Nắm Tay Em Tìm Bầu Trời Nhỏ An Yên

Trong căn phòng tối tăm của Tú giờ đây chẳng có chút động tĩnh gì ngoài tiếng mưa rơi xối xả bên cửa sổ và hàng vạn suy nghĩ đang đua nhau chạy vút qua trong đầu. Hôm qua và hôm nay là hai ngày dài đằng đẵng, mọi việc cứ ngỡ như đang nằm mơ nhưng cuối cùng vẫn là thực tế. Tú đã chia tay với Nhi, mẹ cũng đã biết sự thật, mọi chuyện đều dồn dập vào cùng một thời điểm.

Cuộn mình dưới lớp chăn, Tú nhớ lại chuyện lúc nãy. Câu hỏi mà Tú đưa ra, một lần nữa Nhi vẫn không thể trả lời. Tuy Tú có bỏ đi vào trong bệnh viện ngay lúc ấy nhưng Tú không hề trách Nhi. Dù sao đó cũng là một câu hỏi khó. Quyết định này cần có thời gian mà suy nghĩ.

Lần nào, Tú cũng để người chọn lựa là Nhi. Như vậy thì mới chắc chắn được những việc làm của Nhi là tự nguyện chứ không hề bị Tú ép buộc. Chia tay vào lúc này, nếu như Nhi có chọn từ bỏ thì sẽ dễ dàng hơn cho Nhi. Còn nếu như tình cảm Nhi dành cho Tú đủ sâu đậm để đấu tranh thì Tú sẽ cùng Nhi bước tiếp.

Mặc dù không đưa ra sự lựa chọn nhưng Nhi vẫn đứng đấy dưới trời mưa trắng xoá, không rời đi. Sau khi Tú đã đi thay quần áo mà tình hình không khả quan hơn, Tú đành phải quay trở ra một lần nữa và kéo Nhi vào trong. Nhi đứng lặng im như một pho tượng, ánh mắt miên man vô định nhìn xuống đất, không biết trong đầu lúc này đang nghĩ gì. Tú tiếp tục dẫn Nhi vào văn phòng của mình, rồi tìm cho Nhi một chiếc khăn, một bộ đồ có sẵn ở bệnh viện để Nhi có thể thay ra.

Khi đưa đồ cho Nhi, Tú không nhận được phản ứng gì. Đầu Nhi vẫn cúi xuống, bất động, mặc cho người đang lạnh run lên. Hết cách, Tú đành phải tắt đèn, rồi tự tay lau khô người và thay đồ cho người con gái mà mình đã nói lời chia tay này.

Nhi để cho Tú giúp mà không phản kháng. Sau đó, Tú gọi taxi và đẩy Nhi lên xe để ra về.

Khi ấy, Tú đã âm thầm chạy xe theo sau xem Nhi có về đến nhà an toàn hay không.

Nhớ lại, Tú nghĩ mình đã có phần mềm lòng và không dứt khoát. Tú đã muốn giải thoát cho Nhi, thì lẽ ra không nên cứ quan tâm nhiều như vậy. Nhưng tình thế lúc đó, việc trông thấy cảnh người mình thương vô cùng lại đứng ngâm mình trong làn mưa lạnh căm không chịu về, thì thử hỏi làm sao Tú có thể vô tâm nỡ bỏ mặc.

Có nhiều cuộc tình, chấm dứt vẫn không thể nào ngừng yêu thương.

Một người còn yêu thì là nợ, hai người còn yêu thì là duyên.

Trở về được bên nhau có nghĩa là định mệnh,

Vậy thì số phận của Tú và Nhi cuối cùng sẽ ra sao?

***

Ngày hôm sau, trời vẫn còn lất phất những hạt mưa li ti. Tú đóng cửa bệnh viện sớm và ghé cửa hàng mua nước yến sào về tẩm bổ cho mẹ. Ba nói với Tú rằng mẹ vẫn chưa ăn gì nhiều, chỉ được tầm nửa chén cơm mỗi ngày. Ba cũng đã cố gắng khuyên bảo mẹ nhưng không có tác dụng. Muốn cởi trói thì phải tìm người buộc dây. Ba biết chỉ có Tú mới có thể giải quyết chuyện giữa mình và mẹ.

Đến nơi, vào nhà không thấy mẹ đâu. Ba chỉ mấy cuốn album ảnh đang được để trên bàn và nói rằng sáng giờ mẹ cứ ngồi xem rồi khóc, xong thì bỏ vào phòng khoá (trái) cửa. Tú nhận ra mấy quyển album đó. Tiến lại bàn, Tú cầm vài cuốn lên xem.

