Lời dẫn Có một cách chung mà mọi đứa trẻ đều dùng để đối diện với sự sợ hãi, đó là: chìm vào giấc ngủ – Khaled Hosseini.
Một cậu sinh viên đại học dẫn một cậu nhóc cháu ruột của mình đi xem lễ đền.
Dân gian miêu tả quả chẳng sai – “người đông như trẩy hội”.
Giữa biển người náo nhiệt, chàng sinh viên cùng cậu nhóc đứng dưới chân cột điện.
Ngay giữa quảng trường rộng lớn, các vị “thần tiên” bằng da bằng thịt, mặc những bộ đồ cổ trang, đi cà kheo cao chót vót, hiên ngang bước qua bước tới một cách vững vàng.
Trên cột điện nơi cậu đang đứng, dán không biết bao nhiêu tờ quảng cáo chồng chất lên nhau.
Trong mớ hỗn độn ấy, có một mục quảng cáo khiến cậu vô cùng chú ý.
Ngẩng đầu lên đọc cho kĩ, cậu càng đọc càng thấy chìm vào trong một nỗi sợ hãi vô hình.
Mặc dù đứng giữa dòng người tấp nập trong một ngày đông đầy nắng chiếu trên vai, giữa ban ngày ban mặt, nhưng cậu sinh viên đại học này vẫn có một cảm giác ghê rợn, rùng mình.
Đúng lúc đó, đứa cháu của cậu bỗng dưng biến đâu mất!
Chàng sinh viên hốt hoảng tìm kiếm khắp nơi.
Cậu đưa tay lên vòng trước miệng gọi lớn tên đứa cháu hiếu động.
Một cậu bé đứng lên từ sạp bán câu đối tết gần đó, chạy lại rồi nhảy bổ ra phía sau lưng chàng sinh viên.
Cậu bé vừa giậm chân xuống đấy vừa hô một tiếng thật lớn khiến chàng sinh viên hết hồn: “Òa!”
Chàng sinh viên vừa lo lắng vừa tức giận, tét vào mông cậu nhóc mấy cái nảy lươn, rồi tóm chặt tay cậu bé ra lệnh: “Đi! Đi về nhà ngay!”
Chàng sinh viên này thường ngày thích xem phim ma và đọc tiểu thuyết kinh dị, chẳng bao giờ biết sợ là gì.
Kể cả khi nhìn thấy những bức hình dòi bò dưới da hay xác chết bọc kí sinh trùng, cậu ta cũng bình tĩnh như không.
Vậy thì trên cột điện kia dán quảng cáo gì mà khiến cậu hồn bay phách lạc thế?
Chương 1 Giữa cầu kêu oan Ngày 20 tháng 01 năm 2009, giữa ngày đại hàn giá lạnh, gió bắc rít lên từng hồi, vài giọt mưa lất phất chưa kịp rơi xuống đã vội đóng thành băng.
Trước cửa Cục công an treo những chiếc đèn lồng đỏ rực, ánh đèn điện lấp lóa trên những cành cây xanh.
Suốt một đoạn đường dài hàng chục cây số đã tràn ngập không khí ngày tết.
Một chiếc xe đắt tiền đang tiến ra khỏi cổng.
Một bà lão nhìn thấy vội vàng chạy tới chặn trước đầu xe.
Bà cụ chống một cây gậy dài bước ra giữa đường, quỳ sụp xuống.
Người lái xe giật mình đạp phanh, chiếc xe đột ngột dừng lại.
Bà lão đầu tóc tả tơi, áo quần rách rưới, mái tóc hoa râm bị những trận gió lạnh cuối năm thổi bay, che đi một phần khuôn mặt đầy nếp nhăn và tiều tụy của cụ.
Bà cụ vẫn quỳ ở đó, chiếc gậy và cuộn chăn lấm lem đầy bụi đất đặt trước mặt.
Bà cúi đầu sát đất, đôi tay giơ cao một tờ giấy trắng, như muốn “kêu” lên với những người trước mặt.
Giấy trắng mực đen, trên đó chỉ viết duy nhất hai chữ: “Cứu mạng!”
Lái xe bước xuống, bực dọc tỏ thái độ với bà cụ: “Bà chán sống rồi hả? Bà có biết đây là xe của ai không?”
Bà cụ lê gối vài bước trên nền đường, định bò đến ôm ấy chân người lái xe để cầu xin: “Cứu già với! Làm ơn cứu già với! Đứa cháu nội của già mất tích rồi!”
Người lái xe theo phản ứng lùi lại phía sau vài bước, rồi chỉ vào bà cụ, quát: “Dừng lại! Trên xe là phó bộ trưởng bộ công an và bốn vị của tổ chuyên án, bà dám chặn xe giữa đường thế này thật là to gan lớn mật.”
Bà cụ vẫn quỳ sụp dưới đất, hướng thẳng về phía xe vừa dập đầu vừa kêu oan: “Thanh thiên đại lão gia! Cứu mạng! Xin cứu mạng!”
Người lái xe không thèm để ý đến bà cụ, quay mông bước trở về, ngồi trước vô lăng.
Anh lùi xe lại một đoạn, định lái vòng qua bà cụ để đi tiếp.
Bà cụ vẫn cúi gập người, quỳ mãi không chịu đứng dậy, cả thân nhìn như một tảng đá gầy gò nhưng ngoan cường đứng giữa gió đông lạnh lẽo.
Bạch Cảnh Ngọc cùng bốn người của tổ chuyên án đang trên đường đến dự liên hoan văn nghệ cuối năm của ngành Công an.
Vừa ra khỏi đơn vị đã gặp phải bà lão chặn xe kêu oan.
Bốn người tổ chuyên án đều nhận ra đầu gối quần bà cụ đã rách bươn, lộ cả lớp quần bông lâu năm mặc bên trong ra ngoài.
Điều đó chứng tỏ, bà cụ đã quỳ ở đây nhiều lần, nhưng không có kết quả.
Cuộn chăn của cụ bụi đất tầng tầng, được bọc bằng một một lớp giấy bóng màu xám xịt, chứng tỏ bà cụ hàng đêm vẫn phải ngủ nơi đầu đường xó chợ giữa mùa đông lạnh căm này.
Ngoài Đạo Đức và Pháp Luật, vẫn còn một thứ nguyên tắc phán quyết quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời, ấy là lương tâm con người.
Chiếc xe vừa lái đi được một đoạn lại dừng lại.
Họa Long và Bao Triển mở cửa bước ra, quay lại đỡ bà cụ dậy.
Bà cụ đến từ vùng núi Nghi Mông, nói một chất giọng vùng Tây Nam Sơn Đông đặc sệt.
Phải mất một hồi lâu bà cụ mới kể rõ được tình hình mà mình đang gặp phải.
Đứa cháu nội tên Đản Đản của cụ bị người ta bắt cóc đã một năm nay mà không có tin tức gì.
Quá đau buồn và hối hận, ông nội của Đản Đản đổ bệnh rồi qua đời, mẹ cậu bé cũng liệt giường chẳng dậy nổi, bố cậu đành nén đau thương, nai lưng gắng sức chống đỡ cho gia đình li tán sắp sụp đổ này.
Cụ bà đã ngoài bảy mươi, quyết định chống gậy ra đi tìm đứa cháu nội mất tích.
Hơn một năm ròng, trải qua không biết bao nhiêu khổ nạn, đến không biết bao nhiêu nơi, nhưng hy vọng tìm được đứa cháu trai duy nhất chưa bao giờ vụt tắt.
Nếu ngày nào còn chưa tìm được đứa trẻ, cụ sẽ không quay trở về.
Tổ chuyên án mời bà cụ vào trong phòng làm việc.
Bà cụ vừa buồn rầu vừa tự than thở cho số phận khổ đau của mình, nhưng nay đã may mắn có nhà nước giúp đỡ.
Giáo sư Lương nhẹ nhàng hỏi: “Một năm nay cụ ăn uống bằng gì?”
Cụ bà trả lời: “Giờ xin ăn chứ biết làm sao được! Cũng may đời còn nhiều người tốt.
Khối người còn cho già tiền.
Già còn để dành đây này!”
Tô My lấy chỗ đồ ăn vặt của mình, có một hộp sôcôla, mấy gói hạt và thịt bò khô ra đặt trước mặt bà cụ.
Cụ bà nói: “Con gái con tốt bụng quá! Nhưng già nào còn răng đâu mà nhai được.
Con có nước hay canh nóng gì cho già một bát là được rồi.”
Tô My thấy chua xót trong lòng, nhưng trong văn phòng không còn gì khác pha một cốc cà phê tan đưa cho bà cụ.
Bà cụ lôi từ trong bọc chăn ra một chiếc cốc uống trà đã sứt mẻ, đổ cà phê vào đó, rồi đưa lên vừa xuýt xoa bàn tay lạnh cóng vừa uống, rồi cười nói: “Vừa đắng đắng vừa ngọt ngọt!”
Họa Long nhìn bà cụ, nói: “Cụ ơi! Bây giờ cũng gần tết rồi! Hay để chúng con đưa cụ về nhà.
Chỉ cần cảnh sát địa phương lập án, họ sẽ giúp cụ tìm cháu nội về thôi!
Cụ bà buồn rầu đáp: “Họ có tìm thấy đâu, nên già mới phải lên Trung ương nhờ.
Già là người vùng núi Nghi Mông, từng chữa trị cho Giải phóng quân, từng đưa bánh, khâu giày cho bộ đội.
Năm đó, một vị thủ trưởng cưỡi ngựa nói với già, sau này nếu có khó khăn gì thì cứ tìm đến Trung ương nhờ giúp đỡ.
Bao nhiêu năm nay già dù nghèo khổ cũng vẫn cắn răng cắn lợi mà sống qua ngày.
Nhưng giờ cháu nội già bị người ta bê đi mất rồi, cả nhà người sống người chết, già phải tìm lên Trung ương thôi?”
Những cống hiến của người dân vùng núi Nghi Mông trong cuộc kháng chiến chống Nhật và giải phóng dân tộc của Trung Quốc được cả nước ca ngợi.
Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, điều kện vô cùng khắc nghiệt, vật chất vô cùng thiếu thốn đó, hàng nghìn hàng vạn người phụ nữ Nghi Mông đã có những sự hi sinh lớn lao cho đất nước.
Sự thành lập của nhà nước Trung Quốc mới là công lao vun đắp của nhân dân.
Những người phụ nữ, người chị, người mẹ vùng núi Nghi Mông từng dùng cả dòng sữa của mình để nuôi nấng con cái của các chiến sĩ, để họ yên tâm chiến đấu.
Giáo sư Lương nói với Bạch Cảnh Ngọc: “Đây là một bà cụ đến từ vùng núi cách mạng.
Những gì hứa hẹn năm xưa đã đến lúc phải thực hiện rồi.”
Bạch Cảnh Ngọc phản đối, nói: “Nhưng điều này không đúng với nguyên tắc và trình tự.
Trong xã hội bây giờ mà vẫn còn chuyện chặn đường dâng sớ kêu oan, việc lộ ra ngoài thì trước cửa cơ quan chúng ta phải quỳ biết bao nhiêu đây? Tổ chuyên án không phải đội trinh thám tư nhân, mà chỉ đảm nhiệm những vụ án mạng nghiêm trọng trong nước thôi.
Việc tìm trẻ lạc hãy cứ để cho cảnh sát địa phương tìm thì hơn.”
Bà cụ quay sang hỏi: “Đội trinh thám tư nhân là gì?”
Bao Triển trả lời: “À nhận tiền và giúp người ta phá án, điều tra cụ ạ!”
Cụ bà cởi nút áo bông, lộ ra từ chiếc túi trong một chiếc túi đựng xà phòng đã hết bên trong có một chút tiền.
Cụ nói: “Vì việc tìm Đản Đản, trâu cày nhà già cũng bán rồi, nhà cũng bán rồi.
Chạy chữa bệnh cho mẹ nó cũng hết không ít.
Có cả chút tiền những người tốt bụng cho già đều còn để dành lại.
Đây, giờ già đưa hết cho Trung ương, Trung ương thương lấy thân già này với!”
Cụ bà lại định quỳ xuống lần nữa.
Họa Long vội vàng đỡ cụ dậy, rồi bảo cụ cất tiền vào túi.
Bao Triển giải thích với cụ: “Cụ ơi! Chúng con không lấy tiền của cụ đâu.
Nếu có làm, thì chúng con cũng sẽ làm đội trinh thám tư nhân và miễn phí cho cụ.”
Giáo sư Lương hỏi ba người còn lại trong tổ: “Tổ chuyên án hủy lịch nghỉ tết, mọi người có ai có ý kiến gì không?”
Tô My nói: “Cháu từ nhỏ được bà nội nuôi lớn.
Nếu cháu mà mất tích thế này, chắc chắn bà nội cũng sẽ đi tìm cháu.”
Họa Long quả quyết: “Liên hoan văn nghệ không xem cũng chẳng chết ai!”
Bao Triển cũng đồng ý bỏ qua kì nghỉ lễ giúp bà cụ tìm đứa cháu nội mất tích.
Bạch Cảnh Ngọc thở dài, nói: “Thôi được rồi! Cả bốn người đồng tình kháng lệnh của tôi như thế này, tôi phải tức giận hay vui mừng đây không biết!”
Tô My liên hệ với cơ quan công an địa phương nơi bà cụ sinh sống.
Theo những gì chủ nhiệm văn phòng chống bắt cóc cho biết, mấy năm gần đây có một số bé trai đột nhiên mất tích, trong đó có Đản Đản là cháu nội, của bà cụ.
Phía cảnh sát đã cố gắng rất nhiều, và vẫn liên tục tìm kiếm, nhưng không có kết quả.
Họ chỉ điều tra được rằng cậu bé bị một người phụ nữ trung niên đưa đi.
Có một người qua đường đã thấy người phụ nữ đó nói với Đản Đản rằng: “Bác đưa con đi mua đồ ăn ngon nhé! Lát nữa lại đưa về với mẹ!”
Chủ nhiệm văn phòng còn cho biết: “Người phụ nữ đó nói giọng vùng Dương Thành – Quảng Đông, nhưng cả vùng Dương Thành rộng lớn như thế, họ biết đi đâu tìm một đứa trẻ bây giờ? Đứa trẻ còn có khả năng bị bán đến những vùng núi nghèo, vùng sâu vùng xa, chỉ có cách tìm được kẻ bắt cóc mới có thể biết được tung tích của đứa trẻ.
Trong trường hợp bị bán qua bán lại nhiều lần, hy vọng lại càng mong manh hơn.”
Tô My yêu cầu phía cảnh sát địa phương gửi bản fax ảnh và các tư liệu vụ án đến cho tổ chuyên án.
Sau khi xem xong một lượt, mọi người mới thấy đầu mối vô cùng ít, độ khó của vụ án vì thế tăng lên gấp nhiều lần, nhân chứng duy nhất cũng chỉ nhìn thấy sau lưng của kẻ bắt cóc, và chỉ nghe thấy đúng một câu như trên.
Bạch Cảnh Ngọc nói: “Những kẻ bắt cóc phụ nữ trẻ em thường có tính tập đoàn rất rõ rệt.
Nếu chỉ có một người thực hiện việc bắt cóc thực sự rất khó.
Thông thường quá trình này sẽ có người phụ trách việc bắt cóc, có người phụ trách trung chuyển và có người phụ trách bán trẻ em.
Tất cả hình thành một mạng lưới mua bán chuyên nghiệp.
Phương thức phá án cũng không nhiều.
Phải bắt được kẻ bắt cóc trực tiếp, rồi từ từ lần theo đó để tìm ra người đã mua đứa trẻ.
Nếu mạch điều tra bị đứt quãng, sẽ không có cách nào có thể điều tra tiếp được nữa, mà chỉ còn cách đi mò thông tin những đứa trẻ có lai lịch không rõ ràng, rồi sử dụng việc xét nghiệm máu để xác định, tìm ra bố mẹ đẻ.
Còn có một cách đó là công bố rộng rãi ảnh của đứa trẻ bị bắt cóc, nhờ đến sự giúp đỡ của quần chúng để xác định.
Để phá một vụ án bắt cóc trẻ em có thể sẽ cần đến vài năm, di chuyển tới nhiều thành phố khác nhau, hao tiền tốn của.
Tội phạm bắt cóc thông thường đều gây án tại từ vùng này sang vùng khác, số lượng đồng bọn đông đảo, kinh phí và nguồn nhân lực cảnh sát để phá án đều là những vấn đề quan trọng.
Các tạp chí trực thuộc bộ công an đều có chuyên mục tìm người lạc mỗi năm đều nhận được một lượng lớn người gửi thư tới, hầu như đều là các bậc cha mẹ có con bị mất tích gửi thư đến nhờ giúp đỡ tìm kiếm.”
Bạch Cảnh Ngọc gọi một cú điện thoại, kêu cấp dưới đưa đến một thùng thư.
Tổ chuyên án đọc xong mấy bức thì không thể đọc tiếp nổi nữa.
Những bức thư đó khiến bất cứ ai đọc được cũng phải đứt từng khúc ruột.
Sau đây là một vài đoạn trích:
“Lạc Lạc à! Hôm nay là ngày thứ mười kể từ khi con rời xa bố mẹ.
Ngày nào mẹ cũng chỉ biết khóc, không dám nhắm mắt lại.
Kể từ khi con rời xa bố mẹ, trong đầu mẹ lúc nào cũng là hình ảnh khi con trở về nhìn bố mẹ mà cười vui sướng! Mẹ mong biết bao giây phút xúc động lòng người ấy sẽ đến.
Không biết con còn muốn trừng phạt bố mẹ đến khi nào? Ngày nào mẹ cũng chỉ biết ôm ảnh con vào lòng mà khóc, mà hối hận.
Tất cả là tại mẹ không tốt, không làm tròn trách nhiệm của mình.
Nếu được chọn lựa, mẹ chỉ muốn tim mình ngừng đập.
Mẹ không chịu được những ngày tháng đau khổ vì mất con như thế này.
Mẹ sắp không cầm cự được nữa rồi, con ở đâu?
…
Con yêu! Cha đã già rồi! Không biết con ở đâu? Bao nhiêu năm nay con sống ra sao? Cha sẽ tiếp tục tìm con như đã tìm bao năm nay vậy!
Con sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1989, cha đặt tên con là Giang Huy.
Khóe mắt phải của con có một nốt ruồi màu đen, trên bụng có một vết bớt đỏ hình tam gác, trên trán có một vết sẹo bằng móng tay vì hồi nhỏ con nghịch cạnh bếp lửa chẳg may vập đầu vào.
Con nhóm máu B.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, mặc dù không có cha mẹ cạnh bên, nhưng con chắc đã lớn thành người rồi, và có thể con đã không còn nhớ cha mẹ là ai nữa.
Nhưng những gì về con, cha đều nhớ như in, cứ như mọi việc mới chỉ vừa xảy ra ngày hôm qua đây thôi vậy.
Cha luôn nhớ và đi tìm con.
Không bao giờ cha quên được cái ngày 15 tháng 8 năm 1995 định mệnh ấy.
Cha đã không trông con cẩn thận, để con bị bọn bắt cóc bê đi mất.
Cha thật hối hận, cha hối hận vô cùng.
Lẽ ra cha phải chơi cùng con, phải trông con như mọi ngày, có lẽ vận mệnh của gia đình mình đã khác.
Lúc con bị bắt đi, cha vẫn còn loáng thoáng nghe được con gọi một tiếng “cha ơi”, bao nhiêu năm nay tiếng gọi ấy cha chưa bao giờ quên được.
Lúc rời xa cha mẹ, con mới có năm tuổi giờ này con đã gần hai mươi.
Con biết không, bà nội vì mất cháu mà phát bệnh tim qua đời.
Mẹ con cũng tái giá rồi.
Chúng ta không thể trách mẹ con được, tất cả là lỗi của cha, và cha không thể nào bù đắp được cho mẹ.
Hai tháng liền sau đó, cha ngoài việc nằm trên giường suy nghĩ ra, không còn biết làm gì khác, không biết phải đi đâu về đâu.
Sau đó, cha hạ quyết tâm, nhất định phải tìm đưa con trở về, bất kể phải đợi đến khi nào, bất kể con bị bán tới nơi đâu.
Bao năm nay, cha đã đặt chân tới những nơi nào chính cha cũng không nhớ rõ.
Cha chỉ biết tìm từ thành phố này sang thành phố khác, dán thông báo tìm trẻ lạc khắp nơi.
Đến đâu cha cũng hỏi thăm mọi người rồi tìm cả mối để mua thông tin nữa.
Mặc dù con không ở bên cạnh, nhưng cha vẫn cảm nhận được con đang ngày một lớn lên.
Đi đến nơi nào cha cũng tìm đến các trường học để tìm kiếm, chỉ tiếc là, cha vẫn chưa tìm thấy con.
Thực lòng mà nói, đã có lúc cha muốn buông xuôi.
Con biết không, đôi khi, đối mặt với biển người rộng lớn, không biết phải đi tìm nơi đâu, cha chỉ còn biết tìm đến với rượu để mình say mà quên đi.
Bởi cha thực sự sợ hãi, sợ hãi rằng không biết cha còn có thể tìm thấy con nữa hay không? Và phải tìm bao nhiêu năm nữa?
Cha đã già rồi! Những đồng xu cuối cùng trên người cũng đã sớm chẳng còn là bao.
Mặc dù người thân và bạn bè đều khuyên cha đừng tìm nữa, và cũng có những người cho rằng cha là kẻ điên, nhưng việc tìm con là cái đích duy nhất mà trước đây, hiện tại và cho đến trước khi tìm thấy con mà cha hướng đến.”
Những bức thư này càng làm tổ chuyên án kiên định hơn nữa việc phải giúp bà cụ tìm thấy đứa cháu của mình.
Mọi người phân tích rằng việc những kẻ bắt cóc trẻ sơ sinh chủ yếu để bán, nhưng những đứa trẻ lớn tuổi hơn một chút thì chủ yếu để tổ chức thành những nhóm ăn xin.
Đản Đản khi bị bắt cóc đã bốn tuổi, kẻ bắt cóc nói giọng Dương Thành, do đó khả năng cậu bé là ăn xin ở Dương Thành là rất lớn.
Tổ chuyên án quyết định phái người đưa cụ bà về nhà, nhưng cụ nhất định không chịu, mà đòi đến Dương Thành tìm cháu cùng tổ chuyên án.
Cụ nói rằng, cho dù mình phải đi làm ăn xin, dù phải chết đầu đường xó chợ, khi chưa tìm thấy cháu sẽ không chịu về nhà.
Không thể khuyên nổi, tổ chuyên án đành đưa cụ đến Dương Thành cùng cả nhóm, có bà cụ, việc nhận diện cũng dễ dàng hơn.
Khi trên máy bay, nhìn thấy bà cụ rách rưới, nữ tiếp viên hàng không có phần kinh ngạc, có lẽ đó là lần đầu tiên họ thấy một bà cụ nhà quê ngồi máy bay.
Nữ tiếp viên hỏi bà cụ uống gì, cụ ôm chặt chiếc bao tải đựng lỉnh kỉnh những thứ đồ của mình, xua xua tay từ chối.
Một lát sau, đến giờ phát đồ ăn, bà cụ nói mình không đói, nữ tiếp viên rót đưa cho bà một cốc nước nóng.
Bà cụ đã có hành động khiến mọi người đều kinh ngạc.
Cụ lấy từ trong túi ra một nắm tiền lẻ, toàn là năm xu một đồng.
Khi nữ tiếp viên nói các đồ ăn trên máy bay đều miễn phí, bà cụ mới cầm lấy, nhưng vẫn không nỡ ăn mà bỏ vào bao tải.
Trong bao tải của cụ còn có đến mấy chục túi Snack Khoai tây loại rẻ tiền.
Bà cụ mua rất nhiều Snack Khoai tây vì đó là loại đồ ăn vặt mà cháu nội cụ rất thích.
Tổ chuyên án và bà cụ đã đến Dương Thành.
Họ ngồi xe khách vào trung tâm thành phố.
Sau khi xuống xe, Bao Triển chú ý tới một đoạn quảng cáo kỳ dị dán trên cột điện, nội dung quảng cáo như sau:
CHUYỂN NHƯỢNG TRẺ TÀN TẬT
Hiện tôi có ba trẻ tàn tật:
Mất hai chân, giá chuyển nhượng 8000 tệ.
Hai tay dị tật giá chuyển nhượng 6000 tệ.
Câm điếc thiểu năng, giá chuyển nhượng 5000 tệ.
Tất cả đều có kinh nghiệm trong lĩnh vực ăn xin, nghe lời, thật thà, chắc chắn không bỏ trốn.
Nay tôi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng, có thể chuyển nhượng tất cả hoặc chuyển nhượng lẻ từng người.
Nếu chuyển nhượng cả một và hai, sẽ được tặng cả ba.
Do có việc gấp cần về quê nên tôi mới chuyển nhượng ạ.
Ai có nhu cầu xin liên hệ.
Chương 2 Địa ngục Tô My nói: “Không hiểu người bố nào có thể đăng quảng cáo chuyển nhượng con cái mình cho đi làm ăn xin như thế này được không biết?”
Giáo sư Lương giải thích: “Có một điều hiển nhiên dễ nhận thấy, đây là con của người khác.”
Bao Triển bức xúc nói: “Mua hai tặng một! Quảng cáo chuyển nhượng trẻ em lại công khai dán ngay giữa đường giữa phố như thế.
Xã hội này thật đáng sợ!”
Họa Long nói: “Nếu bây giờ còn giữ hình phạt lăng trì[1] thì những kẻ bắt cóc trẻ em, đập cho tàn phế, rồi bắt chúng đi làm ăn xin ăn mày kia nhất định phải xử bằng cách ấy mới thích đáng.”
Bao Triển lột lấy tờ dán quảng cáo trên cột điện, rồi cẩn thận bỏ vào trong túi.
Ủy ban thành phố cách đó không xa.
Tổ chuyên án quyết định đi bộ tới đó, trên đường nhìn thấy không ít ăn xin.
Đi qua cửa một siêu thị ven đường, một thằng bé trông nhem nhuốc bẩn thỉu bỗng nhiên chạy ra bám chặt lấy chân Họa Long.
Họa Long gọi bà cụ lại, bảo: “Cụ ơi, cụ lại đây xem có phải cháu cụ không?”
Cụ bà nhìn một lát, rồi lắc lắc đầu, rồi cụ lấy ra một túi snack khoai tây bỏ vào bàn tay bé nhỏ đang xòe ra của đứa bé.
Tới một ngã tư đường, bốn người tổ chuyên án và bà cụ phát hiện ra: Cứ mỗi khi có đèn đỏ, là một đám ăn xin ùa ra như ong vỡ tổ, chúng chạy lại ngửa tay xin tiền những người lái xe qua lại, thậm chí trong số đó còn có cả một người phụ nữ đang có bầu, trên lưng còn cõng cả một đứa trẻ sơ sinh.
Cô ta dùng đôi bàn tay đen nhẻm và nhơ nhuốc gõ gõ vào cửa xe, rồi chỉ chỉ ra đứa trẻ phía sau lưng mình, rồi lại chỉ chỉ vào miệng, a a vài tiếng không rõ muốn nói gì, cuối cùng ngửa tay ra xin tiền rất… “chuyên nghiệp”.
Khi nhìn vào đó, chúng ta đều có thể đoán được đó là một bà bầu bị câm làm nghề ăn xin.
Thế nhưng, khi nhìn thấy có một người nước ngoài đang ngồi phía sau xe, cô ta rất nhanh chóng chạy xuống cửa dưới thoăn thoắt như một người bình thường, không có chút dáng vẻ mệt mỏi nào của một người đang mang bầu.
Kinh ngạc hơn nữa, người phụ nữ câm chu đầu vào trong cửa xe, rồi mở miệng nói tiếng Anh bồi với khách: “Hello! Money!” (Xin chào! Tiền!).
Giọng nói cô ta có phần khàn khàn, nghe như trong họng tắc đầy khói bụi.
Cô ta không ngừng lặp đi lặp lại mấy từ tiếng Anh nọ, cho tới khi người đàn ông ngoại quốc nở một nụ cười lịch sự, đưa cho cô ta tờ một trăm tệ.
Những vụ án trước đây đều là do tổ chuyên án nhận được lời “cầu cứu” từ phía cảnh sát địa phương, nhưng lần này thì ngược lại.
Trưởng cục Cảnh sát Thành phố tiếp đãi tổ chuyên án một cách nồng nhiệt.
Sau khi nghe rõ mục đích của tổ chuyên án, ông tỏ ra rất nhiệt tình giúp đỡ, rồi bảo người sắp xếp nơi ở và làm việc cho tổ chuyên án.
Cả nhóm được sắp xếp vào ở tại năm phòng trong khu tiếp đãi khách của cơ quan.
Theo những gì được giới thiệu tại Dương Thành có một lượng lớn ăn xin chuyên nghiệp.
Theo kết quả điều tra, hiện nay những ăn xin đầu đường xó chợ ở đây chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm, trong đó một bộ phận chủ yếu là những người già.
Khoảng 10% trong số ăn xin ở đây được cho là những người có bệnh về thần kinh hoặc thiểu năng trí tuệ, chủ yếu tập trung ở khu vực Lan Sa, Tòng Hoa, Tăng Thành, v.v… Những đứa trẻ ăn xin chủ yếu tập trung ở khu Nguyệt Tú, Lệ Loan, Thiên Hòa.
Một nửa trong số trẻ em đó còn làm cả nghề nhặt rác, chúng chủ yếu tập trung ở những khu mua sắm, điểm tham quan du lịch và các bến xe bến tàu.
Tại khu Việt Tây của Dương Thành còn có một xóm ăn xin, những người ở đây đi ăn xin như đi làm nghề chân chính, sáng đi tối về.
Trưởng cục Cảnh sát thành phố gọi một cảnh sát khu vực đến, rồi trình bày với tổ chuyên án: “Cậu Tiểu Mã này là người phụ trách tình hình trật tự trị an của xóm ăn mày, cũng quen với công tác cứu trợ giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, cậu ấy sẽ nhận công tác giúp đỡ tổ chuyên án trong chuyến công tác lần này.”
Họa Long tức giận nói: “Cảnh sát khu vực? Nghĩa là thế nào? Chúng tôi đường xa tới đây, phía cảnh sát thành phố chỉ sắp xếp một cảnh sát khu vực nhỏ thế này thôi sao?”
Vị lãnh đạo nói một cách e ngại: “Hôm nay đã là hai sáu Tết rồi, cảnh sát thì cũng cần phải có Tết chứ, dù sao cũng đã làm việc cả năm trời rồi! Hầu như các cảnh sát đều đã nghĩ tết hết rồi, thực sự không thể tìm đâu thêm người được nữa.
Hơn nữa còn phải lo đến vấn đề trật tự trị an ngày tết nữa, nên chúng tôi không kiếm đâu ra người được nữa cả.
Các đồng chí nghĩ mà xem, việc chống trộm cướp, chống cháy nổ, an toàn giao thông, an ninh thành phố, có phần nào là không quan trọng bằng việc tìm một đứa trẻ không chứ?”
Giáo sư Lương tỏ ý thông cảm.
Trước cổng Cục cảnh sát bỗng nhiên xuất hiện một nhóm người đang hô hào ầm ĩ, căng khẩu hiệu.
Đây là một nhóm công nhân đi đòi lương.
Cục trưởng đưa tay vén rèm cửa sổ, rồi nói với tổ chuyên án: “Các vị nhìn thấy rồi đấy! Cuối năm rồi, những việc cần giải quyết cũng nhiều lên rất nhiều.
Các vị cứ ở lại đây đã, đến qua tết mọi việc sẽ dễ giải quyết hơn.”
Tiểu Mã là một cảnh sát có phần thô lỗ.
Anh ta tỏ rõ thái độ không vui khi lãnh đạo giao nhiệm vụ cho mình.
Tiểu Mã lái xe đưa bốn người tổ chuyên án và bà cụ đến khu nhà khách của cơ quan, trên đường cậu ta không ngừng dùng tiếng địa phương mắng chửi.
Giáo sư Lương quyết định không ở trong nhà khách của Cục cảnh sát mà vào ở ngay trong xóm ăn xin.
Cảnh sát Tiểu Mã cười khó hiểu rồi nói mỉa một câu: “Các vị đầu óc có vấn đề cả rồi sao?”
Không vào hang cọp sao bắt được cọp con.
Muốn hiểu cuộc sống của những người ăn mày, thì phải bước vào sào huyệt của chúng mới mong hiểu rõ được.
Tại Dương Thành có rất nhiều xóm nhỏ nằm trong thành phố.
Trong những xóm kiểu này, những người nghèo khổ làm bạn với nhau.
Dân ngoại thành thuộc những tầng lớp khác nhau đều tập trung tại đây, mỗi xóm làng giữa chốn đô thành này đều là một xã hội nhỏ.
Đó không phải là những xóm rìa, mà chính là những ung nhọt, những phần thừa của thành phố, thành phần tạp nham, trị an hỗn loạn.
Các số liệu tổng hợp cho thấy, có đến 80% những vụ án xảy ra ở Dương Thành là do những người ngoại tỉnh gây ra, và 90% số dân ngoại tỉnh đó lại sống trong chính những xóm làng kiểu này.
Đây là những “hang ổ” của nghèo đói trên đất nước Trung Quốc.
Chửi bậy, u ám, tù túng, hỗn loạn, khắp nơi là những “lầu xanh lầu vàng”.
Ngay giữa trưa nắng cũng không thấy ánh mặt trời, khoảng cách hạn hẹp giữa hai khu nhà nhỏ đến nỗi một chùm sáng mặt trời cũng là thứ gì đó vô cùng xa xỉ.
Đây chính là nơi mà người ta thường gọi là “chốn giang hồ”, người nào ở đây chưa từng bị mất đồ thì đúng là một hiện tượng lạ.
Ngoài trộm cắp, còn có những kẻ bảo kê chuyên bắt nạt người khác.
Chúng đến các sạp bán hàng đòi thu phí bảo hộ giống như nhà nước thu thuế kinh doanh.
Ở những nơi này còn có hai nghề rất “phất”, một loại là những nơi tổ chức đánh bạc dưới hầm, hai là những cô ả gội đầu kéo khách ở đầu phố.
Ở những chỗ tập trung tất cả những thứ rác rưởi của xã hội này, các băng nhóm tràn ngập, trộm cắp, cướp bóc, lừa gạt, mại dâm, bắt cóc trẻ em, cờ bạc, rửa tiền, làm giả v.v… vẫn diễn ra một cách tấp nập hàng ngày.
Tiểu Mã tìm một căn nhà ba phòng ngủ một phòng khách trong làng ăn xin để làm chỗ ở tạm thời cho tổ chuyên án.
Trong xóm giữa thành phố này, đây đã được coi là nơi vô cùng hoa lệ rồi.
Tiểu Mã trước khi rời đi đã để lại số điện thoại của mình.
Đồn cảnh sát nơi anh ta làm việc cách đó không xa, vì vấn đề an toàn, xe sẽ được đặt trong sân của đồn cảnh sát.
Tiểu Mã dặn dò tổ chuyên án không nên nói chuyện với người lạ, nếu không có việc gì thì không nên đi ra ngoài.
Tiểu Mã nói với Họa Long: “Anh mang theo súng nhất định phải để thật cẩn thận.”
Họa Long trả lời: “Người anh em, cậu cứ yên tâm đi!”
Tiểu Mã nói một cách nghiêm túc: “Tôi từ trước tới giờ đều không dám mang theo súng.
Ở đây kẻ trộm còn nhiều hơn người bị trộm.”
Trong phòng từ đồ gia dụng đến điện nước đều không thiếu thứ gì.
Trên bức tường bê tông bên ngoài cửa sổ có viết mấy hàng “biểu ngữ” ghi: “Cấm đái ỉa bậy? Đứa nào đổ rác ở đây chết mẹ nó đi?” Phía trên hành lang phơi đầy quần áo lót, nước từ đó nhỏ tong tong xuống đầu những ai đi qua, mặt đất hình như đã rất lâu rồi luôn ở trong tình trạng ướt át.
Tổ chuyên án dọn dẹp qua một chút, mặc dù tâm lý có phần không được như ý, nhưng căn phòng cũ này lại cho họ cảm giác của một gia đình.
Họa Long nhìn ra ngoài cửa sổ, nghĩ lại rất nhiều điều anh từng trải qua trong quá khứ.
Họa Long hiểu rất rõ thành phố này, anh từng đến Dương Thành, trà trộn vào một ổ nhóm buôn bán ma túy, từng “dạy dỗ” một tên oắt láu cá ở quảng trường tại bến tàu hỏa, từng giao đấu với xã hội đen, và đã từng một thời gian ngủ lại trong một ngôi nhà mà người ta gọi là “nhà ma”.
Anh vẫn còn nhớ như in, những dây thường xuân dài mọc um tùm dưới tầng một của ngôi nhà ấy, chúng từ từ ngoi sang cả cột điện, trông chẳng khác nào một thác nước màu xanh mượt, những ai qua đó đều phải đưa tay vén những ngọn cây xõa xuống sang hai bên mới đi được.
Tô My nói: “Xem ra, chúng ta phải đón Tết ở đây rồi.”
Bà cụ cười cảm thán: “Chỗ này còn tốt hơn nhà ở quê nhiều.
Tối nay, già làm bánh chẻo nước cho mọi người ăn.
Năm hết Tết đến rồi, cũng phải ăn chẻo nước cho đúng phong tục chứ.”
Bao Triển thở dài: “Ra tết phía cảnh sát thành phố cũng chưa chắc giúp chúng ta phá án, họ làm thế này là cũng chưa chắc giúp chúng ta phá án, họ làm thế này là để chúng ta rút lui đấy thôi.”
Giáo sư Lương vẫn bình tĩnh: “Nếu đến một đứa trẻ cũng không tìm ra được, chúng ta còn gọi gì là tổ chuyên án nữa?”
Tổ chuyên án chỉ có bốn người, cộng thêm một bà cụ già nữa, giữa biển người mênh mông, biết đi đâu để tìm đứa trẻ bây giờ?
Họa Long bỗng nhớ ra điều gì, nói: “Có một người có thể sẽ giúp được chúng ta đấy!”
Giáo sư Lương hỏi: “Ai?”
Họa Long trả lời: “Hắc Bì, một người bạn của cháu trong giới xã hội đen.”
Tại Dương Thành có không ít băng đảng giang hồ.
Tại địa bàn khu bến tàu hỏa và bến xe khách đều có những thế lực đen cai quản.
Sau nhiều lần thanh trừng rồi sát nhập, một kẻ tên Trâu Quang Long trở thành đại ca ở đó.
Hắc Bì vốn là thủ hạ của Trâu Quang Long, một tay đấm bốc xã hội đen.
Trâu Quang Long bị bắt vào ngục, tên tuổi của Hắc Bì ngày càng vang, rồi lên thay vị trí của ông trùm cũ, khống chế ngành vận tải hành khách ở Dương Thành này.
Họa Long nói: “Nếu Hắc Bì chịu giúp, vận động hệ thống lái taxi trong thành phố giúp đỡ tìm kiếm đứa trẻ, thì hi vọng của chúng ta sẽ rất lớn.”
Tô My lên tiếng phản đối: “Thật nực cười! Cảnh sát chúng ta, lại phải nhờ vả đến những tên xã hội đen như thế sao?”
Bao Triển nói: “Những cảnh sát địa phương có chịu nhúng tay vào đâu.”
Họa Long đồng tình: “Có những người cảnh sát, thích đánh là đánh, thích chửi là chửi, xòe tay ra là vòi tiền, cũng chẳng khác gì xã hội đen.
Mẹ kiếp! Vứt chúng ta lại đây chẳng đạo nghĩa bằng mấy anh em giang hồ!”
Giáo sư Lương quyết định lợi dụng tất cả các lực lượng trợ giúp từ xã hội.
Họa Long và Bao Triển đi tìm Hắc Bì mong thận được sự giúp đỡ Tô My đi liên hệ với các tổ chức tình nguyện viên và các nguồn hỗ trợ tìm kiếm.
Năm 2007, một đôi vợ chồng thành lập một trang mạng mang tên “Con ơi! Về nhà thôi!”, với mục đích trợ giúp những đứa trẻ bị bắt cóc, bị bỏ rơi, đi lạc, những đứa trẻ lang thang ăn xin tìm về với gia đình.
Đây là một tổ chức tập thể công ích xã hội không thu bất cứ một loại phí nào, và rất nhanh chóng trên khắp Trung Quốc đã thành lập các tổ chức tình nguyện viên cứu trợ.
Hàng ngàn hàng vạn người hảo tâm đã âm thầm cống hiến, giúp đỡ một trăm sáu mươi tám gia đình đoàn tụ.
Người lập ra trang mạng này tên là Trương Bảo Diễm.
Năm 2009, trong chương trình “Cảm động Trung Quốc”, bà đã vinh dự được nhận giải thưởng nhân vật chính trị pháp luật của thập niên.
Chúng ta cần phải ghi nhớ cái tên đáng kính này!
Tô My thông qua Trương Bảo Diễm liên hệ được với tổ chức tình nguyện viên tại Dương Thành.
Hội trưởng là một nữ sinh viên đại học, và điều đặc biệt là cô cũng sống trong xóm ăn xin này.
Tổ chuyên án lập tức mời cô sinh viên này tới.
Cô gái tên là A Đóa, đeo một cặp kính cận dày cộp, là người mắc bệnh trầm cảm, vô cùng ít nói, nhưng là người rất có sức ảnh hưởng và có khả năng hiệu triệu mọi người.
Tổ chức tình nguyện viên nơi cô tham gia đã có đến năm trăm hội viên, là một tổ chức công ích khá lớn.
A Đóa hỏi bà cụ: “Bà cần bao nhiêu người ạ?”
Bà cụ không trả lời, rồi lại quỳ sụp xuống.
A Đóa vẫn giữ nét mặt trầm ngâm, nói: “Được rồi! Năm trăm người! Ngày mai cháu sẽ huy động toàn bộ các tình nguyện viên lên phố tìm kiếm.”
Nhà của A Đóa nằm trong xóm này, cô từng chính mắt chứng kiến không ít hình ảnh đau thương.
Một năm trước cô tình cờ nhìn thấy một vụ ngược đãi trẻ em vô cùng ác độc.
Kể từ đó, cô bắt đầu quan tâm đến những đứa trẻ bị bắt cóc, rồi trở thành một tình nguyện viên.
Hôm đó, chú mèo của A Đóa chạy sang ban công nhà hàng xóm.
Cô bé trèo sang để bắt mèo, vô tình nhìn thấy một cảnh tượng đáng sợ như chốn địa ngục trần gian.
Nhà hàng xóm có năm người, một ông lão ăn xin, một người phụ nữ trung tuổi, một thanh niên tóc dài và hai đứa trẻ.
Họ trông giống như một gia đình đích thực, hai đứa trẻ nhỏ đều đang khóc lóc gọi mẹ ơi.
Bên cạnh đó, một người phụ nữ đang đứng chống nạnh, quát: “Tao chính là mẹ chúng mày hiểu chưa?”
Đứa trẻ nhỏ càng khóc lớn, vừa khóc vừa gào: “Không phải! Không phải! Cháu muốn mẹ cơ! Cháu muốn mẹ cơ!”
Ông già ăn mày rít qua kẽ răng, quát nạt: “Còn khóc nữa tao đập chết ra bây giờ!”
Người thanh niên tóc dài tóm lấy một đứa trẻ, rồi vô cùng thô bạo dúi cổ đứa trẻ xuống đất.
Đứa trẻ còn lại tròn mắt nhìn anh ta sợ hãi.
Người thanh niên tóc dài lấy chân giẫm lên khớp tay của đứa trẻ, rồi tóm lấy bàn tay, giật mạnh một.
Chỉ nghe một tiếng “rắc”, đứa trẻ đau đớn thét gào rồi bất tỉnh nhân sự.
Hắn ta đã dễ dàng bẻ gãy tay một đứa bé mà không hề chớp mắt.
Người thanh niên tóc dài hất mái tóc sang một bên như chưa hề có chuyện gì xảy ra, rồi nói: “Đứa tiếp theo!”
Chương 3 Hai chốn thiên đường Ngày 22 tháng 01 năm 2009, tức ngày hai bảy tháng chạp âm lịch, chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết.
Đối với người Trung Quốc mà nói, ngày Tết là ngày lễ của sự đoàn tụ.
Bất luận chúng ta có ở chân trời góc bể nào, cho dù trời có lạnh đêm có đen, ai ai cũng mong muốn trở về nhà trước giờ giáp canh.
Những đứa trẻ của chúng ta đang ở đâu? Liệu chúng có thể tìm được đường về nhà không? Có một bài hát viết cho những đứa trẻ bị bắt cóc như thế này:
Bé ơi có sợ đêm đen?
Gió đông rét mướt, ngủ quên giữa đường!
Khuôn trăng dòng lệ rưng rưng,
Tủi hờn số phận, bỗng dưng xa đàn!
Con góc bể, mẹ non ngàn
Tim đau quặn thắt, mẹ hằng nhớ mong!
Gió Bắc thổi, tuyết bay ròng
Áo manh con mặc, đau lòng mẹ cha.
Con ơi con ở nơi xa,
Mẹ cha biết kiếm đâu ra hỡi trời?
Dẫu phải chuyển núi gạn khơi.
Tìm con góc bể, chân trời quản chi.
Con ơi mau hãy về đi.
…
Mấy trăm tình nguyện viên đội gió rét tập trung tại quảng trường Việt Tây.
Họ chủ yếu là các sinh viên Đại học, và cả một số nhân viên làm văn phòng.
A Đóa là hội trưởng hội tình nguyện viên này.
Cô và Tô My mang phát cho mỗi người một bức ảnh và các thông tin liên quan đến Đản Đản.
A Đóa chia cả đội thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm phụ trách một khu vực.
Nếu tìm thấy đứa trẻ này, không được tiến hành giải cứu ngay mà phải âm thầm theo dõi, thông báo đến tổ trưởng để liên hệ với lực lượng cảnh sát.
A Đóa cất giọng đầy uy nghiêm: “Xuất phát!”
Trên quảng trường có vài dân văn phòng đứng hóng chuyện.
Tết đến, được nghỉ dài ngày, họ đang bàn với nhau xem nên đi đâu chơi cho hết kì lễ.
Một chàng trai hỏi: “Chúng ta đi đánh bóng chuyền, hay là đi quán bar uống rượu nhỉ? Hay là đi hát Karaoke vậy?”
Một cô gái đứng cạnh đó nhìn đội ngũ tình nguyện viên rồi bảo: “Sao chúng ta không đi làm một việc gì đó vui hơn nhỉ?”
Chàng trai hỏi: “Việc gì?”
Cô gái trả lời: “Chẳng lẽ anh không nhìn ra sao? Chúng ta nên gia nhập vào tập thể bọn họ mà giúp đỡ đi chứ còn gì nữa!”
Tại rất nhiều thành phố đều có những tình nguyện viên âm thầm cống hiến như thế này.
Họ không cần có danh lợi, không từ khó khăn.
Nhóm tình nguyện “Bé ơi! Về nhà thôi?” cần nhiều hơn nữa sự tham gia của những người có lòng nhân ái và nhiệt huyết, quan tâm đến những đứa trẻ bị bắt cóc là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân chúng ta.
Tô My và A Đóa ở cùng một nhóm.
Họ cùng nhau đi đến khắp các ngóc ngách tận cùng của thành phố, rồi sang cả những nơi phồn hoa náo nhiệt để tìm tung tích của những kẻ ăn mày.
Những đứa trẻ ăn xin ở đâu? Ở những góc khuất bị người ta lãng quên theo ngày tháng.
Rất ít người muốn tiếp cận với họ, không phải vì không để ý đến, mà là thấy nhưng giả như không.
Khi bạn nhìn thẳng vào ánh mắt của một kẻ ăn mày, sẽ là lúc bạn nhìn thấy mình rõ hơn bao giờ hết.
Một đứa trẻ xin ăn quỳ dưới đất, điều đó đang trần thuật lại một tội ác của tất cả chúng ta!
Trước cửa một cửa hàng KFC, Tô My và A Đóa nhìn thấy một cô bé gầy chỉ còn da bọc xương, đang cầm một hộp KFC trống không giơ về phía những người qua đường mong có ai đó tốt bụng sẽ bỏ vào trong hộp một đồng xu nào đó.
Trong hộp chỉ có một vài đồng tiền lẻ và mấy xu tiền kim loại.
Cô bé buộc tóc sừng trâu hai bên, khoảng chừng mười tuổi, trên người chỉ có một chiếc quần len và áo len mỏng, toàn thân run lên cầm cập.
Cô bé giống như một tảng đá ngoan cường giữa dòng nước cuốn, những người qua đường vẫn trôi qua cô bé như không hề thấy gì trước mặt.
Tô My thấy cảnh đó thì vô cùng đau xót, muốn lại gần cho tiền.
Nhưng A Đóa đã ngăn lại nói: “Số tiền cô bé xin được, khi mang về cũng phải nộp lại cho ông trùm, chi bằng mua cho nó ít đồ ăn thì hơn.”
Cô bé con không xin được tiền, đứng phía ngoài cửa kính tiệm KFC.
Cô bé tiến sát lại tấm kính, rồi đưa tay đặt lên trán như suy nghĩ gì, đôi mắt có phần tham lam nhìn vào phía trong cửa tiệm.
Cô bé dường như đã đói lắm, cật lực nuốt nước bọt thèm khát.
Tô My bỗng nhiên nhớ đến cô bé bán diêm trong Truyện cổ tích, hoàn toàn có thể đoán được tâm tư của cô bé con đang đói khát kia lúc này như thế nào.
Một lát sau, cô bé đành nằm xuống, co ro thành một đám dưới góc tường.
Tô My mua một hộp “phần cho cả nhà” rồi đi tới, gọi cô bé dậy.
Cô bé ngồi dậy, rồi lễ phép nói “cảm ơn!”
Tô My ngồi xuống, hỏi cô bé: “Cháu tên là gì?”
Cô bé cầm một bắp ngô bên tay trái, tay phải cầm chiếc đùi gà.
Nó đói quá nên phải đợi nuốt được một hồi mới ngẩng lên trả lời: “Cháu không có tên!”
A Đóa lấy tấm ảnh của Đản Đản ra, hỏi: “Cháu đã bao giờ nhìn thấy cậu bé này chưa?”
Cô bé đảo mắt một, rồi lại nói: “Mọi người đều gọi cháu là Tử Muội Đinh.”
Tô My hỏi: “Tử Muội Đinh, nhà cháu ở chỗ nào?”
Cô bé ngẩng đầu lên nhìn Tô My một cách dò la, rồi không nói gì.
Tô My lại hỏi lần nữa: “Cháu chạy từ nhà đến đây đấy à?”
Cô bé cắn cắn môi, rồi trả lời một cách dứt khoát: “Cô ơi! Cô đừng hỏi cháu nữa được không?”
Tô My nói: “Cháu phải nói nhà cháu ở đâu, thì cô mới đưa cháu về được chứ!”
Cô bé im lặng hồi lâu rồi mới nói: “Cháu không có nhà! Đường phố này chính là nhà của cháu.”
Tô My hỏi tiếp: “Thế cháu định sau này làm thế nào? Không phải định làm ăn mày cả đời chứ?”
Cô bé trả lời: “Cháu muốn thành… Nhưng cháu không đủ xinh đẹp.”
Tô My hỏi: “Cháu muốn thành gì cơ?”
Cô bé trả lời: “Khi nào lớn lên, cháu sẽ đi làm kĩ nữ, tức là làm gái gọi ấy?”
Tô My lấy được lòng tin của cô bé.
Cô bé kể sơ qua về số phận đau khổ của mình như thế này.
Nhà cô bé ở một vùng núi sâu rất nghèo.
Mẹ cô mất sớm, bố thì trọng nam khinh nữ, thường xuyên đánh mắng cô bé, không cho ăn cơm.
Năm bảy tuổi, cô bé bị chính bố mình bỏ rơi trên một đống đất, rồi ông quay lưng đạp xe đi mất hút.
Cô bé sợ hãi khóc lóc gọi bố, rồi chạy đuổi theo.
Bố cô bé lại vứt con mình xuống đống đất đó lần nữa.
Cô bé lại chạy đuổi theo, cứ thế đến tận lần thứ ba.
Lần cuối cùng, cô bé đi chân trần, đứng trên đống đất khóc đến khi mất tiếng, ông bố đạp xe bỏ đi, bóng ông càng lúc càng xa, rồi mờ mờ, khuất hẳn.
Đêm mỗi lúc một đen, dần dần đã không còn thấy gì nữa.
Cô bé sợ hãi vì không nhớ được đường về nhà.
Cô bé bị bỏ rơi, kể từ đó nó lưu lạc đầu đường xó chợ.
Một người phụ nữ cứu vớt nó, đưa đến Dương Thành làm ăn xin.
Mấy năm trôi qua, gia đình, đã trở thành một thứ gì đó xa vời tận nơi dĩ vãng.
Cô bé không nhớ nhà.
Nó hận người cha, rồi dùng một giọng đầy uất hận, nói: “Ông ta muốn cháu chết đi.
Còn lâu! Bây giờ cháu sống rất tốt, mỗi ngày đều kiếm được mấy chục tệ, cháu còn có thể đến hiệu sách đọc sách, cũng chẳng có ai đuổi cháu ra ngoài.
Khi nào lớn lên rồi, cháu sẽ đến Hồng Tụ Sơn Trang làm kĩ nữ, sẽ kiếm được thật nhiều, thật nhiều tiền.”
Hồng Tụ Sơn Trang có lẽ là tên một chốn ăn chơi nào đó.
Tô My nghe thấy những lời này, trong lòng cảm thấy vô cùng buồn bã.
Cô bé vẫn chưa ăn xong.
Gió lạnh bỗng thổi từng cơn, rồi dần dần những giọt mưa bụi mùa đông rơi xuống.
Cô bé ôm chiếc hộp đồ ăn vẫn còn thừa đứng dậy bước đi, thân hình nhỏ bé chẳng mấy chốc đã khuất sau biển người đông đúc.
Một nhóm khác gọi điện tới, thông báo một tin mừng, một người quản lí thư viện nói từng nhìn thấy Đản Đản.
Tô My và A Đóa vô cùng hứng khởi, lập tức tới ngay thư viện.
Người quản lí thư viện tên Trữ Thụ Thanh.
Mặc dù chưa từng giành được giải thưởng danh dự nào, nhưng ông là một người đức cao vọng trọng.
Ông rộng mở cánh cửa thư viện với những người ăn mày và những người nhặt rác, không gây bất cứ khó khăn trở ngại gì.
Bất cứ một ai khi bước vào thư viện đọc sách đều không cần đến giấy tờ hay chi phí nào.
Trữ Thụ Thanh trích một câu của Borges[2] như thế này: “Nếu có Thiên Đường thực sự, thì Thiên Đường sẽ mang dáng của một thư viện.”
Đối với những kẻ ăn mày và lang thang không nơi cư ngụ, thư viện này thực sự là một Thiên đường.
Giữa cơn mưa gió mùa đông rét mướt, những đứa trẻ quỳ xin ăn ở đầu đường, với những mảnh áo phong phanh khiến khuôn mặt đỏ rực lên vì, đôi tay cứng đờ không còn cảm giác.
Trong ánh mắt chúng, thư viện này chắc chắn giống như một lâu đài tỏa ánh hào quang chói lọi.
Người quản lí thư viện nói với Tô My, đứa mà họ đang tìm kiếm mấy hôm trước có tới thư viện một lần.
Đứa trẻ này bị tàn tật, khớp tay khuỳnh ra phía ngoài, mặc một bộ quần áo vô cùng rách rưới, còn phải lôi một chiếc xe gỗ nhỏ nặng gấp mấy lần trọng lượng cơ thể cậu bé.
Trên xe là một đứa trẻ lớn hơn một chút, cả hai chân đều đã tàn phế.
Hình dáng chân của đứa trẻ trên xe đã hoàn toàn biến dạng, đứa bé giơ chiếc chậu rửa mặt cũ ra xin tiền.
Khi trời đổ trận mưa to, cậu bé khuỳnh tay và cậu bé què chân vào trong thư viện vừa ngồi tránh mưa vừa đọc sách.
Người quản lí thư việc rất ấn tượng với cậu bé này, nên khi vừa nhìn thấy ảnh đã nhận ra ngay.
Tô My trong lòng cảm thấy vừa vui mừng vừa lo lắng.
Cuối cùng cũng đã tìm được manh mối về tin tức của Đản Đản, nhưng đứa trẻ tội nghiệp này đã bị những kẻ bắt cóc kia làm cho tàn phế.
A Đóa hỏi: “Bác có nhớ chúng đọc sách gì không?”
Người quản lí trả lời: “Đọc truyện tranh, nằm ở tầng cuối cùng của giá sách ấy.”
Tô My và A Đóa lật mở những cuốn truyện đó.
Họ đang ôm một hi vọng, bên ngoài trời lạnh gió to, biết đâu Đản Đản lại tới đây tránh mưa lần nữa.
Họ có thể tưởng tượng ra được, một đứa trẻ bị bắt cóc, phải rời xa vòng tay mẹ từ nhỏ, ngồi trên nền đất đọc sách một cách lặng lẽ.
Những hình ảnh đáng yêu kia có phải đang khiến cậu bé nhớ lại những kỉ niệm ấu thơ hay không?
Cậu bé đáng thương! Mong rằng em sẽ chìm vào trong niềm hạnh phúc khi ngồi giữa thư viện này, mà quên đi những đau khổ của cuộc đời.
Từ những sự sợ hãi tột cùng khi vừa bị bắt cóc, cho tới khi bước chân ra đường bắt đầu xin ăn, trái tim nhỏ bé ấy đã phải chịu đựng biết bao nhiêu đau khổ? Đôi mắt trong sáng kia giống như những vì sao cứ dần dần mờ đi.
Nỗi nhớ mẹ là thứ động lực duy nhất khiến cậu sống tiếp chăng? Mỗi ngày mỗi đêm, mỗi giờ mỗi khắc, cậu luôn nhớ đến mẹ mình…
Họa Long và Bao Triển tìm mọi cách mới gặp được Hắc Bì trong một quán ăn đắt tiền.
Giữa phòng khách đặt mười mấy mâm cơm, nhưng điều kì lạ là, chỉ có một người ngồi uống rượu, một người nâng cốc, tự mình chuốc say.
Họa Long và Bao Triển ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Hắc Bì.
Họa Long lên tiếng: “Hắc Bì! Lâu lắm rồi không gặp!”
Hắc Bì nhìn thấy Họa Long, không tỏ chút bất ngờ, hỏi: “Tìm tôi có việc gì?”
Họa Long cố ý nói vòng chuyện khác: “Sao thế? Hôm nay cậu định mời khách à? Cậu đặt nhiều tiệc thế này, tôi tìm cậu uống chén rượu không được sao?”
Hắc Bì đã ngấm rượu, ánh mắt lờ đờ, nói: “Các anh em của tôi đều vào đó hết cả rồi, một mình tôi ngồi uống rượu cũng không quên bọn họ được.”
Họa Long đi thẳng vào vấn đề, nói: “Tôi muốn nhờ cậu tìm giúp một người.”
Hắc Bì nghe thấy vậy, đứng dậy rồi quay người bỏ chạy.
Họa Long chạy đuổi theo, rồi nhảy một bước lên trước chặn cậu ta lại.
Cả hai người nhìn thẳng vào mắt đối phương.
Hắc Bì đột nhiên tung một cú đá nhanh như cắt, hướng thẳng vào đầu Họa Long.
Họa Long gần như cùng lúc cũng xuất cước tung một cú đá vòng cầu.
Hai chân họ va vào nhau vang lên như một tiếng nổ đanh thép, khiến ai nghe thấy cũng nổi da gà.
Họa Long nhanh chóng phản kích, xoay người về tư thế quyền bên phải, chuẩn bị nghênh chiến Hắc Bì.
Hắc Bì không có ý tránh né, cũng làm thế tay quyền rồi chờ đợi.
Hai bàn tay rắn chắc với hai luồng sức lực kinh người đập vào nhau, một tiếng nổ vang lên khiến mọi người có phần khiếp sợ.
Bao Triển có phần hơi căng thẳng, Họa Long và Hắc Bì lại bỗng dưng phá lên cười ha hả, rồi giơ tay khen ngợi võ công của đối phương quả là xuất chúng, chẳng giảm đi chút nào so với năm xưa.
Họa Long kể với Hắc Bì về lí do mình tìm đến, muốn Hắc Bì giúp đỡ tìm một đứa trẻ ăn xin.
Hắc Bì lắc lắc đầu rồi than một tiếng: “Mỗi lần gặp anh là tôi như gặp vận hạn ấy, tôi tránh mặt anh cũng không được sao?”
Họa Long nói: “Thế chúng ta đánh tiếp.”
Hắc Bì than thở: “Thôi thôi! Để tôi đưa các anh đi gặp một người vậy.”
Bao Triển hỏi: “Ai thế?”
Hắc Bì trả lời: “Ông trùm ăn xin ở Dương Thành chứ ai?”
Họa Long hỏi ngay: “Ông ta ở đâu?”
Hắc Bì trả lời: “Hồng Tụ Sơn Trang!”
Họa Long hỏi lại: “Đó là chỗ nào?”
Hắc Bì cười ha hả, rồi nói với Họa Long và Bao Triển, đó là một nơi vô cùng thần bí.
Nơi giải trí cao cấp nhất, xa hoa nhất trên thế giới này cũng không bì được với một phần trăm của Hồng Tụ Sơn Trang.
Đó là Thiên đường mà không người đàn ông nào tưởng tượng nổi.
So với Hồng Tụ Sơn Trang, thì Thiên đường hạ thế chỉ như một đống bỏ đi không hơn không kém.
Họa Long nói: “Lầu xanh thời hiện đại hả? Mấy cô ả kĩ nữ trong đó toàn là Hoa hậu Thế giới cả hay sao?”
Hắc Bì nói: “Để tôi dẫn các anh vào đó mở rộng tầm mắt.
Trong đó không gọi là kĩ nữ đâu.”
Bao Triển hỏi: “Thế gọi là gì?”
Hắc Bì thì thầm ra điều bí ẩn: “Cung nữ!”
Chương 4 Hồng Tụ Sơn Trang Hồng Tụ Sơn Trang là một làng nghỉ dưỡng sân Golf do một người phụ trách thu hút đầu tư kéo về cho nơi này.
Khu này không kinh doanh với bên ngoài, mà thuộc dạng một câu lạc bộ đắt tiền.
Rất nhiều những hạng mục đầu tư lớn của các thành phố lân cận đều được đàm phán thành công ở đây.
Tại vùng đất Dương Thành tấc đất tấc vàng, trong làng nghỉ dưỡng còn có một sân Golf mang tầm cỡ quốc tế, nước hồ trong vắt, cây cỏ xanh tươi.
Trong khu rừng ngay rìa bên cạnh, người ta cho dựng mấy tòa biệt thự ngắm cảnh, ở vị trí giữa cùng là lầu chính của làng nghỉ dưỡng.
“Kể từ sau khu xảy ra mấy vụ án, trên tường có gài thêm điện đấy.”
Bao Triển hỏi: “Có vụ trộm cắp nào à?”
Hắc Bì trả lời: “Việc lặt vặt ấy mà! Có để đến nhặt bóng thôi!”
Họa Long nói: “Trong làng nghỉ dưỡng này, tôi cũng chỉ mới nghe mấy vị cấp cao nhắc đến thôi.”
Những người dân sống ở gần làng nghỉ dưỡng thường vượt tường vào trong sân Gof nhặt trộm bóng mang ra ngoài bán.
Những điều đó đều chỉ là chuyện lặt vặt, nhưng lại ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của vùng, vì thế nó biến thành chuyện lớn.
Trước cổng làng nghỉ dưỡng có cả người đứng canh gác.
Bất cứ ai khi không có giấy mời đều không được phép bước vào trong làng.
Trước khi gia công thêm hệ thống lưới điện trên tường có kẻ vượt tường vào trong nhặt trộm bóng rồi hỏi một đại gia Hồng Kông: “Vì sao ông lại có tiền như thế?”
Đại gia người Hồng Kông cúi xuống nói với cậu bé: “Hồi còn nhỏ, tôi cũng nghèo như cậu thôi, chẳng có gì trên người.
Bố tôi đưa cho tôi một quả táo, tôi không ăn mà mang quả táo đó bán lại, rồi dùng số tiền kiếm được mua hai quả táo khác, sau đó lại bán đi rồi mua bốn quả…”
Cậu bé như hiểu ra điều gì đó, nói: “Thưa ngài, hình như cháu hiểu rồi!”
Đại gia Hồng Kông nói: “Mày thì hiểu cái đếch gì? Sau đó ông bố tao qua đời, tao kế thừa gia sản của ông ấy thế thôi!”
Bill Gates chắc sẽ không nói với bạn rằng mẹ cậu ta là chủ tịch IBM chứ? Chính bà đã giúp Gates hoàn thành vụ mua bán đầu tiên của đời mình.
Trong những cuốn sách của Babbitt, ta chỉ thấy ông nói với mọi người về việc mình đến sàn giao dịch New York vào năm ông tám tuổi, nhưng không ai biết rằng ông ta đến đó chơi lúc tám tuổi là do người cha bấy giờ đang là thành viên quốc hội đưa đến, và mới được chủ tịch tập đoàn Goldmans đích thân tiếp đãi.
Bí mật của sự thành công không chỉ đến từ những nỗ lực và phấn đấu của bản thân mình, mà còn phải khiến những người đã thành công, trở thành nguồn giúp đỡ khiến cho chúng ta cùng phát triển, cùng nhau sát cánh kề vai với những người đang sắp bước tới thành công, để những kẻ không bao giờ thành công được phải phục vụ chúng ta.
Trong ngôi làng nghỉ dưỡng này, ngoài những nhà phú thương nước ngoài vô cùng giàu có ra, còn có một vài con cháu của các gia đình thế lực và một số ít những người trong giang hồ cũng được coi là thượng khách.
Phú thương cũng là đàn ông, ngoài những lúc đánh golf ra, thì chơi gái và đánh bài cũng là một phần giải trí không thể thiếu được.
Những sòng bạc và các địa điểm bán dâm đều có lực lượng xã hội đen nhúng tay vào.
Họ có thể giải quyết những việc mà ngay cả cảnh sát cũng chưa chắc giải quyết nổi.
Sòng bạc của câu lạc bộ phú thương có những người cố định của nhóm rất ít khi chấp nhận người mới gia nhập vào.
Còn nơi giải trí cao cấp nhất của câu lạc bộ này, là khu vườn mơ ước của tất cả những đàn ông có tiền.
Hắc Bì cho biết, đối với nơi này các cô kĩ nữ tuyệt nhất trần gian là những nữ sinh viên đại học.
Những kĩ nữ của câu ạc bộ Phú Thương này không những phải đảm bảo thông minh, học giỏi, mà còn phải biết nói tiếng nước ngoài, cầm kì thi họa cái gì cũng biết.
Họa Long và Bao Triển có chút khó hiểu.
Kĩ nữ thì chỉ cần phục vụ vấn đề Kỹ nữ, vì sao lại cần giỏi ngoại ngữ? Nhưng khi họ đến làng nghỉ dưỡng, thì cuối cùng cũng được dịp mở mắt.
Họa Long và Bao Triển đóng giả thành bảo vệ của Hắc Bì.
Hai người mặc đồ tây màu đen, đeo kính đen, trong tay Họa Long cầm một túi đô la Mỹ, đó là số tiền dùng để đi đánh bạc của Hắc Bì.
Ba người lên taxi chạy thẳng tới làng nghỉ dưỡng.
Hắc Bì đến việc mua xe cũng lười.
Tất cả các taxi trong thành phố đều là xe chuyên dụng của cậu ta.
Không chỉ những lái xe taxi nhìn là nhận ra cậu, mà trong giới xã hội đen ở Dương Thành này, không ai không biết, không ai không nghe uy danh của nhân vật tầm cỡ đại ca này.
Ba người đi vào trong làng nghỉ dưỡng.
Họ phải đi qua một lần máy soi an toàn, bỗng thấy tiếng còi cảnh báo hú lên.
Nhân viên kiểm tra yêu cầu Họa Long giao nộp thứ đồ vi phạm mà mình mang theo.
Hắc Bì nói: “Không nộp! Chúng tôi không mang theo dao súng.”
Nhân viên kiểm tra có phần khó nghĩ.
Hắc Bì đang định tỏ vẻ ra mặt, thì trưởng bộ phận bảo vệ chạy lại, vừa đi vừa cười nói: “Anh Hắc Bì đấy ạ! Nó là đứa mới đến, không hiểu quy tắc của chúng ta.
Các anh cứ vào trong đi ạ.”
Trưởng bộ phận trừng mắt với nhân viên kiểm tra, nói: “Đây là anh Hắc Bì, lần sau thì nhớ kĩ lấy nhá.”
Phòng khách của tòa nhà chính được trang hoàng lộng lẫy, là sự kết hợp hoàn hảo giữa văn hóa phương Đông và nghệ thuật phương Tây.
Có khu ngồi uống trà, rượu có một chỗ đọc sách, và có cả một sàn nhảy tự do nữa.
Phong cách thiết kế cổ điển, mang phong cách văn hóa truyền thống Trung Hoa.
Đi xuyên qua phòng khách, họ bước vào một đoạn hành lang bí mật.
Cuối hành lang có người đứng canh gác.
Người chịu trách nhiệm kiểm tra một lượt thẻ hội viên của Hắc Bì, rồi nở nụ cười, mở cửa mời họ vào.
Bên kia cánh cửa không ngờ còn có những thứ kinh thiên động địa hơn.
Những đình đài lâu các mọc khắp nơi, đi ngang qua vườn hoa, những gì lọt vào mắt họ là một tòa cung điện nguy nga tráng lệ.
Phía trước cánh cửa gỗ sơn son, có hai người vệ sĩ mặc đồ cổ trang đứng canh gác.
Họ kiểm tra thẻ hội viên một lần nữa, rồi mới mở cửa mời ba vị khách vào.
Bao Triển và Họa Long thực sự vô cùng kinh ngạc, vì xuất hiện trước mắt họ lúc này là một một hoàng cung vô cùng lộng lẫy.
Tất cả những thứ trong đó đều mô phỏng y nguyên theo các thiết kế của cung điện cổ, bất cứ ai bước vào đây cũng đều nghĩ rằng mình vừa trở về với thế giới xa xưa.
Một người thị nữ mặc đồ cổ trang màu trắng từ từ tiến lại, hạ mình chào hỏi, rồi bỗng nói một câu thật kì lạ: “Hoàng thượng cát tường!”
Hắc Bì cười ha hả, rồi nói: “Bình thân!”
Vị thị nữ mặc đồ cổ trang kia nói: “Nô tì hầu hạ Hoàng thượng thay đồ ạ!”
Họa Long và Bao Triển quay sang nhìn nhau, trong lòng nghĩ, người có tiền cũng thật lắm trò tiêu khiển.
Một tên khách làng chơi đến đây bỗng biến thành Hoàng thượng, cũng thật là điều hiếm gặp.
Cô thị nữ mặc đồ cổ trang nhẹ nhàng gót ngọc, đưa ba người họ vào phòng tắm dành cho các Hoàng đế – Hồ Hoa Thanh.
Trong hồ, nước suối nóng đang cuồn cuộn, cánh hoa rơi trên mặt nước, bốn người đẹp cổ trang quỳ một bên, nhìn thấy Hắc Bì thì vội bước lại hành lễ rồi đi tới phụ giúp cởi đồ cho “Hoàng đế”, sau đó đỡ “Hoàng đế” xuống hồ nước.
Hắc Bì nằm ngả vào lòng một người đẹp rồi nhắm mắt lại từ từ hưởng thụ.
Những người xung quanh bắt đầu giúp hắn tắm, bón đồ ăn, rồi còn cả người mát-xa cho khách.
Một lát sau, bốn cung nữ nhỏ bé đỡ Hắc Bì đứng dậy, dùng mật ong xoa khắp người hắn.
Họa Long và Bao Triển có phần ngượng ngùng, và nghĩ Hắc Bì sẽ vui vẻ một trận ở đây rồi thôi, không ngờ bốn cô cung nữ bấy giờ mới mặc long bào lên cho cậu ta, và vở kịch bây giờ mới thực sự bắt đầu.
Họa Long và Bao Triển cũng thay sang đồ cổ trang, bốn cô cung nữ đưa ba người họ vào Chánh điện.
Trong Chánh điện, bảy mỹ nữ cổ trang đang múa hát.
Họ mặc trên người những bộ đồ tơ lụa mỏng manh nhiều màu sắc, cơ thể tuyệt mĩ thoắt ẩn thoắt hiện.
Mỗi người họ mang một vẻ đẹp riêng, mắt long lanh như nước mùa thu, múa những điệu múa đẹp tuyệt vời trên nền nhạc cổ.
Những ống tay áo dài phất qua phất lại, váy áo lượt là trông chẳng khác nào những nàng tiên giáng trần.
Trên sập gỗ, một tuyệt thế giai nhân đang ngồi ôm đàn, từ xa nhìn lại cảm giác vô cùng ung dung cao quý, đến gần lại có khí chất thanh tao của loài Lan dại, nhan sắc tuyệt trần, đây có lẽ là… Hoàng hậu.
Hoàng hậu đứng dậy hành lễ, rồi miệng hé nụ cười, ánh mắt đưa tình, khiến ba vị khách chưa uống đã say.
Hắc Bì ôm Hoàng hậu vào lòng, hỏi: “Nàng là người ở đâu thế?”
Hoàng hậu trả lời: “Bẩm Bệ hạ, thần thiếp là người Yên Triệu.”
Hắc Bì lại hỏi: “Nàng đến đây bao lâu rồi? Sao lần trước tới trẫm không thấy? Về sau nhất định trẫm sẽ lui tới thường xuyên.”
Hoàng hậu trả lời: “Phòng loan đóng cửa đợi chàng, hận sầu thiên cổ sao nàng khổ đau.
Quỳ hoa dẫu đợi bao lâu, trăng tàn nguyệt tận mong cầu người sang.”
Hắc Bì nói: “Nàng nói văn hoa chữ nghĩa ta nghe chẳng hiểu là bao.
Thôi, chúng ta cứ vui vẻ thôi!”
Hoàng hậu nhìn Hắc Bì một cách tình tứ, rồi từ từ e thẹn ngồi xuống, ngả vào lòng Hắc Bì.
Bảy mỹ nữ khác cũng tiến lại hầu hạ, một cảnh tượng đậm chất cung đình hiện ra trước mắt.
Họa Long và Bao Triển không dám nhìn thẳng, họ bấy giờ cũng đang trong vở diễn với vai trò Đới đao thị vệ của Hoàng thượng…
Một lát, Hắc Bì lại nằm nghỉ ngơi, để Hoàng hậu và các phi tần bóp vai, dâng trà rót nước, sau đó lại mặc long bào vào cho “Hoàng đế”.
Hắc Bì lấy tiền đô trả cho họ, rồi dẫn Họa Long và Bao Triển đến sòng bạc.
Trong sòng bạc, các loại thiết bị “nhà nghề” đều đầy đủ.
Mặc dù không nhiều người, nhưng họ đều tiền lưng vạn lượng, túi nhét ngàn vàng, đây là nơi dành riêng cho những con bạc giàu có.
Hắc Bì dùng tiền đô đổi lấy những đồng xu.
Một vài vị khách đang đứng trước bàn chơi Show-hand.
Tiến gần về phía bên trái người cầm cái có một người thanh niên tóc dài, trong miệng đang ngậm một điếu thuốc, miệng lẩm bẩm chửi thề, xem ra hắn ta vừa thua không ít.
Hắc Bì thì thầm giới thiệu với Họa Long, người đó chính là ông trùm ăn xin của Dương Thành, tên là Hàn Lộ Quản.
Hàn Lộ Quản không phải họ Hàn, đây chỉ là một biệt danh, khi hắn còn ở trại cải tạo thanh thiếu niên.
Sau khi ra tù, mọi người vẫn gọi hắn là Hàn Lộ Quản, hắn trở về tập hợp các thành phần bất hảo trong xã hội, cấu kết với những cảnh sát biến chất, thu tiền trật tự trị an của dân, đặc biệt là thu tiền bảo hộ của những người ăn xin ăn mày.
Thế lực của hắn ngày càng lớn mạnh, trở thành một tập đoàn xã hội đen khét tiếng ở Dương Thành.
Cái bang không tồn tại, nhưng ở rất nhiều thành phố, ăn mày ăn xin đã trở thành một nghề, một tập đoàn, và còn mang cả tính chất xã hội đen vào đó nữa.
Hắc Bì ngồi xuống chiếc bàn Show-hand, rồi lên tiếng chào hỏi những vị khách xung quanh.
Hàn Lộ Quản nghiện thuốc rất nặng, hút hết điếu này sang điếu khác.
Hắc Bì lên tiếng chào hỏi: “Hàn Lộ Quản, tôi có cách để chú cai thuốc được đấy, có khi còn cai được cả sở thích “lộ quản” nữa ấy chứ.”
Hàn Lộ Quản trả lời: “Anh Hắc Bì à! Giờ em không “lộ quản” nữa rồi.”
Mọi người xung quanh nghe vậy thì bật cười ha hả, Họa Long và Bao Triển cũng không kìm chế nổi cười theo.
Bên ngoài trời đã tối, xem ra những vị khách ở đây muốn chơi hết đêm đây.
Đèn đường đã bật, các tình nguyện viên vẫn đang tìm kiếm Đản Đản.
Giáo sư Lương vừa suy nghĩ vụ việc vừa chỉ huy mọi người hành động.
Giáo sư yêu cầu tất cả các tình nguyện viên không chỉ tìm kiếm Đản Đản, mà còn phải tìm kiếm cả những nhân chứng khác.
Việc một đứa trẻ nhỏ kéo chiếc xe gỗ lớn đi ăn xin trên đường phố, lại có thêm một đứa trẻ tàn tật ngồi trên là điều rất dễ khiến người qua đường để ý.
Cùng với việc các bên liên tục gửi thông tin về, giáo sư Lương đã co hẹp phạm vi tìm kiếm, và xác định đó là khu vực Bành Hộ thuộc Dương Thành.
Các tình nguyện viên đã hỏi thăm được rằng ở khu vực này có nhiều người từng thấy Đản Đản.
Căn cứ vào thời gian xuất hiện và đường đi, có thể xác định rằng Đản Đản sống trong khu Bành Hộ.
Những người sống ở khu vực này đều là dân lao động.
Năm hết tết đến, hầu như họ đều đã về nhà, bỏ lại rất nhiều những căn phòng tạm bợ, và một số ăn mày lấy đó làm chỗ ở tạm thời.
Khu Bành Hộ cách xóm ăn xin không xa.
Cụ bà nghe tin này thì không thể ngồi yên tại chỗ được nữa, một mực đòi đi tìm cháu mình.
Giáo sư Lương cố gắng nhẫn nại khuyên giải, để cụ bà yên tâm chờ đợi, nhưng cụ vẫn nhất quyết bỏ ra ngoài, thần thái có vẻ bất thường.
Giáo sư Lương ngồi trên xe lăn không thể ngăn nổi bà cụ.
Một lát sau, giáo sư bắt đầu lo lắng việc bà cụ có thể đi lạc.
Ngõ ngách trong những làng giữa phố này giống như mê cung, những ngôi nhà ở khu Bành Hộ thì tạm bợ không an toàn, bà cụ tuổi đã cao lại không quen biết gì, sẽ rất dễ đi lạc giữa thành phố.
Giáo sư Lương gọi điện thoại cho cảnh sát Tiểu Mã xin giúp đỡ, để cậu ta lái xe đến khu Bành Hộ đón bà cụ về.
Vài tiếng đồng hồ trôi qua, vẫn không thấy bà cụ trở về.
Gáo sư Lương bắt đầu sốt ruột, trong lòng nghĩ, các tình nguyện viên tìm thấy Đản Đản chỉ còn là chuyện một sớm một chiều, bây giờ bà cụ lại đi lạc mất thì rắc rối.
Trong sòng bạc, Hắc Bì hôm nay số đỏ, những đồng xu trước mặt chất lên thành núi.
Hàn Lộ Quản thì ngược lại, chỉ còn lại mấy cắc trước mặt.
Họa Long và Bao Triển không dám có hành động lộ liễu ở nơi được phòng vệ kĩ càng này.
Họ định đợi đến khi Hàn Lộ Quản không còn xu dính túi, rời khỏi đó, sẽ tìm hắn để điều tra về việc của Đản Đản.
Bao Triển bỗng nhiên nhớ lại lời của A Đóa.
Cô từng nhìn thấy một người thanh niên tóc dài bẻ tay một đứa trẻ.
Chẳng lẽ người thanh niên tóc dài mà A Đóa nhắc đến chính là hắn?
Điện thoại của Hàn Lộ Quản bỗng reo lên.
Theo quy định của sòng bạc, bất cứ đồ cá nhân nào của khách cũng không được phép đặt trên bàn, để tránh trường hợp khách giở trò gian lận.
Hàn Lộ Quản đứng sang một bên nghe điện thoại, Bao Triển liếc nhìn số điện thoại, cảm giác có phần quen thuộc, nhưng nhất thời chưa nhớ ra.
Hàn Lộ Quản nghe điện thoại, mặt biến sắc, đầu dây bên kia có thể đang nói với hắn một việc gì đó vô cùng quan trọng.
Hắn vội vàng rời khỏi sòng bạc.
Họa Long và Bao Triển không kịp chào Hắc Bì, vội vàng đi theo.
Nhưng đây là lần đầu tiên họ đến nơi này, chỉ nhớ đường vào, mà Hàn Lộ Quản lại ra bằng cửa sau, nên Họa Long và Bao Triển phải mất một khoảng thời gian mới theo được hắn ra bãi để xe.
Hàn Lộ Quản đã nổ máy, Họa Long và Bao Triển chỉ biết nhìn hắn lái xe vụt qua trước mắt.
Bao Triển nói: “Tôi nhớ ra đấy là số điện thoại của ai rồi.”
Họa Long hỏi: “Ai?”
Bao Triển trả lời: “Nhưng lạ thật? Sao họ lại quen nhau được nhỉ?”
Gần khu Bành Hộ có một công trường xây dựng, xung quanh không một bóng người, hai chiếc xe đối đầu dừng lại một chỗ.
Cả hai xe đều không tắt máy.
Bên rìa một hố trong công trường có đỗ một đống cát, xem ra những phụ hồ ở đây chưa kịp lấp hố đã vội bỏ về quê ăn tết rồi.
Trong bóng đêm, hai con người cầm xẻng, xúc cát đổ xuống hố.
Trong hố có hai người, một bà cụ ngồi dưới hố ôm chặt lấy đứa cháu nội đáng thương.
Chẳng mất mấy thời giờ, cả cái hố sẽ được lấp đầy, và hai sinh mạng kia sẽ bị chôn sống.
Đứa trẻ vừa khóc vừa nói: “Bà ơi! Có cát! Bụi mắt!”
Người bà ôm ấy đứa cháu, an ủi: “Một lát nữa là không bụi nữa thôi!”
Chương 5 Sào huyệt của ác quỷ Sau khi Đản Đản bị bắt cóc, suốt mấy tháng ròng, mẹ cậu bé đều không xuống nổi khỏi giường, tinh thần hoảng loạn.
Người mẹ dường như đã khóc hết nước mắt, đôi khi còn gặp ác mộng.
Cô mơ một ngày khi mở mắt ra, rời khỏi cơn ác mộng, đứa con yêu quý sẽ trở về bên mình.
Nhưng hết lần này đến lần khác, giấc mộng của cô không trở thành hiện thực.
Người mẹ cả ngày chỉ biết nhớ con, gọi tên con, hỏi con ở đâu, con có lạnh không, con có cơm ăn không, con có nhớ mẹ không?
Người chồng tim đau như cắt, nói với vợ: “Chúng ta… cứ coi như con đã chết rồi vậy!”
Người vợ gào thét lên như một kẻ điên dại: “Không! Không! Không! Con tôi không chết!”
Bà nội đứa trẻ bất kể gia đình phản đối, thu xếp khăn gói, cầm một chiếc gậy ra đi.
Bà cụ đầu đã bạc này ôm bức ảnh đứa cháu vào lòng, quyết tâm đi khắp nơi tìm bằng được đứa cháu nội.
Đây là một đoạn đường gian khổ và dài đến mức nào.
Bà nội, cũng là một người mẹ đã già nua!
Bất luận ở nông thôn hay thành thị, phần đa những đứa trẻ Trung Quốc đều được bà nội nuôi nấng đến khi thành người.
Đây là một phương thức giáo dục truyền thống, khiến mỗi đứa trẻ đều có những kỉ niệm đẹp về bà.
Bà nội giống như vầng mặt trời soi chiếu tuổi thơ, là điều khiến những đứa trẻ sau khi trưởng thành mỗi khi quay đầu nhìn lại đều cảm thấy nhớ thương.
Mỗi bé trai chính là một chòm sao hạnh phúc, có những vệ tinh và hành tinh, tất cả người thân đều quay xung quanh cậu bé.
Không có gì để nghi ngờ về việc người mẹ cho rằng đứa trẻ của mình là đứa bé đẹp nhất trên đời.
Bà nội thì luôn cho rằng dù có yêu thương cháu mình đến đâu cũng không bao giờ là đủ.
Thậm chí có những lúc, bà nội còn bảo vệ cháu mình như một con chim ưng bảo vệ chim non khi bố mẹ chúng có gì tức giận.
Đứa trẻ cũng không phải chưa biết gì.
Có những câu triết lí chỉ những đứa trẻ ngây thơ mới có thể nói ra được.
Các nhà khoa học và nhà triết học trước nay đều không thể giải thích được tình yêu là gì.
Một cậu bé mẫu giáo đã trả lời một câu kinh điển như thế này: “Tình yêu! Là hãy ôm ấy người khác!”
Cậu bé thống trị những vì sao trên bầu trời, quản lí trăm hoa dưới đất, mỗi đứa trẻ đều là một Thiên sứ, và mỗi gia đình là một Thiên đường.
Thế nhưng, địa ngục có ở khắp nơi.
Bất cứ lúc nào, bên cạnh chúng ta cũng có thể bật mở một cánh cửa dẫn vào địa ngục.
Những đứa trẻ còn đang ê a tập nói, khi đã học được cách gọi bố, mẹ, ông, bà, các bậc cha mẹ bắt đầu dạy chúng cách nói địa chỉ gia đình mình, ghi nhớ tên bố mẹ.
Điều đó cho thấy trong thâm tâm các bậc sinh thành, luôn có một nỗi sợ ẩn hiện như một bóng ma giữa cuộc đời: Bắt cóc!
Một đứa trẻ đang sống giữa gia đình hạnh phúc bị quẳng ra đầu đường sương gió.
Một đứa bé lẽ ra được sống trong nhung lụa giàu sang lại phải vác trên mình xiềng xích.
Một đứa con đáng được ôm trong vòng tay mẹ, chơi đùa trên lòng cha, bỗng dưng biến thành một thứ công cụ xin tiền chẳng khác gì những con chó con mèo hoang giữa đường giữa chợ.
Tất cả những điều đó, chúng ta phải đối mặt thế nào đây?
Mất đi một đứa trẻ, ít nhất sẽ có ba gia đình tan vỡ: bố – mẹ, ông nội – bà nội, ông ngoại – bà ngoại.
Cả ba gia đình chìm trong tiếng khóc và nước mắt, ba gia đình gặp phải bão táp phong ba.
Biết bao ông bố bà mẹ từ đó mà tinh thần trở nên bất thường, biết bao người ông người bà từ ấy mà đổ bệnh, rồi giã từ trần thế.
Chúng ta phải đặt một câu hỏi, trong thời đại lấy con người làm gốc hiện nay, những kẻ phạm tội bắt cóc lại được xử tội nhẹ hơn những kẻ buôn bán thuốc phiện, như vậy cán cân công lí liệu có nghiêng về một bên không?
Một đứa trẻ quỳ trên đường, nghĩa là đang trần thuật lại tội ác của cả nhân loại.
Những đứa trẻ ăn xin giống như những quái vật kì dị giữa thành phố.
Cha mẹ đẻ của thứ quái vật ấy mang tên lãnh đạm một cách oan ức và thấy cũng coi như không!
Sự bộc phá của người phụ nữ đôi khi ngoài sức tưởng tượng.
Một người mẹ có thể lấy thân mình chèn trước bánh xe để cứu đứa con thơ dại.
Một người bà vì tìm kiếm cháu có thể lang thang khắp các thành phố biết bao tháng ngày.
Trong những ngày xin ăn ấy, bà gặp được vô số những người tốt bụng, những người này đều đến từ một nơi gọi là – Làng hỏi han.
Đó là nơi sinh sống của những người hỏi han từ khắp các miền đất nước.
Họ cũng lang thang đầu đường xó chợ, dưới gầm cầu trong công viên, trong đường hầm.
Bà cụ là một người may mắn vô cùng khi gặp được tổ chuyên án.
Việc phá một vụ huyết án vô cùng lớn và giải cứu một linh hồn trẻ thơ vô tội đều quan trọng như nhau.
Bà cụ và tổ chuyên án đều tin tưởng rằng họ có thể tìm được Đản Đản, và họ hạnh phúc.
Những ai không có lòng tin vào bất cứ điều gì sẽ không thể nào cảm nhận được sự hạnh phúc ấy.
Bà cụ nghe tin Đản Đản đang ở khu Bành Hộ, thì giống như được nạp điện.
Đã trải qua biết bao nhiêu khổ nạn và chua cay, cuối cùng cũng nhìn thấy có chút ánh sáng mặt trời, và theo phản ứng, bà cụ sẽ chạy đến nơi phát ra thứ ánh sáng diệu kì ấy.
Sau đây là cả quá trình:
Bà cụ đã gần tám mươi tuổi này tinh thần như được lên cót, đưa tay chống gậy, bước qua những con ngõ chất đầy rác rưởi, ra khỏi khu làng giữa phố bẩn thỉu và hôi hám kia.
Suốt dọc được vừa đi vừa hỏi, đến được khu Bành Hộ.
Các công trường xung quanh đầy những lều bạt và chỗ ở tạm thời.
Khu Bành Hộ chính là một khu ổ chuột nghèo đói, những người phụ hồ đến đây làm việc đều đã về quê ăn Tết, xung quanh yên ắng vô cùng, một ngọn đèn đường lờ mờ chiếu xuống.
Ở góc đường nọ, bà cụ gặp phải bọn cướp.
Hai đứa trẻ đứng nhòm ra từ trong ngõ nhỏ.
Một đứa lớn một đứa nhỏ, đứa nhỏ tầm mười tuổi, đứa lớn khoảng mười bốn! Chúng thì thào vài câu rồi xông ra tay đấm chân đá, đánh ngã bà cụ xuống đường.
Đứa lớn có vẻ như là một kẻ trộm nhà nghề, chẳng mấy chốc đã moi được túi tiền giấu kĩ của bà cụ.
Hai đứa bé đều ăn mặc rách rưới, vừa là ăn xin vừa là ăn trộm.
Những đứa nhỏ này mỗi ngày đều phải hoàn thành nhiệm vụ nhất định, nếu không kiếm đủ tiền về, chúng sẽ phải ăn đòn thừa sống thiếu chết.
Để tránh đòn roi, chúng chỉ còn cách giao nộp sạch sành sanh những gì kiếm được.
Những kẻ ăn xin ở với nhau đã thành một tập quán.
Ngoài việc phải giao nộp tiền bảo kê cho nhưng kẻ xã hội đen, chúng không phải nộp bất cứ khoản gì khác.
Có những kẻ ăn xin hàng tháng có thể thu nhập đến hàng vạn tệ.
Một vốn bốn… mươi lời, điều đó khiến càng ngày càng có nhiều đứa trẻ bị bắt cóc rồi ép vào những chốn như thế này.
Bà cụ đứng dậy, lê lết từng bước vào trong sào huyệt của bọn yêu ma kia.
Hai đứa trẻ vừa ăn cướp nhanh chóng trở về chỗ ở.
Đó là một căn phòng tạm bợ xây bằng gạch đá, nồi niêu xoong chậu la liệt dưới đất.
Trong phòng còn có ba người khác, một đứa bé trai khoảng sáu tuổi ôm đầu gối ngồi thu lu một góc nhà, một người già đang ngủ trên giường, trước cửa có một chiếc xe kéo bằng gỗ, ngồi bên cạnh xe là một người phụ nữ đang đếm tiền lẻ.
Đứa trẻ lớn lên tiếng khoe chiến tích: “Hôm nay cháu vừa tẩn một mụ già một trận ra trò, cháu biết đánh nhau rồi đấy nhá!”
Đứa trẻ mười tuổi ấy chỉ vào mũi mình, nói: “Còn cả cháu nữa, cháu cũng đánh!”
Người phụ nữ cười to rồi nói: “Lần sau, chúng mày thử đi kiếm thằng người lớn ấy.”
Đứa lớn nói: “Tiền đây! Cho cô!”
Đứa lớn lấy ra một bọc ni lông, bên trong là một cuộn tiền.
Người phụ nữ đưa tay giật lấy, rồi móc tiền ra đếm, sau đó vo đống túi thừa lại ném vào một góc.
Đứa bé nãy giờ vẫn im lặng trong góc nhà, quầng mắt thâm đen, vừa bị đánh một trận mà không dám kêu nửa tiếng.
Đứa trẻ đáng thương đó chính là Đản Đản.
Nếu là một người lớn, có lẽ sẽ nhặt chiếc túi lên, kiểm tra kĩ càng xem có gì trong đó không.
Nhưng đứa trẻ ngốc nghếch này đâu dám làm gì, chỉ ngồi đó, nhìn chiếc túi lăn trong góc tường mà không dám động đến.
Đợi đến khi đã không còn ai chú ý đến nó nữa, cậu bé mới cúi xuống, vừa cúi vừa ôm mông vì đau, và trong giây lát cậu nhìn chiếc túi rồi gọi một tiếng: “Bà nội!”
Mỗi một đứa trẻ nhỏ đều nhớ như in hình ảnh chiếc túi tiền của bà nội.
Đó là túi tiền của bà nội, một chiếc túi ni lông, khăn tay, và túi vải hay đặt trong giỏ rau đi chợ.
Túi tiền của bà nội giống như một chiếc hộp nhiệm màu, có thể mua cho những đứa trẻ rất nhiều, rất nhiều đồ ăn ngon.
Trước giờ bà luôn rất tiết kiệm và giản dị, chẳng dám tiêu tiền hoang phí, mỗi lần mua được thứ gì thì vô cùng quý trọng.
Đản Đản vẫn còn nhớ rất rõ, bà nội thường xuyên mở chiếc túi này mua cho cậu những túi snack khoai tây giòn tan ngon tuyệt.
Bà nội, chúng con nhớ bà nhiều lắm.
Chúng con mãi yêu thương bà!
Bà nội, bà cầm bàn tay nhỏ bé của chúng con, dắt chúng con qua con đường đông đúc, đó là một quãng đường đã sớm chẳng còn trên đời nhưng mãi sống trong tim con.
Bà nội, bà dắt chúng con đi qua những ngày tháng nghèo đói, đó là những gì con luôn nhớ đến mỗi khi ngồi một mình trong ngôi trường đại học xa nhà.
Bà nội, bà dắt chúng con đi qua bốn mùa xuân hạ thu đông, thật chậm, thật chậm, rồi bà không bước đi được nữa, đến khi chúng con muốn báo hiếu, bà đã không còn nữa rồi, chỉ còn lại sự nhân từ và nụ cười phúc hậu vẫn in hằn trong trí nhớ chúng con.
Đợi đến khi chúng ta lớn lên, bà nội đã về với mây gió, chỉ để lại những hình ảnh hiền từ.
Chúng ta đi khắp góc bể chân trời, bận rộn vì cuộc sống, bước trên những con đường dài thật dài, nhưng đến một ngày, chúng ta sẽ không bao giờ còn nhìn thấy bà nội nữa.
Khẽ gọi một tiếng bà nội, để nước mắt tuôn chảy như mưa!
Đôi mắt của Đản Đản lẩn khuất sau một đám mây đen, đó là do cậu thường xuyên khóc.
Giây phút này đây mắt cậu như có một tia sáng hi vọng.
Nhưng, cậu lại bỗng sợ hãi vô cớ, nhìn khắp bốn phương.
Mỗi cử chỉ hành động của người khác, đều làm lộ ra vẻ sợ hãi của cậu từng phút từng giây cậu đều lo sợ bị đánh, sợ những cái véo của người phụ nữ kia và những trận đòn sấm chớp của ông già.
Cậu run rẩy co vào một góc, như một chú mèo con sợ sệt, rồi bốc ăn những miếng thức ăn đã thiu hỏng từ bao giờ.
Sau khi ăn xong, cậu nằm xuống dưới thảm, muốn nhắm mắt ngủ.
Ban đầu, khi Đản Đản mới bị bắt cóc, cậu thấy nhớ bà nội biết bao.
Đứa trẻ này không còn tìm được đường về nhà, vô cùng sợ hãi.
Để đối phó với sợ hãi, cậu chỉ còn biết nhắm mắt mong chìm vào giấc ngủ.
Nhưng chẳng mấy chốc, cậu lại giật mình tỉnh dậy, hoặc có thể cậu chưa hề ngủ chút nào.
Đôi mắt cậu lại sợ hãi, từ từ nhìn bốn xung quanh xét nét.
Cậu bé ngồi đó, giữa bóng tối bao trùm, có đứa trẻ nào không sợ bóng tối đâu.
Đối mặt với bóng đêm, Đản Đản cố căng mắt để không khóc.
Một khuôn mặt trẻ thơ vì sợ hãi mà trở nên trắng nhợt.
Cậu bé sợ đến mức chẳng dám khóc.
Khẽ chớp chớp mắt, một giọt lệ nặng trĩu rơi từ khóe mắt cậu bé xuống, không cầm nổi cảm xúc, lại một giọt, rồi một giọt nữa cứ thế tuôn rơi.
Một tâm hồn bé nhỏ làm thế nào để vượt qua được nỗi sợ hãi này? Suốt cả buổi tối, cậu chỉ có cảm giác cô độc và lạnh lẽo, không giây phút nào không nhớ về mẹ.
Cuối cùng, cậu lấy hết can đảm mà bật khóc, trong tiếng khóc hòa lẫn tiếng gọi mẹ ơi!
Tên bắt cóc bẻ gãy cánh tay cậu.
Kể từ đó, cậu không còn dám chống đối, không còn dám khóc, thậm chí không dám cất lời nói.
Thằng bé lớn lúc nãy lôi chiếc xe gỗ xuống phố, để thể hiện cho mọi người thấy trên xe có một đứa trẻ gãy tay, chính là Đản Đản.
Những kẻ ăn mày xấu số sẽ dễ dàng nhận được sự thương cảm và đồng tình của nhân loại hơn.
Rất nhiều ăn mày đều biết cách giả tạo cảnh tật nguyền hoặc bệnh hoạn.
Giữa tiếng gào đau khổ ấy, cánh tay của Đản Đản dần dần biến thành dị hình.
Sau này, đổi lại thành Đản Đản kéo xe, một đứa trẻ khác vòng chân lên trên cổ mình, giả vờ là người tàn tật để xin tiền.
Những đứa trẻ nhỏ bé nghĩ rằng những con đường dài xa tít kia rồi sẽ có điểm cuối.
Chúng cố gắng kéo chiếc xe gỗ đi mãi.
Đó không phải một cỗ xe đồ chơi, mà là một cỗ xe cở thú cưng.
Cảnh tượng hai đứa chúng chẳng khác gì một con mèo đang kéo một con voi một cách chật vật.
Chỉ khi nào trời mưa, Đản Đản và cậu bé ăn mày trên xe mới có được những giây phút nghỉ ngơi.
Chúng đến thư viện để tránh mưa.
Từng có một người cha mang theo đứa con trai của mình đến “chất vấn” vị quản lí thư viện rằng tại sao một nơi như thế lại có thể để cho ăn mày bước vào? Lí do của người cha rất xác đáng, đôi bàn tay của những kẻ ăn xin ăn mày kia vừa đen đúa vừa bẩn thỉu, chúng sẽ làm dơ bẩn những cuốn sách ở đây, rồi những thứ bẩn ấy sẽ gây hại cho con cháu của họ.
Người cha nói: “Thư viện mở cửa với cả ăn mày, tôi không hiểu các ông nghĩ nó có tác dụng gì hả?”
Vị quản thư viện đáp: “Tác dụng của nó là làm giảm đi nghiệp ác của chúng ta.
Tác dụng của nó là giúp những đứa trẻ, không cha không mẹ có một bến bờ che chở, dù đó chỉ là nhất thời.
Tác dụng của nó là giúp những đứa trẻ không có ăn không có mặc có một nơi để tránh cơn gió lạnh, khiến những người ăn mày run cầm cập vì lạnh giá đó được chút ấm áp từ những đồng loại xung quanh.
Thư viện không chỉ dùng để truyền bá tri thức mà nay còn có một sứ mệnh vĩ đại hơn, đó là bảo vệ những đứa trẻ khốn khổ ấy.”
Thiên đường là có thật, địa ngục cũng có thật, và cả hai nơi đó đều luôn ở rất gần chúng ta.
Cụ bà từng là lính trinh sát.
Cụ lần theo hai đứa trẻ về tới tận cửa.
Nhờ thứ ánh sáng yếu ớt trong gian nhà, cụ nhìn thấy Đản Đản đang ngồi co ro nơi góc tường.
Cụ thở hắt ra mệt nhọc, có chút chóng mặt muốn ngất xỉu.
Trải qua biết bao gian khổ, cuối cùng cụ đã tìm được đứa cháu yêu quý của mình.
Lẽ ra phải liên lạc với tổ chuyên án để giải cứu cậu bé, nhưng cụ không thể khống chế nổi sự nóng vội và cảm tính của mình cụ chống gậy rồi dùng một thứ dũng khí lạ kì, bước cà nhắc vào trong gian nhà.
Những người trong đó đều vô cùng kinh sợ, chằm chằm nhìn cụ bà.
Đản Đản ngẩng đầu lên, nhìn ra bà nội, mắt cậu ngấn nước.
Bà cụ cũng lệ hai hàng, không nói lời nào, bước vào lôi tay cậu bé định rời khỏi đó.
Người phụ nữ kia đã đứng trước mặt chặn đường, hai đứa trẻ ăn mày vừa rồi lại chạy lên đấm đá.
Bà cụ dường như đã không còn cảm giác của sự đau đớn, chỉ còn một niềm tin rằng mình phải đưa đứa cháu nội rời khỏi đây, dù chết cũng không buông tay.
Hai bên giằng co nhau ra tới tận ngoài đường, đúng lúc một chiếc xe cảnh sát ngang qua.
Cảnh sát Tiểu Mã giơ chân đạp người phụ nữ kia ngã sang một bên, rồi thì thầm nói gì đó không rõ, nhưng trong đó có nhắc đến Hàn Lộ Quản.
Người phụ nữ nghe thấy cái tên đó thì bỏ cuộc, rồi trở về gian nhà kia dọn dẹp đồ đạc, xem ra họ phải bỏ đi ngay trong đêm nay.
Tiểu Mã đưa bà cụ và đứa trẻ lên xe rồi hỏi vài câu sơ sơ.
Biết cụ chỉ đến đây có một mình, Tiểu Mã liền gọi một cuộc điện thoại.
Hàn Lộ Quản nhanh chóng lái xe trở về.
Trước khi chôn sống hai bà cháu, Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã có nói chuyện với nhau thế này:
Tiểu Mã: “Hai tên này không dễ xử lí, tổ chuyên án là người từ Trung ương về.”
Hàn Lộ Quản: “Tôi thu tiền bảo kê, nhưng đã chia cho anh một nửa rồi.”
Tiểu Mã: “Chúng ta đã ngồi trên cùng một chiếc thuyền rồi.”
Hàn Lộ Quản: “Tổ chuyên án mà anh nói ở đâu?”
Tiểu Mã: “Không ở đây.”
Hàn Lộ Quản: “Họ không biết sự việc?”
Tiểu Mã: “Không biết họ lên xe của tôi.”
Hàn Lộ Quản: “Thế thì đơn giản thôi.”
Tiểu Mã: “Đơn giản như thế nào? Bọn tình nguyện viên cũng đang đi tìm thằng nhóc rồi.”
Hàn Lộ Quản: “Để chúng khỏi tìm thấy là xong.”
Gần công trường có một hố chưa lấp cát.
Xung quanh không có một ai.
Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã vì muốn che giấu hành vi tội ác của mình, đã nhẫn tâm đẩy hai bà cháu xuống hố, định chôn sống họ.
Từng xẻng cát lấp xuống, chẳng mấy chốc nữa thôi hai bà cháu sẽ biến mất không một dấu vết.
Bà cụ không xin tha chết.
Cũng có thể, cụ biết rằng dù có xin cũng không ích lợi gì.
Bao Triển có trí nhớ hơn người, chỉ nhìn qua một lần có thể khiến anh ghi nhớ rất lâu.
Tiểu Mã từng để lại số điện thoại cho tổ chuyên án.
Bao Triển phát hiện ra số điện thoại hiển thị trong cuộc gọi của Hàn Lộ Quản chính là số của Tiểu Mã, điều đó chứng tỏ họ quen biết nhau.
Khi lãnh đạo cục cảnh sát thành phố giới thiệu Tiểu Mã cho tổ chuyên án, có nói rằng Tiểu Mã là người phụ trách công tác cứu trợ và giúp đỡ các trẻ em lang thang, cơ nhỡ.
Hàn Lộ Quản chính là một phần tử xã hội đen, một kẻ chuyên vơ vét tiền xương máu của những người làm nghề này.
Theo cả hai hướng phân tích, đều có thể phán đoán được mối quan hệ của bọn họ.
Tiểu Mã và Hàn Lộ Quản cấu kết với nhau, đó là kết luận không còn gì để chối cãi nữa.
Bao Triển gọi điện thoại cho giáo sư Lương.
Giáo sư cho biết Tiểu Mã đã đi đến khu Bành Hộ tìm bà cụ, cộng thêm phần kết luận phía trên để phân tích vấn đề, thì rất dễ dàng đoán ra Tiểu Mã gọi điện cho Hàn Lộ Quản để thương lượng đối sách, và chúng định giết người diệt khẩu.
Bao Triển và Họa Long chặn một chiếc xe trước cổng làng nghỉ dưỡng, rồi hỏa tốc chạy về khu Bành Hộ.
Trên công trường ven đường, họ nhìn thấy hai chiếc xe ô tô dừng đối đầu nhau nhưng không tắt máy.
Bao Triển và Họa Long nhanh chóng chạy tới.
Họa Long rút súng sẵn sàng hành động.
Bà cụ dưới hố chỉ còn lộ ra nửa người, cát đã lấp đầy tới ngực.
Bà vẫn cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng nâng đứa cháu lên đầu.
Hàn Lộ Quản và Tiểu Mã thấy bị phát hiện, chuyến này tội ác khó tha, Hàn Lộ Quản vội vàng lôi Đản Đản lên, rồi rút một chùm chìa khóa có treo con dao găm nhỏ ra, đặt vào sau gáy cậu bé, uy hiếp Họa Long và Bao Triển: “Đứng yên đấy, đừng có qua đây!”
Họa Long giơ súng, ngắm thẳng đầu Hàn Lộ Quản, mặt lạnh tanh.
Tiểu Mã quát Họa Long: “Bỏ súng xuống.”
Họa Long trả lời chỉ một câu: “Chó chết!”
Bao Triển chưa kịp khuyên kẻ tội phạm buông đứa trẻ xuống, Họa Long đã ngắm chuẩn.
Tiếng súng vang lên, Đản Đản sợ ngất đi, nhưng không hề bị thương chút nào.
Tiểu Mã sợ quá vội quỳ sụp xuống, hai tay đặt sau gáy Bao Triển định tiến lại còng tay hắn về phía sau thì phát hiện ra mình không mang theo còng tay.
Họa Long tiến lại, đạp một cước vào mặt Tiểu Mã.
Cú đá quá mạnh, đầu Tiểu Mã ngửa ra phía sau…
Sau này, khi điều tra sự việc, phía cảnh sát không thể tìm được hộ tịch của Hàn Lộ Quản.
Kết quả kiểm nghiệm pháp y cho biết, hắn nhóm máu B, khóe mắt trái có một nốt ruồi màu đen, trên trán có một vết sẹo.
Bao Triển nhớ lại bức thư tìm trẻ lạc từng đọc được trước đây, những miêu tả trên đó rất phù hợp với đặc điểm nhận dạng của Hàn Lộ Quản.
Trong những ghi chép của cảnh sát phát hiện thấy cậu ta từng phải vào trại cải tạo thanh thiếu niên, rồi có lần vì chặn đường tàu hỏa còn bị cảnh sát bắt về đồn.
Những ghi chép lúc đó có ghi lại rằng, Hàn Lộ Quản bị bắt cóc từ khi sáu tuổi, rồi bị chuyển nhượng từ người này sang người kia bảy tám lần.
Nếu những đứa trẻ không nghe lời, không ngoan ngoãn đi lên phố xin tiền, hắn sẽ bẻ gãy tay gãy chân chúng.
Hắn lớn lên trong môi trường đầy bạo lực và sự tàn nhẫn.
Hắn trưởng thành từ những, ngày tháng lưu lạc không nhà.
Hàn Lộ Quản cũng có thể đã từng yêu ai đó.
Hắn có lần nói đùa với Tiểu Mã rằng: “Nhìn dặm trăm cây, tìm người ấy nơi chân trời góc bể.
Thoáng quay đầu nhìn lại, thì ra người đó ở ngay… trong khách sạn với mình! Ha ha ha…”
Mỗi con người lưu lạc nơi chân trời, càng đến khi về già lại càng nhớ nhà da diết.
Tiểu Mã từng giúp Hàn Lộ Quản tìm kiếm gia đình mình, nhưng công lao như muối bỏ bể, chẳng được kết quả gì.
Những kí ức của Hàn Lộ Quản về gia đình đã vô cùng mờ nhạt.
Lúc đó hắn vẫn còn là một đứa trẻ, chỉ nhớ rằng hồi đó có thể nhìn thấy tàu hỏa ở gần nhà, có thể nhìn thấy những cánh đồng lúa mạch đã thu hoạch chỉ còn lại gốc khô, rồi cả những cánh rừng xanh um tùm và bất tận.
Một năm nào đó, vào đêm giao thừa, Hàn Lộ Quản quay lưng về phía đầu tàu hỏa, một mình đi trên đường ray.
Thời khắc đó con người vạn ác kia có phải đang nhớ nhà không?
Đợi đến khi tàu hỏa tiến lại gần, hắn vẫn không tránh đường, trong lòng hi vọng con tàu sẽ đi qua đời hắn.
Nhưng một điều kì diệu đã xảy ra.
Người lái tàu kéo phanh khẩn cấp, cả đoàn tàu dừng lại ngay sát lưng hắn.
Hàn Lộ Quản bị bắt giam vào đồn công an mấy hôm.
Hắn khai với cảnh sát rằng, đừng hỏi hộ khẩu hộ tịch của tôi làm gì, đừng hỏi nhà của tôi ở đâu, tôi cũng chẳng biết mình từ đâu đến và sẽ đi đâu…
Lại một đêm giao thừa, muôn nhà đốt đèn sáng rực, những đứa con xa nhà về đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm năm mới, khắp nơi là sự vui vẻ của không khí mùa xuân.
Tô My khen Họa Long: “Anh làm tốt lắm! Anh tự tin về tay súng của mình lắm nhỉ!”
Họa Long nói: “Cứ thích nói nhiều với bọn đó làm gì cơ chứ?”
Bao Triển nói đùa: “Dù sao hắn cũng đỡ được khoản phải ra tòa thẩm vấn.”
Giáo sư Lương lên tiếng: “Ngoài tòa án của con người dựng lên ra, còn có một tòa án nữa.”
A Đóa nói: “Cháu học y, cánh tay của Đản Đản có thể vẫn nắn lại được.”
Tô My bỗng nhiên vui mừng reo lên: “Tết đến rồi! Ăn bánh chẻo nước thôi!”
Những đĩa bánh chẻo bà cụ mới làm còn nóng hôi hổi vừa được bưng lên.
Ngoài món bánh đó bà nội làm ra, trên thế gian này sẽ không bao giờ tìm được thứ đồ ăn nào ngon hơn thế.
Bốn người tổ chuyên án và A Đóa, cùng cụ bà và Đản Đản hợp lại thành một gia đình cùng nhau đón tết.
Trên bàn là biết bao món ngon, còn có một chai rượu vang đỏ.
Đản Đản nhìn bà nội, cười tươi sáng.
Chương trình liên hoan văn nghệ Tết trên ti vi vẫn chưa bắt đầu, ngoài cửa sổ, một pháo hoa lớn nổ tung giữa bầu trời.
Ở những ngõ nhỏ phố lớn, có biết bao đứa trẻ muốn được về nhà, có bao đứa trẻ muốn được giải phóng.
Những đứa trẻ bị bắt cóc, ngày đêm nhớ thương mẹ chúng.
Về nhà! Về nhà! Về nhà! Đó là niềm mơ ước vừa lớn lao vừa nhỏ bé mà những đứa trẻ bị bắt cóc chỉ có thể ghi nhớ mãi mãi trong lòng không nói ra.
[1] Lăng trì: Hình thức xử tử hình ghê rợn nhất trong thời phong kiến tại Trung Quốc.
Kẻ bị xử tử phải chịu đủ 3600 nhát dao.
Nhát dao cuối mới là nhát kết liễu đời kẻ phạm tội.
[2] Borges: Tên đầy đủ: Jorge Francisco Isidoro us Borges (1899 – 1956): là một nhà văn, nhà thơ, dịch giả nổi tiếng người Argentina.
Ông được coi cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh.
Các tác phẩm của ông thuộc các thể loại truyện ngắn, tiểu luận, thơ, phê bình văn học và dịch thuật, có ảnh hưởng rộng lớn từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.