Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm

Lăng Hoa Cương là một ngọn đồi cạo, rộng. Hai mặt Tây và Bắc là dốc dựng đứng. Phía Đông nằm sát một dòng sông tuy không rộng, nhưng rất sâu, nước chảy xiết, thuyền bè khó qua lại. Phía Nam là dải đất thoai thoải lên đến tận đỉnh. Mặt đồi rất rộng, bằng phẳng; gần mép đồi phía Bắc có một ngôi chùa cổ, không biết được dựng lên từ đời nào, ngôi chùa bỏ hoang đã từ lâu. Trước sân chùa rộng mênh mông là cửa Tam quan, nhưng nay chỉ còn là một đống gạch vụn đổ nát.

Từ giữa tháng Bảy, một bọn khoảng hai ngàn người, vũ trang bằng đủ loại khí giới, kéo về đây, mang theo rất nhiều vật dụng: cuốc, xẻng, búa rìu, và những hòm lớn sơn đỏ... Vừa đến nơi, ngay lập tức đốn hạ những cây lớn quanh sân chùa, dọn dẹp sân chùa quang đãng. Sân chùa được lót bằng những phiến đá lớn, tu sữa những nơi hư hỏng. Cả ngôi cổ tự trong, ngoài được quét dọn sạch sẽ; bàn thờ, tượng Phật Tổ cũng được sơn phết lại.

Chẳng bao lâu, hàng dãy nhà dài hai phía đông và Tây được dựng lên. Một khán đài to lớn xoay lưng sát cửa chùa, quay mặt về hướng Nam. Hai khán đài phụ, hợp với khán đài chính, thành hình chữ Môn. Chỉ trong vòng hơn tháng, quang cảnh đã đổi khác.

Khán đài chính ghi rõ nơi thủ tọa của các hảo thủ giang hồ, võ lâm đại phái; giữa là chiếc ghế bành, phủ da cọp trắng, sau lưng ghế, cắm một cây cờ nhỏ, đề: “Võ lâm Bạch đạo Minh chủ Thiếu Lâm Viên Nhẫn thần tăng”, về bên phải của chiếc ghế này là chỗ của “Võ Đang chưởng môn Dư chân nhân”, ghế được lót gấm quý. Cứ theo thứ tự, người ta đọc được những lá cờ nhỏ ghi chú “Nga Mi phái, Chưởng môn nhân Tâm Hư thần ni”, “Côn Lôn phái Chưởng môn nhân Hà đại nhân”, “Chưởng môn Không Động Chu đại hiệp”...

Bên tay trái của chủ tọa Viên Nhẫn thần tăng, một chiếc ghế màu vàng, phủ lụa vàng, với một lá cờ nhỏ ghi hàng chữ sắc như đao “Nam Thiên Nhất Tuyệt Kiếm, Đệ tứ đại Dương Phượng Thánh, Trần thiếu hiệp”.

Liên tiếp như thế về hai phía trái và phải, hàng trăm tên của các hảo thủ danh tiếng võ lâm Trung Nguyên và bằng hữu các dị tộc: “Bát đại danh gia, Nhị gia Thiên Hư đạo trưởng”, “Bát đại danh gia, Đại gia Hoạt Phật đại sư”, “Bát đại danh gia, Tứ gia Điền Hoành Thứ Lang, Đại hiệp Phù Tang chi bảo”, “Đại Lý, Hỏa Vân Kỳ Khách Tiêu Đại Hùng”, “Nhất Chưởng Trấn Giang Tây Bạch Khởi Hùng đại hiệp”, “Cửu Tiết Thần Côn, Cái bang trưởng lão, Quan Thiên Sách đại hiệp”... phía sau hàng ghế chính là các môn đồ của từng đại phái, đại gia.

Nơi khán đài phía Đông, một hàng chữ đề tổng quát: “Quang Minh pháp vương, Dương vương đồng thuộc hạ” cũng những hàng ghế tương xứng nhưng không đề tên.

Trên khán đài phía Tây, hàng chữ màu đỏ như lửa trên nền giải lụa bạch “Quang Minh đại biểu Thiện Thần Minh giáo chí tôn”.

Một chiếc ghế đầu hổ, kê trên bục cao, phủ lông điểu thử, và các hàng ghế thấp hơn, hai bên tả, hữu: Tả sứ Quang Minh thần giáo Trương thiếu hiệp, Hữu sứ Quang Minh thần giáo Phạm đại hiệp; rồi chức vị của Tứ đại hộ pháp vương: Tâm Thánh Vương, Trí Cự Vương, Tuệ Thức Vương, Đại Lực Vương, đến các Ngũ tảng nhân: Quang Minh tảng nhân Bạch Mi giáo chủ Hân Dã Vương, Quang Minh tảng nhân Lãnh Thiềm, và các chức sắc của giáo chúng Minh giáo: Chưởng kỳ sứ Hậu Thổ kỳ, Chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim kỳ, Chưởng kỳ sứ Liệt Hỏa kỳ, Chưởng kỳ sứ Cự Mộc kỳ, Chưởng kỳ sứ Hồng Thủy kỳ. Giữa sân là kỳ đài, lá cờ lớn bằng mươi chiếc chiếu, ghi hàng chữ chân phương: “Kình Dương đại hội”.

Chạy quanh rìa ngọn đồi, là một dãy lũy ôm lấy bờ Nam, lũy cao hai trượng, cắm cờ la liệt. Một tòa Thạch Môn được xây dựng, lợp ngói đỏ, bốn chữ đại tự thếp vàng rộng lẫy “Quang Minh Chí Tôn”, hai cánh cửa mở rộng, đá phiến lót từ cửa Thạch Môn, từng bậc xuống tận chân đồi.

Dưới chân đồi, cứ cách nhau chừng một trăm trượng đi lên, dựng những căn nhà nhỏ để tiếp và hướng dẫn quan khách, mỗi khách trạm có tám người phụ trách. Nơi đây thật quả là một địa điểm lý tướng cho một cuộc đại hội võ lâm. Quanh ngọn đồi rộng là rừng xanh, núi cao, sông sâu bao bọc, xa hẳn dân cư. Người được giao nhiệm vụ dựng xây và tổ chức là Chưởng kỳ sứ Hậu Thổ kỳ Lưu Tú Long, Cự Mộc kỳ Hàn Phi Hạc đôn đốc giáo chúng dựng đài, lót nền, làm đường, Nhuệ Kim Kỳ Ngô Quán Trung trách nhiệm nghi lễ đón tiếp, và Hồng Thủy kỳ Hoàng Phủ Liêm lo việc lương thực. Lão nhân Liệt Hỏa kỳ Nhan Bổn tổng quát việc bố phòng, những ống dẫn lửa Hỏa long, Hỏa hổ; cả địa lôi cũng được bố trí kín đáo ở những nơi hiểm yếu.

Tất cả giáo chúng trong Ngũ Hành kỳ ước chừng hơn hai ngàn người, được huấn luyện thành thạo cả về phương diện chiến đấu, lẫn những kỷ thuật sở trường của từng Hành kỳ.

Suốt gần hai tháng, công việc đã hoàn tất, bọn giáo chúng được phân phối di chuyển thiếp mời đến các môn phái, các đại gia. Tổng đàn phục hưng của Minh giáo tạm thời đóng tại lăng Hoa Cương trong thời gian Đại hội. Chức sắc của Minh giáo và thực lực giáo chúng quy tụ toàn bộ về nơi này.

Trường Cung Hoa từ Trường Bạch sơn về đây đã gần một tháng, chàng được Kiến Nghiệp đại sư mời giữ chức vị Quang Minh tả sứ thay cho Dương Tiêu. Chàng là người đôn hậu, nhân từ, vâng theo ý cha mình mà nhận lãnh địa vị này, tuy nhiên tin tức về Minh giáo Giáo chủ Trương Vô Kỵ vẫn giữ kín vì chưa tiện công bố.

Năm ngày trước Đại hội, Hữu sứ Phạm Dao hết sức bồn chồn lo lắng, vì hình tích của Nguyên Huân vẫn biệt tăm.

Buổi chiều, ông được phi báo, có Cửu Tiết Thần Côn Quan Thiên Sách đã đến. Phạm Dao đón họ Quan vào khách phòng. Nhìn y phục của Quan Thiên Sách bám đầy bụi đường, chứng tỏ ông đã trải qua một đoạn đường dài không nghỉ, liền hỏi :

- Quan huynh, có điều gì hệ trọng chăng?

- Tiểu đệ đã gặp người anh em họ Trần ở Yên Kinh.

Phạm hữu sứ mừng rỡ :

- Huynh có nhắn y về ngày giờ và địa điểm khai diễn Đại hội Kình Dương, cùng lời mời của bọn ta chăng?

- Tiểu đệ có nói rồi, y thật chẳng hay biết gì về tình hình của võ lâm cả!

- Bấy lâu nay y ở đâu?

- Trần thiếu hiệp bế quan luyện công suốt gần hai năm, không ra đến bên ngoài. Y đã luyện thành Sát Na Vô Lượng thần công!

Phạm Dao vui mừng hỏi thêm :

- Quan huynh chắc từ Yên Kinh xuống?

- Phải, tiểu đệ từ Yên Kinh tới đây. Chuyện động trời, Phạm huynh có biết không? Cũng vì thế mà tiểu đệ bất kể ngày đêm đến đây gặp Phạm huynh...

Phạm Dao cau mày hỏi :

- Chuyện gì vậy? Có liên quan tới Đại hội không?

- Có và không. Chẳng riêng gì Đại hội Kình Dương mà liên quan đến cả võ lâm nữa! Minh Thành Tổ đã chết trên đường từ Tuy Viễn trở về. Xác được đem về Yên Kinh rồi mới phát tang. Triều đình loan tin là bị bệnh giữa đường mà băng hà. Đại Thái tử lên tức vị, tức Minh Nhân Tôn, hôm rằm tháng tám. Việc này Phạm huynh biết rồi chứ!

- Việc Nhân Tôn lên ngôi đã có biết qua!

- Dương vương nhân cơ hội ấy, trình tâu với Nhân Tôn, là mọi điều đều do các nhân vật của võ lâm gây nên, y đã xin được điều động năm ngàn Ngự Lâm quân, Cẩm Y thị vệ, và hai trăm cao thủ, hỏa tốc kéo xuống Hà Nam, định bao vây Kình Dương đại hội, quyết hết trọn ổ một phen. Bởi thế tiểu đệ phải cấp báo với Phạm huynh để Phạm huynh định liệu. Đội quân Dương Tiêu thống lĩnh, chỉ trong vài ngày nữa là đến đây!

Phạm Dao lo lắng nói:

- Chuyện này quan trọng thật!

Nói xong, ông bước ra khỏi khách phòng. Một lát sau, toàn bộ chức sắc của Minh giáo đã tề tựu đông đủ. Phạm Dao thuật lại mọi điều Quan Thiên Sách cấp báo, rồi ông kết luận :

- Thiếp mời đã gửi đi, thời gian khai mở Đại hội đã kề cận, không thể làm thế nào khác được, các vị có ý kiến gì không?

Nhan Bổn nói :

- Ngày xưa Thiếu Lâm đại hội cũng bị Đệ lục Vương gia kéo quân vây hãm. Nhờ có Trương giáo chủ giải tỏa, việc đó Hữu sứ còn nhớ không?

- Ta nào có thể quên, nhưng tình hình hiện nay khác hẳn. Ngày ấy, tuy có bọn Lạt Ma giáo hỗ trợ, nhưng bản thân Triệu Vương và con trai y thì võ công tầm thường, nên Giáo chủ uy hiếp dễ dàng. Ngày nay, tình thế khác xưa, Dương Tiêu không là kẻ tầm thường, võ học y trong thiên hạ không người đối địch; không thể lấy kinh nghiệm từ trận vây hãm năm xưa mà suy luận được!

Nhuệ Kim kỳ Ngô Quán Trung nói :

- Có một điều là chúng ta không thể hoãn Kình Dương đại hội lại được, và vì danh dự, chúng ta càng không thể giải tán mà bỏ chạy, chỉ còn cách quyết chiến mà thôi!

Hậu Thổ kỳ Lưu Tú Long nói :

- Tại sao chúng ta không điều động Ngũ Hành kỳ đột kích, đánh ngăn chặn địch từ xa?

Trường Cung Hoa tả sứ lắc đầu :

- Năm ngàn Ngự Lâm quân và Cẩm Y thị vệ được điều động, chắc chắn đã được tuyển lựa, đó là một lực lượng hùng hậu, chưa kể đến bản thân Dương Tiêu, và hai trăm cao thủ. Lực lượng tấn công ít ra phải gấp ba lần thì mới có thể thủ thắng được. Nay ta với hai ngàn năm trăm tay kiếm của Ngũ Hành kỳ, cùng với địa hình bao quanh, chúng ta dựa vào đó mà phòng ngự, thì dẫu là năm ngàn kỵ binh, chưa chắc đã làm gì được! Còn nếu chúng ta lấy ít mà tấn công thì quả là bất lợi.

Hàn Phi Hạc, Chưởng kỳ sứ Cự Mộc kỳ, nói :

- Lấy đoản mà đánh trường, trong binh pháp đã từng, nay ta dùng kỵ binh, xuất kỳ bất ý mà tấn công, có thể thủ thắng được!

Hân Dã Vương, lắc đầu nói :

- Đó là xét theo khía cạnh một đạo quân bình thường. Đây lại là một đạo kỵ binh, được hỗ trợ bởi hai trăm cao thủ do Dương lão tà chỉ huy. Y là con cáo già, lẽ đâu y không biết điều đó, lại nữa, chiến thuật Ngũ Hành của Minh giáo ta, y còn lạ gì. Chúng ta mà khinh xuất, có khác nào trúng kế “Nhử rắn ra khỏi hang mà đập đầu”, ý kiến của Trường Cung tả sứ là đúng!

Lãnh Thiềm tức khí chen vào :

- Mặc kệ, chúng ta cứ đánh nhầu một chuyến, đến đâu thì đến; chẳng lẽ ngồi khoanh tay mà chịu chết!

Trường Cung Hoa mỉm cười :

- Dĩ nhiên chúng ta không thể khoanh tay chịu chết. Theo ý của ngu hạ, chúng ta phải bố trí lại việc phòng ngự. Nơi đây hai mặt là triền đồi dốc đứng, bọn kỵ binh không thể trèo lên từ hướng Tây bắc, nhưng bọn cao thủ của Dương Tiêu thì có thể đột nhập từ hai hướng dễ dàng. Riêng hướng Đông là dòng sông Cẩm Hà, vách cũng dựng đứng, chúng ta phải dự liệu đến chuyện rút lui. Phiền Hoàng Phủ huynh và anh em trong Hồng Thủy kỳ lo liệu thuyền bè, giấu kín một chỗ, phòng khi chúng ta phải rút, bọn quân triều không thể qua sông truy kích được!

Riêng về lực lượng của Đại hội, số cao thủ của chúng ta thì không đủ để chọi lại địch, nhưng nếu cộng thêm cao thủ các môn phái và hào khách, thì gọi là có thể tương đồng. Còn với hai ngàn năm trăm giáo chúng, vốn đã được huấn luyện về vấn đề phòng thủ, thì việc cầm chân năm ngàn binh triều xông lên núi, không phải là việc không làm được. Tuy nhiên, Hậu Thổ kỳ phải tức khắc đào ngay một con hào rộng, lấy nước ở Cẩm Hà vào. Nhớ là hào phải rộng, không cho địch phi ngựa phóng qua, và phải đủ sâu để người, ngựa sa xuống, dưới đáy hào cắm chông nhọn. Chúng ta bắc qua hào một chiếc cầu tạm, khi cần có thể phá bỏ đi!

- Việc này Lưu Tú huynh nghĩ sao?

Lưu Tú Long suy nghĩ, tính toán rồi nói :

- Chỉ với năm trăm giáo đồ trong Hậu Thổ kỳ thì không làm kịp công trình gấp rút này. Nếu điều động toàn bộ Ngũ Hành kỳ thì có thể hoàn thành kịp thời.

Hữu sứ Phạm Dao nói :

- Trường Cung tả sứ trình bày ý kiến hết sức xác đáng. Ngay bây giờ, Hồng Thủy kỳ lấy một phần ba số người làm thuyền bè, xong việc trong vòng ba ngày; còn tất cả, bất kỳ ai, đều phải tham gia công việc phòng ngự, các vị thấy thế nào?

Lãnh Thiềm nóng nảy nói :

- Đúng vậy, chúng ta phải tức tốc làm ngay mới được, không bàn cãi lôi thôi nữa!

Nói xong, đứng dậy ngay, bước ra ngoài; một thoáng đã có tiếng tù và tụ quân vang lên. Chưa đầy hai khắc trôi qua, đã có tiếng địa lôi nổ rầm trời. Liệt Hỏa kỳ đang dùng chất nổ phá đất đá, đào hào. Hoàng Phủ Liêm quay vào, gặp Phạm Dao, nói :

- Trình Phạm hữu sứ, sông Cẩm Hà tuy sâu nhưng không rộng, nước chảy xiết, thuyền bè qua lại khó khăn, thuộc hạ cho bắc cây cầu dây có được không?

- Cầu dây chỉ để xử dụng cho các cao thủ, nếu tất cả lực lượng rút qua bằng phương tiện này, e có thể bị đứt, vậy cứ phải tiến hành hai biện pháp. Ngũ Hành kỳ sẽ qua sông bằng thuyền bè, phần còn lại rút đi sau bằng cầu dây vậy!

Hoàng Phủ Liêm tuân hành, lui ra. Quay sang Quan Thiên Sách, Phạm Dao nói :

- Việc này ta đã có dự trù từ trước, nhưng không dè. Dương Tiêu mượn gió bê măng, điều động được cả một đạo quân triều đình đông như thế. Ta chỉ sợ, nếu đạo quân ấy đến trước ngày khai diễn Đại hội thì rất phiền, vì quần hào chưa kịp đến, đã bị chia cắt.

Quan Thiên Sách nói :

- Từ Yên Kinh tới đây rất xa, tiểu đệ phải đi ngày đêm không nghỉ nên đến sớm. Dương Tiêu không thể đem đạo quân của y tới trước ngày mười lăm được, Phạm huynh hãy yên lòng! Với những nỗ lực tối đa, chỉ trong ba ngày như dự tính, công trình đào hào đã hoàn tất, do ý kiến của Nhan Bổn dùng chất nổ phá đất đá, và giáo chúng Ngũ Hành kỳ làm đêm ngày không nghỉ.

Trưa ngày mười ba tháng chín, Phạm hữu sứ cho mở tiệc khao, một phần để mừng công trình phòng thủ hoàn thành, một phần là bồi bổ cho sức khỏe của mọi người đã hao kiệt. Minh giáo chỉ kiêng cử duy nhất là thịt heo, dù là heo rừng. Buổi tiệc kéo dài đến tận chiều. Các hảo thủ trên giang hồ đã lục tục kéo đến, có cả một số không được mời, những người này cũng thuộc giới Bạch đạo, họ tìm đến bởi ngưỡng vọng oai danh của Trương giáo chủ, cũng có người vì tò mò do tính cách quan trọng của Đại hội Kình Dương; Phạm hữu sứ đón tiếp và thết đãi ân cần.

Đến chiều ngày mười bốn, quần hào đã tới gần cả ngàn người. Trong số người đông đảo ấy, có những tay cao thủ tính tình quái dị, nửa chính, nửa tà, hành vi theo hứng mà làm, nhưng bản chất của họ là những con người chân thật, hào khí, phóng khoáng. Tất cả được tiếp đãi trọng hậu, không hề phân biệt.

Đoàn thám mã đi về nườm nượp, báo cáo từng chi tiết về cuộc chuyển quân của Dương Tiêu, cũng như các nhân vật của các môn phái. Sáng tinh mơ của ngày mười lăm, tiếng pháo nổ râm ran từ trạm khách tiền tiêu vọng lên, tiếng loa đưa truyền lên :

- Thiếu Lâm phương trượng thần tăng, cùng Thập Bát Kim Cương La Hán tới!

- Võ Đang chưởng môn nhân Dư đại hiệp, cùng Võ Đang thất kiếm tới!

- Nga Mi chưởng môn nhân Tâm Hư thần ni cùng môn đệ tới!

Phạm hữu sứ, Trường Cung tả sứ dẫn các chức sắc của Minh giáo xuống tận chân đồi đón rước. Hai bên cung kính vấn an, Trường Cung Hoa đến trước Dư chân nhân quỳ lạy :

- Hài tôn xin tham kiến Thái sư bá!

Dư Liên Châu đỡ Cung Hoa dậy, ông mừng ro kêu lên :

- Ôi con giống Vô Kỵ năm xưa như tạc. Cha con đâu?

- Cha con có đến không?

Cung Hoa cúi đầu thưa :

- Kính trình Thái sư bá, Gia gia hài tôn không đến được, mong Thái sư bá hiểu cho! Cha con cho con thay mặt người để cung nghinh Thái sư bá và các vị Thúc, Bá!

Các môn đồ Võ Đang sơn từ lâu vẫn nghe uy danh chấn động võ lâm của Trương Vô Kỵ, chỉ riêng có Thanh Phong, Minh Nguyệt là biết mặt người sư đệ lừng danh ấy, nên nghe Cung Hoa nói chuyện cùng Dư chân nhân, biết chàng là hài tử của Vô Ky, tất cả vây lấy chàng, ân cần hỏi han hết sức thân ái. Thanh Phong thương yêu nhìn chàng hỏi :

- Cung Hoa, năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

- Năm nay cháu vừa đúng hai mươi lăm.

Minh Nguyệt chen vào :

- Cha cháu dốc túi chân truyền võ công cho cháu, cháu lĩnh hội đầy đủ không?

- Thưa Bá phụ, tư chất hài nhi tối tăm, nên sợ phụ lòng nong mỏi, trông chờ của các vị Thúc bá!

- Cháu tới đây đại diện cho cha cháu chăng?

- Thưa không! Cháu nào dám thế!

Mọi người vào khách phòng nghỉ chân, dùng trà. Phạm Dao trình bày sơ lược việc Thành Tổ đột ngột băng hà, Nhân Tôn lên ngôi, và Dương Tiêu hiện đã dẫn hai trăm cao thủ, năm ngàn kỵ binh, đang trên đường đến lăng Hoa Cương. Viên Nhẫn thần tăng nghe xong, nói :

- Mô Phật! Việc này bần tăng cũng có dự đoán, nhưng không dè nó lại có qui mô lớn như vậy. Sở dĩ bần tăng và chư vị bằng hữu đến tham dự Đại hội Kình Dương, một phần là muốn nhân cơ hội, giải quyết một cách hòa bình những bất ổn của võ lâm và hòa giải những hiềm khích, tránh cho võ lâm Trung Nguyên một phen tanh máu, sắp xếp lại trật tự giang hồ. Nhưng không ngờ tình hình lại biến chuyển sang một hướng khác, hết sức bất lợi như vậy, bần tăng lấy làm lo âu lắm!

Dư chân nhân lên tiếng tiếp :

- Bần đạo đã trên ba chục năm không đi lại giang hồ, và Võ Đang phái cũng không muốn dây dưa vào những chuyện thị phi. Nhưng xét rằng Dương Tiêu gần đây đã lộng hành quá mức, tự xem mình thiên hạ vô địch. Mục đích của y là muốn thống lĩnh toàn bộ võ lâm thiên hạ, lên làm Minh chủ, nhằm mưu đồ chuyện lớn hay chỉ để thỏa lòng tự hào mà đẩy võ lâm vào chỗ tương tranh, phân hóa. Chính ngay bản phái, y cũng không tha, nên chẳng thể ngồi yên một chỗ! Nay sự thể đã vậy, chúng ta không thể bỏ mặc Minh giáo cáng đáng được. Việc này, tuy là chuyện có tính cách nội bộ của Minh giáo, nhưng xét ra, nó liên đới không nhỏ đến tương lai và tiền đồ võ lâm chúng ta. Dẫu thế nào, Võ Đang sơn của bần đạo cũng không thể bỏ đi được!

Viên Nhẫn thần tăng nói :

- Dư chân nhân xét đoán rất đúng, nhưng dẫu sao, đưa võ lâm vào cơn họa kiếp, bần tăng lòng dạ xót xa lắm, chứ chẳng phải vì hiểm nguy mà từ nan!

Tâm Hư sư thái nói :

- Mọi điều trong trời đất, mọi sự kiện đều có căn nguyên, có cội rễ; nay cứ rễ mà trừ, mọi việc đều xong cả!

Viên Nhẫn thở dài :

- Nhưng cái rễ này thật là khó bứng, võ công của Dương vương đã đến chỗ hoàng viễn, trong chúng ta đây e rằng không ai là địch thủ của y; mà cương vị chúng ta, không cho phép ta liên thủ giao đấu. Hơn nữa, Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp của y, chuyên chủ khắc chế sự liên thủ giao tranh, y sẽ là người đứng giữa, chuyển đòn của người này sang người khác, kéo đòn của người nọ sang người kia, cuối cùng sức lực y chẳng phí bao lăm. Cứ xem trận giao đấu năm xưa trên Quang Minh đỉnh, giữa Trương giáo chủ và quần hào thì biết. Ngày ấy, Trương giáo chủ còn trẻ, vậy mà khi bị trọng thương mê man, gần như bất tỉnh, vẫn hóa giải được độc chiêu của Không Động nhị lão, nhị lão ra chiêu mà cứ như đánh vào nhau. Thật là khó nghĩ!

Phạm Dao nói :

- Điều mà Thần tăng vừa đề cập đến, quả là như vậy! Lão phu đã có lần liên thủ với Sư thái đây, ngăn chặn y, để cứu cho một người tuổi trẻ, thì điều đó quả đúng! Lão phu trước đây có học được hai lớp trong Đại Na Di tâm pháp, chỉ mới bước qua được Càn Khôn, chưa qua được lớp Đại Na Di; nhưng cũng may, Dương Tiêu y cũng chưa với tới được Tâm pháp.

Dư chân nhân nói :

- Biết đâu, nếu y thấu đáo được tâm pháp, thì cái tâm của y đã chẳng vọng động!

Tâm Hư sư thái quay sang hỏi Phạm Dao :

- Phạm lão tiền bối, tin tức của Nguyên Huân thế nào?

Từ khi khai mở Đại hội Kình Dương, ổn định lại Minh giáo, Kiến Nghiệp đại sư đã tạm thời rời bỏ tăng bào, mặc y phục của Minh giáo để giữ đúng chính danh, nên Tâm Hư sư thái mới xưng hô như vậy.

Lão phu quả đã biết được tin tức của y qua Quan Thiên Sách. Y nói thế nào cũng tới, chắc có điều chi trễ nãi đây!

Dư chân nhân nói :

- Nguyên Huân là một trang tuấn kiệt, tính tình nhân hậu và chí tình, văn võ toàn tài. Ngày ở Võ Đang sơn trên một năm, bần đạo biết y rất rõ. Y mang trong người rất nhiều tuyệt học võ công của thiên hạ, có điều công phu hỏa hầu thì chưa đủ. Nay y đã luyện thành Sát Na Vô Lượng thần công. Công phu này chỉ nghe kể lại, nên không rõ uy lực thế nào. Nhưng bằng vào công phu bản thân, y luyện đến mức viên mãn, thì võ công của y cũng chẳng thua gì Dương Tiêu!

Tiếng ồn ào từ ngoài khán đài vọng tới, mỗi lúc một náo nhiệt thêm. Tiếng chào hỏi, tiếng xướng danh những nhân vật võ lâm tên tuổi vừa đến của Ngô Quán Trung, vang lên liên tục, tiếng vỗ tay chào mừng như sấm dậy, nhất là khi nghe xướng danh Hoạt Phật đại sư, Thiên Hư đạo trưởng, Điền Hoành Thứ Lang trong Bát đại danh gia.

Đến giữa giờ Thìn, mặt trời lên khỏi ngọn cây, tiếng pháo nổ rộn rã báo hiệu giờ Hoàng đạo. Phạm hữu sứ đứng dậy mời Viên Nhẫn thần tăng, Dư chân nhân, Tâm Hư sư thái cùng mọi người ra lễ đài. Đoàn người do Hữu sứ hướng dẫn, vòng về phía Nam, từ dãy nhà phía Tây sau lưng khán đài chính, theo con đường lát đá đi vào sân.

Tiếng của Ngô Quán Trung vang vang mời Minh chủ võ lâm, Thiếu Lâm phương trượng Viên Nhẫn thần tăng, Chưởng môn đại phái Võ Đang Dư chân nhân, Chưỏng môn Nga Mi đại phái Tâm Hư sư thái, cùng các chức sắc, quần hào cao trọng vào chủ tọa khán đài... Tiếng pháo nổ, tiếng vỗ tay rộn lên như sấm.

Ở khán đài phía Đông, dành cho Quang Minh Dương vương vẫn trống vắng... Ba vị Môn chủ của ba đại phái, đứng giữa đài, vòng tay hành lễ ra mắt, chào mừng Kình Dương đại hội với lời lẽ ngắn gọn và khiêm tốn. Tiếng pháo đã dứt, mọi người đã yên vị. Tiếng Ngô Quán Trung vang lên lồng lộng trong gió:

- Giờ Hoàng đạo đã điểm, mở đầu cho Đại hội, xin phép chư vị anh hùng cho Ngũ Hành kỳ Minh giáo chúng tôi được trình diện trước chư vị!

Tiếng bước chân chuyển rầm rập, hai ngàn năm trăm giáo chúng, áo trắng, với ngọn lửa đỏ trên ngực, theo chân các Chưởng kỳ sứ, thứ tự xếp hàng ngay ngắn trước khán đài trên sân chùa rộng. Năm đạo, mỗi đạo đứng sau cây đại kỳ mang từng chữ riêng biệt: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, với vũ khí khác nhau mang trên vai, Kim đeo kiếm, Mộc đeo đao, Thủy mang trường thương, Hỏa mang đoản kích, Thổ mang đại phủ (búa). Tất cả đứng im như tượng!

Phạm Dao ngước mắt lên kỳ đài, lá cờ trắng lớn khổng lồ, giữa là một ngọn lửa đỏ rực, phần phật trong gió. Phạm hữu sứ bước lên một đài cao, đối diện với khán đài, ông đứng một phút nhìn khắp. Tướng người Hữu sứ cao to, mặc bộ y phục Minh giáo trắng tuyền chạy chỉ kim tuyến, ngọn lửa đỏ thêu trên ngực như đang bốc cháy. Ông vòng tay cúi đầu chào mọi người, đợi cho tiếng vỗ tay lơi bớt, ông cất tiếng như sấm dậy :

- Hôm nay nhằm ngày lành, Minh giáo chúng tôi khai mạc Đại hội Kình Dương, ra mắt cùng chư vị anh hùng, bằng hữu giang hồ trong võ lâm. Thay mặt Trương giáo chủ, vì một lý do đặc biệt không thể có mặt hôm nay, Trương giáo chủ đã cho trưởng tử của Người là Trường Cung Hoa, trong chức vị Tả sứ, thay thế Dương Tiêu, ra mắt và làm lễ tương kiến chư vị anh hùng...

Cung Hoa bước lên đài, đứng bên Phạm hữu sứ. Phong mạo chàng uy nghiêm nhưng đôn hậu, chiếm ngay được cảm tình của mọi người, tiếng vỗ tay lại vang lên nồng nhiệt, tiếng vỗ tay như đón chào một hình ảnh của Vô Kỵ ngày xưa. Cung Hoa cảm động, chàng vận công lực, đưa âm thanh tiếng nói vang xa :

- Kính thưa chư vị tiền bối, cùng với toàn thể anh em quần hào. Phụ thân của vãn sinh vì một lý do riêng, không đến đây làm lễ hội kiến cùng chư vị ngày hôm nay, vãn sinh được lệnh Gia phụ sai chuyển lời kính cẩn chào mừng và vấn an đến từng vị tiền bối, trưởng thượng cùng toàn khắp chư vị anh hùng bằng hữu, cộng thêm lời xin chư vị miễn thứ cho sự vắng mặt bất đắc dĩ của Gia phụ!

Nói xong, chàng vòng tay cúi đầu, hướng khắp mọi hướng xá một xá. Phạm Dao lần lượt giới thiệu các chức sắc của Minh giáo, cuối cùng ông nói :

- Kính thưa cùng chư vị: Lẽ hưng, thịnh bao giờ chẳng có, nay Minh giáo chúng tôi gặp buổi suy vi, đã hai phen thăng trầm, trôi nổi. Lần đầu, Dương giáo chủ đời thứ ba mươi chín tuyệt tích, Dương Tiêu nắm quyền thống trị, đã đưa Minh giáo vào con đường sa đọa, tà ma, đắc tội cùng thiên hạ. Đến khi Trương giáo chủ đời thứ bốn mươi, lấy lại được chính khí, chấn hưng được uy danh, đã vực Minh giáo lên từ vực tối lên. Nhưng vì lòng người tham bạo, đa đoan, mất cả ân nghĩa; do đó Trương giáo chủ chán nản lòng người, bỏ đi quy ẩn, thoắt chốc đã gần ba mươi năm. Một lần nữa, Dương Tiêu, dựa vào thế lực Triều đình, biến Minh giáo thành công cụ bạo tàn, gây nên trăm mối tai ương, đắc tội cùng đồng đạo giang hồ. Tội lỗi ấy chẳng thể dung tha lần nữa. Bởi thế Trương giáo chủ chúng tôi không thể ngồi yên làm ngơ, và Minh giáo đã tổ chức Đại hội hôm nay, nhằm những mục đích sau đây :

Thừa mệnh Giáo chủ, khai trừ Dương Tiêu và đồng bọn ra khỏi Minh giáo.

Tổ chức và ổn định lại Minh giáo, chấn hưng và hoằng bá chủ trương của Minh giáo; lấy Quang Minh làm nền tảng, lấy cứu khốn phò nguy làm phương châm hành sự, lấy yêu thương làm tâm hồn. Từ nay, giáo chúng Minh giáo đi lại giang hồ, có làm điều gì sái quấy, miễn là có bằng chứng, xin liệt vị anh hùng cứ ra tay trừng trị, để Minh giáo chúng tôi đời đời giữ được chủ trương: “Quang Minh đại biểu Thiện Thần”, ơn đức ấy chúng tôi không dám quên.

Mục đích thứ ba của chúng tôi hôm nay là đòi Dương Tiêu đến hội kiến cùng chư vị, lấy lời phải mà cảm hóa, nếu y nghe ra thì thật là phúc trạch cho võ lâm. Y phải giải tán tức khắc bọn thuộc hạ, với những hành vi, chủ đích tàn độc của y, tạ lỗi cùng chư vị anh hùng thiên hạ dứt bỏ mọi mưu toan khuấy động võ lâm.

Đó là những điều mong mỏi. Còn nếu hôm nay, y vẫn giữ lòng hung bạo; Minh giáo cùng bằng hữu anh em đồng đạo, chúng ta có bổn phận và có quyền trị, diệt tận căn. Đó là những lời tâm huyết xin thưa!

Cùng lúc với tiếng hoan hô, tiếng vỗ tay vang dậy một góc trời; những tiếng pháo cực đại từ xa, nổ lớn, chấn động cả mặt đất, bụi khói bốc cao mịt mù, từ bìa rừng dưới chân đồi, trước mặt khán đài chính nhìn xuống, một hàng quân kỵ binh đã dàn hình chữ nhất đông nghẹt... Số quân này ước trên năm ngàn người, và đứng trước đoàn quân, uy nghi một chiếc kiệu to lớn, do tám lực sĩ khiêng trên vai, xung quanh là sáu nhân vật cỡi ngựa đi kèm.

Nối tiếp sau lưng kiệu, cả một rừng màu sắc sặc sỡ: vàng, đỏ đen, tím, xanh, nâu, trắng, ước khoảng hai trăm tên ngồi trên lưng ngựa theo đội ngũ sắc màu. Một rừng gươm đao phản chiếu lấp lánh dưới bầu trời nắng tươi.

Tiếng chiêng trên đồi nổi lên dồn dập, Ngũ Hành kỳ lạnh lùng tỏa ra, vào các vị trí chiến đấu. Không khí cực kỳ căng thẳng nhưng không chút xao động, có chăng là những ánh mắt phẫn nộ chăm chăm nhìn xuống chân đồi. Một tiếng pháo lệnh nổ vang, đoàn kỵ binh rùng rùng chuyển động. Chiếc kiệu và toán người ngựa áo màu chuyển thành hàng dọc, từ từ tiến sát chân đồi, ngừng một lát rồi tiếp tục tiến lên. Tiếng loa truyền vọng đến :

- Minh triều Quang Minh pháp vương, Dương thiên tuế đến...

Trong đám bọn áo màu, tiếng đàn sáo, kèn hiệu cất lên, phụ họa cho lời loa truyền. Cổ kiệu tiến thẳng lên ngọn đồi, vượt qua Thạch môn, và tiến vào sân chùa, dừng lại trước khán đài chính. Chiếc kiệu sơn son thếp vàng, rèm châu phủ che, thấp thoáng bóng người ngồi, nhưng rất lâu, không thấy người ấy bước ra. Tiếng xôn xao căm phẫn của quần hào nổi lên. Trong đám bọn áo màu, có bốn người tách khỏi hàng, đến trước kiệu, trải xuống một tấm thảm màu đỏ, và một cuộn gấm dài được trải tiếp từ tấm thảm đỏ, kéo thẳng đến khán đài ở phía Đông. Một tên, đến chiếc ghế chạm trổ đã đặt sẵn trên đài, phủ lên ghế một tấm da lông điểu trắng muốt, cực quý giá.

Kiệu đi vào giữa tấm thảm, từ từ hạ xuống. Sáu người, ăn mặc quái dị, trong đó có một nữ nhân tuổi chừng bốn mươi, mặt hoa da phấn, đôi mắt lóng lánh như thu ba, đầy vẽ dâm đãng. Tất cả mọi người đều nhận ra, đó chính là Giáo chủ Tiêu Dao giáo của Miêu tộc, Bành Dục nương nương. Năm tên còn lại, chính là cặp vợ chồng Âm Dương song hung, Tâm Xà Lang Quân Mã Cốt Ngạc, Tây Vực Mộ Khuyết thần tăng, và một tên không rõ lai lịch. Sáu tên ma đầu đứng dàn hàng, mặt quay về phía khán đài chính, dọc theo đường gấm trải.

Từ trong kiệu, một bàn tay thò ra, vén rèm châu. Dương Tiêu bước ra khỏi kiệu, râu năm chòm phất phơ trước gió. Bộ võ phục trắng múa chạy chỉ vàng, giữa ngực, một con ó đen xòe cánh với những hạt châu đính long lanh. Thân hình dong dõng cao, khoác chiếc khăn choàng rộng màu đỏ rực, phía trong lót nền đen tuyền, y đứng im, ngửa mặt nhìn khắp, miệng mỉm cười khinh thị.

Cặp mắt quét tia nhìn như điện chớp, lóe ánh tinh quang như mắt mèo trong đêm tối, y nhìn nhanh hai lên hai khán đài và y tinh mắt nhận ra tức khắc: Trên khán đài chính, một chiếc ghế kê bên trái Viên Nhẫn thần tăng vẫn còn để trống, và chiếc ghế chạm đầu cọp bên khán đài phía Tây, kê cao hẳn mọi chiếc ghế khác: không có người ngồi. Bất giác y cất tiếng cười: Ha... Ha...!

Trong bầu không khí khô đặc, nặng nề, tiếng cười của y cất lên làm cây lá xao động, chim muông vỗ cánh bay tan tác; người có công lực non yếu, cảm thấy hai màng tai lùng bùng, nhói buốt. Tiếng cười cứ thế tuôn ra ha hả không dứt, ngay sau đó, sáu tên đại ma đầu, không hẹn, cũng cất tiếng cười theo như điên dại, tạo thành như một sự khinh thị. Những tiếng cười như quyện vào nhau, xoắn lấy nhau, âm thanh như những mũi tên bắn vào tai chủ vị hào khách. Nhiều người phải vận công để chịu đựng, nhất là đám khách không mời mà đến, công phu non kém, phải bưng chặt lấy tai.

Một tiếng gầm từ trên khán đài chính. Tiếng gầm như long ngâm cất lên, tiếng gầm như của cọp báo, mạnh như thác vỡ, tỏa rộng thanh âm cùng khắp bốn hướng; nhưng lạ thay, tức khắc, mọi người cảm thấy nhẹ nhõm. Âm thanh như cọp rống quyện lấy tiếng cười nhức buốt như sát phạt và hóa giải. Tiếng gầm nồm nồm không dứt từ miệng của Viên Nhẫn thần tăng...

Viên Nhẫn phương trượng đã phải xử dụng đến Sư Tử Hống, một công phu tối thượng của Phật gia, để hóa giải Thiên Ma tiếu công của bọn ma đầu. Thanh âm tiếng cười của Dương Tiêu vẫn cất cao, cao ngất trong khi tiếng cười của bọn Ma giáo đã tắt ngấm. Tiếng rống từ Viên Nhẫn cũng vút theo, như quyện lấy nhau trên không trung tít tắp rồi dần mất hút...

Dương Tiêu quay ngoắt người bước lên khán đài, sáu tên ma đầu bước theo; đồng thời bọn áo màu chia ra làm ba mươi toán, mỗi toán bảy người, bảy màu khác nhau, cũng bước lên theo, chia nhau thứ tự ngồi xuống.

Viên Nhẫn thần tăng bỗng thoáng thấy từ khán đài phía Đông, một luồng khói mỏng xanh nhạt, khó nhìn ra, thoát từ tay áo của Bành Dục, Giáo chủ Tiêu Dao, nhằm về khán đài chính bay đến. Một mùi tanh bốc lên thoang thoảng trong không khí... Cùng lúc ấy, có tiếng quát từ nơi khán đài phía Tây, tiếng quát của Trường Cung Hoa :

- Tâm Ty Cổ Độc trùng!

Thoáng nghe đến Tâm Ty cổ độc trùng, mọi người đều rùng mình, sởn óc. Đó là loại độc trùng có cánh rất nhỏ, mắt thường không thấy được. Nếu một số lượng nhiều được phóng ra, sẽ có một màu xanh lơ rất mỏng, nhưng cũng may là loại trùng này không giấu được mùi chúng tiết ra, hết sức tanh tưới nhờ thế, mới có thể phát giác ra chúng được. Người trúng loại độc trùng này, trong bảy ngày, chúng đã len vào lục phủ ngũ tạng, toàn thân chết dần vì bị rửa nát, ra chất nước màu vàng. Không ai có thể thoát chết, bởi chẳng có thứ thuốc nào cứu chữa được.

Trong Vạn Độc chân kinh, liệt loại trùng này là loại kịch độc, đứng đầu vạn độc. Hồ Điệp tiên sinh đã nghiên cứu và tìm ra một loại thuốc diệt trừ chúng khi chúng còn chưa xâm nhập vào cơ thể; đó là một loại phấn hoa màu vàng của loài hoa có tên là Huyết Hoa Hoàng, loài hoa nay rất hiếm, chỉ mọc ở các vùng lam sơn chướng khí, cánh hoa màu đỏ. Để bảo tồn sự sống, chúng tự tiết ra một loại phấn màu vàng trên nhụy, bất cứ loại động, độc vật gì, khi chạm vào nhụy, đều bị tiêu hóa.

Một vật nhỏ bằng quả chanh, bay ra từ tay Trường Cung Hoa, khi đến gần đám khói xanh lơ, bỗng nổ tách một tiếng, và một đám khói vàng tỏa ra, lan rộng, với những tiếng lách tách liên hồi... Đám khói xanh càng nhạt dần và biến mất, toàn bộ cổ trùng độc Tâm Ty đã bị khu trừ.

Đám khói vàng với những hoạt nhỏ li ti, theo hướng gió, tỏa ra, cùng một luồng âm nhu đẩy đến, len lỏi vào khán đài phía Đông, hướng về và phủ lên thân người Bành Dục. Mụ phát hiện và chưa kịp phản ứng thì toàn bộ độc khí, độc vật mang trên người đã bị hóa giải; đám phấn hoa màu vàng rơi xuống, nở bung như hoa cải.

Bành Dục nương nương biết mình đã bị Huyết Hoa Hoàng được phấn phá hủy độc vật, độc khí trên người, mụ nổi giận, phóng vút ra giữa sân, chỉ mặt Trường Cung Hoa quát lớn :

- Chính mi, tên tiểu tử khốn kiếp kia, mi là thằng chó con nào mà dám phá hủy Tâm Ty cổ trùng của ta. Mau xuống đây nạp mạng cho bản Giáo chủ!

Cung Hoa chưa biết đối phó ra sao, e làm hỏng đại sự, Viên Nhẫn thần tăng đã đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, tiến ra sân, nói :

- A Di Đà Phật! Xin Bành giáo chủ bớt giận, bần tăng có vài điều xin thưa cùng Dương vương!

Tiếng Dương Tiêu vọng đến ngạo nghễ :

- Thiếu Lâm phương trượng có gì cứ nói nghe thử!

- Dương vương gia, bần tăng vì sự yên nguy của võ lâm, và hạnh phúc của trăm họ, có mấy lời muốn nói cùng Vương gia!

- Viên Nhẫn, ngươi muốn nói điều gì ta biết rồi. Nay đại quân ta đến đây, có nói gì thì cũng đã muộn. Nếu muốn sống, các ngươi chỉ còn một cách là tự trói mình để ta giải về triều, Hoàng đế sẽ xét xử; bằng không, ngày hôm nay quyết chẳng để một tên nào lọt lưới!

Viên Nhẫn thần tăng vẫn nhịn nhục, nói :

- Bần tăng không phải vì sự sống chết mà nói...

Dương Tiêu quát lớn :

- Thôi, đừng mở miệng nói nhăng nữa!

Viên Nhẫn biết đại sự đã hỏng, ông lặng lẽ cúi đầu thở dài chán nản!

Tâm Hư sư thái phóng mình xuống sân, đến gần Thần tăng thưa :

- Xin Phương trượng đừng phí lời vô ích với y, ta e rằng chính y mới phải làm việc tự trói mình, khấu đầu để van xin sự sống!

Tâm Hư quay sang Bành Dục nương nương nói :

- Bành thí chủ, phái Nga Mi và Tiêu Dao giáo các ngươi vốn không thù oán, vậy mà ngươi đã hạ sát của bản phái bốn đệ tử hồi năm ngoái. Ta chưa tiện gặp ngươi để hỏi việc nầy, nay ngươi đến đây, hãy nói cho biết!

Bành Dục nhướng cặp lông mày cong vút, lẳng lơ đôi mắt, đáp :

- Tâm Hư, chính ngươi đã xúc phạm đến danh dự môn đồ của ta, chả lẽ ngươi đã quên. Ta không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai làm thương tổn bản giáo. Bốn môn đồ ngươi bị ta giết là quá ít, đúng ra ngươi phải cảm ơn bản Giáo chủ mới phải, còn than van nỗi gì?

Đường roi của Tâm Hư sư thái như chớp giật phóng ra, tiếng rít xé lụa, nhằm vào các trọng huyệt trên người của Bành Dục đánh tới. Bành Dục quát lớn :

- Con tiện tỳ này...

Quát chưa dứt câu, mụ phải uốn cong người tránh đường roi của Sư thái, trong tay mụ từ lúc nào đã xuất hiện một cây roi bằng một loại cương ty đen nhánh, tung ra phản công tức thời. Hai người đàn bà mở đầu trận đánh mịt mù trời đất, kình lực từ hai đường roi rít lên ào ào như cuồng phong, thân ảnh của hai như bóng mờ...

Đường roi của Tâm Hư càng lúc càng vi diệu, chỉ nghe tiếng vu vu nổi lên, đầu roi như hàng vạn con rắn mổ đến. Bành Dục cũng không vừa, con roi trong tay mụ lúc cuốn, lúc đẩy, quấn lấy đường roi của Sư thái phản công; cả hàng ngàn người im lặng theo dõi trận mở đầu hào hứng.

Lần đầu tiên trong đời gặp tay kình địch, Bành Dục giở hết bình sinh tuyệt học mong đánh bại đối phương, dương uy trong thiên hạ. Hôm nay, nếu mụ hạ được một trong những Đại chưởng môn của võ lâm Trung Nguyên, uy danh mụ sẽ lừng lẫy, bởi vậy, mụ vận dụng toàn bộ công lực, giở hết độc chiêu, roi pháp của mụ ào ào như thác, lúc tỏa rộng như đám mây, lúc thu nhỏ như vệt khói, mong uy hiếp Tâm Hư vào hạ phong.

Tâm Hư sư thái đã giở đến tám, chín thành công lực, mọi chiêu thức đều bị Bành Dục hóa giải, trong lòng bà không khỏi thầm phục đối thủ. Tâm Hư càng lúc càng thu gọn đường roi kình lực vì thế ngày càng mãnh liệt.

Thấy đánh mãi không thể thủ thắng, sát cơ trong lòng bà nổi lên, Cửu Âm chân kinh từ lâu lắm bà đã không dùng đến, bỗng dưng phát tác, đường roi đột ngột như cơn lốc xoáy tít, chỉ thấy một vòng mờ ảo, những chiêu kịch độc quái dị tuôn ra liên tục, Bành Dục bấn loạn, thối lui liên tiếp Mụ đã vận dụng toàn lực nội gia chân khí, trên đỉnh đầu khói trắng bốc lên, y thị luôn bị ngộ hiểm. Cửu Âm Xuyên Sơn Quyết, đòn cực độc trong Cửu Âm thần công được xử dụng, bóng roi mờ đi, nhưng như thác vỡ phủ kín người Bành Dục, và bỗng dưng biến mất, xuất hiện một đường thẳng như mũi tên đen phóng đến huyệt Tề Mi nhanh hơn chớp giật. Bành Dục chỉ thấy nhói lên một cái, đầu roi đã xuyên thủng sọ, Bành giáo chủ Tiêu Dao giáo chết không kịp ngáp.

Bọn cao thủ phía Đông ùa ra sân như bầy sói, cặp vợ chồng Âm Dương song hung vung Âm Dương kiếm vây chặt Viên Nhẫn thần tăng đồng bộ tấn công. Tây Vực Mộ Khuyết thần tăng, toàn thân một màu vàng chói cùng Mã Cốt Ngạc từ hai hướng tấn công Sư thái Tâm Hư. Bọn Thập Bát Kim Cương La Hán bị năm toán Thất Sát đoàn chia cắt bao vây. Dư chân nhân giao thủ cùng một tên khác, không biết y là ai, nhưng luồng quái phong của y có sức mạnh di sơn, tà áo của Chân nhân bay tung phần phật như đứng trong cơn bão. Dư chân nhân quát hỏi :

- Mi là ai! Nói mau!

Y trả lời, giọng lạnh lẽo :

- Ta ta họ Âu Dương. Từ Tây Vực tới. Hàm Mô Thượng Nhân Âu Dương Thái Hạ là ta!

Dư chân nhân giật mình nghe thầm: “Tên này quả là hậu duệ của Tây Độc Âu Dương Phong, ta không thể coi thường”, nghĩ xong ông già ngay Vô Cực kiếm tấn công tức khắc. Dương Tiêu, đến lúc nay y mới tung người khỏi khán đài. Thân thủ y như một con chim ưng, từ bàn tay trái vút lên cao một vật dài, đến độ cao hai mươi trưởng, nở bung thành một vệt lửa đỏ rực. Nhận được hiệu lệnh, tiếng tù và và tiếng trống thúc quân từ dưới chân đồi vang rền như sấm dậy. Năm ngàn quân kỵ, chưa kể số bộ binh vừa tham chiến vừa phục dịch, cuồn cuộn lên đồi, mở cuộc tấn công.

Dương Tiêu vừa đặt chân xuống đất, tay phải của y đã đánh ra một chướng, trúng một đệ tử của Nga Mi, vỡ tung lồng ngực.

Phạm Dao nhìn bao quát trận chiến, ra lệnh cho toàn bộ chức sắc của Minh giáo, lãnh đạo toàn thể giáo chúng, chặn đạo quân của Triều đình đang mở cuộc tiến công. Thêm một đệ tử của Côn Lôn chết về tay Dương Tiêu. Y giống như một con mãnh sư ùa vào đàn dê, ra tay đánh giết. Trường Cung Hoa không thể chần chờ, chàng tung người nhảy vào chặn Dương Tiêu, giở ngay Cửu Dương thần công và Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp lớp thứ bảy tấn công liền, đẩy Dương Tiêu thối lui hai bước. Dương Tiêu không ngờ đến việc này, y kinh ngạc nhìn người trai trẻ, miệng thốt :

- Ngươi... Ngươi...

Cung Hoa đáp :

- Tại hạ là Trường Cung Hoa, thay mặt Gia phụ bồi tiếp Vương gia!

Biết gặp đại địch, Dương Tiêu không dám xem thường, y giở ngay Hàn Ngọc âm chưởng hợp với Càn Khôn Đại Na Di, xử dụng thân pháp Điêu Phong, tấn công liền để cướp lấy tiên cơ.

Hơn hai trăm tên trong bọn Thất Sát, đều là những tay cao thủ bậc nhất, tuyển từ các môn phái: Bạch Hạc, Điểm Thương, Thanh Thành, Long Môn, Cái bang, và các tên cường đạo có võ công vào hàng số một số hai trong giang hồ, chúng chia ra bao vây Hoạt Phật đại sư, Thiên Hư đạo trưởng, Điền Hoành Thứ Lang, Hà Thái Hoàng, Chưởng môn nhân phái Côn Lôn, Chu Thần Toán, Chưởng môn nhân phái Không Động, Hỏa Vân Kỳ Khách Tiêu Đại Hùng, Bạch Hùng Khởi Quan Thiên Sách. Số còn lại, chúng chặn đánh những đệ tử của các môn phái và các cao thủ khác đến dự Đại hội. Trận loạn chiến diễn ra mờ đất.

Viên Nhẫn bị cặp Âm Dương song hung tấn công, kiếm pháp Âm Dương Nghịch Đảo của cặp vợ chồng này tương sinh tương khắc, biến hóa vô cùng ảo diệu, nội gia chân khí của chúng cũng hết sức dũng mãnh. Thần tăng giở vội Kim Cương Bất Hoại thần công, dồn chân khí tạo thành vô hình cương khí bảo vệ thân thể. Áo bào của ông phình ra như chiếc trống lớn, tay phải xử dụng Long Trảo thủ, tay trái vận Nam Hoa chỉ pháp, phản công. Công lực của Thần tăng đã đến mức siêu tuyệt, đối địch với hai địch nhân, ông vẫn ung dung, tuy chưa chiếm được thượng phong, nhưng chỉ phong của ông đánh bật Âm Dương kiếm của cặp vợ chồng ma đầu này không mấy khó khăn.

Tâm Hư sư thái bị Mã Cốt Ngạc cùng Mộ Khuyết thần tăng liên thủ tấn công. Tâm Hư vừa hạ được Bành Dục, hào khí nổi lên, bà vận Cửu Âm chân kinh vào đường roi đang tỏa rộng. Công lực và võ học của hai tên ma đầu này không phải tầm thường, chúng không thua kém gì Bành Dục; hai tên hợp sức tấn công, trận đấu ác liệt hơn.

Trong đám sáu tên ma đầu này, riêng Âu Dương Thái Hạ là cao siêu hơn hết, tài nghệ của y giao đấu với Dư chân nhân quả là kỳ phùng địch thủ. Cả hai đã đến giai đoạn sinh tử. Âu Dương Thái Hạ ngồi xổm trên đất, vận dụng công phu Hàm Mô, ngửa bàn tay nhả kình lực, giữa lòng bàn tay y một màu xanh tía. Sử dụng đến mức tối thượng Cửu Dương công, phối hợp Vô Cực kiếm, đường kiếm mỗi lúc một chậm, càng chậm kình lực càng lớn, Dư chân nhân ngăn chặn kình lực như mũi dùi của địch thủ; cả hai đang trong tình trạng đấu nội lực nghiêm trọng...

Hoạt Phật đại sư, Thiên Hư đạo trưởng, bị bảy tên Thất Sát đoàn, vốn là cao thủ của năm môn phái hợp lại giao thủ, nhưng dù chúng có đem hết khả năng bình sinh, vẫn chưa chiếm được tiên cơ trước hai vị tiền bối của hai Đại phái. Hoạt Phật và Thiên Hư đạo trưởng xuyên đi, đảo lại trong bóng kiếm của Thất Tinh trận, nhàn nhã, ung dung. Điền Hoành Thứ Lang là đối phó có vẽ chật vật, ông phải vận dụng đến ngoại đẳng Hanshi mới giữ được quân bình, dù vậy bọn Thất Sát vẫn dần đi đến thế thượng phong...

Riêng về Thanh Phong và Minh Nguyệt, võ nghệ và nội lực, không thua sút với bất cứ một cao thủ nào trong võ lâm chính phái; với Thiên Cang Bắc Đẩu trận, cùng với đồng môn, đã loại được ba tên Thất Sát ra khỏi vòng chiến, ba tên khác vội vung kiếm trám vào, do đó thắng, bại chưa ngã ngũ. Ngoài ra, tất cả các cao thủ còn lại, đều bị Thất Tinh trận pháp của bọn Thất Sát áp đảo, nhất thời chưa bị đại bại, nhưng nếu kéo dài, khó bề chống nổi...

Ở góc sân bên trái, Dương Tiêu chưa thể chiếm được thế thượng phong trước một Cung Hoa tuấn nhã, thế trận vẫn ngang ngửa. Dương Tiêu, tuy chỉ luyện được đến lớp thứ bốn của Càn Khôn Đại Na Di, thua hẳn Trường Cung Hoa ba lớp, nhưng kinh nghiệm giao đấu một đời của y thì Cung hoa không thể bì kịp. Nội lực của y lại sung mãn hơn và Điêu Phong thân pháp cực kỳ ảo diệu. Hàn Ngọc âm chưởng vừa tàn độc, vừa kỳ ảo, cùng với Cửu Dương công tương khắc tương sinh, bởi thế cả hai đã giao thủ trên ngàn chiêu mà vẫn ở thế quân bình.

Dương Tiêu càng đấu càng tự tin, y liếc nhanh, thấy nội bộ áp đảo đối phương có mòi thắng thế, hào khí y nổi lên, y vận âm chưởng Hàn Ngọc đến độ chót, tấn công và hóa giải Cửu Dương công, tuy không dễ dàng, nhưng y tiên liệu đối thủ không thể đủ chân lực để kéo dài trận đấu.

Trường Cung Hoa, chàng lần đầu tham chiến, lúc đầu có sự bỡ ngỡ, nhưng dần dần chàng đã thuần thục trong cách đối phó với một địch thủ tay trên già dặn. Mấy lần chàng trực diện đối chưởng với Dương Tiêu, Cung Hoa nhanh chóng nhận ra mình chân lực còn thua sút, nên cố tránh không để cho Dương Tiêu có dịp tạo thành việc giao đấu nội lực, chính vì thế, trận đấu vẫn giữ được sự cân đồng..

Lưng chừng đồi, hai ngàn năm trăm giáo chúng và các chức sắc của Minh giáo, năm lần đẩy lui được năm đợt tân công của quân Triều đình, lần thứ sáu, chúng dùng cây cối, đất đá lấp được một đoạn đường hào, tràn sang; tuy vậy, do bởi phạm vi khai mở không đủ rộng, thế tràn không ồ ạt, nên vẫn bị giáo chúng Ngũ Hành kỳ tận diệt, xác người xác ngựa nằm xếp lớp dưới chân đồi, máu chan hòa mặt đất.

Bọn bộ binh đi theo, bắt đầu sử dụng cung tên xạ kích, giáo chúng phải tìm nơi ẩn núp dưới đường giao thông hào được Thổ Hậu kỳ đào đắp. Lợi dụng cơ hội, bọn chủ tướng xua quân mang theo cây rừng và đất đá tiếp tục lấp đường hào; chỗ hào lấp được ngày một rộng thêm, bọn kỵ binh và bộ chiến ùa sang mỗi lúc một nhiều hơn, giáo chúng Minh giáo liều chết đánh bật ra, số thương vong càng lúc càng tăng cho cả hai phía. Những chiếc áo trắng của các chức sắc trong Minh giáo đã nhuộm đỏ máu đào, mà cường độ tấn công vẫn không hề giảm, mỗi lúc mỗi điên cuồng thêm.

Bọn quân triều cuối cùng đã lập được đầu cầu, chúng ra sức đẩy lùi giáo chúng bật trở lên, tiếng la hét, tiếng địa lôi nổ, tiếng ầm ầm của đá gỗ lăn xuống như động đất, đợt này, số binh triều bị loại khỏi vòng chiến gần ba ngàn, nhưng bên giáo chúng cũng thiệt hại nhân số đến ba, bốn trăm người...

Trên sân đồi rộng bát ngát trước ngôi cổ tự, trận kịch đấu giữa các cao thủ võ lâm dường như cũng đi vào giai đoạn cuối. Một số lớn môn đồ của các võ phái đã bị tàn sát, phần lớn bị giết dưới bàn tay của bọn Thất Sát đoàn. Viên Nhẫn đại sư không hổ danh là Phương trượng của Thiếu Lâm tự võ lâm Bắc Đẩu của Trung Nguyên. Đại sư Phương trượng đã dồn cặp vợ chồng Song hung vào tử địa của Kim Cương Bất Hoại thần công, một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của Thiếu Lâm tự; Long Trảo thủ đã bóp vỡ bả vai phải của Âm Hung, chỉ phong Nam Hoa điểm trúng Kỳ Môn huyệt của Dương Hung.

Loại được đôi này, quét mắt nhìn, thấy Tâm Hư sư thái đang giao thủ với cùng lúc hai đại địch đã có chiều khó khăn, Đại sư phóng mình tới nói nhanh :

- Sư thái để hai gã này cho bần tăng, mau tiếp tay cho Tiêu Đại Hùng!

Quả thật, Tiêu Đại Hùng đang lâm vào tuyệt địa. Họ Tiêu đã vận đến độ cuối của Hỏa Vân công, cùng với bảy mươi hai đường Thiểm Điện kiếm, ông đã loại được vài ba tên Thất Sát khỏi vị trí trận pháp của chúng, nhưng những tên đứng ngoài đã kịp thời nhảy vào, tiếp tục giữ vững liên hoàn thế thất tinh và tấn công ngay; đã vậy, Thất Tinh trận lại là một trận pháp biến hóa ảo diệu, chúng ráo riết tấn công liên tục. Trên đầu Tiêu Đại Hùng, khói trắng đã bốc lên mờ mờ, đôi mắt ông không còn tinh anh, sức phản kích đã bắt đầu rời rạc.

Tâm Hư sư thái tung người vào giữa trận, đường roi của bà kịp lúc đánh bật đường kiếm vô cùng lợi hại của gã Địa Kiếp, áp lực giảm xuống. Sư thái nói nhanh :

- Tiêu lão anh hùng, nhường chúng cho bần ni!

Vừa nói, bà chuyển uy lực vào đường roi, xoay trái người, bổ mạnh đầu roi vào đỉnh đầu gã bịt khăn trắng đang tấn công, Khốc Hư gục xuống không kêu được một tiếng. Trận pháp chúng rối loạn trong phút chốc, nhưng nhanh như cắt, hai tên khác đã nhảy vào ngay, thế chỗ cho Khốc Hư và Địa Kiếp. Tiêu Đại Hùng hít một hơi dài chân khí, ngưng thần, thu hồi nội lực, đồng thời nhìn thấy ngay Điền Hoành Thứ Lang cũng đang ở tình thế bị áp đảo dữ dội, không chần chừ, ông nhảy vào vòng chiến, vừa nói :

- Điền tứ gia, có lão phu trợ thủ!

Hoạt Phật đại sư đã lần lượt giết chết năm tên, Thiên Hư loại khỏi vòng chiến ba tên, nhưng bọn dự bị luôn không để trống trận pháp, trận chiến cứ thế giằng co không dứt...

Chu chưởng môn phái Không Động đã tử trận, một phần ba số đệ tử cũng cùng một phần số. Chướng môn nhân phái Côn Lôn, Hà Thái Hoàng, cũng ở vào tình trạng ngộ hiểm, trong lúc trận đấu giữa Dương Tiêu và Trường Cung Hoa bước sang giai đoạn căng thẳng, sở học đã vận dụng đến mức chót...

Ngoài sườn đồi, trận chiến càng lúc càng trở nên khốc liệt Khoảng gần tám trăm giáo chúng của Minh giáo đã tử trận, số còn lại vẫn liều chết chống lại quân số Triều đình đang cố tiến qua Thạch Môn, một số đã vượt qua được thành lũy ngăn chặn hai bên. Mặt trời đã quá Ngọ. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc...

Một tiếng hú từ xa vọng lại, thanh âm tiếng hú liên tục, không dứt, như khẩn trương, như báo hiệu... Âm thanh nội lực thật đáng sợ, càng gần, nghe chừng như xoắn óc; và từ bìa rừng dưới ngọn đồi, một bóng người thoắt như con Thần Điêu lướt gió, phóng mình lên đồi như một vệt khói. Và lạ lùng, là phía sau bóng người, một đám mây đen vần vũ bay theo. Bóng người lộn một vòng trên không như đại bàng cuốn gió, đáp xuống đỉnh Thạch Môn, trên người là bộ võ sinh một màu vàng rực, giữa ngực thêu một con chim Phượng tung đôi cánh rộng. Phượng Thánh - Trần Nguyên Huân đã đến.

Nguyên Huân đưa mắt nhìn khắp sân chùa rộng với tình trạng cực kỳ hỗn loạn đang diễn ra. Chàng đưa chiếc còi vô thanh lên miệng. Đám mây đen, bây giờ đã rõ là một bầy ong khổng lồ, như được hiệu lệnh, bay xòa xuống thấp, tỏa rộng vào đám binh Triều. Đang thắng thế, đột nhiên bị bầy ong dữ tấn công, đội quân đông đúc hoảng loạn. Những vết chích như dùi nung đỏ châm vào khắp trên da thịt, nhức nhối. Sự hỗn loạn òa đến, chúng quay cuồng với bầy ong vò vẽ vì không thể đối phó, hàng ngũ đội quân tan rã nhanh chóng, chúng bỏ ngựa, vất khí giới, ôm đầu chạy tán loạn bất kể phương hướng. Bầy ong vẫn bay ùa theo, một số ngã lăn người xuống hào sâu có cắm chông nhọn, một số nhảy đại xuống dòng sông Cẩm Hà, bị lòng nước sâu cuồn cuộn chảy xiết, nhận chìm. Chỉ trong khoảnh khắc, cả một đạo quân triều hùng mạnh vỡ tan...

Ngũ Hành kỳ còn lại được trên một ngàn bảy trăm người. Phạm Dao là người đầu tiên nhận ra Nguyên Huân, ông mừng rỡ hô lớn :

- Trần thiếu hiệp đã tới!

Tiếp theo là cả gần hai ngàn cái miệng reo hò mừng đón chàng thanh niên còn đứng trên đỉnh Thạch Môn. Nguyên Huân chỉ kịp vòng tay bái kiến. Chàng đứng yên một lúc rồi ngửa cổ lên trời, dồn hơi cất tiếng hú, tiếng hú cất cao, lan xa, rền rĩ, vọng đến những khu rừng xa, vọng đến những dãy núi xa, và thinh âm như vọng trở lại, hòa lẫn, uôm uôm không dứt... Chàng tung người lên cao, một tay là Huyền Thiết kiếm, tay kia là Ỷ Thiên kiếm. Thân ảnh như vệt khói vàng, chỉ nghe tiếng kiếm phong rít lên, bọn Thất Sát chưa kịp nhận định, chưa kịp nhìn thấy gì, chỉ thấy mắt hoa lên, đầu đã lần lượt rơi khỏi cổ. Trên bốn mươi tên trong Thất Sát đoàn đã bị loại! Trận chiến thay đổi tức khắc.

Nguyên Huân lướt đến bên Dư chân nhân, chàng đình bộ, vái chào :

- Dư lão tiền bối! Thứ lỗi cho cháu đã đến trễ...

Âu Dương Thái Hạ, vừa nhìn thấy chàng thanh niên, y không nói không rằng, ngửa lòng bàn tay, nhả Hàm Mô kình lực. Nguyên Huân khẽ cau mày, hữu chưởng xòe ra, một tiếng bùng vang lên, thân hình Thái Hạ Au Dương bị đánh tung lên cao, và khi rơi xuống trúng ngay đỉnh kỳ đài, mũi ngọn cờ xuyên suốt qua ngực y, lửng lơ chết giữa trời cao.

Nguyên Huân cất tiếng quát :

- Tất cả hãy ngừng tay!

Trường Cung Hoa lạng người nhảy khỏi vòng chiến. Nguyên Huân thoắt cái, đã đứng trước mặt Dương Tiêu lúc này vẫn còn đang sững sờ. Y nhìn chàng im lặng, một lát sau, cất tiếng hỏi :

- Tôn giá người họ Dương ở Chung Sơn?

- Xin Dương vương chớ vội! Ngài hãy cứ bình tâm vận công điều tức lấy lại nguyên khí. Chúng ta còn nhiều thì giờ để nói!

Dương Tiêu không nói, y ngồi xuống sân chùa nhắm mắt tọa công, khoảng bảy mươi tên Thất Sát còn lại trong hai trăm tên, đứng rút một chỗ sau lưng Dương Tiêu, những đôi mắt không lộ cảm xúc.

Nguyên Huân quay bước, chàng đi đến trước mặt Thiên Hư đạo trưởng và Điền Hoành Thứ Lang toan quỳ lạy.

Thiên Hư nói :

- Địệt nhi, khoan đã!

Nói xong, ông chỉ tay sang hướng Hoạt Phật đang đi đến, nói :

- Nguyên Huân! Đây là Đại ca của bọn chúng ta, là người đứng đầu trong Bát đại danh gia đó!

Nguyên Huân chạy vội đến, chàng xúc động quỳ xuống dưới chân ông, đầu đập xuống đá binh binh kêu lên :

- Đại bá phụ! Đại bá phụ!...

Rồi nghẹn lời.

Hoạt Phật đại sư nâng Nguyên Huân dậy, trên đôi má ông, những giọt nước mắt như sương, nghẹn ngào nói :

- Tam đệ ta có được đứa con trai như thế này, hẳn cũng mỉm cười nơi chín suối...?!

Phạm Dao bước lại gần, cầm tay Nguyên Huân :

- Thiếu hiệp đến quá trễ, những tưởng không còn có ngày để mà tái kiến!

Nguyên Huân vòng tay thủ lễ, vừa như tạ lỗi, đáp :

- Chỉ vì đàn ong mà đến trễ - không thể bắt chúng bay liên tục được, xin... xin... Phạm tiền bối thứ lỗi cho!

- Sao thiếu hiệp lại nói thế! Võ lâm Trung Nguyên hôm nay sở dĩ còn tồn tại cũng là nhờ thiếu hiệp đó thôi!

Ông quay sang Trường Cung Hoa vừa bước đến :

- Xin phiền Tả sứ điều động thu dọn cho mọi việc. Xác quân binh ta dồn xuống hào sâu mà lấp đất lại tử tế, còn các môn đồ, đệ tử chẳng may của các môn phái, đại gia, xin cho biết ý chung để tùy nghi!

Ông dừng lại, thở dài :

- Tội nghiệp!

Nguyên Huân bước đến chỗ Viên Nhẫn thần tăng, làm lễ tương kiến :

- Vãn bối Trần Nguyên Huân, xin bái kiến Phương trượng!

Viên Nhẫn thần tăng từ bi chắp tay, đáp :

- Bần tăng thật vui mừng được gặp mặt Trần thí chủ, mong có ngày bản tự được đón tiếp thí chủ!

Chàng quay sang các nhân vật trong các đại phái và giang hồ, ân cần chào hỏi. Nguyên Huân nhìn lên kỳ đài, thấy xác của Âu Dương Thái Hạ còn nằm rủ trên đỉnh cột, chàng sử dụng thân pháp Điêu Phong, nhún người, bay vút lên như con Thần Điêu, đỡ lấy thi thể của hắn, nhẹ nhàng đáp xuống trước những con mắt thán phục của quần hùng.

Đến trước Viên Nhẫn, Nguyên Huân vòng tay thưa :

- Bổn phận của vãn bối còn chưa xong, xin Phương trượng cho phép được làm tròn!

- Trần thí chủ cứ tự nhiên hành sự!

Nguyên Huân chậm rãi đi đến giữa sân chùa, lúc này những xác chết đã được mang đi, quỳ xuống, ngước mặt lên trời cao, mắt nhắm lại, hai hàng lệ chan hòa, chàng khấn :

- Xin anh linh của Phụ thân chứng giám cho đứa con bất hiếu. Con, Nguyên Huân, ngày hôm nay: trả thù cho nhà, rửa hờn cho nước!

Chàng hướng về phương Nam, quê hương đất tổ Đại Việt lạy tám lạy. Đứng lên, Nguyên Huân sãi từng bước, từng bước chậm tiến đến chỗ Dương Tiêu ngồi, đứng trước mặt y, chàng ôn tồn lên tiếng :

- Vương gia, Vương gia cảm thấy sức khỏe như thế nào?

- Tại hạ quyết không khi nào thừa nước đục thả câu!

- Nội lực ta cũng sắp thu hồi!

Nguyên Huân nói :

- Bây giờ đã quá Ngọ, cuối giờ Mùi có được không?

Dương vương nhếch mép :

- Lúc nào cũng được! Ngươi xử sự anh hùng như vậy có khi nào ân hận chăng?

Nguyên Huân mỉm cười :

- Dẫu chết cũng không khi nào. Một lời đã nói ra, sao phải ân hận?!

- Thôi được, ngươi... nhưng thôi, ta lúc nào cũng sẵn sàng!

Chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim kỳ Ngô Quán Trung mời toàn bộ quần hào về dãy nhà phía Tây dùng cơm, ông cũng thông báo, dãy nhà phía Đông cũng sẵn sàng cơm nước, nếu ai trong bọn Dương Tiêu có đói, cứ tự nhiên.

Phạm Dao cắt cử cao thủ, ngầm giám sát mọi hành động của Dương vương và bọn thuộc hạ. Đã giữa giờ Mùi, quần hùng kéo ra khán đài chờ đợi. Dương vương và đồng bọn, từ phía Đông cũng bước ra, tất cả bọn áo màu im lìm ngồi trên khán đài. Dương vương một mình bước ra giữa sân chùa, Nguyên Huân cũng bước đến đối diện.

Chàng chắp tay xá ba xá, nói :

- Xin Vương gia nhận cho ba xá này, đây là để tỏ lòng kính trọng đối với những người thân thuộc của Vương gia mà vãn bối đã được quen biết!

Cách cư xử của Nguyên Huân vô cùng đĩnh đạc và có đạo nghĩa phân minh, quần hùng vừa kinh ngạc lại vừa kính phục. Thốt nhiên sắc mặt chàng trở nên nghiêm nghị, cất tiếng nói lớn :

- Dương Tiêu, lúc nãy ông hỏi tên ta là gì? Ta họ Trần, tên Nguyên Huân, đứa con trai còn sót lại của Gia gia ta là Trần Nguyên Lữ. Cái tên này có gợi nhớ cho ông điều gì không?

Dương Tiêu nhíu mày suy nghĩ, y đáp :

- Ta quá bận rộn nhiều việc, nên chẳng quan tâm đến những diều nhỏ nhặt!

Nguyên Huân cười gằn hỏi :

- Ông không nhớ đó là quyền của ông, nhưng ba ngón tay của bàn tay trái của ông bị chặt đứt, hẳn ông chẳng thể quên?

Dương Tiêu tái mặt :

- Vậy ra, ngươi từ Đại Việt tới?

- Phải, để ta nhắc cho ông nhớ! Một đêm cách đây mười chín năm, ông đã vì lòng tham mà giết hại cả một gia đình không có gì thù oán với ông, và cũng chính ông, vì lòng tham đó, đã xui giục Minh Thành Tổ xâm lược Tổ Quốc ta, tàn phá đất nước ta, sinh linh trăm họ Đại Việt như chim muông tan tác, sống như kiếp ngựa trâu..

Chàng lạnh lùng nói tiếp :

- Hôm nay, ta có ba việc khép ông vào tội chết: Một là, mối gia thù giết hại cha ta, và hai vị Thúc thúc của ta, đả thương một vị khác trong nhóm Bát đại danh gia cùng gây nên cảnh binh đao chết chóc cho dân lành Đại Việt ông có dám nhận điều đó chăng?

- Đúng, ta nhận; ta có sợ gì mà không dám nhận!

Nguyên Huân cười cay đắng :

- Phải, ông ngạo nghễ và can trường lắm! Việc thứ hai, ông là một tên phản đồ. Năm xưa, ông bái Dương Ly Cát lão nhân làm sư phụ, lão nhân đã nhận ông làm đệ tử, và quý hơn nữa là nhận ông làm nghĩa tử. Ông vốn người họ Tiêu, thuộc dòng giống Khiết Đan, sau đổi ra họ Dương để bái phụ, và lấy họ Tiêu làm tên. Tên cũ của ông là Tiêu Ngọc Lang (con chồn ngọc nhà họ Tiêu). Sau khi được Dương Ly Cát lão nhân truyền thụ hết võ công tuyệt học, ông đã ám toán lão nhân một cách hèn mạt. Điều này ông có dám nhận chăng?

- Ngươi... làm sao ngươi biết được?

- Đó là lời thú nhận! Ta đây chính là dường tử đời thứ tư, Dương Phượng Thánh của Tuyệt Tình đàm. Ta được Dương Long Điêu lão thái gia sai quét sạch cửa ngõ, vậy danh ta có thuận hay không?

Nguyên Huân ngừng một lát, tiếp:

- Thôi được ông không cãi tức là đã nhận. Còn điều thứ ba, ông là một con người cớ quá nhiều cuồng vọng, chính vì ông mà dân trăm họ Trung Nguyên bị cuốn vào vòng binh lửa, chính vì ông mà “Chính biến Tĩnh Nạn” năm xưa xảy ra, chính vì ông mà giang hồ vô lâm vấy máu, hôm nay, cũng chính vì ông mà bao nhiêu mạng người phải thác oan. Ta vì công đạo võ lâm, nhận lời ủy thác của Giáo chủ Minh giáo Trương đại nhân, cũng là của vô lâm chính phái Sư thái Tâm Hư truyền đến; vì công đạo ra tay. Ông còn điều muốn nói chăng?

Dương Tiêu cười ha hả nói :

- Chú em, ngươi tự thị thái quá, bản lãnh ngươi bao lăm mà lớn lối lắm vậy, e quá đáng đó chăng? Ngươi là bại tướng dưới tay ta, ngươi chớ lộng ngôn!

Nguyên Huân thản nhiên đáp :

- Hôm nay ta vì bằng ấy nghĩa vụ và bổn phận mà trả thù, ta có điều này muốn nói để ông yên tâm: Ta sẽ không hề sử dụng bất cứ một môn võ học nào của Trung Nguyên, ngay cả của nhà họ Dương, để trừng phạt ông. Ta chỉ dùng võ công thuần nhất của Đại Việt, và không nhờ bất cứ sự trợ thủ nào. Nếu ta không thắng nổi ông, ta sẽ tự sát ngay trước mắt ông! Và đây là lời cuối cùng, ta sẽ sử dụng cây kiếm Ỷ Thiên để giao đấu cùng ông, cho hợp với ý trời “Ỷ Thiên tái xuất. Thùy dữ tương phong”. Còn ông, có quyền lựa chọn sở trường của ông!

Dương Tiêu xòe tay đưa ra :

- Với ta, chỉ có hai bàn tay, còn ngươi, ngươi sẽ hối hận vì sự tự thị cao ngạo này!

Nguyên Huân lạnh lùng đáp :

- Sự lựa chọn tùy ở ông, ông có thể ngưng đấu để thay đổi quyết định ban đầu của mình!

Dương Tiêu biết rõ, ông đang đứng trước một bậc kỳ tài của thiên hạ, ông gạt bỏ mọi ý niệm của tức giận, của âu lo, để lòng lắng xuống yên tĩnh, như mặt hồ im gió. Nguyên Huân dịu dàng mời :

- Xin mời Vương gia ra tay!

Nói xong, chàng xuôi hai bàn tay chờ đợi. Hàng ngàn con người nín thở, hàng ngàn cặp mắt mở lớn. Suốt một vùng mênh mông của đấu trường im lìm căng thằng, hình như mọi người đã quên đi trận chiến tàn khốc và kinh hoàng đẫm máu vừa qua. Bây giờ đây, hai tuyệt nghệ cao thủ đang đứng im lặng trước mặt nhau mà như thấy trùng dương cuộn sóng. Trận quyết đấu một sống một chết, không còn con đường nào khác.

Nguyên Huân chợt nhớ về vùng trời xanh của quê nhà, những trưa hè im vắng, tiếng gió rì rào qua ngọn cây trong cái yên ả của những trưa nồng, dưới tàn trúc, sau lũy tre, tiếng kẻo kẹt của võng đưa, tiếng ngái ngủ của bà mẹ ru con; tất cả những hình ảnh êm đềm ấy đã đi qua, đã ngủ yên im lìm trong ký ức. Trong lòng chàng, nỗi êm ả nào lắng đọng, và cùng lúc như quên hết mọi điều... chìm dần trong hư tịch...

Hình ảnh trước mắt chàng, Dương Tiêu, cũng bình lặng như thế. Cái tĩnh đã tận cùng tất sinh cực động. Mọi người chỉ thấy bóng Dương Tiêu mờ đi, và như cùng một lúc, thân ảnh Nguyên Huân dường biến mất. Cuồng phong bốc lên, tiếng rít như xé lụa cùng lúc cũng nổi lên.

Thoắt một cái cả hai cùng đình bộ. Bàn tay trái của Dương Tiêu mở ra phía trước, chỉ lên trời cao, hữu chường để ngang ngực, chân đạp vào bộ vị bát quái, làn gió thổi xòa chiếc áo choàng màu đỏ thẩm...

Ỷ Thiên kiếm trong tay Nguyên Huân chúc mũi xuống đất, hững hờ... Kiếm từ từ nhích lên, dựng đứng trước mặt, từ từ ngã về phía trước, chĩa vào đối thủ, đôi mắt chàng loang loáng đảo những tia nhìn trên thân thể Dương Tiêu...

Kềm chế mọi huyệt đạo, Dương Tiêu đổi bộ vị liên tiếp, kình khí làm căng phồng áo quần bên trong, đẩy tà áo choàng bay dạt về phía sau; Dương Tiêu đã vận tận cùng nội gia chân lực của Hàn Ngọc âm chưởng và lớp thứ tư của Càn Khôn Đại Na Di.

Thoắt như bóng mờ, lúc tụ lại, lúc tan đi, Nguyên Huân đã nhập thần vào kiếm, hóa ý thành thân, Vân Hà Tỏa Kiếm khởi động, tiếng rít của kiếm phong rợn người, đường kiếm chém gió đã đến độ cực nhanh; nhưng mà với hàng ngàn người đang trố mắt nhìn, sao Ỷ Thiên kiếm dường như càng lúc càng chậm lại, trong khi kiếm phong nghe càng lúc càng mãnh liệt như bão táp? Trên đầu chàng, xung quanh chàng, xuất hiện một vòm mờ nhạt như khói nhẹ bao quanh, phản chiếu ánh nắng chiều từng luồng sáng nhỏ, to, dài, ngắn vây phủ toàn thân như hào quang; vậy mà đường kiếm Ỷ Thiên sao quá chậm!

Viên Nhẫn thần tăng thốt kêu lên :

- Ôi chao! Kiếm đã nhập ý, đang đến tận cùng cái động!

Hoạt Phật đại sư thì thầm :

- Chiêu Linh Quang Phá Vọng trong Vân Hà Tỏa Kiếm của Tam đệ ta sao kỳ dị làm vậy!

Trên trán của Dư chân nhân, từng giọt mồ hôi tươm ra, ông quên hết mọi người chung quanh, nói một mình :

- Nhãn kiếm, Tâm kiếm, Ý kiếm là đây chăng?

Trường Cung Hoa nhắm nghiền mắt lại, rồi mở bừng ra, mặt ướt đẫm mồ hôi, trán cau lại, rồi đôi mắt lại nhắm, lại mở ra, mà đường kiếm trên tay Nguyên Huân không hề di chuyển nữa, chỉ biến mất rồi dừng lại ở bộ vị khác chiếu trên người Dương Tiêu. Bỗng Trường Cung Hoa nói như reo :

- Ái chà! Tuyệt kiếm!

Nguyên Huân vẫn đình bộ, trên môi chàng như có nụ cười Dương Tiêu, như một đám khói đỏ dưới ráng chiều, không ai nhìn thấy rõ hình dạng, chiêu thức và bộ vị của y nữa. Lớp khí mỏng quanh người Nguyên Huân như mở rộng, tỏa ra, lúc như dồn nén lại, lúc như dòng sông êm xuôi dòng, lúc gợn lên như những con sóng nhỏ. Thiên Hư đạo trưởng nhìn sững giây lát rồi bất chợt reo lên :

- Đúng rồi, đúng rồi, đấy mới thật là Vân Hà Tỏa kiếm! Kỳ diệu thay!

Một luồng khói trắng như sợi chỉ mỏng cũng vừa xuất hiện trên đỉnh đầu Dương Tiêu, mỗi lúc một cao hơn; những cao thủ thượng thừa, có nhãn lực mới nhìn thấy giải khói mờ như có như không. Y đã dũng hết bình sinh tuyệt học của Hàn Ngọc âm chưởng, Điêu Phong thân pháp, Lăng Ba vi bộ, cùng toàn bộ võ học của nhà họ Dương, Như ý Thần công biến trảo thành chỉ, biến chỉ thành kiếm, biến chưởng thành trảo; vậy mà, từ khởi thủy, ông ta chỉ mới tấn công đối thủ được ba chiêu khởi đầu, rồi hơn ngàn chiêu đã xuất thủ, chỉ là để xô, cuốn, chuyển, tránh những mũi kiếm như quỷ mị lúc có lúc không. Ông không thể bắt kịp đường kiếm của địch thủ dầu trong ý nghĩ. Vậy mà, người ngoài cuộc cớ sao chỉ thấy kiếm Ỷ Thiên đứng im một chỗ, hoặc xoay chuyển chậm chạp!

Nhiều võ lâm cao thủ hạng hai, ba trên giang hồ nhìn thấy hiện tượng trước mắt, lấy làm nghi hoặc; họ không biết phán đoán ra sao nữa, mà trận quyết đấu này, dĩ nhiên không ai nghĩ đó là trò đùa.

Viên Nhẫn thần tăng ngồi im lìm như tham thiền nhập định, sắc mặt ông càng lúc càng bình thản, ánh mắt nhìn trận đấu như mơ màng... Cùng lúc ấy, như đã bước vào cõi không, thân ảnh Nguyên Huân chợt biến đi, với chàng, chỉ còn là tâm ảnh: Sát Na Vô Lượng Đại Định. Chỉ thấy Viên Nhẫn thảng thốt kêu lên :

- Chết! Lành thay!

Thân hình Dương Tiêu bắn tung ra xa, và thân hình Nguyên Huân ngưng tụ. Dưới chân Nguyên Huân, một cánh tay bị đứt lìa khỏi thân thể, những ngón tay vẫn còn co giật. Dương Tiêu ôm lấy cánh tay trái bị đứt gần sát bả vai, nhưng không một giọt máu cháy. Nguyên Huân nói :

- Vương gia chớ sợ, tại hạ đã điểm huyệt cầm huyết cho ngài rồi!

Trên huyệt Ấn Đường của Dương Tiêu, một vệt đen như chàm xuất hiện: Võ công của y đã bị Nguyên Huân phế hủy. Dương Tiêu ngồi bệch xuống đất, hai mắt nhắm nghiền. Nguyên Huân nói :

- Cánh tay trái của ngài đã đả thương Lục thúc của ta suốt đời thành phế nhân, nay ta hủy nó đi, bây giờ ngài có điều cuối cùng cần nói chăng?

Dương Tiêu mở đôi mắt nhìn, vẻ mệt mỏi :

- Có nhân tất có quả. Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu. Đó là ý trời!

Giữa lúc ấy, một bóng người áo trắng chạy bay vào sân chùa, ngừng lại, nhìn ngơ ngác, tóc mây xỏa trong gió, Nguyên Huân nhận ra Bảo Thư, chàng kêu lên :

- Bảo Thư tỷ tỷ!

Bảo Thư đã nhìn thấy Dương Tiêu, Ngoại tổ của nàng, cụt một tay, mặt nhợt nhạt, đang ngồi xếp bằng dưới nền đá sân chùa. Nàng chạy ùa đến, quỳ xuống ôm cánh tay còn lại của Dương Tiêu, kêu lên đau đớn :

- Ngoại tổ ơi! Ngoại tổ ơi!

Nước mắt ràn rụa, Bảo Thư gục đầu lên vai Dương Tiêu khóc nức nở. Dương Tiêu nở nụ cười héo hắt :

- Bảo Thư, cháu đó ư! Cuối cùng chỉ một mình cháu nhớ đến ông!

- Ngoại tổ ơi, đã bao lần cháu van xin Ngoại tổ, mà Ngoại tổ có nghe cháu đâu! Ngoại tổ có thương cháu đâu, có thương ai đâu...!

- Thôi cháu, đã muộn rồi, cháu còn nói làm chi, ông rất mừng là trước khi chết ông được gặp cháu?

Bảo Thư đột ngột ngưng tiếng khóc, nàng đứng lên, quay sang Nguyên Huân, và bước về phía chàng. Đến trước Nguyên Huân, Bảo Thư quỳ sụp xuống, Nguyên Huân hết hoảng quỳ xuống bên nàng. Bảo Thư nức nở :

- Trần thiếu hiệp, tiện nữ không dám có lời trách cứ thiếu hiệp. Việc làm của thiếu hiệp là đứng đắn, tiện nữ đâu dám mở miệng van xin, nhưng thiếu hiệp ơi, tiện nữ lẽ nào không đau lòng cho được...!

Nguyên Huân đỡ lấy bàn tay của Bảo Thư, đau xót nói :

- Tỷ tỷ ơi, lẽ nào tiểu đệ lại không có trái tim hay sao, lẽ nào tiểu đệ lại không nhớ đến tấm lòng của phu nhân, của Vân Hạc ca ca và tỷ tỷ đối với tiểu đệ hay sao? Nhưng vì thù nhà quá nặng, nợ nước quá sâu, công đạo võ lâm quá trọng, tiểu đệ biết làm sao, biết xử thế nào bây giờ!

Bảo Thư nói, giọng nàng ngậm ngùi lẫn chua xót:

- Tiện nữ cầu xin thiếu hiệp, cho tiện nữ được chết dưới tay thiếu hiệp thay cho Ngoại tổ của tiện nữ. Tiện nữ xin được chết thay cho Người. Tiện nữ không hề oán trách, mà sẽ nhớ ơn thiếu hiệp, độ trì cho thiếu hiệp trọn đời!

Nguyên Huân nước mắt lưng tròng, chàng đứng lặng nghẹn ngào. Dư chân nhân và Viên Nhẫn thần tăng bước ra, Bảo Thư chạy đến ôm lấy chân của Dư chân nhân, khóc:

- Sư bá ơi, Sư bá ơi, sao con khổ thế này...!

Nguyên Huân quỳ xuống giữa sân, ngửa mặt lên trời, chàng thầm khấn với hương hồn Gia phụ. Một lát sau chàng đến trước mặt Dương Tiêu. Bảo Thư mặt tái mét, đôi mắt mở lớn; nàng chờ đợi cái chết đến với Ngoại tổ của nàng. Nguyên Huân nhìn Dương Tiêu đăm đăm, chàng nói :

- Vương gia, nhân nào quả nấy. Xưa nay Vương gia tham tàn bạo ngược, cái kết quả ngày nay là điều không tránh khỏi Nhưng Vương gia đã có một hạt giống tốt, tuy chỉ phát sinh từ sự ích kỷ, Vương gia đã yêu thương cháu, chắt, vợ, con bằng một tấm lòng chân thật. Vì vậy, quả của nó nhỏ vào hạt giống tốt bù trừ mà bớt xấu đi. Nay võ công của Ngài đã bị tại hạ phế hủy, tuổi đã cao, sống chết không còn bao lâu nữa. Thân đã tàn, lòng người tốt xấu rồi Vương gia sẽ hiểu. Nay riêng cá nhân ta, mối thù đã rửa, như thế coi như là đã đủ!

Nói xong, chàng nhìn bọn Thất Sát, từ đầu đến giờ, đứng im thin thít sau lưng Dương Tiêu. Chàng nói :

- Các vị suốt đời lầm lẫn, đi vào con đường bạo ngược, bất nhân, hãy nhìn chung cục mà sáng mắt ra. Từ nay, ta mong các vị sửa đổi tính tình, cải tà quy chính, ấy là cái phúc của các vị chưa dứt, cũng là phúc trạch cho võ lâm, thiên hạ. Giờ các vị có thể an nhiên mà ra đi, hãy mang theo Vương gia của các vị!

Bọn Thất Sát thấy không còn đất sống, nay được lời của Nguyên Huân, như chui từ đáy mộ ra, chúng kéo nhau đến trước mặt Viên Nhẫn phương trượng, Dư chân nhân, Nguyên Huân, dập đầu quỳ lạy, xong đứng lên. Đi ngang qua chỗ Dương Tiêu ngồi, một vài tên đứng lại, nhổ một bãi nước bọt, rồi lẳng lặng bỏ đi, chẳng còn tên nào.

Dương Tiêu nhắm mắt, vẻ mặt cực kỳ đau khổ. Riêng Bảo Thư, nàng ngồi ngất lịm trong vòng tay của Sư thái Tâm Hư, bà điểm vào các huyệt Nội Quan, Ấn Đường, Ế Phong, cứu nàng hồi tỉnh. Bảo Thư tỉnh lại, ngơ ngác nhìn. Nàng rời khỏi vòng tay Sư thái, chạy vội đến trước Nguyên Huân, chắp tay cúi lạy :

- Huân đệ, hãy nhận cho ngu tỷ những lạy này!

Nguyên Huân vội vàng bước tránh sang một bên, đỡ Bảo Thư đứng dậy, nói :

- Thư tỷ, sao Thư tỷ làm vậy. Sao Thư tỷ ghét bỏ tiểu đệ thế!

Bảo Thư mắt mơ màng, như nhìn vào cõi không quạnh :

- Thư tỷ cũng ao ước được ghét bỏ Huân đệ lắm chứ! Thà ghét bỏ, thù hận mà hơn...

Trên đôi môi của người thiếu nữ mặn chát những giọt lệ nóng đã tràn mi...


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui