Trung Kiên nghe Thùy Dung chào vậy thì không quen cho lắm nhưng tính ra cô cũng kém anh 17 tuổi thì gọi sao cũng được.
Anh húng hắng lên tiếng dặn dò cô vài việc rồi định đi làm ngay sau đó thì đúng lúc Bảo An thức giấc.
Con bé được bác Thái bế ra khỏi phòng trong trạng thái buồn bã, mếu máo nhưng khi nó nhìn thấy người nó mong ngóng bấy lâu xuất hiện trước mặt thì mắt nó sáng lên, vội vàng rời khỏi người bác Thái chạy cái vèo tới chỗ Thùy Dung ôm chầm lấy.
Trước cảnh này ai cũng mắt chữ O, miệng chữ A, thật sự không thể nghĩ rằng Bảo An lại tỏ ra thân thiết với Thùy Dung ngay như vậy, rõ là mới chỉ gặp một lần mà thời gian gặp từ đó tính đến nay cũng được vài tháng rồi mà con bé cứ như quen cô đã lâu.
Nhưng không chỉ có mọi người trong nhà mà ngay cả Dung cũng hết sức ngỡ ngàng, không nghĩ tới con bé nó còn nhớ mình và ôm ấp thắm thiết như này, phải mất mấy giây cô mới bình thường lại rồi cúi xuống hỏi:
– Bé con còn nhớ cô à?
Nó nghe cô hỏi thì ngước nhìn lên với ánh mắt ươn ướt nhưng xen lẫn là niềm vui mừng khó nói, nó gật đầu liên hồi, sau đó không để ý tới bố và mọi người đứng đó nhìn mà kéo cô đi phăm phăm.
Thùy Dung ái ngại nhìn lên thì Kiên ra hiệu cô cứ làm theo ý con bé muốn.
Thùy Dung được sự đồng ý của Kiên thì đi theo Bảo An về phòng của con bé, Kiên cũng đi theo vào sau thì thấy con gái đưa bức tranh mà nó vẽ cho cô xem.
Dung nhìn mình trong bức vẽ còn non tay của An thì cười xúc động, không nghĩ nó có ấn tượng với cô đến vậy, nghĩ tới lời hứa hôm đó cô lại thấy áy náy quá.
Cô xem đi xem lại bức tranh rồi xoa đầu con bé khen ngợi:
– Bảo An giỏi quá! Mới bé xíu mà đã vẽ cô Dung đẹp thế này, có phải sau này con muốn làm họa sĩ không?
Con bé được khen thì cười vui sướng, nó lại gật đầu lia lịa thì lúc này Kiên thông báo với con:
– Từ nay cô Dung đến đây dạy con học và chăm sóc con, con có thích không?
Đương nhiên là nó lại gật đầu như bổ củi rồi, Kiên thấy con cười vui vẻ thế thì dặn dò luôn:
– Vậy từ hôm nay Bảo An phải ngoan, nghe lời cô, ăn uống đủ bữa, ngủ đúng giờ thì cô Dung mới dạy cho con mau chóng trở thành họa sĩ nhé!
– …
Nó lại gật gật rồi tiến lại ôm anh thay lời cảm ơn rồi sau đó mới chạy về chỗ của Thùy Dung kéo tay cô bảo lên giường ngồi cùng thì Kiên lại tranh thủ nhắc nhở con việc chính:
– Con muốn cùng cô Dung làm việc gì bố cũng đồng ý nhưng giờ con phải đi làm vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng đã!
Thùy Dung hiểu ý và biết công việc của mình phải làm nên rất nhanh cô đưa Bảo An đi đánh răng rửa mặt.
Khi hai cô cháu xong xuôi thì di chuyển ra ngoài bàn ăn, hôm nay Bảo An chủ động lắm, ngồi ngay ngắn để Thùy Dung đút cho ăn.
Trung Kiên cũng chưa vội đi làm mà đứng đó quan sát, xem ra cô gái này cũng biết cách chăm sóc trẻ con đấy, tận mắt chứng kiến con gái mới đó mà đã ăn gần xong bát cháo thì rất an tâm, anh nhìn đồng hồ, thấy sắp đến giờ họp thì mới mau chóng rời khỏi nhà…
Đến công ty làm việc nhưng chốc chốc anh lại vào camera xem tình hình ở nhà, những lúc không nhìn thấy con gái và Thùy Dung chơi ở ngoài thì anh nhắn hỏi chị Thái tình trạng của con ra sao.
Khi nhận được tin nhắn báo không có vấn đề gì mà ngược lại Bảo An rất vui vẻ, chăm chỉ uống sữa và chơi ngoan thì anh mới yên tâm.
Thế nhưng buổi trưa anh vẫn tranh thủ về nhà kiểm tra xem con gái ăn uống bữa trưa thế nào thì khá bất ngờ khi thấy con ăn chớp nhoáng là hết bát cơm mà con bé còn cười rất nhiều nữa.
Chăm con mấy năm thì buồn nhiều hơn vui vì lúc nào con cũng ốm yếu, buồn tủi không chịu nói chuyện nhưng cô gái này mới đến đây được nửa buổi đã khiến cho con gái anh như lột xác, mà lạ là hai đứa con lớn nhà anh cũng không có phản ứng gì khi thấy người lạ mà trẻ xuất hiện trong nhà.
Kiên ngồi ăn cơm vẫn quan sát nhất cử nhất động của Thùy Dung, khi thấy rõ những cử chỉ chăm sóc con gái của anh rất từ tốn, nhẹ nhàng, cách nói chuyện lại càng khác rất nhiều so với hai lần gặp gỡ với anh thì Kiên có chút so sánh.
Có điều khi thấy rõ sự khác biệt là thế nhưng Kiên vẫn chưa hoàn toàn bị thuyết phục lắm bởi anh quan niệm: “Con ngựa phải đi đường dài thì mới biết là ngựa tốt hay xấu”.
Theo như giao kèo của Kiên và Dung thì cô chỉ phải chăm sóc cho Bảo An từ 7h sáng tới 6h tối thôi nên khi cô cho con bé ăn xong bữa tối thì cô hẹn sáng mai sẽ tới nhưng con bé không chịu, cứ quấn rịt lấy cô không cho đi.
Ông bà Đức, Quyên rồi cả Trung Kiên nói thế nào con bé cũng không chịu buông tay cho Thùy Dung ra về.
Tuấn Anh và Ngọc Anh thấy em quấn người lạ như vậy thì không hài lòng cho lắm nên cả hai xúm vào dỗ dành em gái nhưng Bảo An vẫn một mực ôm chặt lấy Thùy Dung không buông, cuối cùng Kiên phải kéo tay con gái ra để cho Dung đi về thì con bé khóc ầm lên.
Thực lòng Thùy Dung cũng không nỡ nhìn con bé khóc nhưng công việc chỉ đến đó thôi nên cô quyết định rời đi ngay.
Ra tới ngoài cổng rồi mà cô vẫn còn nghe thấy tiếng khóc thảm thiết của con bé nhưng cô cũng đành đi về vì cô còn phải đi bộ gần một tiếng mới về tới nhà mình, còn lấn ná thì sẽ muộn mất…
Cả nhà toàn người lớn mà không ai dỗ được một đứa con nít, Tuấn Anh và Ngọc Anh nhìn em gái khóc khàn cả tiếng cũng chỉ biết đứng nhìn.
Sau cùng nhìn em khóc tới nôn ói hết ra thì Tuấn Anh xót ruột bảo với bố:
– Hay là mai chị ấy đến làm bố thử hỏi xem chị ấy có ở lại nhà mình như bác Lành và bác Thái được không ạ?
Ngọc Anh nghe anh trai nói thì lườm lườm, con bé định lên tiếng ngăn cản thì Tuấn Anh nói ngay:
– Anh biết em không thích người lạ, bản thân anh cũng không thích nhưng em nhìn xem, bé An nó thế kia chúng ta chịu nổi không?
– Nhưng…
– Em nó còn bé cứ để chị ấy chăm sóc nó một thời gian, mà anh còn đang lo chưa chắc chị ấy đã đồng ý đâu mà em vội tỏ thái độ!
– …!!!
Cả ông bà Đức, Quyên rồi Trung Kiên nghe Tuấn Anh nói chuyện như người lớn thì ngạc nhiên, nhất là Kiên, anh thực sự bất ngờ về cậu con trai ngang ngược nay cũng biết nói mấy lời như người chín chắn hiểu chuyện.
Anh thử thăm dò thêm hai đứa con nên hỏi một câu để xem hai đứa có quyết định ra sao:
– Ờ… Thực sự bố cũng không dám cho người lạ ở cùng nhà mình đâu!
– Con thấy cách chị ấy quan tâm bé An thì cũng không hẳn là người xấu đâu, cơ mà còn chưa hỏi ý kiến chị ấy mà bố với em Ngọc Anh đã vội nghĩ xa thế làm gì.
– Ừ… Đấy… Không biết cô ta có chịu đồng ý ở lại không nữa!
Ông Đức đứng nãy giờ, nghe hai bố con Kiên nói chuyện mà nhìn sang cháu gái Ngọc Anh không thấy có ý kiến phản bác thêm thì hiểu là nó đang đồng thuận nên mạnh dạn đưa ra lời phân tích:
– Xem bản khai cá nhân thì nhà cô bé đó hiện tại có ba mẹ con, lại đi ở trọ, hoàn cảnh không mấy dư giả thì bố nghĩ con cứ thử nói chuyện đi, tăng thêm tiền lương lên xem như thế nào?
Tuấn Anh nghe ông nội nói vậy thì gật đầu đồng nhất ý kiến ngay:
– Con thấy ông nội nói có lý bố ạ!
– Vậy, để mai bố thử nói chuyện với cô ta xem sao!
– Vâng.
Kiên nhìn bố mẹ mình thở nhẹ thì quay qua dỗ dành con gái út:
– Bảo An ngoan nhé! Hôm nay cô Thùy Dung có việc phải về nhà, ngày mai bố sẽ bảo cô ở lại với con được không?
Con bé đang khóc lớn mà nghe Kiên bảo thế thì đưa tay lau vội nước mắt nhìn lên như hỏi lại xem anh có nói thật không thì Kiên cũng vội gật đầu xác nhận lần nữa thì con bé mới nín hẳn.
Nuôi con bao năm mà không bằng một người lạ mới gặp, dỗ mỗi câu then chốt là đem người ta đến là con bé nín ngay, không hiểu anh là bố hay cô gái kia mới là ruột thịt của con gái nữa.
Cả nhà thấy Bảo An đã thôi khóc, chịu theo bố thì mới thở phào, Ngọc Anh lúc này cũng theo em gái về phòng rồi lân la hỏi chuyện:
– Bảo An thích chị Dung thế à?
Con bé nhìn chị nở nụ cười ngây thơ rồi gật gù, nó lại đem bức tranh mà nó vẽ đưa cho chị gái xem thì Ngọc Anh nói:
– Chị chỉ cho An vẽ mẹ của chúng ta nhé!
Ngọc Anh lấy tấm ảnh gia đình chỉ vào hình ảnh của mẹ cho em biết thì An nhìn nhìn rồi lắc đầu, hành động này của em gái khiến Ngọc Anh không vui nhưng cô bé vẫn kiên trì dỗ em:
– Mẹ của chúng ta xinh hơn cô Dung nhiều mà hiền nữa, ngày bé mẹ yêu em lắm đấy!
Mặc cho Ngọc Anh hết lời khen ngợi người mẹ trong ảnh nhưng em gái vẫn không có ý cầm bút vẽ thì cô bé bất lực ra mặt.
Kiên đứng bên cạnh thấy con gái lớn gần như sắp khóc thì vỗ vai an ủi:
– Mẹ các con mất khi em còn quá nhỏ để hiểu chuyện nên con đừng vội! Từ từ rồi sau này em sẽ biết mẹ các con là ai!
– Bố…
– Ngoan nào! Mặc dù mẹ không còn sống cùng chúng ta nhưng mẹ vẫn dõi theo bố con mình, các con cứ ngoan ngoãn, học hành giỏi giang thì bố tin mẹ ở trên kia sẽ rất vui đấy!
– Hic…hic…
– Em con còn bé, cần người giúp đỡ để phát triển như bao đứa trẻ khác nên con hãy ủng hộ chị Thùy Dung như anh trai con được không? Chị ấy đến đây là để giúp em con chứ không phải tranh giành vị trí của mẹ, cũng không cướp em gái con khỏi gia đình mình.
Nghe bố phân tích phải trái thì lúc này Ngọc Anh mới gật đầu, Kiên thơm lên trán con rồi giục cô bé về phòng ngủ trước.
Sau khi con gái lớn rời đi thì Kiên lại tiếp tục lo cho Bảo An, buổi tối ăn được ít nào thì khóc nôn ói hết nên giờ anh phải cho con uống thêm sữa, dỗ dành con bé một hồi nó mới chịu uống hết.
Lúc chuẩn bị đi ngủ nó dường như vẫn chưa yên tâm về lời hứa của anh nên lại lấy bảng chữ cái ra hỏi lại, Kiên phải xác nhận mấy lần thì con bé mới yên tâm đi ngủ.
Lo cho con xong rồi thì đến phần của mình, Kiên giờ mới được đi tắm và sau đó là tiếp tục làm việc, lúc ngồi vào bàn máy tính anh lại nghĩ tới ngày mai nên mở lời thế nào với Dung để cô chịu ở lại đây giúp đỡ.
Trót hứa với con gái rồi lỡ mai người ta không chịu thì anh không biết phải làm sao.
Có lẽ để phòng trường hợp cô từ chối thì anh lại phải đưa ra phương án thứ hai thôi…
Sáng hôm sau Thùy Dung tới sớm hơn mười năm phút, thấy con bé chưa dậy nên tính vào bếp phụ cô Thái và cô Lành thì Kiên gọi cô qua phòng làm việc của anh nói chuyện.
Mới buổi sáng thứ hai đã gọi riêng cô ra thế này chắc là có việc quan trọng liên quan tới bé An nên cô cũng không chậm trễ mà đi ngay theo sau, vừa mới đặt mông ngồi xuống ghế, còn chưa hỏi xem có vấn đề gì thì Kiên đã lên tiếng nói trước:
– Việc liên quan tới bé An nên tôi muốn trao đổi với cô thêm!
– Vâng, ông chủ cứ nói đi!
– Tôi có nhu cầu thuê cô ở lại nhà tôi chăm sóc con bé, tôi sẽ trả lương gấp đôi, một tháng cô vẫn được về thăm gia đình một, hai ngày, cô có đồng ý không?
– Tôi cần suy nghĩ thêm!
– Gấp ba lần!
– …!!!
Trung Kiên sợ thất hứa với con gái khiến con bị tâm bệnh nên đưa ra phương án nâng cao tiền lương để Thùy Dung khỏi phải đắn đo suy nghĩ nhiều:
– Tôi trả cô gấp bốn lần!
– Ông chủ! Vấn đề không phải tiền lương mà là tôi lo cho mẹ tôi!
– Cô cứ đưa ra yêu cầu, đáp ứng được tôi nhất định làm theo, chỉ cần cô ở lại chăm sóc con gái tôi!
– …!!!
Vấn đề đột xuất này khiến Thùy Dung có chút do dự, tuy nhiên khi nghe đến mức lương cao ngất như thế thì cô quyết định liều.
Không mấy khi có cơ hội kiếm tiền tốt thế này, một tháng kiếm được 30, 40 triệu thì cô có thể lo cho em trai đi học tiếp đại học rồi và đủ khả năng lo cho sức khỏe của mẹ tốt lên, nghĩ đến tương lai của em trai sau này nên cô liền đưa ra quyết định:
– Tôi đồng ý!
Trung Kiên nghe được lời đồng ý thì yên tâm nhưng anh lại nghĩ đúng là tiền có thể giải quyết nhanh gọn, có điều cái suy nghĩ ấy của anh bị dập tắt ngay lập tức bởi câu trả lời tiếp sau đây của Dung:
– Chỉ cần trả tôi 30 triệu và cho tôi nghỉ 4 ngày trong tháng là được rồi!
Có một chút bất ngờ nhưng ngay lập tức Kiên hỏi lại:
– Cô chắc không cần mức lương kia chứ?
– Tôi thấy mức lương này là phù hợp rồi ạ!
– Tôi cho cô lựa chọn nhưng cô đã nói vậy thì tùy cô!
– Vâng.
Nhưng việc ở lại xin phép được bắt đầu từ ngày mai ạ! Hôm nay tôi cần phải về nói chuyện với mẹ tôi và thu dọn đồ đạc nữa!
– Tôi thì không sao nhưng cô thấy tình cảnh hôm qua rồi đấy, nếu cô thuyết phục được con bé đồng ý thì cô có thể về nhà!
– Vâng, vậy để tôi cô gắng thuyết phục Bảo An! Nếu không còn việc gì dặn dò thì tôi xin phép ra ngoài!
Buổi chiều Thùy Dung tắm cho Bảo An xong thì cô cho con bé ăn cơm, trong lúc ăn cô bắt đầu thủ thỉ với con bé:
– Bảo An này! Lẽ ra tối nay cô sẽ ngủ lại với con nhưng vì sáng nay cô đi vội nên chưa xin phép mẹ của cô.
Cô giáo dạy rằng đi đâu cũng phải chào hỏi, xin phép bố mẹ thì mới là con ngoan, thế nên hôm nay Bảo An chịu khó ngủ với bố một hôm để cô Dung về xin phép mẹ rồi mai cô đến ngủ với An được không?
Con bé nghe cô nói thì có vẻ buồn rầu suy ngẫm, cô thấy vậy thì chuyển sang khen ngợi một nó một câu:
– Bảo An của cô là em bé ngoan, bé An hiểu cô Dung nói gì đúng không nào?
– …
Được khen là em bé ngoan thì ngay lập tức ánh mắt buồn rầu chuyển sang đầy ý cười, nó nhìn cô âu yếm rồi đưa tay vuốt nhẹ hai má cô một cái khiến cô cũng xao lòng với độ đáng yêu của con bé.
Cô vươn tay xoa xoa lên đầu rồi thủ thỉ thêm:
– Bảo An ăn ngoan, mai cô đến cô tặng con một món quà nhé?
Lần này mắt nó sáng lên rồi ôm lấy cổ cô níu xuống, miệng còn nhai cơm mà hôn luôn vào hai má cô cái chụt.
Con bé đúng là đáng yêu hết nấc, Thùy Dung ôm con bé vào lòng rồi lại đưa ra yêu cầu cùng phần thưởng:
– Ăn hết bát này, cô đọc truyện cho em nghe rồi cô mới về, chịu không nào?
– …
Ánh mắt con bé ngập tràn niềm vui, còn chủ động lấy cái thìa từ tay cô rồi tự xúc cơm ăn, nhìn thấy con bé hào hứng thế thì Dung cũng động viên kịp thời, cứ mỗi miếng cô lại hoan hô khích lệ nó nên chỉ trong có vài phút mà bát cơm hết vèo.
Ông bà nội lúc này xuống nhà thấy cháu gái ăn ngoan thì cũng ngồi lại bên cạnh tấm tắc, bà Quyên phấn khởi nói:
– Chà! Bảo An nay ngoan thế! Đã ăn hết bát cơm rồi cơ à?
– Vâng, An hôm nay ngoan lắm bà ạ!
– Hai cô cháu giỏi quá!
Ông Đức đứng đó cũng hết lời khen hai cô cháu, Thùy Dung nhận thấy ông bà nội của Bảo An cũng là người dễ chịu chứ không khó khăn như bố của con bé thì cô cũng có chút yên tâm khi sắp tới sống cùng ở đây.
Sau cho con bé An ăn xong thì hai cô cháu đưa nhau vào phòng đọc truyện, Bảo An thích thú lắm nên lôi cuốn truyện cổ tích ở ngăn kéo ra đưa cho Dung, nó chỉ vào truyện Tấm Cám rồi ra hiệu cho cô mau chóng đọc thì vừa lúc có tiếng mở cửa phòng:
Thùy Dung dừng lại nhìn lên thì thấy Trung Kiên bước vào phòng:
– Ông chủ đi làm về ạ!
– Con bé không cho cô về sao?
– Dạ, không! Là tôi hẹn ở lại đọc truyện cho Bảo An nghe một lúc rồi mới về!
Trung Kiên nghe vậy thì gật đầu, thấy con gái vui vẻ nằm hóng nghe kể chuyện thì cũng không nói thêm gì nữa mà đi ra ngoài.
Thùy Dung đợi Kiên rời khỏi phòng thì tập trung vào chuyện chính, Dung chăm chú đọc hết ba câu chuyện cho An nghe thì mới dừng lại, nhìn mặt con bé dường như vẫn còn muốn cô đọc tiếp nhưng liếc thấy đồng hồ đã điểm hơn 7h tối rồi nên cô đành phải từ chối ý nguyện của con bé:
– Không còn sớm nữa, cô ra gọi Bác Lành vào chơi với con để cô đi về không mẹ cô mong nhé!
– …
Thấy con bé mặt buồn buồn thì Dung lại nói tiếp:
– Sáng mai cô đến sớm chơi với Bảo An được không?
Nó nghe vậy thì mới gật đầu, rõ là đồng ý rồi nhưng vẻ mặt có chút lưu luyến thì cô cúi xuống thơm lên trán con bé động viên:
– Bảo An ngoan lắm! Gần đến giờ đi ngủ con chịu khó uống sữa thêm nhé! Nghe lời, cô càng yêu con nhiều hơn!
Lần này nó gật đầu ngay rồi dắt tay cô ra ngoài, xem ra hôm nay cón bé vui vẻ tiễn cô về chứ như không như hôm qua nữa.
Hai cô cháu ra khỏi phòng thì vừa lúc mọi người trong gia đình chuẩn bị dùng cơm tối, ông bà nội bảo Thùy Dung ở lại ăn cơm rồi về nhưng cô từ chối và xin phép về ngay kẻo muộn.
Cô chào cả nhà rồi vẫy vẫy tay Bảo An tạm biệt thì con bé cầm tay cô tiễn ra khỏi cửa chính mới buông, nó đứng nhìn theo cho tới khi cô đi khuất ra khỏi cổng thì mới chịu quay vào.
Nhìn con gái bữa nay ngoan ngoãn không khóc đòi theo người ta thì Kiên yên tâm hẳn, xem ra cô gia sư kiêm bảo mẫu này cũng khéo dỗ dành trẻ con đấy.
Bảo An ăn trước rồi nhưng lúc này con bé không vào phòng mình chơi búp bê mà theo bố với anh chị ra bàn ăn.
Không nói không rằng nhưng ánh mắt nhìn mọi người thì khá vui, Ngọc Anh thấy em gái chịu chơi hơn mọi ngày thì tỏ ý khen ngợi:
– Bảo An hôm nay ngoan quá! Tối nay chị em mình lại vẽ nhé!
– …
Nhìn điệu bộ gật đầu chấp nhận của em gái mà Ngọc Anh mừng lắm, cô gắp miếng thịt nhỏ nịnh em tiếp:
– Ăn ăn miếng này đi! Ngon cực!
Con bé được ăn no rồi thế nhưng nghe chị bảo vậy cũng há miệng như con chim sâu đón mồi, Tuấn Anh ngồi bên cạnh chứng kiến cũng thấy phấn khích mà nói với bố:
– Chị Dung cũng khéo dỗ trẻ em bố nhỉ? Hôm nay chị ấy bảo về mà em còn ra tạm biệt nữa mới ghê chứ!
– Ừ, cũng được! Thấy em con như này bố cũng yên tâm!
– Vâng.
Trung Kiên nhân tiện con trai đang vui nên có hỏi qua chuyện học hành một chút:
– À… Việc ôn luyện của con tới đâu rồi? Mấy hôm nữa là thi giữa kỳ đấy con!
– Bố yên tâm.
Con vẫn học bình thường mà!
Nói đến việc học là Tuấn Anh tỏ vẻ không vui, Trung Kiên thấy rõ điều đó nhưng anh bây giờ không lớn tiếng với các con mà nhẫn nại khuyên nhủ:
– Lớp 9 rồi! Cố gắng học để thi vào cấp ba con ạ!
– Vâng.
Con hiểu mà!
Định nhắc nhở luôn con gái nhưng nghĩ ngần Kiên lại thôi, mới yên ổn được ít ngày nên anh không muốn bố con lại khó gần gũi.
Chắc phải từ từ rèn luyện dần thôi, chứ tuổi này anh mà nóng nảy lại có khi hỏng chuyện..