Chu Tử ở lại nhà Lưu lão bà.
Nàng cùng Mã Kim Phượng, Doãn Tiểu Hà còn có Lý Hàm Hương ở cùng một chỗ. Bốn người bình thường trừ ngủ chính là giúp Lưu lão bà làm việc nhà, như nấu cơm giặt giũ quét sân linh tinh.
Chu Tử ở nhà làm việc đã quen, cũng không biết mệt, chính là cao hứng vì thức ăn ở nhà Lưu lão bà có thịt, ăn thật rất ngon. Nàng đang tuổi ăn tuổi lớn, lượng cơm ăn rất nhiều, ở nhà Lưu lão bà nửa tháng, vóc dáng của nàng lại cao thêm một centimet.
Trong bốn người các nàng, Chu Tử tuổi không tính là lớn nhất, nhưng vóc dáng là cao nhất, chân lại dài, ưỡn ngực hóp bụng nhìn qua có một loại cảm giác như hạc trong bầy gà, bộ dáng căn bản không giống như là mười hai tuổi.
Trước kia Chu lão thái thật sự đã nhờ người qua nhà Chương lão Tam gia làm mai, bị vợ của Chương lão Tam dùng lời nói nhẹ nhàng từ chối khéo.
Chu lão thái nghe Chu Tử khuyến khích xong, biết rõ là không thích hợp, nhưng là bị lợi ích tiền bạc làm mê muội tâm can, nhịn không được mà tự thân xuất mã, lại chạy một chuyến đến nhà Chương lão Tam, lần này còn hạ thấp tiêu chuẩn, vì mục tiêu để cho Chu Tứ Mỹ lên làm thiếp của Chương Kỳ.
Ai ngờ vợ Chương lão Tam nổi giận ngay tại chỗ, thét ra lệnh gã sai vặt đuổi cổ Chu lão thái ra ngoài, miệng còn lớn tiếng quát mắng: "Mụ chủ chứa không biết xấu hổ! Còn muốn để tiểu điếm oa (*) của nhà bà đến hại Chương Kỳ nhà ta, thiếp cái rắm, nhà ta chướng mắt..."
(* điếm oa: chỉ đứa nhỏ nhất trong nhà, hàm ý vũ nhục)
Chu lão thái bị mắng như tát nước vào mặt, còn bị hàng xóm chỉ trỏ, dù da mặt so với tường thành còn dày hơn, cũng chỉ có thể xám xịt rời đi. Đương nhiên, đây là nói sau, bây giờ không đề cập tới.
Nửa tháng sau, bốn người các nàng bị đưa đến trong phủ Cao thái gia.
Bộ dạng Cao thái gia trắng trắng tròn tròn, khoảng bốn mươi năm mươi tuổi, chăm chú nhìn kỹ bốn người các nàng, hỏi xuất thân gia đình một chút, rồi phất tay sai người dẫn đi.
Qua mấy ngày nay quan sát, Chu Tử phát hiện mấy người Mã Kim Phượng bọn họ đều rất có tâm kế, bình thường mồm miệng thực nhanh. Nếu ở kiếp trước, lúc ở tuổi này, Chu Tử hẳn không đấu lại những cô bé có tâm kế như vậy, nhưng mang theo trí nhớ kiếp trước, Chu Tử không khỏi có loại cảm giác "tiểu nha đầu cũng chỉ đến thế này không hơn". Nàng rất nhanh đã nhìn thấu bản chất tính cách của mấy người Mã Kim Phượng, thật sự cực kỳ thỏa mãn lòng hiếu kỳ tràn đầy của mình.
Thân hình cao lớn tính tình cố chấp, trong nhà Mã Kim Phượng không có một chút sản nghiệp nào, có bảy đệ đệ muội muội, trong nhà thật sự là không chống cự nổi nữa, vừa vặn gặp lúc Cao thái gia mua nha đầu, cha mẹ lúc này mới bán nàng.
Dáng người nhỏ xinh, ngũ quan thanh tú, Doãn Tiểu Hà là mẹ chết cha tái giá, có mẹ kế thì sẽ có bố dượng, bị mẹ kế làm chủ bán tới đây.
Dáng người lả lướt mặt mày xinh đẹp, Lý Hàm Hương còn lại là cha mẹ chết sớm, bị tỷ phu (anh rể) cờ bạc rượu chè, trai gái hút hít đủ cả của mình bán vào đây.
Sau khi biết được cụ thể, trong lòng Chu Tử cũng rất thê lương, thật sâu sắc cảm giác được cùng là người lưu lạc thiên nhai, ai cũng có thảm cảnh như ai, trong đó bao gồm cả chính mình, chỉ có thảm hại hơn chứ không có thảm nhất.
Năm mới sắp đến, Cao thái gia ra tay rất rộng rãi, bốn tiểu cô nương từ trong ra ngoài đều có hai bộ quần áo, một người hai cây trâm bạc. Trâm bạc rất đơn giản, nhưng Chu Tử vẫn thật cẩn thận nhận lấy: có đơn giản hơn nữa thì cũng là được tạo từ bạc ra a!
Vừa hết năm, Cao thái gia liền phái hai vợ chồng vị quản gia cùng hai sai dịch mang theo bốn tiểu cô nương ngồi xe đi đến kinh thành Kim Kinh. Một đường màn trời chiếu đất, đến kinh thành đã là tiết trời đầu xuân.
Độc huyện ở phía bắc kinh thành, khi bọn họ xuất phát ở Độc huyện là băng tuyết ngập trời, đến kinh thành đã là dương liễu tràn ngập đế đô rồi.
Bởi vì đang vội, xe ngựa đi thật nhanh, quản gia đi theo lại trông chừng rất nghiêm, sau khi vào Kim Kinh, bốn tiểu cô nương ngay cả màn xe cũng không dám xốc lên nhìn xem, cho nên mãi đến khi xuống xe vào phủ Cao Thượng thư ở kinh thành, Chu Tử vẫn không biết kinh thành Đại Tống trong truyền thuyết rốt cuộc là có bộ dáng gì nữa.
Ngày tiếp theo, bốn người bọn Chu Tử ở phủ Cao Thượng thư bắt đầu vừa học tập nghi lễ, vừa học tập tài nghệ. Các nàng được an bài vào ở trong một Thiên viện nhỏ, vẫn bị trông chừng chặt chẽ, ngay cả sân cũng không cho rời khỏi, thức ăn hay cái gì đều có người phụ trách đưa vào.
Vừa mới bắt đầu, nội dung học và y phục của bốn người đều giống nhau, nhưng không lâu sau liền có khác biệt.
Quần áo phân phối cho Chu Tử thường có màu tím nhạt, bắt nàng học tiêu. Chu Tử cảm thấy cái từ "Thổi – tiêu" này thật sự bất nhã, nhưng lại không thể nói ra, thực sự có cảm giác khổ không nói nổi. Bất quá, nàng tâm tư thông suốt, tự mình an ủi chính mình, tạm thời học một môn tài nghệ cũng tốt.
Tất cả quần áo phân cho Mã Kim Phượng đều là màu đỏ, bắt nàng ta học khiêu vũ. Chẳng qua Mã Kim Phượng múa điệu Kiếm Vũ Phi Thiên linh tinh gì đó coi như không tệ, thoạt nhìn mạnh mẽ thướt tha, nhưng điệu Thải Liên (hái sen) hay mấy điệu vũ khúc mềm mỏng dịu dàng hay gì gì đó thực không thích hợp với nàng ta, nhìn thấy là lạ, không đặc biệt hài hòa.
Doãn Tiểu Hà quần áo đều là xanh biếc đậm đậm nhạt nhạt, bắt nàng ta học tỳ bà. Nàng ấy là người hiếu thắng, tuy rằng cảm thụ âm nhạc không nhiều, nhưng lại chịu tốn công sức, cuối cùng cũng luyện được ra khuôn ra dạng.
Màu y phục của Lý Hàm Hương là màu mà Chu Tử thích nhất — hồng phấn, hồng tươi, màu hồng, phấn nhạt, thoạt nhìn đặc biệt đẹp mặt, nàng ta học xướng khúc, bản thân nàng ta cũng có thiên phú, không bao lâu là có thể hát một vài khúc đơn giản cho nhóm người Chu Tử nghe.
Bốn người tính cách khác nhau, nhưng học đều rất khắc khổ.
Chu Tử biết, về sau này mình còn phải ăn cơm của người, cho nên học vô cùng nghiêm túc, ban ngày không ngừng luyện tập, buổi tối nằm trên giường mà vẫn còn suy nghĩ về giai điệu.
Thời gian một năm trôi qua rất nhanh.
