Mạc Đĩnh Chi hiện giờ đang đi theo chú sáu làm quân sư quạt mo mặc dù có vẻ chú ta không cần tới lắm.
Nhưng dù sao hai cái đầu vẫn hơn một cái đầu, vậy là ông chú sáu nhân tiện đưa Mạc Đĩnh Chi đi cùng nam chí bắc, vào sinh ra tử mấy phen sớm đã tôi luyện thằng nhóc nhút nhát ngày nào trở nên gan dạ bản lĩnh.
Nhưng Trương Hán Siêu lại khác với Mạc Đĩnh Chi ở chỗ, nếu như thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi trời sinh xấu xí thì Trương Hán Siêu lại có dáng vẻ thư sinh nho nhã, mặt trắng môi hồng, lại tỏ ra là kẻ có tính tình cương nghị.
Trương Hán Siêu này nghe đâu là học trò giỏi nhất trong phủ của Trần Ích Tắc, thường thay thầy của cậu ta dạy dỗ các môn sinh nhỏ tuổi hơn.
Sau khi học đường của Trần Ích Tắc vắng vẻ thì cậu ta theo cha tôi làm cố vấn, được cha tôi tin dùng.
Lần này cha tôi cử cậu ta đi chung với Nguyễn Khoái, theo lời của cậu ta là:
"Nguyễn tướng trời sinh dũng mãnh, có tôi chỉ như thêu hoa trên gấm.
Nhưng vì Quốc công tin tưởng sai đi, tôi cũng không thể phụ tấm lòng ngài."
Vào tai tôi chính là Nguyễn Khoái có dũng nhưng ít mưu, chỉ sợ gặp những lúc khó nghĩ lại đưa ra sai lầm.
Vì thế cha tôi đành rứt ruột giao mưu sĩ của mình cho ông ta, hy vọng đưa ra được những quyết định sáng suốt.
Nhưng đấy dù sao cũng là do tôi nghĩ.
Nguyễn Khoái sống từng ấy năm đến nay cũng trạc năm mươi tuổi, lại được tín nhiệm giao cho Thánh Dực quân thì cũng không phải kẻ tầm thường dù vốn dĩ Thánh Dực quân là đội quân đáng ra nên đi theo Trần Khâm lúc nước sôi lửa bỏng.
Nói về ông già Nguyễn Khoái này thì nổi tiếng nhất là truyền kỳ về việc sức khỏe hơn người, từng dùng tay bẻ sừng trâu.
Nhưng vấn đề không phải chỉ dừng lại ở đó, lúc đuổi theo chiến thuyền của cha tôi khi Ô Mã Nhi bị bỏ lại ở Long Hưng gã đã cho người đập phá Chiêu Lăng của tiên đế.
"Làm sao mà chúng biết?" – Tôi hoảng hốt hỏi.
Trương Hán Siêu căm giận đáp:
"Ô Mã Nhi sai người đi dò hỏi.
Quan gia yên tâm, những kẻ hèn nhát tiết lộ tôi đã cho người đi trừng phạt rồi.
Sau đó thằng khốn Ô Mã còn thách thức nữa, đúng là phường đầu trộm đuôi cướp."
Nguyên văn của Ô Mã Nhi là câu "Ngươi chạy lên trời ta theo lên trời, ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất, ngươi trốn lên núi ta theo lên núi, ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước".
Tôi nhìn thấy trán Trần Khâm nổi gân xanh, tay nắm thành quyền đập mạnh xuống bàn làm nước trong chén sóng sánh như muốn trào ra ngoài.
Trần Khâm cho Trương Hán Siêu trở về, lại dặn dò không ai được bép xép cho Thượng hoàng nghe chuyện này.
Tôi nhìn vẻ mặt anh hết phẫn nộ rồi lại lộ ra vẻ chán nản, có lẽ đang cảm thấy bất lực vì bản thân chỉ có thể trốn chạy mà vẫn chưa thể tự tay chém kẻ kia ra làm ngàn mảnh.
Tôi khoác áo choàng cho anh, nhẹ giọng nói:
"Việc gì ban đầu mà không gặp chút gian nan, như bây giờ đã tốt hơn năm đó rất nhiều rồi.
Hiện giờ chúng đang khinh ta nên làm việc không tránh khỏi chủ quan, khi địch như thế chúng mới dễ dàng thua cuộc."
Trần Khâm dần bình tĩnh lại, trong mắt giống như xẹt qua một tia quyết tâm.
Trong lúc đóng quân ở Thanh Hóa Trần Khâm cho binh lính xẻ gỗ làm thuyền.
Thuyền to hai tầng, thuyền nhỏ bọc sắt ở đầu cốt để đâm thủng thuyền địch, thuyền nhẹ, thuyền lửa đều đủ cả, rốt cuộc chỉ trong thời gian ngắn đã tạo nên một hạm đội thuyền hoành tráng.
Trong lúc này ở Thanh Hoá chỉ đón những trận tấn công nhỏ lẻ của địch ở những đồn trại nhỏ nằm rải rác, thực chất những trận đánh này chỉ là những trận nghi binh nhằm đánh lạc hướng chúng mà thôi.
Cho dù quân Thát liên tục thắng nhưng cũng mấy lần vồ hụt, chúng lại lâm vào tình trạng hoang mang, dần nản chí rút trở về.
Đương lúc này truyền về hai tin một tốt một xấu, Trần Khâm hỏi tôi muốn nghe tin nào trước.
Tôi bế con bé Huyền Trân thấy nó liên tục phun bong bóng nước, cái miệng nhỏ chu chu làm xấu bèn đáp:
"Tin xấu trước đi vậy!"
Trần Khâm bật cười.
Nhớ ngày tôi mới gặp lại anh ta sau bao năm dài xa cách, gương mặt của anh trắng trẻo đẹp đẽ, làn da căng bóng hồng hào mang nét trẻ trung, lại giống như vẫn còn vương chút trẻ con nơi đầu mày cuối mắt.
Ngày còn nhỏ Trần Khâm đẹp như tạc tượng, đứng cạnh anh ta giống như tắm trong cái nắng tháng ba, cả người lúc nào cũng toả ra thứ ánh sáng chói mắt làm tôi ít khi dám nhìn thẳng.
Thằng bé Quốc Chẩn ngày nay tuy giống nhưng nói thật lòng thì không bằng.
Hiện tại tuổi cũng lớn rồi, chút trẻ con khi ấy bay biến.
Gương mặt anh trở nên sắc cạnh, khi cười cũng hằn lên một đường rãnh nam tính, lại trông phong độ và cuốn hút theo một cách riêng.
"Tin xấu là kinh thành đã thất thủ, chú sáu thì rút về phía Bắc, chú ba cũng rút khỏi thành."
Đúng là đoán không sai, Trần Nhật Duật đã sớm bại trận.
Còn chuyện mất thành là chuyện sớm muộn, dù sao trong thành là thế cô lập dễ thủ nhưng khó công, thủ không tốt còn dễ dàng rơi vào hiểm cảnh.
Lại nói với cảnh mèo vờn chuột như lúc này không loại trừ ý định của cha tôi là muốn câu thời gian cho đến khi bọn chúng lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như lần trước.
Hiện tại đã là tháng hai, nắng đã gắt hơn rất nhiều.
Trông vẻ mặt nhăn mày nhó của anh ta, tôi bất chợt nhếch môi:
"Thở dài cái gì, không phải ý của chàng là cho chú sáu phân tán ra để chặn đường liên lạc của chúng về Nguyên hay sao? Còn chú ba ra khỏi thành, ngày đêm có lúc nào để cho Thoát Hoan yên ổn.
Vừa bị cô lập trong thành không liên lạc được về nước lại vừa bị quấy rối ngày đêm, Thoát Hoan không khéo lại phát điên mất."
Trần Khâm hứng thú nhìn tôi:
"Xem ra đi theo tôi bao lâu cũng không uổng!"
Tôi dùng tay xoa nắn hai bên má của anh ta, mím môi:
"Đừng có mà tự mãn! Còn tin tốt thì sao?"
Nét mặt Trần Khâm lúc này càng thêm phấn khích:
"Nhân Huệ vương và Hoài Văn quân lập công rồi!"
Hoá ra lần đó Trần Khánh Dư xin được ở lại Vân Đồn vì đoán được thuyền lương của địch vẫn còn theo phía sau, bèn lâu ngày dài tháng chờ đợi mà không hề rút quân.
Quả nhiên lúc đoàn thuyền lương của chúng nặng nề đi ngang, thuỷ quân của Nhân Huệ Vương ngay lập tức chặn đánh cho trở tay không kịp, chết đuối rất nhiều.
Đến khi chạy trối chết vào bờ còn gặp phải tập kích ác liệt hơn, rốt cuộc phải ném phần lớn lương thực xuống biển cho thuyền nhẹ lại, đào thoát ngược ra biển chẳng rõ sống chết.
Thật ra căn nguyên là Ô Mã Nhi được giao cầm quân thủy mở đường cho đoàn thuyền lương theo sau.
Sau khi đánh lui được quân ta chắc chắn một điều là Ô Mã Nhi cho rằng thế quân ta yếu không đáng lo, bèn tiến sâu vào trong để hội binh với Thoát Hoan và dốc lòng truy đuổi Trần Khâm và hoàng thất.
Nhưng xui xẻo là gã không đoán được hành động của kẻ âm hiểm Khánh Dư, anh ta lại không sợ chạy mà lì lợm ở lại đợi bắt miếng mồi ngon phía sau, đó mới là thứ thật sự mà Trần Khánh Dư thèm thuồng.
Trần Khánh Dư chơi chiêu này quá độc, mà Ô Mã Nhi lại quá ngu ngốc, tôi tự hỏi cái gã đó không phải làm gà mái mẹ đi trước để bảo vệ gà con hay sao? Rốt cuộc gà mẹ lại quá mải mê kiếm mồi, đàn con lại từng con từng con bị diều hâu tha đi mất.
Nếu tôi mà là người chỉ huy đoàn thuyền lương đó, ắt hẳn sẽ chỉ tay vào mặt họ Ô kia mà mắng:
"Anh sống có lương tâm hay không, đầu óc của anh không phải chỉ dùng để trưng hay sao hả? Không có cơm của tôi thì binh lính của anh sống thế nào, không có cỏ của tôi thì ngựa của anh ăn lá cây để chạy chắc? Tôi mặc kệ, anh cứ chờ mà chết đói đi."
Sau đó mặc kệ sống chết của gã kia.
Các cụ có câu, không sợ đối thủ mạnh như hổ, chỉ sợ đồng đội ngu như bò.
Đích xác là chỉ họ Ô.
Nhưng đó là trong trường hợp đoàn thuyền lương có thể chống chọi được với bão lũ vùng biển Đông, thẳng một đường trở về phương Bắc chứ không xui xẻo bị lạc trên biển.
Trần Khâm nói xong lại tiếp tục bình phẩm:
"Càng thiếu lương càng túng quẫn, càng dễ đưa ra quyết định sai lầm, quân binh ra trận cũng không thể ôm cái bụng đói đi đánh nhau.
Thượng hoàng cũng nguôi giận rồi, không trách phạt anh ta nữa."
Đúng là tất cả thất bại từ trước tới nay gộp lại đều không bằng niềm vui của trận đánh này.
Việc bị mất quân lương đối với Thoát Hoan giống như trời đang khô hạn còn ném tới một mồi lửa.
Thấy tôi trầm ngâm không đáp, Trần Khâm lại nảy ra ý trêu chọc, cười hỏi tôi:
"Em nói xem, nếu như tôi cố ý để lộ tin tức này cho Thoát Hoan thì sẽ thế nào?"
Tôi ngẫm nghĩ, bèn đáp:
"Có lẽ là...!anh ta sẽ không tin đâu."
"Vậy sao..?"
Trần Khâm bâng quơ đáp, lại chống cằm ngồi mông lung nhìn vào khoảng không, ánh đèn dầu lay lắt nhảy múa trên gương mặt đầy những nét mỏi mệt.
Mấy ngày hôm nay thường bận đến đầu tắt mặt tối, mãi cho tới khi truyền về tin chiến thắng mới khiến Trần Khâm thả lỏng mà tâm sự vài câu với tôi, thuận tiện gọi mấy đứa nhóc kiểm tra một lượt.
May mắn là bọn chúng tuy không có điều kiện học hành đàng hoàng như trước nhưng vẫn không quên ôn luyện, Trần Khâm lại rất hài lòng, mà người thầy bất đắc dĩ là Trương Hán Siêu cũng vô tình nhận được vài câu khen ngợi.
Lúc này nhóc con Huyền Trân cũng ngủ khì khì trong lòng tôi, con bé này ít khóc hơn hẳn Quốc Chẩn ngày bé.
Tôi đặt nó xuống chiếu, nhẹ nhàng xoa bóp bả vai của Trần Khâm, cất giọng mềm mại giống như rót mật:
"Nếu là quan gia, cho dù tin hay không tin thì chàng cũng sẽ cho người kiểm chứng đúng chứ?"
Trần Khâm ngẩn ra một lát rồi bật cười, bỗng nhiên kéo tôi ngồi lên đùi mình, lại lấy tay nhéo chóp mũi của tôi nhỏ giọng mắng yêu:
"Em thật là, cái đồ ranh ma!"
"Thanh Phúc quá khen, các cụ luôn nói nồi nào thì úp vung nấy!"
Trần Khâm lại càng cười lớn suýt chút thì làm nhóc con đang ngủ giật mình.
Tôi lườm anh ta, anh ta lại còn kéo tôi vào lòng hôn lên mặt tôi mấy cái.
Tôi nhìn cánh tay trái của anh vẫn còn quấn một lớp băng trắng nhưng lại ôm tôi chặt chẽ có lực, gần như sát sao không một kẻ hở chợt thấy ấm áp trong lòng.
Lúc này tôi bỗng nhiên cảm thấy mình giống như là Tô Đát Kỷ, cái kẻ yêu nghiệt hại người kia, lúc ở bên Trụ Vương thì bày mưu tính kế hãm hại tình cũ của mình là Bá Ấp Khảo.
Ôi cái thời đại này thật khiến người ta không thể nào chống lại được cảnh toan tính thiệt hơn.
Tôi múc một bát cháo hạt kê để lên án, chốc chốc lại giục Trần Khâm ăn, ăn xong thì như mẹ hiền giục anh ta đi ngủ, mấy hôm nay chưa ngày nào kẻ mang số khổ này có được một giấc ngủ đàng hoàng.
Gió cuối xuân thổi mơn man qua cửa sổ, phớt trên gò má tôi hồng hồng.
Kể từ khi sinh xong con bé Huyền Trân, cả người mình lại phổng phao hơn lúc trước, nước da thêm vẻ trắng ngần khiến Trần Khâm càng thêm si mê.
Tôi lại cảm thấy vẻ đẹp trí tuệ mới là thứ có thể trường tồn, nhưng đa phần con người ta thường không xem trọng đến.
Trần Khâm bỗng nhiên chăm chú nhìn tôi, nắm lấy bàn tay tôi xoa xoa, lại khẽ mỉm cười nói:
"Cảm ơn em!"
Không khí yên ắng dịu nhẹ chỉ nghe tiếng tí tách của ngọn lửa cháy trên tim đèn, tuy mang chút tịch mịch nhưng lại rất tự nhiên.
Tôi cũng chẳng biết anh ta cảm ơn mình vì cái gì, nhưng được một vị quan gia mang ơn cảm giác thật ra cũng không tệ.
Dù vậy trên miệng lại học theo Trần Khâm mà bảo:
"Vợ chồng không cần phải nói tiếng cảm ơn."
"Ồ, em cũng biết điều đó nữa ư?" – Anh ta làm bộ không tin hỏi.
Tôi đáp:
"Dốt đến đâu học lâu cũng biết.".