Từ ngày cô về chùa, một tay sư bác chăm lo dạy dỗ việc bếp núc, nữ công. Lớn hơn một chút thì giáo dục giới tính, và tâm sinh lý tuổi dậy thì, điều mà một đứa trẻ mồ côi như Ngọc My không thể nào tự biết được.
Những năm tháng trưởng thành, Ngọc My không phải chưa từng nghĩ tới mẹ. Cô luôn tự hỏi bà ấy là người như thế nào? Có phải rất tốt giống như vẻ bề ngoài xinh đẹp trong ảnh hay không? Tấm ảnh mà Ngọc My có được của mẹ mình, qua ngần ấy năm cũng phai mờ đi không ít. Ở trong ảnh mẹ cô hay cười, đuôi mắt cũng cong cong như trăng non trông thật xinh đẹp. Nhiều lúc ngồi trước gương, Ngọc My lại tự than, sao mình nhìn qua chẳng giống mẹ chút nào, ngoài khuôn miệng mỏng, nhấn khóe rõ ràng, nên nhìn lúc nào cũng giống như đang cười. Cũng bởi vậy có thể che giấu được những lúc nội tâm yếu mềm, không cho người ngoài biết được.
Đầu giờ chiều ngày hôm sau, vừa rời khỏi chùa chưa đầy một tiếng mà Ngọc My đã thấy nhớ mọi người. Lần nào trở về cũng vậy, chẳng muốn dứt gót rời đi. Hoàng Vũ đưa mắt nhìn cô, lại liếc qua gương chiếu hậu, cái xe của anh lúc này, đích thị thành xe thương lái. Cốp xe và hàng ghế sau chất đầy rau củ và ngô. Hoàng Vũ khẽ lắc lắc đầu, cười như không.
Ngọc My bất giác ngoảnh sang, vương vào tầm mắt gương mặt sáng láng, vui tươi thì chợt trầm ngâm không rời mắt. Hình như dạo gần đây, cô thấy người đàn ông này bớt xấu đi một chút rồi thì phải. Nghĩ gì nói nấy, lúc Hoàng Vũ quay sang, hắng giọng hỏi:
“Nhìn cái gì mà mê mẩn thế hả?”
Ngọc My liền đáp lời:
“Dạo này nhìn chú bớt xấu đi rồi đấy, nên đừng cau có mặt mày nữa. Mấy nữa sẽ dần đẹp lên.”
Hoàng Vũ cong môi, xì lên một tiếng rồi vươn tay cốc đầu Ngọc My một cái,
“Ê nhóc, nói nghe này. Chỉ có mình nhóc chê cái mặt trời cho này xấu thôi. Tầm nhìn hạn hẹp. Chẳng biết mắt thẩm mỹ kiểu quái gì.”
Được khen mà người này xem ra không hào hứng lắm, lại còn động chân động tay đánh người khiến Ngọc My cụt cả hứng. Cô thấy thế nào thì sẽ bảo thế thôi, thật thà cũng là cái tội sao? Chẳng lẽ người đàn ông này, nghe lời ong tiếng ve, ngọt ngào rót vào tai quen rồi, nên khó chấp nhận được sự thật?
Cô khẽ bĩu môi lắc đầu, trong thâm tâm đã khẳng định điều đó.
Có thể trong mắt người khác, nhan sắc của Hoàng Vũ có phần vượt trội, ưa nhìn. Nhưng đối với Ngọc My, anh chỉ là một người đàn ông bình thường. Cũng giống như Hoàng Vũ, anh không phải gu của Ngọc My và ngược lại. Bởi vậy việc bị hấp dẫn bởi vẻ bề ngoài của đối phương là không thể.
Hoàng Vũ đánh thẳng xe xuống hầm gửi xe của tòa nhà, trong lúc anh bỏ rau củ xuống, cô nhanh chân đến chỗ bảo vệ mượn xe chuyển đồ.
Nhìn đống đồ được chất đầy lên xe đẩy, Ngọc My khẽ gật gù. Cô vừa phủi tay định đẩy vào thang máy, thì Hoàng Vũ đã làm thay.
“Chú để cháu tự đẩy được rồi. Cảm ơn chú.”
Anh đưa mắt nhìn cô một lượt, rồi khinh khỉnh bỏ ngoài tai lời của Ngọc My. Cô khó hiểu chạy theo,
“Ơ chú đừng coi thường cháu, nhìn thế thôi chứ cháu khỏe lắm.”
“Người thì bằng cái kẹo, lắm chuyện. Bấm thang nhanh.”
Ngọc My bĩu môi, bấm xong thang thì lùi lại để Hoàng Vũ đẩy xe rau lại gần cửa thang.
Tay cô siết thành nắm đấm dấm dứ sau lưng anh. Hoàng Vũ như có mắt thần, biết được hành động lén lút ấy của Ngọc My liền quay lại. Cô nhanh tay thu nắm đấm giấu về phía sau, tỉnh bơ nhoẻn miệng cười.
Hoàng Vũ không thèm chấp, trưng ra biểu cảm khô cứng lừ mắt nhìn Ngọc My một cái cảnh cáo, rồi lẳng lặng đẩy xe rau vào thang máy.
…
Sư thầy nhận được điện báo đã về tới nhà bình an của Ngọc My thì an tâm buông máy rồi đi vào điện thờ phật tụng kinh.
Thầy vừa tụng được một đoạn kinh thì có khách tới. Từ ngoài cổng chùa đã nghe thấy giọng chủ tịch xã sang sảng vọng vào. Bọn trẻ đang chơi ngoài sân thấy ông ta thì lễ phép chào hỏi:
“Cháu chào bác!”
“Ừ, ngoan lắm. Mấy đứa này lớn nhanh nhỉ?” Chủ tịch xã với tay xoa đầu Tuệ Minh, con bé cười cười rụt cổ né rồi chạy biến đi.
Tuệ Hoa thấy thế cũng nhặt đồ chơi dưới đất rồi chạy theo.
Tiếng trẻ nhỏ nô đùa, nói cười khúc khích trong trẻo vang lên trong khung cảnh hoang vu yên ắng khiến nó như bừng lên sức sống.
Tuệ Nhi ngồi bên cạnh nghe thầy tụng kinh, con bé thấy bóng người đi tới thì ngoảnh mặt nhìn ra. Sư thầy tâm vẫn không động, miệng lẩm nhẩm tụng kinh cho đến khi ở ngoài cửa vọng vào tiếng thưa:
“Bạch thầy!”
Tuệ Nhi ngước mắt nhìn thầy. Tay gõ mõ chợt khựng lại, thầy nhìn sang con bé, nở nụ cười hiền,
“Con ra mời khách sang phòng bên cho thầy.”
“Vâng!”
Con bé tất tả đứng dậy, chạy ra cửa chỉ dẫn đường cho người kia. Người đàn ông nhỏ thó, cao chừng mét bảy, tóc điểm hoa râm, gương mặt gầy quắt, lẳng lặng nhìn vào gian thờ phật một cái, tay chắp lại, thành khẩn niệm nam mô rồi mới đi theo hướng Tuệ Nhi chỉ đường.
Sư thầy vừa tới, ông ta đã đon đả cúi chào, thầy khách sáo chắp tay, “Nam mô a di đà phật! Ông ngồi chơi uống nước.”
Sau một hồi vòng vo, người đàn ông kia bắt đầu quàng xiên sang chuyện về người làm đường cho nhà chùa. Sư thầy vẫn điềm đạm rót nước mời ông ta,
“Ông uống nước đi cho ấm.”
“Nãy giờ tôi nói mà thầy không nghe ra ư?”
“Nam mô a di đà phật!”
Thấy thầy có ý lờ đi, chủ tịch xã lại gặng:
“Đây là cơ hội tốt để nhà chùa phát triển hơn. Thầy không muốn ngày ngày phật tử ra vào hương hỏa, lễ bái nhộn nhịp như những ngôi chùa ở vùng khác ư? Thầy nhìn xem, bao năm nay rồi, không khá lên được.”
Thầy nhìn ông ta một cái, vẻ tức tối khiến gương mặt vốn đã nhăn nheo càng trở nên dúm dó khó coi. Cứ bảo là chùa không phát triển được, người dân không nhang khói, lễ bái. Nhưng ông ta không nhìn lại xem xem, trước đây là do chính quyền cấm không cho nhà chùa được mở cửa đón các cháu tham gia khóa tu tập đấy sao? Giờ lại trách thầy không quảng giao. Không hiểu là loại lý lẽ gì. Đúng là người có quyền muốn nói là trắng, ắt không thể nào đen.
“Thầy không thấy ông ấy bỏ ra biết bao tiền để làm từ thiện hay sao? Người ta làm ăn chân chính, có ý tốt muốn giúp đỡ nhà chùa mà thầy lại không biết tận dụng là thế nào? Đấy, con đường từ cổng chùa ra tận đường bê tông cũng là người ta xây cho. Thầy cố chấp làm cái gì nữa?”
Ngay từ khi chủ tịch xã đến, thầy đã biết là có chuyện rồi. Nhưng không ngờ ông ta lại sốt sắng làm thuyết khách cho người kia đến như vậy.
Chủ tịch xã nói vã bọt mép mà sư thầy cứ làm thinh, gương mặt thầy phúc hậu giữ nguyên nét hiền từ. Đợi ông ta uống xong chén nước thầy mới vừa châm thêm chén nữa, vừa lên tiếng:
“Một người phóng sinh một nghìn mà cái tâm người ta thành và một người phóng sinh mười triệu mà cái tâm người ta không thành. Thì xin thưa rằng người phóng sinh một nghìn phúc báo nhiều hơn. Đạo phật không phải ở vật chất mà là ở cái tâm, niệm phật không bằng miệng mà niệm bằng tâm. Ông có hiểu lời thầy không?”
Chủ tịch xã nghệt mặt, tự động lắc đầu. Ông ta chẳng hiểu, mà đúng hơn là không muốn hiểu, bởi tâm đã nghiêng về người nhiều tiền kia. Làm gì có tâm trí mà quan tâm đến lời giảng giải của thầy.
Từ hồi người kia mới tới thăm viếng, công đức rồi đặt vấn đề muốn giúp chùa phát triển này kia, còn đề xuất gia tăng việc nhận nuôi trẻ mồ côi để cho làm con nuôi thì sư thầy đã cảm thấy không ổn. Mục đích của người ta là muốn biến nơi này thành chỗ kinh doanh thương mại, mà với thầy thì nó là chốn bình yên để cưu mang những sinh linh khốn cùng bị cha mẹ bỏ rơi, người thân không đoái hoài, giúp chúng tâm thanh tịnh, không sân hận đối với đấng sinh thành, để sau này trưởng thành làm người có ích.
Thầy không muốn người ta thương mại nó, biến chốn yên bình trở nên xô bồ ồn ã và trở thành công cụ cho người ta thực hiện việc xấu của mình. Bởi vậy dù người kia có vẽ trăng, vẽ hoa, thì thầy cũng chỉ nghe đâu bỏ đấy, chứ không bị lợi ích trước mắt và đồng tiền che mờ mắt.
Không có thứ gì tự nhiên trên trời rơi xuống. Không có công, không nhận quà, của biếu là của lo, của cho là của nợ. Há miệng mắc quai, đến lúc quay đầu lại, thứ chờ đợi ta không chắc đã phải là bờ.
Bị sư thầy phớt lờ, khiến chủ tịch xã tức lắm, nhưng chốn cửa chùa linh thiêng, ông ta chỉ dám nuốt giận vào trong mà hậm hực rời khỏi. Nhưng vẫn cay cú, lẩm nhẩm trong miệng trách thầy già rồi u mê, không chịu thức thời. Gió rét căm căm lùa trên không trung, va vào tán bồ đề phát ra tiếng xào xạc. Bóng chủ tịch xã dần khuất xa sau ngưỡng cửa chùa.
Thầy đứng bên cửa lặng lẽ trông theo, rồi lắc lắc đầu, tay lần tràng hạt, miệng khẽ niệm mấy câu:
“Đi về phía ánh sáng, bóng tối chợt tiêu tan
Đi về phía bình an, khổ đau tự biến mất.
Đi về phía được mất, lòng liền bị hẹp đi
Đi về phía từ bi, tâm tự nhiên rộng lớn.
Đi về phía thiệt hơn, lòng gập gềnh lên xuống
Đi về phía ham muốn, phiền não tự khắc sinh.
Đi về phía thiện bình, tham sân si vô hiệu
Đi về phía thấu hiểu, lòng tự khắc bao dung… (*)
Nam mô a di đà phật!”
…
Đúng như lời người công an kia hứa, đầu giờ chiều ngày thứ hai tuần mới, anh ta đã gọi điện thông báo kết quả tìm hiểu về gia đình bà Duyên cho Hoàng Vũ.
Hoàng Vũ ở bên này không hỏi chỉ im lặng lắng nghe người kia báo cáo, nghe qua thì không có gì là bất thường.
Người kia không thấy Hoàng Vũ nói gì thì hỏi lại:
“Anh vẫn nghe chứ ạ?”
“Ừ cậu cứ nói tiếp đi.”
“Vâng, khu đất mà bà cháu bà Duyên ở thuộc khu đất công, không có sổ đỏ. Nhờ ông Lê Danh Chiến can thiệp nên mới có thể cất nhà ở tạm. Sau này bà Duyên chết, đứa cháu gái được gửi vào chùa thì khu đất ấy cũng bị chính quyền tịch thu lại.”
“Ai? Cậu vừa nói ai can thiệp giúp họ?”
“Ông Chiến ạ! Lê Danh Chiến ấy anh, công an thành phố, anh không biết ạ? Anh em với ông Lê Danh Trường…”
Hoàng Vũ chợt cắt ngang:
“Rồi, tôi biết. Như vậy là đủ rồi. Phiền cậu gửi lại thông tin về gia đình bà Hoàng Lương Duyên vào email cá nhân giúp tôi. Cảm ơn cậu!”
Người kia vâng dạ rồi cúp máy. Hoàng Vũ trầm ngâm, tay đưa lên xoa cằm suy ngẫm. Trong lúc anh đang thất thần thì có điện thoại gọi tới, là của Phương Quỳnh.
Hoàng Vũ khẽ thở hắt ra, mắt đăm đăm nhìn vào màn hình điện thoại, lúc chuông gần đổ hết mới dứt khoát nhấn nút nghe. Đầu dây bên kia dường như chỉ chờ có vậy, liền lên tiếng nói ngay:
“Tối nay em định nấu canh đầu cá, anh về ăn nhé!”
“Anh sợ về muộn đấy.”
“Em chờ anh được mà. Nhiều việc lắm sao ạ?”
Hoàng Vũ lia mắt nhìn lên bàn làm việc, hồ sơ cần giải quyết đã được xử lý xong.
“Ừm, anh sang bên chú Chiến có tí việc. À đừng đợi cơm anh, anh ăn luôn bên ấy không cô Hoa lại nói. Để hôm khác anh về. Thế nhé! Chú ý ăn uống, đừng bỏ bữa.”
Phương Quỳnh chưa kịp nói thêm, điện thoại đã bị ngắt ngang. Cô ấy không vui, nhưng Hoàng Vũ lại chẳng mảy may để tâm đến điều đó.
Gương mặt xinh đẹp được trang điểm tinh tế với phấn mắt màu đồng khiến cho Phương Quỳnh càng nền nã đoan trang, nhưng thực tế trong thâm tâm cô ấy lúc này lại mang thứ cảm xúc buồn bực, bứt rứt khó tả. Việc người đàn ông kia, năm lần bảy lượt khước từ gặp gỡ khiến Phương Quỳnh dường như bắt đầu mất kiên nhẫn.
Trong lúc Phương Quỳnh đang đắm chìm trong mớ cảm xúc hỗn độn và sự uất ức đang dâng trào lên tới tận họng thì có tiếng gõ lên mặt bàn làm việc.
Cô ấy giật mình quắc mắt muốn lườm kẻ phá đám nào đó. Nhưng rất nhanh, Phương Quỳnh đã lấy lại được vẻ điềm tĩnh vốn có, nắm tay giấu dưới đùi siết chặt, môi mím lại trong giây lát rồi thả lỏng hết cỡ tạo thành nụ cười, khiến sắc mặt vốn khó coi bỗng chốc trở nên hiền hòa dễ gần mà trưng ra cho người khác thấy.
“Em tìm chị à?”
Hạnh Chi dim mắt gật đầu, đáp lại:
“Tài liệu của bên công ty hợp tác với mình lần này cần ký duyệt ngày hôm nay đâu?”
“À đây, để chị mang sang cho em.”
“Thôi khỏi, tôi đã mất công sang tận đây rồi.”
Dứt lời, Hạnh Chi chộp lấy tập tài liệu để sẵn trên mặt bàn rồi nắm trong tay, lắc qua lắc lại trước mặt Phương Quỳnh. Cô ấy chưng hửng gượng cười,
“Vậy cầm luôn giúp chị, cảm ơn em.”
“Ừm!”
Nhìn theo từng bước sải chân đầy tự tin đi ra khỏi phòng mà Phương Quỳnh không khỏi ngưỡng mộ. Cùng từ nước ngoài trở về, nhưng địa vị của cô ấy và Hạnh Chi lại hoàn toàn khác nhau. Một người là kẻ nắm quyền điều hành trong tay. Một người mang tiếng là trợ lý cao cấp của giám đốc điều hành, nhưng lúc nào cũng phải cúi đầu nhìn sắc mặt của người kia để hành sự.
Phương Quỳnh chợt buông lỏng người hết cỡ, bàn tay vừa siết chặt đặt trên đùi cũng để rơi tự do buông thõng.
Cô tự hỏi bản thân đang mong đợi điều gì? Tình yêu? Địa vị? Giàu sang? Đâu là thứ mà Lý Phương Quỳnh thật sự mong muốn?
Đôi mắt bồ câu chợt dim lại, bàn tay vừa buông lơi càng siết chặt hơn. Tất cả, Phương Quỳnh muốn tất cả, trái tim Hoàng Vũ, địa vị trong công ty, cái gì cô cũng muốn. Chỉ cần có được Hoàng Vũ, chỉ cần anh quay lại yêu cô như ngày xưa khi hai người chưa từng xảy ra chuyện, Phương Quỳnh sẽ có tất cả.
Khóe môi anh đào bất giác đẩy cong, vẽ thành nụ cười đắc thắng. Chỉ cần nghĩ tới lý do bắt đầu của lần quay trở lại này, Phương Quỳnh lại như được dậy tinh thần và tiếp thêm động lực.
…
Hết giờ làm việc, Hoàng Vũ nhanh chóng xuống bãi đậu xe, anh đi như tên bay đến nỗi Khánh Huy còn không đuổi kịp. Anh ấy vừa dơ tay muốn vẫy gọi, vậy mà Hoàng Vũ đã lướt qua như bị ma đuổi, rồi biến mất sau hành lang.
Vừa tới nhà chú họ, Hoàng Vũ đã đi thẳng vào phòng khách. Bà Hoa thấy anh thì đon đả hỏi han:
“Sang sớm thế Vũ?”
“Cháu chào thím. Chú đâu rồi ạ?”
“Ở trên phòng đấy, chắc lại sắp đi đánh bóng bàn hay sao ấy. May cháu sang sớm không lại không gặp được.”
“Vâng, thế cháu lên gặp chú một lát.”
“Ừ, thế ở lại ăn cơm nhé để thím nấu.”
Hoàng Vũ đi đến cầu thang, nghe bà Hoa hỏi vậy thì ngoảnh mặt lại đáp:
“Thôi thím ạ, lát về nhà cháu ăn. Không mẹ cháu lại mắng.”
“Ừ phải đấy, anh em mày cứ đi suốt, bác ấy lại tủi thân.”
Ông Chiến vừa định thay đồ đi đánh bóng bàn bên nhà văn hóa thì Hoàng Vũ đến nên lại thôi. Vừa ngồi xuống chưa ấm chỗ, Hoàng Vũ đã hỏi chuyện về gia đình bà Duyên khiến ông ấy khá bất ngờ.
Thấy sắc mặt ông Chiến có chút thay đổi, Hoàng Vũ đã chắc mẩm mình hỏi đúng người, và chắc chắn rằng ông ấy có quen biết với gia đình Ngọc My.
“Thế cháu có liên quan gì đến gia đình họ mà tự nhiên lại hỏi?”
“Chú biết không ạ?”
“Biết cái gì?”
“À không, ý cháu là chuyện về gia đình bà Hoàng Lương Duyên ấy ạ. Nhân viên hộ tịch nói năm đó họ đến địa phương, lúc nhập tịch là chú đứng ra bảo lãnh.”
Bị cháu trai đón đầu, ông Chiến không thể phủ nhận được. Hoàng Vũ cũng là người chín chắn, với cả chuyện cũng chẳng liên quan đến anh nên đã kể toàn bộ chuyện xảy ra năm đó cho Hoàng Vũ nghe.
Sắc mặt Hoàng Vũ khi tiếp nhận những sự thật kinh hoàng mà ông Chiến nói mỗi lúc một thay đổi theo chiều hướng tệ đi. Đã có lúc anh thật sự mất bình tĩnh mà muốn rít lên chửi thề nếu như không cố kiềm chế lại.
Nhìn vẻ mặt đầy bất bình và phẫn nộ ấy của cháu trai, ông Chiến hoàn toàn không cảm thấy lạ. Bất cứ ai đi chăng nữa, nếu nghe được chuyện này, biết được tội ác của người phụ nữ kia đối với bà Quỳnh Thu cũng đều sẽ có biểu cảm giống Hoàng Vũ mà thôi.
“Cứ tưởng là Quỳnh Thu không tha thứ được, xong cuối cùng lại chính là cô ấy ra tay giúp đỡ bà cháu bà Duyên.”
“Họ có biết không ạ?”
Ông Chiến gật gù:
“Bà Duyên biết, còn đứa cháu gái thì có được biết hay không thì không rõ. Từ lần giúp đỡ họ được nhập khẩu vào địa bàn sinh sống thì chú không liên quan nữa. Nói thật nếu không phải Quỳnh Thu lên tiếng nhờ vả rồi bố thằng Bách nói vào nữa thì chú cũng không giúp đâu.”
Hoàng Vũ đăm chiêu nhìn chú mình, ông ấy nói chẳng sai, nếu là bất kỳ ai khi biết được sự việc mà con gái bà Duyên gây ra cũng sẽ không muốn ra tay cưu mang hay giúp đỡ bà cháu họ. Chỉ có người phụ nữ hiền hậu kia là đủ bao dung để giúp kẻ từng hại mình mà thôi.
Cổ họng anh tự nhiên nghẹn lại, phẫn nộ, ghét bỏ đan xen cứ mỗi lúc một trào lên, nhưng trong tim lại len lỏi chút gì đó thương cảm cho đứa trẻ ngây thơ không hiểu chuyện được sinh ra từ tội ác của mẹ nó.
Hôm vừa rồi về chùa, lúc trải chăn cho anh, con bé đã rất tự hào khi nói về mẹ nó, còn nói mẹ rất yêu nó này kia. Giờ nghĩ lại, thì mọi chuyện đã qua lâu rồi, người bị hại cũng đã dần nguôi ngoai, chỉ sợ đứa trẻ ngây ngô không hiểu chuyện quá khứ kia, một ngày nào đó lại trở thành người bị tổn thương nhiều nhất mà thôi.