Lại một trận bão tuyết mùa đông.
Năm nay tuyết rơi sớm hơn năm trước, gió lớn vù vù thổi khắp phố lớn ngõ nhỏ, mọi người che kín áo bông, vùi đầu đi về phía trước.
Tiểu nhị tiệm thuốc gõ cửa hông của Kỷ gia, từ trong cửa đi ra một tiểu nha hoàn tầm sáu tuổi, mặc áo nhỏ màu sương quần bông màu xanh sẫm, hài bông màu đen, đầu búi tóc nguyên bảo, mặt to tròn, trông rất có tinh thần. Nàng nhanh tay nhận lấy gói thuốc từ trong tay tiểu nhị, đưa tiền rồi xoay người đi vào.
Kỷ gia ở Uyển Bình là danh môn vọng tộc số một số hai, Nhị lão gia Kỷ Sóc tập tước, kế nhiệm chức Bình Dương Hầu, tất cả mọi người ở nhị phòng đều theo Kỷ Sóc ở lại trong kinh, Kỷ gia đại phòng, tam phòng, tứ phòng đều ở lại quê quán Uyển Bình. Năm năm trước, Tam lão gia Kỷ Mang nhậm chức Uyển Bình Tri phủ, chuyển đến sống ở Uyển Bình, những người còn lại ở Kỷ gia có thể đếm được trên đầu ngón tay.
Nha hoàn kia xuyên qua hành lang tây sương gấp khúc, hành lang hai bên đều đọng tuyết trắng xóa một vùng, tuyết rơi hai ngày, trong sân mặc dù đều có người quét dọn, nhưng cũng không chịu nổi bông tuyết tung bay, đi qua hành lang gấp khúc chính là đình viện, nha hoàn chịu đựng gió tuyết chỉ chốc lát sau đã đến Nguyệt Ngọc Uyển, trước cửa dưới mái hiên có bóng người đang đứng, Từ ma ma rụt đầu lại, thật vất vả chờ được nha hoàn kia.
"Sao đi lâu vậy, thuốc đâu?" Từ ma ma chừng bốn mươi tuổi, khung xương cao lớn, mặc một thân váy áo màu tương, tựa hồ là quần áo cũ đã nhiều năm, màu sắc cũng không còn được sáng rõ, bà là nhũ mẫu của Tứ cô nương, hầu hạ thân cận từ lâu.
Tiểu nha hoàn lần lượt đưa thuốc cho Từ ma ma, dường như còn có chút không quá cam tâm tình nguyện, nói: "Như thế nào là lâu? Ta cũng phải đợi tiểu nhị của tiệm thuốc đưa đến. Từ ma ma không rõ chuyện thì đừng nên nói lung tung, chẳng may bị Quản sự ma ma nghe thấy lại cho là ta chạy ra ngoài chơi đùa, đến lúc đó ta lại bị đánh tay."
Từ ma ma mở gói thuốc ra nhìn một chút, thấy tiểu nha đầu kia đứng mãi không đi, vẫn nói đầy lời dong dài, bà sao không hiểu ý, bà cũng muốn khen thưởng hai đồng tiền, nhưng thực sự không bỏ ra nổi nên đành chịu thôi chứ biết làm sao đây.
Đành phải cười làm lành: "Thúy nhi ngươi là người tốt, Từ ma ma nhớ kỹ ân tình của ngươi, tháng sau phát tiền, ta nhất định mua đường cho ngươi ăn."
Thúy nhi mặc dù không được thưởng, nhưng dầu gì cũng nhận được hứa hẹn sẽ được tặng đường, nói cho cùng nàng vẫn còn là hài tử, lương tâm cũng chưa mất hết, học bộ dáng của các ma ma khác, bĩu môi với Từ ma ma, lần nữa chạy vào trong gió tuyết.
Từ ma ma nhìn theo bóng lưng rời đi của Thúy nhi, nhớ đến ánh mắt khinh bỉ trước khi đi của nàng mà thở dài, Tứ cô nương không được sủng ái, bên trong phủ một tiểu nha đầu mới được nhận cũng liền dám cấp sắc mặt cho bà xem.
Bọc gói thuốc lại cẩn thận nhét vào trong vạt áo, Từ ma ma xoa xoa đôi bàn tay, thở ra một ngụm khói, lúc này mới cầm lấy chiếc dù đang để dựa vào cạnh cửa, bọc lại cổ áo, đi vào viện.
Nguyệt Ngọc Uyển là chỗ ở của Tứ cô nương, đại phòng tổng cộng cũng liền chỉ có một cô nương ở như vậy, còn Nhị công tử ở tại viện khác. Nguyệt Ngọc Uyển bố trí vẫn như cũ, giống như hai năm trước lúc Đại lão gia còn sống, có nhiều chỗ đã cũ loang lổ tróc ra, trong phủ hàng năm tu sửa, nhưng từ đầu đến cuối không có ai nhớ tới tu sửa nơi này một chút, Tứ cô nương tuổi còn nhỏ, thế đơn lực bạc, làm sao còn có thể tự mình làm chủ, ngay cả tiền phát mỗi tháng, bà đều phải đến phòng thu chi thanh toán rõ ràng, mới có thể lấy được phân tiền đếm được trên đầu ngón tay.
Từ cô nương ở trong phủ tình huống gian nan, thật vất vả mới học được một khúc cầm, trình diễn ở thọ yến của lão thái quân nhận được khen ngợi, lão thái quân khen nàng không dứt miệng, trước mặt mọi người khen nàng có thiên phú, còn ngỏ ý muốn dưỡng Tứ cô nương bên cạnh hai ngày. Từ ma ma cho rằng ngày lành của Tứ cô nương đã tới rồi, nào ngờ nhà dột lại gặp mưa rơi, trên thọ yến Tứ cô nương lén lút ăn hai con tôm, sau khi trở về liền bị thở gấp, thượng thổ hạ tả, không gượng dậy nổi, cả người đều sưng lên một vòng.
Cứ như vậy khiến lão thái quân mất hứng, tuy nói thỉnh đại phu, ổn định bệnh tình, nhưng việc tốt mang đến dưỡng hai ngày bên cạnh lão thái quân cứ như vậy mà ngâm nước.
Từ ma ma vén rèm vải bông trước cửa phòng đi vào, trong phòng mới hơi hơi ấm áp được một chút, nhưng mùi than vụn rất gay mũi, Tứ cô nương nằm trên giường, bên cạnh không có ai hầu hạ. Từ ma ma sợ than đốt xảy ra vấn đề, liền để mở nửa cánh cửa sổ, không có đóng chặt, như vậy tuy không giúp cho hơi ấm trong phòng tụ lại, nhưng ít nhất có thể khiến cái mũi thoải mái hơn một chút.
Bài trí trong phòng cũng cũ kỹ, tấm bình phong gấm Tứ Xuyên thêu hai mặt được đặt trước giường Tứ cô nương phỏng chừng là thứ đáng giá nhất trong phòng, chỉ tiếc khung gỗ đã hơi dãn, phần đầu của khung qua năm tháng cũng đã có mấy chỗ vết nứt, gãy vỡ hẳn là chuyện sớm hay muộn.
Màn giường của Tứ cô nương màu sương, vốn là màu vàng nhạt ấm áp, nhưng dùng lâu, qua nhiều lần giặt bị phai màu liền biến thành màu sương. Trên người đắp là tấm chăn bông nặng tầm hai cân [2], trên chăn đang đắp thêm hai kiện áo dài, cũng coi như là ấm áp.
[1] 1 cân TQ gần bằng 600gr
Từ ma ma đi tới gần nhìn một chút, Tứ cô nương vẫn còn đang nhắm mắt, bà đưa tay chà xát nhiều lần, cho đến khi tan hết giá lạnh mới từ từ đặt lên trán của Tứ cô nương, sau đó lại so với trán của mình, xác định đã hạ sốt, lúc này đây bà mới yên lòng.
Từ nhỏ, Tứ cô nương đã có bệnh lạ, ăn không được tôm cua các loại, cua còn ăn được chút ít, nhưng tôm thì chính là dính một chút cũng không được, thọ yến hôm đó, bà không được đi theo Tứ cô nương, người hầu hạ bên cạnh cũng có khả năng không biết bệnh này của Tứ cô nương, hầu hạ có sơ sót, mới khiến cô nương gặp nạn. Từ ma ma trong lòng áy náy, bà không thừa nhận cũng không được, hết thảy đây đều là số mệnh.
Lấy ra gói thuốc từ trong vạt áo, Từ ma ma đi đến góc tường, nơi đặt bếp lò nhỏ, trên lò đun nước nóng cùng bên cạnh có để vại nước nhỏ cùng hai cái hũ sạch. Những ngày qua bà sắc thuốc cũng ngay ở góc nhỏ trong phòng, vừa có thể chăm sóc cô nương, vừa có thể khiến cho phòng thêm chút ấm áp. Ngâm thuốc sơ qua, chắt nước qua bệ cửa sổ, sau đó lại thêm nước mới, đặt lên trên bếp lò nhỏ, từ từ nấu.
"Khụ khụ."
Tiếng ho khan rất nhỏ vang lên, Từ ma ma đứng lên, đem tay ướt chùi nhẹ vào áo bông, đi qua bình phong bước vào gian trong, nhìn thấy chăn mền lúc trước còn yên lặng giờ hơi động đậy, bà rảo nhanh chân bước lên, chỉ thấy một cánh tay trẻ con trắng nõn vươn ra khỏi chăn đệm, Kỷ Uyển Diễm từ trong chăn thò đầu ra, Từ ma ma liền tới gần, hỏi:
"Cô nương, là muốn uống nước sao?"
Kỷ Uyển Diễm muốn ngồi dậy, nhưng là toàn thân uể oải khiến cho nàng không có tí sức lực nào, nàng mơ mơ màng màng, nhìn thấy đường nét của Từ ma ma, trong mắt nổi lên chua xót, đây hình như là một giấc mộng, nhưng nàng đã chết rồi, tại sao còn nằm mộng. Từ ma ma là người đối với nàng tốt nhất trên đời này, chỉ tiếc bên người nàng quá nhiều người đố kị, không chịu được khi nhìn thấy Từ ma ma đối tốt với nàng. Tại thời điểm nàng xuất giá, Từ ma ma liền bị người tìm ra sai sót, đánh gãy tay chân, đuổi ra khỏi phủ, luân lạc thành ăn mày, cuối cùng cũng không biết là chết vì rét hay là chết vì đói.
Những chuyện này là nhiều năm sau nàng mới biết được, người trong phủ vì muốn nàng xuất giá cho nên nói dối đã đưa Từ ma ma về nông thôn, đến khi nàng biết rõ thì tất cả đã quá muộn.
Bất kể là mộng hay là hiện thực, Kỷ Uyển Diễm chỉ cảm thấy cổ họng bỏng rát, mơ hồ nghe thấy chữ "Nước", nàng chậm rãi nhẹ gật đầu, sau đó liền nằm xuống gối đầu.
Không biết tự khi nào, trong miệng liền được đút nước ấm, không nóng không lạnh, độ ấm vừa đủ.
Nước đi qua cổ họng, thoải mái như như vùng khô cạn đã lâu nay nhận được nước mưa, hô hấp thông thuận, khí cũng nhuận hơn rất nhiều, nàng uống liền hai ba chén, cho đến hết khát mới đặt mình nằm ngủ.
Nửa tỉnh nửa mê, nàng nhìn thấy rất nhiều người cùng chuyện, đều là quá khứ đã phát sinh qua. Dần dần ý thức của Kỷ Uyển Diễm trở nên rõ ràng, nàng nhớ rõ mình đã chết, thất bại thảm hại bị gia tộc đuổi ra khỏi kinh thành, lại gặp phu xe vô lương tâm mưu tài sát hại tính mệnh, cướp lấy tài sản của nàng, xô ngã nàng xuống vách núi, nàng quả thực đã chết.
Nhưng nay, ý thức dần dần thanh tỉnh, Kỷ Uyển Diễm càng thấy có cái gì đó không đúng.
Từ ma ma vẫn còn ở chỗ này, nàng tỉnh lại đã nhìn thấy, sau vài ngày mới xác định đây thật không phải là mộng, hành động của Từ ma ma, tất cả đều y như trong trí nhớ, nàng sẽ không nhận sai, nhưng là chỗ ở của nàng khiến cho nàng có chút không rõ ràng.
Nàng là đích nữ của đại phòng Kỷ gia, trên còn có một ca ca, cha mẹ sinh nàng hơi muộn, bởi vậy nàng đứng hàng thứ tư trong đám Kỷ gia cô nương, sau mười tuổi nàng trụ tại Linh Lung Uyển, giáp với Tùng Hạc Viện của lão thái quân. Trong Linh Lung Các cái gì cũng có, trang hoàng tráng lệ, ăn ở mặc đều là tốt nhất. Không vì cái gì khác, cũng bởi vì lão thái quân thích nàng, Kỷ gia nhiều cô nương như vậy, nhưng lão thái quân thích nhất chính là nàng.
Mặc dù về sau nàng mới biết được, lão thái quân ưa thích nàng là cũng là vì có mục đích khác.
Mà căn phòng cũ kỹ này, khẳng định không phải là Linh Lung Các.
Trông giống như Nguyệt Ngọc Uyển, nơi nàng ở trước mười tuổi. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều năm trôi qua, nên nàng cũng không còn nhớ rõ ràng lắm. Cho đến khi nàng dưỡng thật nhiều ngày, cuối cùng nàng cũng có thể ngồi dậy, thời điểm trông thấy tấm bình phong gấm Tứ Xuyên thêu hai mặt trước giường, nàng mới xác định rõ ràng.
Tấm bình phong gấm Tứ Xuyên thêu hai mặt có trong phòng chứng tỏ đây đúng là Nguyệt Ngọc Uyển.
Nàng còn nhớ rõ lúc trước, thời điểm từ Nguyệt Ngọc Uyển dời đến Linh Lung Các, chỉ cảm thấy một hơi thở ra, Nguyệt Ngọc Uyển hết thảy đều cũ kỹ, nàng cũng không cần mang theo. Tấm bình phong gấm Tứ Xuyên này cũng được đưa vào trong khố phòng. Cho đến trước lúc nàng xuất giá, Từ ma ma mới tháo mảnh gấm Tứ Xuyên này ra, lót ở dưới đồ cưới của nàng, rồi càng về sau, nàng trở nên nghèo túng, cơm ba bữa cũng không có mà ăn, lúc này mới bán mảnh gấm Tứ Xuyên này đi lấy tiền trang trải, tuy nhiên rất nhanh cũng bị nàng tiêu hết.
Mảnh gấm Tứ Xuyên lúc đó cũng không có sáng rõ như giờ phút này, nhưng tài nghệ châm thêu kia thì dù đồ vật có cũ kỹ thì vẫn có giá trị. Lúc ấy bán ra cũng được mười sáu lượng bạc, chưởng quỹ còn nói nếu vải không có tổn hại thì sẽ còn trả giá cao hơn.
Cho đến khi xác định được chỗ ở của mình, Kỷ Uyển Diễm mới từ từ tin chính mình thế nhưng đã quay trở lại lúc mười tuổi.
Lúc này, nàng còn chưa được lão thái quân coi trọng, chưa được lão thái quân nâng lên chín tầng mây, chưa bị phú quý làm mờ mắt, chưa có nhiễm phải tính tình ngông cuồng kiêu căng tự đại, chưa bị đưa đi làm đồ chơi cho phủ đệ quý nhân, chưa có đắc tội hết tất cả mọi người xung quanh mình...