Không có ai chết, mọi người đều chết – Carson McCullers.
Dưới chân núi, một đạo sĩ bày một sạp xem bói trong buổi hội làng đông đúc.
Người đạo sĩ chân trần, lòng bàn chân đầy những vết chai lẫn trong lớp bùn đất, chỉ nhìn thoáng cũng biết ông vừa băng qua một quãng đường dài.
Bốn người của tổ chuyên án đứng trước sạp bói.
Họa Long nói: “Loại lừa đảo giang hồ này tôi gặp nhiều rồi.” Tô My bảo: “Để ông ta xem cho chúng ta một quẻ xem có linh nghiệm không?” Bao Triển ngồi xuống trước mặt đạo sĩ, chưa kịp nói gì thì đạo sĩ đã lên tiếng: “Mấy vị là người cửa quan, là cảnh sát, đến phá án!”
Trên người Bao Triển lúc bấy giờ đang mặc đồng phục, đạo sĩ đoán được họ là cảnh sát cũng không có gì là khó.
Họa Long cười nhạo báng, nói: “Ha ha! Thần cơ diệu toán! Giỏi thật! Thế ông có bói được chúng tôi đang phá án gì không?”
Đạo sĩ chân trần vẫn bình thản, nói: “Đọc ngày sinh tháng đẻ.”
Bao Triển nói giọng lễ phép: “Đạo trưởng!” rồi ghi ngày sinh cho đạo sĩ xem.
Đạo sĩ chân trần giật mình, trợn mắt kinh ngạc, nói một hồi về những điều huyền diệu trong số mệnh của Bao Triển, rồi tiếp tục nói: “Một vụ án âm dương!”
Tô My hỏi: “Vụ án âm dương mà chúng tôi vừa nhận này có dễ phá giải không?”
Đạo sĩ trả lời: “Thiên cơ bất khả lộ!”
Ý nghĩa chính xác của câu nói này là “tiền”.
Bao Triển quay lại nhìn giáo sư Lương, giáo sư chỉ gật đầu ngầm đồng ý.
Để thể hiện lòng thành, Bao Triển rút tờ một trăm tệ đưa cho đạo sĩ.
Đạo sĩ nhận lấy tiền rồi lắc đầu trả 1ời: “Mê man lắm! Không có nhiều hi vọng! Trừ khi…”
Đạo sĩ nhắm mắt lại, không nói nữa.
Họa Long nhìn ông ta với vẻ khinh bỉ, Bao Triển lại rút ra một tờ một trăm tệ nữa.
Đạo sĩ đưa tay nhận tiền, rồi nói một câu vô cùng huyền bí: “Muốn phá vụ án này, trừ khi… nửa đêm ma gõ cửa, giữa ngày quỷ nhập xác.”
Tối đó, bốn người của tổ chuyên án tới ở trong một đồn công an nằm lưng chừng núi, giữa rừng.
Bốn gian nhà gạch đã cũ, vô cùng ọp ẹp, không có tường bao, cửa chính nhìn thẳng ra đường.
Những khúc gỗ của bọn lâm tặc chất đầy ven đường, có lẽ đã lâu lắm rồi nên trên thân cây mọc đầy mộc nhĩ, một đoạn lan can quẳng giữa đám cỏ, và một đầu máy công nông phía sau, vì môi trường ẩm ướt đã han gỉ nhiều chỗ.
Giữa đêm khuya, khi tổ chuyên án đang thảo luận phân tích về vụ án đứa bé áo đỏ thì có tiếng gõ cửa vang lên.
Mọi người đều nghe rất rõ có ai đó đứng ngoài gõ vào cửa ba tiếng.
Nhưng điều khiến cả tổ chuyên án đều dựng tóc gáy, là khi mở cửa không có bất cứ ai ở ngoài, chỉ có một luồng gió lạnh thổi vào trong.
Họa Long rút súng chuẩn bị tư thế chiến đấu, rồi bước ra ngoài đi thị sát một lượt xung quanh, nhưng đến một bóng người cũng không thấy.
Đây quả là điều khiến người ta không thể hiểu nổi.
Nếu có ai đó gõ cửa thật thì làm sao có thể bỏ đi nhanh như thế được? Tổ chuyên án không ai bảo ai, đều nhớ lại câu nói khi chiều của đạo sĩ: “Nửa đêm ma gõ cửa…”
Chương 1 Vụ án huyền bí Ngày 5 tháng 11 năm 2009, gần chính ngọ, người nông dân năm mươi tư tuổi Lưu Trí Huy trở về làng.
Tới nhà, thấy cửa trước và cửa hông đều đóng chặt, chỉ có cửa sau mà thường ngày đều đóng kín, hôm nay bỗng dưng chỉ khép hờ.
Ông vòng ra phía cửa sau bước vào nhà, cảnh tượng trước mắt khiến ông choáng váng.
Tại phòng chính đèn vẫn bật, trong nhà xáo trộn hoang tàn.
Quần áo của cậu con trai duy nhất vương vãi khắp nơi.
Cậu bé mặc một chiếc áo đỏ, trên có đính hoa, chân tay đều bị buộc chặt bằng dây thừng, hai tay cậu bé bị treo lên xà nhà, chân cách đất chỉ một đoạn ngắn, giữa hai chân treo một quả cân lớn, chiếc ghế dài cạnh đó bị lật sang một bên.
Đứa trẻ toàn thân lạnh toát, đã không còn hơi thở.
Cậu bé tên Lưu Hải Ba, học sinh lớp 7B trường trung học phổ thông Đông Tuyên ở khu Ba Nam của phố núi này.
Tính đến thời điểm tử vong, cậu bé vừa tròn mười ba tuổi mười ba ngày âm lịch.
Cha mẹ của đứa trẻ đều đi làm xa tận vùng Giang Bắc, cậu bé ở trong kí túc xá của trường, ngôi nhà ở quê đành để hoang không người ở.
Trước khi xảy ra vụ án vài ngày, đứa trẻ gọi điện cho cha mẹ mình, nói rằng tuần sau cậu sẽ về nhà.
Cậu bé bảo quanh nhà hoang phế quá, cậu muốn về dọn dẹp cắt cỏ xung quanh.
Ngày 3 tháng 11, cha cậu bé gọi cho con trai nhưng không liên lạc được.
Sau khi gọi điện cho nhà trường thì được biết đứa trẻ đã không đến lớp một tuần nay rồi.
Sau khi vụ án xảy ra, các bạn học cùng đã chứng thực việc sau khi tan học vào thứ sáu ngày 30 tháng 10, Lưu Hải Ba đã về nhà mọi việc đều bình thường không có gì khác lạ.
Cha mẹ cậu bé cho biết, cửa sau được chắn bằng hai tấm gỗ lớn, bên ngoài còn buộc bằng một sợi dây thép.
Khi cậu bé chết, cửa trước và cửa hông đều đóng kín, nhưng cửa sau lại chỉ khép hờ, hai tấm gỗ và dây thép được đặt ở hai bên cửa.
Người cha vừa mô tả lại vừa nói trong nghẹn ngào: “Thường ngày ở nhà không có ai nên chúng tôi không mở cửa sau mà đóng kín suốt, người ngoài nhìn vào còn không biết nhà tôi có cửa sau.
Vì sao tôi lại lấy cuốc chim, đứng trên đây bẩy tấm gỗ ra? Vì chỉ khi bẩy được tấm gỗ thì cảnh cửa mới mở ra được.”
Trong căn phòng nơi cậu bé chết có đặt một chiếc bàn Bát Tiên phủ đầy bụi, còn có một vài chiếc ghế dài, trên tường treo một bóng đèn vẫn còn đang sáng.
Những cuốn sách, vở bài tập của cậu bé quăng lả tả trên giường, trên bàn.
Hai gói mì tôm đã ăn một gói.
Đồng hồ điện tử, cặp sách, máy tính, điện thoại, đĩa CD cũng nằm trên giường.
Trong cặp sách vẫn còn ba mươi ba tệ năm xu.
Cái chết của cậu bé vô cùng hiếm gặp và khiến mọi người đều cảm thấy sợ hãi.
Trong làng âm ỉ một nỗi sợ, không khí tang tóc bao phủ khắp nơi.
Khi cảnh sát tới, hàng xóm cho biết cậu bé khi còn sống không có biểu hiện gì khác lạ, cả gia đình họ đều rất thật thà, đối xử với hàng xóm láng giềng cũng rất thân thiện, chưa bao giờ có tranh chấp cãi vã gì với ai.
Cậu bé Lưu Hải Ba tính tình hướng nội, ngày thường rất ít nói chuyện với người khác, hay xấu hổ nên gần như không bao giờ chủ động bắt chuyện với mọi người xung quanh.
Cái chết bất ngờ của cậu khiến mọi người trong làng đều thấy vô cùng kì lạ.
Thứ nhất là chiếc áo đỏ.
Khi chết, cậu bé mặc chiếc áo màu đỏ đính hoa, là của cô chị họ cậu.
Khi cảnh sát tháo dây đưa cậu từ trên xà nhà xuống, cởi chiếc áo ra, thì thấy cậu mặc bên trong một bộ đồ bơi bó sát của nữ.
Trước ngực bên trong áo bơi còn có hai nắm vải màu đen đã được vo tròn.
Sau này, khi đăng tin, nhà báo cho biết chiếc áo bơi cũng là của chị họ cậu.
Nhưng điều đó đã bị cha cậu phủ nhận.
Lưu Trí Huy cho biết chiếc áo đó không rõ của ai.
Thứ hai là dây thừng được buộc rất chuyên nghiệp.
Lưu Hải Ba khác với những trường hợp tử vong khác ở chỗ, cậu bị treo chân tay đến chết chứ không phải bị treo cổ chết.
Mỗi cánh tay bị buộc vừa đủ vòng, chân cũng vậy, cách thắt nút dây vô cùng chuyên nghiệp, không giống như việc một đứa trẻ mười ba tuổi có thể làm được.
Thứ ba là việc chân cậu bé treo quả cân.
Trên quả cân có một con số “1”.
Tại nơi cậu bé bị treo, mặt đất bằng phẳng, chân đứa trẻ cách mặt đất không xa, quả cân treo sát mặt đất.
Có thể do lúc bị treo cậu đã cố gắng thoát ra, nên trên mặt đất còn vết xước và vết lõm do quả cân gây nên.
Thứ tư là phát hiện một cây kim trước trán.
Mẹ của Lưu Hải Ba nói: “Con trai tôi chết thảm quá.
Chỗ đó là một huyệt đạo.”
Thứ năm là chữ “sát” trước cửa gỗ.
Trên cánh cửa hông bằng gỗ, có viết một chữ “sát”, chỉ nhìn thôi cũng khiến người ta lạnh gáy.
Trên chữ “sát” còn có một dấu gạch chéo, rồi viết lên một chữ “vương”.
Đọc liền vào là “vương sát”.
Cha cậu cho biết chữ trên cửa là do cậu bé viết, đã viết rất lâu rồi.
