Nắm Tay Em Tìm Bầu Trời Nhỏ An Yên

Nhi xem chuyện của ngày hôm qua như chưa có gì xảy ra.

Nhi bắt đầu một ngày bằng nấu bữa sáng nhẹ rồi đưa An Yên đi học, đưa mẹ ra sân bay để đi Hà Nội, ghé đổ xăng cho xe, và chạy lên công ty. Hai chị đã đến và đang ngồi đọc báo trong thời gian rảnh rỗi. Chị Diễm đưa cho Nhi xem bài phỏng vấn về một diễn viên đang được yêu thích hiện nay. Anh ta rất được các chị em phụ nữ mến mộ.

“Đẹp trai quá nè em ơi.” Chị Diễm cầm tờ báo trầm trồ. “Không thua gì chồng chị!”

Nhi nhìn vào những tấm hình trong bài phỏng vấn. Anh ta quả thật rất đẹp trai, vẻ đẹp phương Tây mà các cô gái đều mê muội.

Nhi cảm thấy yên lòng. Vậy là Nhi vẫn thích con trai. Nhìn hình vẫn thấy anh chàng này đẹp trai cơ mà. Nhi tự nhủ. Không nên lo lắng quá.

“Chị cho em xin tờ báo nhé.” Nhi hỏi chị Diễm. Chị gật đầu, thế nên Nhi mang tờ báo vào trong văn phòng của mình. Xé trang có hình của anh diễn viên đó ra, Nhi lấy băng keo dán nó lên bàn.

Suốt buổi sáng, tấm hình của anh ta như nhắc nhở Nhi rằng Nhi đừng nghĩ về Tú nữa, đây mới là mẫu người lý tưởng của mình.

Nhưng càng muốn quên lại càng nghĩ đến.

Trưa đi ăn bún bò nghe người ngồi ở bàn kế bên dặn đừng lấy hành thì Nhi nhớ ngay đến Tú.

Trên đường về công ty chạy ngang qua cái khách sạn hôm qua cũng làm Nhi nhớ ngay đến Tú.

Chiều đi đón An Yên về, con bé liền hỏi khi nào mới gặp lại Tú.

Không muốn nghĩ đến cũng có được đâu.

“An Yên, con thích bác sĩ Tú đến vậy sao?” Nhi hỏi con bé khi hai mẹ con vừa về đến nhà.

“Bác sĩ Tú tốt với An Yên và còn bảo vệ cho An Yên nữa.” Con bé đáp. “Bác sĩ Tú cũng tốt với mẹ.”

An Yên có quan sát sao?

Nhiều lúc những câu con bé nói làm Nhi rất ngạc nhiên.

Tắm rửa cho An Yên xong xuôi, Nhi đưa điện thoại cho con bé gọi cho bà. An Yên không biết Hà Nội như thế nào hay là bao xa, con bé chỉ biết Hà Nội nằm ở trên đầu bản đồ của đất nước và nơi mình đang ở thì nằm tận cuối. Nếu tính theo sự thật thì Hà Nội không phải là quê ngoại của An Yên, vì quê của Hạ ở Đà Lạt, nhưng con bé luôn nói với mọi người rằng quê mình ở Hà Nội.

Dĩ nhiên Nhi luôn kể về Đà Lạt cho An Yên, Nhi không bao giờ muốn con bé quên Hạ và những gì liên quan đến Hạ.

Hôm nay vì không có mẹ nên Nhi chỉ nấu một món sườn ram để hai mẹ con ăn. Biết An Yên không thích gỡ xương, Nhi đã cẩn thận gỡ sẵn vào tô cho con bé. Đây cũng là một trong những món An Yên rất thích nên con bé ăn ngon lành. Nhìn thấy An Yên ăn khỏe cũng đủ làm Nhi vui.

Và Nhi chợt nhớ đến việc học đàn.

“An Yên à mẹ hỏi này.” Nhi lấy tay vuốt đầu con bé. “Con có muốn học đàn không?”

Con bé miệng vừa nhai cơm, mắt vừa to tròn hỏi, “Đàn giống mẹ ạ?”

“Ừ, nếu An Yên thích học mẹ sẽ mời thầy đến nhà dạy An Yên học nhé.”

“An Yên thích giống mẹ.” Con bé tươi cười nói, điều đó làm Nhi cảm thấy hạnh phúc. Không biết con bé có khiếu hay không, nhưng nếu có đam mê thì nhất định sẽ thành công.

Nhi đã tìm được một bạn gái thích hợp để sắp xếp cuộc gặp mặt cho Đăng, nhân tiện vào ngày mai Nhi sẽ hỏi luôn về vấn đề dạy đàn cho An Yên.

Ngôi nhà lại sắp được nghe những tiếng đàn.

***

Tú đang bị bệnh.

Tú đang bị bệnh tương tư.

Bệnh này không như sốt cảm, chỉ cần uống thuốc là hết.

Bệnh này không cần thuốc, chỉ cần một người.

Bệnh này chỉ có một người mới có thể chữa nhưng mà người đó lại không hề biết Tú đang có bệnh, còn Tú thì cũng chẳng dám nói cho người ta hiểu về bệnh tình của mình.

Một bác sĩ thú y có kinh nghiệm, nhưng mắc phải bệnh này thì cũng đi vào bế tắc.

Hình ảnh của ngày hôm qua cứ tái hiện trong đầu Tú. Chưa bao giờ Tú được gần Nhi đến thế. Từng hơi thở có thể cảm nhận được và từng đường nét trên khuôn mặt Nhi đã in sâu vào tâm trí của Tú. Và đã từ bao giờ Tú cũng không còn để ý đến vết sẹo của Nhi nữa? Những lần đầu gặp mặt, đó là điều đầu tiên Tú chú ý đến mỗi lúc nói chuyện với Nhi; nhưng không biết từ khi nào cái vết sẹo đó chẳng còn quan trọng, và nó trở thành mờ nhạt. Đó không còn là điều đầu tiên Tú chú ý đến nữa. Tú chú ý đến thần thái và cử chỉ của Nhi mỗi khi gặp mặt, tự hỏi xem hôm nay Nhi vui hay buồn. Tú đặc biệt thích nhìn vào đôi mắt của Nhi. Như người ta hay nói, đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, Tú luôn muốn nhìn vào đó để cố gắng hiểu được Nhi đang nghĩ những gì. Và đặc biệt, Tú bị hấp dẫn bởi nụ cười của Nhi. Nụ cười đó có thể thắp sáng những ngày u buồn.

Bây giờ đã gần 10 giờ tối. Tú vừa nói chuyện điện thoại với mẹ xong. Mẹ lại hỏi về việc xem mắt, về việc công ty làm việc có tốt không. Dĩ nhiên Tú không ngớt lời khen ngợi công ty Sợi Chỉ Đỏ. Hài lòng, mẹ hỏi Tú có tìm được người muốn tiến tới chưa.

Tú muốn nói với mẹ rằng, còn tìm được rồi, và người đó là bà chủ của công ty.

Nhưng Tú biết Tú mà nói ra, mẹ chỉ có ngất.

Tú đi vào phòng, quyết định hôm nay ngủ sớm hơn mọi bữa. Tắt đèn, Tú lên giường nằm và nhắm mắt mong giấc ngủ sẽ đến, nhưng được vài giây lại nghĩ đến chuyện hôm qua rồi mặt lại cảm thấy nóng bừng.

Thật là khó chịu.

Tú đổi thế, nằm xấp và vùi mặt vào gối, như tìm cái gì đó để vùi lấp những ký ức đó. Đêm nào mà cũng như vậy thì Tú sẽ sớm thành gấu trúc mất.

Rồi điện thoại Tú báo hiệu có một email vừa được gửi đến.

Cầm điện thoại lên xem, Tú thấy đó là một email từ Hội bảo vệ động vật Sài Gòn với tựa đề là "Cảm ơn bác sĩ Tú".

Mở ra xem họ gửi gì, và bất ngờ rằng trong đó họ đã gửi tấm hình hôm qua Tú đã chụp với Nhi ở buổi tiệc. Tú quên mất đêm qua họ đã có hỏi địa chỉ email của mình.

Miệng Tú tự động mỉm cười.

Hai người trông cũng xứng đôi cơ mà.

Tú lưu tấm hình vào điện thoại. Tú muốn rửa nó ra để tặng cho Nhi một tấm để làm kỷ niệm và Tú quyết định sẽ làm như thế. Sáng mai Tú sẽ dậy sớm đi rửa hình.

Ngắm tấm hình thêm lát nữa, rồi Tú nhắm mắt ngủ, lần này mơ mộng đến một tương lai đầy màu hồng.

***

Như dự định của ngày hôm qua, buổi sáng Tú dậy sớm để đi chợ và ghé sang tiệm rửa hình. Vì đường chợ không thể đi bằng xe hơi nên Tú đi bằng chiếc xe đạp của mình. Rửa xong hình và mua được một số thực phẩm trái cây tươi để bỏ tủ lạnh, Tú đạp xe trở về nhà. Nhưng trước khi ra khỏi khu chợ, Tú thấy quầy bán hoa của một cô đang bày bán. Những cành hoa có đủ sắc màu làm Tú bỗng dưng muốn mua một vài cành về nhà để chưng. Nhà Tú thật sự cần thêm màu sắc.

Tú mua vài cành hoa cẩm chướng màu hồng đậm. Cô bán hàng dễ mến tặng cho Tú thêm một cành vì hôm nay Tú mở hàng cho cô.

Về nhà, Tú lục hết các tủ để tìm cái lọ bỏ hoa vào. Tú nhớ hồi Tết có lấy để dùng, nhưng giờ tìm mãi không thấy. Tìm không được lọ, Tú lấy bình nước để cắm vào đỡ. Chia ra mỗi bình ba cành, Tú còn dư lại một.

Cầm cành hoa đó lại ghế, Tú bắt đầu chơi một trò chơi.

Tú gỡ một cánh hoa và nói, “Yêu.”

Một cánh khác được gỡ ra và lần này là “Không yêu.”

Cứ như thế, Tú tiếp tục gỡ, và tiếp tục đọc lên “Yêu” và “Không yêu” cho mỗi cánh hoa, cho đến khi Tú đi đến cánh cuối cùng.

“...Yêu.”

Tú ngã người ra chiếc ghế sofa, một tay đưa lên trán lặng nghĩ. Có thể nào đây là dấu hiệu cho Tú phải biết nắm bắt cơ hội?

Nhưng lỡ người ta không có cảm giác gì với mình mà mình lại manh động thì tình bạn chắc là sẽ mất luôn. Tú chưa dám mạo hiểm. Tú có thể âm thầm quan tâm tới Nhi, nếu điều đó có thể bảo vệ mối quan hệ của cả hai như bây giờ.

Thấy mình đã suy nghĩ quá nhiều, mà thời gian vẫn còn sớm, Tú quyết định xuống nhà chạy bộ để cảm thấy khuây khoả hơn.

Lại là một ngày không ngừng nghĩ về Nhi.

***

Chiều thứ tư sau khi đón An Yên ở trường mẫu giáo, Nhi chạy đến tiệm cháo gà để mua hai bịch cháo về ăn tối. Vì nhà bây giờ chỉ có hai mẹ con, An Yên lại không ăn nhiều nên Nhi cũng lười ở khoản nấu nướng. Hôm nay trời chiều có vẻ sẽ chuyển mưa, Nhi chọn ăn cháo cho ấm lòng.

Sáng nay lúc gặp lại Đăng, Nhi có ngỏ lời hỏi Đăng về việc đến nhà dạy đàn cho An Yên. Đăng cho biết mình chưa bao giờ dạy đàn cho học sinh nhỏ tuổi như An Yên, xem như đây là lần đầu. Học phí Đăng lấy cũng ổn vì An Yên chỉ học vào chiều thứ Năm và thứ Sáu trong tuần. Nhi không muốn dồn ép con bé quá. Hai ngày trong tuần đã đủ.

Trong lúc đợi để lấy cháo, An Yên phát hiện một chú chó nhỏ màu kem đang bị xích ở ngoài một căn nhà cao cổng. Chú chó gầy trơ xương, hai tay cào vào cổng nhà như muốn được vào. Chú chó cố gắng sủa những tiếng sủa yếu ớt để cho ai đó có thể nghe, nhưng không ai chú ý đến cả.

Chỉ có An Yên.

“Mẹ ơi, sao người ta không cho em vào nhà?” An Yên hỏi Nhi. Tay con bé chỉ về hướng của chú chó nhỏ. Nhi nhìn theo hướng An Yên chỉ và thấy được con chó mà con bé đang nói đến.

“Mẹ cũng không biết nữa.” Nhi không rõ phải trả lời như thế nào với An Yên, vì không biết được lý do chính xác tại sao chủ nhà lại xích con chó ở ngoài như thế. Nhưng trông bộ dạng ốm yếu của nó, thì có lẽ đây là một trường hợp bị bỏ lơ và không quan tâm.

Con bé nhăn mặt vì không nhận được lời giải thích. “Mẹ giúp em được vào nhà đi mẹ.” An Yên ngước lên nhìn Nhi với đôi mắt cầu cứu.

Nhi nhìn vào con chó. Nó cào vào cổng căn nhà trong vô vọng, trông rất tội nghiệp. Nhi thì không có kinh nghiệm trong việc giải cứu động vật, nhưng Nhi biết có một người Nhi có thể liên lạc.

Lấy hai bịch cháo và trả tiền, Nhi trấn an An Yên rằng mình sẽ tìm cách giúp chú chó. Con bé nghe thế thì an lòng. Trước khi về, con bé còn vẫy tay từ xa, hứa sẽ giúp chú chó được vào nhà.

Buổi tối sau khi cho An Yên ăn cháo xong, Nhi gọi cho Tú. Trước khi gọi cho Tú, Nhi có phân vân vài lần, nhưng vì tình thế cấp bách và Nhi cũng đã hứa với An Yên nên Nhi không thể không gọi. Nhi tự nhủ với mình, Nhi gọi cho Tú cũng chỉ vì công việc thôi.

Tú liền bắt máy ngay sau một tiếng chuông.

“Tú ơi, Nhi đây. Mình có nói chuyện được không?”

“Chào Nhi.” Tú trả lời, “Nhi nói đi.”

Nhi nghe giọng mẹ Tú hỏi ai đấy trong điện thoại.

“Chẳng qua là chiều nay lúc chở An Yên đi mua cháo thì Nhi có phát hiện một bé chó bị cột trước cổng nhà. Trông bé rất ốm, như đã lâu không được ăn gì. Nhi nghĩ bé đang bị chủ nhà bạo hành. An Yên trông thấy liền bảo phải giúp em ấy. Không biết Tú có cách gì không?”

Tú suy nghĩ một hồi. “Thường thì chỉ có cách là đi đàm phán với chủ nhà, nếu họ đồng ý thì mình mang về chữa trị rồi tìm chủ mới.”

“Giờ Tú định làm gì?” Nhi hỏi, nóng lòng muốn biết.

“Bây giờ mình đi xem tình hình được không? Xem tình trạng của bé như thế nào. Nặng thì phải cứu liền.”

Nhi muốn đi với Tú, nhưng nếu bây giờ đi thì phải mang cả An Yên theo vì mẹ đã đi Hà Nội. An Yên theo thì Nhi lại sợ con bé làm cản trở việc cứu hộ của Tú.

Thôi, cứ chạy qua rồi tính.

Hỏi và biết được Tú đang ở nhà ba mẹ, Nhi xin địa chỉ rồi vội thay đồ cho An Yên và hai mẹ con cùng nhau đi qua nhà ba mẹ Tú. Đến nơi, Nhi đã thấy Tú đứng ở trước nhà đợi sẵn, có lẽ vì sợ Nhi không tìm được nhà. An Yên đợi Nhi dừng xe thì liền chạy đến ôm Tú như đã lâu lắm rồi con bé chưa được gặp.

Nhi nhìn cũng thấy có hơi ganh tỵ. Nhi cũng muốn được vô tư như con bé, được thoải mái trao những cái ôm mà không thấy ngại ngùng.

Nhi cũng không biết vì sao mình lại cảm thấy ngại.

“Mời Nhi vào nhà.” Tú nói làm cắt ngắn suy nghĩ của Nhi. Vào đến nhà, Nhi thấy ba mẹ Tú vẫn ngồi ăn cơm và một chén đang còn ăn dở dang của Tú. Nhi quên mất bây giờ đang là giờ cơm.

“Con chào hai bác.” Nhi cúi đầu chào. An Yên thấy thế cũng lễ phép làm theo. Mẹ Tú thấy Nhi liền rất vui. Bà cũng nhận ra An Yên, đứa bé lần trước đã gặp ở bệnh viện. Chỉ có ba của Tú là hơi bất ngờ.

“Con và bé ăn gì chưa?” Mẹ Tú hỏi. “Ngồi xuống ăn cơm với gia đình nè con.”

“Con và An Yên ăn rồi ạ, cảm ơn bác.”

“Nhi ăn thêm đi.” Tú vào nhà bếp lấy ra hai cái chén, một đôi đũa và một cái muỗng. “Cơm canh nhiều lắm, Nhi cứ thoải mái.” Tú bế An Yên lên và đặt An Yên xuống ghế ngồi. “Cô lấy cơm cho con nha.”

Nhi không hiểu Tú vừa làm phép bùa gì mà con bé gật đầu, còn nói to “Dạ vâng ạ.”

Thấy con bé đồng ý ăn nên Nhi cũng ngồi vào bàn. Tú xới cơm cho Nhi và Nhi e ngại nhận lấy. Lâu rồi Nhi không ngồi ăn cơm với gia đình của người khác như thế này. Nhi lễ phép mời ba mẹ Tú dùng cơm. Cũng may là có An Yên nên mọi ánh nhìn đều đổ dồn vào con bé. Mẹ của Tú luôn nhìn con bé cười, trông rất thích thú.

Tú lấy cho An Yên một nửa chén cơm và chan nước tôm cho đậm đà. Nhi chỉ tính lấy trứng gà cho con bé ăn vì tôm có vỏ nhưng Tú lấy tôm lên rồi lột vỏ cho An Yên trước sự ngạc nhiên của Nhi.

“Tú để Nhi làm cho, Tú ăn đi.” Nhi bỏ đũa xuống, tính cầm tôm lên để lột.

“Con kệ nó đi,“ Mẹ Tú lên tiếng. “Con là khách, cứ để nó làm.”

Tú bật cười. “Mẹ Tú nói đúng đó, để Tú làm cho, Nhi ăn tự nhiên đi.”

“Ăn tự nhiên nha con.” Ba Tú lên tiếng. “Nhà bác nấu ăn ngon lắm.”

Trước sự hiếu khách của gia đình Tú, Nhi đã cảm thấy thoải mái hơn. Tú lột xong tôm thì An Yên cầm muỗng ăn rất ngoan và ăn rất nhanh, không đợi mẹ phải nhắc như ở nhà. Dường như con bé luôn vâng lời khi có Tú ở cạnh. Chẳng lẽ mỗi giờ cơm, Nhi đều phải cầu cứu Tú sao?

Sau buổi cơm tối, đã đến lúc phải quyết định chuyện đi cứu chú chó như thế nào. Tú cũng nghĩ rằng An Yên không nên đi theo, vì trời tối và con bé bị dị ứng. Tú cũng không thể đi một mình vì cần một người khác trợ giúp để đưa chú chó về nếu cứu được.

Cuối cùng, Tú nêu ý kiến là để An Yên ở nhà cho ba mẹ Tú trông hộ.

Lúc đầu khi nghe Tú nói vậy thì Nhi không muốn. Nhi ngại làm phiền đến ba mẹ Tú, nhưng sau khi hai bác hết sức vui vẻ thuyết phục thì Nhi cũng đồng ý để An Yên lại nhờ hai bác trông giúp.

An Yên biết được mẹ và Tú đi cứu em chó nên cũng không đòi theo mà ngoan ngoãn ở lại với ông bà.

Dự định ban đầu của Tú là đi bằng xe hơi, nhưng Nhi bảo rằng nơi đó xe hơi không thể nào chạy vô được nên Tú đổi sang đi xe của Nhi. Vì Tú muốn cầm lái nên Nhi đưa chìa khoá cho Tú, và sau đó thì hai người xuất phát lên đường.

Nhi ngồi đằng sau và giữ một khoảng cách với Tú. Tự dưng lại thấy hơi hồi hộp. Xe này yên ngồi khá nghiêng nên Nhi phải dùng tay để vịn khung xe, cho mình không bị trượt trong lúc Tú đang chạy. Nhưng cũng có khi Tú đi qua những con đường gồ ghề, hay thắng xe khi gặp đèn giao thông, những lúc đó tuy Nhi có vịn chắc nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng bị trượt sát vào người Tú.

Những lúc như vậy mặt Nhi lại ửng đỏ.

“Xin lỗi Tú, cái yên nó trơn quá.” Nhi lí nhí nói.

Tú bật cười. “Không sao, mình sắp đến rồi.”

Chạy qua hai cái đèn đỏ nữa thì Tú rẽ vào con hẻm theo lời chỉ dẫn của Nhi. Chạy thẳng vô hẻm rồi rẽ trái, Tú liền thấy xa xa có một con chó đang nằm ở phía ngoài một căn nhà. Cho xe chầm chậm chạy lại, Tú có thể thấy con chó đang ngủ, hoặc là đã lả người vì mệt. Như lời Nhi nói, con chó trông rất ốm yếu. Dây xích để xích thì rất ngắn, con chó không thể nào đi xa được. Tú nhìn lên căn nhà mà con chó đang được cột ở ngoài. Nhà lầu ba tầng, trông rất khang trang. Không hiểu sao họ lại có thể đối xử với vật nuôi như vậy.

Tú chống xe và cả hai bước lại gần con chó để xem. Lúc đầu Tú cẩn thận, sợ nó thấy người lạ rồi sủa, nhưng lại gần và ngồi kế bên rồi thì Tú mới nhận ra rằng con chó đang thoi thóp. Nó đã không còn sức. Hồi chiều trời có mưa tầm một tiếng nên chắc nó cũng đã phải dầm mưa. Tú vuốt ve đầu con chó và phát hiện sợ dây xích cổ quá nhỏ đã ăn sâu vào cổ làm chảy máu. Bỗng Tú cảm thấy tức giận.

“Thật là vô trách nhiệm!”

“Mình làm sao đây Tú?” Nhi hỏi, nhìn con chó xót xa.

“Mình xin họ mang đi. Để Tú bấm chuông hỏi thử.”

Nói rồi, Tú đứng lên bấm vào cái chuông ở dưới số nhà. Đợi vài phút sau thì Tú nghe tiếng dép đi ra, tiếng lục cục mở cửa, và sau cánh cửa được mở ra là một người đàn ông khoảng ba mươi mấy tuổi, mặt mũi cũng không đến nỗi tệ. Tú đoán người này là chủ căn nhà. Vài giây sau có một người phụ nữ đi ra, nhìn cũng trạc tuổi người đàn ông đó. Tú đoán họ là vợ chồng.

“Ai đây?” Người đàn ông hỏi.

“Xin hỏi đây có phải là chó nhà mình không?” Tú không trả lời câu hỏi và hỏi ngược lại.

“Thì cột trước nhà là biết rồi.” Người đàn ông có phần bực bội khi được hỏi về con chó.

“Vậy sao nhà mình không mang vào chăm sóc mà để bé nằm ở ngoài ốm yếu thế này? Anh chị có cho bé ăn đầy đủ không?” Tú tiếp tục hỏi.

“Mấy người là ai sao nhiều chuyện vậy? Tôi thích để nó ở ngoài thì kệ tôi.” Người đàn ông lớn tiếng nói.

“Anh có biết đây có thể được xem là hành động hành hạ động vật không? Anh xem nó chẳng còn sức sống.” Nhi lên tiếng.

“Cô em, nó đáng bị như vậy mà. Đôi giày mua mấy chục triệu mà nó cắn tan nát. Tiền để trong nhà nó cũng cắn. Chưa giết làm thịt là đã may cho cái mạng chó của nó rồi. Mà thôi, giống chó nhỏ như nó có ăn cũng chỉ đủ nhét kẽ răng.”

Tú thấy trong người nóng như lửa đốt. “Anh còn phải là con người không? Anh bỏ đói nó, cho nằm ngoài dãi nắng dầm mưa, vòng cổ ăn vào cổ chảy máu. Không biết trong người còn bệnh gì nữa không. Nó sắp chết rồi kìa!”

“Ê, kệ tao. Chó nhà tao, tao muốn làm gì thì làm!” Người đàn ông đó chửi thề vài câu rồi đóng cửa lại, nhưng Tú nhanh tay đẩy cửa ra để tiếp tục đàm phán. Người đàn ông đó tưởng Tú muốn gây sự liền nổi nóng, giơ tay cho một nắm đấm vào má trái của Tú. Hoảng hốt, Nhi chạy lại đỡ Tú và kéo Tú ra xa. Vợ của người đàn ông đó cũng hốt hoảng và liền ngăn ông ta lại để tránh gây thêm chuyện. Bà ta lên tiếng, “Thôi hai người đi đi. Lấy luôn con chó đó đi đi.” Nói xong bà ta mạnh tay đóng sầm cửa lại, trả lại sự yên tĩnh của màn đêm.

Nhi vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì vừa xảy ra. Nhìn qua Tú, Nhi thấy mặt Tú đang chảy máu. Một đường rạch dài khoảng một đốt ngón tay trên má.

“Ôi trời, Tú chảy máu kìa.”

Tú biết, vì nó đang rất rát. Lúc nãy người đàn ông đó có đeo nhẫn, và lúc ông ta động tay với Tú, phần mặt của chiếc nhẫn đã làm rách da. Nhưng Tú không quan tâm. Bây giờ phải lo cứu con chó trước.

Tú nâng con chó lên và tháo sợi dây xích ra. Phần vòng đeo cổ vì đã ăn vào da thịt nên phải đợi về bệnh viện Tú mới có thể tháo ra và rửa vết thương. Tú đưa con chó cho Nhi, rồi hai người vội lên xe chạy về bệnh viện. Có lẽ con chó biết mình đã được cứu, nên cho dù đang rất yếu cũng cố gắng liếm tay Nhi như nói lời cảm ơn.

“Đặt tên cho con là Nguyệt nha.” Nhi nói với con chó. “Hôm nay trăng tròn, kỷ niệm ngày con được cứu.”

“Tên đẹp đó Nhi.” Tú khen. “Bé Nguyệt mau khỏe nha con.”

Về đến bệnh viện, Tú liền lập tức đưa Nguyệt vào phòng phẫu thuật để lấy cái vòng cổ chết tiệt đó ra khỏi cổ của nó. Nhi vì không dám vào nên chỉ đứng ở ngoài đợi. Phải mất gần nửa tiếng Tú mới có thể lấy cái vòng cổ đó ra, sát trùng vết thương và khâu lại đường cổ đã bị cái vòng cắt vào. Tú lấy máu của Nguyệt để xét nghiệm xem bé có bị bệnh giun chỉ không. Sau khi kết quả cho thấy Nguyệt ngoài việc bị bỏ đói thiếu chất và bị thương ở cổ thì tất cả còn lại đều bình thường. Tú thở phào nhẹ nhõm. Bơm cho Nguyệt ăn một chút gel dinh dưỡng, Tú bỏ bé vào chuồng để cho bé nghỉ ngơi.

“Tú xong chưa?” Nhi hỏi khi thấy Tú bước ra khỏi phòng phẫu thuật.

“Xong rồi. Cũng may Nguyệt không sao, chỉ cần mình chăm sóc bồi bổ lại là sẽ lên cân.” Tú giơ tay lên xem đồng hồ. “Chết, đã hơn 10 giờ rồi sao? Để Tú đưa Nhi về.”

“Thuốc rửa vết thương Tú để đâu?”

“Sao?”

“Mặt Tú kìa. Nãy giờ lo cho Nguyệt mà không lo cho mình. Không chăm vết thương không khéo lại thành sẹo.” Nhi trách.

Nhi nói làm Tú mới nhớ. Tú bước xuống nhà bếp và lấy ra một hộp dụng cụ y tế có để riêng cho nhân viên dùng. Tú định bước vào nhà vệ sinh làm, nhưng Nhi đã kéo tay Tú vào phòng làm việc và đóng cửa lại.

“Tú ngồi xuống Nhi rửa vết thương cho.” Nhi chỉ vào cái giường. Tú nghe lời làm theo, mặc dù đã có chút hồi hộp. Nhi cho nước muối sinh lí thấm vào miếng gạc rồi nhè nhẹ rửa hết máu. Tú nhăn mặt vì rát, nhưng rồi lại bị đôi mắt của Nhi hớp hồn. Nhi chăm chú, chú ý vào vết thương nên không biết Tú cũng đang chăm chú nhìn mình.

Nhi đang đứng rất gần với Tú, chính xác là bây giờ Tú có thể dang tay ra và ôm Nhi vào lòng.

Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của Tú.

Nhi lấy miếng băng rồi dán lên vết thương đã được rửa của Tú. Cũng may đường vết thương không dài và có lẽ sẽ mau lành. Nhi chậm rãi dán miếng băng đó lên vết thương, không hiểu vì sao mình lại làm mọi việc chậm đến như vậy. Nhưng cái cảm giác được ở gần và chăm sóc cho Tú, Nhi thấy nó lạ lắm.

Rồi bất giác, Nhi nhìn vào đôi mắt và gương mặt của Tú. Đây là gương mặt mà Nhi đã ngóng trông hai ngày qua. Nhi đưa tay lên vén tóc Tú qua một bên để có thể nhìn thấy hết, và Nhi cảm thấy như có cục nam châm nào đó đang hút Nhi lại gần. Nhi không muốn đâu, nhưng mà sức hút của Tú thật là mạnh quá. Nhi nhìn mãi, hai ánh mắt như bị hút hồn.

Cho đến khi Tú gọi, “Em...xong chưa?”

Lúc đó Nhi mới giật mình, nhận ra nãy giờ mình đã nhìn chằm chằm vào Tú.

“Xong...xong rồi.” Nhi bước lùi lại và đưa mắt nhìn xuống đất để tránh ánh nhìn của Tú. “Vết thương cũng không sâu, Tú yên tâm.”

“Cảm ơn Nhi.” Tú nói. Tú nhận ra được sự bối rối của Nhi. Có phải vì Tú đã nhìn Nhi quá lâu? Có phải vì Nhi đã phát hiện ra điều gì không?

Có một khoảng lặng giữa hai người. Tú và Nhi đều nhận ra được một điều gì đó. Tuy không rõ là gì nhưng cả hai đều cảm thấy sự ái ngại ở đối phương.

“Thôi, Nhi đi về đón An Yên đây. Cũng trễ rồi.” Nhi lên tiếng, lấy lý do ra về.

“Tú đưa Nhi về.” Tú đứng dậy, lấy chìa khoá xe ở trong túi ra. Lúc nãy đến nơi, Tú không đưa lại cho Nhi mà vẫn giữ bên mình.

“Không cần đâu Tú, nhà Tú ở ngay đây mà.”

“Tú cũng phải về nhà ba mẹ lấy xe.” Tú nhún vai.

Thấy Tú nói cũng phải, Nhi đành phải đồng ý.

Trời buổi tối bây giờ se lạnh hơn lúc nãy, Nhi vẫn ngồi cố gắng làm sao cho mình không bị trượt xuống sát người Tú. Mặc dù ngồi sát nhau thì sẽ ấm hơn, nhưng Nhi cảm thấy tốt nhất là nên giữ khoảng cách. Có lẽ Tú biết nên Tú không chạy nhanh như lúc nãy nữa, và khi thắng thì cũng nhẹ nhàng. Nhi thầm cảm ơn Tú, và Nhi cũng hy vọng Tú đừng hiểu lầm về việc làm của Nhi lúc nãy.

“Nhi ơi, Tú hỏi cái này nhé.” Tú lên tiếng.

Nhi bỗng thấy lo lắng, thầm mong Tú đừng hỏi gì về việc vừa rồi.

“Nhi có thấy Tú đã chọn lầm nghề không?”

Yên tâm vì Tú không đề cập đến vấn đề đó, nhưng lại thấy lạ sao Tú lại hỏi Nhi câu này. “Sao Tú lại hỏi vậy?”

“Chẳng qua là cảm thấy mình muốn cứu tất cả nhưng không thể.” Tú chia sẻ. “Có một bé Nguyệt thì sẽ có vài trăm, thậm chí còn hơn nữa trên khắp đất nước này. Mình thì nhỏ bé quá. Nhiều người nói muốn làm nghề nào đó thì cần phải có cái tâm và thật sự yêu thích thì mới làm tốt. Nhưng với nghề này, đó cũng là áp lực. Nếu như không cứu được thì sẽ day dứt mãi.”

“Tú có nghe câu, tuy rằng cứu một con vật sẽ chẳng thay đổi được thế giới, nhưng đối với con vật đó, thế giới của nó đã thay đổi không? Hôm nay Tú đã thay đổi thế giới của Nguyệt rồi. Sau này bé sẽ không bị bỏ đói, hành hạ nữa. Bé sẽ có một mái ấm mới.”

Tú dừng đèn đỏ. Thời gian đang đếm ngược còn 10 giây. “Thật sự tìm nhà mới cho chó mèo cơ nhỡ cũng khó khăn lắm. Người ta thường thích những vật gì mới thôi. Các con ở bệnh viện cũng ở được một thời gian rồi, nhưng không ai đón các con về nhà.”

“Nhi thấy, Tú đã làm tốt nhất có thể rồi. Đừng suy nghĩ nhiều nữa.” Nhi ngồi sát lại với Tú, rồi thì thầm vào tai. “Thay mặt cho An Yên và Nguyệt, cảm ơn Tú nhiều lắm. Hôm nay, Tú đã cho An Yên thấy được một việc làm rất ý nghĩa.”

Tú quay ra sau nhìn Nhi, tính nói rằng đây là việc nên làm, nhưng lại bị cái sự gần gũi làm phân tâm. Lại một lần nữa Tú chuyển ánh mắt vào đôi môi của Nhi, và vì thế tim lại đập loạn nhịp. Tú hiểu rằng Tú thật sự thích người ta rồi. Bây giờ cứ được ở gần là Tú không thể nào tập trung vào chuyện gì khác ngoài Nhi.

Tiếng bóp kèn inh ỏi từ những chiếc xe sau làm Tú giật mình. Nhìn lên đèn giao thông, màu đỏ đã chuyển sang màu xanh được vài giây. Tú vội lấy lại tinh thần và tiếp tục chạy về nhà ba mẹ, vừa chạy vừa cảm thấy xấu hổ với chuyện vừa xảy ra. Lộ lắm rồi đó Tú à!

Về đến nhà ba mẹ cũng đã hơn 11 giờ. Vì đã trễ nên Nhi chỉ đứng ngoài sân, nhờ Tú dẫn An Yên ra giúp mình. Vào nhà, Tú thấy ba vẫn còn đang ngồi đọc báo ở ghế sofa. Ba chỉ tay lên lầu, biết Tú muốn tìm mẹ và An Yên. Tú lên phòng ngủ tìm, nhẹ mở cửa vào thì thấy An Yên đang nằm ngủ cạnh mẹ. Mẹ vẫn còn thức vì Tú thấy tay mẹ vẫn đang vỗ về An Yên tuy mắt đã nhắm.

“Mẹ ơi,“ Tú khẽ gọi. “Con về rồi.”

Mẹ mở mắt nhìn Tú rồi nhìn qua An Yên. “Con bé vừa ngủ được khoảng nửa tiếng thôi.”

“Con ẵm An Yên xuống nha, Nhi đang đợi ở ngoài.”

Khi này mẹ mới phát hiện mặt của Tú có dán băng. “Mặt con sao thế?”

Không muốn nói cho mẹ biết lý do thật, Tú bịa ra một chuyện. “Lúc nãy con sơ ý để móng con chó cào trúng. Con không sao đâu mẹ.” Nói với mẹ xong, Tú cúi xuống nâng An Yên lên. Cũng như lần trước, Tú cho An Yên gục mặt vào vai mình, hai tay đỡ người con bé. Mẹ đi theo Tú xuống nhà để tiễn Nhi. Thấy mẹ Tú, Nhi cúi đầu chào và nói lời cảm ơn vì mẹ Tú đã giúp trông An Yên.

“Con hy vọng con bé không gây khó khăn gì cho hai bác.”

“Con yên tâm. Bé ngoan lắm. Bác thích rồi.” Mẹ Tú cười. “Về cẩn thận nha con.”

“Dạ con cảm ơn bác ạ. Chúc bác ngủ ngon.”

Mẹ Tú gật đầu rồi trở vào nhà. Nhi tính bế An Yên từ tay Tú nhưng Tú lắc đầu. “Không, Tú đưa Nhi về. An Yên ngủ rồi, sao Nhi chở về được. Với lại bây giờ tối rồi.”

“Giống lần trước nữa sao?” Nhi hỏi.

“Ừ. Tú chở An Yên theo sau Nhi. Như vậy an toàn hơn nhiều.” Tú lấy chìa khoá ra và bấm mở khoá xe hơi.

“Lại phải phiền Tú chạy đi chạy về.”

“Có sao đâu.”

Tú muốn nói thêm rằng, nó là niềm hạnh phúc của Tú, nhưng mà cũng như mọi lần, đó là những câu nói Tú chỉ dám nghĩ trong đầu.

Nhi lên xe của mình và chạy trước, Tú chạy theo sau. Mọi thứ thật yên bình. Tú thấy đây là những gì mình muốn làm. Tú muốn được ở bên và bảo vệ cho Nhi. Cả An Yên nữa. Con bé cũng một phần nào đó đã làm cho cuộc sống của Tú có nhiều tiếng cười hơn bởi sự ngây ngô và đáng yêu của mình. Hôm nay Tú cũng nhận ra được Nhi có nhiều biểu hiện lạ. Tú cảm thấy hình như người ta cũng có một chút tình cảm với mình. Nhưng cũng có thể là Tú đã suy nghĩ nhiều quá, có thể là Tú thích người ta đến mơ mộng viễn vông. Tú cần ai đó nói với mình rằng “Hãy thức tỉnh đi!” để sau này không phải ôm khổ đau vào người.

Nghĩ lại, Tú thật chẳng biết gì về Nhi. Tú không biết sinh nhật Nhi vào ngày mấy, cũng không biết gia đình của Nhi như thế nào. Quá khứ của Nhi và An Yên thì Tú lại càng không biết, bởi đó không phải chuyện có thể hỏi thăm qua một bữa ăn hay những buổi nói chuyện nhỏ. Nhưng Tú cũng chẳng mấy quan tâm, vì đó đã là quá khứ. Đối với cuộc sống, tương lai mới là thứ nên nhìn về.

Vậy thì, một lần nữa Tú lại tự hỏi bản thân, vậy thì Tú có nên thử một lần nói ra cho Nhi biết nỗi lòng của mình? Con người chẳng ai có thể tự chủ được cảm giác của mình. Nếu bản thân có thể điều khiển được cảm giác yêu ai đó thì trên đời này đã không có đầy những câu chuyện tình đầy nước mắt. Romeo và Juliet đã không tự sát vì yêu nhau mà không đến được với nhau. Chắc Nhi sẽ hiểu điều đó. Tình yêu không có lỗi. Mỗi ngày khi ta mở mắt dậy là một cơ hội mới cho tình yêu tìm đến. Nó sẽ đến một cách bất ngờ, khiến ta không thể trở tay. Không một cái hẹn, cũng không có một lời báo trước. Như Nhi và An Yên cứ thế mà bước vào cuộc đời khá bình dị và có phần nhàm chán của Tú. Trái tim của Tú, thứ mà đó giờ Tú vẫn dành riêng cho ba mẹ và công việc, nay đã có thêm chỗ cho hai người Tú cảm thấy đã trở nên quan trọng với mình.

Đêm nay trăng tròn. Tú hy vọng lần trăng tròn tiếp theo, Tú sẽ có đủ dũng khí nói ra tâm sự của lòng mình.

-Hết chap.9-


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui