Hoàng Vũ nhướng mày nhìn Ngọc My đầy khó hiểu, cô cũng bày ra vẻ mặt y hệt nhìn lại anh, “Ở chùa không có giường êm, bình nóng lạnh cho chú đâu.
Giường cứng lắm.”
“Thì làm sao?”
“Chú không chịu được đâu.
Nên là chú đừng vào mất công.
Chú cho cháu đi nhờ đến đấy được rồi, rồi quay lại thị trấn mà thuê phòng.
Ở đấy có mấy cái homestay, ở cũng ổn áp lắm.” Ngọc My quả quyết.
Hoàng Vũ không hài lòng, nghiêng nghiêng đầu nhìn cô:
“Tính mang con bỏ chợ hay gì?”
“Không phải, tại cũng không có phòng riêng.
Phải ngủ chung với bọn trẻ ấy.”
“Chùa to không?”
Cô lắc lắc đầu, chùa Tâm Thiên không lớn, trai phòng của sư thầy ở bên trái chính điện.
Phòng cho bọn trẻ ở dãy liền kề bên phải.
Phòng ăn ở phía sau.
Chùa nằm ở vùng núi thuộc Tiểu vùng núi thấp và trung bình phía Tây bắc sông Tiên Yên.
Lưng chùa vào núi đá, cổng chính hướng xuống thung lũng, xét về địa lý thì là vị thế đắc địa nhưng lại ở vùng sâu vùng xa, nên ít người lui tới khói hương.
Và ở vùng này đa phần đều là người dân tộc thiểu số, họ tín thầy tào chứ không theo thầy chùa.
Chùa còn một tên gọi khác là chùa “Xin con” bởi nhà chùa nuôi trẻ mồ côi, nên thường hay có những gia đình hiếm muộn quanh vùng đến xin về làm con nuôi.
Cũng vì thế mà họ tự đồn đại nhau đến chùa cúng bái, cầu khấn xin con sẽ được phật độ, rồi nuôi con người sẽ đậu con mình.
Người ta cứ tự đồn đoán, rồi tự huyễn hoặc chính mình, huyễn hoặc người khác.
Có nhiều người xin xong về thì có thật, nhưng nhiều người năm lần bảy lượt đến xin nhưng chưa tới lại quay ra quở trách là nhà chùa tự phong, buôn thần b.á.n thánh, làm giảm uy tín của nhà chùa.
Đi hết thị trấn, xe vào đường liên thôn, hai bên đường là ruộng bậc thang vừa hết mùa lúa chín chỉ còn trơ gốc rạ.
Vào mùa khô, sông ngòi cạn, nên ruộng đất cũng nứt nẻ chân chim.
Xa xa là cánh rừng trồng hồi, trồng quế xanh tốt.
Bên vệ đường thỉnh thoảng lại lác đác vài khóm sở đang mùa trổ bông, hoa trắng nhụy vàng điểm xuyết trong cảnh sắc lạnh lẽo hoang vu.
Gió ù ù thổi tạt vào đầu xe, hất theo cát bụi đổ xuống kính chắn gió phát ra tiếng ràn rạt.
Ở hai bên đường, có vài đứa trẻ người dân tộc thiểu số, mặc đồ thổ cẩm, đi chân trần, da đen nhẻm bám bùn đất, lưng cõng gùi, tay dắt em đang còn thò lò mũi xanh, tung tăng đi ngược hướng với xe của hai người.
Ngọc My hứng chí kể cho Hoàng Vũ nghe về hoàn cảnh của chúng, cuộc sống nơi biên viễn hẻo lánh, thiếu thốn đủ mọi đường.
Anh không tham gia, chỉ lắng nghe cô nói, thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt như muốn xác nhận của Ngọc My thì gật gù tỏ vẻ đã hiểu.
Cô chợt cảm thán:
“Nếu có ti.ề.n, cháu sẽ xây hai ba cái trường học, cho bọn trẻ ở vùng này đi học miễn p.h.í.
Còn có cơm ăn sáng và trưa.
Không sợ đói.”