Cậu bé Lưu Hải Ba mới mười ba tuổi vì sao lại viết một chữ đáng sợ như thế lên cánh cửa nhà mình? Chữ “vương” trên đó có nghĩa gì? Mọi người vắt óc nghĩ nhưng vẫn chưa thể giải thích được.
Thứ sáu là cơn ác mộng.
Sáng sớm ngày 4 tháng 11 mẹ của Lưu Hải Ba nằm mơ một cơn ác mộng.
Trong giấc mơ, mẹ cậu thấy một người đàn ông lạ mặt dáng người cao to, lẳng lặng đi vào ngôi nhà ở quê của gia đình mình.
Người đó một mình vào nhà từ cửa sau, trên đầu đội một chiếc mũ, đeo ba lô, không nhìn rõ mặt.
Mẹ cậu bé giật mình tỉnh dậy, vì lúc đó cậu con trai đã về nhà ở quê cắt cỏ dọn dẹp mà không đến Giang Bắc gặp bố mẹ.
Người mẹ vội vàng giục chồng mình về nhà xem tình hình ra sao.
Lúc đầu, cha cậu bé không hề để ý đến vấn đề đó nhưng không làm cách nào khuyên vợ mình được, nên ngày 5 tháng 11 mới về nhà cho vợ yên tâm, không ngờ cậu con trai đúng là đã gặp nạn.
Ở quê, có bà cụ hàng xóm đã tám mươi tuổi nói với cha cậu, rằng cụ từng thấy một người đàn ông lạ mặt và rất kì lạ xuất hiện trong làng, và từng thấy hắn đến gần ngôi nhà của gia đình họ, người đó đeo ba lô và đội mũ.
Nghe đến đó người cha cảm thấy vô cùng sợ hãi, vì sao những gì bà cụ hàng xóm nhìn thấy lại giống hệt như trong giấc mơ của vợ mình như thế? Đó là người hay là ma? Cha cậu bé vì việc đó đã đến một đạo tràng trên núi dâng hương cầu bình an, và hỏi thăm vị đạo sĩ trên đó.
Đạo sĩ không nói gì nhiều, chỉ bảo rằng vấn đề có thể đến từ chính ngôi nhà cũ u ám của gia đình họ.
Đạo sĩ đưa cho người cha một lá bùa, bảo ông dán nó vào căn phòng nơi cậu bé chết.
Ông còn nói, sau bốn chín ngày, cậu bé sẽ trở lại dương gian, và dặn không ai được ở trong nhà, tất cả đều phải tránh xa cậu bé.
Theo giám định của bác sĩ pháp y, cậu bé áo đỏ đã chết trong vòng bốn mươi tám giờ trước, cũng có nghĩa là vào khoảng thời gian ngày 3 và 4 tháng 11.
Trên thi thể có một lỗ nhỏ trước trán và có vài vết thương không lớn.
Đùi, hai tay, hai bên sườn, phía trên hai mắt cá chân đều có những vết hằn rất sâu.
Ngoài ra không còn vết thương nào khác.
Theo nhận định của phía cảnh sát, sau khi các cơ quan điều tra hình sự cấp thành phố và khu vực đều đã kiểm tra, cái chết của Lưu Hải Ba có thể loại bỏ được khả năng bị sát hại và tự sát, thuộc về trường hợp tử vong ngoài ý muốn.
Đồn cảnh sát cũng đã ghi trên mục xóa bỏ hộ khẩu rằng nguyên nhân cái chết là “nguyên nhân phi tự nhiên khác.”
Lưu Trí Huy cảm thấy rất mơ hồ và khó hiểu với kết luận của phía cảnh sát.
Lúc đó, ông đã hỏi: “Thế nào gọi là tử vong ngoài ý muốn? Nếu không phải bị giết, con trai tôi cũng không tự sát, thì có thể gặp phải điều gì ngoài ý muốn chứ? Thế nào gọi là chết vì nguyên nhân phi tự nhiên khác?”
Phía cảnh sát không trả lời cũng không giải thích gì về câu hỏi của người cha.
Vì thế, Lưu Trí Huy lần thứ hai yêu cầu phía cảnh sát phải giải thích rõ ràng về ý nghĩa của từ “tử vong ngoài ý muốn”.
Người phụ trách nghĩ một hồi rồi đáp: “Ví dụ như khi chơi trò chơi cũng có thể gây chết người.” Người cha hỏi tiếp: “Chơi trò chơi gì? Chơi cùng ai? Nếu đó là do chơi trò chơi, thì khi con trai tôi chết những sợi dây thắt chuyên nghiệp đó phải giải thích thế nào? Con trai tôi là, thế nào tự trói mình rồi tự treo nó lên xà nhà được? Càng không thể mặc thêm chiếc áo và đồ bơi lên người được.”
Vụ án cậu bé áo đỏ khiến cư dân mạng nảy sinh nhiều tranh cãi, các ý kiến vô cùng khác nhau, một cách giải thích khiến mọi người đều dựng tóc gáy dần xuất hiện.
Nickname Xing-1982 viết:
“Có thể là thuật nuôi hồn.
Hung thủ có thể giết cậu bé vì muốn luyện một hồn ma.”
Nickname Chung.good viết:
“Mặc áo đỏ cho đứa trẻ rồi treo lên xà nhà, đó là cách đánh tan hồn phách, khiến linh hồn mãi mãi không thể siêu sinh.”
Khi cậu bé qua đời, trên người hội đủ năm nhân tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, lại chọn con số mười ba tuổi lẻ mười ba ngày là một số thuộc âm, theo lí mà nói, thời gian gây án cũng sẽ vào giờ âm, đó là khả năng lớn nhất.
Thủ đoạn nham hiểm như thế này vì muốn gia đình nạn nhân tuyệt hậu, lại khiến linh hồn đứa bé không bao giờ được siêu sinh, sau khi chết hồn phách sẽ tan biến, không đến làm phiền hung thủ.
Hung thủ nắm rõ ngày tháng năm sinh của đứa trẻ, tập hợp đủ ngũ hành, trên trán cắm một cây kim, đó chính là “phân hồn thuật”!
Áo tắm là thủy, áo đỏ là hỏa, quả cân là kim, xà nhà là mộc, mặt đất là thổ.
Nickname Chenjia3344 viết:
“Cách gây án của hung thủ thực sự có rất nhiều điều mâu thuẫn, ví dụ như: Kẻ đó mặc áo đỏ cho nạn nhân, rồi cắm một cây kim trước trán, đó là để đánh tan hồn phách.
Nhưng lại treo vào chân cậu một quả cân giữ hồn, trước ngực còn đính hoa trắng thu hồn, nếu chỉ vì thù hận với gia đình này, muốn hồn cậu bé mãi mãi tan biến, thì việc gì phải treo quả cân và đính hoa trắng để làm gì chứ? Điều này thực sự rất mâu thuẫn.
Nếu muốn hồn đứa trẻ không quay lại làm phiền hung thủ, thì còn biến nó thành quỷ để làm gì? Nên sẽ không ít người không hiểu được điều đó.
Thực ra, hung thủ không phải chỉ đơn giản là muốn đánh tan hồn phách đứa trẻ để báo thù, cũng không đơn thuần là muốn nuôi một con quỷ, mà còn có dụng ý sâu xa hơn, có thể là kẻ đó muốn luyện một yêu tinh thuần dương.
Nếu ngày sinh tháng đẻ của đứa trẻ là thuần âm, chọn một ngày cũng thuần âm là khi cậu bé mười ba tuổi lẻ mười ba ngày, thì mục đích là để tách lấy phần linh hồn chỉ có âm hoặc dương, vì những linh hồn như thế này rất hiếm gặp.
Có những thầy luyện cao tay muốn đạt mục đích của mình, sẵn sàng đợi mấy năm, thậm chí lâu hơn nữa, để tìm kiếm một linh hồn như thế.
Vì vậy, kẻ đó mặc chiếc áo đỏ cho đứa trẻ, để linh hồn của nó không bị tiêu tán, như thế thì công cốc.
Hắn còn treo một quả cân bằng sắt vào chân, như thế sẽ khiến linh hồn không thể đi xa được, chỉ có thể quanh quẩn gần nơi mình chết.
Tiếp đó, hắn còn dùng kim phân hồn cắm vào trán để đánh tan hồn phách, chỉ giữ lại phần thuần âm hoặc thuần dương, thu nó vào bông hoa trắng ở trước ngực.
Đó là cách giải thích duy nhất cho cách làm mâu thuẫn này của hung thủ.
Tôi nghĩ phía cảnh sát cũng biết về thứ tà thuật này, nên mới công bố vụ án để có được nhiều sự giải thích và trợ giúp hơn.
Nếu không có sự giúp đỡ của bậc cao nhân thì không bao giờ mong phá được vụ án này đâu.”
Chương 2 Xác chết gõ cửa Sau vụ án đứa trẻ áo đỏ, phố núi này còn xảy ra một loạt các vụ việc kì lạ liên quan đến cái chết của những đứa trẻ nữa.
Gần trường trung học thực nghiệp của thành phố mới mở một tiệm bún phở, khách hàng chính là các học sinh.
Chủ tiệm ăn là cặp vợ chồng họ Sái.
Ngày 14 tháng 12, khoảng 7 giờ 40 phút tối, đã không còn chút ánh mặt trời nào, bà chủ cửa hàng văn phòng phẩm bên cạnh bỗng hộc tốc chạy sang, gọi: “Nhanh lên! Thằng bé nhà anh chị xảy ra chuyện rồi!”
Hai vợ chồng vội vã chạy lại, thì thấy đứa con bốn tuổi của mình đang treo trên một sợi dây điện thoại của bốt điện thoại trước cửa tiệm văn phòng phẩm.
Chân đứa trẻ cách đất chỉ vài centimet, đã bất tỉnh nhân sự.
Sau khi đưa tới bệnh viện, bác sĩ tuyên bố đứa trẻ đã qua đời, việc mất con khiến đôi vợ chồng vô cùng đau đớn.
Đứa con duy nhất của họ cứ thế chết một cách không rõ ràng, họ yêu cầu phía cảnh sát phải điều tra làm rõ.
Cảnh sát hình sự địa phương loại trừ khả năng đứa trẻ bị sát hại, căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài cho thấy bé trai họ Sái chết do nguyên nhân ngoài ý muốn.
Sau sự việc đó, dân tình vô cùng phẫn nộ, rất nhiều người cho rằng hung thủ đã treo đứa trẻ lên dây điện thoại, vì khả năng bật cao của một đứa bé là có hạn, đứa bé không thể nào nhảy lên đến độ cao của dây điện được.
Mấy ngày sau, sau khi đôi vợ chồng họ Sái lo xong việc ở nhà tang lễ, một người làm việc ở đó bỗng nói với họ: “Đứa trẻ nhà anh chị chết có phần trùng hợp.”
Người phụ trách việc đốt lửa nói một câu khiến họ đều tim đập chân run: “Đứa bé nhà anh chị là đứa trẻ họ Sái thứ bảy chết trong tháng này ở đây rồi đấy.”
Vợ chồng họ Sái bỗng thấy lạnh gáy, bảy đứa trẻ họ Sái lần lượt qua đời không rõ nguyên nhân, làm sao có thể trùng hợp thế được?
Một người trong nhà tang lễ nhìn tờ giấy chứng tử, rồi nhìn hai vợ chồng kinh ngạc nói: “Đứa bé nhà anh chị sinh ngày 18 tháng 8 năm 2005 à? Hôm đó là ngày 14 tháng 7 âm lịch mà.”
Một người khác thốt lên: “Rằm tháng bảy!”
Đứa trẻ đó sinh ra chính vào ngày xá tội vong nhân.
Những người làm nghề này đều có những kiêng kị riêng của mình.
Họ gọi ngày xá tội vong nhân là “tết ma”.
Trong ngày “tết ma” này có một truyền thuyết rằng vào đêm 14 tháng 7, quỷ môn quan mở cửa để các linh hồn được ra ngoài du ngoạn, đến đêm 15 tháng 7 cánh cửa này sẽ đóng lại.
Những đứa trẻ sinh ra vào ngày này được gọi là “quỷ tể” nghĩa là đứa trẻ ma, và thông thường chúng chỉ đón sinh nhật theo lịch dương mà thôi.
Bảy đứa trẻ họ Sái, trong đó có hai đứa trẻ trên trán có vết kim châm, phía cảnh sát đều kết luận đó là tử vong ngoài ý muốn.
Hai đứa trẻ đó chết đuối, một trai một gái, sống trong cùng một làng.
Trên đường đi học về bị ngã xuống ao nước sâu phía dưới đường núi.
Phía cảnh sát không thể giải thích được hai vết kim châm trên trán chúng từ đâu mà có.
Những đứa trẻ khác chết do ngộ độc thức ăn, bị điện giật, tai nạn xe, và do lên cơn hen, cộng với đứa bé mới tử vong trên dây điện thoại nữa là bảy.
Bảy đứa trẻ họ Sái, đứa bé nhất bốn tuổi, đứa lớn nhất cũng mới mười hai, phía cảnh sát cho rằng điều đó không hề liên quan gì đến nhau.
Những người dân trong làng vô cùng phẫn nộ, tát cạn ao với mong muốn tìm ra chứng cứ giết người, nhưng không có thu hoạch gì cả.
Hai đứa trẻ chết đuối không được hỏa táng, cha mẹ chúng và người dân trong làng mang con họ đến cửa cơ quan tỉnh để đòi một lời giải thích rõ ràng.
Tâm lí người dân vùng phố núi ngày một bất ổn, trước cổng các trường học giờ đây ngày ngày đều tập trung rất nhiều phụ huynh đến đưa đón con, việc hàng loạt trẻ em tử vong không rõ nguyên nhân khiến nơi này bị bao phủ bởi một màn đêm vô hình.
Cảnh sát thành phố nhờ tới sự giúp đỡ của tổ chuyên án để hỗ trợ điều tra.
Cục trưởng cục công an của thành phố tên là Vương Lệnh Quần, một anh hùng chống tội phạm rất nổi tiếng trong giới cảnh sát.
Ông cả đời cống hiến cho nghề, từng giành được vô số giải thưởng, là một trong mười cảnh sát nhân dân xuất sắc nhất Trung Quốc, và cũng là một hình mẫu anh hùng hiếm có.
Ông là người vẻ ngoài ôn hoà và nội tâm vững vàng, cách làm việc lạnh lùng của ông từng một thời nổi tiếng trong giới cảnh sát Trùng Khánh, người dân ở phố núi này mỗi khi nhắc đến ông đều phải giơ ngón cái lên tán thưởng.
Tô My nói: “Cục trưởng Vương lần này gặp phải vụ án khó rồi.
Cục trưởng chắc cũng không muốn để tiếng xấu muôn đời.”
Bao Triển lên tiếng: “Người tài giỏi như cục trưởng Vương mà còn phải cúi đầu nhờ đến sự trợ giúp của chúng ta, chứng tỏ đây là một vụ án không hề dễ dàng gì.”
Giáo sư Lương nói: “Tôi từng đọc hai cuốn sách do cục trưởng Vương viết là “Tuyển tập luận văn hiệp hội giám định pháp y quốc tế 2004” và “Kiểm nghiệm dấu vết và trinh sát phá án”.”
Họa Long cảm khái, nói: “Đây đúng là một anh hùng thực sự trong giới cảnh sát cả nước, đáng để tôi gọi một tiếng “anh cả” cũng chỉ có cục trưởng Vương thôi.”
Vương Lệnh Quần dùng nghi thức cao nhất để tiếp đón tổ chuyên án.
Từ trước tới giờ tổ chuyên án mỗi khi nhận nhiệm vụ đều được cảnh sát các nơi tiếp đãi vô cùng long trọng.
Có nơi sắp xếp yến tiệc ở khách sạn năm sao, có nơi tổ chức họp báo chào đón một cách rầm rộ.
Nhưng Vương Lệnh Quần thì hoàn toàn khác, ông mời tổ chuyên án ra quán đồ nướng ven đường gần đồn công an làm một bữa tẩy trần.
Mấy người ngồi trên ghế gấp, ăn đồ nướng, uống bia, chủ quán tay cầm một chiếc quạt nan rách, quạt nhanh tay làm những viên than củi trong lò bốc lên đỏ rực rồi nhanh tay rắc gia vị lên những xiên thịt đang bốc khói thơm lừng.
Cách một bức vách, có mấy bàn nhậu, từ đó vọng sang tiếng hò dô của mấy người gánh thuê đang chúc tụng lẫn nhau.
Tô My nói đùa: “Cục trưởng Vương sao lại keo kiệt thế? Chỉ mời chúng cháu ăn đồ xiên nướng thế này thôi ạ?”
Vương Lệnh Quần trả lời: “Đây là cách tiếp đón long trọng nhất của tôi rồi đấy.
Ăn mặc bảnh bao đi khách sạn lớn là cách chào đón khách thôi, còn ngồi với nhau giữa chỗ như thế này uống bia mới là bạn bè thực sự.
Tôi coi mọi người như những người bạn chứ không phải như những vị khách kia.”
Họa Long nói: “Cục trưởng quả nhiên là một người hào sảng, Họa Long phải đổi một bát lớn để uống mới xứng với người bạn lớn thế này được, bát này nhỏ quá.”
Vương Lệnh Quần lên tiếng gọi sang bên cạnh: “Chủ quán, cho mấy cái bát lớn.
Nào, mời mọi người! Giáo sư Lương Thư Dạ, nghe danh đã lâu, nay mới được gặp.
Xin mời!”
Giáo sư Lương nói: “Xem ra hôm nay không say thì không về được rồi!”
Tô My vừa cười vừa nói: “Cục trưởng Vương, tôi và Bao Triển xin được dùng cốc thường thôi.
Các vị cứ uống bát lớn cho đúng khí thế anh hùng.
Mà cục trưởng uống say về nhà không sợ bà xã tính tội sao?”
Vương Lệnh Quần cũng không vừa, quay sang hỏi: “Cô bé, trông cô xinh xắn thế này, đã có người yêu chưa hả? Có cần tôi giới thiệu cho một cậu không?”
Tô My trả lời rất tự nhiên: “Tôi còn chưa biết chọn chồng như thế nào đây!”
Vương Lệnh Quần vừa cười vừa nói: “Câu này mà hỏi vợ tôi, chắc chắn câu trả lời sẽ là: Lấy ai thì lấy, đừng lấy cảnh sát!”
Mọi người phá lên cười vui vẻ.
Trong hoàn cảnh như thế này hoàn toàn không phù hợp để nói chuyện công việc, nhưng mấy người gánh thuê ở bàn kế bên bắt đầu bàn tán về cục trưởng Vương Lệnh Quần, mọi người có phần im lặng lắng nghe.
Những người gánh thuê này là dân lao động bán sức kiếm cơm ở vùng núi này, họ có mặt khắp các ngõ xóm, trong tay chỉ có đòn gánh và gậy trúc, làm công việc vận chuyển hàng thuê.
Họ là tầng lớp thấp hèn nhất trong xã hội nơi này.
Một người kể: “Cục trưởng Vương Lệnh Quần ngày nào cũng phải mặc đồ chống đạn đi ngủ, vì đắc tội với nhiều kẻ xấu quá!”
Một người khác lên tiếng: “Nghe nói cục trưởng Vương hay lái taxi giả làm dân thường đi thị sát.
Hồi còn ở vùng Đông Bắc, ông ấy còn được cánh phu xe xích lô ba bánh vô cùng tôn trọng.
Mấy người ấy có không ít là dân về hưu, thường xuyên bị bọn lưu manh đầu gấu o ép bắt nạt.
Vương Lệnh Quần hạ lệnh bắt hết bọn đầu gấu, không những phải trừng trị theo pháp luật, mà còn thu giữ toàn bộ số tiền phi pháp của bọn chúng, trả lại cho các phu xe.
Có một câu chuyện mà ai cũng biết: Một hôm trời đã tối khuya, Vương Lệnh Quần từ đơn vị đi bộ về nhà.
Một người phu xe nhận ra ông, vội đạp xe lại, nằng nặc đòi đưa ông về nhà nhưng ông không từ chối, Mới đi được khoảng vài trăm mét, thì thấy phía sau có một đoàn xe mười mấy chiếc đi theo hộ tống.”
Một người gánh thuê cảm khái, nói: “Nước mình có thêm vài vị thanh quan như thế, thì xã hội đã thái bình rồi!”
Bốn người tổ chuyên án không ai nói gì, cùng nhau mời cục trưởng Vương một cốc.
Một người làm quan cho dù nhận được bao nhiêu huân huy chương, giành được bao nhiêu giải thưởng, tất cả đều chỉ là hư vinh.
Giá trị đích thực của họ được tạo nên bởi chính những lời nói và nhận xét của người dân lương thiện.
Những vị lãnh đạo cao cấp, xuất hiện trong bao nhiêu sự kiện trọng đại, nếu có thể cảm nhận được sự gian khổ của nhân dân, đi trên một chuyến tàu về quê dịp tết, thì nỗi khổ mỗi độ xuân về của dân đen chắc đã được giải quyết từ lâu rồi.
Những quan viên ăn uống no say bằng tiền công quỹ, mở cả trăm cuộc họp bàn về việc giải quyết vấn đề dân sinh, chẳng bằng ngồi ăn ở một quán xiên nướng ven đường, nghe tiếng lòng thực sự của những con người nghèo khó và gian khổ, gần gũi và cảm nhận một cuộc sống đích thực của nhân dân.
Lực lượng cảnh sát tại thành phố này đang trong giai đoạn cuối của cuộc vận động thanh trừ các thế lực xã hội đen.
Súng đạn bất hợp pháp, các vụ án tích tụ lâu ngày chưa giải quyết, những tội phạm bỏ trốn, cục trưởng Vương đang phải bù đầu giải quyết hết những thứ ung nhọt ấy của xã hội.
Vụ đứa bé áo đỏ và bảy đứa trẻ họ Sái khiến hình ảnh gần gũi dân của cảnh sát nơi này bỗng dưng bị nghi hoặc.
Vương Lệnh Quần mời tổ chuyên án đến, với hi vọng họ sẽ tìm ra được lời giải đáp có giá trị, làm yên lòng dân chúng.
Tổ chuyên án phân tích cho rằng trong vụ bảy đứa bé họ Sái, có năm vụ có thể xác nhận là tử vong ngoài ý muốn.
Trong vụ án đứa trẻ họ Sái chết treo tại bốt điện thoại, tổ chuyên án sau khi kiểm tra hiện trường, đã có kết luận như sau: Bốt điện thoại hình tròn, cao hai mét mốt, dưới để ba chiếc ống hình bán nguyệt làm bằng thép không gỉ dùng để gia cố bốt điện thoại.
Những ống đó cách mặt đất lần lượt là 48, 30 và 11 centimet.
Báo cáo kiểm nghiệm vi lượng cho thấy trên ống thứ hai có vết trèo nhưng không rõ rệt, có thể đứa trẻ đã trèo lên đó và không may bị siết cổ vào dây diện thoại dẫn đến tử vong.
Trên trán hai đứa trẻ chết đuối đều có dấu kim châm trên trán giống như đứa trẻ áo đỏ, do đó nguyên nhân cái chết cả ba đứa trẻ này rất khả nghi, tổ chuyên án đã liệt trường hợp ba đứa trẻ đó vào danh sách đối tượng quan trọng cần điều tra.
Mở bản đồ vùng núi, tổ chuyên án chọn một đồn công an gần nhất và cách đều nơi ba đứa trẻ gặp nạn.
Vương Lệnh Quần không thể sắp xếp thêm lực lượng cảnh sát để hỗ trợ tổ chuyên án được, nên phái một cảnh sát họ Đường đến giúp đỡ tổ chuyên án điều tra.
Trợ lí Đường cho biết đồn cảnh sát mà tổ chuyên án chọn rất đơn sơ, thực chất là một trạm kiểm soát, nằm ở lưng chừng núi, điều kiện không được tốt cho lắm, chỉ có phong cảnh xung quanh là đẹp thôi.
Trên đỉnh núi, khách đến chật một ngôi miếu thờ, khói hương mù mịt.
Khách đến đây chủ yếu để cầu phúc và cầu an.
Dưới chân núi có buổi hội làng, không khí náo nhiệt, trợ lí Đường và tổ chuyên án khi đi thị sát gặp một đạo sĩ.
Vị đạo sĩ tầm ngoài năm mươi, để râu dài, trên người mặc một bộ đồ đạo sĩ dài tay và rộng, ngồi trên nền đất, trước mặt đặt bản đồ bát quái Chu dịch và các công cụ bói toán như giáp cốt, đồng xu và cỏ thi.
Đạo sĩ không đi dép, tự xưng là “Một đôi chân trần, đâu quản hạ xuân, ngao du thiên hạ, kết trồng lương duyên.”
Bao Triển từ trước đến giờ đều rất tôn kính những người tu hành.
Cậu viết ra ngày sinh tháng đẻ của mình nhờ đạo sĩ bói cho một quẻ.
Đạo sĩ nọ nhắm mắt, có vẻ rất thần bí.
Một lát sau, ông giật mình mở mắt rồi nói: “Tôi ẩn cư nơi lều cỏ, trước giờ chưa từng gặp người có mệnh đại hung mà đại quý thế này.”
Bao Triển giọng đầy kính cẩn, nói: “Đạo trưởng, xin chỉ giáo!”
Đạo sĩ chân trần nói Bao Triển có một tuổi thơ vất vả, từng trải qua nhiều kiếp nạn.
Bao Triển im lặng, chỉ gật đầu.
Sau đó, đạo sĩ nói một tràng những câu mà không ai hiểu nghĩa là gì:
“Mặc dĩ quan vân, năng vong thương hải, giang hồ vô lộ thượng hạ cầu sách.
Hàm chi sở kiến, quân tử tháo đao, đồ hướng nhân dương.
Diện bích sở văn, lân nhân khốc thanh, thương sanh trắc ẩn;
Thái bình loạn thế, chúng tinh quy vị.”
Đạo sĩ đã đoán chính xác rằng tổ chuyên án đến thành phố này để phá án, nhưng hi vọng phá được án rất mong manh, trừ khi… “nửa đêm ma gõ cửa, giữa ngày quỷ nhập xác”.
Những lời nói ma quái đó khiến Tô My cảm thấy rất hiếu kì, rồi cũng ghi ngày sinh tháng đẻ của mình nhờ đạo sĩ xem giúp tình duyên của mình ra sao.
Đạo sĩ lại nói những lời không ai hiểu gì, như: Chính quan, phiến quan, tân bỉ kiên v.v… Tô My tỏ ra mơ hồ không hiểu, đạo sĩ viết lên lòng bàn tay cô một chữ khiến mặt cô biến sắc, vô cùng ngạc nhiên.
Khi đạo sĩ viết, ống tay áo rộng che phủ bàn tay Tô My nên không ai biết ông đã viết gì lên đó.
Trên đường lên núi, mọi người đều rất hiếu kì, Bao Triển hỏi: “Ông ấy viết gì thế?”
Họa Long cũng tò mò hỏi: “Có phải tên chồng tương lai của cô không?”
Tô My trả lời: “Viết tên một trong hai người đấy.
Nhưng mà, tôi không nói đấy!”
Khi họ đến lưng chừng núi thì trời cũng đã sẩm tối, mọi người định nghỉ lại một đêm tại đồn công an trên núi rồi ngày mai sẽ đến ngôi làng của cậu bé áo đỏ và hai đứa trẻ chết đuối để bắt đầu điều tra.
Đồn công an này thực ra là một trạm kiểm tra, ban ngày có người trực ban, đến tối thì không có ai ở lại.
Công việc của họ chủ yếu là kiểm tra xe cộ qua lại, cấm các hoạt động khai thác sản vật rừng trái phép.
Thường ngày còn phải đi tuần trên núi, để kiểm soát vấn đề cháy rừng.
Mấy gian nhà ngói đã cũ, phía sau cỏ mọc um tùm trên nóc nhà cỏ dại cũng mọc cao phơi phới, đồn công an trong màn đêm trông cũng đáng sợ như một ngôi nhà ma vậy.
Nửa đêm, tiếng gõ cửa vang lên, chẳng lẽ những lời đạo sĩ kia nói đã ứng nghiệm rồi sao? Nửa đêm ma gõ cửa?
Họa Long kiểm tra một lượt vẫn không thấy có bóng người nào, nhưng cả bốn người tổ chuyên án và trợ lí Đường đều nghe rất rõ ràng có người gõ cửa.
Mọi người đều thấy rất ma quái, ngẩng đầu lên nhìn, phát hiện ra trên cửa có một dấu tay nhỏ.
Trên núi về đêm có chút lạnh lẽo, từng cơn gió thổi không ngừng, dấu tay kia nhìn vào vô cùng đáng sợ.
Đó không phải dấu tay bằng máu, mà chỉ giống như một bàn tay nhỏ lạnh ngắt đập vào cửa, trên của còn vương lại một chút chất lỏng, bốc ra mùi hôi thối.
Bao Triển cúi gần lại ngửi thử, không ai quen thuộc thứ mùi này như anh rồi, đó chính là… mùi của xác chết.
Trong đầu tổ chuyên án và trợ lí Đường xuất hiện một cảnh tượng vô cùng ma quái: Một cái xác đứng lắc lư trước cửa, giơ cánh tay còn nhớp nháp của mình lên… gõ cửa.
Chương 3 Dầu xác màu xanh Bao Triển nhớ lại một cuốn truyện ngắn có tên “Vuốt khỉ”, được đánh giá là một trong những tác phẩm điển hình trong làng tiểu thuyết kinh dị của Anh.
Câu chuyện trong đó vô cùng li kì quỷ quái.
Một nhà sư người Ấn Độ làm phép ếm bùa vào một bàn tay của khỉ, bàn tay khỉ sau khi luyện xong sẽ có thể thỏa mãn ba điều ước của con người.
Sau đó, bàn tay khỉ khô queo này lọt vào tay của ngài Whiter.
Ngài Whiter bán tín bán nghi, rồi thử ước điều ước thứ nhất đó là có được hai trăm bảng Anh.
Ngày hôm sau, ước mơ của ông đã thành hiện thực, con trai của ngài White bị một chiếc máy cuốn chết, số tiền bồi thường vừa hay là hai trăm bảng.
Ước nguyện thứ hai của ông là do người vợ quá thương con nên đã nảy ra ý nghĩ điên rồ… gọi đứa con đã chôn vùi dưới mộ sâu sống dậy.
Đêm hôm đó, bên ngoài bỗng có tiếng gõ cửa, ngài Whiter vì muốn ngăn chặn hành động mất hết lí trí này của người vợ, nên trong lúc người vợ chuẩn bị ra mở cửa, ông đã nghĩ ra cách ước điều ước cuối cùng: Mong người đã bò ra khỏi mộ sẽ trở lại đó.
Mãi cho tới khi câu chuyện kết thúc, tác giả vẫn không tiết lộ thứ đáng sợ đã gõ cửa đó là gì, nhưng chính điều đó khiến người đọc càng cảm thấy hiếu kì và sợ hãi hơn, người nào trí tưởng tượng càng phong phú, thì cảm giác sợ hãi sẽ càng mãnh liệt.
Tổ chuyên án tiến hành chụp ảnh lấy chứng cứ.
Khi trời sáng, mọi người mới phát hiện ra thứ dầu xác kia có màu xanh.
Trên cánh cửa có một dấu tay màu xanh.
Rốt cục thứ gì đã đến gõ cửa đồn công an lúc nửa đêm? Có một điều hiển nhiên rằng một xác không thể nào làm được điều đó.
Tổ chuyên án cho rằng có ai đang cố tình dựng chuyện ma quỷ ở đây.
Quỷ dọa người không đáng sợ, thứ đáng sợ thực sự là người dọa người.
Thế nhưng cho dù có người cầm bàn tay của một xác chết đến gõ cửa đi chăng nữa, khoảng thời gian từ lúc gõ cửa đến khi mở cửa ngắn như thế, Họa Long không thể nào không nhìn thấy người đó được, trừ khi tốc độ di chuyển của người đó vào hàng siêu nhanh, gần như biến mất khỏi tầm nhìn ngay trong khoảnh khắc cánh cửa mở ra.
Tuy nhiên, mọi người rõ ràng nghe thấy tiếng gõ cửa, nhưng trên cánh cửa lại để lại dấu bàn tay, điều này không hợp lí.
Bao Triển kiểm tra lại lần nữa, phát hiện vấu tròn trên cửa đã rơi mất, lộ ra một chiếc đinh đã han gỉ, dấu tay kia vừa hay nằm trên chiếc đinh đó.
Họa Long nói: “Đó là một đứa trẻ, dấu tay của một đứa trẻ con.”
