Kiên bị tiếng gọi chưa rõ lời này của con gái làm cho ngây người, Thùy Dung đi sang hỏi tới hai câu thì anh mới giật mình lắp bắp nói:
– Con… Con bé bị sốt!
– Ông chủ đừng lo! Để tôi giúp!
– Nó… Nó vừa mới gọi tôi!
Dung đang di chuyển lấy cái khăn thì dừng lại vì câu nói của Kiên:
– Ông chủ nói gì cơ ạ?
– Bảo An mới gọi tôi! Thật đấy!
– Con bé nói được ạ?
– Ừ… Nó… Nó gọi được tiếng bố, dù chưa rõ lắm nhưng tôi chắc là nó mới gọi tôi.
– Được rồi! Ông chủ cứ bình tĩnh.
Tôi giúp con bé hạ sốt đã!
Thùy Dung cũng lấy làm bất ngờ nhưng giờ này việc cắt cơn sốt của con bé mới là quan trọng nên cô nhanh chóng làm mấy thao tác để giúp Bảo An hạ sốt.
Sau gần một tiếng vất vả thì thân nhiệt của Bảo An cũng giảm đi nhiều.
Kiên thở phào, bớt lo lắng giục cô về phòng bên kia:
– Con bé đỡ sốt rồi, đêm nay tôi trông con bé, cô cứ về phòng nghỉ đi!
– Tôi lúc trước cũng chợp mắt được chút ít rồi, ngày mai ông chủ còn công việc thì cứ đi ngủ đi ạ!
– Không sao! Tôi trông con bé được!
– Đây là nhiệm vụ của tôi, với thực tế thì tôi tiện chăm sóc cho con bé hơn! Nhưng nếu ông chủ ngại tôi ở phòng riêng của ông thì cho phép tôi bế bé An qua phòng bên kia được không ạ?
Đúng là người làm chưa ai được phép vào phòng riêng của Kiên, ngay cả cô Lành và cô Thái cũng chưa được vào dọn dẹp.
Trước đây khi vợ anh còn sống thì Hòa tự tay làm tất cả mọi việc, còn sau khi cô mất thì anh tự thay đồ và bỏ ra ngoài cho mọi người giặt giũ, những việc vệ sinh lau dọn trong phòng hay sắp xếp thứ khác cũng là do anh đảm nhiệm.
Lần này Dung là người đầu tiên được đặt chân vào phòng của anh, tự nhiên vì con gái mà Kiên cũng quên mất điều cấm kị này… Người ta bảo thói quen khó bỏ, nguyên tắc không sai phạm nhưng lỡ sai, lỡ nhầm một lần liệu có lần hai không…
– Con bé đang ngủ say! Nếu cô không buồn ngủ thì canh con bé đi!
– Vâng.
Thế, ông chủ chịu khó nằm tạm ở ghế sofa một đêm vậy!
Kiên không nói năng gì nữa mà đi lại phía tủ lấy cái chăn mỏng ra ghế nằm nhưng làm sao anh có thể ngủ trong hoàn cảnh này chứ.
Thế nhưng dù không ngủ lại được thì Kiên cũng không phát ra tiếng động gì mà nằm im như say giấc.
Thùy Dung sau khi kiểm tra lại lần nữa thấy Bảo An cắt cơn sốt hẳn thì mới yên tâm đứng dậy đi thong dong cho chân tay đỡ mỏi, cô vô tình liếc qua chỗ của Kiên nằm thì phát hiện cái chăn bị rơi một nửa xuống đất, cô không nghĩ nhiều chỉ đơn giản là muốn đi lại chỉnh giúp nhưng vừa mới kéo cái chăn lên thì Kiên mở mắt ra:
– Cô định làm gì vậy?
Câu hỏi đột ngột này khiến Dung giật mình suýt nữa ngã người về phía sau nhưng may mắn Kiên nhanh tay kéo cô lại…
– Tôi…
Kiên bỏ tay khỏi người Dung, đứng xa cô một khoảng, giọng nhàn nhạt hỏi lại:
– Tôi làm sao?
– Tôi… Tôi thấy chăn bị rơi một nửa xuống đất nên tính giúp chứ tôi không có mục đích gì cả!
– Con bé hết sốt chưa?
– Dạ, Bảo An đã hết sốt rồi!
– Vậy, cô ở lại trông con bé đi!
Thùy Dung vẫn còn chưa hết bất ngờ về thái độ vừa rồi của ông chủ mình thì Kiên đã đi ra khỏi phòng.
Có điều cô cũng không nghĩ quá nhiều mà đi lại bên cạnh của An nằm xuống.
Người con bé đã mát hẳn nên cô cũng yên tâm tranh thủ chợp mắt một chút cho tới khi nghe tiếng gõ cửa bên ngoài thì cô mới tỉnh dậy.
Ngọc Anh và Tuấn Anh bước vào thấy Thùy Dung là người mở cửa phòng của bố thì cả hai đều ngạc nhiên, Ngọc Anh không tin vào mắt mình thì lên tiếng hỏi ngay:
– Ơ… Bố em đâu ạ?
– Chắc bố em ở phòng làm việc á! Đêm qua Bảo An sốt cao nên chị qua đây chăm bé luôn.
– Chị ở đây cả đêm ạ?
Thùy Dung nghe Ngọc Anh hỏi nhấn mạnh như thế cũng nhanh nhận ra ý tứ của cô bé nên thành thật trả lời:
– Ừ.
Nhưng lúc Bảo An hết sốt thì bố em ra ngoài luôn.
Em thử tìm bố ở phòng làm việc hoặc phòng ngủ khác xem!
– À… Vâng.
Tuấn Anh ngó thấy em gái vẫn ngủ ngon trên giường thì kéo tay Ngọc Anh đi nhanh ra ngoài thì vừa hay thấy bố từ phòng làm việc đi ra.
Cậu bé nhanh miệng hỏi thăm bố trước:
– Bố! Đêm qua bố ngủ ở đây sao ạ?
– Ừ.
Hai đứa dậy rồi thì qua ăn sáng đi! Bố lên xem em thế nào!
– Em vẫn đang ngủ bố ạ!
– Hai đứa vừa ở bên đó à?
– Vâng.
– Vậy bố con mình ra ăn sáng trước!
Thùy Dung thấy Bảo An vẫn ngủ ngon thì tranh thủ về phòng của mình làm vệ sinh cá nhân, dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ thì mới quay trở lại bên đó.
Nhìn cánh cửa đang khép hờ Dung đoán Kiên đã trở lại phòng thì lịch sự đưa tay gõ cửa hai cái nhẹ rồi mới bước vào:
– Ông chủ cứ đi ăn sáng, để tôi trông Bảo An ạ!
– Tôi ăn rồi! Cô cũng ra ăn chút gì đi!
– Tôi đợi Bảo An dậy rồi ăn cùng cũng được!
– Đêm qua nó ngủ chập chờn, giờ này còn lâu mới dậy, cô cứ đi ăn trước!
– Tôi cũng chưa đói! Ông chủ bận thì cứ đi làm đi!
– Hôm nay Chủ Nhật!
– À… Vâng.
Tại bình thường Kiên hay đi làm kín cả tuần luôn, công ty nghỉ chủ Nhật nhưng là bộ phận hành chính chứ bên bộ phận bán hàng có nghỉ đâu nên Kiên cứ phải đi khảo sát, kiểm tra suốt.
Mà cô cũng đúng là đầu óc có vấn đề, mới tối qua còn tổ chức bữa ăn cuối tuần cho bọn trẻ giờ này đã quên béng đi hôm nay là Nhủ Nhật.
Sau khi Thùy Dung ăn sáng xong thì bé Bảo An cũng thức giấc nhưng từ lúc con bé tỉnh dậy thì lại trở về dáng vẻ ngày thường, dấu hiệu biết nói của đêm qua đã không còn tồn tại, mặc cho Kiên có gặng hỏi con gái đến cả trăm lần thì con bé cũng chỉ có lắc đầu và im lặng.
Thùy Dung chứng kiến cảnh vội vàng, khẩn trương của Kiên thì không im lặng được nữa, cứ như này có khi lại khiến con bé sợ nên cô lựa lời khuyên nhủ ngay:
– Ông chủ! Đừng vội! Có gì cứ từ từ!
– Mai tôi phải cho con bé đến viện một chuyến mới được!
– Bảo An khỏe rồi, đâu cần thiết phải đến bệnh viện chứ?
– Rõ là con bé đã gọi được nhưng giờ lại không chịu nói là sao?
– Tôi nghe cô Lành kể trước đó ông chủ đã từng đưa bé An đi khám rất nhiều nơi rồi nhưng vẫn không có kết quả mà chỉ khiến con bé sợ bệnh viện.
Tôi thiết nghĩ không nên cho An đi vào thời gian này vì bé mới ốm dậy, tôi cũng rất hiểu cảm giác mong ngóng của ông chủ nhưng đôi khi sự nóng vội của cha mẹ lại khiến con trẻ mang nặng bóng ma tâm lí hơn đó ạ!
– …!!!
Kiên trầm ngâm trước câu nói của Thùy Dung, đang còn suy nghĩ xem làm cách gì để tốt cho con thì thì cô lại tiếp tục:
– Tôi biết ông chủ lo lắng nhưng có thể nào tạm hoãn lại việc đi khám xét và thay bằng nhiều hoạt động vui nhộn khác, biết đâu tâm trạng An thoải mái, vui vẻ lại có kết quả tốt thì sao ạ!
– Vậy bữa nay tôi nghỉ đưa mấy đứa nhỏ đi chơi! Cô cho con bé ăn sáng no bụng đi!
– Vâng.
Tôi biết rồi!
– …
Mấy chị em, cô cháu vừa chuẩn bị xong đồ đạc cho lên xe thì nghe có tiếng chuông cổng vang lên, Thùy Dung đang đứng gần đó liền chạy ra xem là ai thì nhận ra người ở ngoài là Vân Kiều, cô mở rộng cánh cổng lên tiếng chào trước:
– Chị Kiều đến chơi ạ!
– Ừ.
Nay ngày nghỉ tôi đến thăm bố con anh Kiên.
– Vâng.
Mời chị vào!
Kiều tay xách túi quà đi thẳng vào trong thì thấy bọn trẻ đã vây quanh xe, lại nhìn bé An khoác cái balo nhỏ xíu trên vai thì cô ta đứng lại hỏi thăm:
– Mấy con định đi đâu chơi à?
– Bố đang định đưa chúng cháu đi chơi.
Nếu cô đến vì công việc thì để mai ạ!
Nghe Ngọc Anh trả lời mà Kiều giận tím người nhưng cô ta vẫn tỏ ra vui vẻ nói tiếp:
– À! Cô đến thăm mấy bố con thôi! Thế mấy bố con đang định đi chơi ở đâu đây, cho cô theo với!
– Xe của bố không đủ chỗ cô ạ!
– Cô có xe riêng với đồ ăn cô cũng mua khá đầy đủ đây rồi! Bữa nay sang cũng tính làm tiệc ngoài trời cho các cháu nhưng đi ra ngoài cũng tốt!
– Chị Dung và bác Thái đã chuẩn bị cho chúng cháu hết rồi nên cô khỏi lo ạ!
Kiều nhận rõ sự từ chối thẳng thừng của Ngọc Anh nhưng cô ta vẫn làm ra vẻ không hiểu và cố tình ghé sát tai cô bé nói nhỏ lời cảnh báo:
– Cháu nên ngoan ngoãn và biết điều như ngày còn nhỏ nếu không đoạn video cháu đứng nhìn cô giúp việc tên Thùy Dung kia đánh bọn bạn cháu sẽ được gửi lên ban Giám hiệu nhà trường và ban phụ huynh đó!
– …!!!
Ngọc Anh nghe cô ta nói vậy thì bất ngờ, rõ là hôm đó đâu có ai nhìn thấy mà quay lại được chứ, chỗ đó vắng vẻ cơ mà…
Kiều đứng nhìn Ngọc Anh có biểu hiện ngơ ra thì cười khẩy, cô ta rất dễ dàng đọc được suy nghĩ của cô bé nên lần nữa bổ sung thêm một câu:
– Nếu cháu không tin thì lát cô cho xem một đoạn ngắn nhé!
– Cô…
Ngọc Anh là cô bé khá lì lợm đấy nhưng trước lời cảnh cáo của cô ta cũng phải dè chừng bởi lần này cô bé sợ liên lụy tới Thùy Dung.
Ánh mắt giận dữ hiện rõ trong mắt Ngọc Anh nhưng Kiều lại lần nữa làm như không thấy mà cố tình hỏi to khi nhìn thấy Kiên đang đi tới:
– Anh Kiên! Cả nhà mình chuẩn bị đi dã ngoại thì cho em góp vui với nhé?
Kiên biết rõ mấy đứa trẻ không thích Kiều và nhất là Ngọc Anh nên có ý từ chối ngay:
– Để khi khác đi! Hôm nay anh cho bọn trẻ đi riêng!
– Bọn trẻ đồng ý cho em đi cùng rồi anh ạ!
Tuấn Anh lúc này nghe không vào định lên tiếng phản bác thì Ngọc Anh lại nhanh miệng hơn:
– Anh Tuấn Anh! Để cô Kiều đi chung đi!
– Em…
– Không sao! Chúng ta đi chủ yếu là để em An được vui mà!
Cả Kiên và Tuấn Anh bất ngờ khi thấy Ngọc Anh tự nhiên lại thay đổi thái độ với Kiều như vậy, Kiên còn chưa kịp hỏi thêm con gái câu gì nữa thì cô bé đã nhanh chân trèo lên xe trước rồi giục mọi người:
– Bố! Anh! Mình đi thôi!
Kiều mặt dày định ôm bé An ngồi lên ghế phụ để được gần Kiên nhưng rất tiếc là bé An không đồng ý cho động vào người nên cuối cùng cô ta đành ngồi xuống hàng phía sau cùng Ngọc Anh và Tuấn Anh.
Cả đoạn đường đi mỗi cô ta nói chuyện, hỏi hết người nọ tới người kia nhưng ai cũng chỉ đáp lời cho có lệ, cô ta biết rõ điều này nhưng vẫn giả mù, giả điếc cười nói tới cùng.
Vì chỉ đi trong ngày nên bọn trẻ chọn ra Vịnh Lan Hạ, chủ yếu là cho Bảo An ra ngắm cảnh biển và chèo thuyền Kayak.
Không muốn không khí bị mất vui nên Ngọc Anh cũng mặc kệ Kiều thích làm gì thì làm, cô bé rủ anh mình xuống chèo thuyền, Thùy Dung với Bảo An cũng mặc áo phao xuống theo.
Trên này Kiều hí hửng tưởng mình với Kiên sẽ được chèo chung một cặp không thì chí ít cũng được cùng anh nói chuyện tâm tình nhưng cô ta không kịp vui mừng thì Kiên đã nhanh chóng đi xuống chỗ Thùy Dung.
Kiều há hốc miệng nhưng rồi cũng mê mải chạy theo sau Kiên bảo cho mình đi cùng thì anh lạnh nhạt trả lời:
– Em thích thì tự mình chèo đi!
– Vậy để em ngồi cùng với Dung nhé!
– Anh kèm bé An mới yên tâm được!
Thùy Dung cũng ngạc nhiên vì Kiên bất ngờ theo xuống thế này, cô hơi ngại với Tuấn Anh và Ngọc Anh nhưng lí do của Kiên quá hợp lý nên cô không dám từ chối và thực sự thì cũng không có quyền từ chối nên chỉ bảo với anh một câu:
– Hai chúng ta nặng thế này có sợ đắm thuyền không ạ?
– Cô nhìn xem mấy người xung quanh kia to hơn cô và tôi họ có chìm không?
– À… Vâng.
Thùy Dung biết thân phận im lặng ngồi vào vị trí của mình thì đột nhiên anh lại hỏi cô:
– Cô có biết chèo thuyền không thế?
– Dạ, tôi có biết chút chút!
– Có biết bơi không?
– Không biết bơi nhưng tôi có áo phao mà!
– Thế thì từ mai về cô và Bảo An cùng học bơi đi! Chăm con bé cũng nên biết môn này nữa!
– Cái này ông chủ đâu có yêu cầu khi đến đây làm việc đâu ạ!
Đúng là điều này không yêu cầu khi thuê cô về làm việc nhưng anh mới biết thông tin cô có học võ vậy mà môn thể thao bơi lội lại không biết thì có hơi đáng tiếc.
Mà cứ nghĩ trước đây cô ở quê hay bơi sông hồ thì biết luôn chứ, ai dè chỉ biết có mỗi đánh đấm.
Kiên lúc nóng, lúc lạnh, lúc xa, lúc gần và như lúc này anh lại có vẻ bình thường khi trong lời lẽ có ý trêu chọc cô:
– Từ giờ tôi sẽ thêm yêu cầu này và cô muốn làm ở đây lâu dài thì nên học cho tốt vào!
– Ông chủ thay yêu cầu khác được không, môn này tôi học mãi chả được! Ngày nhỏ tôi cũng chăm chỉ đi học bơi đấy nhưng không đạt, tôi nghe lời người ta mách cho chuồn chuồn cắn vào rốn để biết bơi, cơ mà cho nó cắn tới nát cả rốn mà tôi vẫn cứ bị chìm nghỉm.
Ha ha…
Lần đầu thấy Kiên cười sảng khoái thì Dung lại có vẻ lúng túng, bé An nghe câu được câu chăng nhưng thấy bố cười ha hả thì con bé cũng cười theo.
Thấy câu chuyện của mình khiến con gái cười vui thì Kiên lại tiếp tục trêu chọc Dung:
– Cô tin và cho nó cắn rốn thật hả?
– Vâng.
Cắn tới nỗi bị sưng cả chục ngày mới khỏi và tôi bị mẹ mắng cho là ngốc nghếch!
– Lại chả ngốc!
– Vâng.
Nghĩ lại tôi đúng là thấy mình ngốc thật! Nhưng mà đâu phải ai cũng giỏi môn đó chứ!
– Vậy cô môn yếu nhất là bơi lội hả?
– Vâng.
Sở đoản chính hiệu của tôi đó!
– Thế có muốn học bơi ngay tại đây không?
– Không… Không đâu…
Thùy Dung không cần nghĩ mà vội trả lời ngay, bảo học võ thì gật chứ học cái môn này thà bị ăn một trận đòn thì còn khỏe hơn đó.
Hai người lớn với một nhỏ vẫn đang nói chuyện, cười đùa vui vẻ mà không để ý đến có một ánh nhìn rất chi là khó chịu bên này.
Thùy Dung đúng là biết cách làm cho trẻ con dễ gần mà không chỉ khiến cho trẻ con mến cô đâu mà ngay cả Trung Kiên, ông bố ít nói của ngày thường thì tới nay cũng có sự thay đổi, ít nhất là về mặt ngôn ngữ đã có phần thoải mái hơn nhiều..