“Sao chỉ nghĩ cho người khác, không nghĩ cho bản thân mình ấy.”
Ngọc My cười khì, không nhận ra ánh nhìn có chút thương cảm từ đáy mắt người đàn ông đang đặt lên mình, cô nhoẻn miệng đáp:
“Thì lúc có nhiều tiề.n là cháu đã có tất cả rồi, cần gì phải nghĩ nữa ạ.
Ăn no mặc ấm, không phải lo nghĩ mưu sinh là được rồi.
Giàu quá cũng có tốt đâu, lại phải lo tìm chỗ cất ti.ền.
Đau đầu ra ấy chú.”
Hoàng Vũ chợt phì cười vì suy nghĩ đơn thuần của cô.
Đứa nhóc này thật sự đơn giản, sống thiếu thốn, tự bươn chải kiếm t.iền nhưng không tham lam, lại biết thế nào là đủ.
Anh bất giác đưa tay lên xoa đầu cô một cái.
Ngọc My giật mình thì so người rụt cổ, bàn tay nhỏ đưa lên túm lấy tay anh kéo xuống.
Vết chai sần từ các gò trong lòng bàn tay cô cọ vào mu bàn tay Hoàng Vũ.
Ngọc My vừa buông ra khỏi, đã bị anh níu lại, ngón cái miết lên những vết chai sần ấy khiến cô giật mình, các ngón tay tự động nắm chặt lại rồi thu cánh tay về đặt xuống bên hông ghế ngồi.
“Chú làm gì vậy?”
“Sao tay con gái lại sần sùi, chẳng mềm mại tí nào vậy?”
“Cuốc đất, nhổ cỏ nhiều nó vậy.”
Anh nhìn cô đầy ngờ vực.
Ngọc My đăm chiêu nhìn vào lòng bàn tay mình, tay còn lại vô thức xoa xoa trên các nốt chai sần thiếu mềm mại ấy.
Hồi nhỏ ở chùa, sư thầy và sư bác khai hoang trồng màu, Ngọc My lớn nhất hay đi theo phụ giúp.
Từ lúc mười tuổi đã biết dùng cuốc xới đất phụ sư thầy tra ngô, trồng lạc.
Bởi vậy khó tránh khỏi bàn tay thiếu nữ đáng lý ra phải mềm mại thì lại trở nên chai sần.
Ngọc My đã quá quen với sự xuất hiện của chúng, nên chẳng để tâm nhiều.
Cũng chưa từng có người nào nắm tay cô rồi thốt lên đầy kinh ngạc như Hoàng Vũ vừa rồi cả.
Cả hai không ai nói thêm lời nào, mỗi người giữ trong lòng một tâm trạng, khiến không gian trong xe chợt trở nên yên ắng.
Đi tới xã Đồng Văn, Ngọc My mới quay sang hỏi Hoàng Vũ:
“Chú có đói không? Muốn ăn gì thì ăn luôn ở đây nhé.
Đi vào sâu hơn thì cháu chịu đấy.”
“Ở đây có cái gì ăn?”
“Phở xào ăn cũng được, gà đen hấp nữa hay sao ấy.
Cháu chưa ăn bao giờ, nghe nói là ngon thôi.”
“Thế thôi không ăn.
Về chùa rồi ăn.
Nhóc đãi cơm chay rồi còn gì.”
Ngọc My e dè đáp:
“Cơm chay là cơm chay đấy nhé, chỉ có rau, nấm, măng rừng, lạc rang, thôi đấy nhé! Cũng không phải loại làm bằng bột xong có đủ hình thù, mùi vị tựa như đồ mặn ở trong mấy quán chay dưới thành phố đâu đấy.”
“Ờ.”
Hoàng Vũ hờ hững đáp, mắt vẫn nhìn phía trước, Ngọc My e ngại nuốt khan nhìn anh.
Người đàn ông này tiề.n tiêu như nước, con nhà có điều kiện.
Chắc chắn chưa từng sống thiếu thốn, Ngọc My sợ Hoàng Vũ không ăn được những món đạm bạc dân dã ở chùa.
Lúc tới lại vỡ mộng rồi trách cô không có trách nhiệm, nên suốt quãng đường còn lại cứ nhắc đi nhắc lại chuyện cơm chay ở chùa không phải sơn hào hải vị khiến Hoàng Vũ nhiều lúc phát bực.
Nếu cô mà biết trước đây anh từng đi công tác ở biên giới, ở trong rừng rình bọn buôn lậu cả tuần trời, có gì ăn nấy, may đi cùng đội biên phòng, họ có món mì tôm luộc trong túi bóng, chứ không có mà đói rã họng ra rồi.
Ở đấy mà kén chọn.
Thì thế nào cũng lại bảo bốc phét cho mà xem.
Xe đang đi bon bon trên đường chợt giảm tốc độ rồi tấp vào lề, Ngọc My thấy Hoàng Vũ cởi dây an toàn liền thắc mắc:
“Chú đi đâu thế?”
“Câu cá trên cạn, đi không?”
Ngọc My không hiểu thì nhíu mày nhìn anh, Hoàng Vũ đưa mắt nhìn xuống đũng quần mình, rồi hất hàm cợt nhả:
“Tè, đi không che cho?”
Cô sửng sốt nguýt anh, Hoàng Vũ nhếch môi cười khẩy rồi đẩy cửa xuống xe.
Mặc kệ Ngọc My vẫn còn đang cau có lẩm bẩm:
“Biến thái.”
Lúc này ở chùa, sư thầy mới vừa đi đón Tuệ Nhi từ trường học nội trú về.
Nó chín tuổi nhưng năm nay mới bắt đầu vào lớp một.
Tuệ Nhi phát triển chậm, không giống những đứa trẻ bình thường khác nên đi học muộn hơn so với tuổi của mình.
Nghe tiếng động cơ xe bành bạch, đám trẻ nhấp nhổm nhìn ra, sư bác ngừng tay trong giây lát nhìn theo.
Sư thầy thấy sư bác đang cùng mấy đứa nhỏ ngồi vặt lạc thì đã hỏi:
“Thế Tuệ Ngọc chưa về tới chùa à?”
“Bạch thầy chưa thấy ạ! Lúc con bé nhắn phải năm rưỡi, sáu giờ mới về tới.
Có khi sắp tới rồi cũng nên.”
Sư thầy gật đầu, lại dặn dò:
“Xem hấp lại xôi lúc chiều thầy mang về.
Sư bác đã ngâm gạo để tối gói Coóc mò (1) làm quà cho Tuệ Ngọc mang đi chưa?
“Bạch thầy rồi ạ!”
Tuệ Nhi mang theo cặp sách chạy vào phòng cất rồi ùa ra nhập bọn cùng mấy đứa trẻ khác, quây quần quanh sư bác.
Sư bác hỏi han nó đi học có vui không? Con bé không đáp, chỉ ngô nghê cười rồi gật đầu.
Vặt xong lạc, bác giao cho nó đi rửa để luộc đón chị Tuệ Ngọc, nó liền vâng.
Bê rổ lạc đi theo sư bác tới bể nước.
Trời đông nên tối sớm, lũ muỗi rừng thấy hơi người chẳng mấy chốc đã bu quanh đám trẻ, tiếng đập cánh o o, có đứa đã bị muỗi đốt vào cổ chân, cổ tay, thì hí hoáy gãi xoành xoạch.
Sư bác để rổ ngô xuống cho nó rồi dắt hai đứa nhỏ nhất, cùng bốn tuổi đi tắm rửa trước, còn một đứa khác năm tuổi thì ngồi xem Tuệ Nhi rửa lạc với ngô.
Lúc con bé định trút lạc với ngô vào nồi luộc chung với nhau, sư thầy đi qua thấy, liền ngăn lại:
“Mô phật, con không được luộc chung như thế.
Tuệ Ngọc thích uống nước ngô luộc, con để ngô với lạc chung với nhau lẫn vị hết.
Đây bỏ riêng ra hai cái nồi cho thầy.”
Tuệ Nhi đón lấy một cái nồi khác từ tay sư thầy, khẽ vâng.
Nó lại nhặt hết ngô ra, xếp sang cái nồi mà thầy đưa cho.
Thầy vẫn chưa đi, còn đứng ngó xem thấy nó xếp ngô vào nồi nhỏ liền ngăn lại, rồi chỉ cho nó bỏ lạc vào nồi nhỏ hơn, còn ngô xếp vào nồi to.
Tuệ Nhi làm theo, thoăn thoắt nhặt ngô ra rồi đổ lạc vào nồi ấy.
Xong xuôi con bé, ngước mắt nhìn thầy chờ đợi.
Thầy nở nụ cười hài lòng, tay lần tràng hạt, khẽ gật gật đầu đáp lại:
“Đúng rồi!”
Tuệ Nhi thích thú nhoẻn miệng cười rồi tiếp tục xếp ngô vào nồi to.
Thấy nó xếp theo hết một chiều, mới được mấy cái mà đã gần đầy nồi, thầy liền ngồi xuống, vén tay áo, nhẫn nại chỉ cho nó:
“Ngô con phải xếp tráo đầu đuôi như thế này, hai bắp dưới xếp ngược nhau, trên lại ngược lại.
Thế mới vừa nồi, lúc đậy vung không bị kênh, khói không ám vào nhé!”
“Vâng!”
Tuệ Nhi làm theo một lần, lại ngước mắt nhìn sư thầy, thấy thầy gật đầu thì mới làm tiếp.
Thầy cười hiền xoa đầu nó, rồi dắt hai đứa nhỏ đang ngồi gãi chân bị muỗi đốt đi vào trong.
Tuệ Nhi chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác, nên sư thầy luôn hết mực kiên nhẫn mỗi lần chỉ cho nó cái gì.
Đi đến đâu thầy cũng dắt theo con bé, để cho nó được va chạm với thế giới bên ngoài, kích thích sự phát triển.
Vừa lúc thầy đi vào điện thờ phật thì có người đến, từ ngoài cổng đã cao giọng chào vọng vào:
“Bạch thầy, con mới tới.”
Sư thầy thắp lên nụ trầm, rồi quay ra, nheo nheo mắt nhìn người đi vào tới trước cửa.
Nhận ra người quen thì bước ra, tay đã chắp lại, niệm một câu:
“A di đà phật!”
Người kia cũng tỏ ra cung kính, chắp tay cúi đầu:
“A di đà phật!”
“Muộn rồi chú còn tới, có chuyện gì không?”
“Bạch thầy, con đi công việc tiện tạt qua thầy.
Chuyện lần trước con bàn với thầy, thầy tính thế nào ạ?”
“Nam mô a di đà phật! Thầy đã báo với chú rồi còn.
Nơi cửa phật không phải trốn kinh doanh.
Công đức chú vô lượng! Phật độ chú cả đời bình an.
Nam mô a di đà phật.
”
Người kia định nói thêm, đã bị thầy cắt ngang:
“Chiều muộn sương lạnh, đường xa khó đi.
Chú về nghỉ sớm! Nam mô a di đà phật!”
“Thầy…”
Ông ta vừa dơ tay lên muốn níu, thì sư thầy đã quay người rời gót vào trong điện thờ.
Bàn tay kia liền hạ xuống, rồi co lại, siết chặt thành quyền.
Gương mặt mới vừa phương phi hớn hở, đã trở nên sa sầm, hệt như khoảng trời nhập nhoạng tối trên không trung.
Không gian thanh tịnh, văng vẳng tiếng gõ mõ tụng kinh.
Về gần đến lối rẽ vào chùa, Ngọc My hỏi lại Hoàng Vũ một lần nữa:
“Chú đã nghĩ kỹ chưa? Ngã ba trên là rẽ rồi đấy.”
“Giường rộng không? Có mấy cái chăn bông?”
“Ừm, cũng rộng đủ cho mười đứa trẻ nằm, có hai phòng.
Nhưng chỉ có một phòng dùng để ở.
Phòng còn lại trước đây để cho trẻ bên ngoài đến tu tập, nhưng vì từng có đứa đi lạc nên bị chính quyền cấm tổ chức khóa tu thì bỏ không.
Sư thầy dùng để làm phòng chứa ngô giống rồi.”
“Giường mấy mét?”
“Cũng phải hai mét, hơn hai mét.
Mà cháu cũng không biết nữa.”
“Hai mét mà chứa được mười đứa trẻ?”
“Ơ ai biết, ướm ướm vậy chứ.
Bình thường cùng lắm là có bảy đứa thôi.
Cứ đến lại đi ấy mà.
Giờ còn lại năm đứa.”
“Ừm.”
“À còn một phòng nhỏ của sư bác nữa, nhưng từ hồi cháu đi học đại học, sư bác ít ngủ ở bên ấy, toàn ngủ chung với bọn trẻ, để canh chừng chúng nó.”
Ngọc My tự nói tự nghe, Hoàng Vũ không để tâm đến câu chuyện của cô nữa thì nghiêng đầu hỏi:
“Rẽ trái đúng không?”
“Vâng!”
Xe vừa quẹo trái, Ngọc My đã căng tròn mắt nhìn xuống nền đường được trải bê tông phẳng lỳ, rồi láo liên nhìn quanh, cả người đã nhổm dậy trông ra phía sau qua kính xe.
Hoàng Vũ thấy hành động lạ lùng của cô liền hỏi:
“Sao thế?”
“Ơ nhầm đường à? Nhưng rõ cây bồ đề bên trái, cây sở bên phải kia mà.”
“Như nào?”
“Sao lại có cái đường bê tông phẳng mịn như thế này mà cháu không biết nhỉ?”
Ngọc My suýt xoa tặc lưỡi, mắt hấp háy nhìn quanh.
Cây bụi mọc hai bên đường cũng được phát quang hẳn.
Đường dẫn lên chùa trước đây xập xệ lắm, do vào mùa mưa, nước trên cao đổ xuống gây xói mòn, nên mặt đường xẻ rãnh, lại còn dốc đứng nữa chứ không nhẵn thín, thoai thoải như thế này.
Mới không về chùa có mấy tháng mà đã đường đi lối lại đã được trùng tu đẹp như thế này.
Ngọc My chắc mẩm là chính quyền đã phê duyệt đề xuất xin làm đường của sư thầy thì trong lòng phấn khởi hẳn.
Đi thêm một đoạn nữa hai người đã có thể thấy được ánh điện từ phía xa xa, xe lao qua con dốc là tới sân trước cổng dẫn lên chùa.
Đường bê tông dẫn thẳng đến bậc đá, chỗ để xe cũng được láng xi măng nhẵn thín, lại có sẵn một chiếc ô tô bốn chỗ màu trắng đậu ở đấy.
Hoàng Vũ đánh lái, đậu xe vào góc còn lại của sân, chừa khoảng chính giữa bậc đá dẫn lên cổng chùa.
Vừa bước xuống xe đã bị gió lạnh lùa thốc vào mặt, Ngọc My run rẩy rụt cổ so người, miệng cảm thán:
“Lạnh quá!”
Cô nhìn sang Hoàng Vũ, anh đã mở cốp xe lấy giúp túi đồ ra..
“Đưa cháu xách.”
“Thôi, còn cái gì nữa không?”
“Đồ của cháu đây rồi? Đồ của chú đâu?”
“Ghế dưới.”
Ngọc My mở cửa sau, giúp anh lấy luôn túi đựng đồ, Hoàng Vũ mang ít nên túi của anh nhỏ xíu gọn gàng, chứ không khệ nệ như của cô.
Hai người vừa bước lên bậc đá thứ nhất, thì có người đi xuống.
Ngọc My ngước mắt nhìn ông ta, người kia cũng liếc mắt nhìn cô một cái, rồi đánh sang người đàn ông cao lớn đi bên cạnh cô.
Vừa chạm phải ánh nhìn sắc lạnh đầy khách sáo của anh, ông ta chợt nở nụ cười nửa miệng, coi như chào hỏi người qua đường.
Hoàng Vũ không quen người này, chỉ theo phép lịch sự cũng nhếch môi đáp lại, nhưng rất nhanh gương mặt điển trai đã đổi sắc trở nên lạnh nhạt, tầm nhìn thu hẹp đặt vào bóng lưng kẻ vừa đi lướt qua hai người, âm trầm đánh giá.
…
Ngọc My nhảy chân sáo chạy nhanh qua bậc đá vào trong chùa,vừa thấy bóng lưng thầy đang quỳ trước phật tổ tụng kinh liền chậm bước lại, chỉnh trang quần áo rồi hớn hở reo lên:
“Nam mô a di đà phật, bạch thầy con mới về ạ!”
Nghe tiếng cô, đám trẻ đang ngồi bên bếp lửa đã nháo nhác chạy ùa ra.
Tuệ Nhi giục củi sâu vào dưới đáy nồi rồi chạy theo.
Sư bác thấy bọn trẻ nhớn nhác chạy ra đón Ngọc My thì đang dở tay vớt gạo nếp cũng ngừng lại ngoảnh ra, nhoẻn miệng cười.
“Tuệ Ngọc về rồi đấy hả? Đi đường có mệt không con? Mô phật!”
Cô bám tay thầy, cười híp cả mắt lắc lắc đầu.
Đám trẻ hớn hở reo tên cô, đứa ôm chân trái, đứa ôm chân phải, ngước mắt nhìn cô.
Ngọc My khom người hết sờ má lại xoa đầu từng đứa một, đến hai đứa nhỏ nhất thì hóm hỉnh hỏi chúng:
“Tuệ Lâm, Tuệ Minh có biết ai đây không?”
“Chị Tuệ Ngọc!”
“Giỏi quá, nhớ chị Tuệ Ngọc luôn này.”
Được khen ngợi, chúng bẽn lẽn cười tủm.
Nhưng cô đếm đi đếm lại cũng chỉ có bốn đứa, thấy lạ liền hỏi:
“Bạch thầy, Tuệ Vân đâu rồi ạ?”
“Có bố mẹ đón em rồi con!”
“Từ bao giờ hả thầy?”
“Mới nửa tháng trước.”
“Người ở đâu ạ?”
“Dưới phố đấy con.
Gia đình tử tế, khá giả, muộn con nên đến xin về.”
Dù hơi hẫng, vì đứa trẻ đã ở chùa bao năm tự nhiên rời khỏi bất ngờ.
Xong lại cảm thấy đây là điều may mắn, vì ít nhất con bé được về với bố mẹ khá giả, sẽ được sống cuộc sống đủ đầy hơn, chứ không thiếu thốn như ở chùa thế này.
Từ lúc Tuệ Vân còn đỏ hỏn bị bỏ rơi, đã được sư thầy nhận nuôi, mỗi ngày nhìn nó lớn lên, thân thiết như người thân.
Nên lúc nghe tin con bé được người ta nhận nuôi khiến Ngọc My có chút tiếc nuối.
Cô cười gượng, khẽ cảm thán một câu:
“May mắn cho em ấy quá!”
Lại đưa mắt nhìn những đứa còn lại.
Sư thầy hiền từ nở nụ cười an ủi, Ngọc My cũng cười theo.
Sư thầy ngó quanh một lượt rồi hỏi cô:
“Sư bác bảo con về cùng bạn.
Thế bạn đâu rồi?”
“Ui! Ch.ết đâu mất rồi?”
...
Chú thích:
(1) Coóc mò: Trong tiếng Tày, “coóc mò” nghĩa là sừng bò vì bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng.
Bánh được làm từ gạo nếp, lá đỏ và đậu xanh.
Cách nấu và hương vị món ăn này gần giống bánh chưng nhưng thơm hơn nhờ lá đỏ - nguyên liệu đặc biệt chỉ có ở Bình Liêu.