Tô My phân vân hỏi: “Lạ thật, cho dù là gõ của hay đập cửa, thì vì sao lại không tìm thấy bàn tay đó nhỉ?”
Trợ lí Đường lên tiếng “Chuyện này thật là ma quái! Những người dân ở đây đều có chút mê tín.”
Bao Triển suy nghĩ giây lát, suy đoán: “Bất kể đó là người hay là ma, mục đích của việc gõ cửa có thể chỉ để dọa chúng ta mà thôi.”
Giáo sư Lương giờ mới lên tiếng: “Chúng ta sẽ không sợ đến mức bỏ chạy đâu!”
Dấu tay trên cánh cửa là dấu tay của một trẻ em, tổ chuyên án nhìn từ những dấu vết để lại phán đoán cái xác đó đã chết được khoảng năm hoặc sáu ngày.
Đốm xác là những những hình loang trên xác chết, mỗi xác có một kiểu và màu sắc riêng.
Với những người chết treo, trên cơ thể họ có những đốm màu tím đen.
Với người chết cóng, thì đó là màu đỏ.
Khi nghiệm xác, các bác sĩ đều căn cứ vào đốm xác để kết luận nguyên nhân chết, vị trí lúc chết, và sau khi chết.
Đốm xác là những biểu hiện xuất hiện tương đối sớm sau khi cơ thể chết đi, và sẽ kéo dài cho tới tận khi cái xác hoàn toàn phân hủy.
Tùy vào sự thay đổi các yếu tố sau khi chết, các đốm xác sẽ dần chuyển thành màu xanh nhạt hoặc màu xanh, phù hợp với màu sắc của cơ thể.
Đó là do phản ứng giữa hydrosulfur[1] trong xác khi phân hủy và hemoglobin[2] tạo ra sulfhemoglobin màu xanh.
Nhà của cậu bé áo đỏ nằm trong một làng trên núi tên là Cao Thạch Khảm, cách đồn công an này không xa.
Trong làng chỉ toàn những căn nhà lụp xụp và cũ kĩ, trông như sắp sập hết đến nơi, chân tường cỏ mọc xanh mơn mởn, muỗi và côn trùng bay vo ve từng đám.
Trong ngày thời tiết ẩm ướt thế này, những ngôi nhà cũ kia hiện lên với một màu vàng u ám.
Đường núi là loại đường rải sỏi, gập ghềnh khó bước, khi mùa mưa đến, những con đường này có thể biến thành con sông.
Tổ chuyên án gần trưa đã tới được ngôi làng.
Thế nhưng trong nhà không có một ai, cha mẹ của cậu bé áo đỏ đều không ở nhà.
Rất nhiều người dân trong làng túa ra xem, họ đứng trên bờ đất gần đó nhìn bốn người của tổ chuyên án một cách hiếu kì, rồi thì thào bàn tán.
Trợ lí Đường lấy điện thoại gọi cho cha của Lưu Hải Ba, khuyên nhủ một hồi lâu.
Mọi người đều nghe thấy trợ lí Đường nói trong điện thoại: “Người trên trung ương đến rồi, nhất định sẽ điều tra làm rõ, hai người cũng hợp tác một chút, mau về đi…”
Tổ chuyên án kiểm tra sơ bộ phía ngoài.
Tô My chụp ảnh xung quanh, giáo sư Lương bảo cô chụp cả những người dân xung quanh nữa.
Tô My quay về phía người dân định chụp, thì tất cả đều né mặt tránh đi.
Ngôi nhà của cậu bé áo đỏ nằm ở phía tây của làng, bên cạnh cửa sau có một vạt đất cao, mọc đầy cỏ không có tường bao.
Cửa trước đóng kín, phía trước cửa có một cây cổ thụ đã chết, hình thù kì quái, như không khuất phục điều gì đó.
Dưới gốc cây có một cối xay bằng đá, những chiếc lá vàng đã rụng khắp nơi.
Ngôi nhà được xây bằng đá hộc và bùn đất, trên tường có rất nhiều những cái lỗ được cố ý để lại khi xây dựng, coi như là cửa sổ để lấy nguồn sáng.
Cậu bé mười ba tuổi Lưu Hải Ba đã chết trong chính ngôi nhà này, khi chết trên người cậu bé mặc một bộ đồ bơi và một chiếc áo đỏ.
Tận tới khi trời tờ mờ tối, cha mẹ của Lưu Hải Ba mới về tới nơi.
Họ giải thích với trợ lí Đường về lí do mình không ở nhà, vì hôm nay chính là bốn chín ngày của cậu bé, là ngày linh hồn cậu trở về dương gian.
Trước đây có một đạo sĩ đưa cho họ một lá bùa để dán tại phòng cậu bé.
Vị đạo sĩ đó còn dặn họ không được để bất cứ ai ở nhà trong ngày này, tất cả đều phải tránh đi nơi khác, đó là nguyên nhân vì sao cha mẹ cậu không muốn trở về.
Lưu Trí Huy nói: “Chẳng lẽ không để đến ngày mai được hay sao? Đêm nay linh hồn con trai tôi sẽ về.”
Giá sư Lương bảo: “Thế chúng ta đến vừa đúng lúc còn gì.”
Theo quan niệm dân gian, bốn chín ngày sau khi chết, linh hồn sẽ trở về dương gian để gặp mặt người thân.
Nếu trong nhà có người mất, thì sau khi rời khỏi dương thế không lâu, linh hồn đó sẽ xuất hiện tại những nơi quen thuộc khi còn sống.
Những người mê tín ở nông thôn cho rằng linh hồn của người chết sẽ vào nhà từ phía đông, đi một vòng để nhìn lại tất cả.
Tương truyền trong đêm hồn về, có thể nghe thấy tiếng xì xào, đó là tiếng bước chân của người chết.
Người nhà của linh hồn đó phải tránh đi nơi khác, nếu để người chết nhìn thấy, họ sẽ lưu luyến không muốn rời đi, như thế sẽ mãi mãi không được vãng sanh kiếm khác.
Trong số những người đứng xem, có một bà cụ nói với mẹ của cậu bé: “Thằng bé nhà anh chị, sao lại trở về vào bốn chín ngày được?”
Một người dân đứng cạnh nói chen vào: “Đúng đấy! Những người khác đều là bảy ngày cơ mà, thằng bé nhà chị lại là bảy bảy bốn chín ngày cơ á?”
Mẹ cậu bé giải thích: “Đạo sĩ suy đoán rằng thằng bé nhà cháu chết thảm, phải bảy bảy bốn chín ngày mới quay lại.”
Cha cậu bé lên tiếng: “Chính là hôm nay đây.”
Bà cụ kia là hàng xóm nhà cậu bé, từng nói với phía cảnh sát rằng trước khi vụ án xảy ra cụ từng nhìn thấy một người lạ mặt đội mũ xuất hiện trong làng, mẹ của cậu bé cũng từng nằm mơ thấy một người như vậy.
Bao Triển tiến lại để ghi chép, Tô My chụp ảnh, bà cụ bỗng dưng sợ phát run, rồi quay người lại, giơ tay xua xua, nói: “Ôi, đừng chụp ảnh, đừng chụp ảnh tôi.”
Trời bắt đầu tối, người dân cũng tản mát dần, nhà nào cũng đóng kín cửa, chẳng ai muốn nhìn thấy cậu bé trở về dương gian trong ngày bốn chín cả.
Cha của Lưu Hải Ba vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên, nói với tổ chuyên án: “Ngày mai chúng ta quay lại được không? Hôm nay phải tránh mặt thằng bé.”
Bốn người của tổ chuyên án đều không có ý định rời đi, họ đã kiểm tra rất kĩ căn phòng nơi cậu bé gặp nạn.
Bao Triển đo chiều cao từ mặt đất lên đến xà nhà, Họa Long kiểm tra nóc nhà, Tô My chụp lại thật kĩ từng thứ xung quanh, giáo sư Lương và trợ lí Đường ngồi yên lặng trong căn phòng, trên tường có một lá bùa màu vàng của đạo sĩ đưa cho cha mẹ cậu bé dán vào đó đang lật qua lật lại theo gió.
Trợ lí Đường đứng dậy lột lá bùa xuống để làm chứng cứ.
Cha mẹ Lưu Hải Ba thấy thế thì vô cùng sợ hãi, cha cậu bé hốt hoảng nói: “Ối! Không được! Lá bùa đó không thể xé xuống được đâu.”
Mẹ cậu cũng nói lớn: “Sao các ông lại có thể làm thế được chứ? Đây là bùa trừ tà cơ mà!”
Cha mẹ Lưu Hải Ba bực tức bỏ đi, hai người đứng ngoài sân bỗng dưng lên tiếng cãi vã, rồi trách móc lẫn nhau.
Bên ngoài màn đêm đã hoàn toàn đen đặc.
Đêm xóm núi thực sự vô cùng yên ắng và cô quạnh, tổ chuyên án định sau khi kiểm tra hiện trường sẽ rời khỏi đó.
Tô My chụp lại ảnh một tấm gương trong phòng.
Sau khi đèn máy ảnh lóe lên, cô bỗng hét lên một tiếng thất thanh.
Mọi người túm lại hỏi xem chuyện gì đã xảy ra, Tô My sợ hãi nói rằng mình nhìn thấy một đôi chân vừa lướt qua trong gương, đó là một đôi chân của trẻ nhỏ.
Giáo sư Lương an ủi: “Tô My, cháu thần hồn nát thần tính thôi, lấy đâu ra đứa trẻ nào ở đây.
Cháu phải nhớ kĩ, chúng ta là cảnh sát.”
Họa Long nói: “Chắc tại căn phòng này từng có người chết, nên khiến cô tự tưởng tượng, rồi hoa mắt thôi.”
Trợ lí Đường bỗng nói: “Có lẽ… đúng là tôi không nên xé lá bùa xuống.”
Bao Triển nói giật lại: “Yên lặng! Nghe xem! Tiếng gì thế nhỉ?”
Mọi người dừng hết công việc đang làm, tất cả đều dõng tai nghe ngóng.
Cả căn phòng im lặng đến rợn người, một trận gió lạnh thổi qua những lỗ thủng trên tường, cánh cửa sau bỗng dưng từ từ mở ra, vang lên mấy tiếng kêu ken két.
Mọi người ai nấy đều dựng tóc gáy, Tô My nổi hết da gà, mọi người đều không ai động đậy, chỉ có đôi mắt mở to hết cỡ.
Bao Triển cảm giác có ai đó đi ngang qua phía sau mình, khiến gáy anh lạnh ngắt.
Họa Long từ từ rút súng, định đến xem là ai, thì mọi người bỗng nghe thấy trong phòng có tiếng giật công tắc điện.
“Cạch! Cạch!” mấy tiếng, nhưng bóng đèn trong ngôi nhà vẫn sáng.
Một bóng đèn nằm gần trên tường bỗng phát ra thứ ánh sáng màu vàng u ám, căn phòng bỗng trở nên vô cùng ma quái.
Dây tóc bóng đèn chập chờn mấy cái rồi lại tắt ngúm.
Mọi người rời khỏi căn phòng tối, cha mẹ cậu bé ngồi trên chiếc cối xay bằng đá trước sân, đã không còn cãi nhau nữa.
Họa Long tiến lại hỏi họ có đóng chặt cửa sau không? Cha cậu bé sợ hãi hỏi lại rằng có phải họ đã gặp gì đó trong căn nhà rồi không? Giáo sư Lương bình tĩnh trả lời: “Bóng đèn trong nhà cháy rồi, có thể là do dây điện lâu ngày nên đã hỏng.”
Lúc đó, một người hàng xóm chạy tới, vừa thở hồng hộc vừa nói: “Mộ thằng bé bị người ta bới lên rồi!”
Cha cậu bé tức giận chửi: “Tổ cha thằng thất đức nào làm thế hả?”
Người hàng xóm chưa hết kinh hãi, kể tiếp: “Không biết nữa.
Con lợn nhà tôi sổng chuồng, tôi đi tìm đến tận khu đất hoang.
Lúc ấy tôi lấy đèn pin soi tìm, thì bỗng phát hiện mộ thằng bé bị đào lên rồi, đất chất sang hai bên thành hai đống.
Tôi tiến lại gần thì thấy bên trong trống rỗng.
Trên đống đất còn có vết bò lết, chẳng lẽ… thằng bé từ mộ chui lên rồi sao?”
Trời đã mưa rả rích từ lúc nào, mẹ cậu bé nghe tới đó thì cơn co thắt tim nổi lên, đau đớn vô cùng, trên trán toát cả mồ hôi hột.
Người mẹ ngồi trên chiếc cối xay bằng đá, lấy bình nước vẫn mang theo mình ra ngửa cổ uống mấy viên thuốc.
Khi người mẹ cúi xuống đặt bình nước xuống chiếc cối bằng đá, thì bỗng thấy trên bụng mình có một bàn tay nhỏ, giống như có đứa trẻ nào đó đang ôm mình từ phía sau.
Chương 4 Trứng gà đồng tử Mẹ cậu bé vừa nhìn thấy bàn tay trên bụng mình thì sợ hãi run lên một hồi rồi ngất xỉu trên nền đất.
Cha cậu bé vội vã ngồi xuống sơ cứu, gọi to tên vợ mình.
Giáo sư Lương cầm lấy bàn tay, mọi người không ai bảo ai đều ngẩng lên nhìn, vì bàn tay đó rõ ràng là từ trên trời rơi xuống.
Trợ lí Đường đứng lên trên cối đá, nhìn lên trên cây, quát: “Ai đang ở trên đó?”
Họa Long rút súng, mọi người cho rằng có ai đó đang nấp trên cây, cố tình ném xuống.
Nhưng trong màn đêm u tối không thể nhìn rõ được.
Họa Long hướng súng lên cây bắn một phát đạn, hai con quạ kêu quang quác rồi đập cánh bay.
Người phụ nữ hàng xóm nghe tiếng súng nổ thì tò mò mở cửa sổ, ló mặt nhìn ra.
Chồng cô ta gầm gừ quát: “Mẹ kiếp! Nhìn gì mà nhìn! Còn không đóng chặt cửa sổ vào cẩn thận ăn đạn chết tươi bây giờ.
Quạ kêu chẳng phải là điềm lành gì.”
Hai con quạ bay vòng quanh một lúc rồi đi thẳng, chỉ để lại những tiếng kêu ai oán vang vọng trong đêm: Quạ vốn được coi là loài chim xui xẻo, thích làm tổ ở những nơi hoang vu hoặc những chỗ ẩm ướt như nghĩa địa.
Trên cái cây trước nhà cậu bé có một tổ quạ.
Họa Long trèo lên cây, một con quạ xù lông định tấn công lại.
Họa Long ngắm thẳng rồi cho nó một viên đạn, con quạ rơi luôn xuống đất.
Khi xuống, Họa Long mang theo cả chiếc tổ chim.
Bao Triển đưa lên mũi ngửi thử, trong tổ quạ bốc lên mùi xác thối.
Bàn tay kia có lẽ rơi xuống từ chính cái tổ quạ này.
Người hàng xóm nói rằng ngôi mộ cậu bé áo đỏ đã bị quật lên, nhưng trận mưa bất chợt đã xóa hết mọi dấu chân quan trọng để điều tra, mọi công sức đổ sông đổ bể.
Bao Triển, trợ lí Đường và người hàng xóm dẫn lối chỉ biết đứng nhìn vào trong ngôi mộ trống không, trong nghĩa địa tiếng mưa vẫn tuôn rào rào.
Rốt cục ai đã quật mộ cậu bé lên? Và giờ này cái xác đang ở đâu?
Trong huyệt đạo ngập đầy nước mưa, mọi dấu vết đều đã bị xóa sạch.
Theo những gì người hàng xóm miêu tả lại, có thể có ai đó đã dùng dây thừng để kéo cái xác ra khỏi mộ, nên trên đất có dấu vết như có người bò lên.
Mẹ cậu bé đã dần tỉnh lại, rồi nhất quyết muốn bán ngôi nhà đi, không bao giờ quay trở lại nữa.
Giáo sư Lương an ủi cha mẹ cậu bé, rồi nói phía cảnh sát sẽ cố gắng tìm kiếm tung tích xác cậu bé và điều tra vụ việc đến khi nào sáng tỏ thì thôi.
Khi trở về đồn công an, tất cả mọi người đều đã ướt như chuột lột, mệt mỏi vô cùng.
Trợ lí Đường lấy từ phòng trực ban mấy bộ quần áo sạch cho tổ chuyên án thay ra.
Ngày hôm nay, cả đội đã trải qua quá nhiều điều kì lạ không thể giải thích nổi.
Lúc đầu là tiếng gõ cửa lúc nửa đêm, trên cửa để lại dấu tay màu xanh, sau đó là cuộc điều tra trong căn phòng nơi cậu bé bị hại, rồi trên cây rơi xuống một bàn tay, cuối cùng là xác cậu bé đã không cánh mà bay…
Trợ lí Đường hâm một ấm chè nóng, lấy ra mấy hộp thịt gà nướng và thịt bò.
Mọi người đều không còn tâm trí ăn uống, chỉ ngồi xung quanh bàn uống trà cho tỉnh.
Giáo sư Lương tay cầm một cốc trà nóng còn đang bốc khói, xoay xoay rồi nói: “Vụ án này thực sự rất kì lạ, mỗi chi tiết đều vô cùng ma quái.”
Trợ lí Đường nói: “Những vụ án quật mả trộm xác ở đây không nhiều.”
Tô My lên tiếng: “Nếu thi thể cậu bé chôn không sâu thì có thể nào đã bị thú hoang bới lên không?”
Bao Triển phân tích: “Theo dấu vết tại hiện trường, thì không giống vết động vật bới, rõ ràng là có người đã đào lên rồi kéo cái xác ra ngoài.”
Trợ lí Đường suy nghĩ: “Mục đích ăn trộm xác để làm gì nhỉ? Hủy xác phi tang chăng? Hay là còn bí mật nào không thể tiết lộ được nữa?”
Bỗng nhiên Bao Triển nói: “Tôi biết việc nửa đêm gõ cửa là gì rồi.”
Họa Long hỏi: “Chẳng lẽ lại liên quan đến những con quạ?”
Bao Triển trả lời: “Đúng thế.
Là có người đang giở trò, đặt bàn tay lên trên chiếc vấu cửa sau đó bỏ đi.
Mục đích là để dọa chúng ta, khiến chúng ta sợ hãi mà từ bỏ vụ án.
Dầu xác rất dính, và tỏa ra mùi thối khiến những con quạ bay tới kiếm mồi.
Khi chúng mổ cánh tay cũng là lúc chúng ta nghe thấy tiếng gõ cửa.
Khi Họa Long ra mở cửa, chúng đã quắp cánh tay bay đi.
Tốc độ bay của quạ rất nhanh, lại giữa ban đêm nên khi mở cửa ra chúng ta không phát hiện được.”
Giáo sư Lương nói: “Quạ là một loài ăn xác thối.
Sau khi kiếm được mồi chúng tha về tổ, và chẳng may đó chính là nhà của cậu bé, và đã rơi lên bụng người mẹ.
Việc tiếp theo bây giờ, chúng ta phải làm rõ xem bàn tay đó là của ai.”
Trợ lí Dường nói: “Có thể xét nghiệm DNA rồi so sánh với những nạn nhân bị tình nghi gàn đây xem sao.”
Giáo sư Luơng bỗng hỏi: “Có những ai biết hành tung của tổ chuyên án?”
Trợ lí Đường trả lời: “Rất nhiều người biết.
Một số lãnh đạo rất quan tâm đến tình hình vụ án.
Các quan chức của ủy ban thành phố, cục công an ngành giáo dục đều rất quan tâm đến vụ việc một loạt học sinh tử vong không rõ nguyên nhân, chúng tôi thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại hỏi thăm tình hình.”
Trong lịch sử có rất nhiều vụ án được phát hiện nhờ việc động vật đào xác nạn nhân.
Tại vùng Điền Tây thuộc Vân Nam, một cặp vợ chồng vì xích mích mà người chồng ra tay giết hại vợ rồi vùi xác trong một ao cạn ẩm ướt và hẻo lánh, sau đó trồng mía lên phía trên và xung quanh để tránh sự chú ý của mọi người.
Bên bờ ao ngày ngày đều tập trung rất nhiều quạ.
Số quạ càng ngày càng nhiều, lên đến hàng trăm con, khiến người dân gần đó chú ý.
Cảnh sát địa phương phán đoán rằng trong ao cạn đó có xác chết, nên đến kiểm tra, và cuối cùng bắt người chồng về quy án.
Một người đàn ông ở huyện Phụng Tiết sau khi uống say đã bóp cổ người mẹ sáu mươi đến chết, rồi chôn xác bà dưới vạt đất sau nhà.
Sau đó, hắn nói với người thân và hàng xóm rằng mẹ mình có vấn đề về thân kinh nên đã bỏ nhà ra đi.
Nhưng điều hắn không thể ngờ tới được, con chó vàng mà người mẹ đã nuôi mười năm hàng ngày đều chạy ra trước vạt đất sủa inh ỏi.
Mỗi khi có người đi ngang qua đó, con chó vừa lồng lên, vừa nhìn người qua đường như khẩn cầu, khắp vạt đất đầy những vết chân chó cào.
Trưởng thôn thấy nghi ngờ, cho người đào đất lên thì phát hiện xác bà mẹ được cuốn trong tấm thảm chôn dưới đó.
Ngày hôm sau, tổ chuyên án và Trợ lí Đường đến điều tra hai đứa trẻ chết đuối.
Cả hai đứa trẻ đều học tại trường tiểu học Đông Dương trên thị trấn.
Bé trai tên Sái Minh Lượng, bé gái tên Sái Tiểu Khê, cả hai đều mới mười tuổi, học lớp ba, là bạn cùng bàn.
Đồn công an cách trường hợc của hai đứa trẻ không xa.
Đi một vòng đường núi quanh co là đến thị trấn nơi có ngôi trường của hai đứa trẻ.
Trong thị trấn, nước bẩn ngập tràn khắp nơi, một mùi vừa hơi vừa khai bốc lên, khiến người ta có cảm giác như nhà nhà đều mang bô ra đường đổ vậy.
Tô My tối qua đã lấy mẫu vật phẩm tàn dư trong dạ dày của con quạ chết, cùng với bàn tay và mẫu dầu xác trên cánh cửa đưa cho Trợ lí Đường mang xuống thành phố làm hoá nghiệm.
Mặc dù mùi hôi thối của thị trấn này khiến người ta phát nôn, nhưng Tô My từ tối qua đến giờ chưa có gì vào bụng, nên khi thấy trước cổng trường có bán món trứng luộc nước chèng không ngần ngại chạy lại mua vài quả lót dạ.
Trên bếp lò đặt một nồi trứng gà đang luộc, chủ quán hàng là một người phụ nữ trung niên ăn mặc giản dị, bà đập nứt vỏ trứng rồi lại cho vào bên trong luộc tiếp Tô My hỏi giá, không ngờ một quả trứng ở đây những hai tệ rưỡi, đắt hơn hẳn những loại trứng luộc nước chè khác.
Chủ quán nới: “Đây là trứng đồng tử nên giá mới đắt như thế Cô cứ yên tâm, hàng thật đấy.”
Tô My hỏi: “Thế nào là trứng đồng tử ạ? Đây chẳng phải là trứng luộc nước chè sao ạ?”
Chủ quán đoán Tô My là người từ nơi khác đến, nên cười cười rồi trả lời: “Đúng rồi! Là trứng luộc nước chè, chè hảo hạng đấy, cô thử đi, thơm lắm.”
Nước luộc trứng ngả màu vàng vàng, trên mặt còn có một lớp bọt mỏng dạt sang mép nồi.
Bao Triển ngửi một, rồi nói: “Giống như mùi nước tiểu!”
Chủ quán cười rồi nói: “Ha ha! Đây là trứng luộc bằng nước tiểu của bé trai, hai cô cậu ạ!”
Họa Long tức giận quát: “Lấy nước tiểu luộc trứng mà còn dám bán công khai giữa đường giữa chợ thế này!” Rồi anh xông tới định đổ cả nồi trứng đi.
Trợ lí Đường và Bao Triển vội vàng ngăn lại, giáo sư Lương xoa dịu: “Họa Long, không được làm càn.
Nhập gia tùy tục, đây là thói quen ẩm thực của địa phương thôi.” Bấy giờ Họa Long mới chú ý thấy khắp cổng chợ và sạp đồ ăn vỉa hè đều có bán món này, hơn nữa thực khách mua trứng đồng tử cũng ra vào không ngớt.
Người dân ở thị trấn Đông Dương có truyền thống dùng nước tiểu của trẻ em luộc trứng gà, món ăn này còn từng được đưa vào hồ sơ xin chứng nhận di sản văn hoá phi vật thể nữa.
Họ quan niệm rằng việc món trứng gà luộc bằng nước tiểu của bé trai là món bổ dưỡng số một.
Tổ chuyên án đi vào trường tiểu học Đông Dương.
Mọi người phát hiện trên hành lang của dãy lớp học có một chiếc thùng nhựa màu đỏ, không biết dùng để làm gì.
Một lát sau, tiêng chuông tan lớp vang lên, những đứa trẻ ùa ra khỏi lớp, mấy đứa trẻ trai không thèm vào nhà vệ sinh, mà đi tiểu trực tiêp vào chiếc thùng nhựa đỏ.
Một thầy giáo trẻ họ Mâu mời tổ chuyên án và Trợ lí Đường vào trong văn phòng.
Thầy Mâu giải thích: “Ăn trứng đồng tử là thói quen dân dã ở đây, những người bán món này, hoặc nếu ai đó muốn tự mình luộc, sẽ mang một thùng nhựa đến các trường học để thu lượm nước tiểu của các bé trai.
Các học sinh và giáo viên ở đây đều đã quen với cảnh này.
Các học sinh từ lớp một đến lớp ba khi muốn tiểu tiện, có thể đi thẳng vào thùng nhựa ngoài cửa lớp.
Các giáo viên còn nhắc nhở học sinh, nếu bị ốm thì không được đi tiểu vào đó.”
Thầy Mâu nói tiếp: “Tôi ngày nào cũng ăn hai quả đấy!”
Bao Triển hỏi: “Trứng đồng tử có mùi thế nào?”
Thầy Mâu trả lời: “Rất thơm và có phần hơi mặn, đến cả lòng đỏ cũng mặn, mỗi lần cũng không thể ăn quá nhiều hai quả là tốt nhất.”
Thầy Mâu là giáo viên dạy toán, và cũng là giáo viên chủ nhiệm của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khệ.
Anh cho biết: “Hai đứa trẻ đó rất lạ, chúng cùng nhau đến lớp, cùng nhau về nhà, bất kể thế nào cũng phải đi cùng nhau, bấy giờ lại cùng chết một lúc, thật sự rất kì lạ.”
Tô My nói: “Điều đó thì có gì lạ đâu.
Hai đứa trẻ đó ở cùng một làng, đến lớp, tan học đi cùng nhau cho có bạn.”
Giáo sư Lương hỏi: “Thầy kể thêm tỉ mỉ cho chúng tôi xem hôm xảy ra vụ việc, biểu hiện của hai đứa trẻ có gì khác thường không? Mấy giờ chúng rời khỏi lớp?”
Thầy Mâu kể.
“Kết quả thi của hai đứa giống nhau, đều không đạt.
Tôi nghi ngờ rằng hai đứa quay cóp của nhau, nên yêu cầu cả hai ở lại làm một bài thi.
khác.
Khi chúng rời khỏi trường, trời đã tối rồi.”
Bao Triển hỏi: “Lúc đó trong trường chỉ còn hai đứa nữa thôi sao?”
Tơ My có phần giận dữ, nói: “Hai đứa trẻ đó đều ở cách trường khá xa, đường núi lại hiểm trở, thầy không thấy mình cũng có trách nhiệm trong việc này sao?”
Thầy Mâu phản bác: “Chúng thi trượt lại còn quay bài, tôi cho chúng thi lại thì có gì là sai.
Hơn nữa, hai đứa tré đó không giống những đứa trẻ khác, tôi nghi ngờ chúng đang chơi trò yêu nhau.”
Bao Triển nói: “Trẻ con bây giờ lớn sớm thế sao? Hai đứa trẻ mới mười tuổi mà đã biết yêu đương rồi?”
Thầy Mâu nói: “Sái Minh Lượng gọi Sái Tiểu Khê là “mẹ mi”.”
Trợ lí Đường giải thích: “Ở đây “mẹ mi” có nghĩa là vợ, bà xã.”
Thầy Mâu nói: “Các giáo viên và học sinh trong trường đều nghĩ rằng chúng có quan hệ khác giới không bình thường.”
Giáo sư Lương hỏi: “Quan hệ khác giới không bình thường?”
Thầy Mâu cũng gằn giọng: “Tuy hai đứa trẻ đó mới chỉ có mười tuổi, nhưng chúng gắn bó cứ như là một đôi vợ chồng!”
Chương 5 Kỳ án trộm xác Ngoài hành lang, mấy đứa trẻ đang hát một bài hát thiếu nhi đã bị xuyên tạc: “Hai chú hổ con.
Hai chú hổ con! Chúng yêu nhau! Chúng yêu nhau! Cả hai đều là hổ bố! Cả hai đều là hổ bố!” Một số học sinh chơi trò chơi trên sân vận động, chúng không ngừng ném một loại thẻ cứng hình tròn xuống đất rồi chửi tục, còn vài đứa chơi trò Yoyo… Tiếng chuông vào lớp vang lên, lũ trẻ lại chạy vào lớp.
Sân trường bỗng trở lên vắng lặng hẳn.
Trong phòng một lớp ba, có hai chiêc bàn trống, hai đứa trẻ cũng không bao giờ trở lại lớp học nữa.
Tổ chuyên án kiên nhẫn đợi đến khi tan lớp, sau đó tiến hành điều tra.
Trong hôm xảy ra sự việc, trong trường không xuất hiện ai lạ hoặc sự việc gì bất thường.
Nghe nói hai đứa trẻ từng ăn trộm trứng đồng tử, và bị một người phụ nữ chủ quán hàng mắng té tát.
Có học sinh còn cho biết, Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đã định hôn từ nhỏ, khi chúng vừa sinh ra, hai bên cha mẹ đã đồng ý mối hôn sự này.
Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê ở cùng một làng.
Trong ngày xảy ra sự việc, do phải thi lại, nên đến tận khi trời đã tối mới được về.
Ngôi làng nơi chúng sống tên là Sái Trang Lí, một xóm núi trồng rất nhiều hồng ăn quả.
Trường học cách làng rất xa, đường núi gập ghềnh khó đi, hai đứa trẻ phải đi bộ một tiếng đồng hồ mới tới nhà.
Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường được giao nhiệm vụ đi thăm dò đoạn đường về này.
Giáo sư Lương vì ngồi xe lăn nên không tiện đi cùng.
Giáo sư cùng Tô My ở lại cục công an thành phố, chỉ huy lực lượng cảnh sát địa phương điều tra vụ án trộm xác.
Xác của đứa trẻ áo đỏ không cánh mà bay, đằng sau đó chắc chắn ẩn giấu một bí mật không ngờ tới được.
Trộm xác để làm gì? Kẻ nào dám làm việc đi ngược đạo trời như thế? Cái xác có thể mang lại cho kẻ trộm điều gì? Tạm thời đó còn là những câu đố chưa lời giải.
Kết quả kiểm tra DNA cho thấy, thứ dịch màu xanh trên cánh cửa đồn công an trên núi và bàn tay tìm thấy ở nhà cậu bé áo đỏ đều là của một đứa trẻ – Sái Minh Lượng.
Những đứa trẻ ở thành phố có cha mẹ đưa đi đón về còn những đứa trẻ ở nông thôn đều phải tự mình đến lớp.
Con đường đi đến với tri thức của chúng vô cùng gian nan và nguy hiểm.
Bao Triển, Họa Long, Trợ lí Đường đi lại một lượt trên con đường mà Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê vẫn thường đi mỗi khi đến lớp, về nhà.
Một bên đường là thung lũng dốc đứng, một bên là núi cao hiểm trở, thường xuyên gặp những tảng đá lớn chắn đường.
Trên dốc thung lũng mọc đầy cỏ dại, những nhành hoa dại đua nở giữa rừng, nước suối róc rách lách qua từng đám hoa đám cỏ chảy xuống.
Đây là thứ phong cảnh mà những thanh niên ưa du lịch mạo hiểm thường tấm tắc khen ngợi là thiên nhiên tuyệt đẹp, nhưng cũng là con đường gian nan mà hai đứa trẻ nhỏ phải ngày ngày băng qua để đến trường.
Một bé trai và một bé gái đều mới chỉ mười tuổi, chúng gắn bó như một đôi vợ chồng nhí.
Chúng cùng nhau vượt qua sương gió bão giông, cùng nhau đi qua bốn mùa mưa nắng, nắm tay nhau đi trên con đường núi tối om và không bao giờ trở về nhà.
Hai đứa trẻ chết đuối trong ao nước cạnh đường rừng.
Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường quan sát thật kĩ lưỡng, đây là một nơi địa thế hiểm trở, gần đó có một cây cổ thụ đã chết khô, xung quanh cái cây có một trảng cỏ bằng phẳng, lũ trẻ có lúc đến đó chơi đùa, gặp mưa thì chui vào hốc cây rỗng trú tạm.
Trước mặt là một con đường mòn nhỏ hẹp, không loại trừ khả năng có người đã đẩy hai đứa trẻ xuống ao.
Vòng qua bên kia ao nước, chính là ngôi làng mang tên Sái Trang Lí.
Trong làng này không có đường dây điện thoại, nên Trợ lí Đường không có cách nào liên lạc được với người quản lí của làng.
Anh nói: “Công tác đưa điện thoại về làng thực hiện chẳng triệt để chút nào.
Thời đại nào rồi mà có những nơi còn không có cả điện thoại thế này cơ chứ!”
Họa Long nói: “Đừng nói là ở nơi này, ngay ở kinh thành, cũng có những nơi không có đường điện thoại.
Khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn.”
Trợ lí Đường ngạc nhiên nói: “Không phải thế chứ? Đến kinh thành mà cũng có cảnh này sao?”
Họa Long trả lời: “Thôn An Khẩu, trên núi Mật Vân – Ngôi làng duy nhất ở kinh thành không có điện thoại.”
Bao Triển cả chặng đường không lên tiếng, Họa Long liền quay sang hỏi: “Cậu nghĩ gì mà trầm tư thế?”
Bao Triển nói: “Tôi nhớ lại con đường mình hay đi học hồi nhỏ.
Thực ra, đã bao nhiêu năm trôi qua rồi nhưng vẫn không có gì thay đổi.”
Ba người vào làng hỏi thăm, tìm được đến nhà lãnh đạo thôn.
Bí thư cho biết, cha mẹ của Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đều không ở trong làng mà đi làm xa.
Cha mẹ chúng làm xong tang lễ vẫn phải trở lại với công việc hàng ngày để duy trì cuộc sống.
Nỗi đau mất con cũng không thể nào khiến họ ngừng việc duy trì sự sống lại được.
Trong làng chỉ toàn những ông lão bà cụ và những đứa trẻ bị bỏ lại quê, gần như tất cả những người trẻ tuổi và còn sức lao động đều đã ra phố kiếm kế sinh nhai hết cả.
Trợ lí Đường: “Chủ nhiệm trị an của thôn là ai?”
Bí thư: “Chính là tôi đây! Tôi kiêm luôn cả công tác trị an.”
Họa Long: “Thế người tiền nhiệm là ai?”
Bí thư: “Cũng vào thành phố làm thuê rồi, vào đó làm bảo vệ.”
Trợ lí Đường: “Lần này chúng tôi đến đây là muốn mở quan tài nghiệm xác.”
Bí thư hốt hoảng nói: “Như thế làm sao được! Người chết đã về với lòng đất, các cậu còn định nghiệm xác, cha mẹ hai đứa trẻ đều không ở nhà.
Tôi là bí thư thôn, cũng không quyết định được, dân làng cũng sẽ phản đối cho mà xem.”
Bao Triển nói: “Ông nhất định phải tìm người thông báo cho cha mẹ đứa trẻ, để họ ngày mai trở về.”
Bí thư vừa buồn bực vừa hỏi: “Vụ án này đã điều tra đi điều tra lại lâu như thế rồi, cuối cùng cũng chỉ kết luận là tử vong ngoài ý muốn.
Hay là… cảnh sát tìm được đầu mối nào rồi?”
Bao Triển trả lời thẳng thắn: “Không giấu gì, rất có thể bây giờ chỉ còn mộ trống thôi.”
Bí thư kinh ngạc hỏi: “Mộ không? Làm sao có thể như thế được? Lúc làm ma, chính tôi nhìn thấy họ chôn hai đứa trẻ cơ mà.”
Họa Long nói: “Có thể thi thể của đứa trẻ đã không còn trong đó nữa.”
Bí thư quả quyết: “Đây đúng là việc tày trời.
Ngày mai tôi dẫn các anh đi kiểm tra.
Hai đứa bé đều gọi tôi là ông, tôi sẽ đứng ra chịu trách nhiệm!”
Bao Triển nói: “Chúng tôi chỉ mở quan tài kiểm tra, không cần nghiệm xác, vì có lẽ cái xác đã không còn nữa rồi!”
Trợ lí Đường nói với bí thư: “Một bàn tay của đứa trẻ được tìm thấy ở nơi khác.”
Mồ mả của những người trong làng đều tập trung ở phía sau núi, những người địa phương gọi nơi này là “rừng già”.
Sáng sớm ngày hôm sau, Bao Triển, Họa Long và Trợ lí Đường lên đường đi kiểm tra mộ hai đứa trẻ Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê.
Không nằm ngoài dự kiến, ngôi mộ đã bị quật lên từ lúc nào, bên trong trống rỗng, thi thể của Sái Minh Lượng đã không còn ở đó.
Điều kì lạ là, thi thể của Sái Khê cũng đã biến mất, hai đứa trẻ đó được chôn cùng nhau.
Bí thư giải thích: “Hai đứa trẻ đã định hôn nhân từ khi mới sinh, ở chỗ chúng tôi cũng có thế coi là vợ chồng rồi.
Vợ chồng thì tất nhiên phải chôn cùng nhau.”
Bao Triển lấy mẫu đất nơi ngôi mộ bị quật lên, đưa về làm hóa nghiệm.
Trong đất có lẫn tiền giấy, nhưng điều lạ là còn có cả xác pháo.
Đây là một điều bất thường.
Theo phong tục tang lễ tại địa phương, khi hạ táng hầu như không có chuyện đốt pháo, điều đó không hợp tình hợp lí.
Thi thể của ba đứa trẻ mất tích một cách thần bí, vương Lệnh Quần vô cùng coi trọng vụ án này, cho mở cuộc họp khẩn phân tích tình hình vụ án.
Trong buổi họp, toàn bộ cảnh sát thảo luận và suy đoán về vấn đề trộm xác và những phương thức xử lí cái xác có thể xảy ra.
Mọi người bàn luận xôn xao, không ai có được kết luận cuối cùng.
Trên toàn Trung Quốc từng xảy ra không ít các vụ án trộm xác, ví dụ như gần vùng Tân Du từng liên tục xảy ra mười mấy vụ trộm xác chết, rồi vụ án Lí Trình Câu ở Thập Lí Điện từng chấn động cả Trung Quốc, còn cả vụ án tại thôn Nhân Tướng thị trấn Long Xuyên, có kẻ quật mộ trộm xác,… Những vụ án mất nhân tính này xảy ra khắp nơi trong mười năm nay.
Vương Lệnh Quần nói: “Sau khi kết hợp phân tích các vụ án trộm xác từng xảy ra, theo mọi người mục đích trộm xác là gì?”
Tô My nói: “Có những nơi, nếu trong nhà có người chết, sau khi chôn xong, phải cắt cử người canh giữ, và dần dần trở thành một phong tục của địa phương.”
Trợ lí Đường bổ sung thêm: “Đói là để đề phòng có kẻ đào mộ trộm xác chết, ở vùng này gần như không xuất hiện tình trạng đó.”
Họa Long nói: “Ngày nay khắp nơi đều sử dụng dịch vụ hỏa táng, nhưng nhiều nơi không tiếp nhận hình thức này.
Có một số gia đình sẵn sàng bỏ ra cả đống tiền để mua một xác không tên, thay thế cho người thân của mình, rồi đưa xác người thân đi thồ tang.
Vì thế, những thi thể bị đào trộm rất có thể được dùng vào mục đích này.”
Giáo sư Lương nói thêm: “Cũng có trường hợp thi thể bị đào trộm nhằm mục đích tạo tiêu bản bộ xương người, dùng trong y học hoặc có dụng ý khác.
Những vụ án đào mộ, trộm xương đại đa số là dùng vào mục đích này.”
Tô My nói: “Mấy ngày hôm nay, tôi đã xem qua rất nhiều hồ sơ các vụ án trộm mộ, trong đó có một vụ dùng làm tiêu bản.
Bức ánh trong hồ sơ vơ cùng man rợ, một cỗ quan tài bị bật nắp, xương cốt đã không còn, trên đống đất bên cạnh có một chiếc túi ni lông màu vàng.”
Một cảnh sát có tuổi cho biết: “Theo quan niệm mê tín thời xưa, những cây linh chi mọc trên quan tài có thể hấp thụ được dinh dưỡng của cái xác, vì thế vô cùng quý giá, công hiệu cũng rất tuyệt vời, nên có thể có những kẻ trộm xác là để trồng nấm linh chi.”
Tô My nói tiếp: “Còn một khả năng nữa, đó là để phối duyên âm.
Duyên âm là mối đuyên giữa người chết và người chết.
Một số nơi ở nông thôn vẫn có tục lệ này.
Do nhu cầu ngày càng tăng, thi thể nữ ngày càng có giá.”
Bao Triển hoài nghi: “Rất có thể Sái Minh Lượng và Sái Tiểu Khê đã được phối duyên âm, trên mộ của hai đứa trẻ phát hiện thấy xác pháo, chỉ có khả năng phối duyên âm là hợp lí trong trường hợp này.”
Tô My nói: “Hai đứa trẻ đã có hôn ước từ khi vừa lọt lòng, sau khi chết hai bên cha mẹ đã tổ chức lễ cưới cho chúng.”
Bao Triển đồng tình: “Đúng thế, tang lễ cua hai đứa trẻ cũng chính là hôn lễ.”
Họa Long cho rằng: “Bí thư của thôn có thể vì lo sợ bị cấp trên phê bình do có hành vi mê tín dị đoan, nên mới cố tình giấu việc này, và những người dân trong làng cũng không ai hé răng nửa lời.”
Vương Lệnh Quần nói: “Phải nhanh chóng tìm được cha mẹ hai đứa trẻ để xác minh việc này.”
Vị cảnh sát trung tuổi bỗng do dự, rồi nói: “Việc trộm xác, nhất là xác trẻ con, còn có một động cơ nữa.”
Vương Lệnh Quân hỏi gấp: “Là gì?”
Cảnh sát trung tuổi trả lời: “Nuôi ma!”
[1] Hydro sulfur: Công thức hóa học: H2sS: Hợp chất khí ở nhiệt độ thường có mùi trứng thối độc.
[2] Hemoglobin: Huyết sắc tố, là một Protein phức tạp chứa phần tử sắt có khả năng thu nhập, lưu trữ và phóng thích Oxy trong cơ thể động vật có vú và một số động vật khác.