Nào Hay Xuân Mênh Mông


Sau ngày hôm đó Trần Khâm thả một vài tù binh bắt được vào trại cố tình báo tin cho Thoát Hoan, không biết là anh ta tin hay không tin, cũng không biết Trần Ích Tắc có kề tai thổi gió điều gì hay không mà Thoát Hoan lại thật sự sai Ô Mã Nhi đi ngược ra biển để kiểm chứng.
Có thể đúng như tôi đoán là anh ta thật sự không tin, Ô Mã Nhi đi chuyến này là để chờ đón đoàn thuyền lương mà Thoát Hoan vẫn cho là còn tồn tại.
Đến lúc này mà không hành động thì đúng là kẻ ngốc, cha tôi đóng ở Tháp Sơn bấy lâu tay chân hẳn đã ngứa ngáy lắm rồi, nhất là với cái kẻ đê hèn dám xâm phạm đến hương linh người đã mất.

Tiên đế ở trên cao cũng chỉ đợi ngày họ Ô đi ngang qua để nhấn hắn chìm tàu.
Tàu của Ô Mã Nhi ấy vậy mà lại không dễ chìm, tuy chủ động cướp được hơn ba trăm chiến thuyền và giết được không ít binh lính nhưng bọn chúng lại quá hung hãn, chống trả quyết liệt khiến quân ta cũng chịu một phần tổn thất.
Giao chiến hồi lâu, lại thấy sức chiến đấu của chúng vẫn còn mạnh nên cha tôi không cố gắng gượng vô ích nữa, đem chiến lợi phẩm chậm rãi rút dần.

Mà họ Ô thấy cha tôi bắc cho mình cái thang bèn cũng thuận tiện leo xuống, một đường thẳng tiến theo hướng lúc trước đoàn thuyền lương của bọn chúng đi qua.
Trận này nói thắng thì không thắng, mà nói thua thì lại càng không phải, chỉ là nhân tiện làm chúng tiêu hao không biết bao nhiêu là tài nguyên.

Nhưng ngẫm lại dù sao thuyền lương của chúng đã đổ sông đổ biển, để cho Ô Mã Nhi đi một chuyến không công chờ đợi mỏi mòn, chịu sóng gió ngoài biển thì hơn hẳn việc lao đầu vào cuộc chiến làm hao binh tổn sức.

Đánh nhau ấy mà, còn gì tốt hơn việc để chúng tự mình chết dần chết mòn.
Kể từ ngày để mất tin tức của Ô Mã Nhi đến nay cũng đã ngót nghét gần một tháng.

Trong vòng chưa tới một tháng này trông thì có vẻ vô sự, thật ra lại có rất nhiều chuyện để nói.
Đầu tiên thì phải kể đến việc nhóc con Huyền Trân đã có thể bò, có thể tự ngồi, cũng có thể vịn vào thành giường đứng dậy.

Việc này lại khác với Quốc Chẩn ngày xưa, thằng bé Quốc Chẩn lúc trước vô cùng thích khóc lóc ầm ĩ, kết quả biết nói sớm hơn biết đi, đến lúc bằng con bé bây giờ đã có thể phát ra mấy tiếng gọi đơn giản.
Nhóc con vô cùng kiệm lời, nó thường chỉ sống trong thế giới của nó, người khác gọi thì thỉnh thoảng phản ứng lại giương cặp mắt xoe tròn nhìn người ta chằm chằm, lúc lười biếng thì chỉ ngáp ngắn ngáp dài không thèm quan tâm.

Tôi nhìn Trần Khâm cau mày, anh ta cũng lắc đầu chẳng biết cái tính này là giống ai, dù sao trước giờ mấy kẻ kỳ lạ tôi từng gặp qua cũng không tính là ít.
Chị An Hoa ôm cái bụng to tướng ngại ngùng bảo tôi:
"Biểu hiện này thật giống bác ba của nó ngày trước! Cũng may con bé Duyệt giống chị."
Tôi ngớ ra, đây cũng không phải là không có khả năng.
Trẻ con phát triển kỳ thực rất nhanh, mới ngày nào còn là nhóc con đỏ hỏn nằm gọn trong vòng tay tôi đến hôm nay đã lớn thành một cục bông tròn trịa trắng trẻo, miệng cũng mọc được hai cái răng nhỏ xíu.

Tiếc là ít khi cười, nếu không sẽ càng thêm đáng yêu.
Chị Anh Nguyên thì vẫn không cưỡng lại được để ý lên người nó, tôi liếc chị ta, chị Anh Nguyên vô tư vô lo ngày nào cũng sắp biến thành một bà mẹ già lắm chuyện rồi.
"Muốn lấy con gái của em ư, thằng con nhà chị phải là kẻ có công danh sự nghiệp, có tài năng đức độ hơn người lại phải mạnh mẽ quyết đoán.

Không được lấy vợ hai, bình thường phải dịu dàng cưng chiều vợ, lúc nóng giận cũng phải nhường nhịn không la mắng đánh đập vợ.

Cha mẹ chồng là chị phải hết mực thương yêu, không được làm khó làm dễ, không được xen vào việc riêng của vợ chồng nhà người ta."
Chị Anh Nguyên nghe tôi nói tới đó liền làm động tác phản đối, hoàn toàn không muốn nghe thêm một lời nào.
Chị dâu cả nhà tôi cũng bật cười, thằng con trai nhà chị tuổi tác còn lớn hơn đấy thay.
Gần một tháng qua mấy đứa nhóc đi theo Trương Hán Siêu học thêm không ít việc, giống như thằng nhóc Thuyên lúc năm tuổi có thể đọc ra bốn câu đầy thơ ca ý họa "Hợp thành thiên hạ tam kỳ nguyệt" thì năm nay đã có thể đứng lên bi thương thốt ra hai câu "Biên phong sắt sắt bức nhân hàn, chính trị đông phong tận túy gian."
Chỉ có điều Trương Hán Siêu tuy là người am hiểu thơ ca nhưng đối với việc nam nhi yêu thơ ca nhưng không chịu học hành thì lại rất kỵ, vì thế chẳng đứa nào dám chểnh mảng.

Đứa nào chẳng biết thầy Siêu bình thường đã vô cùng nghiêm nghị, lúc tức giận lên cũng thật dọa chết người ta.
Vua tôi ở Thanh Hóa ai làm việc nấy, kẻ nên lớn thì lớn, kẻ nên học thì học, kẻ nên họp mưu đánh giặc thì họp mưu đánh giặc.

Ngót nghét một tháng, mắt thấy tai nghe không ít chuyện hay ho.
Như việc Trần Nhật Duật ở vùng Đà Giang của họ Trịnh ngày trước không ngừng tìm kiếm, lôi kéo, khuếch trương lực lượng liên tục đánh phá và cô lập mấy đồn trại của giặc khiến cho tin tức tình báo không tài nào truyền được sang nước Nguyên.

Anh ta ở vùng Đà Giang giống như là làm bá chủ một phương, cuộc sống không tồi.
Có một bá chủ ở phía Bắc, ở phía Đông cũng không hề kém cạnh là có thêm đội hùng binh của cha tôi đang càng ngày càng nâng tầm kiểm soát ở khu vực rộng lớn, gần như là làm chủ mặt biển.

Đến mức ba ngày một trận nhỏ bảy ngày một trận to liên tục quấy rối con đường liên lạc từ kinh thành tới Vạn Kiếp của Thoát Hoan.

Có lẽ vì cảm thấy mình sống ở kinh thành cũng không yên ổn dễ dàng gì, muốn đi đánh nhau thì lại không có lương, ở lì trong thành thì bị quấy phá cô lập, họ Ô cũng đi biền biệt cả tháng không về.

Rốt cuộc Thoát Hoan đành phải thu dọn đồ đạc cuốn gói rời khỏi kinh đô, trên đường đi còn không quên thói cướp bóc.
Cha tôi lại vuốt râu nói:
"Như muối bỏ bể mà thôi!"
Đến khi hay tin Ô Mã Nhi đã mòn mỏi quay trở về Vạn Kiếp Trần Khâm mới cho rằng thời cơ đã chín muồi, lục tục tập hợp binh mã chỉnh tề ngược biển quay trở lại đóng ở Trúc Động, gần sát với nơi đóng quân của cha tôi.

Lần này người già trẻ nhỏ đều ở lại Thanh Hóa, tôi cứ tưởng anh ta sẽ để tôi ở lại, không ngờ đêm đó lúc tôi chậm rãi đeo lên thắt lưng anh ta một chiếc túi gấm đựng mấy thứ thảo dược cầm máu linh tinh thì anh ta bất giác chống cằm nhìn tôi rồi đề nghị:
"Trận này chúng ta sống cùng sống, chết cùng chết nhé!"
Ban đầu tôi khó hiểu nhìn anh ta, sau lại cảm thấy cầu còn không được liền chủ động hôn anh ta một cái.

Trần Khâm được thế nắm chặt cổ tay tôi mạnh mẽ áp sát vào tường, thổi khí nóng vào cổ tôi ngưa ngứa, lại định cắn vành tai tôi.

Tôi phát hoảng cắn môi trừng mắt nhìn anh ta, gằn giọng:
"Ngày mai còn việc quan trọng!"
Trần Khâm buông tôi ra vuốt vạt áo bào, lại thản nhiên đáp:
"Chỉ định hôn một cái thôi, em còn tưởng tôi định làm gì?"
Làm gì sao? Tôi đỏ mặt, thầm mắng anh là cái đồ lưu manh dám trêu chọc con gái nhà lành.
Tôi nhìn người đàn ông dịu dàng trước mặt bỗng nhiên cảm thấy anh ta so với người trong ký ức của mình khác lắm, có khác biệt lớn nhưng lại tốt đẹp hơn rất nhiều.

Có lẽ Trần Khâm từ trước đến nay không hề thay đổi, chỉ là bản thân tôi vô thức yêu anh ta nhiều hơn mà thôi.

Tuổi không còn nhỏ, trai gái có đủ rồi, thoắt chốc nhìn lại mọi thứ như nước chảy mây trôi, như qua cả một đời.

Rốt cuộc đến hôm nay hai chúng tôi vẫn cùng nhau nắm tay đi qua sinh tử.
Ở Trúc Động ba ngày đã có kẻ quấy nhiễu, lần này nếu như e dè thì lại chẳng phải là Trần Khâm.
Trúc Động không có nhiều núi cao trập trùng như chỗ đóng quân ở Thanh Hóa, nhưng xung quanh bao bọc bởi một màu nước biếc xanh trong thấy đáy, giữa màu xanh bạt ngàn của cây lá và bầu trời tháng ba cao vời vợi, chẳng khác gì một bức tranh thủy mặc khổng lồ.
Ban đầu tôi có thắc mắc về địa thế nơi này, chỉ sơ sơ theo tính toán của tôi đã có sáu con sông lớn nhỏ bao bọc lấy, mà Trúc Động thì vừa hay nằm ở giữa dòng.

Giống như một vùng đất khổng lồ nổi lên giữa biển nước mênh mông, nếu như thật sự bị một đội quân đông đúc như giặc Nguyên bao vây, có mà bay lên trời.
Trần Khâm lại nói với tôi:
"Tuy là nơi này không phải thành cao hào sâu gì, nhưng không phải là chưa từng xảy ra chiến trận."
Tôi ngẫm nghĩ một lượt, không uổng cơm ăn áo mặc của cha mẹ, trước đây tôi cũng nghe qua mấy cái tên này.
"Là Ngô Vương và Đại Hành hoàng đế..?"
Trần Khâm bất chấp trước mặt tướng sĩ và cái bóng đèn Phạm Ngũ Lão ở bên cạnh, lấy tay xoa đầu tôi:
"Giỏi lắm!"
Tôi đỏ mặt kéo tay anh ta ra, Trần Khâm càng cười lớn, giải thích:
"Từ trước đến nay Quốc công chưa từng làm gì mà không có lý do."
Cùng là hai trận cọc gỗ, một đã diệt được quân Nam Hán, bắt giết Hoằng Thao, Ngô Vương cũng nhờ đó mà đoạt lại được tự chủ cho dân tộc sau hơn nghìn năm Bắc thuộc.

Sau đến lượt Đại Hành hoàng đế chống Tống, dùng y kế cũ, lại cũng bắt được Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân đưa về Hoa Lư.

Mấy chuyện này không phải là tôi chưa từng nghe qua, nhưng rốt cuộc trong lòng vẫn mang nghi hoặc:
"Ngô Vương là người kiệt hiệt mà Hoằng Thao chỉ như một đứa trẻ khờ dại xa nhà.

Còn riêng nhà Tống vốn chẳng phải là đối thủ xứng tầm, chúng chỉ lợi dụng tình thế rối ren trong nước ta khi ấy để bày trò ly gián, hiếp đáp phụ nữ trẻ em.

So ra bọn Thát lại khác biệt hoàn toàn với hai nhà Tống Hán.

Cho dù là bỏ qua hết mấy điểm đó, một kế sách dùng tới ba lần, liệu còn hiệu quả hay không?"
Trần Khâm lại dường như rất thoải mái đáp lời:
"Hung Nô háo thắng thiện chiến nhưng về đầu óc thì không dùng được, nếu so về tài cưỡi ngựa bắn cung thì ta phải đề phòng, nhưng cái chốn rừng thiêng nước độc này thả bọn chúng xuống chúng còn sợ không bơi vào được.

Thát Đát đã bị đẩy vào tình thế co cụm ở Vạn Kiếp, ngoài rút lui theo đường sông Bạch Đằng để nhanh chóng về Trung Nguyên thì không còn đường nào khác đâu.

Quân lương sắp cạn, Thoát Hoan dù muốn hay không muốn y hẳn sẽ bị sức ép của kẻ dưới phải giơ tay chịu trói mà thôi."
Tôi nghe Trần Khâm nói hay như hát, lại thấy vẻ đồng tình trên mặt Phạm Ngũ Lão thì cảm thấy có lẽ trận này muốn thua cũng không thua được..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui