Camera theo dõi ở góc đường từng ghi được một cảnh tượng ghê tởm.
Một cậu bé lang thang mặc chiếc áo sơ mi rách rưới, nằm ngủ trên chiếc ghế dài trong công viên.
Trời nửa đêm về sáng, một chiếc ô tô chạy ngang qua chỗ cậu nằm.
Một lát sau, chiếc xe đó lùi lại, lái xe bước xuống, cúi đầu nhìn cậu bé lang thang, khẽ kéo quần cậu bé xuống, định giở trò.
Cậu bé giật mình tỉnh dậy, lấy hết sức giằng co thoát ra.
Tên lái xe không thoả trí, nhưng cũng đành ngậm ngùi bỏ đi.
Lúc rời khỏi đó, hắn còn định tóm lấy cậu bé lôi lên xe nhưng không được.
Những kẻ lang thang ngoài việc phải đối mặt với nguy cơ bị quấy rối tình dục, còn gặp phải hai mối nguy hiểm lớn: Chó và những kẻ lạ mặt chuyên bắt người vô gia cư.
Vụ án "động gạch đen" tại huyện Hồng Động một thời từng làm rung chuyển dư luận Trung Quốc.
Ba mốt người nông dân bị lừa đến một xưởng sản xuất gạch, bị ép lao động mà không trả tiền lương.
Trong đó có chín người có vấn đề về trí tuệ, và một bộ phận trẻ em dưới độ tuổi lao động.
Hàn Hồng Liên, hội trưởng hội phụ nữ thôn Mạ Thạch huyện Lôi, giam giữ trái phép nhiều người đàn ông lang thang, nhốt trong núi sâu, nuôi như những kẻ nô lệ và tự ý mua bán.
Nhiều năm về trước, trên đường quê ở xã Đại Trạch xuất hiện một người phụ nữ điên.
Cô ta cũng có phần nhan sắc, nước da trắng nõn nà, quần áo và đầu tóc sạch sẽ tinh tươm, có lẽ là một người bị bệnh thần kinh của nhà nào đó đi lạc.
Người phụ nữ điên thường xuyên lân la đến khu chợ, nhặt những lá rau úa người ta đã bỏ đi mà ăn, buổi tối ngủ lại trên chiếc phản xi măng Của người bán cá hoặc chui dưới gầm cầu.
Đầu óc cô ta lúc tỉnh lúc điên, trên trụ cầu còn có dòng chữ cô ta viết bằng cục vôi, nhắc mọi người đây là "nhà" mình, xin đừng tiểu tiện bừa bãi.
Mọi người phát hiện bụng người phụ nữ điên ngày một lớn dần, nhưng cũng chẳng rõ kẻ thất đức nào gây ra.
Sau đó, người phụ nữ điên cũng biến mất luôn.
Một kẻ độc thân lúc nửa đêm cưỡng ép, lôi cô ta về nhà mình.
Kẻ độc thân ấy tên là Thanh Sơn, sống trong căn nhà bằng đá phía đằng tây thôn Đông Thạch Cổ.
Ngôi nhà của hắn lúc nào cũng lạnh lẽo, bốc ra một thứ mùi hôi hám.
Ngay bên cạnh căn nhà là một chuồng lợn, bên cạnh chuồng lợn là hai mẫu đất trồng hoa hướng dương, mỗi độ hè đến, những bông hướng dương vàng bung nở lấp lánh, hương hoa quyện giữa những cây hướng dương xanh mướt, rồi thoát khỏi đám hoa lan toả khắp thôn làng.
Thanh Sơn ngượng không dám nói mình nhặt vợ ngoài đường về, đành nói rằng mình bỏ tiền mua được.
Trong lòng hắn luôn cho rằng, trong mắt người dân làng, mua về dù sao cũng "đáng giá" hơn nhặt được.
Trong làng này cũng có không ít người phải đi mua vợ, nhưng mấy cô vợ mua đó có người đã bỏ chạy, có người đã thành bà thím trên những ruộng bông, có người thành mấy mợ chuyên ngồi nhà khâu dép.
Người đàn bà điên sinh cho gã một thằng con trai, trông cũng ngây ngô lúc tỉnh táo lúc ngờ nghệch.
Đứa trẻ ngày một lớn, người phụ nữ điên lúc tỉnh thì chẳng khác nào người thường, lúc lên cơn thì chẳng còn nhận ra ai với ai, đến cả việc cá nhân cũng không để nào tự mình xử lí được.
Cô ta biết đọc biết viết, biết đan quần áo len, nhưng chưa bao giờ cô ta nhớ ra nhà mình ở đâu.
Thanh Sơn nói: "Bố con tôi đi làm kiếm tiền về chữa bệnh cho mẹ nó, phải chữa khỏi bệnh thần kinh này mới được."
Người phụ nữ điên cúi đầu, giọng trầm xuống: "Chữa khỏi bệnh rồi, tôi nhớ ra mình là ai, từ đâu đến, mình không sợ tôi bỏ đi sao?"
Thanh Sơn trả lời: "Không sợ! Có thằng bé rồi, nhà giờ còn có cả hoa hướng dương, mẹ nó thích ăn hạt hướng dương nhất mà!"
Đứa trẻ gọi mẹ một tiếng, nũng nịu: "Mẹ! Mẹ đừng bỏ đi nhé! Chữa khỏi bệnh rồi cũng đừng bỏ đi nhé! Dù có không chữa được bệnh thì mẹ vẫn là mẹ của con!"
Người phụ nữ điên cười hiền lành, đáp: "Ừ! Mẹ cũng đâu nỡ lòng nào.
Chỉ sợ mỗi lần phát bệnh, lại chạy lạc đi đâu mất thôi!"
Dịp Tết, Thanh Sơn đốt nén nhang trước ban thờ nguyện quyết tâm đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho vợ.
Hắn đập đầu trước Phật Tổ, nói rằng cuộc đời này hắn đã làm một việc sai trái, và cũng làm một việc tốt.
Hắn cưỡng bức một người phụ nữ ngờ nghệch trong chợ làng không chỉ một lần, đó là điều sai trái.
Còn việc tốt mà hắn đã làm, đó là đưa người phụ nữ ấy về nhà, chung sống yêu thương đến tận bây giờ.
Cho dù là những con người sống dưới đáy bùn của xã hội, cũng luôn hướng về một ngày mai tươi sáng hơn giống như bông hoa hướng dương giữa bóng tối, luôn biết phương hướng để quay về phía Mặt Trời.
Người phụ nữ điên đan cho hai cha con một cặp quần len, chỉ một cặp quần thôi cô cũng phải đứt đoạn đến ba năm trời mới hoàn thành được.
Trước ngày lên đường, Thanh Sơn gửi người vợ điên của mình cho thím Hai nhờ chăm sóc.
"Đành nhờ thím cho vợ cháu chút gì ăn hàng ngày."Thanh Sơn khẩn khoản.
"Đừng để mẹ cháu chạy lung tung!" Con trai Thanh Sơn nói.
Hai cha con họ xách tay nái lên đường và từ đó không bao giờ trở lại.
Người phụ nữ điên bị bỏ đói, chỉ còn da bọc xương từ sáng sớm đến đêm khuya cứ dật dờ đi lại khắp làng như một bóng ma.
Có lẽ đó là cách cô ta chờ đón chồng con mình về.
Chồng con cô ta đã đi rất lâu, không biết khi nào trở lại, cũng chẳng rõ sẽ về theo hướng đường nào.
Người phụ nữ điên thỉnh thoảng cũng có lúc tỉnh táo, cô ta đứng trước cổng thôn ngẩn ngơ nhìn về nơi xa xăm, rồi nhặt một cục vôi đánh dấu vào cả hai đầu thôn.
Cô lo sợ một ngày nào đó, mình không tỉnh táo mà đi khỏi nơi này, lạc giữa biển người không bao giờ trở về được nữa.
Trên tường của ngôi nhà đá, cô ta viết một chữ "nhà" thật lớn.
Theo lời khai của Quách Ngũ, năm anh em nhà họ Quách gặp hai cha con Thanh Sơn ở ga tàu hoả.
Họ đều là người của thôn Đông Thạch Cổ, nên đứng lại nói chuyện mấy câu:
Anh cả Quách Đại nói với hai cha con Thanh Sơn "Thanh Sơn, cha con mày đi làm ở đâu thế?"
Thanh Sơn trả lời: "Cũng chả có nghề ngỗng gà chắc đi làm phụ hồ, bốc gạch, làm thợ cốt thép thôi."
Quách Đại liếc nhìn Quách Nhị một rồi qua lệ hỏi dò: "Hay là...!Hai cha con mày đi đào mỏ than cùng bọn tao, kiếm được hơn đi làm mấy thứ linh tinh nhiều!"
Quách Nhị giả bộ chen vào, nói: "Anh, không được đâu.
Đã bảo là để cho hai chú Quách Tam và Quách Tứ đi rồi cơ mà, ông chủ mỏ có nhận người ngoài đâu."
Con trai Thanh Sơn tay nọ đút vào tay áo kia, hỏi: "Kiếm được bao nhiêu? Có đủ để chữa bệnh cho mẹ cháu không?"
Quách Đại nói: "Làm bằng nào kiếm bằng ấy, đã sao cũng nhiều gấp vạn đi làm phụ hồ."
Thanh Sơn có phần do dự, rồi hơi ngượng ngùng hỏi: "Hay là thế này, để cha con tao nhập bọn, cùng đi làm với bọn mày được không?"
Quách Đại nói: "Thế mày thay chân Quách Tam đến nơi, nhớ gọi tao là anh cả, phải đổi sang họ Quách vì trên đấy ông chủ không nhận người ngoài, sợ chuyện rắc rối."
Thanh Sơn vội gật đầu, nói: "Quyết!"
Quách Đại nói với con trai Thanh Sơn rằng: "Này! Phải gọi tao là cha, gọi cha mày là chủ, nghe chưa?"
Con trai Thanh Sơn gật đầu: "Được!"
Quách Đại hào hứng nói: "Mau mau mau, gọi xem nào!"
Con trai Thanh Sơn lễ phép gọi: "Cha!" Quách Đại chỉ sang Quách Nhị, bảo: "Gọi chú mày đi!"
Con trai Thanh Sơn nghe lời, gọi: "Chú mày!"
Quách Đại đưa tay đập vào đầu thằng bé một, chửi: "Đúng là đồ ngu!"
Quách Đại nhắc lại mấy việc quan trọng.
Làm việc dưới mỏ than vô cùng nguy hiểm, thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, nên chủ mỏ không muốn tìm người chưa quen việc, cũng không muốn người ngoài.
Quách Đại và Quách Nhị giúp cha con Thanh Sơn làm giả chứng minh thư, rồi dặn đi dặn lại, nhất định không được để lộ thân phận thật, nếu không sẽ bị đuổi thẳng cổ, đến tiền công cũng đừng hòng lấy nổi.
Hai anh em nhà họ Quách sau một hồi khua môi múa mép đã khiến cha con Thanh Sơn tin sái cổ, rồi theo chúng đến mỏ than làm thuê.
Chủ mỏ và người làm công phải kí bản giao kèo.
Trên đó giấy trắng mực đen ghi rõ: "Nếu xảy ra tai nạn, mất một ngón tay đền năm mươi tệ, một mạng người đền ba vạn tệ."
Anh em nhà họ Quách lập mưu giết cha con Thanh Sơn dưới mỏ, rồi nguỵ tạo hiện trường thành vụ tai nạn sập mỏ, sau đó lại lấy danh nghĩa người nhà, đòi chủ mỏ phải bồi thường theo đúng giao kèo.
Hành động giết người để lừa lấy tiền bồi thường này, trước đó chúng đã thực hiện nhiều lần.
Do những người lang thang vô gia cư và những kẻ điên đó ngoài đường ngày càng ít, chúng không còn người thích hợp để thực hiện mưu đồ.
nên quay về chĩa bàn tay ác quỷ của mình vào chính những người đồng hương lương thiện.
Trước khi bị giết, con trai Thanh Sơn, chàng trai mới lớn hiền lành đến độ ngờ nghệch quỳ xuống vừa khóc vừa nói: "Cha! Chú! Đừng giết cháu! Đừng giết cháu.
Cháu còn phải kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ nữa."
Quách Nhị ra bộ hiền từ: "Thôi được! Quay lưng lại, đừng có mở mắt ra!"
Con trai Thanh Sơn tin lời, vừa quay lưng lại vừa nói: "Giết cháu rồi, ai sẽ chăm sóc mẹ cháu đây!"
Quách Đại giơ cao chiếc xà beng trong tay, giáng đòn chí mạng xuống đầu chàng thanh niên, nói; "Nhưng...!Mày đáng giá ba vạn cơ con ạ!"
Anh em nhà họ Quách xúc than đổ lên xác hai Cha con Thanh Sơn, nguỵ tạo hiện trường sập hầm mỏ.
Trên đời có thứ đen hơn than, đó là lòng người!
Bột than chất đống trên hai xác chết giống như một nấm mồ.
Trên người họ đang phủ đầy xác của những cây liễu từ thời cổ đại và những cây thì là hàng vạn năm về trước.
Những hầm mỏ tự phát kiểu này vốn đã không đủ an toàn, một khi xảy ra sự cố, chủ mỏ chỉ muốn làm sao để "chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành không có", chẳng may để ngành than hoặc Cục Lao động phát hiện sập hầm chết người, thì ngoài việc bị phạt tiền, có khi còn bị đóng cửa luôn chứ chẳng chơi.
Chủ mỏ đành nhanh chóng trả tiền cho xong chuyện Anh em nhà họ Quách muốn đòi thêm tiền cấp dưỡng, vừa giả bộ đau thương, vừa mặc cả từng đồng.
Sau một hồi đôi co qua lại, chủ mỏ lấy ra một khoản tiền bồi thường, hai bên kí xác nhận tai nạn ngoài ý muốn, không liên quan đến chủ mỏ.
Trong hơn một năm, anh em nhà họ Quách đã giết tám người.
Ngoài cha con Thanh Sơn ra, còn lại đều là những người lang thang, điên dại ngoài đường.
Trong mắt anh em họ, những người đó đều là tiền, mỗi mạng ba vạn tệ.
Việc xử lí thi thể nạn nhân, chúng chọn lựa cách đơn giản nhất, đó là chôn vùi.
"Muốn hoả táng thì phải có giấy chứng từ." Quách Nhị nói.
"Cái đấy có gì mà khó, ngoài kia đầy bọn làm giấy tử giả, đến chứng minh thư, số hộ khẩu còn làm được, một tờ giấy chứng tử thì ăn nhằm gì." Quách Tam nói.
"Vấn đề ở chỗ, hoả táng mất tiền.
Tự nhiên mất đống tiền vô ích để làm gì?" Quách Đại nói.
"Chứ còn gì nữa! Anh cả nói chuẩn quá còn gì! Em thấy, cứ kiếm chỗ nào kín kín, chôn quách đi cho xong." Quách Tứ nói.
"Chôn đi! Đỡ tốn!" Quách Ngũ hùa theo.
Anh em nhà họ Quách chôn tám cái xác xuống một khu đất trũng và hẻo lánh phía ngoài làng.
Mãi đến sau này cảnh sát cũng không thể làm rõ được, ai là người đã đào một xác lên và lôi đến hang đất ngoài đê.
Tổ chuyên án nghĩ đến người vợ điên của Thanh Sơn.
Đối với một người điên mà nói, hành vi kì quặc này cũng không có gì là lạ.
Thế nhưng, làm cách nào cô ta phát hiện được nơi chôn xác?
Người phụ nữ điên lấy cục vôi viết chữ, cắm những cành cây dọc đường, đánh dấu khắp đầu thôn cuối xóm.
Người phụ nữ điên ấy lo sợ một ngày nào đó mình sẽ đi lạc, không còn tìm được đường về nhà, cho dù trời đã về đêm, cô ta vẫn lang thang khắp thôn xóm, cứ thế mà đợi chồng con mình trở về.
Bất luận ban ngày hay đêm tối, cô ta vẫn chờ, vẫn đợi, cho dù những người đó sẽ mãi mãi không trở về.
Trong trái tim hỗn độn của người phụ nữ điên này, có phút hồi ức nào ấm áp hay không? Khi có tỉnh táo, ngồi dưới ảnh hoàng hôn, đan chiếc quần len cho chồng con mình, trong lòng cô đang nghĩ gì? Sau này, khi đến nhận di vật, vì sao cô lại khóc một tiếng lớn đến thế?
Rời xa một người, mới biết mình nhớ nhung đến mức nào.
Trước khi tổ chuyên án rời đi, xã Đại Trạch lại trút một trận mưa lớn...
Người phụ nữ điên đứng ngẩn ngơ giữa trời, nhìn vào ngôi nhà đá của mình, trên tường có chữ "nhà" rất lớn mà cô đã viết.
Trên khoảng ruộng cạnh nhà, những cây hướng dương đã thu hoạch hết, thân cây chém nửa, chỉ còn phần gốc ướt đẫm nước mưa.
Những "trái" hướng dương cũng chính là hạt giống.
Mỗi người đều có con đường của riêng mình, dẫu biết sẽ phải gặp sự lạnh lẽo của đêm đen và khổ nhọc của mưa gió, nhưng chỉ cần dũng cảm bước tiếp, sẽ đến một ngày ta tìm thấy đóa hoa của riêng mình, một đoá hướng dương rực nở, vẫn đứng đó mãi chờ chúng ta.
Đoá hướng dương trong lòng mãi mãi không bao giờ tàn úa.
Tổ chuyên án quyết định đến nhà thím Hai của Thanh Sơn.
Trước khi cha con Thanh Sơn đi làm đã gửi người phụ nữ điên cho bà thím Hai chăm sóc, thế nhưng bà ta đến một miếng cơm cũng chẳng cho ăn.
Chẳng còn ai trông nom, không còn ai quan tâm chăm sóc, người phụ nữ điên gầy như bộ xương khô, cứ như thế này chẳng biết cô ta còn trụ nổi bao lâu nữa.
Thím Hai của Thanh Sơn biện minh, rằng tại Thanh Sơn không để lại tiền nuôi dưỡng.
Giáo sư Lương lấy ra một số tiên đưa cho bà thím.
"Ông cụ" đáng yêu nói bằng giọng vừa nghiêm túc, vừa có phần uy hiếp: "Tiền này là của Cục Cảnh sát để ở nhà chị, không được tiêu lung tung.
Nhà chị ăn gì thì cũng cho cô ta một miếng.
Nếu để cô ta chết đói, chúng tôi bắt chị cho vào tù đấy!"