Cao phủ cung cấp đồ ăn cho các nàng tuy rằng không thể nói là tốt, nhưng vẫn có thịt có rau, mỗi bữa đều được ăn no, trong một năm này vóc dáng Chu Tử lại cao không ít, đại khái khoảng 1m68, so ra cũng coi như cao hơn Mã Kim Phượng một cái đầu.
Trước kia nàng rất gầy, so với da bọc xương cũng không khác là bao, mặc dù xinh đẹp, nhưng nhìn qua khá khô cằn. Hiện tại nàng mười ba tuổi làn da trắng nõn thanh khiết, hai mắt trong suốt đầy nước, mang theo chút tròn trịa như trẻ con, rất là đẹp mắt.
Đã đến mùa hè, Cao phủ đặc biệt mời ma ma đến dạy đám người Chu Tử kỹ xảo hầu hạ trong phòng.
Sau khi hoàn thành mọi thứ, Cao phủ còn đặc biệt nhờ môn khách(*) trong phủ sửa lại tên cho nhóm Mã Kim Phượng các nàng.
(* môn khách: khách được mời đến ở lại trong phủ, đa phần là người có tài, tri thức.)
Mã Kim Phượng đổi thành Xích Phượng, Doãn Tiểu Hà đổi thành Lục Hà, Lý Hàm Hương đổi thành Phấn Nhụy. Đến phiên Chu Tử, môn khách nhìn rồi lại nhìn, lại hỏi tên họ, cuối cùng trầm ngâm không nói. Hắn cũng nhìn ra được bốn nha đầu trước mắt này này sẽ phát triển, ra khỏi đây thì khả năng được tuyển chọn rất cao, như vậy nên chọn tên phải thật thận trọng.
Hắn đang trầm tư, Chu Tử nói nhỏ: "Tiên sinh, nô tỳ tên Chu Tử, đọc giống như 'Trúc Tử'(khóm trúc), trong 'Tử Trúc thanh lãnh kiên trinh chi nghĩa'." (Trúc tím trong trẻo lạnh lùng kiên trinh có nghĩa)
Môn khách không ngờ là cái tên Chu Tử này còn có hàm nghĩa như vậy, trầm ngâm một lát, liền gật gật đầu: "Vậy thì vẫn gọi là Chu Tử đi!"
Sửa tên xong, hắn lại đưa mắt nhìn Chu Tử một cái, hỏi: "Ngươi biết chữ?"
Chu Tử hành lễ một cái, thấp giọng nói: "Đi theo tỷ tỷ nhà bên cạnh, biết được một ít thôi ạ."
Môn khách gật gật đầu, quay về, không đề cập gì với người phụ trách của Cao gia.
Bọn Mã Kim Phượng các nàng vốn đều không biết chữ, tên sửa lại cũng không sao cả, còn nói là được may mắn, cảm thấy tao nhã hơn nhiều.
Chu Tử lại tự mình lén lút cảm thấy may mắn, hai chữ "Chu Tử" tuy rằng bình thường, nhưng là coi như tạm được, bởi vì Xích Phượng, Lục Hà, Phấn Nhụy gì đó, nghe qua rất giống mấy cô nương trong kỹ viện a!
Một năm lại trôi qua, Cao phủ phái hai chiếc xe ngựa, chở bốn người Chu Tử rời khỏi phủ Cao Thượng thư, một đường đi về hướng nam.
Sau khi ngồi nửa ngày trên xe ngựa, các nàng lại cùng vợ chồng quản gia và hộ vệ lên thuyền ở bến tàu trên sông Đại Vận Hà, tiếp tục xuôi theo hướng nam.
Ngồi ở trên thuyền, tuy rằng cuộc sống sinh hoạt không quá dễ dàng, nhưng so với hai năm ở Cao phủ cứ như trong tù của Chu Tử mà nói, thật là một loại thể nghiệm khác biệt.
Mặt trời đỏ buổi sớm mai, khiến nàng nhìn mà thấy đầy hy vọng; chạng vạng mặt trời lặn tỏa ánh chiều tà, khiến nội tâm nàng bình tĩnh; khi thuyền đỗ bến 'thủy thôn sơn quách tửu kỳ'(*), làm nàng miên man bất định; đi thuyền khi gặp được bão tố, làm nàng hiểu được điều mới mẻ; khi ngừng bến tàu nhìn thấy nam tử anh tuấn vạm vỡ, khiến nàng nhìn thêm một chút...