Nàng Giúp Việc Vụng Về


— Á…!
Tay tôi bị một mảnh thuỷ tinh nhỏ cứa vào, máu bắt đầu rươm rướm ra.

Cô Thảo lẫn bà chủ vội vàng kéo tôi dậy, người thì chạy đi lấy băng cá nhân dán vào để cầm máu cho tôi.

Cô Thảo càm ràm:
— Con phải cẩn thận chứ!
Bà chủ thì xuýt xoa:
— Con bé đang đau nên em đừng trách nữa.

Giờ hai cô cháu theo chị lên lầu rửa ráy và nghỉ ngơi đi nha! Theo chị.
— Dạ chị.
Cô cháu tôi theo bà chủ lên lầu ba.

Còn dì Tư thì lúi húi hốt dọn những mảnh ly vỡ.
Toà nhà to lớn lắm, tông màu trắng và xám là chủ đạo.

Dọc hành lang bố trí những bức tranh lập thể tuyệt diệu.

Không gian trên cao lấy trọn ánh sáng chiếu xuống nên nhìn cầu thang rất sáng sủa, sinh động.

Lên đến phòng, đẩy cửa vào là căn phòng rộng, ở giữa có vách ngăn hình lập thể khối màu xám nhạt nhằm ngăn cách giường ngủ và bộ sofa màu trắng kèm chiếc bàn tròn màu trắng loang.

Trên bàn là bình hoa thuỷ tinh màu trắng với năm cành tulip trắng tinh khôi.

Bên dưới là tấm thảm bali lớn hình lập thể gồm ba tông màu xám, đen, trắng đan xen vào nhau trông rất tinh tế.

Đằng trước là chiếc tivi màn hình siêu phẳng để trên kệ gỗ màu trắng.

Tôi như chết mê vì phong cảnh nơi đây.

Miệng không ngừng thốt lên:
— Đẹp quá! Phòng đẹp mê luôn!
Bà chủ dịu dàng nói:
— Con thích là được rồi.

Giờ vào đây bác hướng dẫn một số cái.
Bà Tuyết dẫn tôi vào nhà vệ sinh, hướng dẫn bật nước nóng,….

Tôi gật đầu và dạ lia lịa.

Chỉ là nhà tắm thôi mà, đâu cần rộng và xinh như thế.

Mọi thứ ở đây dường như quá hoàn hảo.

Mải mê nhìn quanh, tôi trượt chân té mạnh xuống sàn nhà tắm.
— A….!
Thể trạng 58 kí lô của tôi khi ngã xuống thì mọi người có thể hình dung là tiếng động mạnh cỡ nào, nếu không nói là nhà muốn sụp luôn.


Ôi cái mông và lưng tôi đau buốt.

Bà chủ lại một phen hốt hoảng.

Cô Thảo thì nhảy bổ vào nhà tắm thấy tình cảnh tôi mà dở khóc dở cười.

Cả hai đỡ tôi dậy và miệng hỏi không ngừng:
— Đau lắm phải không con? Phải cẩn thận chứ!
Tôi đau quá chỉ biết gật đầu.

Nãy bị đứt tay giờ giập mông, tôi sao hậu đậu quá! Mẹ dặn tôi hoài là đúng.

Tôi cười mếu nương theo cánh tay cô Thảo mà tựa vào.

Bà chủ nhỏ nhẹ nói:
— Thôi vào trong giường nghỉ đi con.
— Dạ, con xin lỗi bà chủ.

Con vụng về quá!
— Không sao đâu, do con chưa quen thôi.

Nào, nằm nghỉ đi.

Bác xuống dưới đây.

Hai cô cháu nghỉ đi nha!
— Dạ chị.
Bà chủ lui ra không quên khép nhẹ cửa.

Thấy vậy tôi cảm kích vô cùng, bà không khó chịu như tôi nghĩ, trái lại bà bao dung và hiền lương vô cùng.

Tim tôi khẽ ấm áp, môi nở nụ cười khiến cô Thảo thắc mắc:
— Đau vậy mà còn cười được à? Con thiệt là hậu đậu.

Cô chịu thua mày luôn đó.

Ai đời mới về bữa đầu mà đổ bể rồi té ngã tùm lum.

Haizzz.
— Hihii.

Do bất cẩn mà chứ con đâu muốn.

Công nhận chị gái cô hiền hậu y như cô, chị em có khác.
Cô Thảo đưa ngón tay xỉ trán tôi một cái:
— Được cái miệng lém thôi.

Ngủ một chút đi bà nhỏ.

Lát còn xuống phụ chị Tư làm cơm.

— Dạ.
Cô cháu tôi thay bộ đồ bộ ở nhà rồi nằm lăn ra ngủ không biết trời trăng gì, có lẽ vì đi xe suốt bảy tiếng nên cả hai thực sự mệt mỏi.

Cho đến khi tôi đang mơ màng bỗng cái lay vai mạnh kèm tiếng gọi của cô Thảo:
— Dậy dậy đi Minh ơi! Trời tối xẩm rồi.

Chết mồ.
Tôi nghe thế liền ngồi bật dậy không quẹt dòng nước dãi dớt chảy ra khi ngủ.

Cả hai cô cháu vội túm lại mái tóc cột gọn gàng rồi nhanh chân đi xuống dưới.

Xuống phòng khách, chúng tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi đeo mắt kính đang ngồi xem tivi.

Cô Thảo liền chào hỏi:
— Anh Sang mới về ạ?
— Ôi dì Thảo, dì lên lúc nào? Ngồi xuống đây với tôi.
— Dạ em lên lúc chiều.

Đây là Minh, con bé con chị hàng xóm chỗ em.

Minh sẽ lên đây chăm sóc Hoàng Khôi đó anh.
Tôi lễ phép chào bác trai:
— Con chào ông chủ ạ!
— Cứ gọi ta là bác được rồi.
Bà chủ đi lên xởi lởi nói:
— Mình, Thảo với bé Minh vô ăn cơm nha!
Cả bốn người đi vào phòng ăn hình oval dài màu trắng được bày biện rất nhiều thức ăn ngon và thơm nức mũi.

Ông Sang nhìn quanh quất rồi hỏi bà Tuyết:
— Ủa thằng Hoàng Đăng đâu sao không xuống ăn cơm?
— Nó đi gặp bạn bè gì rồi.

Mình cứ kệ nó.

Cả nhà ăn cơm đi.
Dì Tư không ăn cùng mà lui ra.

Tôi cũng thắc mắc nhưng không dám hỏi, vì mình bây giờ cũng đang là phận tôi tớ trong nhà, thấy sao biết vậy, không được tò mò.
Bữa cơm rất ấm cúng, có bốn người ăn mà quá trời món hấp dẫn.

Tôi cũng chẳng e ngại mà ăn thật tình.

Hiểu ý bà Tuyết cứ gắp đồ ăn bỏ vào chén cho tôi liên tục.

Cô Thảo thì có phần e dè hơn.

Tôi thì nghĩ khác, đã ăn thì phải ăn cho no mới có sức làm việc, chứ ăn mà như cầm hơi thì tôi xỉu vì đói mất.


Tôi làm một loáng bốn chén cơm, cắm đầu cắm cổ ăn mặc cho ba người kia ôn lại chuyện cũ, kể lể những câu chuyện cũ rích từ thời xa xưa.
Ăn xong tôi thu dọn phần chén đũa của mình bỏ vào bồn rửa rồi lang thang đi dạo ngoài sân vườn.

Gió đêm thổi lùa vào mát rượi, những tán cây phe phẩy theo từng làn gió tạo tiếng kêu rào rạt.

Chợt nhớ giờ này mẹ già ở quê đang còm cõi ăn cơm một mình khiến tâm hồn tôi trở nên buồn tênh.

Mọi khi tầm này hai mẹ con vẫn đang vừa ăn vừa nói chuyện, mẹ sẽ nói chuyện bằng giọng điệu ú ớ thân thương, bất chợt khoé mắt tôi cay cay.

Khẽ lắc đầu để xua tan cơn buồn bã đang chiếm hữu thì đột nhiên va vào một người đàn ông một cái rõ đau.

Thực ra người kia đi nhanh va phải tôi mới đúng.
Cả hai cùng ngẩng đầu lên thì tôi mới nhận ra đó là người đàn ông ban chiều.

Đôi mắt ông ta loé sáng trong đêm, giọng cáu bẳn:
— Ở đâu ra một nhỏ mập thế này?
Tôi vừa đau vừa quê độ nên gắt lại:
— Tôi tên Minh chứ không phải mập này mập nọ nha!
Ông ta cười giễu cợt:
— Ồ Minh Mập! Hay đó chứ.
Nói xong ông ta bỏ vào trong làm tôi tức điên.

Tôi mập thì đã sao, có ăn của nẻo nhà ông ta đâu mà rủa tôi mập.

Tôi cố hít thật sâu để ghim cơn tức này vào trong lòng.

Đứng vẩn vơ một lúc tôi vào trong để dọn dẹp rửa chén.

Khi bước vào thì mọi người cũng vừa ăn xong, mỗi ông chú kia đang điềm nhiên ngồi ăn.

Bỗng ông ta chỉ tôi rồi hỏi bà Tuyết:
— Nhỏ mập này là ai vậy mẹ?
Bà Tuyết hơi cau mày lại, nạt nhỏ con trai:
— Hoàng Đăng, con bé tên Minh, con không được khiếm nhã như thế.

Cô bé ấy từ nay sẽ lên đây phụ ba mẹ để chăm anh Hai.

Mà sao con nói đi tiệc tùng gì đó mà, sao về sớm vậy?
Hoàng Đăng cười hì hì nói:
— Nhà có khách nên con về sớm.

Mà con thấy cô ta vừa mập vừa vụng về không biết có chăm sóc anh Hai được không? Chứ anh Hai thì vừa khó tính lại vừa như mất trí, mẹ liệu xem coi thế nào.
Ông Sang quát:
— Hoàng Đăng.
Bà Tuyết đi tới nắm tay tôi rồi ôn nhu nói:
— Bác tin con sẽ làm được.

Mà con đừng để ý lời Hoàng Đăng nói nha! Nó hay cà rỡn thôi chứ không có ý gì đâu con.
Tôi bùi ngùi đáp tiếng dạ nhỏ xíu nhưng lòng thì rất mênh mang, ông ta cười cợt trên nỗi đau của tôi.

Chế nhạo tôi trước mặt mọi người làm tôi muốn trốn chui trốn nhủi đi đâu đó cho hết mắc cỡ.

Không lẽ bỏ về quê thì mẹ con tôi sẽ sống đạm bạc cuộc sống như trước, lay lắt qua ngày mà không hề có sự ổn định nào cả, mà như vậy tôi không thể lo lắng cho mẹ được chu toàn hơn.

Nhưng mà ở đây thì ông chú kia cứ ngạo nghễ tôi thế này thì sao chịu được.

Nhất thời đáy mắt tôi long lanh.

Tôi gạt nhanh khoé mắt rồi nhanh tay đi thu dọn chén bát cùng với dì Tư và cô Thảo.

Bà Tuyết thấy vậy liền ngăn không cho cô cháu tôi làm:
— Hai cô cháu ra phòng khách ngồi chơi với anh chị, để đó dì Tư rửa dọn cho.
Tôi liền đáp lại:
— Dạ, để con phụ dì Tư.

Cô Thảo cứ ra phòng khách nói chuyện với ông bà chủ đi.
— Ừ vậy cô ra đó nhé!
Bà Tuyết còn khen một câu trước khi rời đi:
— Con bé ngoan quá!
Ông chú kia cũng cất một câu nói không mặn cũng không ngọt:
— Mập vậy cũng biết điều đó.
Tôi sừng cồ đáp trả:
— Nè chú! Thứ nhất là để tôi nhắc lại lần cuối.

Tôi tên Minh không phải tên mập.

Thứ hai tôi mập hay ốm cũng không mượn chú quản, mập cũng không ăn hết gạo của chú đâu.

Nhớ kỹ đó.
Hoàng Đăng bật cười:
— Nhưng tôi thích gọi bé Mập, đáng yêu mà.
— Đồ điên.
Lúi húi rửa dọn cùng dì Tư nên hai dì cháu cũng nói qua lại.

Dì dặn dò tôi từng li từng tí và không quên thòng thêm một câu:
— Ở nhà này ông bà chủ và hai cậu chủ đều rất tốt bụng.

Con ở đây không lo bị ức hiếp hay đối đãi không tốt.

Nên là cứ cố gắng nha!
— Nhưng con thấy ông chú kia ăn nói vô duyên, hay chê bai cười cợt người ta vậy mà tốt hả dì?
Dì Tư cười nụ:
— Cậu út hay bông lơn thôi nhưng thương người lắm đó.

Cậu hai cũng vậy nhưng ngặt nỗi giờ như mất trí nên khó chiều.

Khổ thân.
— Cậu ấy vì sao mà ra nông nỗi như vậy ạ?
— Nói ra thì dài dòng, khi nào rảnh thì dì nói khái quát để con nắm bắt rồi biết cách chăm sóc cậu ấy.
— Dạ con cám ơn dì.

Ủa mà bình thường ai sẽ chăm sóc cậu hai ạ?
— Bà chủ chăm đó con.

Bà ấy là người mẹ tuyệt vời, người vợ mẫu mực.
— Con cũng cảm nhận được điều đó ạ! Trông bà chủ rất đức độ.
— Ừ, xong rồi con lau tay và đi nghỉ ngơi đi.
— Dạ.
Lau tay xong tôi quay ra thì ai kia đã ăn xong và đi từ lúc nào chẳng rõ.

Con người gì mà như bóng ma thoắt cái biến mất.

Tôi bước ra phòng khách, lại gần chỗ bà Tuyết mà ấp úng nói:
— Bà chủ có thể đưa con lên phòng cậu Hai được không?.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận