Mười Tội Ác: Bóng Ma Đêm Mưa

Đau khổ là khi ta bị buộc phải rời khỏi chỗ cũ – Immanuel Kant.
Ở nơi hoa Đào nhuộm sắc hồng khắp không gian có một ngôi đình bằng đá, ngôi đình ấy tên là đình Lan Khả. Đình Lan Khả có hai tầng, tầng trên có thể dùng để ở, còn cất giữ một số cổ tích cờ phổ, tầng dưới được chống đỡ bởi năm trụ cột hình vuông. Trên mỗi trụ cột đều khắc những thế cờ tàn.
Hai người đang ngồi trong đình đánh cờ, sương giăng la đà xung quanh, màn đêm hoang liêu bủa vây tứ phía.
Ngồi hướng nam là người đàn ông trung niên có dáng dấp cán bộ địa phương, anh ta là trưởng ban Dương, trưởng ban phát triển quy hoạch thuộc phòng du lịch huyện Vũ Lăng. Anh ta cũng là hội trưởng hiệp hội cờ tướng địa phương, từ nhỏ đã ham mê cờ tướng nên giờ đã trở thành kì thủ hạng nhất cấp quốc gia, trong vòng trăm dặm khó có ai địch nổi anh ta.
Người ngồi đối diện trưởng ban Dương nói: “Ông phải vô cùng thận trọng với ván cờ này, bởi có lẽ đây là ván cờ quan trọng nhất trong cuộc đời ông!”
Trưởng ban Dương từ chối: “Tôi không muốn chơi!”
Người đó ép buộc: “Không được! Đâu phải ông không muốn chơi là có thể không chơi!”
Trưởng ban Dương dò hỏi: “Thế nếu tôi thắng thì sao?”
Người đó quả quyết: “Ông không thể thắng nổi tôi!”
Trưởng ban Dương run rẩy hỏi tiếp: “Thế… nếu tôi thua thì sao?”
Người đó bình thản nói: “Nếu thua, ông sẽ chết!”
Trưởng ban Dương toát mồ hôi lạnh, đây là ván cờ phán quyết sinh tử, ông cầm quân đỏ, run lẩy bẩy bày thế pháo đầu, anh ta vô cùng tin tưởng vào kĩ thuật chơi cờ của mình, chẳng ngờ người đó chỉ cần ba nước cờ liền dồn anh ta vào chỗ chết.
Bước thứ nhất, mã không đi chéo hai ô liền nhau.
Bước thứ hai, tượng cũng không đi theo đường chéo của hình vuông gồm hai ô cờ.
Bước thứ ba, đá bay tổt chưa qua sông của nguời đó, trực tiếp ăn luôn con tướng già của trưởng ban Dương…
Trưởng ban Dương trố mắt hỏi: “Rốt cuộc anh muốn gì.”
Người đó đáp: “Tôi muốn biến ông thành bù nhìn rơm.”
Chương 1: Đào Hoa Nguyên Ký
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc lên tiếng: “Nào! Chúng ta lại có một vụ án mới.”
Bao Triển hỏi: “Vụ gì thế?”
Phó cục trưởng đáp: “Một vụ hung án giết người!”
Họa Long nhắc: “Sếp này! Tổ chuyên án chỉ nhận vụ lớn thôi đấy nhé!”
Phó cục trưởng nói một câu khiến tất cả mọi người đều ngậm miệng: “Ngay cả mười vụ giết người điên cuồng và tàn khốc nhất trong lịch sử New York cũng chỉ đáng tầm học sinh tiểu học so với hung thủ này thôi!”
Tô My cầm hồ sơ vụ án, chăm chú đọc một lát, rồi cô giật mình đánh rơi cả tập tài liệu xuống đất.
Giáo sư Lương lăn xe đến, nhặt hồ sơ lên. Ông đeo kính lão, lật xem vài trang đầu. Vẻ mặt của vị giáo sư già uyên bác với đôi mắt hiền từ đột nhiên thay đổi hoàn toàn. Ông trở nên vô cùng nghiêm nghị, cất giọng vẫn còn dư chấn của nỗi kinh ngạc: “Nạn nhân bị lột da, bộ da đó được làm bù nhìn rơm”
Năm 2007, huyện Vũ Lăng xảy ra một vụ án gây chấn động lớn đến dân chúng địa phương và ngành cảnh sát.
Hôm xảy ra vụ án, sớm mai nơi sơn thôn mịt mùng sương mù, xa xa văng vẳng vọng lại tiếng gõ mõ của người bán đậu phụ rong. Đường núi gập ghềnh khó đi, người bán đậu phụ đặt quang gánh xuống, nghĩ chân giây lát anh ta ghé vào vườn Đào ven đường thả buồn. Khi ấy sương giăng mù mịt, những trái Đào mật trĩu nặng kéo cành cây xuống thành một đường cong tuyệt mỹ, lá cây vẫn còn đọng những giọt nước li ti, một thằng bù nhìn rơm lặng lẽ đứng sừng sững trong vườn Đào.
Anh bán hàng rong thấy có gì đó là lạ bèn sán lại gần xem. Vừa nhìn kĩ, anh ta tá hoả phát hiện đầu của bù nhìn rơm là đầu người thật, bên trong lớp da được nhét đầy rơm khô…
Giáo sư Lương kể. “Trong lịch sử phạm tội có hai hung thủ nổi danh với thủ đoạn giết nguời quái đản. Người thứ nhất được truyền thông các nước trên thế giới gọi là “ông tổ của những vụ án giết người hàng loạt xuất thần nhập quỷ – Jack the Ripper[1]”, còn người thứ hai là “Huyền thoại Edward Gein – Kẻ sát nhân hàng loạt.” Phương pháp giết người của tên Jack là cắt cổ họng, còn cách giết người của tên Ed Gein là bắn chết nạn nhân sau đó phanh thây, lột da, chế tạo thành đồ mĩ nghệ, y có một biệt hiệu khiến người ta nghe đã thấy sợ mất mật: Buffalo Bill. Rất nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng đều lấy hình tượng của hắn làm nguyên mẫu xây dựng nhân vật sát thủ tàn bạo, như “Sự im lặng của bầy cừu”, “Từ địa ngục[2]”, “Tử thần vùng Texas[3]”.”
Phó cục trưởng Bạch Cảnh Ngọc nói, nếu giới truyền thông biết được thì tên Buffalo Bill của Trung Quốc này cũng đủ làm rung động thế giới.
Sau khi nhận được điện thoại xin trợ giúp của đội cảnh sát xã Đào Nguyên, ông cũng cảm thấy vô cùng kinh hãi, vụ án này rất nghiêm trọng, có thể nói là vụ án hình sự nguy hiểm vô cùng hiếm gặp từ khi thành lập nước đến nay. Qua điều tra bước đầu, phía cảnh sát đã biết nạn nhân là trưởng ban Dương thuộc phòng du lịch huyện Vũ Lăng. Một mặt cảnh sát địa phương phong tỏa thông tin, để tránh làm nhân dân trong vùng hoảng hốt, mặt khác họ báo cáo sự việc với cấp trên, thỉnh cầu cấp trên cử tổ chuyên án xuống giúp đỡ. Bốn thành viên của tổ chuyên án lập tức khởi hành. Đầu tiên họ đáp máy bay đến tỉnh thành, sau đó mượn xe của công an tỉnh. Tổ chuyên án chỉ nghỉ ngơi trong chốc lát rồi lập tức phóng như bay xuống phòng cảnh sát của công an huyện Vũ Lăng trong tiếng còi cảnh sát rú liên hồi.
Toà nhà của phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng trông vô cùng uy nghi và bề thế, tuy chỉ là tuyến công an cấp huyện nhưng mức độ xa hoa chẳng hề thua kém toà Bạch ốc. Hàng cây xanh rợp bóng dưới sân, đây đó thấp thoáng những vườn hoa nở rộ, cảnh vệ đứng gác trang nghiêm hai bên cổng trông rất uy vũ, ngẩng đầu lên liền nhìn thấy năm chữ vàng sáng lấp lánh trên toà nhà văn phòng – Vì nhân dân phục vụ.
Trước cổng phòng cảnh sát trông thật nhếch nhác, rác rưởi ngổn ngang khắp nơi. Khung cảnh này hoàn toàn đối lập với hình ảnh toà nhà văn phòng hào nhoáng.
Bao Triển nhìn đầu mẩu thuốc lá, chai nước khoáng, bánh màn thầu và cả những vết máu vương vãi khắp mặt đất, anh phân tích: “Chắc chắn ở đây vừa xảy ra cuộc biểu tình của quần chúng.”
Họa Long thắc mắc: “Biểu tình ư? Nếu muốn biểu thì phải đến Uỷ ban nhân dân huyện chứ tại sao lại đến phòng cảnh sát?”
Giáo sư Lương giải thích: “Chắc chắn họ đã đến Ủy ban nhân dân huyện rồi, nhưng bị công an cưỡng chế giải tán không chỉ vậy mấy người cầm đầu cuộc biểu tình còn bị bắt giữ, những người còn lại liền đổ đến trước cửa phòng cảnh sát ngồi lì ở đó, yêu cầu thả người.”
Sau khi bước vào toà nhà của phòng cảnh sát, tổ chuyên án thấy không hề có ai ra đón tiếp mình, thái độ của tất cả mọi người ở đây đều lạnh băng, thậm chí họ còn nhìn bốn thành viên của tổ chuyên án với ánh mắt khác thường. Sau khi hỏi thăm, mọi nơi mới biết trưởng phòng cảnh sát đang đi công tác, bí thư huyện ủy cũng đi họp ở một xã ngoài địa bàn. Điều đó khiến tổ chuyên án cảm thấy rất ngạc nhiên, cả toà nhà toát ra không khí thật quái dị.
Họa Long lầu bầu trách móc: “Chuyện gì vậy nhỉ? Lẽ ra cảnh sát địa phương phải xếp hàng nhiệt liệt đón chúng ta như những vị cứu tinh mới đúng chứ? Nhưng giờ họ biến đâu hết chẳng biết?”
Một viên cảnh sát thò đầu ra, nhìn thấy bốn thành viên của tổ chuyên án, anh ta liền giả lả mời họ vào văn phòng, rồi tự giới thiệu mình là cán sự tuyên truyền, sau đó lấy ra một xấp tài liệu và bảo: “Xin lỗi! Ngại quá…”
Giáo sư Lương hỏi: “Chuyện gì vậy?”
Gã cán sự tuyên truyền trả lời: “Thực ra chỗ chúng tôi không hề xảy ra vụ án lớn nào cả!”
Họa Long bực mình gằn giọng: “Anh đùa đấy à?”
Gã cán sự trình bày: “Xin lỗi vì để các đồng chí mất công đến đây, nhưng chẳng biết làm thế nào, đành mời các đồng chí về vậy. Bởi vì đó chỉ là trò đùa ác ý của một số người. Địa phương chúng tôi không hề xảy ra vụ án giết người nào. Đội cảnh sát xã Đào Nguyên báo cáo sai sự thật và đã bị kỉ luật thích đáng rồi. Bù nhìn rơm chỉ là mô hình làm giống con người, đó là trò đùa ác ý của một người dân địa phương mà thôi.”
Gã cán sự tuyên truyền còn đưa kết quả kiểm chứng bằng giấy tờ và cả bút lục thẩm vấn, cùng kết quả xử lí cho tổ chuyên án xem.
Tô My cau mày phẫn nộ: “Bảo đến là đến, bảo đi là phải đi à? Tôi ôm bụng đói chẳng kịp ăn hột cơm nào liền vội vàng chạy tới đây, kết quả chỉ là màn kịch đùa ác ý thôi sao?”
Cán sự tuyên truyền giảng hoà: “Bây giờ phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng chúng tôi sẽ hỗ trợ chi phí cho các đồng chí, bao gồm cả vé máy bay và công tác phí…”
Họa Long đập mạnh mặt bàn và văng một câu chửi tục sau đó bốn thành viên của tổ chuyên án kéo nhau ra khỏi phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng. Họa Long khởi động xe, lái đến một ngã tư, gặp đèn đỏ, Bao Triển cắm đầu nhìn hồ sơ vụ án, anh chợt bảo: “Họ nói dối!”
Bức ảnh chụp hiện trường vụ án trong tập hồ sơ điều tra rất không chuyên nghiệp. Hàng ngày đội cảnh sát xã chỉ xử lý một số vụ án gây mất trật tự trị an thông thường, ví dụ như những hộ sinh đẻ vượt kế hoạch, hòa giải các vụ cãi vã đánh lộn, đôi khi còn phải giúp lão nông tìm con bò đi lạc… nên họ ít có cơ hội tiếp xúc với những vụ án có mức độ nguy hiểm cao, khi chụp bức ảnh này chắc anh cảnh sát xã đội rất sợ hãi, tay run lẩy bẩy, thêm vào đó lúc phát hiện ra tử thi nạn nhân, sương mù vẫn bao phủ dày đặc nên rất khó phân biệt đây là bù nhìn mô hình người hay là bù nhìn bằng da người thật.
Trên bức ảnh hiển thị một khuôn mặt mờ ảo, bộ da hoàn chỉnh phía dưới, bên trong bộ da nhét rơm khô căng phồng. Bù nhìn không mặc quần áo, chân và tay cũng được kết bằng rơm. Ở vị trí cổ có thể nhìn thấy một vết hằn của dây thừng.
Bao Triển nghi ngờ hỏi: “Ai thèm treo cổ một bù nhìn rơm mô hình người làm gì?”
Tô My đáp: “Chắc chắn là người thật chứ không phải mô hình! Có lẽ nạn nhân đã bị treo cổ đến chết, sau đó hung thủ mới hạ xuống thực hiện hành vi man rợ, rồi cắm bù nhìn vào vườn đào.”
Giáo sư Lương bảo: “Vụ án này có rất nhiều uẩn khúc! Họa Long, chúng ta đến văn phòng của đội cảnh sát xã Đào Nguyên mau!”
Văn phòng của đội cảnh sát xã Đào Nguyên nằm dưới chân một quả núi, trên núi cây xanh mọc um tùm, khắp nơi toàn là giống đào mật, một dòng sơn khê róc rách chảy qua, hai bên bờ liễu rũ thành hàng, một guồng nước lớn chầm chậm chuyển động. Xa xa non xanh nước biếc, trước mắt phố chợ đông đúc náo nhiệt. Trên chợ, người ta chỉ bán đào, đây là loại đào mật đặc sản của vùng, chỉ bày bán vào đúng dịp trung thu nên thu hút được rất nhiều thương lái bán hoa quả khắp nơi trên mọi miền đất nước đổ về đây mua buôn.
Tổ chuyên án lái xe xuyên qua phố chợ đến văn phòng của đội cảnh sát xã Đào Nguyên.
Nhưng thật kì lạ, cánh cửa văn phòng của đội cảnh sát xã đóng im ỉm, không một bóng cảnh sát dân sự nào xuất hiện quanh đó.
Tổ chuyên án đi lòng vòng quanh phố chợ, định bụng ăn gì đó trước, sau đó đến hiện trường gây án trên núi quan sát xem sao. Hồ sơ ghi chép vụ án cho thấy hiện trường vụ án xảy ra ở vườn quả ven đường đến thôn Đào Hoa thuộc xã Đào Nguyên. Hiện trường vụ giết người đầu tiên là ở một ngôi đình thuộc khu cảnh quan Đào Hoa Nguyên. Mọi người bắt đầu xuống núi, dưới chân núi có một quán ăn được gá sơ sài bằng những cây gỗ. Một ông lão đeo tạp dề đang cúi lom khom rửa bát trong quán. Nồi kho tàu sôi lục bục toả hương thơm phưng phức. Một người đàn ông trẻ hơn đang mài dao, đầu cuốn băng, chắc anh ta vừa mới bị thương. Bốn thành viên của tổ chuyên án bước vào, tìm một chiếc bàn trống ngồi xuống.
Bao Triển hỏi thăm: “Ông ơi! Cho cháu hỏi đây có phải khu phong cảnh Đào Hoa Nguyên không ạ?”
Ông lão đáp: “Đúng! Đúng là Đào Hoa Nguyên chó chết đấy!”
Bao Triển lại hỏi: “Ban ngày ban mặt mà sao không thấy cảnh sát dân sự nào ở văn phòng vậy ông?”
Ông lão nghiến răng ken két chửi: “Bọn chó! Chúng chết ráo rồi! Chết cả lò chúng nó rồi!”
Họa Long chen ngang: “Có phải ở xã mình vừa xảy ra một vụ án mạng giết người không ông?”
Ông lão lập tức cảnh giác hỏi lại: “Các anh là ai?”
Bao Triển thực thà trả lời: “Chúng cháu cũng là cảnh sát.”
Ông lão vừa nghe đến hai từ “cảnh sát” thì nổi cơm tam bành, ông đập mạnh chiếc đĩa trong tay xuống đất rồi chỉ tay ra cửa đuổi: “Cút! Cút! Biến ra khỏi đây! Hôm nay đóng cửa rồi! Không bán nữa! Vứt thịt cho chó còn hơn bán cho bọn cảnh sát các người!”
Nghe đến chữ “cút”, trong đầu Họa Long liền nổi lửa giận phừng phừng. Hai vụ án trước, tổ chuyên án đi đến đâu được người ta chào đón, kính nể đến đó, vậy mà tới đây đầu tiên thì vấp phải thái độ lạnh nhạt của cảnh sát huyện, sau đó thì đội cảnh sát xã đóng cửa không tiếp, giờ lại bị ông lão chủ quán xua đuổi như đuổi tà Họa Long đứng bật dậy, đang định phản ứng lại thì đột nhiên có một đám người với bộ dạng dữ tợn hùng hổ xông vào, vừa đến cửa chúng đã vung tay vung chân đập phá, chúng hất tung nồi lẩu đang đun xình xịch trên bếp lò, lửa trên bếp lập tức bén lên rèm cửa sổ. Người thanh niên đang mài dao trong quán giật mình hốt hoảng, chỉ biết đứng ngây người nhìn bọn chúng. Đám người lao tới tay đấm chân đá người thanh niên. Chẳng mấy chốc, dải băng cuốn quanh đầu anh ta đã thấm đẫm máu tươi.
Bao Triển và Họa Long còn lơ ngơ chưa hiểu chuyện gì thì ngôi quán được gá bằng những thanh gỗ đã phừng phừng bốc cháy. Cảnh tượng trong quán thật hỗn loạn, hai người vội vàng đẩy xe cho giáo sư và kéo tay Tô My chạy ra khỏi cửa.
Ông lão nổi gân xanh cuồn cuộn trên cổ, gào to mắng chửi đám người mới đến. Đám người đó nhanh tay khênh người thanh niên ra khỏi quán ăn rực lửa. Vài người dân trong thôn và người qua đường định chung tay dập lửa, nhưng một người đàn ông trung niên bụng phệ chống nạnh cất giọng the thé: “Tôi là chủ tịch xã Ngô! Ai dám dập lửa, người đó sẽ bị bắt nhốt vào ủy ban xã. Ai dám hắt một gáo nước, người đó sẽ bị phạt ba trăm tệ!”
Ông già tức giận run bần bật, ông vắt kiệt sức thét lớn: “Thằng chủ tịch xã kia! Mày dám đốt nhà tao! Tao liều mạng với mày! Tao phải giết chết mày!”
Ông chủ tịch xã nhếch mép cười lạnh lùng: “Nhà cao cửa rộng bảo chuyển đi sớm thì không chuyển! Đúng là đồ thân lừa ưa nặng! Nhốt ông ta vào!”
Chẳng bao lâu sau, ngọn lửa cháy ngút trời cũng lụi dần, ngôi quán chỉ còn trơ lại tường đổ ngói cháy xém đen. Màu đen càng làm nổi bật chữ “Phá” màu trắng được viết trên tường. Tiếng chửi bới của ông lão càng lúc càng xa, dần dần nó biến thành tiếng khóc tức tưởi, cuối cùng chẳng nghe thấy tiếng gì nữa.
Ở ven đường dưới chân núi có một khối đá lớn, bên trên khắc bốn chữ “Đào Hoa Nguyên Ký”, tiếp đó là câu chuyện kể về vùng đất Đào nguyên này: “Vào triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người ở huyện Vũ Lăng làm nghề đánh cá, một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Người ngư phủ chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, người dân ở đó sống an nhàn, thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên mà không thấy…”
Phương thức cưỡng chế phá dỡ đầy bạo lực này khiến Tô My cảm thấy kinh hãi, đây là lần đầu tiên trong đời cô tận mắt chứng kiến kiểu làm việc dã man như thế Họa Long thở dài, anh đã hiểu vì sao ông chủ quán lại căm hận cảnh sát đến vậy. Bốn thành viên của tổ chuyên án chẳng còn bụng dạ nào ăn uống nữa, họ lái xe lên khu phong cảnh Đào Hoa Nguyên trên núi. Tuy cảnh hai bên đường vô cùng hữu tình nhưng thực sự họ không còn tâm trạng mà thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên. Suốt chặng đường dài chẳng ai nói với ai câu nào, xe dừng lại trước một ngôi đình nhỏ. Trong đình đã có một người ngồi đó tự bao giờ. Người ấy đang chăm chú đọc một cuốn cờ phố.
Trên vách đình treo miếng gỗ mang phong vị cổ xưa viết ba chữ “Đình Lan Khả”. Có lẽ đây chính là hiện trường gây án được ghi chép trong hồ sơ điều tra, vậy mà cột đình và mặt đất không hề lưu lại vết máu, cũng không có bất cứ biển cấm nào của cảnh sát. Nơi đây trông như chưa từng xảy ra án mạng vậy, nhưng Bao Triển đã ngửi thấy mùi máu tanh trong khắp ngôi đình.
Tô My đẩy xe lăn của giáo sư Lương vào trong đình và dừng lại trước bàn cờ.
Giáo sư Lương nói với người đang ngồi trong đình: “Đánh một ván chứ?”
Người đó mỉm cười đáp: “Được thôi!”
Giáo sư Lương chọn thế cờ mang tính tấn công cao, thế khai cuộc trung pháo đi pháo từ cột hai sang cột năm.
Người kia hơi căng thẳng, anh ta định dùng thế Bình phong Mã để phòng ngự, kết quả lại đẩy mã nhảy vào vị trí tử, nhưng cũng ngại không dám đi lại.
Giáo sư Lương vờ không nhìn thấy, ông chỉ hỏi bâng quơ một câu: “Cho tôi hỏi thăm một người, trưởng ban Dương trên phòng du lịch vừa bị sát hại ấy, cậu có biết không?”
Người đó bình thản đi một nước cờ, rồi đáp: “Cháu chính là trưởng ban Dương!”
Chương 2: Chốn đào nguyên
Vầng tịch dương đỏ ối đã lặn về tây, sắc chiều hoang hoải cô liêu, tiếng sáo đâu văng vẳng vọng lại từ cõi xa xăm, nghe vừa thê thiết, não nùng lại vừa nhàn nhạt, man mác tựa màn sương mỏng. Bóng đèn hoa sen lắp gần đình bỗng dưng bật sáng, liền sau đó cả khu cảnh quan trên núi đều bừng sáng. Những đốm sáng lấp lánh trải khắp núi rừng, nom thật tráng lệ. Gió đêm hiu hiu thổi, làn không khí trong lành còn mang theo vị ngọt của trái đào khe khẽ len lỏi vào trong lồng ngực.
Giáo sư Lương điềm tĩnh nói: “Cậu chết rồi!”
Người đó kinh ngạc kêu “Hả?” một tiếng, rõ ràng anh ta cảm thấy rất bất ngờ.
Họa Long cảnh giác theo dõi anh ta, nếu người đó không phải trưởng ban Dương thì anh ta là ai? Chẳng lẽ lại là hung thủ sao? Bao Triển đi đi lại lại trong đình như thể đang quan sát gì đó. Rất hiển nhiên đây chính là hiện trường gây án, chỉ có điều nó đã bị người ta cố ý che đậy và ngụy trang. Nền nhà và các trụ cột đều đã được lau rửa sạch sẽ.
Giáo sư Lương chỉ tay vào bàn cờ, nói lại: “Cậu chết rồi! Chưa nhận ra sao?”
Người đó ném quân cờ xuống, thốt lên: “Ối! Đúng thế thật! Cháu thua rồi!”
Giáo sư Lương bồi tiếp một đòn: “Cậu không phải trưởng ban Dương.”
Người đó hỏi: “Sao chú biết?”
Giáo sư Lương đáp: “Trong hồ sơ ghi rõ trưởng ban Dương là kì thủ hạng nhất cấp quốc gia. Kì thủ quốc gia mà chơi dở thế này sao?”
Người đó thành thật nhận lỗi: “Chú đoán không sai! Cháu chỉ là người giả mạo. Cháu không phải trưởng ban Dương mà là thầy Tần, giáo viên trường tiểu học thôn Đào Hoa.”
Giáo sư Lương quan sát người đàn ông trung niên đó thật kĩ. Anh ta chừng ngoại tứ tuần, đeo cặp kính cận, trông không giống kẻ nói dối. Muốn giao tiếp thành công thì chân thành là biện pháp hữu hiệu nhất, bởi vậy giáo sư Lương nói thẳng mình là cảnh sát, đồng thời giới thiệu ba thành viên còn lại của tổ chuyên án với thầy Tần. Chẳng ngờ thầy Tần không hề ngạc nhiên, anh ta nói mình đã biết từ trước, anh ta ngồi đây chính để đợi tổ chuyên án đến.
Tô My ngạc nhiên hỏi: “Sao thầy lại biết chúng tôi?”
Thầy Tần lấy điện thoại di động trong túi quần ra đưa cho tổ chuyên án, trên đó hiển thị một mẩu tin ngắn: “Phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng thông báo: Gần đây có tin đồn nói rằng huyện ta xảy ra một vụ án đặc biệt quan trọng, nhưng sau quá trình điều tra và chứng thực cơ quan công an xác định tin đồn đó hoàn toàn không có thật, những người chịu trách nhiệm có liên quan đã bị xử lí, nếu ai còn tung tin đồn nhảm sẽ bị trừng trị nghiêm minh. Ngoài ra, những công dân tham gia vụ chặn đường đến thôn Đào Hoa xảy ra vào ngày 22 tháng 9 năm 2007 hãy đến cơ quan công an tự thú để được khoan hồng. Sắp đến lễ trung thu, phòng cảnh sát huyện Vũ Lăng chúc bà con đón tết trung thu vui vẻ, vạn sự như ý!”
Rõ ràng đoạn tin nhắn do phòng cảnh sát địa phương nhắn đi, có lẽ tất cả người dân ở huyện đều nhận được.
Giáo sư Lương cười lạnh lùng: “Đúng là có tật giật mình, càng cố giấu lại càng thò cái đuôi ra!”
Bao Triển hỏi: “Vụ chặn đường đến thôn Đào Hoa rốt cuộc là vụ gì thế?”
Thầy Tần ngước mắt nhìn ánh trăng, anh ta khẽ thở dài trả lời: “Chuyện dài lắm! Đến nhà tôi trước đi, hôm nay vừa đúng là đêm trung thu.”
Thầy Tần ở trong trường tiểu học thôn Đào Hoa, mọi người lái xe đến đó, đường núi gập ghềnh, nhấp nhô, thấp thoáng phía trên những rặng đào rừng mọc ngập tràn hai bên đường là ánh trăng như dát vàng tròn vành vạnh. Cây đào ở đây rất thấp, chỉ cao hơn đầu người một chút, từng chùm quả nặng trĩu trịt nằm vắt vẻo trên thân cây, kéo cả cành xuống, hồ như chỉ cần giơ tay ra là có thể với tới.
Đình Lan Khả cách trường tiểu học thôn Đào Hoa không xa lắm, chỉ đi một lát đã tới. Mọi người vừa xuống xe đã nhìn thấy một ngôi trường cũ nát, tường bao xung quanh bị sụt lở mấy chỗ, cánh cửa phòng học chắp vá, cửa sổ được dán bằng giấy báo, trên đó là những mẩu tin đăng tải từ vài năm trước. Giữa sân trường có một gốc đào già trên trăm tuổi, cành lá xum xuê đan cài vào nhau, thân cây to khỏe, thô ráp, trên đó có hai sợi dây thừng buộc một thanh sắt rút ra từ đường ray, khi gõ lên đó sẽ có hiệu quả giống như tiếng chuông vào học. Trên cây kết rất nhiều trái đào mật to tròn, mỡ màng. Đào mật là giống đào rất ngọt và thơm, còn được gọi là đào tiên.
Thầy Tần mang mấy chiếc bàn học ra kê dưới gốc cây dưới ánh trăng thu, anh bày một bữa tối khá thịnh soạn trên bàn có đầy đủ thịt rượu, các loại hoa quả đủ màu sắc, các loại rau củ có ở vùng thôn quê này. Giáo sư Lương vốn định trả tiền cho thầy Tần nhưng nom lời ăn tiếng nói của thầy không phải hạng phàm phu tục tử nên đành xua ý nghĩ đó đi, tránh để thầy tổn thương lòng tự trọng.
Thầy Tần giơ ly rượu lên kính: “Mọi người là khách, hôm nay lại là đêm trung thu nên tôi xin uống cạn ly này trước!”
Giáo sư Lương và Họa Long cũng uống cạn ly. Tô My không biết uống rượu, còn Bao Triển không hiểu sao luôn giữ thái độ cảnh giác với thầy Tần nên anh cũng lấy lý do không biết uống rượu để khước từ.
Thầy Tần lại nâng ly rượu lên, rồi ngâm một bài thơ:
Dưới ánh trăng trước gió cắt dây tình
Mây đen vần vũ vùi hoa xinh
Rượu say ngã trước đình Lan Khả
Lên núi Lương Sơn đạp bất bình!
Giáo sư Lương hỏi: “Thơ cậu viết à?”
Thầy Tần gật đầu.
Một con dế ở góc tường chợt kêu rả rích, liền sau đó những con dế khác dưới góc cây cũng cất tiếng kêu theo.
Theo lời giới thiệu của thầy Tần thì trường tiểu học thôn Đào Hoa rất nhỏ, chỉ có hai thầy giáo, một thầy hiệu trưởng và mấy chục học sinh. Các học sinh đều là con em trong thôn. Ngoài thầy Tần ra thì ở đây còn có một thầy giáo nữa là thầy Đào. Cả hai thầy đều là giáo viên nghĩa vụ, không được trả lương, chỉ có khoản trợ cấp ít ỏi chẳng đủ chi tiêu, nên thường ngày họ phải trồng cây ăn quả để kiếm thêm thu nhập.
Chúng ta nên ngả mũ kính phục trước tinh thần trồng người của những thầy giáo tình nguyện ở vùng núi nghèo khó này. Những con người vô danh ấy đã cống hiến to lớn cho nền giáo dục của Trung Quốc.
Sau khi Đào Uyên Minh viết bài kí “Đào Hoa Nguyên”, hàng trăm hàng ngàn năm nay không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách từng khảo chứng rốt cuộc chốn đào nguyên thần tiên này ở nơi nào, nhưng cuối cùng vẫn không đưa ra được kết luận. Hiện nay trên cả nước có hơn ba mươi địa phương đang tranh danh hiệu “Đào Hoa Nguyên”, thậm chí ngay cả ở Đài Loan cũng có Đào Hoa Nguyên. Họ đều hi vọng thu được lợi nhuận kinh tế cho địa phương nhờ vào danh hiệu ấy.
Huyện Vũ Lăng là đơn vị đầu tiên đệ trình lên Liên hợp quốc đề nghị công nhận nơi đây là di sản văn hóa Đào Hoa Nguyên.
Ủy ban địa phương nỗ lực hết sức để phát triển ngành du lịch, họ đổ nguồn vốn khổng lồ để xây dựng khu cảnh quan Đào Hoa Nguyên. Huyện Vũ Lăng lấy mỹ danh “Thế ngoại đào nguyên” làm chiêu bài phát triển du lịch địa phương, thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước đổ vốn đầu tư khai thác. Cả khu cảnh quan chia ra làm ba giai đoạn xây dựng, tạo dựng nên mấy chục điểm vãn cảnh, ví dụ như đình Lan Khả, động Thái Nhân, đài Hoặc Nhiên, hồ Đào Tiên, sơn trang Hoa Đào, thư viện Hoa Cúc, hành lang trúc chín khúc quanh, hồ Ngũ Liễu, hồ câu cá, bến Mê Tân…
Phá dỡ và sắp xếp nơi an cư là trọng điểm của giai đoạn xây dựng đầu tiên. Thôn Đào Hoa sắp nằm trong phạm vi tháo dỡ và xây dựng lại. Chính phủ hứa đảm bảo cho người dân rất nhiều điều kiện ưu đãi theo nguyên tắc “lấy nhà trả nhà”. Họ sẽ đền bù cho người dân nơi ở mới ở trong thành phố, không những vậy còn nộp bảo hiểm trọn đời dành cho người già, hỗ trợ tiền thuê phòng. Vậy mà dân địa phương lại nhất quyết không định di dời, không người nào chịu kí tên vào tờ đơn, thậm chí trưởng thôn còn dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối chính sách phá dỡ.
Dân thôn Đào Hoa rất dữ dằn, họ từng đánh chết một kẻ trộm dám lẻn vào thôn ăn trộm bò. Anh của nạn nhân đến nhận xác em về cũng bị họ đánh.
Khi ủy ban nhân dân huyện lần đầu thực thi chính sách cưỡng chế, người dân còn cầm cuốc xẻng dọa cán bộ bỏ chạy, không những vậy họ còn chặn đường, đánh bị thương nhiều cán bộ. Phía cảnh sát liền bắt trưởng thôn tạm giam lên ủy ban nhân dân huyện, người dân thấy vậy lập tức rủ nhau tập trung tại sân ủy ban kháng nghị, nhưng bị công an ép buộc giải tán.
Tô My cầm một trái đào, cô vừa ăn vừa hỏi: “Vì sao họ lại từ chối? Chẳng phải điều kiện sống ở thành phố tốt hơn ở đây sao?”
Thầy Tần hừ lạnh lùng vẻ coi khinh: “Cô cho rằng ai cũng nghĩ giống người thành phố các cô cả sao?”
Thầy Tần bắt đầu giảng giải cho Tô My như đang phân tích bài kí “Đào Hoa Nguyên” cho học sinh tiểu học: Người xưa có câu: “Hiếp dân loạn kỉ cương, hiền sĩ lánh thế đời”, chốn đào nguyên là nơi kí thác giấc mơ của tất cả người dân Trung Quốc. Nơi đó không có chiến tranh, đàn ông cày cấy đàn bà dệt vải. Nơi đó không có sự huyên náo của chốn phồn hoa đô hội, không có những phiền muộn của thế sự. Vì sao Đào Hoa Nguyên Ký lại nổi tiếng như vậy? Bởi chốn đào nguyên thần tiên ấy là thế giới lí tưởng trong lòng tất cả người dân Trung Quốc.
Người dân thôn Đào Hoa trồng đào làm kế sinh nhai, tuy họ không giàu có nhưng sống rất hạnh phúc.
Những người sống ở thành phố luôn luôn cảm thấy lo lắng và bất an. Họ ở trong những tòa nhà bằng bê tông cốt thép khô cứng, lạnh lẽo, sống cạnh nhau bao nhiêu năm mà vẫn không biết hàng xóm ngay bên trái và bên phải mình là ai. Nhà sát vách xảy ra án mạng mà họ vẫn đóng cửa im ỉm, chẳng buồn chạy sang hỏi thăm nhau một câu.
Cho dù người dân thôn Đào Hoa vào thành phố thì họ vẫn là những người nông dân sống ở thành phố.
Họ dựa vào núi để kiếm ăn, dựa vào sông để sinh tồn, chuyển vào thành phố đồng nghĩa họ sẽ mất nhân tố đảm bảo cho cuộc sống. Ở thời đại mà ngay cả sinh viên tốt nghiệp đại học cũng khó tìm việc làm như hiện nay, ở nơi mà những người bán rong bày hàng trên phố luôn nơm nớp nỗi lo sợ bị quản lí trị an đuổi đi như thế, thì người dân thôn quê phải làm sao mới thích ứng được với cuộc sống nơi thành đô khắc nghiệt? Họ sẽ làm gì để tồn tại?
Giáo sư Lương nhìn xung quanh một lát rồi nói: “Đây đúng là nơi ẩn cư tuyệt vời. Vào mùa xuân chắc cảnh sắc đẹp lắm phải không thầy Tần?”
Thầy Tần không trả lời ngay, anh nhắm mắt mãi mới nói: “Đâu chỉ riêng mùa xuân mà quanh năm bốn mùa đều đẹp đến ngỡ ngàng. Nói ra chắc chú không tin chứ cháu chỉ cần nhắm mắt là có thể nhìn thấy hoa cúc nhuộm vàng hai bên đường, thấy những rặng trúc bên hồ nước, thấy đào mọc khắp núi khắp rừng.”
Tô My xúc động nói: “Tôi tin là thế!”
Bao Triển đột ngột chuyển chủ đề: “Tôi đoán bù nhìn rơm da người cắm trong vườn đào không phải để dọa chim mà là để doạ người!”
Họa Long hỏi: “Rốt cuộc ai đã giết trưởng ban Dương nhỉ?”
Mặt Thầy Tần biến sắc, thoáng nét hoảng hốt, thầy gật đầu, rồi kể một câu chuyện.
Trước hôm xảy ra vụ án mạng bù nhìn da người, một nhà đầu tư người Hồng Kông cùng với ông Ngô – chủ tịch xã Đào Nguyên, ông Dương – trưởng ban quy hoạch phòng du lịch và chủ nhiệm đội phá dỡ đi khảo sát cụ thể tiềm năng phát triển ngành du lịch của thôn Đào Hoa. Họ nhất trí rằng tạo dựng tuyến cảnh quan Đào Hoa Nguyên là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng để tạo phúc cho đời sau, không những thế còn khiến kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng.
Phóng viên đài truyền hình huyện chĩa máy quay về phía những cán bộ bụng phệ, phía sau họ còn có người đứng che dù, họ chống nạnh, chỉ chỉ trỏ trỏ trông rất oai phong.
Nhưng đến lúc phát sóng trên bản tin tối thì có một hình ảnh đã bị cắt đi. Đó là khi phóng viên phỏng vấn đám người đang ngồi chưng cất dầu nhựa thông ở ven đường, một người đàn ông đội mũ đeo khẩu trang, mặc quân phục màu xanh lá lọt vào ống kính. Ống kính máy quay hướng vào anh ta, nhưng ánh mắt anh ta lại hướng vào chủ tịch Ngô, trưởng ban Dương và chủ nhiệm đội phá dỡ. Phóng viên hỏi anh ta suy nghĩ thế nào về việc phát triển du lịch tại địa phương, anh ta phá lên cười, rồi nói gọn lỏn: “Ai dỡ nhà tôi, tôi lột da kẻ đó!”
Giáo sư Lương hỏi: “Sao cậu biết chuyện này?”
Thầy Tần ngượng ngùng nói: “Lúc đó tôi cũng có mặt tại hiện trường, tôi đứng sau lưng chủ tịch Ngô, cầm ô che cho ông ta.”
Bao Triển hỏi: “Nguời nấu dầu thông kia là ai?”
Thầy Tần lắc đầu đáp: “Anh ta bịt khẩu trang và đội mũ nên tôi không nhận ra, nghe giọng thì thấy không giống dân địa phương.”
Bao Triển lại hỏi: “Thế đêm xảy ra án mạng, anh ở đâu?”
Thầy Tần cầm một tấm vé tàu và hóa đơn thu phí của bệnh viện đưa cho Bao Triển, rồi giải thích: “Ngôi trường này sắp bị đập đi đến nơi rồi. Thầy Đào là người ngoại tỉnh, hôm ấy tôi lên thành phố tiễn thầy ấy về quê. Lúc về đến huyện đã mười giờ đêm, tôi lại vào bệnh viện ngồi cả đêm vì thầy hiệu trưởng bị thương trong lần đầu tiên cưỡng chế phá dỡ.”
Họa Long thắc mắc: “Sao anh lại mạo nhận mình là trưởng ban Dương?”
Thầy Tần đáp: “Bên công an yêu cầu tôi làm vậy!”
Sau khi huyện Vũ Lăng xảy ra vụ trọng án, nhất thời khiến lòng người bàng hoàng, vì muốn giấu thông tin nên phòng cảnh sát đã nhắn tin cho tất cả dân trong vùng để an ủi họ bớt sợ, nhưng trong lúc đó thì đội cảnh sát xã đã báo cáo tình hình vụ án cho cảnh sát cấp cao nhất. Uỷ ban huyện lo rằng nếu để cấp trên tham gia vào vụ này thì sẽ ảnh hưởng đến tiến trình phá dỡ nên họ đã mở cuộc họp thảo luận, cuối cùng quyết định giấu kín vụ án này đến cùng và đuổi khéo tổ chuyên án đi.
Ở rất nhiều địa phương, khi xảy ra một sự vụ có số lượng thương vong lớn thì việc đầu tiên chính quyền địa phương làm là giấu nhẹm chân tướng.
Trước khi tổ chuyên án đến huyện Vũ Lăng, họ đã làm xong một bộ hồ sơ giả và thanh minh rằng đây chỉ là trò đùa ác ý của người dân. Sau khi tổ chuyên án rời khỏi phòng cảnh sát, thì cảnh sát giao thông địa phương liền bí mật bám theo tổ chuyên án. Thấy tổ chuyên án lái xe đến xã Đào Nguyên, họ liền hoảng hốt triệu tập cuộc họp khẩn cấp, có người đề xuất để thầy Tần mạo xưng trưởng ban Dương vì thầy Tần cũng tầm tuổi trưởng ban Dương, hơn nữa trông mặt lại hao hao giống, thậm chí chính quyền địa phương còn thông đồng với gia quyến nhà trưởng ban Dương, đồng thời buộc đội công an xã phải lánh đi. Tóm lại chính quyền địa phương phải vắt óc khổ sở mới nghĩ ra được màn kịch lừa đảo này.
Giáo sư Lương nhận xét: “Nhưng cậu giả mạo không thành công lắm, có phải chuyện này gây bất lợi cho cậu chăng?”
Thầy Tần đáp: “Ngày mai ngôi trường này bị đập đi rồi, thôn Đào Hoa cũng vĩnh viễn không còn tồn tại nữa, cá nhân tôi thế nào cũng đâu quan trọng gì!”
Thầy Tần kể tiếp với tổ chuyên án, sau cuộc cưỡng chế phá dỡ lần đầu thất bại, chính quyền địa phương quyết định sẽ phối hợp với các lực lượng như phòng cảnh sát, trị an thành phố, tổ bảo vệ và công ty xây dựng ngày mai lại đến thôn Đào Hoa cưỡng chế phá dỡ, quy mô lần này rất lớn, không phá được thôn Đào Hoa, họ quyết không buông tay.
Bốn thành viên của tổ chuyên án đều cảm thấy ngày mai chắc chắn sẽ xảy ra chuyện lớn. Đêm hôm đó họ nghỉ tại trường tiểu học của thôn.
Canh khuya sâu thẳm, thầy Tần cô độc ngồi thổi tiêu trong vườn trường trống tênh, âm thanh vang lên nghe buồn đến da diết. Sau đó thầy Tần về phòng mình lấy hai chiếc gối đưa cho Tô My và giáo sư Lương ngủ trong xe.
Họa Long và Bao Triển ngủ trong lớp học. Hai người thao thức mãi, bần thần nhìn dòng chữ viết bằng phấn trắng hiện trên nền bảng đen. Dòng chữ ấy là: “Nơi cần xây dựng nhất chính là trường học!”
Họa Long kể cho Bao Triển nghe những chuyện trong quá khứ của mình. Anh bảo trước đây có lần anh cùng hai đồng nghiệp bị mắc kẹt trên một hòn đảo hoang, đảo trơ trụi không hề có cây cối, ngay cả ngọn cỏ cũng chẳng có, chỗ nào cũng nhẵn thín. Họa Long dừng lại hỏi Bao Triển: “Chú biết bọn anh làm cách nào để thoát ra khỏi đó không?”
Bao Triển nghĩ một lát rồi đáp: “Chịu!”
Họa Long nói: “Chú làm sao mà nghĩ ra nổi! Bọn anh lấy rùa làm thuyền đấy!”
Bao Triển hỏi: “Ai nghĩ ra cách này?”
Họa Long đáp: “Một ông anh là lính binh chủng đặc biệt đã giải ngũ nhiều năm và một cảnh sát trưởng thành trong ngành cảnh sát…”
Bao Triển hỏi thăm: “Thế giờ hai người họ đâu?”
Họa Long không kể tiếp nữa, anh miên man nghĩ về quá khứ. Mãi hồi sau mới mơ mòng chìm vào giấc ngủ. Họa Long uống khá nhiều rượu nên thấy hơi nhức đầu. Trong mơ, anh thấy ba người cưỡi con thuyền rùa biển dập dềnh trôi theo sóng ra đại dương, một con cá chuồn màu vàng kim nhảy vọt lên rồi rơi tõm xuống nước, biến mất không tăm tích.
Tờ mờ sáng hôm sau, lúc trời chưa tỏ mặt người, bên ngoài hãy còn nhập nhoạng tối, thì gà trống đã gáy ầm ĩ, tiếng gáy đánh thức Họa Long tỉnh giấc. Anh bước ra sân trường, mắt vẫn lờ đờ ngái ngủ. Bỗng anh mơ hồ nhìn thấy một người treo mình trên cây. Họa Long vội vàng dụi mắt giật thót người, rồi từ từ bước đến gần. Anh kinh hoàng tột độ, tóc gáy tự nhiên dựng cả lên, bất luận thế nào anh cũng không thể tin vào cảnh tượng đang diễn ra trước mắt mình.
Người bị treo lủng lẳng trên cây không ngờ lại là Bao Triển.
Chương 3: Xác chết trên cây
Họa Long không biết Bao Triển đã tắt thở chưa, anh cuống quýt chạy tới ôm Bao Triển nâng lên cao cho đây tròng cổ chùng xuống, sau đó thất thanh kêu cứu. Tô My và giáo sư Lương nghe thấy cũng vội vã chạy đến giải cứu Bao Triển.
Sắc mặt Bao Triển đã xám đen, nhưng sờ ngực vẫn thấy nhịp tim, Tô My không nghĩ nhiều, cô lập tức áp mình cúi xuống giúp Bao Triển làm hô hấp nhân tạo, sau đó hai tay ấn mấy cái vào lồng ngực trái của anh. Bao Triển ho hai tiếng rồi lơ mơ tỉnh lại.
Họa Long vồn vã hỏi: “Chú Triển, kẻ nào làm chuyện này? Ai đã treo cổ chú lên cây thế!”
Bao Triển cố gượng dậy nhưng toàn thân mềm nhũn, anh nằm vật xuống đất thở ngắt quãng: “Tự tôi làm đấy!”
Thì ra khi trời còn chưa sáng, Bao Triển đã tỉnh giấc, anh ra vườn định đi vệ sinh. Nhà vệ sinh chính là một góc hẹp giữa trường nhà và tường rào bao quanh trường – một kiểu nhà vệ sinh lộ thiên. Bó rơm dựng trước cửa nhà vệ sinh khiến Bao Triển nảy ý nghi ngờ. Tối qua, trên đường từ đình Lan Khả về trường tiểu học thôn Đào Hoa, Bao Triển luôn để mắt quan sát, hai bên đường chỉ toàn cây lùn và đồng cỏ, không phát hiện nơi nào có thể dùng để treo cổ nạn nhân. Trường tiểu học thôn Đào Hoa cách đình Lan Khả không xa, trong trường lại có một gốc đào cao to, không những vậy còn xuất hiện bó rơm trước cửa nhà vệ sinh, chính vì vậy Bao Triển nghi ngờ đây chính là nơi hung thủ thực hiện hành vi lột da và chế thành bù nhìn da người.
Anh đứng dưới gốc đào trong sân trường, ngẩng đầu nhìn thanh sắt dùng làm chuông báo giờ học, anh phát hiện dây thừng treo thanh sắt mới tinh, trong khi thanh sắt đã han gỉ loang lổ, điều đó chứng minh sợi dây thừng mới được thay cách đây không lâu. Bao Triển tháo thanh sắt xuống, nút đầu dây thừng thành hình thòng lọng, rồi gật đầu nghĩ thầm có lẽ ở đây đã từng treo cổ một người.
Bao Triển ngồi xổm, cúi xuống chẳng khác nào chú chó đang ngửi mặt đất, mặc dù mặt đất đã được dọn rửa nhưng vẫn có thể ngửi thấy mùi máu tanh, anh lại càng thêm khẳng định phỏng đoán của mình là chính xác.
Rất có khả năng trường tiểu học thôn Đào Hoa là hiện trường, cũng là nơi hoàn thành “tác phẩm” bù nhìn da người!
Bao Triển lấy chiếc ghế con đặt dưới gốc cây, rồi đứng lên trên, thò đầu chui vào thòng lọng mô phỏng lại tư thế của nạn nhân, từ đó có thể phân tích chiều cao của hung thủ. Có điều anh hoàn toàn không ngờ chiếc ghế mình đang đứng lại là chiếc ghế ba chân, chiếc ghế đột nhiên đổ xuống làm Bao Triển bị treo lủng lẳng trên dây thừng, anh thấy mắt mình tối sầm lại, càng giãy giụa lại càng bất lực, muốn kêu cứu mà không sao bật thành tiếng được, ý thức dần dần trở nên mơ hồ. May mà Họa Long kịp thời phát hiện, nếu chỉ chậm một phút nữa thôi thì Bao Triển đã chầu trời.
Họa Long đỡ Bao Triển dậy, sương mù vẫn bủa vây dày đặc, trời đã bắt đầu hửng sáng.
Bỗng ở cổng trường xuất hiện một người cầm rìu đang tiến lại gần, thì ra là thầy Tần, tay thầy cầm một bao tải, bên trong đựng vật gì đó hình tròn.
Họa Long cảnh giác nhìn chiếc rìu trong tay thầy Tần hỏi: “Thầy Tần… là thầy sao?”
Thầy Tần đặt bao tải xuống đất, Họa Long lo lắng phỏng đoán liệu trong túi có phải một đầu người chăng? Nhưng thầy Tần lôi trong túi ra một quả bí ngô vàng ruộm vẫn còn đọng hơi sương trên lớp vỏ, rồi lôi tiếp ra mớ rau xanh mỡ màng, anh nói: “Các anh dậy sớm thế! Để tôi đi nấu bữa sáng.”
Bao Triển nhìn theo bóng lưng thầy Tần nói với Họa Long: “Không phải anh ta, hung thủ là người cao trên mét tám!”
Thầy Tần nấu nồi cháo bí ngô, bỏ thêm chút mật ong Tô My và giáo sư Lương ăn liền hai bát rất ngon miệng, ở thành phố làm sao có cơ hội ăn những thực phẩm tươi ngon, dân dã như ở thôn quê này!
Thầy Tần cảm khái nói: “Hai mươi năm rồi! Tôi đã ở đây hai mươi năm rồi! Đây là bữa cơm cuối cùng.”
Giáo sư Lương nói: “Cậu khoản đãi chúng tôi nhiệt tình thế chúng tôi sẽ cố gắng để ngăn chặn không cho họ phá dỡ ngôi trường này!”
Thôn Đào Hoa nằm ở mép núi, phía dưới là vực thẳm, ven đường dẫn vào thôn trồng rất nhiều cao lương và ngô, năm cây liễu cao to đứng gác ở đầu thôn. Rìa các bờ ruộng mọc đầy hoa cúc dại, từng đóa hoa vàng khoe sắc rực rỡ, bốn bề sơn thôn đều có núi vây quanh, một dòng thác chảy từ sườn núi xuống hồ phía dưới, hoa sen trong hồ đã tàn hết, con thuyền độc mộc lẻ loi đậu bên bờ hồ, trên bờ là những ngôi nhà dân đều tăm tắp, hàng lối ngay ngắn, vịt gà tụ tập thành từng đàn rủ nhau đi kiếm mồi.
Đội phá dỡ đã đến, sát khí đằng đằng, hùng hùng hổ hổ tiến vào.
Chủ tịch xã Đào Nguyên dẫn đầu đoàn, ông ta xắn tay áo vừa đi vừa vỗ phành phạch vào cái bụng bia của mình. Cạnh ông ta là chủ nhiệm đội phá dỡ, cán sự tuyên truyền phòng cảnh sát, phía sau là mấy chục nhân viên mặc đồng phục, đội quân ô hợp này bao gồm rất nhiều thành phần như đơn vị quản lí thành phố, dân phòng, các tổ bảo vệ… Mỗi người mặc một loại đồng phục khác nhau, đúng là vàng thau lẫn lộn! Trong tay họ cầm lá chắn và dùi cui cảnh sát có người còn cầm cả bình cứu hỏa vì sợ người dân tự thiêu để cản trở việc phá dỡ. Phía sau đoàn người là ba chiếc máy ủi, hai chiếc máy xúc và một chiếc xe cứu thương chầm chậm lăn bánh bám theo. Xem ra chính quyền địa phương đã lên kế hoạch rất chu đáo cho lần cưỡng chế phá dỡ này, không đạt mục đích họ sẽ không ngừng tay.
Bốn thành viên của tổ chuyên án và thầy Tần lặng lẽ đứng ở bức tường rào bị đổ nhìn ra ngoài.
Đội phá dỡ tiến hành rất thuận lợi, không hề xảy ra đánh nhau, cãi lộn như dự tính nên họ cảm thấy hết sức bất ngờ.
Chủ tịch Ngô, chủ nhiệm đội phá dỡ và cán sự tuyên truyền dừng chân, cảnh giác nhìn quanh thôn. Trong thôn không một bóng người, không biết người dân đã đi đâu hết.
Chủ tịch Ngô lẩm bẩm: “Đám dân đen này cũng biết thân biết phận đấy nhỉ! Dám ra đây ngăn chặn thử xem! Người ta nói thế nào nhỉ?”
Viên cán sự tuyên truyền đỡ lời: “Châu chấu đá voi hay lấy trứng chọi đá ạ?”
Chủ tịch Ngô cười ha hả gật gù: “Đúng! Đúng! Châu chấu đá voi!”
Chủ nhiệm đội phá dỡ rút hai điếu thuốc lá mời chủ tịch Ngô và cán sự tuyên truyền. Ba người châm thuốc. Chủ tịch Ngô hất tay ra lệnh: “Gọi máy ủi tới! Phá!”
Máy ủi xình xịch chạy tới định ủi bay ngôi nhà đầu tiên, ngay cạnh ngôi nhà có một gốc liễu, sương mù dần dần tan hết, lưỡi xẻng của máy xúc lừng lững giơ cao, nhưng vừa hạ xuống giữa chừng thì cánh tay máy đột ngột dừng sững lại, mọi người nhìn rõ giữa những cành liễu rủ có một người đang bị treo trên đó.
Mặt trời chiếu xuyên qua màn sương, hơi ẩm hoàn toàn biến mất, để lại buổi sáng tinh sương rạng ngời, ánh dương ấm áp.
Mấy chục nhân viên tháo dỡ ngẩng đầu nhìn, cuối cùng họ đã thấy rõ, nạn nhân bị treo lên cây là một thi thể, không đầu, người đầy máu cổ tay thắt dây thừng. Cỗ tử thi đang nhè nhẹ đung đưa trước gió…
Cảnh tượng thảm khốc không ai dám nhìn ấy khiến người ta giật thót mình, có người còn định co cẳng chạy, nhưng bị chủ tịch Ngô đanh giọng quát nạt.
Chủ tịch Ngô cố tỏ ra bình tĩnh trong khi chủ nhiệm đội phá dỡ thì sợ mất mật, cán sự tuyên truyền cũng run lẩy bẩy hỏi: “Thưa anh, có nên báo cảnh sát không?”
Chủ tịch Ngô đáp: “Kệ! Phá trước đã! Tốc chiến tốc thắng! Phá xong hẵng hay.”
Đúng lúc ấy có một nhóm người già và trẻ nhỏ trong từ đường ùa ra, đội phá dỡ đành dừng tay.
Từ đầu đến giờ bốn thành viên tổ chuyên án luôn phía trong tường rào nhìn trộm ra ngoài, Họa Long thắc mắc: “Sao không thấy thanh niên khỏe mạnh trong thôn đâu nhỉ? Toàn người già yếu bệnh thế kia liệu có ngăn cản được đội phá dỡ đang bừng bừng khí thế không?”
Giáo sư Lương nói: “Cậu đừng vội coi thường trí tuệ của người dân trong thôn.”
Bao Triển tiếp lời: “Ai cũng biết bên phá dỡ được chuẩn bị chu đáo trước khi đến đây, nên người dân tụ tập trong từ đường ắt cũng phải nghĩ ra đối sách đâu vào đấy rồi mới dám xuất đầu lộ diện chống trả.”
Nhóm người già và trẻ em đi đến cổng thôn thì đột nhiên quỳ sụp xuống!
Họ chọn lựa phương thức thô sơ và cổ xưa nhất để bảo vệ gia viên của mình.
Không gian im phăng phắc, không một ai cất tiếng, chỉ có tiếng gió hiu hiu thổi.
Một cụ già ăn mặc giản dị, mái đầu bạc phơ quỳ ở hàng đầu tiên, cụ run run giơ đôi tay ra, trong lòng bàn tay là mấy chiếc huy chương chiến công, rồi cụ cất giọng vô cùng bình tĩnh mà chỉ có ở những người già trải qua bao sóng gió cuộc đời: “Anh cả, anh hai và cả chồng tôi đều chết trong cuộc kháng chiến chống Nhật cứu nước. Gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, nay tôi đã ngoài tám mươi tuổi rồi, tôi quỳ xuống để xin các ông đừng phá dỡ nhà tôi. Nếu các ông nhất quyết phá dỡ thì trước hết hãy bước qua xác tôi!”
Những người dân phía sau bà cụ cũng dập đầu theo, cả đội phá dỡ lặng lẽ đứng nhìn, anh thợ lái máy xúc thì thầm với anh thợ lái máy ủi: “Tớ mót tiểu quá! Đi giải quyết tí đây! Còn cậu?”
Anh thợ lái máy ủi trả lời: “Tớ cũng mót!”
Nói xong hai cậu thanh niên lương thiện lẳng lặng chuồn đi.
Chủ tịch Ngô ngoác mồm: “Bà già chết tiệt này! Định giở trò gì đấy hả? Lôi sang một bên cho tôi!”
Họa Long thấy thế ngứa mắt hỏi: “Này chú Triển, chú đã nghĩ ra cách nào để ngăn chặn bọn họ chưa?”
Bao Triển đáp: “Chưa! Đang nghĩ!”
Họa Long gạt đi: “Thôi! Khỏi nghĩ Anh phụ trách hai mươi tên, còn sáu tên nhường phần cho chú, thế nào?”
Bao Triển hăng hái: “Chắc sẽ bị chúng đánh bầm dập nhưng mặc kệ! Nhào vô!”
Chủ tịch Ngô hất tay ra hiệu cho mọi người xông lên nhưng những người đứng sau ông ta vẫn án binh bất dộng. Cán sự tuyên truyền và chủ nhiệm đội phá dỡ cũng chần chừ chưa dám hành động. Thấy vậy chủ tịch Ngô liền xắn tay áo, phăm phăm tiến lại gần, nhẫn tâm hất tung những chiếc huy chương trong tay bà lão, rồi hung hăng túm bà cụ lôi đi xềnh xệch… Người dân gào khóc thảm thiết, họ vẫn không thôi dập đầu cầu xin.
Họa Long không thể kiềm nén được ngọn lửa giận đang cháy phừng phừng trong lòng, anh nhìn xung quanh, trên góc tường gác có một chiếc đòn gánh. Anh cầm đầu đòn gánh rồi nhảy vọt ra khỏi chỗ tường sụt lở. Bao Triển cũng vớ lấy cái xẻng dựng cạnh đó, rồi nối gót theo Họa Long xông vào đám người.
Họa Long tả xung hữu đột, múa đòn gánh như rồng bay hổ phục, thực không hổ danh là cảnh sát vũ trang. Anh kết hợp kĩ thuật bắn súng với kĩ thuật múa côn, hai đầu đòn gánh còn gắn thêm hai móc sắt khiến cho những đòn tấn công của Họa Long càng phát huy được uy lực mạnh mẽ. Chẳng mấy chốc anh đã hạ gục được mấy tên. Bao Triển theo sau cũng đập xẻng túi bụi vào bất cứ người nào mà anh nhìn thấy. Đội phá dỡ bị hai người họ đánh liền cuống cuồng chống đỡ, một số người cũng biết trả đòn, Họa Long và Bao Triển đứng tựa lưng vào nhau.
Viên quản lí thành phố vừa hét vang vừa lao tới. Họa Long liền giơ chân đạp với góc độ rất hiểm, trong khi tốc độ lại nhanh như điện giật và sức mạnh vô cùng kinh hồn, viên quản lí thành phố bắn vọt ra xa.
Một nhân viên bảo vệ giơ tấm chắn đến định thử sức, Họa Long lại tung thêm một cước nữa, tên đó loạng choạng lùi về sau, Họa Long giơ đòn gánh, chạy nhanh tới, chiếc đòn gánh huơ một đường bán nguyệt rồi đập mạnh vào tấm chắn của tên bảo vệ, một tiếng “chát!” vang lên, tấm chắn bằng thiếc liền nứt vỡ, còn tên bảo vệ ngã gục xuống đất.
Chủ tịch Ngô chỉ tay vào Họa Long và Bao Triển lớn tiếng mắng chửi. Họa Long quẳng đòn gánh, tay không lao về phía ông ta với tốc độ nhanh như pháo bắn. Vừa chạy anh vừa đấm đá liên hồi, không ai có thể đỡ nổi, chẳng mấy chốc đã tới chỗ chủ tịch Ngô. Chủ tịch Ngô vẫn giương oai diễu võ quát nạt: “Mẹ kiếp! Mày định làm gì hả?”
Họa Long giơ chân trái đá thẳng vào mạng mỡ chủ tịch Ngô. Chủ tịch Ngô đau đớn oằn lưng xuống, Họa Long lại lên gối theo một thế võ Thái quyền, tiếp đó anh bồi thêm một cú đấm khiến chủ tịch Ngô ngã phơi mặt lên trời. Họa Long xuất ba chiêu liên tục chỉ trong tích tắc, mọi người nhìn mà hoa mắt chóng mặt, một số người đang định lao vào tấn công, nhưng sau khi chứng kiến cảnh tượng thê thảm của chủ tịch Ngô thì ai nấy đều bất giác dừng lại.
Họa Long rút súng, chĩa thẳng vào đầu chủ tịch Ngô.
Chủ tịch Ngô đang nằm lê lết trên đất, thấy họng súng đen ngòm hướng về phía mình thì tái mét mặt, ông ta khum hai tay vái lạy xin tha mạng.
Họa Long cười khẩy, bóp cò.
“Pằng! Pằng! Pằng!” Ba tiếng súng liên hoàn vang lên đinh tai nhức óc, bụi đất bay mịt mù khắp nơi. Mấy phát súng đều lượn quanh đầu chủ tịch Ngô, tạo thành những vòng tròn.
Chủ tịch Ngô mềm nhũn như sợi bún, người run lẩy bẩy, nhưng không dám nhúc nhích. Quần ông ta ươn ướt, mùi khai thoang thoảng bốc ra.
Họa Long vẫy tay gọi: “Chú Triển lại đây! Chú xem cái gì mà khai thế nhỉ?”
Bao Triển bước tới nhìn trước ngó sau, rồi bảo: “Ối chà! Chủ tịch xã của chúng ta sợ quá vãi tè ra quần rồi! Khiếp chết đi được!”
Họa Long giơ súng lên lần nữa, đám đông đều vô thức lùi về sau, nhưng gã cán sự tuyên truyền lại chạy tới, vừa chạy anh ta vừa la thất thanh: “Xảy ra chuyện lớn rồi! Xảy ra chuyện lớn rồi!”
Thì ra trong lúc hai bên đang mải hỗn chiến thì gã cán sự tuyên truyền nhận được điện thoại của phòng cảnh sát, họ nói rằng chủ đầu tư dự án phát triển khu du lịch Đào Hoa Nguyên vừa bị sát hại. Nạn nhân cũng bị lột da làm bù nhìn rơm. Lần này bù nhìn da người được cắm ngay trước cổng ủy ban nhân dân huyện, mấy trăm người dân đều tận mắt chứng kiến cảnh tượng này. Lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện vô cùng khiếp đảm, họ yêu cầu phòng cảnh sát mời chuyên án đến hỗ trợ phá vụ án này.
Tô My đẩy xe cho giáo sư Lương. Sau khi nghe gã cán sự tuyên truyền trình bày xong, giáo sư Lương nói: “Muốn tổ chuyên án giúp đỡ thì phía huyện phải đáp ứng cho chúng tôi một điều kiện.”
Cán sự tuyên truyền hỏi: “Điều kiện gì ạ?”
Giáo sư Lương đáp: “Ngừng phá dỡ, vì đây là hiện trường gây án!”
Cán sự tuyên truyền lại hỏi: “Các ông có đảm bảo phá được vụ án này không?”
Giáo sư Lương trả lời: “Sự thực là hiện giờ hung thủ đang ở quanh đây, thậm chí có thể ngay lúc này y đang nhìn chúng ta.”
Gã cán sự tuyên truyền giật thột toát mồ hôi lạnh, lén đưa mắt nhìn xung quanh, rồi lo lắng hỏi: “Ở đâu ạ?”
Giáo sư Lương thản nhiên nói: “Hung thủ có thể là một người, cũng có thể là hai người, hoặc cũng có thể là một đám người!”
Chương 4: Đào xanh rợp bóng
Hầu như thành phố nào cũng từng xảy ra vụ án đáng sợ kiểu băm xác phanh thây, chỉ có điều người ta không biết mà thôi. Một trong những vụ án lột da người nổi tiếng nhất trên thế giới phải kể đến vụ bá tước phu nhân người Pháp chế tạo cuốn nhật kí làm bằng da người. Bà ta dùng nhật kí đó để ghi chép lại niềm thương nhớ của mình dành cho người chồng quá cố; ngoài ra còn có sát thủ người Tây Ban Nha Jean – Baptiste Grenouille[4] đã giết hại bao nhiêu thiếu nữ để lấy mùi hương tối thượng trên da của họ với tham vọng chế tạo ra loại nước hoa gợi tình vô song cho riêng y.
Tổ chuyên án đặt văn phòng tại trường tiểu học thôn Đào Hoa.
Lãnh đạo ủy ban nhân dân huyện và phòng cảnh sát đích thân đến trường tiểu học xin lỗi tổ chuyên án, thành thật thừa nhận bản thân còn nhiều thiếu sót trong xử lý công việc, tư tưởng còn bảo thủ, lạc hậu… Tổ chuyên án đề nghị chính quyền địa phương nên thả những người dân bị tạm giam do tổ chức biểu tình và hòa hoãn mối quan hệ với quần chúng. Như thế sẽ có lợi cho công tác điều tra phá án hơn. Chính quyền địa phương chấp nhận yêu cầu của tổ chuyên án, đồng thời cử đội quân tinh nhuệ nhất từ phòng cảnh sát sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho tổ chuyên án.
Giáo sư Lương lập tức phân công công việc. Tô My dẫn bác sĩ pháp y tiến hành khám nghiệm tử thi. Bao Triển và nhân viên kĩ thuật đi kiểm tra hiện trường gây án. Họa Long đến đài truyền hình huyện lấy cuộn băng quay cảnh trước hôm xảy ra án mạng một ngày. Sau khi tổng hợp tin tức, tổ chuyên án tổ chức cuộc họp công bố một phần kết quả vụ án ngay tại trường tiểu học thôn Đào Hoa.
Tô My chĩa máy chiếu về phía bảng đen, còn cô ngồi phía sau chầm chậm quay tay quay của máy chiếu, từng bức ảnh được phóng ra từ cuộn băng nhỏ xíu.
Trên bảng đen lóe lên những cảnh tượng khiếp đảm…
Giáo sư Lương kêu “Dừng!” rồi ông chỉ vào bức ảnh bù nhìn da người và nói: “Đây là thủ pháp dọa kẻ địch thường thấy trong chiến tranh.”
Cán sự tuyên truyền lạc giọng hỏi: “Thường thấy ư? Lột da là chuyện bình thường sao?”
Giáo sư Lương đáp: “Tất nhiên rồi! Bây giờ không thể gọi những kẻ lột da người là hung thủ hay tội phạm, bởi đối với y đây là một trận chiến!”
Cán sự tuyên truyền gật gù tỏ ý hiểu: “Ồ! Ý của giáo sư là hung thủ có khả năng từng tham gia quân đội sao?”
Giáo sư Lương phóng to hình ảnh vết thương chí mạng ở yết hầu, ông giải thích: “Theo bước đầu suy đoán thì hung khí có thể gây nên vết thương kiểu này là loại dao găm quân dụng, vì hung khí gây án hội tụ tất cả các đặc điểm của dao găm quân dụng, chỉ cần một nhát cắt vào khí quản, kẻ sát nhân hạ thủ rất tàn nhẫn và máu lạnh, khi lột da y vô cùng bình tĩnh và ung dung, y nhồi rơm vào trong bộ da người. Tố chất tâm lí của tên tội phạm này thật đáng kinh ngạc, rất có khả năng y từng tham gia chiến tranh!”
Bao Triển báo cáo với giáo sư Lương kết quả kiểm tra hiện trường. Hai nạn nhân bị sát hại là trưởng ban Dương và chủ đầu tư dự án người Hồng Kông, cả hai đều bị giết bởi cùng một hung thủ. Ông chủ người Hồng Kông chết trong căn chung cư cao cấp ở sơn trang Hoa Đào, đó cũng chính là nơi hung thủ tiến hành làm bù nhìn da người. Thi thể không đầu của nạn nhân vẫn nằm trong phòng. Bởi sơn trang vừa mới xây dựng nên vẫn chưa có hệ thống camera, các biện pháp an toàn cũng chưa được lắp đặt đầy đủ, thậm chí cửa sổ còn chưa có lưới chắn bảo vệ. Bao Triển không thu được nhiều manh mối từ hiện trường, trong phòng rơi vãi rất nhiều mảnh vụn của loại sứ Thanh Hoa. Được biết ông chủ người Hồng Kông này có sở thích sưu tầm đồ cổ, có điều không phát hiện thấy dấu vân tay của hung thủ trên các mảnh sứ vỡ, rất có khả năng tên sát nhân đeo găng tay…
Giáo sư Lương bổ sung: “Còn một khả năng nữa, đó là tên tội phạm ép ông chủ người Hồng Kông kia tự đập vỡ những món đồ cổ mà mình yêu quý, sau đó y mới ra tay sát hại.”
Bao Triển tiếp tục trình bày: “Căn cứ theo kết quả điều tra của đội cảnh sát xã thì trước khi trưởng ban Dương bị sát hại, ông ta đã ngồi đánh cờ với hung thủ, bức ảnh hiện trường cho thấy khả năng chơi cờ của hung thủ rất bình thường, không hề có đấu pháp nào khả dĩ, nhưng y vẫn thắng được trưởng ban Dương. Điều đó chứng tỏ hung thủ muốn công kích và giày vò tinh thần của nạn nhân.”
Giáo sư Lương tiếp lời: “Y muốn nạn nhân phải cảm nhận được nỗi đau khi mất đi những gì mình yêu quý nhất. Và đây cũng là nỗi đau của tên tội phạm!”
Bao Triển tán thành quan điểm của giáo sư Lương: “Đúng vậy! Tội phạm giết trưởng ban Dương ở đình Lan Khả, sau đó kéo về trường tiểu học thôn Đào Hoa treo lên cây, chế thành bù nhìn, rồi trong vườn đào ở ven đường. Y làm như vậy nhằm mục đích dọa đội phá dỡ. Có thể khẳng định vụ án này liên quan đến việc phá dỡ nhà dân của chính quyền địa phương.”
Gã cán sự tuyên truyền hỏi: “Sau đó sao y lại treo xác của trưởng ban Dương lên cây liễu ở đầu thôn?”
Giáo sư Lương đáp: “Tôi tin chẳng bao lâu nữa sẽ có câu trả lời cho câu hỏi của cậu.”
Họa Long cùng giáo sư Lương đi điều tra thực tế trong thôn. Họ nhận được sự tiếp đón rất nồng hậu của người dân, dân chúng mổ gà nấu rượu tranh nhau mời cơm, trong mắt họ Họa Long chẳng khác nào vị anh hùng khi tả xung hữu đột giúp họ cản trở đội phá dỡ. Giáo sư Lương bất giác nhớ đến người Vũ Lăng nọ vô tình lạc bước tới Đào Hoa Nguyên trong tác phẩm “Đào Hoa Nguyên Ký” của Đào Uyên Minh. Khi ấy người dân cũng nhiệt tình khoản đãi anh ta giống hệt như đang khoản đãi Họa Long bây giờ “Người người nhiệt tình mời cơm, nhà nhà đều đem rượu ra tiếp đãi”.
Trong quá trình đi phỏng vấn thực tế, người dân cho hay họ không hề biết về xác chết treo trên cây, đồng thời còn thanh minh không nhìn thấy nhân vật nào khả nghi ra vào thôn cả.
Bà lão có mái tóc phơi sương là người thân của nhiều liệt sĩ trong kháng chiến chống Nhật, không những vậy bà còn là người đức cao vọng trọng trong thôn. Bà lão lấy nhựa thông cạo sạch lông trên cái thủ lợn, rồi bỏ thủ lợn vào nồi hầm nhỏ lửa, sau đó mang trà Phổ Nhĩ đã cất giữ hơn hai mươi năm ra mời Họa Long và giáo sư Lương. Trà Phổ Nhĩ được mệnh danh là “đồ cổ có thể uống được”, nó có giá trị sưu tầm rất lớn, càng để lâu thì chất lượng càng được nâng cao, trà Phổ Nhĩ cất giữ năm mươi năm có giá trị bằng một chiếc xe hơi hiệu Honda.
Bà lão càm ràm kể: “Lão chủ người Hồng Kông kia cứ đòi mua gói trà này của tôi với giá cao, nhưng tôi không bán, vốn là định để dành đến ngày cháu trai lấy vợ mới mang ra dùng, nhưng nay nhà có khách quý đến chơi nên nhất định phải mang ra tiếp đãi.”
Họa Long uống một ngụm to, nhưng anh chẳng cảm thấy nó có mùi vị gì đặc biệt.
Giáo sư Lương thưởng thức một ngụm nhỏ, hương trà nồng đượm ngấm vào tận tim phổi.
Giáo sư Lương hình như rất hứng thú với quá trình chưng cất tinh dầu nhựa thông nên ông không ngừng hỏi thăm bà lão. Bà lão nói loại tinh dầu này do cậu bảo vệ rừng tặng bà, cậu ta thường đi loanh quanh trong thôn mua thuốc nam, thịt thú rừng và rau rừng.
Giáo sư liền hỏi: “Cậu bảo vệ rừng đó chắc cao to lắm bà nhỉ? Cậu ta có phải là người ngoại tỉnh không ạ?”
Bà lão đáp: “Đúng vậy! Cậu ta khá đô con, lại từng làm lính nữa, lính cứu hỏa. Cậu ta rất thích uống rượu, mà hễ say là lại chửi bới lung tung.”
Sau khi trở về văn phòng, giáo sư Lương xem lại cảnh quay mà đài truyền hình thực hiện trước hôm xảy ra án mạng, trên màn hình hiện ra hình ảnh người chưng cất tinh dầu nhựa thông mà thầy Tần từng nhắc đến. Anh ta đội mũ, đeo khẩu trang, mặt hướng vào máy quay và nói dõng dạc: “Ai dỡ nhà tôi, tôi lột da kẻ đó!” Tô My liền đến ban vũ trang huyện lấy hồ sơ của tất cả nhân viên bảo vệ rừng đã xuất ngũ và chuyên ngành, sau đó nhờ lãnh đạo phòng lâm nghiệp nhận dạng, cuối cùng cô xác định người đàn ông đeo khẩu trang, đội mũ lọt vào ống kính máy quay của phóng viên kia chính là nhân viên bảo vệ rừng hiện tại của địa phương.
Người đàn ông này có rất nhiều điểm khả nghi, đồng thời cũng phù hợp với miêu tả về đặc điểm nhận dạng tội phạm của tổ chuyên án.
Có thể nói nhân viên bảo vệ rừng chính là thần gác rừng, công việc chủ yếu của họ là phòng tránh cháy rừng, đi tuần quanh rừng, ngoài ra còn đảm nhiệm một số công việc đo đạc, thám trắc, rất nhiều người gác rừng không thể chịu cảm giác cô đơn và buồn chán khi một mình đối diện với rừng sâu nên hàng năm phòng lâm nghiệp đều phải thay người gác rừng, nhân viên vừa mới đến nhận việc là một lính cứu hỏa đã xuất ngũ.
Tuy trời đã nhá nhem tối nhưng tính chất vụ án quá nghiêm trọng nên không ai dám chậm trễ. Họa Long và người dẫn đường của phòng lâm nghiệp mang theo một đội quan quân vội vàng lên núi bắt nghi phạm về thẩm vấn. Trong rừng có rất nhiều điếm canh, thường ngày người gác rừng sẽ sống trong những điếm canh đó. Trên sườn núi phía sau trường tiểu học thôn Đào Hoa không xa có một điếm canh cũ kĩ được đắp bằng đá và bùn đất. Chẳng mấy chốc cảnh sát đã bao vây ngôi nhà, qua cửa sổ có thể nhìn thấy một đống khoai tây chất ở góc tường, một chai dầu đặt trên bệ cửa sổ, trong nhà không mắc điện, chỉ có ngọn đèn dầu loe lét cháy sáng, bên cạnh còn có một vò rượu trống không, người gác rừng đang nằm ngáy khò khò trên chiếc phản được đắp bằng đất.
Họa Long đạp cửa xông vào, lúc cảnh sát bắt người gác rừng, thì người đàn ông ngủ sưng mọng mắt nhìn cảnh sát, ngoạc mồm ra chửi: “Chính ông mày làm đấy! Ông mày ở đây đợi chúng bay lâu lắm rồi! Lũ súc sinh chúng bay!”
Câu chửi không khiến đội cảnh sát có mặt ở đó tức giận, mà ngược lại còn làm họ vô cùng phấn khích, vì nghi phạm không khảo mà tự xưng, xem ra cảnh sát đã bắt đúng hung thủ. Song kết quả thẩm vấn lại khiến mọi người vô cùng thất vọng, người gác rừng không hề phủ nhận về hành động treo xác người lên cây liễu ở đầu thôn, nhưng anh ta thanh minh mình không hề giết người, có điều anh ta cũng không hề giấu giếm ý định mình muốn giết người, không những vậy anh ta còn bày tỏ thái độ kính trọng với kẻ sát nhân.
Nói theo cách của anh ta thì: “Lấy da người nhồi rơm thành bù nhìn? Quá sáng tạo! Ông đây mà biết ai làm thì sẽ kính người đó một chum rượu mới được!”
Tổ chuyên án và phòng cảnh sát huyện lần lượt tiến hành thẩm vấn anh ta hai lần, nhưng khẩu cung của người gác rừng trước sau như một xem ra anh ta không hề nói dối.
Căn cứ theo cách nói của người gác rừng thì anh ta vô cùng chán ghét công việc hiện tại, ba ngày đánh cá thì hai ngày phơi lưới, hôm ấy anh ta lên nhà người thân ở huyện thành chơi vài bữa, buổi sáng lúc trở về điếm canh trên núi, vừa bước vào cửa liền phát hiện trên mặt đất có một tử thi mất đầu, nhờ vào quần áo của nạn nhân anh ta biết đó chính là trưởng ban Dương ở phòng du lịch, xuất phát từ tâm lí muốn xả hận, nhân lúc trời còn tờ mờ sáng, sương vẫn chưa tan hẳn, anh ta treo tử thi lên cây liễu trước cổng thôn Đào Hoa, sau đó trở về điếm canh uống rượu rồi đánh một giấc.
Giáo sư Lương nói: “Vì sao cậu lại trả lời phóng viên rằng ai đốt nhà cậu, cậu sẽ lột da kẻ đó?”
Họa Long tiếp lời: “Đúng thế! Anh là người ngoại tỉnh việc phá dỡ đâu liên quan gì đến anh, vì sao anh lại thù ghét họ đến vậy?”
Tay bị còng của người gác rừng đặt trên đùi, còn tay kia anh ta đập thình thịch vào ngực mình hào sảng đáp: “Ngứa mắt chứ sao! Thấy bất bình không thể khoanh tay đứng nhìn!”
Sau đó anh ta quay sang Họa Long chất vấn: “Nếu có người muốn dỡ nhà anh, anh không đồng ý nhưng họ vẫn cố tình dỡ thử hỏi anh sẽ làm gì?”
Họa Long ngớ người không trả lời được.
Cuộc thẩm vấn kết thúc lúc tám giờ tối, chủ tịch xã bảo thầy Tần mua rất nhiều đồ nhậu về để khoản đãi tổ chuyên án và các cảnh sát, ông ta còn mặt dày chúc rượu Họa Long, thầy Tần cũng ở đó làm bạn rượu, có điều người nào cũng rầu rĩ, các manh mối của vụ án vốn đã mờ mịt nay lại càng rơi vào ngõ cụt.
Bao Triển luôn nghi ngờ thầy Tần nhưng đêm hôm trưởng ban Dương bị sát hại, thầy Tần lại ở bến tàu trên thành phố, còn hôm chủ đầu tư người Hồng Kông bị hại thì thầy Tần lại ở cùng tổ chuyên án trong trường tiểu học thôn Đào Hoa. Trong cả hai vụ án mạng, thầy Tần đều có chứng cứ ngoại phạm chứng tỏ thầy không có mặt tại hiện trường gây án. Bao Triển đành loại thầy Tần ra khỏi danh sách những kẻ tình nghi. Nhưng không hiểu sao anh luôn cảm thấy có điểm gì đó không ổn mà mãi không lần ra được rốt cuộc không ổn ở điểm nào.
Bao Triển xin Họa Long một điếu thuốc, anh ra ngoài vườn vừa hút thuốc vừa suy nghĩ.
Ánh trăng bàng bạc trải khắp không gian mênh mông, mùi hoa mộc thoang thoảng đưa hương, tiếng tiêu đâu đó ở nơi xa văng vẳng vọng đến mang nỗi buồn cô tịch, Tô My đẩy xe lăn cho giáo sư Lương ra vườn.
Bao Triển nghe thấy tiếng tiêu, đột nhiên nói: “Đây là khúc gì mà sao nghe quen tai thế nhỉ?”
Tô My đáp: “Đó là khúc Lương Sớn Bá – Chúc Anh Đài!”
Giáo sư Lương gật đầu nói: “Đúng vậy! Tối qua thầy Tần cũng thổi khúc tiêu này, nghe rất bi thương.”
Ba người đưa mắt hội ý một lát, Tô My lập tức ra xe cầm hai chiếc gối đầu – tối qua giáo sư Lương và Tô My ngủ trong xe, Thầy Tần đã vào phòng mình mang ra hai chiếc gối cho họ. Tô My lấy cớ mang trả gối xâm nhập phòng kí túc của thầy Tần để âm thầm kiểm tra.
Cửa phòng thầy Tần không khóa, cánh cửa gỗ vá chằng vá đụp, mưa dập gió vùi đã bao năm.
Tô My bật đèn, cô lặng lẽ nhìn quanh căn phòng, một lát sau sống mũi cô chợt cay cay, nước mắt ứa ra hàng mi.
Chương 5: Hẹn thề sinh tử
Hai chiếc giường đơn ghép lại thành một, dưới gầm giường đặt hai đôi dép lê ngay ngắn, trên nóc tủ có hai chiếc cốc, trong cốc là hai chiếc bàn chải đánh răng, hai chiếc bàn làm việc cũ nát y như nhau kê sát gần nhau, ở góc tường căng sợi dây thép, trên dây treo hai chiếc khăn mặt, cạnh đó là hai chiếc tủ cá nhân… Tất cả đều thành đôi thành cặp, tất cả đều giống nhau, cũ kĩ và rách nát.
Trên vách tường treo bức ảnh đen trắng thời hai người nhập ngũ, nước ảnh đã ố vàng, trong ảnh là thầy Tần và thầy Đào.
Trực giác của phái nữ khiến Tô My linh cảm thấy hơi thở của tình yêu trong căn phòng này. Cô ý thức hai người đàn ông ấy đã ở trong căn phòng rách nát này hơn hai mươi năm.
Vừa lúc ấy thầy Tần bước vào.
Giáo sư Lương liền hỏi: “Thầy Đào hiện giờ ở đâu? Cậu ta vẫn chưa về quê phải không?”
Bao Triển khuyên giải: “Anh không giết người, anh không cần bao biện hộ anh ta.”
Họa Long cũng thêm vào: “Hãy nói cho chúng tôi biết! Giờ không phải đang thẩm vấn anh, mà chỉ muốn nói chuyện riêng với anh thôi!”
Tô My ngập ngừng hỏi: “Hai anh… yêu nhau ư?…”
Thầy Tần cúi thấp đầu, im lặng cũng là một cách trả lời.
Thầy gắng nuốt giọt nước mắt mang nặng bao niềm tâm sự chồng chéo, bờ mi khẽ khép lại hồ như đang quay lại những ngày thuộc về quá vãng.
Thầy Tần thấy một miền quê chợt hiện ra trước mắt, dưới gốc liễu ở cổng làng có mấy đứa trẻ tinh nghịch gõ keng keng vào thùng tôn, một đứa hỏi: “Anh Tần Thiên ơi! Anh đi đâu đấy?”
Tên đầy đủ của thầy Tần là Tần Thiên. Trước ngực người thanh niên trẻ ấy cài một bông hoa màu đỏ, anh hớn hở đáp: “Anh đi lính! Đi đánh nhau đấy!”
Năm ấy, anh mười tám tuổi, bắt đầu gia nhập quân ngũ. Từ bộ đội lục quân anh được điều chuyển thành lính dù thuộc sư đoàn không quân. Trong thời gian đó, Tần Thiên đã trải qua hàng trăm ngàn đau khổ. Mảnh đất ấy chắc giờ đã nở rộ muôn ngàn hoa dại.
Năm l986, anh ăn chiếc bánh bao trong cơn mưa trút như thác đổ.
Năm l987, anh gặm màn thầu trong gió lạnh thét gào.
Năm l988, có người đã nhường anh chiếc bánh bao và màn thầu duy nhất của người ấy.
Người lính dù nào cũng đều biết một câu thế này: Lính dù sinh ra là để bị bao vây!
Anh luôn mơ ước mình được nhảy vào một cánh đồng bạt ngàn sắc vàng của hoa cải, nhưng lần đầu tiên nhảy dù, thì đêm đông đã ập đến, anh nhảy từ độ cao hai ngàn mét, gió phương Bắc như từng lưỡi dao liếm vào da thịt.
Khi ấy, tuyết đang vần vũ giữa không trung, ngay bên cạnh người Tần Thiên.
Đây là lần đầu tiên Tần Thiên nhảy dù vào ban đêm. Lúc xuyên qua màn đêm và nhảy xuống, đám lính dù lúng túng các anh có thói quen hét lớn tên mình, anh nghe thấy một cái tên: Đào Nguyên Lượng. Đến khi đèn báo bật dù sáng lên, anh quăng người xuống, nghe tiếng gió vù vù thổi bên tai, anh rơi vào bóng tối vô cùng vô tận. Có lẽ do ý trời nên anh và anh lính dù có tên là Đào Nguyên Lượng kia bị vướng dây dù vào nhau.
Vướng dây dù là tình cảnh rất nguy hiểm của lính dù khi đang ở trên không, nếu không kịp thời nghĩ cách giải quyết thì hậu quả thực khôn lường.
Cậu Đào Nguyên Lượng kia hét lớn: “Cậu cắm vào dù của tớ rồi bay trước đi! Mặc tớ!”
Tần Thiên mở cán dù, chiếc dù chính lập tức thoát ra ngoài, ngay sau đó anh giật mạnh chiếc dù dự phòng ở trước ngực.
Lúc ấy độ cao cách mặt đất chưa đến năm trăm mét, Tần Thiên rất lo không biết Đào Nguyên Lượng có kịp hành động gì để tiếp đất an toàn không. May mắn thay, trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, Đào Nguyên Lượng đã kịp thời để dù chính bay đi và bật dù dự phòng.
Ngặt nỗi vừa chạm chân xuống mặt đất thì cả hai bị một nhóm người lạ mặt bao vây. Tần Thiên bị thương, cả hai bị dồn đến một sơn trang bỏ hoang, quẫn quá không biết làm sao anh và Đào Nguyên Lượng chui vào thùng phuy gần đó trốn ba ngày ba đêm.
Ăn hết đồ ăn ít ỏi còn sót lại, hai nguời đành ôm bụng đói.
Trong ba ngày khổ nạn bên nhau, vì không gian chật hẹp nên hai người không thể không ép sát người trong tư thế ôm nhau để vượt thời khắc gian khổ.
Giữa lúc đầu óc u mê, họ đã nảy sinh mối tình cấm kị.
Chúng ta không thể biết trong ba ngày duyên nợ đó hai người họ đã làm gì, đã nói gì, nếu không thể gọi đó là tình yêu tội lỗi thì có lẽ nên nói rằng họ đã yêu nhau trong khi chính bản thân không hề nhận ra.
Ba ngày sau, Đào Nguyên Lượng quên mình phá vòng vây cõng Tần Thiên bị thương thoi thóp thở về bệnh viện.
Ba năm sau, hai người đều giải ngũ, Tần Thiên trở về quê hương làm thầy giáo tình nguyện, còn Đào Nguyên Lượng mở xưởng sửa xe máy. Mỗi người họ ở một phương, nhưng họ đã viết cho nhau rất nhiều, rất nhiều thư.
Rốt cuộc phải cần bao nhiêu năm mới mở được cánh cửa trái tim giữa hai người đàn ông?
Trong những lá thư ấy đã gửi gắm bao nhiêu lời yêu thương ẩn ý, bao nhiêu nội dung khiến người ta rung động trái tim?
Rốt cuộc phải cần bao nhiêu dũng cảm, phải xuyên qua bao nhiêu tầng mây đen mới đủ khiến một bàn tay dám nắm chặt một bàn tay khác?
Quê hương người này vang khúc tiêu buồn, còn quê hương người kia nhuộm vàng hoa cúc.
Hai người họ đều không lấy vợ. Một ngày, học sinh trường tiểu học thôn Đào Hoa bỗng phát hiện thầy Tần đột nhiên vô duyên vô cớ mặc áo đay đội khăn tang, chẳng ai rõ nguyên cớ.
Trong khi đó, ở một nơi xa, cha mẹ của Đào Nguyên Lượng gặp tai nạn giao thông và qua đời.
Mấy ngày sau, học sinh trường tiểu học thôn Đào Hoa đón thêm một thầy giáo mới – Thầy Đào.
Hai người đàn ông ở cùng nhau trong gian phòng thường xuyên bị mưa tạt gió lùa. Họ vá khe hở, đắp lỗ hổng… Cứ thế hai mươi năm đã trôi qua.
Thầy Đào và thầy Tần cùng trồng đào, cùng nhổ cỏ, cùng ăn cơm, cùng tản bộ trên những triền núi từ khi còn là hai cậu thanh niên cho đến khi trở thành hai người đàn ông trung niên. Trong suốt chặng đường ấy, họ đã chứng kiến biết bao vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng này.
Đây là sơn thôn hoa đào hồng rực một miền.
Đây là sơn thôn mưa bụi nhẹ bay lây phây.
Đây là sơn thôn hoa cúc vàng cả góc trời.
Đây là sơn thôn tuyết trắng khẽ rơi la đà.
Đây là chốn thần tiên giữa phàm trần, hồ như chỉ trong một đêm, gió xuân đã thắp sáng cả núi rừng bằng mầm non chồi biếc. Hai người cố giữ sự tĩnh lặng trong cõi lòng, hạnh phúc của họ yếu ớt giống như ánh đom đóm lập lòe giữa bãi hoang, lay lắt theo mưa gió và bí mật đến chẳng một ai hay biết. Cuộc đời con người ta tựa dòng nước chảy, hết mùa hoa vàng nở rực rỡ khắp cánh đồng lại đến mùa hoa tím dịu dàng khoe sắc trên triền núi, mùa hoa đỏ bung cánh men theo những thung lũng nhấp nhô… Họ lặng lẽ ngắm nhìn hoa nở rồi hoa tàn…
Mùa xuân, hoa đào đua nhau hé nụ, trên con thuyền nhỏ đỗ cạnh bờ cũng đầy ắp cánh hoa, họ chở một thuyền hoa ra giữa hồ câu cá.
Mùa hạ, hồ nước như một khối ngọc thạch xanh thăm thẳm khiến lòng người phải lắng lại, từng đóa sen ngậm sương đung đưa theo gió nom chẳng khác nào đang nhẹ lướt trên mặt hồ, mỗi bước sen đi đều đượm hương thanh mát.
Mùa thu, đàn chim hoang bay liệng quanh những khóm cúc, rồi chợt vút lên tận trời xanh, hướng về phía cầu vồng, họ cùng nhau xuống chợ bán đào.
Mùa đông, họ cùng đám học trò đắp người tuyết, cùng dắt chó vào rừng Bạch Hoa ở trên núi để săn thỏ rừng.
Bao năm qua đi, năm nào hoa đào cũng nở rực cả góc trời, kế hoạch phá dỡ khiến họ buộc phải đưa ra lựa chọn giữa nhẫn và tàn nhẫn. Không có gió, không có bi thương, hoa im lìm trên đồng cỏ tĩnh lặng. Càng chiến đấu những người lính dạn dày càng có tinh thần kháng cự hơn người dân, thầy Đào không thể nhẫn nhịn để họ phá hủy gia viên của mình. Trong khi đó thầy Tần lại nghĩ đến việc tự sát, thậm chí thầy còn chuẩn bị bữa ăn cuối cùng. Ý của thầy Tần thế này: Hai người ăn xong thì cùng chết.
Thầy Đào lựa chọn phương thức liều mạng đi con đường mạo hiểm.
Đó là lần đầu tiên trong đời hai người tranh cãi nhau, cuối cùng Thầy Tần đành thỏa hiệp. Thầy Đào vạch kế hoạch giết người, anh ta tạo hiện trường giả như thể mình đã về quê, sau đó nghĩ ra cách liên lạc và báo tin cho nhau bằng tiếng tiêu và tiếng sáo. Những ai từng đi lính đều biết dùng những phương thức đơn giản để truyền đạt tín hiệu an toàn hoặc nguy hiểm.
Bằng cách ấy, họ nói chuyện với nhau như sau:
Thầy Tần: Ngày nào tôi cũng thổi tiêu cho cậu nghe, nếu một ngày không thấy tiếng tiêu nghĩa là tôi đã bị bắt.
Thầy Đào: Tôi sẽ giết trưởng ban Dương trước tiên.
Thầy Tần: Sao phải giết anh ta?
Thầy Đào: Ai bảo anh ta giống cậu như đúc.
Thầy Tần: Sau đó thì sao?
Thầy Đào: Sau đó sẽ đến lượt tên chủ đầu tư người Hồng Kông, thằng chủ tịch xã Ngô… cho đến khi bọn chúng dừng tay mới thôi.
Trưởng ban Dương đam mê cờ tướng, đình Lan Khả được xây dựng theo ý tưởng của anh ta. Tối đó, anh ta cùng chủ đầu tư người Hồng Kông và đám chủ tịch xã Ngô ngồi uống rượu ở sơn trang Đào Hoa. Ăn xong, anh ta đi đạo một mình đến đình Lan Khả ở cách đó không xa để nghiên cứu các thế cờ tàn cuộc. Bỗng nhiên có một người bước đến gần nói muốn đánh cờ với anh ta. Trưởng ban Dương nhận ra đó là thầy Đào.
Anh ta không muốn chơi chút nào. Nhưng anh ta đã nhìn thấy con dao trong tay thầy Đào lóe lên tia hàn quang lạnh lẽo.
Trưởng ban Dương định co cẳng bỏ chạy, có điều anh ta biết rõ thầy Đào là lính xuất ngũ nên đành liều mạng tiến về phía trước. Ban đầu anh ta cứ nghĩ thầy Đào cũng là người say mê cờ tướng nên mới dùng phương pháp cực đoan này để ép mình phải cọ sát tài nghệ cao thấp, nhưng có chết anh ta cũng không thể ngờ rằng chỉ với ba nước cờ, thầy Đào đã dồn anh ta vào đường chết, sau đó kết liễu luôn mạng anh ta chỉ bằng một nhát dao.
Cái chết của trưởng ban Dương chưa thể ngăn cản được tiến trình phá dỡ nên thầy Đào tiếp tục sát hại chủ đầu tư người Hồng Kông. Anh ta mang theo một bao to đột nhập vào phòng của chủ đầu tư nọ qua cửa sổ, rồi thanh minh rằng mình có một chiếc đĩa vừa mới khai quật được, chủ đầu tư nọ có sở thích sưu tầm đồ cổ, ông ta đã quá quen với hành vi lén lén lút lút của những kẻ đem bán văn vật, bởi vậy ông ta không hề lấy làm lạ trước sự xuất hiện của thầy Đào.
Nào ngờ sau khi mở ra thì thấy trong bao chỉ có đống rơm, trong đống rơm là một con dao.
Đúng lúc ấy thầy Đào nhào đến, một tay bịt miệng chủ đầu tư, một tay kề lưỡi dao vào cổ ông ta, bắt ông ta mở két bảo hiểm. Chủ đầu tư nọ cứ nghĩ kẻ lạ mặt muốn cướp của, nào ngờ thầy Đào lại ép ông ta đập vỡ những văn vật giá trị liên thành của mình.
Phương thức mà thầy Đào áp dụng để xử lí tử thi không mấy cao minh, anh ta để xác của chủ đầu tư ngay tại phòng, còn thi thể của trưởng ban Dương thì đặt vào gian phòng nhỏ của người gác rừng. Người gác rừng treo thi thể lên cây liễu trước cổng thôn chỉ đơn thuần là hành vi xả giận. Người gác rừng, thầy Đào và những người dân nơi sơn thôn này có cùng một điểm chung: họ vô cùng căm hận việc cưỡng chế phá dỡ một cách bạo lực của chính quyền địa phương. Bởi thế họ dùng các cách thức khác nhau để chống đối lại phương pháp bạo lực đó.
Thầy Tần bị bắt, cảnh sát phát hiện thấy con dao trong phòng của thầy, qua các giám định kĩ thuật, người ta kết luận con dao ấy hoàn toàn trùng khớp với hung khí giết người. Thông qua camera ở bến tàu, phía cảnh sát cũng chứng thực được thầy Tần đã nói dối, hôm đó thầy Tần không hề đưa thầy Đào ra nhà ga, chỉ có một mình thầy Tần ra nhà ga mà thôi. Thầy Tần làm vậy nhằm ngụy tạo hiện trường giả thầy Đào đã về quê, đồng thời cũng tạo ra chứng cứ ngoại phạm cho bản thân. Sau khi Họa Long còng tay thầy Tần lại, anh vỗ nhẹ lên vai thầy, có lẽ hành vi đó xuất phát từ lòng kính trọng đối với một người lính.
Thầy Tần chỉ dùng thái độ im lặng để đối mặt với tất cả các câu thẩm vấn, thậm chí thầy còn định tự cắn đứt lưỡi của mình để từ chối trả lời.
Cảnh sát huyện Vũ Lăng triển khai công tác bao vây và chặn đường để đề phòng nghi phạm Đào Nguyên Lượng tìm đường chạy. Họ lấy trường tiểu học Đào Hoa làm trung tâm, rồi triển khai hành động truy bắt, nhưng những dãy núi nhấp nhô trải dài miên man bốn xung quanh chính là nơi ẩn nấp của thầy Đào, muốn lần theo dấu vết và truy bắt cũng đâu phải chuyện dễ. Hai ngày sau cảnh sát vẫn không phát hiện thấy tung tích của thầy Đào.
Ngày thứ ba, một người lặng lẽ bước vào văn phòng của đội cảnh sát xã Đào Nguyên.
Một cảnh sát dân sự hỏi anh ta đến đây có việc gì.
Người đó đáp: “Tự thú!”
Cuối cùng vụ án đã khép lại nhờ hung thủ tự ra đầu thú, thầy Đào thừa nhận một mình gây ra mọi tội lỗi, còn thầy Tần không hề hay biết gì về tất cả. Trong khi đó từ đầu chí cuối thầy Tần chẳng hề nói một lời nên phía cảnh sát không thể định tội, đành phải thả thầy Tần ra. Ngày hôm sau tổ chuyên án rời khỏi huyện Vũ Lăng, trên đường đến sân bay ở tỉnh thành, gã cán sự tuyên truyền gọi điện đến thông báo hai việc:
Việc thứ nhất là thầy Tần đã tự sát, treo cổ trên cây đào già ở trường tiểu học thôn Đào Hoa. Thầy để lại di thư nói rằng hi vọng được chôn cùng một ngôi mộ với thầy Đào.
Việc thứ hai là tất cả thanh niên trai tráng của thôn Đào Hoa đã ra sức chặt tất cả cây đào xung quanh núi trong mấy ngày liên tiếp, giờ dự án biến thôn Đào Hoa thành khu cảnh quan Đào Hoa Nguyên không thể tiếp tục triển khai vì Đào Hoa Nguyên không còn một cây đào.
Giáo sư Lương cảm khái: “Hay cho một chốn đào nguyên giữa cõi trần!”
Họa Long lấy tay gõ đầu ra chiều suy nghĩ: “Sao tôi thấy tên thầy Đào nghe cứ quen tai thế nào ấy nhỉ?”
Bao Triển nói: “Đào Nguyên Lượng ư?”
Tô My giải đáp: “Đào Nguyên Minh có tên chữ là Nguyên Lượng, hiệu là Ngũ Liễu tiên sinh…”
Một chốn đào nguyên không có bóng đào nghe châm biếm biết bao! Cả quả núi trọc lóc, chỉ còn sót lại duy nhất cây đào già ở giữa sân trường tiểu học. Không rõ người dân để lại cây đào ấy vì hàm ý gì? Chẳng lẽ bởi muốn nó chứng kiến mọi niềm đau của chốn nhân gian? Hay bởi muốn nó lặng lẽ cảm nhận nỗi khổ đời đời kiếp kiếp của người nông dân?
Cũng có thể bởi họ muốn để đôi bướm quấn quýt nhau kia có thể đậu trên cánh hoa hồng thắm mỗi độ xuân về.
[1] Jack the Ripper: Jack – kẻ phanh thây.
[2] Phim “Từ địa ngục”: Có tên tiếng Anh là “From Hell” do Albert Hughes và Allen Hughes đạo diễn.
[3] Phim “Tử thần vùng Texas”: Có tên tiếng Anh là “The Texas Chainsaw Massacre” do Marcus Nispel đạo diễn.
[4] Jean – Baptiste Grenouille là tên nhân vật sát nhân trong tiểu thuyết “Mùi hương” của nhà văn Đức Patrick Sukind.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui