Năm Tháng Huy Hoàng

Chương có nội dung bằng hình ảnh

Đầu tháng ba dương xuân, cỏ mọc dài cùng đàn chim oanh bay lượn.

Trong điện Thái Cực nguy nga tráng lệ, vị hoàng đế mới nhậm chức là Tư Mã Luân đang mặc trên người chiếc hoàng bào, đầu đội lưu miện và hiện giờ ông ta đang đau đầu trước những sự việc ầm ĩ gần đây ở kinh thành. Tư Mã Luân biết rằng, việc lạm quyền xưng đế của ông ta không được lòng dân nên cách nhanh nhất là dùng tiền mua chuộc. Vì lẽ đó, vào ngày đầu tiên nhậm chức, vị bệ hạ bảy mươi tuổi mới ngồi lên ngôi hoàng đế này đã tuyên bố: Tất cả các kỳ thi quan chức sẽ bị bãi bỏ. Chỉ cần là người trên mười sáu tuổi, đã học hoặc đang học ở Thái học viện thì sẽ được bổ nhiệm làm quan lại. Các quan chức có hơn hai ngàn thạch ở các quận, huyện đều sẽ được triều Tấn phong ban tước hầu. Kể cả đám tay sai của ông ta, cùng con trai, cháu trai, chắt trai và thậm chí cả những binh lính, nô bộc, tạp dịch trong phủ Triệu Vương với những người thân tín của ông ta, bất kể năng lực từng người như thế nào thì hết thảy bọn họ đều được thăng quan tiến chức. Không có đủ chức vị quan lại cũng không sao, đặt ra tên của những phẩm hàm là được, dù sao thì mỗi người cũng sẽ có một chức vụ.

Hậu quả của việc phong thưởng trên con đường thối nát này là: Không có đủ lông chồn để làm mũ quan. Tôn Tú liền nảy ra ý tưởng đổi sang dùng lông chó. Mỗi lần hội triều, khắp nơi đều là quan viên văn võ đội lông chó trên đầu, thế là đầu đường cuối ngõ rất nhanh truyền ra: "Đuôi chồn không đủ, nên lấy đuôi chó nối vào", cũng đã trở thành nguồn gốc của câu "Cẩu vĩ tục điêu" để lại cho hậu thế - ngụ ý rằng lấy cái xấu kế tục cái tốt trước, khiến trước sau không tương xứng nhau. Thêm nữa, nhiều quan mới phong như vậy, dù sao cũng phải có ban thưởng chứ? Nhưng kho vàng bạc mà vị hoàng đế ngốc nghếch kia để lại chỉ như một cơn mưa phùn, cho dù toàn bộ vàng bạc trong kho có nóng chảy ra cũng không đủ để đúc quan ấn, Tư Mã Luân bèn dứt khoát cho dùng ván mốc không chữ thay thế cho quan ấn, ngay sau đó dân gian lại có câu thành ngữ mỉa mai châm chọc: "Bạch bản phong hầu" nghĩa là dùng bản trắng để phong tước vị.

Tư Mã Luân mới làm hoàng đế chưa đầy nửa tháng, trong dân gian đã có nhiều tin đồn như vậy, song những trò như đuôi chó cùng bản trắng chưa phải là chuyện cười cặn bã nhất. Ngay khi Tư Mã Luân vừa đăng cơ, Tôn Tú đã đến phủ của Thạch Sùng vì muốn có được người tiểu thiếp mà Thạch Sùng sủng ái nhất-- chính là đệ nhất mỹ nhân Lục Châu. Thạch Sùng giận tím mặt không chịu giao người nên Tôn Tú đã tùy tiện tố cáo Thạch Sùng tội mưu phản và giết chết toàn bộ nhà Thạch Sùng, bao gồm cả cô con gái thứ ba kiêu ngạo của gia tộc họ Thạch, Thạch Minh Ngọc. Nàng Lục Châu cũng không muốn rơi vào tay tên khốn nạn Tôn Tú nên đã uất giận nhảy lầu tự sát.

Sau khi hủy diệt đệ nhất mỹ nữ, Tôn Tú lại xuống tay với đệ nhất mỹ nam. Người này tên Phan Nhạc, y được người đời sau quen thuộc với một cái tên khác là Phan An. Chỉ vì lúc còn trẻ, Phan An đã nói năng lỗ mãng với Tôn Tú là người từng giữ chức quan nhỏ khi ấy, giờ đây Tôn Tú khiến cho vị đại soái ca với nhan sắc nổi tiếng trong sử sách này cũng bị mất đầu.

Một đạo sĩ chỉ với năm đấu gạo cùng xuất thân thấp kém, thậm chí không có chức vụ chính thức nào, lại có thể dễ dàng quét sạch nhà họ Thạch, người giàu nhất kinh thành và là một trong bảy đại gia tộc, điều này cho thấy có quyền thế hữu dụng hơn là xuất thân. Sáu đại gia tộc còn lại đều câm như hến, ai nấy đều hoang mang lo sợ không thể chịu đựng nổi dù chỉ một ngày. Tôn Tú hống hách lộng hành, không kiêng nể ai như vậy là vì dựa vào cây cổ thụ to lớn Tư Mã Luân. Mà Tư Mã Luân lại là người có tầm nhìn hạn hẹp, vốn không để ý đến việc Tôn Tú đã gây thù chuốc oán khắp nơi cho ông ta. Vả lại, điều khiến ông ta lo lắng nhất lúc này là một vấn đề quan trọng khác: Trưởng tử của ông ta là Tư Mã Linh đang muốn làm Thái tử, mà trong chuyện này lại có một trở ngại lớn nhất.

Bên trong điện Sùng Quang, Tư Mã Luân ngước khuôn mặt nhăn nheo lên với vẻ u ám nhìn Tôn Tú ở phía đối diện: "Lại thất bại?"

Tôn Tú thấp giọng bẩm báo: "Bị Thái thượng hoàng hậu nhìn thấu nên không thể mang Thái tôn đến trước mặt người."

Tư Mã Luân nổi giận phất tay áo đứng dậy, lớn tiếng nói: "Chuyện này đã xảy ra bao nhiêu lần rồi? Một nữ nhân dưới hai mươi tuổi khó đối phó như vậy sao?!"

"Thái thượng hoàng hậu có y thuật uyên thâm và luôn để mắt tới Thái tôn, thật sự rất khó để tìm được cơ hội thưa bệ hạ."

Tư Mã Luân lúc này bắt đầu hối hận vì đã chọn Dương Hiến Dung: "Lúc đầu trẫm chỉ muốn ngẫu nhiên tìm một nữ nhân cho Thái thượng hoàng, đúng lúc Lưu Uyên nhắc tới, trẫm chỉ thuận nước làm theo để thể hiện ân tình." Ông ta suy nghĩ một lúc, sát ý hiện lên trong mắt, "Nếu người nữ này khó đối phó như vậy, trẫm cũng không thể giữ lại, dứt khoát loại bỏ ả ta cùng Tư Mã Tang đi."

Tôn Tú gật đầu: "Vâng, thần sẽ làm ngay."

Tôn Tú vừa rời đi, một gã nội thi vội vàng đi vào, kề sát nói nhỏ với hoàng đế vài câu, khuôn mặt như trái bưởi khô của Tư Mã Luân lập tức biến sắc, nhỏ giọng nói: "Mau gọi hắn vào!"

Một người nam cao gầy mặc áo choàng đen bước vào, quỳ một gối xuống hành lễ với Tư Mã Luân. Người này vén mũ áo choàng xuống, để lộ đôi lông mày lưỡi mác và đôi mắt sáng như sao, nhưng lại mang vẻ phong trần mệt mỏi.

Tư Mã Luân khua tay bảo người này đứng dậy, ông ta sốt ruột hỏi: "Đại Thiền Vu bị Tư Mã Dĩnh giam giữ rồi phải không?"

Vẻ mặt A Diệu nghiêm nghị, nghẹn ngào nói: "Khi chúng thần đến Tấn Dương thì bị bao vây và toàn bộ người trong đoàn múa đều bị tiêu diệt. Chúng thần bị đưa đến Nghiệp Thành, Đại Thiền Vu không thể nào thoát thân nên đã phải liều lĩnh để thần trốn ra và đến gặp Triệu Vương--"

Nội thị bên cạnh Tư Mã Luân hừ một tiếng, A Diệu vội vàng đổi lời: "Cầu bệ hạ cứu giúp."

Tư Mã Luân nhăn mặt, chán ghét nhìn A Diệu: "Trẫm làm sao cứu đây? Trẫm không có nhiều binh lính như Tư Mã Dĩnh. Trẫm trốn tránh Tư Mã Dĩnh còn không kịp nữa là."

A Diệu trở nên lo lắng và không thể không nói to hơn: "Bệ hạ, nếu người không cứu được Đại Thiền Vu thì phải tự cứu lấy mình. Khi ở Nghiệp Thành, thần thấy Tư Mã Dĩnh đang tăng cường binh lực và tích trữ lương thực, nếu có tin tức từ Lạc Dương, hắn sẽ lập tức khởi binh xả thân vì triều đình. Lúc này, quân đội của hắn có thể đang trên đường đến Lạc Dương rồi!"

Những lời này như đất bằng dậy sóng, khiến Tư Mã Luân chấn động đến mức gần như ngã xuống đất, lời nói không mấy lưu loát: "Đối với chuyện này trẫm nên làm gì hả?"

A Diệu thở dài và tỏ ra nghiêm túc: "Bệ hạ, có câu nói tuy nghe không xuôi tai, nhưng với một người ngoại tộc như thần nhất định phải nói ra." Chàng dừng lại và lấy hết can đảm để nói: "Bệ hạ phải bảo vệ tính mạng của Thái thượng hoàng và Thái thượng hoàng hậu. Nếu thực sự...... mọi chuyện không thể cứu vãn được, ít nhất ngai vàng có thể trả lại cho Thái thượng hoàng và Tư Mã Dĩnh sẽ hết viện cớ. Còn bệ hạ có thể an toàn trở lại làm Triệu Vương."

Đầu tiên Tư Mã Luân lộ ra vẻ mặt cực kỳ chán ghét, tay ông ta vốn đã nâng lên định ngăn A Diệu lại, nhưng khi nghe được câu cuối cùng, toàn thân ông ta run rẩy, tay đang giương cao cũng run run buông xuống. Đột nhiên, Tư Mã Luân nghĩ tới điều gì đó, vẫy tay với nội thị rồi hô to: "Mau gọi Tôn Tú về đây cho trẫm."

Lúc đó A Diệu chẳng hề hay biết, chàng đã kịp thời ngăn cản mưu đồ giết Dương Hiến Dung của Tư Mã Luân. Nhưng thật đáng tiếc, A Diệu chỉ có thể ngăn chặn được tạm thời mà thôi, hiện giờ vận mệnh thảm thương của Hiến Dung chỉ vừa mới bắt đầu.

*****

Trong những năm đầu của triều đại Tây Tấn, để tăng cường phòng thủ, Tư Mã Viêm đã xây dựng một vòng tường thành khác bên ngoài cung thành, gọi là hoàng thành. Trong đó bố trí các công thự, thái miếu, thái học viện, kho vũ khí, có cả đông cung của Thái tử và sân cưỡi ngựa bắn tên cho những người trong hoàng tộc vui chơi. Thành Kim Dung thì nằm ở góc tây bắc của hoàng thành. Công trình trọng yếu nhất trong kinh thành đương nhiên vẫn là cung thành, với bức tường thành cao lớn bảo vệ cuộc sống thường ngày của hoàng gia.

Tiếp đến, thể chế quân sự của triều đại Tây Tấn được phân thành: trung quân, ngoại quân và các binh ở châu quận trực thuộc các phong quốc. Trung quân là quân trực thuộc của triều đình, đóng giữ trong và ngoài kinh thành. Quân trú ở ngoại thành gọi là Nha môn quân. Quân trú ở trong thành gọi là Túc vệ quân. Túc vệ quân lại phân ra rất nhiều doanh, phân rõ việc đảm nhận nhiệm vụ của hoàng cung, cửa cung và kinh thành. Phòng thủ thành là quan trọng nhất, thủ lĩnh Túc vệ quân là người trực tiếp nghe theo lệnh của hoàng đế. Tư Mã Luân vừa lên ngôi, liền để cho các con của ông ta phụ trách quản lý Túc vệ quân.

Bức tường thành ở phía đông của hoàng thành gọi là cổng Kiến Xuân, một địa điểm quan trọng để phòng thủ thành. Cổng này là gần nhất với cổng phía bắc của cung thành, nếu muốn từ ngoài thành vào cung thì dùng cổng này là thuận tiện và nhanh chóng nhất. Trại canh gác cổng này gồm ba đội, mỗi đội hai mươi người, do một Hiệu úy luân phiên túc trực chỉ huy. Mấy ngày trước, ở đây đã bổ sung một Hiệu úy mới, tên đăng ký trong danh sách là "Tư Mã Minh".

Bọn quan binh đều biết, vị hoàng hậu hiện tại trước khi gả đi đã có một người con trai, chính miệng hoàng thượng tức Tư Mã Luân cũng thừa nhận là nghĩa tử. Chuyện nhận người thân này từng gây chấn động trong thành Lạc Dương khi ấy và mọi người đều biết rõ. Vì có bối cảnh như vậy, thêm việc Tư Mã Minh công tử có võ công cao cường, còn có một thủ hạ rất giỏi tướng mã, những bản lĩnh này ở trong đám nam nhân thì rất được hoan nghênh. Thế nên, khi A Diệu mang theo A Lạc vừa lên nhậm chức liền được bọn quan binh nhiệt tình ủng hộ.

Chàng đã phải xin Tư Mã Luân mới có được công việc này, chàng phải tìm lý do ở lại trong cung để chờ đợi thời cơ. Nhưng Tư Mã Luân không đồng ý nên A Diệu buộc phải tiết lộ "danh tính" của mình. Khi đó Tư Mã Luân mới biết, chàng thiếu niên mà Lưu Uyên luôn gọi là "nghĩa tử" thực ra chính là Lưu Thông, vị vương tử thứ hai của người Hung Nô.

Trước mắt, Tư Mã Luân vẫn chưa muốn đắc tội với Lưu Uyên. Mặc dù Lưu Uyên đang bị Tư Mã Dĩnh tạm thời giam giữ, nhưng dù sao ông ta vẫn là Đại Thiền Vu của Hung Nô, biết đâu sau này còn có thể hữu dụng. Song, Tư Mã Luân lại không muốn giao cho A Diệu một chức vụ quá cao, nên sau nhiều lần cân nhắc, ông ta đã giao cho A Diệu một vị trí nhỏ là người thủ thành. A Diệu đã không phản đối, không ngần ngại và đã hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình với cương vị là một "thủ thành". Chàng dùng cách vừa ban phát ân huệ vừa gìn giữ uy nghiêm, thưởng phạt phân minh và chẳng bao lâu sau chàng đã khiến hai mươi binh lính dưới quyền phải phục tùng.

Tôn Tú tạm thời bố trí cho chàng ở một khoảng sân yên tĩnh trong một góc của hoàng cung, nơi đây vẫn cách xa thành Kim Dung không ít, nhưng dù sao chàng vẫn có thể nhìn thấy bức tường cao lớn của thành Kim Dung ở phía xa. A Diệu thường nhìn chằm chằm vào bức tường đen xám ấy cho đến khi màn đêm buông xuống hoàn toàn nuốt chửng nó.

Vào đêm thứ ba sau khi A Diệu và A Lạc chuyển đến ngôi nhà mới của họ, có một vị khách đã đến khoảng sân nhỏ. Chỉ với bộ trang phục cung nữ thông thường nhưng khi được khoác lên trên cơ thể uyển chuyển thướt tha này đã tạo nên một dáng vẻ xinh đẹp.

Những lời đầu tiên của Cổ Li nói giống hệt như của Tư Mã Luân: "Đại Thiền Vu bị Tư Mã Dĩnh giam giữ rồi ư?"

A Diệu gật đầu và đem ngọn nguồn câu chuyện kể lại. Khi nghe tin đoàn múa Bạch Vũ bị Tư Mã Dĩnh phục kích, toàn quân đều bị tiêu diệt, thanh âm của Cổ Li không khỏi run rẩy: "Người trong đoàn múa của ta đều chết hết rồi sao?"

A Diệu ngây người một lúc, sau đó chàng lén lút trao đổi ánh mắt với A Lạc. Lưu Uyên bị bắt vì sự phản bội của chàng, nói cách khác, các thành viên cùng thị tộc với Cổ Li nằm trong đoàn múa đều đã chết dưới tay của Lưu Diệu chàng. Chàng biết Cổ Li luôn coi trọng các thành viên trong tộc nên không dám nói sự thật cho Cổ Li biết, vì vậy chàng chỉ mập mờ gật đầu.

Trong đôi mắt xanh biếc của Cổ Li ngân ngấn nước, song nàng ta vẫn cố ngăn những giọt nước mắt rơi xuống. A Diệu vội vàng tiếp tục nói để phân tán suy nghĩ của Cổ Li. Chàng nói với Cổ Li rằng, Lưu Uyên đã trở thành người bày mưu cho Tư Mã Dĩnh và chàng có thể trở về Lạc Dương vì được Tư Mã Dĩnh cử đi làm gián điệp cho hai bên.

Cổ Li cố kìm nước mắt, nghe xong câu chuyện của A Diệu, nàng ta khịt mũi và cố gắng tỏ ra vui vẻ: "Chỉ cần tính mạng của Đại Thiền Vu bình an vô sự là được, lúc này tuyệt đối không thể có chuyện gì xảy ra với ông ta. Chúng ta phải nghĩ ra biện pháp để Đại Thiền Vu nhanh chóng quay trở lại Hung Nô càng sớm càng tốt."

A Diệu lại không đồng ý, hiện giờ Lưu Uyên chắc chắn sẽ không muốn rời đi: "Đại Thiền Vu bằng lòng ở bên cạnh Tư Mã Dĩnh, nhất định ông ta có chủ ý của mình, chúng ta chỉ cần tuân theo mệnh lệnh là được."

Cổ Li cảm thấy lời này có lý nên gật đầu rồi nhìn A Diệu: "Không ngờ ông ta lại để huynh lấy danh nghĩa của Lưu Thông mà hành động, chuyện này đối với huynh mà nói trái lại là chuyện tốt."

A Diệu không trả lời. Lưu Uyên tính toán như thế nào, chuyện này đến cuối cùng là tốt hay xấu, với khả năng hiện giờ của chàng vẫn còn quá nông cạn để có thể nhìn rõ. Chàng chỉ có thể đi một bước tính một bước mà thôi.

A Lạc hỏi Cổ Li: "Thân phận bây giờ của cô là gì?"

Cổ Li khẽ hừ một tiếng, nói cho qua loa: "Là vũ cơ của Nhạc phủ."

Cổ Li không đề cập tiếp, A Diệu cũng không truy hỏi. Nhưng trong lòng chàng biết rõ, Cổ Li có thể tự do đi lại được trong cung nguyên do chính là Tôn Tú, hơn nữa Cổ Li đã sớm là sủng cơ nửa công khai của Tôn Tú. Nương thân với một đạo sĩ dung tục như vậy, sự hy sinh của Cổ Li thật sự đủ lớn.

A Diệu nhìn Cổ Li: "Cô......có trông thấy nàng ấy không?"

Cố Li lắc đầu: "Thành Kim Dung có đội quân hùng hậu canh gác, không ai có thể vào được. Nếu ta đề nghị gặp Hiến Dung chính là tự đâm đầu vào chỗ chết. Ta khuyên huynh không nên nhắc đến chuyện này trước mặt Tư Mã Luân, nếu không cẩn thận sẽ là họa sát thân." Nhìn thấy sự thất vọng trong mắt A Diệu, Cổ Li an ủi chàng: "Cũng may lời nói của huynh đã khiến Tư Mã Luân từ bỏ ý định giết nàng ấy, tạm thời huynh không cần lo lắng cho an nguy của Hiến Dung nữa. Cuộc quyết chiến tiếp theo giữa Tư Mã Dĩnh và Tư Mã Luân mới là điều chúng ta nên quan tâm."

A Diệu đưa mắt ra ngoài cửa sổ, bóng đêm phác họa từng tầng hư ảnh chồng chất ở phương xa. Giữa hai hàng lông mày của chàng giống như có lớp sương mù khiến người khác khó nhìn rõ được cảm xúc: "Chỉ cần còn sống thì còn hy vọng, không phải sao?"

*****

Đúng như dự đoán, Tư Mã Dĩnh đã dẫn quân từ Nghiệp Thành xuống phía nam dưới ngọn cờ của Thanh Quân Trắc, nghĩa là thanh trừ gian thần. Đại quân hai bên đã gặp nhau tại Triều Ca, là trung tâm của Lạc Dương và Nghiệp Thành. Dù Tư Mã Dĩnh có nhiều quân hơn, nhưng Tư Mã Luân lại chiếm được ưu thế thuận lợi. Thật khó để quyết định kết quả chỉ trong một thời gian và tình thế đã rơi vào bế tắc.

Vào tháng ba những cơn gió ấm áp thổi vào người, tơ liễu cũng bay tán loạn theo gió. Nhưng người dân Lạc Dương lại không có tâm trạng để du xuân, lòng ai cũng hoang mang lo sợ, không biết khi nào cuộc vây hãm khủng khiếp sẽ kéo đến. Trong bầu không khí ngột ngạt kiềm nén như vậy, A Diệu lại gặp được Hiến Dung một lần nữa.

Ngày đó, chàng đang trực ở cửa cung, xa xa nhìn thấy một đám người đang vây quanh một người đi tới. Điểm trung tâm bị vây quanh chính là thân ảnh dịu dàng thướt tha mà chàng không thể quen thuộc hơn, vạt váy dài chấm đất, tay áo buông rủ đến đầu gối, dung mạo xinh đẹp ưu nhã cùng với dáng vẻ thanh bạch tựa như dòng nước trong như ánh trăng sáng. Ánh nắng vàng hôm ấy chiếu lên làn da nàng một tông màu ấm áp, làm giảm bớt đi phần nào vẻ nhợt nhạt trên gương mặt nàng, càng khiến nét đoan trang yêu kiều của nàng lộ rõ hơn.

Tim A Diệu đập mạnh kịch liệt, chàng không nhịn được tiến lên một bước thì bỗng nhiên bị người nào đó tóm lấy. Chàng quay lại thì thấy A Lạc đang nắm chặt cánh tay mình, huynh ấy lắc đầu rất nhẹ, ánh mắt đầy cảnh báo. A Diệu chợt tỉnh ngộ, cố nén lùi lại một bước, nhưng ánh mắt lại không khỏi nhìn chằm chằm Hiến Dung.

Hiến Dung cũng nhìn thấy chàng, bước chân nàng đột nhiên dừng lại. Ánh mắt của nàng ngay lập tức ngưng tụ, tập trung hoàn toàn trên gương mặt chàng. Mọi thứ xung quanh đều trở thành hư ảnh, chỉ còn lại Hiến Dung và A Diệu im lặng nhìn nhau. Một cái nhìn này đáng giá cả vạn năm. Họ đã không gặp nhau hơn ba tháng kể từ khi chia tay vào đêm trước lễ sắc phong. Chàng vẫn đẹp như vậy, với đôi lông mày lưỡi mác đen rậm và thon dài gần đến thái dương, ánh mắt thì sáng ngời và sâu thẳm như hắc diệu thạch. Điểm khác biệt duy nhất là khuôn mặt chàng phong trần hơn một chút, ngược lại điều này đã mang đến cho chàng một khí chất anh tuấn uy vũ khác.

Nàng bị nội thị áp giải khẽ đẩy đi, suy nghĩ của nàng lại quay về hiện tại. Nàng tiếp tục cất bước về phía trước, mỗi bước đi là một sự bàng hoàng, dường như từng bước chân của nàng không còn thuộc về nàng nữa. Khoảnh khắc nàng bước vào cửa cung và đi ngang qua chàng, nàng chợt nhớ lại lần đầu tiên họ gặp nhau. Nhân sinh nếu chỉ như lần đầu gặp gỡ thì sẽ thật tốt biết bao. Dù hiện tại hai người chỉ cách nhau một khoảng cách ngắn ngủi nhưng họ đã bị chia cắt bởi những biến đổi lớn lao của cuộc đời với muôn vàn vướng mắc và yêu hận không thể phân biệt, khoảng cách khổng lồ này không có cách gì vượt qua được nữa.

Hai người cứ thế lướt qua nhau, không thể giao tiếp bằng bất cứ thứ gì ngoại trừ ánh mắt. A Diệu nắm chặt thanh kiếm dài ở thắt lưng vì không có nơi nào để trút ra, suýt chút nữa chàng đã làm gãy cả chuôi kiếm. Chàng phải cố gắng áp chế bản thân đến mức nào mới có thể kìm nén ý muốn rút kiếm tiến lên, hiện giờ xung quanh nàng không chỉ có đám nội thị thân tín của Tư Mã Luân mà còn có hàng chục cấm vệ quân. Chắc chắn nàng đang đến gặp Tư Mã Luân. Thấy nàng gặp nguy hiểm ở phía trước, nhưng chàng lại không thể làm gì được!

A Diệu tức giận đến mức không để ý rằng A Lạc cũng đang nhìn Hiến Dung chăm chú. Sự phức tạp trong mắt hắn không kém gì A Diệu, nhưng hắn chỉ có thể ngấm ngầm chịu đựng và kìm nén gấp bội.

Khi Hiến Dung đối mặt với Tư Mã Luân, tinh thần nàng vẫn chưa hoàn toàn tỉnh táo nên chỉ im lặng đứng trước cái gọi là hoàng đế, nàng không thi lễ và càng không có một câu kính ngữ. Vốn dĩ, cảnh tượng này cũng đã hết sức gượng gạo rồi, "Hoàng đế" bảy mươi tuổi đối mặt với "Thái thượng hoàng hậu" mười tám tuổi, rốt cuộc là ai nên kính ai đây? Dứt khoát miễn lễ nghi với xưng hô luôn đi, cứ nói thẳng ra với nhau cho xong.

Và Hiến Dung không ngờ rằng mục đích Tư Mã Luân gọi nàng tới đây là để nàng đầu độc Tư Mã Tang! Cái đầu heo này rốt cuộc đã chứa bao nhiêu nước vậy? Trong thiên hạ này, Dương Hiến Dung nàng chính là người không muốn Tư Mã Tang chết đi nhất! Nàng chấn kinh hồi lâu, lồng ngực không khỏi phập phồng lên xuống, khó khăn lắm nàng mới kiềm chế được cơn tức giận: "Thứ lỗi cho ta khó tuân theo mệnh lệnh này, ta không thể sát hại một đứa trẻ!"

Tư Mã Luân đã đoán trước được câu trả lời này, ông ta thản nhiên mỉm cười, trên khuôn mặt như quả bưởi phơi khô của ông ta hiện lên một nụ cười kỳ dị: "Hiện tại Thái thượng hoàng hậu không thể làm gì được cũng không sao, sau này người tự nhiên sẽ thông suốt thôi. Đến lúc đó, trẫm có nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm và cần nhờ cậy vào Thái thượng hoàng hậu."

Cuộc nói chuyện kết thúc một cách khó hiểu, Hiến Dung bị đưa về lại thành Kim Dung với đầy sự hồ nghi. Cuối cùng mưu đồ của Tư Mã Luân là gì? Ông ta gọi nàng đến nhưng chỉ nói vài lời vô ích này thôi sao? Mí mắt Hiến Dung giật giật, nàng luôn có một dự cảm không lành. Khi đi qua cửa cung, nàng lại nhìn thấy A Diệu, lần này hai người đã sớm chuẩn bị tâm lý, có thể che giấu tốt hơn những dao động trong nội tâm và không còn nhìn thẳng vào nhau nữa.

A Diệu vốn rất lo lắng cho nàng, nhưng khi nhìn thấy nàng bước ra ngoài bình an vô sự, trái tim treo lơ lửng của chàng mới buông xuống. Nhưng rốt cuộc Tư Mã Luân đã nói gì với nàng, tại sao trông sắc mặt nàng khó coi như vậy?

Hiến Dung vừa bước vào thành Kim Dung thì đột nhiên nhìn thấy Xuân Nhi chạy về phía mình, nàng ấy thở hổn hển cùng sắc mặt nhợt nhạt: "Tiểu thư, mau đến xem Tang nhi đi. Tang nhi ngất xỉu và sùi bọt mép rồi!"

Hiến Dung sửng sốt, vừa vội vàng chạy theo Xuân Nhi đến tẩm điện, vừa hỏi thăm tình hình. Bữa trưa hôm nay còn chưa đưa đến, Tang nhi kêu đói, Chiêu Nghi Vương Lương Mỹ đã đến gặp Tang nhi và đưa cho Tang nhi một miếng bánh, Tang nhi ăn xong không bao lâu thì xảy ra chuyện!

Hiến Dung lập tức hiểu ra mưu đồ đích thực của Tư Mã Luân khi triệu kiến nàng, cuộc nói chuyện tưởng chừng như vô nghĩa đó, hóa ra lại là kế điệu hổ ly sơn!

Nàng xông vào phòng ngủ, nhìn thấy Tư Mã Tang đang nằm trên giường, thân thể co giật kịch liệt, mấy cung nữ bên cạnh cũng đều bất lực. Hiến Dung mở mí mắt Tang nhi ra xem, hai mắt đứa trẻ đã trắng bệch. Tiếp đó, nàng mở miệng Tang nhi ra, vết máu trong miệng đã chuyển sang màu đen trông rất đáng sợ. Hiến Dung vội tháo trâm bạc trên đầu xuống, rồi dùng đầu nhọn lấy ra một ít cặn bã trong miệng Tư Mã Tang, chiếc trâm bạc lập tức cũng chuyển thành đen.

Hiến Dung tức giận nhìn về phía các cung nữ: "Không phải ta đã dặn dò các ngươi rồi sao, ngoại trừ ta ra, bất cứ ai cho Tang nhi thứ gì cũng không được nhận mà?"

Các cung nữ co rúm người trốn vào trong góc, có một người run rẩy quỳ xuống: "Vừa rồi Vương Chiêu Nghi lại tới thăm Thái tôn, nô tì nhất thời không để ý tới. Đến khi nô tì nhìn thấy thì Thái tôn đã ăn gần hết miếng bánh rồi."

Một người khác mạnh dạn nói: "Vương Chiêu Nghi thường ngày vẫn đến vấn an Hoàng Thái tôn và Thái thượng hoàng hậu cũng đã cho phép......"

Hiến Dung không nói nên lời, nàng biết mình không thể trách các cô nương ấy. Từ ngày vào thành Kim Dung, một tay Hiến Dung đã lo liệu việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của Tư Mã Tang, Tư Mã Luân đã nhiều lần hạ độc trong cơm canh của Tang nhi nhưng đều bị nàng nhận ra. Tuổi tác của Vương Lương Mỹ cũng xấp xỉ với Thẩm Cẩm Tú, sau khi chịu khổ trong hậu cung nhiều năm như vậy, đến tuổi trung niên lại bị giam ở nơi đáng sợ này. Hiến Dung thương xót cho bà ta, nên mới cho phép bà ta tiếp xúc qua lại với Tư Mã Tang, cũng là để cho Tang nhi an ủi cuộc đời héo mòn tiều tụy không khác gì một cái xác sống của bà ta. Điều mà nàng cảnh giác nhất chính là Nhụy Nhi, người được Tư Mã Luân đưa vào cung và sắp xếp bên cạnh hoàng đế. Nhưng dù đề phòng chặt chẽ đến đâu, nàng cũng không thể nào phòng bị trước lòng người khó dò, cuối cùng chính kẻ không có cảm giác tồn tại nhất đã xuống tay hạ độc.

Xuân Nhi lấy pháp bảo đặc biệt từ trong tủ ra và bày trước mặt nàng. Hiến Dung từng phòng ngừa chu đáo, trước khi bị giam giữ, nàng đã chuẩn bị những loại thuốc thường dùng nhất, cất chúng vào đồ đạc tùy thân của nàng và mang vào thành Kim Dung.

Hiến Dung nhìn thoáng qua những bình lọ kia, nàng lo lắng lắc đầu: "Tang nhi trúng độc là do đoạn trường thảo, chúng ta cần dùng tro than và nước kiềm để giải độc. Nhưng tro than còn tương đối dễ tìm, chứ nước kiềm thì tìm ở đâu đây?"

Nước kiềm là thứ phổ biến nhất thường có trong bếp. Nhưng một ngày ba bữa của bọn họ đều là do bên ngoài đưa vào, còn phòng bếp thì trở nên vô dụng. Thuốc nàng mang theo có thể giải độc một cách lợi hại, nhưng cũng không thể đối phó được với loại độc thông thường này. Độc của đoạn trường thảo rất dễ giải, song độc tính lại cực lớn, không được chậm trễ canh giờ. Mắt thấy biên độ co giật của Tư Mã Tang càng lúc càng lớn, chắc chắn độc tính đã xâm nhập lục phủ ngũ tạng rồi.

Hiến Dung ôm Tư Mã Tang, nhìn đứa trẻ mềm mại đang nằm trong lòng mình. Sự co giật của Tang nhi ngày càng chậm và đồng tử cũng dần giãn ra. Nàng không có sức mạnh lớn lao để xoay chuyển được, giờ đây trong lòng nàng dâng lên sự bi thương khôn xiết. Nàng đương nhiên biết, khi sinh ra trong hoàng thất, sẽ phải gánh chịu vận mệnh mà người khác không phải gánh chịu. Nhưng đứa trẻ này thì có tội tình gì chứ, chỉ vì phụ thân là cựu Thái tử, tổ phụ thì lại yếu đuối bất tài nên phải chịu cảnh cùng hai người huynh đệ của mình lần lượt chết thảm từ khi còn nhỏ ư?

Hiến Dung ôm lấy đứa trẻ, nàng đau đớn lẩm bẩm: "Nguyện cho kiếp sau con sẽ không sinh vào vương thất."

*****

Chú thích:

- Lưu miện: mão vua có dây rũ xuống trước sau.





- Nhạc phủ: là cơ quan âm nhạc nổi tiếng nhất thời cổ đại Trung Quốc. Năm Nguyên Đỉnh thứ 5 đời Hán Vũ Đế (năm 112 trước công nguyên), Nhạc phủ được thiết lập. Nhạc phủ giống như đoàn ca múa nhạc ngày nay. Những người làm công tác chuyên nghiệp ở Nhạc phủ tiến hành thu thập và chỉnh lí, gia công dân ca của các vùng Triệu, Tần, Sở. Sau đó sẽ do Hiệp luật đô uý phổ thành khúc mới dạy cho nhạc nhân ca hát để Đế Hậu Vương phi, Công Hầu, cùng khanh tướng thưởng thức. Thời kì Nhạc phủ phồn thịnh nhất có đến hơn 800 nhạc công, đa phần họ là những âm nhạc gia, văn học gia và nghệ nhân dân gian của một ngành. Cơ quan âm nhạc này là sản vật văn hoá phát triển theo bối cảnh trình độ kinh tế đời Hán và đã phát triển đến một độ cao nhất định.

- Hắc diệu thạch: (Obsidian) còn gọi là đá vỏ chai. Loại đá này được hình thành bởi những dòng dung nham trong núi lửa. Các dung nham felsic phun trào ra từ núi lửa, sau đó nguội lạnh và kết thành các tinh thể rất nhỏ. Obsidian thường được tìm thấy ở rìa của các dòng dung nham rhyolit, vì thành phần hóa học của nó có nhiều silica, tạo ra độ nhớt và mức độ trùng hợp của dung nham cao. Những khu vực phân bố Obsidian nhiều nhất hiện nay: Nhật Bản, Ý, New Zealand, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Iceland,... Ứng dụng của đá Obsidian trong đời sống là: sản xuất dao phẫu thuật, đồ trang sức và vật phẩm phong thủy.





- Đoạn trường thảo: (Gelsemium elegans) còn gọi là lá ngón, là loài dây leo, thuộc họ hoàng đằng (Gelsemiaceae), lá đối mọc từng đôi, hoa hình phễu, 5 cánh màu vàng, mọc thành chùm ở đầu cành trông rất đẹp. Tuy đẹp là thế nhưng toàn bộ thân, rễ, hoa, lá của cây lá ngón đều có chất kịch độc. Vì thế người Trung Quốc gọi loài cây này là đoạn trường thảo, cỏ cắt ruột, ví cho sự đau đớn đến cực điểm.



*****

☆Truyện chỉ được chính chủ đăng ở hai nơi:

• Wattpad: @NhuocVu1911

• Wordpress.

*Những nơi khác mà đăng truyện này đều là hàng trộm.*


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui