó, bất kể thế nào tôi vẫn muốn nghe giọng của Tiểu Hy.
Tôi biết anh cần tiền chứ không cần mạng của nó, nên xin anh đừng làm bừa, hãy để tôi nghe thấy giọng con bé..."
Tên bắt cóc nói: "Cứ yên tâm! Con bé bị cảm cúm nên tao cho uống thuốc, giờ nó ngủ rồi."
Mẹ Tiểu Hy cố tình kéo dài cuộc nói chuyện: "Anh nói xem, con gái tôi làm gì anh mà anh bắt cóc nó? Anh có đánh đập nó không? Anh gọi Tiểu Hy dậy đi! Tôi muốn nghe thấy giọng nó! Bảo nó nói gì đó với tôi vài câu, tôi sẽ khuyên nhủ nó đừng có sợ…"
Tên bắt cóc cắt lời: "Mày không muốn nó sống nữa à? Làm thế này không tốt cho nó đâu! Nhà mày báo cảnh sát rồi phải không?"
Bố Tiểu Hy giật điện thoại lại: "Chưa! Chưa! Chúng tôi chưa hề báo cảnh sát mà! Cần làm gì và nên làm gì tôi biết chứ! Mẹ con bé lo cho nó quá nên muốn nghe giọng của nó thôi! Mong anh hiểu cho!"
Tên bắt cóc xẵng giọng: "Báo cho mày biết, con bé vẫn ổn, nhưng trước hết mày phải nghe lời tao đã!"
Bố Tiểu Hy cuống quýt: "Vâng! Vâng! Tôi sẽ nghe lời anh! Anh nói đi!"
Tên bắt cóc nói: "Ngày mai, lúc hai giờ chiều, mày lái xe và mang theo tiền, sau đó đứng đợi trước cửa ngân hàng Công thương ở đường Kiến Thiết là được! Mày phải nhất nhất làm theo lời tao, chỉ được phép đến một mình và mang theo tiền, điện thoại.
Cả mày và vợ mày đều phải mang theo điện thoại và ít tiền lẻ nữa."
Bố Tiểu Hy nhắc lại: "Hai giờ chiều ở cửa ngân hàng Công thương, phải không? Vâng! Vâng! Anh tuyệt đối không được làm gì con gái tôi đó!"
Tên bắt cóc lạnh lùng: "Mày chỉ cần nhìn máu trên móng tay là biết ngay thôi!"
Bố Tiểu Hy ngơ ngác không hiểu: "Gì cơ?"
Tên bắt cóc nói: "Con bé không sao, nhưng nếu mày báo cảnh sát hoặc đảm giở trò thì lần sau mày nhìn thấy sẽ không chỉ có bấy nhiêu đâu!"
Bố Tiểu Hy tái mặt: "Tôi không hiểu anh muốn nói gì!"
Tên bắt cóc gằn giọng: "Nhắc lại lần nữa, hai giờ chiều ngày mai, ở ngân hàng Công thương trên đường Kiến Thiết, mày lái xe đến và mang theo tiền, nhớ đấy! Còn giờ tao sẽ tặng cho mày một thứ."
Bố Tiểu Hy buột miệng hỏi: "Tặng một thứ ư? Thứ gì? Ở đâu?"
Tên bắt cóc cười nhạt: "Mày mở cửa ra là sẽ thấy."
Điện thoại vang tiếng tút dài, tên bắt cóc đã tắt máy, bố mẹ Tiểu Hy vội vàng ra mở cửa, ngoài cửa không một bóng người, trên nền đất có một chiếc hộp bút bằng nhựa, mở hộp ra, bố mẹ Tiểu Hy cùng lúc hét lên thất thanh.
...!Hộp bút đó là của Tiểu Hy, bên trong không có bút chì, cũng không có tẩy, mà chỉ có hai chiếc móng tay nhoe nhoét máu....