Bé Tú - Tiệc Đầy Tháng

Bé Tú - Tiệc Thôi Nôi

Bé Tú - Dạo Chơi Thảo Cầm Viên và Sài Gòn

Bé Tú - Ngày Đầu Tiên Đi Học

Những quyển album này toàn là hình ảnh của Tú lúc nhỏ. Ba mẹ đã ghi tên lên đó rất kĩ. Có lẽ, mẹ đang rất nhớ đứa con của ngày xưa, còn Tú của bây giờ đã quá khác với đứa bé gái ở trong những tấm hình này rồi.

Tú đến gõ cửa phòng mẹ.

“Mẹ ơi, con về rồi.”

Không có tiếng mẹ trả lời, Tú tiếp tục gõ.

“Con mua yến sào, mẹ ra uống nha.”

“Mẹ không muốn thấy mặt con.” Tú nghe mẹ nói lại. Tim Tú bỗng nặng trĩu bởi Tú biết mẹ vẫn còn giận lắm. Ba đi đến, bóp vai Tú như động viên. Làm sao mới gỡ được cái nút thắt này đây?

Nhìn mấy quyển album, Tú bỗng nảy lên một ý định. Mang hết chúng lại trước cửa phòng, Tú ngồi xuống, bắt đầu mở từng cuốn ra xem. Đầu tiên là hình đầy tháng.

Một bé gái với đôi tai tương đối lớn, tóc vừa đủ, đang ngủ ngon bên cạnh con gấu bông. Tú lấy tấm ảnh đó ra rồi luồn dưới khe cửa vào phòng mẹ.

“Đây là con lúc tròn một tháng tuổi. Con đang mặc một chiếc áo đầm màu trắng, có lẽ hôm đó mẹ đã chọn cái đầm đẹp nhất cho ngày đầy tháng của con. Con cũng phải đồng ý là nó rất đẹp.”

Tú lấy một quyển khác, đút tấm khác qua khe cửa. “Sinh nhật một tuổi của con. Con cũng đang mặc một chiếc đầm hồng thật đẹp. Lần này, tóc đã đủ dài để mẹ kẹp lên được một cái nơ nhỏ nhắn cho con. Lúc đó, chắc con đang vui lắm, vì con đang cười toe toét.”

“Lúc này là con vừa vào lớp một mẹ nhỉ.” Tú cho tấm tiếp theo vào. “Con nhớ hồi tiểu học, sáng nào mẹ cũng cột tóc đẹp cho con đi học. Đến giờ vẫn không ai thắt tóc đẹp như mẹ cả.”

Tú cầm quyển album màu đen rồi lật qua vài trang để xem. Có những tấm chụp Tết khi ba mẹ đưa Tú đi chợ hoa trong chiếc áo dài màu hồng cánh sen. Có những tấm Tú mặc áo tứ thân, múa văn nghệ cho trường. Rồi Tú nhận ra bức ảnh chụp tập thể năm học lớp Năm của mình. Tú ngồi hàng đầu tiên. Người đang để tay lên vai Tú trong ảnh là cô bạn lớp trưởng.


Tú đẩy vào cho mẹ xem.

“Năm cuối tiểu học, con đã từng thích cô bạn lớp trưởng. Dĩ nhiên, lúc đó con cũng không hiểu gì, chỉ biết là mình thích bạn đó thôi. Mỗi ngày đi học được nhìn thấy bạn ấy thì con vui lắm. Đến khi con mười ba tuổi, mẹ có nhớ ở nhà cô dạy học thêm có cô bé mà mẹ luôn khen là xinh không? Con cũng thích bạn ấy. Đến năm đó thì con nhận ra rồi. Con nhận ra tại sao từ trước đến giờ con chỉ toàn để ý các bạn gái thôi.”

Nói xong, Tú đứng dậy, tiến đến kệ TV và lấy cái khung hình có bức ảnh gia đình được chụp hồi đầu năm rồi luồn nốt qua khe cửa cho mẹ.

“Còn đây, là con của bây giờ. Tuy rằng, tóc con không còn dài cho mẹ thắt tóc như xưa nữa và con cũng không còn mặc như chiếc đầm đẹp mẹ hay săn lùng mua cho con (như) hồi nhỏ, nhưng con vẫn là con của mẹ. Con vẫn là cô bé mặc chiếc đầm trắng trong ngày đầy tháng, vẫn là cô bé mặc chiếc đầm hồng trong ngày thôi nôi. Những bức hình này đều là con và con muốn cho mẹ hiểu rằng từ nhỏ đến giờ con đều như vậy, con không thay đổi, chỉ là lớn lên mà thôi.” Nói đến đây Tú phải dùng tay lau nước mắt. “Con biết con giấu mẹ bấy lâu nay là con sai rồi, xin mẹ tha thứ cho con, và con cũng xin được mẹ chấp nhận.”

“Tú, đứng lên đi con.” Ba Tú đi lại, đau lòng trước cảnh này. “Con cho mẹ con thời gian đi. Ra bàn ăn nói chuyện với ba.”

Nhìn lên nắm cửa vẫn không thấy chuyển động, Tú đành đi theo ba.

“Con gái lớn rồi, bớt khóc nhè một chút.” Ba để hộp giấy xuống bàn rồi ngồi đối mặt với Tú. “Ba không còn dỗ dành con như xưa được nữa đâu.”

“Dạ.” Tú rút mấy tờ giấy lên chấm mắt. “Mấy ngày nay con căng thẳng quá nên dễ xúc động.”

“Chuyện của con với Nhi hả? Mấy ngày nay ba quên hỏi. Bộ hai đứa chia tay thật rồi sao?”

“Con nói lời chia tay rồi.”

Ba có vẻ bất ngờ khi biết Tú là người mở lời.

“Chẳng phải con yêu con bé đó lắm sao? Mới đây mà nhanh vậy?”

“Con còn thương lắm nhưng con muốn chuyện tình cảm của tụi con được công khai. Nhi thì khác. Cô ấy không muốn như vậy. Thế nên con nghĩ rời xa nhau sớm thì sẽ bớt làm khổ nhau hơn. Với một mối quan hệ không thể công khai thì cô ấy sẽ sống cả đời trong lo sợ mỗi khi bên con.”

“Có phần hơi ích kỷ đó Tú.” Ba trách.

“Hai từ này Nhi cũng đã nói với con.”

“Con có nghĩ là con đã có rất nhiều thời gian, gần nửa thời gian của cuộc đời mình để chuẩn bị và nói cho mẹ con nghe hay không? Đến một người có nhiều thời gian như con còn sợ hãi thì huống gì là Nhi. Ba không nghĩ con bé có kinh nghiệm trong chuyện này đâu.”

Tú thở dài. “Con...dù sao con nghĩ tụi con cùng cần chút thời gian xa nhau để ngẫm nghĩ lại mọi chuyện. Nếu có duyên thì con tin nhất định tụi con sẽ vượt qua.”

“Trời ban duyên nhưng có giữ được hay không thì còn phải coi mình nữa. Nếu con không muốn hối hận thì nên làm gì đi. Ba khuyên thật lòng.”

Sau cuộc trò chuyện đó với ba, Tú như được thông suốt phần nào. Tú quyết định gọi điện cho Nhi để hai người có thể gặp mặt và bình tĩnh nói về quan điểm của mình một lần nữa, nhưng gọi mãi cũng không liên lạc được. Thế nên, Tú chạy thẳng đến nhà để tìm. Không may cho Tú, khi vừa xuống xe thì lúc đó mẹ Nhi đang ở ngoài quét sân.

“Cháu đến tìm Nhi à?” Bà hỏi khi vừa trông thấy Tú.

“Dạ, Nhi có nhà không bác?”

Mẹ Nhi đặt cây chổi dựa vào tường rồi tiến đến mở cửa. Tưởng bà mở cho Tú vào trong nhưng bà lại bước ra ngoài và kêu Tú đi theo bà. Hai người đứng vào một góc nói chuyện.

Tú linh cảm có chuyện gì chẳng lành.

“Cháu đến tìm nó để làm gì?” Mẹ Nhi hỏi, hai tay khoanh lại nhìn khá nghiêm trọng.

“Dạ con định tìm Nhi để nói chuyện thôi thưa bác. Nhưng nếu Nhi không có nhà thì con xin phép ra về.”

“Cháu nên bớt gặp con gái bác lại. Tốt nhất là đừng đến tìm gặp nó nữa.”

“...Dạ bác?”

“Cháu hiểu ý bác muốn nói gì mà.” Mẹ Nhi chuyển ánh nhìn vào nhà rồi nhìn lại Tú. “Mối quan hệ của hai dứa, tuy Nhi nó có chối cãi, nhưng người làm mẹ như bác không thể nào không nhận ra.”

“Dạ con nghĩ bác đã hiểu lầm rồi.” Tú chối. “Tụi con chỉ là—”

“Hiểu lầm hay không thì cháu tự hiểu rõ. Bác muốn nói với cháu rằng, Nhi nhà bác đã phải chịu thiệt thòi nhiều hơn người ta. Hai mươi tuổi nó phải chú tâm vào nuôi một đứa nhỏ trong khi việc học thì chưa xong. Giờ đây, An Yên lớn được một chút rồi thì nó cũng nên đi hẹn hò, tìm một người nào đó thích hợp để tìm hiểu và tiến tới. Cháu cũng thấy Nhi nó xứng đáng có một người chồng tốt, An Yên xứng đáng có một người bố tốt mà phải không? Cuộc sống của nó không nên có nhiều sóng gió nữa. Lời thật mất lòng, nhưng bác muốn thẳng thắn với cháu.”


Tú cúi mặt, hai tay nắm chặt. Vậy là mẹ Nhi đã biết hết rồi. Những lời của bà nói tuy có đau nhưng thật đúng lắm. Nhi không cần một người như Tú đâu. Ở bên Tú thì Nhi sẽ được lợi gì? Tú đâu thể cho Nhi một danh phận gì trong cái xã hội này chứ. Còn An Yên nữa, bây giờ thì con bé vẫn vô tư nhưng sau này lớn lên thì sao? Đi học có bị bạn bè trêu chọc hay không? Làm sao Tú có thể bảo vệ con bé khỏi những câu nói ác ý đây?

Có lẽ là không có duyên thật.

“Dạ, con hiểu rồi.” Tú nói. “Con sẽ không đến tìm Nhi nữa. Bác giữ gìn sức khoẻ, cho con xin phép đi về.”

Mẹ Nhi gật đầu. “Cháu hiểu là tốt. Vậy bác không cần phải nói thêm nữa.” Dứt lời, bà liền trở vào trong đóng cổng, tiếp tục quét sân như chưa có chuyện gì xảy ra. Tú đứng nhìn lên cửa sổ của Nhi, bên trong tắt đèn tối om như chính mối quan hệ của hai người vậy. Ánh sáng chắc sẽ không bao giờ rọi đến. Tú không nghĩ Nhi đã đích thân nói với mẹ, mà bà đã như ba Tú, tinh mắt nhận ra được sự việc. Có phần tủi thân, Tú lủi thủi lên xe, chạy thẳng về nhà, và rời xa cuộc sống của Nhi một lần nữa.

Ở trong phòng của An Yên, Nhi và con bé đang ngồi tô màu cho bức tranh vườn hoa. Lúc nãy thấy mẹ ngồi thẫn thờ ở trong phòng, con bé đã chạy vào hỏi mẹ cùng sang tô màu với mình.

Ngồi giúp An Yên nhưng tâm trí Nhi không hoàn toàn đặt hết vào đấy, mà suy nghĩ về lời nói của Tú vào đêm hôm qua. Tú có đáng để em phải đấu tranh hay không? Vào lúc đó, Nhi đã không đưa được câu trả lời cho Tú. Sự quyết định của Nhi sẽ có sức ảnh hưởng lớn cho mọi chuyện.

Đương nhiên, Nhi có thể vì Tú mà đấu tranh nhưng không phải theo cách của Tú, nóng nảy và hối hả. Với mẹ, chuyện đối diện và nói cho mẹ hiểu ngay tức khắc là điều không thể. Muốn để mẹ chấp nhận thì phải tìm một cách nào đó chậm hơn nhưng khả thi hơn. Có điều đến bây giờ Nhi vẫn chưa nghĩ ra là cách nào.

“Mẹ ơi, sao bông hoa mẹ lại tô màu đen vậy mẹ?” An Yên lên tiếng hỏi. Giật mình, Nhi nhìn xuống quyển tập tô màu và quả thật Nhi đang tô màu đen.

“À, vậy mẹ tô màu nâu nha.” Nhi đổi bút chì.

“Hoa màu nâu là hoa héo rồi.” An Yên chau mày. “Mẹ phải tô màu vàng, màu hồng, hay màu đỏ giống con nè.”

“Ừ...mẹ quên mất.” Không phải là quên, mà là do Nhi mất tập trung.

Hôm nay đã suy nghĩ quá nhiều rồi, và Nhi nghĩ mình biết phải làm gì. Sáng hôm sau, Nhi sẽ đi thuyết phục Tú cho Nhi thêm thời gian để bày tỏ với mẹ về vấn đề này. Nhi sẽ đồng ý công khai với Tú nhưng phải bằng cách chậm mà chắc.

***

Ngày thứ bảy cuối tuần tại bệnh viện thú y khá đông người như mọi hôm. Từ sáng đến giờ khách hẹn rất nhiều, khiến Tú không có thời gian để ăn chút gì vào bụng. Cũng may là có các bạn tình nguyện viên hỗ trợ giúp Tú dọn dẹp và chăm sóc mấy đứa nhỏ.

Đến khoảng gần 11 giờ trưa, có một cô gái quen thuộc mang một con chó con đến bệnh viện. Tú nhận ra là Khuê, bởi mái tóc màu xanh không lẫn vào đâu được. Tú đích thân lại tiếp chuyện.

“Chào Khuê, cũng một thời gian không gặp rồi. Đây là thành viên mới hả?” Tú sờ đầu con chó có lông trắng tinh, rất giống với Khoai Mì hồi đó.

“Ừ, nhớ Khoai Mì quá nên là mình quyết định nuôi một bé nữa. Cũng may bé ăn mạnh ngủ khoẻ. Hôm nay đến chích ngừa cho bé.”

“Vậy Khuê đi theo Tú.” Nói xong, Tú đưa Khuê vào phòng rồi chuẩn bị thuốc để tiêm phòng. “Khuê có cho bé sổ giun chưa?” Tú hỏi.

“Lúc mua thì người ta nói có sổ giun rồi.”

“Bé này trông cứng cáp và khoẻ mạnh hơn Khoai Mì nhiều đó Khuê.” Tú vuốt ve nó vài lần rồi tiêm. Con chó con giật mình nhẹ và rúc người vào Khuê. Tú lấy sổ sức khoẻ ghi chép, đưa cho Khuê giữ. “Cỡ một tháng sau Khuê đứa bé đến chích nhắc nhé.”

“Xin lỗi cho Khuê hỏi chuyện cá nhân một chút. Dạo này, bác sĩ Tú có chuyện buồn hay sao? Trông nét mặt có phần mệt mỏi và phờ phạc.”

“Cũng không có gì đâu.” Tú lờ đi.

“Mình đoán nhé, có chuyện gì với Nhi phải không?” Khuê hỏi. “Lần trước sau buổi tiệc hôm đó, mình nghĩ hai người cũng đã phát triển hơn nhỉ?”

“Phát triển gì đâu.” Tú cười buồn. “Tất cả đã trở lại với con số không rồi. Đã không còn gì nữa.”

“Như vậy...có nghĩa là hai người không còn qua lại nữa à?”

Có hơi miễn cưỡng nhưng Tú cũng gật đầu. “Chắc là không còn cơ hội nữa rồi.”

Một khoảng lặng bao trùm căn phòng.

“Bác sĩ nghĩ sao về chuyện đến với mình?” Khuê đột ngột hỏi.


“Khuê đừng hiểu lầm. Cho dù Tú với Nhi không thể ở bên nhau nhưng điều đó không có nghĩa Tú sẽ tìm một người khác trong lúc này. Với lại, Tú chỉ xem Khuê là bạn.”

“Tú không thử thì làm sao biết.” Khuê tiến lại gần, để chú chó nằm trên bàn. “Thật sự thì hôm đó đến giờ, mình vẫn luôn nghĩ về Tú. Tú có thể nào cho mình cơ hội hay không?”

Không ngờ Khuê lại thẳng thắn đến như vậy.

“Xin lỗi Khuê, nhưng mà mình vẫn còn yêu Nhi lắm. Mình không thể—”

Ngay lúc này, không để Tú dứt lời, Khuê đã giữ chặt lấy mặt Tú và hôn. Hành động của Khuê khiến Tú bất động trong chốc lát vì sốc rồi Tú lập tức đẩy Khuê ra, dùng tay lau sạch miệng.

Tú đâu có ngờ, ngay trong lúc ấy Nhi cũng có mặt.

Tú đâu có ngờ, Nhi chỉ kịp thấy được cảnh hai người chạm môi vào nhau.

Sững sờ, Nhi liền quay đi mà không kịp thấy cảnh Tú đẩy Khuê ra ngay sau đó.

Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, hiểu lầm đã tăng lên.

Nhi bỏ đi với nét mặt xanh xao, cảm thấy khó chịu và buồn nôn. Bệnh viện khá đông người nên Nhi vào rồi ra như một cơn gió nhẹ, không ai để ý. Nhi chẳng hiểu chuyện gì vừa xảy ra nữa. Chẳng lẽ Tú thay lòng nhanh như vậy sao? Chẳng phải mới hôm kia còn bảo là xứng đáng để đấu tranh hay sao? Vậy mà những gì Nhi thấy hôm nay đều đi ngược lại với lời nói của Tú.

Nhưng cũng có lẽ, Nhi đã bắt Tú phải chờ quá lâu. Nếu như hôm đó Nhi đưa ra được câu trả lời cho Tú ngay lập tức thì chuyện hôm nay có xảy ra hay không?

Ngồi lên xe chạy về nhà mà đầu óc Nhi rối bời. Cô gái tên Khuê đó đã từng một lần hôn Tú nhưng lần đó chỉ là do phải chơi trò chơi ở bệnh viện. Còn lần này thì sao? Nhi không nghĩ lần này cũng là vì hai người đang chơi trò chơi.

Nếu so sánh mình với Khuê thì Nhi thấy mình có phần hơi thua người ta một chút. Cô ta có sắc đẹp, có phong cách, lại còn có vẻ mạnh dạn. Nhi không có gì, chỉ có đứa con là được Tú thương.

Vừa chạy xe vừa suy nghĩ mông lung khiến Nhi không chú ý đến đường đi. Đến ngã tư, tất cả các xe đều đừng lại để chờ đèn đỏ mà Nhi vẫn rồ ga chạy tiếp, cho đến khi đụng vào một chiếc xe đang dừng ở trước mặt và ngã ngang ra đường thì mới hoàn hồn biết là đèn đỏ.

“Trời ơi, chạy xe kiểu gì vậy?” Người đàn bà bị Nhi đụng trúng đít xe lên tiếng mắng. Bà ta lật đật xuống xem xe mình có bị gì không. Nhi thì do lúc ngã lấy tay chống đỡ nên khuỷu tay và cổ tay đều bị trầy xước, chảy máu. Những người xung quanh cũng chỉ đưa mắt nhìn mà không có ai xuống giúp. Nhi hiểu. Chỉ còn vài giây nữa là đèn xanh, ở cái thành phố lúc nào cũng vội vã này thì người khác làm gì có thời gian để giúp đỡ mình chứ.

“Lần sau chạy xe làm ơn để ý đường đi.” Người đàn bà la lên. “Cũng may là dừng đèn đỏ. Lỡ xung quanh xe đang chạy mà đụng thì chết người ai đền mạng?”

“Xin lỗi ạ.” Nhi nói, rồi tự thân mình đứng lên. Đèn đỏ chuyển sang đèn xanh nên các xe xung quanh bắt đầu rời đi. Người đàn bà đó cũng vậy, chỉ còn Nhi chật vật với cánh tay đau và chiếc xe nặng trịch. Bây giờ, chiếc xe của Nhi vẫn còn nằm trơ ra giữa đường xá, giữa những xe khác đang chạy qua. Nhi vừa cố gắng dựng nó lên mà vừa bật khóc tức tưởi. Biết bao nhiêu người nhưng không một ai chịu dừng lại giúp.

Nhưng thật ra, người duy nhất Nhi muốn lúc này là Tú, người mà khiến những giọt nước mắt này rơi cũng là Tú. Nghĩ đến việc Tú đang ở bên Khuê, Nhi không chịu được. Phải chi lúc nãy không chứng kiến cảnh tượng đó. Phải chi hôm nay không đến tìm Tú thì hơn.

Cật lực một hồi Nhi cũng dựng được chiếc xe lên rồi cứ thế mà chạy về nhà, mặc cho tay đang khá đau. Nó cũng không là gì so với vết thương lòng hiện giờ. Nhưng Nhi không trách ai, chỉ biết tự trách mình.

Đến nhà, Nhi lẳng lặng đi vào rửa tay rồi tìm băng cá nhân dán lên vết thương ở khuỷu và cổ tay. Mẹ ngồi cùng An Yên xem phim nhưng mắt thì dõi theo Nhi ở mọi nơi. Bây giờ, Nhi cần phải tìm việc gì để làm cho quên đi việc lúc nãy. Vào nhà bếp định nấu cơm thì giở nắp nồi lên thấy mẹ đã nấu sẵn. Món mặn và canh cũng thế. Đương nhiên rồi, giờ này đã là giờ ăn trưa, mẹ dĩ nhiên là đã nấu.

Nhớ là bàn thờ ông địa có trái cây, Nhi mang vào bếp và cắt gọt hết số trái cây đó. Bỗng thấy nhà bếp chưa được sạch bóng, Nhi mang nước rửa kính ra kì cọ. Sao mà nhìn ở đâu cũng thấy dính bẩn.

“Tới giờ cơm rồi, con làm gì vậy Nhi?” Mẹ hỏi.

“Con thấy bếp có phần bẩn nên con đánh bóng.”

“Thôi, ngừng tay, dọn đồ ăn cơm này.” Mẹ vào mang nồi cơm điện ra bàn. “Con dọn đồ ăn ra đi.”

Hôm nay, bữa cơm trưa của cả nhà hoàn toàn im ắng. Ngay cả An Yên, người thường líu lo suốt ngày cũng không mở lời nào. Phải chăng con bé cảm nhận được cảm xúc và trạng thái không vui của Nhi? Chắc chắn rồi, con nít rất nhạy cảm về việc này.

Nhi nhìn xuống bát cơm của mình. Nãy giờ, Nhi chỉ nhai vài cọng rau muống mà chưa gắp đũa cơm nào vào miệng. Không phải là mẹ nấu không ngon, chỉ là Nhi bây giờ ăn gì cũng thấy lạt lẽo.

“Mẹ ơi, sao cơm của An Yên có màu đỏ vậy mẹ?” An Yên bỗng nói rồi múc phần cơm đó lên cho Nhi xem. Ngước lên xem con bé nói việc gì thì mới thấy được mũi con bé đang có máu chảy ra.

“An Yên, con bị chảy máu cam rồi.” Nhi vội đứng dậy đến bên con bé. Mẹ cũng hốt hoảng chạy đi lấy khăn giấy.

“Mau, đi lại ghế nằm xuống cho mẹ.” Nhi dắt con bé qua ghế sofa nằm. Nhận khăn giấy từ tay mẹ, Nhi lau máu cho sạch.

“Chắc con bé bị nóng trong người rồi.” Mẹ Nhi lên tiếng. “Dạo này không chịu ăn rau củ, toàn ăn đồ nóng không mà.”

“Mẹ ơi, An Yên bị thương rồi hả mẹ?” Con bé hỏi ngây thơ.

“Không sao đâu. Con nằm một chút cho máu hết chảy rồi mẹ dẫn đi tắm. Mặt con bẩn hết rồi.” Nhi nói với con bé.

Một hồi sau khi đã cầm được máu, Nhi đưa con bé vào trong nhà tắm để tắm rửa. Nhi để An Yên tự cởi bộ đồ còn mình thì đi soạn quần áo. Lúc Nhi trở vào, con bé đã đang cố gắng mở nước cho cái vòi sen.

“Đây, để mẹ.” Nhi đi lại và giúp An Yên. Mở nước lên, Nhi rửa mặt cho con bé, rồi rửa mình mẩy. Gọi con bé xoay lưng lại, Nhi chà lưng cho sạch.

Có một điều là, Nhi phát hiện con bé lại có thêm vài vết bầm ở sau lưng.


“An Yên có bị té ở đâu không?”

Con bé lắc đầu. “Dạ không.”

“An Yên bị bầm ở sau lưng nè.” Nhi chạm nhẹ vào những vết bầm đó. Các vết bầm có hình tròn và to bằng khoảng hai lóng tay. “Con có đau không?”

“An Yên không có đau.”

Thấy có phần không an tâm, Nhi tắm nhanh cho An Yên rồi chở con bé đến phòng khám bác sĩ gần nhà để khám. Bác sĩ xem những vết bầm của An Yên và cũng hỏi như Nhi, rằng con bé có chơi gì để bị va chạm không? Và những vết bầm này có đau hay không? Nhi cũng kể thêm rằng con bé cũng vừa bị chảy máu mũi ở nhà.

“Khám sơ bộ ở ngoài thì thấy bé vẫn khoẻ. Trẻ nhỏ thường hay bị chảy máu cam, còn những vết bầm cũng có thể do bé chơi và đụng trúng đâu đó nhưng lại không nhớ. Con nít thì rất tăng động. Nhưng tôi có lời khuyên chân thành là chị nên mang bé vào bệnh viện xét nghiệm kĩ hơn.”

Cảm ơn bác sĩ, Nhi đưa An Yên về nhà, tường thuật lại mọi việc với mẹ. Thấy bác sĩ nói có lý, mẹ cũng khuyên nên mang An Yên đi xét nghiệm cho yên tâm hơn.

Chiều hôm đó, cả ba lên đường đến bệnh viện Nhi Đồng. Do là ngày cuối tuần nên người đến khám khá đông, phải đợi một hồi sau mới được gọi vào trong gặp bác sĩ. Nhi kể rõ những chuyện xảy ra với An Yên, và thấy nét mặt của bác sĩ có thay đổi nhưng bác sĩ không nói gì. Sau đó, ông gọi cô y tá vào để tiến hành lấy máu xét nghiệm. An Yên vừa thấy ống tiêm liền mếu máo, ôm mẹ không chịu. Phải dỗ dành một hồi con bé mới cho y tá chạm vào người.

Dĩ nhiên khi cây kim vừa đâm vào tay, con bé đã oà khóc. Cô y tá thực hiện công việc của mình thật nhanh rồi mang mẫu máu đi xét nghiệm. Cả nhà cũng phải ngồi đợi một thời gian. Trong lúc đó, An Yên đã được bác sĩ thu phục với một cây kẹo mút. Như thế mà con bé đã nín khóc.

Khi cô y tá mở cửa phòng bước vào thì lúc đó tim của Nhi cũng bắt đầu đập nhanh lên. Đưa kết quả cho bác sĩ, cô y tá dẫn An Yên ra ngoài để bác sĩ có thể trò chuyện cùng Nhi và mẹ. Nãy giờ vẫn có thể bình tĩnh nhưng trong lúc này lại rất lo lắng. Mẹ cũng nắm chặt tay Nhi, lo ngại nhìn bác sĩ đang đọc kết quả.

Ông đóng bản báo cáo lại.

“Kết quả cho thấy số lượng hồng cầu của bé khá thấp.” Bác sĩ bắt đầu. “Do máu có chức năng mang oxy đến khắp cơ thể nên đây cũng là lý do bé hay mệt rồi dẫn đến biếng ăn. Số lượng tiểu cầu của bé cũng thấp, là lý do khiến bé dễ bị chảy máu. Còn về số lượng bạch cầu của bé thì lại quá cao. Bởi vì như vậy nên đã gây cản trở việc sản xuất của các tế bào máu bình thường khác.”

“Vậy bé bị sao vậy bác sĩ?” Nhi hỏi, lo lắng.

“Đọc qua kết quả xét nghiệm và triệu chứng của bé, tôi có thể chẩn đoán nhưng tôi đề nghị gia đình cho bé xét nghiệm tủy xương để mà chắc chắn.”

“Bệnh gì mà phải làm xét nghiệm tủy xương vậy bác sĩ?”

Người bác sĩ nhìn Nhi với nét mặt thương cảm. “Theo chẩn đoán, có khả năng cao là ung thư bạch cầu, hay còn được gọi là ung thư máu.”

...Ung thư?

Nhi có phải vừa nghe nhầm hay không?

Cái gì mà ung thư chứ, An Yên đang khoẻ lắm mà.

“Bác sĩ, ông có chắc không?” Mẹ Nhi hỏi. “Cháu tôi tại sao lại bị ung thư máu?”

“Bệnh ung thư máu là một loại ung thư thường gặp ở trẻ em, hầu như toàn bộ các trường hợp đều là cấp tính, phát triển rất nhanh. Thường thì không có được chính xác nguyên nhân gây bệnh.”

Nhi chợt nhớ đến Hạ. “Có phải do di truyền không bác sĩ?”

“Bệnh ung thư máu không phải do di truyền.” Bác sĩ nói. “Tôi biết gia đình đang bối rối, nhưng hãy chuyển bé qua một bệnh viện chuyên hơn như là bệnh viện Truyền máu - Huyết Học và cho bé xét nghiệm tủy xương để biết được kết quả chính xác nhất.”

Những lời nói này lại cứ như từng nhát dao cắt vào da thịt. Nhi không muốn tin nhưng bác sĩ càng nói thì càng cảm thấy khả năng bị ung thư của An Yên rất là cao.

Đối với một người làm mẹ như Nhi, hai chữ đó là hai chữ mà Nhi không hề muốn nghe. Những gì trải qua với Hạ đã quá đủ để Nhi hiểu được mình căm ghét hai chữ đó như thế nào.

Dẫn An Yên ra về mà Nhi bước từng bước thất thần. Ở bên cạnh, mẹ vẫn luôn động viên và bảo Nhi phải lạc quan lên một chút. Biết đâu không phải bệnh đó mà chỉ là bệnh khác thôi? Còn phải đi xét nghiệm một lần nữa cho kĩ, thì bây giờ cứ giữ tinh thần lạc quan và cầu nguyện cho mọi chuyện tốt lành.

Cũng may là lúc nãy đi taxi đến, không thì không biết sao mà còn tâm trí lái xe về nhà.

An Yên từ nãy đến giờ rất yên lặng. Nhi không biết con bé có suy nghĩ gì trong đầu. Đứa con này còn nhỏ xíu, chỉ mới có năm tuổi thôi. Bình thường đã nhỏ người rồi, nếu có bệnh thì biết phải làm sao đây? Cơ thể nhỏ bé này làm sao có thể chịu đựng nổi?

Mẹ nói đừng nghĩ tiêu cực, mà Nhi lại không thể. Nhi thật muốn gọi cho Tú ngay lúc này nhưng lại không muốn Tú phải bận tâm. Dù sao cũng không còn gì thì nên để Tú sống một cuộc sống không bị hai mẹ con Nhi làm phiền lòng.

“Mẹ ơi?” An Yên gọi khi xe taxi đã chạy được một đoạn. Từ nãy đến giờ con bé mới lên tiếng. “Mẹ ơi, có phải là An Yên bị bệnh rồi không mẹ?”

“Con sẽ khoẻ ngay thôi.” Nhi nói, cũng như tự trấn an mình.

“Mẹ đừng lo. An Yên sẽ chăm uống thuốc để mau hết bệnh nhưng An Yên không chích nữa đâu, đau lắm.”

“Mẹ biết rồi.” Nhi ôm con bé vào lòng. Ngồi ở trên taxi, Nhi không muốn khóc nhưng lại không cầm được nước mắt.

Ung thư, có phải là án tử hình hay không?

-Hết chap. 25-


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận