Ai Ấm Êm Nhung Lụa, Ai Sương Gió Cơ Hàn
Trần Khâm ở vương phủ đến ngày thứ ba thì phải trở về Phượng thành lo việc nước.
Tôi bỗng trộm nghĩ ngày xưa lúc lấy nhau cũng chưa từng có ngày lại mặt đàng hoàng, hôm nay xem như bù đắp vậy.
Đứa con rể quý như anh ta dù sao cũng không được lòng nhà vợ cho lắm, liền tranh thủ té đi càng sớm càng tốt.
Tôi nhìn những ánh mắt như lang hổ rình mồi của đám anh trai mình, cũng thấy thương cho kẻ thân cô thế cô như Trần Khâm, cũng may anh ta là vua một nước, không đến nỗi phải chịu thiệt thòi như Phạm Ngũ Lão ngày xưa, lại nghĩ tới làm rể nhà này đúng là không dễ dàng.
Nghĩ một hồi lại thương cho chị Trinh, nếu như biết tôi sẽ sống sót quay trở về thì phải chăng chị Trinh đã không phải vì tôi mà trả món nợ ân tình đó.
Mặc dù chị áy náy bởi tôi vì cứu chị mà gặp họa vong thân, nhưng tôi cũng không cần chị dùng hạnh phúc đời mình để đánh đổi.
Hai người chúng tôi ngồi thuyền xuôi dòng sông Đuống về kinh, đến bến Bình Than thì bâng quơ nghe Trần Khâm kể về cuộc hội nghị năm đó có Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tuổi mới mười lăm mười sáu nhưng lại muốn dự họp cùng các bô lão.
Anh ta thấy Quốc Toản tuổi còn trẻ nên không cho vào chầu, nhưng trọng vì tuổi trẻ mà biết yêu dân yêu nước nên ban cho quả cam quý, ấy vậy mà Quốc Toản bóp nát quả cam lúc nào không hay.
Tôi nói:
- Hoài Văn Hầu tuy còn trẻ nhưng chí lớn, biết đâu đưa ra được ý hay thì sao?
Trần Khâm cười bảo tôi:
- Tuy vậy nhưng khoảng cách tuổi tác là một cái gì đó rất ràng buộc, ta có thể chấp nhận nhưng các bô lão thì làm sao chấp nhận được một đứa trẻ ranh đứng ngang hàng với mình chứ?
Tôi cảm thấy tò mò về đứa trẻ này, trong bụng tin chắc sau này nó có thể làm nên việc lớn.
Thiết nghĩ ngày xưa Thoát Hoan cũng là kẻ mười ba tuổi xông vào tập kích Hưng Đạo vương phủ đấy mà.
Tôi ngồi trên mui thuyền đón gió Nam, từng chút kể cho Trần Khâm về những chuyện mình đã trải qua trong hai năm qua, đương nhiên lược bỏ ba ngàn chữ, nhưng Trần Khâm vẫn chau mày luôn miệng than khổ giúp tôi.
Dù sao đã qua cơn bỉ cực đến hồi thái lai, những chuyện đó tôi cũng không còn canh cánh nữa.
Trần Khâm khoác lên vai tôi chiếc áo ấm, dường như vẫn còn bàng hoàng vì tôi đã trở về, lại càng bàng hoàng hơn khi tôi thật sự là cô gái năm xưa mà anh ta từng theo đuổi.
Nhưng nếu được chọn lựa, anh ta lại muốn tôi mãi mãi quên đi thân phận mình chứ không phải chịu tủi cực trong hai năm dài đằng đẵng kia.
Tôi thở dài, nếu không phải tôi bị Thoát Hoan và Trà Luân hợp mưu bắt đi, thì liệu anh ta sẽ tin tôi và Thoát Hoan đã dứt tình từ lâu rồi hay không?
Đang ngẫm nghĩ, bỗng dưng sóng nổi lớn một cái, tôi mất thăng bằng ngã nhào vào lòng Trần Khâm.
Anh ta bỗng cười gian, mỉa mai nhìn tôi nói:
- Được rồi có gì về cung rồi tính, giữa thanh thiên bạch nhật mà em gấp gáp quá thể.
Tôi nhíu mày, trong lòng liền dằn xuống ý niệm mưu sát vua giữa chốn thưa người này.
Hóa ra phía xa xa có chiếc thuyền lớn chở than củi đi ngang, thuyền đi nhanh nên tạo ra sóng lớn.
Ôi kẻ này lại dám vượt mặt thuyền vua à, tôi liếc Trần Khâm, anh ta cũng ngầm hiểu ý tôi, bèn cho quân hầu cho thuyền đi nhanh hết tốc lực.
Tôi ôm bụng cười, trộm nghĩ vị quan gia này cũng thật biết chơi.
Nhưng đúng là núi này cao có núi khác cao hơn, chiếc thuyền trông qua có vẻ đẹp mắt của bọn tôi lại không địch nỗi với thuyền chở than của kẻ đó, tôi nghĩ một kẻ lái thuyền giỏi như thế hẳn cũng có chút tài năng, bèn đứng trên mui thuyền trông ra.
Người lái thuyền là một người đàn ông dáng dong dỏng cao, đội nón lá, mặc áo ngắn, không thể nhìn rõ mặt.
Tôi kéo áo Trần Khâm, chỉ về hướng đó hỏi:
- Kẻ này ta gặp chưa nhỉ, cảm thấy có chút quen mắt.
Trần Khâm nhìn theo hướng tôi chỉ, vuốt cằm ngẫm nghĩ một hồi chợt bừng tỉnh:
- Nhân Huệ Vương, là Nhân Huệ Vương.
Tôi không biết Nhân Huệ vương mà anh ta nói là ai, dù sao số vương hầu trong triều cũng không ít, tùy tiện kể ra cũng không thể đủ ba trang giấy, nên chỉ chống cằm ngồi đợi thuyền lớn của người đó dừng lại thôi.
Đến cửa Đại Than, thuyền lớn dừng lại, Trần Khâm cho quân hầu bơi thuyền nhỏ ra, lại dặn:
- Nói với ông lái có lệnh vua gọi.
Quân hầu tuân mệnh rời khỏi, chốc lát sau cũng chỉ một mình anh ta trở về, anh ta cúi người tâu lại:
- Bẩm bệ hạ, lão ấy nói là người buôn bán, có gì mà phải gọi.
Tôi tưởng Trần Khâm sẽ giận, không ngờ anh ta lại đập tay tỏ ý như mình đoán đúng rồi, kẻ bình thường làm sao dám nói thế, liền tự mình ngồi trên thuyền nhỏ rồi sai quân hầu chèo đi.
Tôi hốt hoảng nhảy xuống thuyền theo anh ta, làm con thuyền tròng trành một cái.
Tôi ngồi an vị sau lái, Trần Khâm dỡ trán, bất lực nói:
- Mau lên thuyền lớn đợi ta, sông nước nguy hiểm lắm.
Tôi ngẩng mặt nhìn Trần Khâm thách thức:
- Đừng hòng bỏ lại em!
Ra đến cửa Đại Than quả nhiên gặp người lái thuyền đang bận rộn chuyển than, nghe Trần Khâm gọi, anh ta quay mặt sang đây.
Tôi nhìn thấy gương mặt đen nhẻm của anh ta, liền giật mình kinh ngạc thốt lên:
- Tên gian tặc Khánh Dư!
Đừng nói là hiện giờ anh ta trông bần hàn nhếch nhác, gương mặt đen nhẻm vì bụi than, cho dù anh ta có hóa ra tro tôi cũng nhận ra kẻ dạo trước đã bắt cóc tôi, hại tôi suýt làm mồi cho thú dữ.
Hôm nay gặp anh ta tại đây âu cũng là do ý trời muốn anh ta phải đền tội trước tôi.
Trần Khánh Dư nghe tôi gọi, cũng giật mình liếc qua.
Vừa thấy tôi, mắt anh ta đã long lên sòng sọc, Trần Khánh Dư chỉ tay vào mũi tôi mắng:
- Con ả nhiều chuyện, hôm nay gặp lại ta coi như mi tận số!
Tôi cười khiêu khích:
- Lần trước là do anh đánh lén, giờ chưa biết ai hơn ai đâu.
Đương lúc tôi định nhảy lên thuyền lớn của anh ta thì Trần Khâm ở mũi thuyền quát lên:
- Được rồi, các người không xem ta ra gì đúng không? Một kẻ là vương gia, một kẻ phu nhân, thật không ra thể thống! Mau dừng tay!
Lúc này Trần Khánh Dư mới như người trong mộng bừng tỉnh, vội chèo thuyền nhỏ tới trước mặt Trần Khâm, cúi đầu kính cẩn, hoàn toàn khác xa với vẻ ngang ngược ban nãy khi đối đầu với tôi:
- Lão xin ra mắt bệ hạ! – Lại quay sang tôi, bứt rứt gọi – Phu nhân!
Trần Khâm nhìn Trần Khánh Dư một lát, bèn chắc chắn nói:
- Quả đúng là Nhân Huệ vương rồi! Nam nhi mà lại đến nông nỗi này đúng là cùng cực, Nhân Huệ vương tại sao lại rời xa cung gấm trở về đây làm kẻ hèn mọn thế này?
Tôi thấy Trần Khánh Dư có vẻ ấp úng, biết anh ta cũng không muốn khơi lên chuyện xấu của mình dạo trước, bèn nói:
- Nhân Huệ vương đã không muốn nói, chúng ta cùng đừng nên hỏi khó anh ta.
Trần Khâm liếc tôi, trong miệng lầm bầm, tôi nghe có vẻ như anh ta muốn tính sổ tôi vì chuyện ban nãy.
Lại quay sang Trần Khánh Dư nói:
- Mặc kệ là chuyện gì, hiện tại xã tắc đang lâm nguy, một người tài như Nhân Huệ vương trốn tránh ở đây tự tại phó mặc việc đời e là không thỏa đáng.
Nếu không biết thì thôi, nhưng hôm nay ta đã biết rồi, Nhân Huệ vương cũng phải cho ta một lời giải thích, kẻo ta trăn trở không yên.
Trần Khánh Dư lại cúi người thật thấp, tôi biết anh ta cũng rơi vào tình trạng bất đắc dĩ mới chọn cách lánh xa thế sự như vầy.
Một phần là do sợ người của phủ Hưng Đạo vạch trần chuyện xấu trước mặt Trần Khâm và quần thần, một phần cũng vì có lẽ ngọn lửa trong lòng đã tắt, chẳng còn muốn hơn thua với đời nữa.
Trần Khánh Dư lại băn khoăn:
- Thần cũng vì có chuyện khó nói...!Hôm nay xin tạ tội với bệ hạ.
Tôi đứng bên cạnh cũng không nhịn nỗi, bèn nói với anh ta:
- Chuyện gì mà còn quan trọng hơn đền ơn dân nợ nước đây Nhân Huệ Vương? Đừng quên trước đây ngài vinh hiển quyền uy là do ai ban cho, bây giờ xã tắc cần tài năng của ngài thì cho dù có chuyện gì bệ hạ cũng sẽ bảo vệ tôn nghiêm cho ngài, ngài không cần phải hoang mang lo lắng.
Trần Khâm bên cạnh cũng phụ họa gật đầu.
Trần Khánh Dư trố mắt nhìn tôi, chắc anh ta cũng không tin tôi sẽ giữ kín chuyện này, nhưng trước mặt Trần Khâm nghe lời này của tôi thì trong lòng chắc là cũng có phần dao động.
Là bậc nam nhi, lại là vương tướng đã quen với uy quyền, thì làm sao từ chối nổi món ăn béo bở này đây.
Huống hồ lại còn nhận được cam kết của vị quan gia trẻ.
Trần Khánh Dư lưỡng lự một lát, bèn quỳ xuống trước mặt Trần Khâm, tuyên thệ:
- Nếu vậy Khánh Dư xin tuân mệnh!
Tôi bỗng cảm giác khóe miệng Trần Khâm nhếch lên.
Buổi tối hôm đó tôi nằm bên dưới chịu đựng Trần Khâm tra tấn mình, anh ta uy hiếp tôi nói ra bí mật với Trần Khánh Dư.
Bình thường cạy miệng tôi ra không dễ, lại thêm tuy tôi không chính miệng nói ra mình hứa với Trần Khánh Dư nhưng có vẻ Trần Khánh Dư cũng tin tôi là một người giữ chữ tín nên tôi cắn răng chịu đựng, quyết không thể nào bội ước được.
Có điều...
Tại sao tên quan gia này hôm nay lại khỏe thế nhỉ?
Cuối cùng tôi nuốt nước mắt vào trong, giơ tay đầu hàng vô điều kiện.
Khánh Dư ơi, anh nào hiểu tôi vì giữ bí mật cho anh mà phải chịu gian khổ từng nào, nhưng cuối cùng phải thất tín với anh thôi.
Dù sao nếu như quan gia bắt anh nói anh cũng không thể mím chặt miệng cả đời được, Trần Khâm không muốn làm mất mặt anh trước tôi nên buổi sáng không gặng hỏi, nhưng trong lòng không phải không bâng khuâng.
Tôi biết giấu vua là trọng tội nên đành sửa sang lại quần áo, ngồi dựa vào vách thuyền thở hổn hển một lát, mới bình tĩnh nói:
- Thì trước đây Trần Khánh Dư có lần mò tới Vạn Kiếp rủ chị dâu bỏ trốn chứ chi.
Trần Khâm có vẻ bất ngờ, dù sao lần đó cũng chỉ có mấy người bọn tôi biết rõ cớ sự, chưa từng đồn ra ngoài, ngay cả cha mẹ bọn tôi cũng không hề nói đến.
Dù sao cũng là chuyện xấu, nếu không phải hôm nay vô tình gặp anh ta ở đây tôi cũng đã giấu chuyện đó đến khi xuống lòng đất rồi.
Trần Khâm trầm ngâm một lát, thì bất giác thốt ra:
- Ừm, chị của ta sống rất trọng tình cảm.
Ngày xưa thấy Nhân Huệ Vương ra vào cung cấm hằng ngày, ta đã có lòng sinh nghi, không ngờ lại là sự thật.
– Nói đến đó lại thở dài – Nhưng không ngờ chị của ta đã lấy chồng rồi mà y vẫn không buông tha.
Tôi nghĩ đàn ông các người vốn dĩ là những kẻ có lòng tham không đáy.
Như Thoát Hoan rõ ràng biết tôi đã có chồng con vẫn cố chấp bắt tôi về đấy thôi, tôi tưởng họ Trần thời tiên hoàng đã mang tư tưởng thông thoáng lắm rồi, ấy vậy mà bọn người Mông Cổ còn làm tôi càng mở mang tầm mắt.
Trần Khâm mang tâm thế của kẻ hóng hớt, tiếp tục hỏi:
- Rồi sau đó thế nào, chị của ta có đi không? Mà làm sao em biết được?
Trong lòng tôi thầm mắng anh bị ngốc à, nếu đi rồi thì nhà tôi còn không tới cửa nhà anh kiếm chuyện, làm gì đến hôm nay anh mới biết được cơ sự này? Tôi liếc anh ta, mỉa mai:
- Đương nhiên là vì em nghe lén được bọn họ âm mưu bỏ trốn trong đêm, sau đấy Trần Khánh Dư phát hiện ra và bắt em đi tự lúc nào em cũng không hay biết.
Nhắc đến đúng là làm người ta không nén nổi thở dài, suýt nữa thì làm mồi cho sói rồi, anh ta vậy mà lại hẹn chị dâu ở bìa rừng.
Trần Khâm liền liếc mắt ngược lại tôi, trách:
- Ta đã bảo với tính nết của em dễ gặp phải chuyện hung hiểm mà, vậy mà đến giờ vẫn không chừa, thật làm người khác lo lắng.
Nhưng em làm gì lại rình rập người ta vào đêm hôm thế, làm sao thoát được hiểm cảnh?
- Trùng hợp, trùng hợp thôi! – Tôi cười hì hì nói.
Tôi cũng không thể nói là do khi ấy bị Quốc Tảng đang say rượu lẻn vào phòng tỏ tình đi, sau đó vì cảm thấy bức bối trong người nên mới nửa đêm ra ngoài đi lang thang nên mới vô duyên vô cớ bị người ta bắt.
Nghĩ xong lại hoài niệm:
- Khi ấy là anh ba đã cứu em.
- Xem ra Trần Quốc Tảng cũng rất thích ôm phiền phức vào người, lần nào em gặp nguy nan anh ta cũng kịp thời có mặt.
– Trần Khâm nghe tới đây lại giở giọng châm chọc.
Tôi cười ha ha nhìn anh ta, bất giác nói:
- Cũng không như chàng lần đầu gặp gỡ đã đẩy ta vào tay sát thủ, hại ta nằm trên giường suốt nửa tháng trời.
Trần Khâm khựng lại, vẻ mặt anh ta bỗng dưng thay đổi trở nên méo xệch, anh ta mím môi, chau mày nói với tôi:
- Xin lỗi em, do ta tất cả.
Nếu như bây giờ chém lại ta một dao có thể làm em nguôi giận, ta cũng cam lòng.
Tôi bật cười, chém anh ta để mang tội mưu sát vua hay sao, cái tên này ngay cả lúc nhận lỗi cũng thật gợi đòn.
Tôi không quan tâm anh ta ăn năn hối lỗi, lại nói:
- Em nghĩ lúc ấy chị dâu đã yêu anh cả của em rồi, nhưng rốt cuộc vẫn nhờ việc em bị bắt cóc mà ngăn được thảm kịch xảy ra.
Nhưng nếu thật sự tư thông với nhau, thì hình phạt có nghiêm trọng không ạ?
Trần Khâm ngẫm nghĩ, rồi nói:
- Tất nhiên, tư thông là một tội, đằng này y còn dám tư thông với chị ta, tức là đối đầu với Hưng Đạo vương rồi.
Không loại trừ khả năng ta sẽ vì cha của em mà phạt đánh chết, phế truất binh quyền, tịch thu gia sản.
Còn chị ta chỉ e phải để lại tiếng nhơ ngàn đời, sống không bằng chết.
Tôi thở dài, Trần Khánh Dư này đúng là kẻ liều lĩnh.
Nhưng nhớ lại chiến tích của anh ta qua lời kể của anh cả, thì một kẻ văn võ song toàn, đường gươm như tuyết rơi, hoa nở, có thể xông vào đám quân cả ngàn người như vào chỗ không người thì quả là hiếm hoi.
Đúng là cháu nội của Trần Thủ Độ, một kẻ gian hùng, hổ phụ thì sinh hổ tử.
- Vậy đã biết được hết chân tướng rồi, chàng vẫn sẽ coi trọng anh ta chứ? – Tôi nghi hoặc hỏi.
Trần Khâm cũng tựa vào khoang thuyền, nhìn tôi đáp:
- Trừ khi anh ta làm gì hại nước hại dân, nếu không một kẻ tài năng như vậy không dùng thì thật tiếc.
Đối thủ sắp tới của ta đây hùng mạnh vô cùng, ta phải sử dụng triệt để nguồn nhân tài của đất nước.
Tôi gật đầu, Trần Khâm nói không sai.
Nhìn những kẻ như Trần Khánh Dư, tôi bỗng thấy khả năng chiến thắng lần này được nâng lên rất nhiều.
Chiến sự cận kề, trong lòng cũng bất giác dâng trào nhiệt huyết.
{{{
Giáp Thân, Thiệu Bảo năm thứ sáu, Nguyên Chí Nguyên năm thứ hai mươi mốt.
Mùa xuân, tháng giêng, Trần Khâm y lời anh đã nói khi trước, cho vét sông Tô Lịch.
Tháng hai, đất ở Xã Đàn nứt ra, dài bảy thước, rộng bốn tấc, sâu không thể lường.
Mùa thu, tháng tám, cha tôi – Hưng Đạo Vương điều các quân của vương hầu, duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, chia các quân đóng giữ Bình Than và những nơi xung yếu khác.
Tháng chín, ngày mồng bốn, mặt trăng và sao Kim mọc ban ngày ở phương Tây Nam chỉ cách nhau độ một thước.
Mùa đông, tháng mười một, Trần Khâm sai Trần Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ nước Nguyên xin hoãn binh.
Tháng mười hai, Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình Chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành.
Trần Khâm nhận được thư đòi mượn đường của Thoát Hoan, nhếch môi trào phúng, bèn sai sứ đi từ chối, bảo rằng chẳng có con đường nào thuận đến Chiêm Thành.
Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc.
Các phụ lão điều nói "đánh", muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.
Tôi nghe tin từ nước Nguyên rằng Thoát Hoan được phong Trấn Nam Vương, trong lòng không khỏi cảm thấy châm biếm.
Xem ra Thoát Hoan cũng đã biết được rằng tôi còn sống, đã vậy còn sống rất tốt rời khỏi anh ta, lần này triệt để chọc giận anh ta, cũng không biết khi đã tức giận đến đỉnh điểm thì anh ta sẽ trở nên đáng sợ như thế nào.
Có tin tình báo Thoát Hoan và kẻ dưới trướng của mình là A Lý Hải Nha giữ chức Bình Chương đã tiến vào Lộc Châu, đạo quân này chia làm hai mũi tiến quân, một do Bột La Hợp Đáp Nhĩ chỉ huy theo đường Khâu Ôn, một do Sát Tháp Nhi Đài và Lý Bang Hiến chỉ huy đi theo đường núi Cấp Lĩnh.
Đại quân của Thoát Hoan đi sau mũi thứ hai của Sát Tháp Nhi Đài và Lý Bang Hiến.
Lực lượng chính của quân Đại Việt do cha tôi chỉ huy là kẻ trực tiếp đối đầu với anh ta.
Nói vậy rất nhanh Thoát Hoan sẽ gặp lại kẻ khắc tinh của mình là Trát Lạt rồi.
Bên phía Trần Nhật Duật cũng báo về, cánh quân từ Vân Nam theo sông Chảy tiến xuống do một kẻ tên là Mãng Cổ Thái chỉ huy chỉ hơn một nghìn quân.
Ngoài ra vẫn còn một đạo quân nữa.
Năm ấy lúc ở Đại Đô tôi có nghe phong thanh việc một viên tướng tên là Toa Đô dẫn hai mươi vạn quân với một nghìn thuyền chiến tấn công Chiêm Thành, nhưng từ đó đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa có tin Chiêm Thành bị chiếm, tôi hồ nghi chiến sự kéo dài chắc có lẽ Toa Đô ở Chiêm Thành cũng không chiếm được ưu thế, ngược lại không chừng binh số tổn hao.
Nếu bây giờ Thoát Hoan đã trực tiếp đem quân sang Đại Việt thì không sớm cũng muộn Toa Đô ắt sẽ từ phía nam tràn lên thôi.
Ba mũi tiến công từ ba hướng, Hốt Tất Liệt này gấp đến độ muốn dùng số lượng để đánh nhanh thắng nhanh đây.
Theo tôi thấy thì ông ta muốn chiếm nước ta trước, sau lại lấy ta làm bàn đạp để đánh xuống toàn bộ phía nam.
Trước vì Chiêm Thành câu kéo làm chậm trễ, có vẻ như ông ta đã không đợi được nữa rồi.
Và mặc dù đã nắm được đường đi nước bước ban đầu của địch, nhưng liên tiếp trong vài ngày, tin bại trận truyền về kinh gần như liên tục.
Các ải Lộc Châu, Thất Nguyên, Khả Ly đều đã vỡ, binh lính phải rút khỏi ải do chênh lệch lực lượng quá lớn, thậm chí hai tướng Đỗ Hựu và Đỗ Vỹ cũng bị bắt sống.
Chỉ còn ải Khâu Cấp do lợi thế địa hình vùng núi hiểm trở nên mới có thể tạm thời trấn giữ được, nhưng rốt cuộc do bị cô lập cũng phải rút quân.
Đến khi Động Bản và ải Nội Bàng do cha tôi trấn giữ đều bị Thoát Hoan chiếm được, tướng Trần Sâm bị giết, thì Trần Khâm luôn giữ sắc mặt bình tĩnh cũng phải nhíu mày.
Tôi biết trong lòng anh đã căng thẳng lắm rồi, đến cả uống trà cũng để bị bỏng lưỡi.
Tôi hiểu rằng hiện tại chúng tôi ở kinh thành có trà nóng để uống đã là quý lắm, còn tướng sĩ ở sa trường đạp gió dầm sương, ngày ngày đối mặt với hiểm nguy gian khổ kia mới đáng để bận tâm.
Trong lòng tôi âm thầm nung nấu ý định vượt thành ra biên ải, nhưng vẫn chưa dám nói.
Trần Khâm trầm ngâm bảo với tôi:
- Nếu như theo đà này, ngày quân Thát tràn vào kinh đô sẽ không còn xa nữa, bây giờ ta chỉ hy vọng các tướng lĩnh ngoài biên ải có thể cầm chân được chúng lâu một chút để có thể kịp thời sơ tán dân chúng khỏi kinh thành.
Hiện tại tuy phần lớn quân lính từ các trang ấp và lính chính quy đều theo ra chiến trường, nhưng tại kinh thành Trần Khâm cũng có một lực lượng thủy quân đông đảo ngày đêm tập luyện, đào hào đắp lũy.
Còn tôi và An Tư cũng theo chân Trần Thì Kiến đi sơ tán người dân.
Thôi thì con mọn xin gửi cho chị Trinh chăm sóc vậy, còn tôi vốn không phải kẻ có thể ngồi im được một chỗ khi nước sôi lửa bỏng đã tràn tới gót chân.
Bọn tôi mỗi người một con ngựa mang theo hơn nghìn binh sĩ có trang bị vũ khí, tôi hồ nghi liếc Trần Thì Kiến, anh ta liền cười hề hề bảo tôi:
- Dân chúng thì cũng có người này người kia, lát nữa xem xem tôi nói có sai chỗ nào không?
An Tư đá vào chân Trần Thì Kiến khiến anh ta la oai oái, bặm môi nói:
- Lát nữa có dân chúng bị thương thì kẻ đầu tiên tôi phạt là anh.
Thực tế chứng minh lời tiên liệu của Trần Thì Kiến không sai chỗ nào được.
Ngoài những người dân lương thiện răm rắp tuân theo lệnh vua thì chúng tôi cũng đã nhanh chóng khoanh vùng được những kẻ chống đối.
Bọn họ rêu rao là quan quân cướp đất của dân, tự tạo thành một nhóm với gậy gộc cuốc xẻng trong tay, sẵn sàng hành động bất cứ lúc nào.
An Tư nhìn tôi chậc lưỡi:
- Bọn người này phiền phức quá, mau nghĩ cách giải quyết nếu không sẽ thành bạo động chứ chẳng chơi!
Tôi hít vào một hơi, nói:
- Ta e có kẻ địch lẫn trong đám người này rồi.
Người Việt ta ai nấy đều có lòng yêu nước, sẽ không dại gì mà nghĩ đến những cái lợi trước mắt trong giờ phút nước sôi lửa bỏng này.
Trần Thì Kiến và An Tư đều đồng ý với tôi.
Nhưng hiện tại làm sao để tìm được kẻ địch trong dân đây?
Tôi nảy ra một ý, bèn cùng với An Tư giả trang thành một trong những người dân sơ tán, lại nói với Trần Thì Kiến:
- Lát nữa ta ra hiệu thì cho quan binh ập vào bắt nhé!
Trần Thì Kiến gật đầu, tôi cũng lẫn vào đám đông.
Tôi quay sang bảo An Tư:
- Tôi có việc cần hoàng cô giúp đây.
- Có việc gì cứ nói, không cần câu nệ như thế.
– An Tư tha thiết nhìn tôi,
Tôi nhếch môi, chỉ xuống đất, nói:
- Cô nằm xuống đó giả chết đi!
- ...
An Tư nằm dưới đất mà tôi còn thấy cô ấy run run, có vẻ đang giận lắm.
Tôi nén cười, rồi bỗng quỳ xuống khóc lớn:
- Trời ơi em của tôi, hu hu...
Trong những người dân di tản có người dừng lại hỏi han, có người an ủi, cũng có người ngỏ ý muốn giúp, nhưng tôi lại bắt đầu nghe được những tiếng hô hào quan binh giết người rồi ngay phía sau lưng bọn tôi.
Trần Thì Kiến ngồi trên ngựa đối diện tôi, tôi ra dấu, đôi mắt tinh như chim ưng của anh ta đảo một cái, quân binh liền ập vào dùng gươm giáo trấn áp mấy người đang hò hét kia.
Bọn người đó dường như cũng phát hoảng không biết vì sao lại bị phát hiện, càng phản ứng dữ dội hơn, có kẻ còn nằm bò ra đất ăn vạ.
Tôi đứng dậy tiến về phía chúng, lần theo thắt lưng bọn này lấy được mấy con dao ngắn được giấu kỹ càng, phía chuôi dao còn khắc chữ Thát ném ra, dân chúng bèn xôn xao một trận.
Trần Thì Kiến nhảy xuống ngựa đến bên tôi nói nhỏ:
- Thật là táo bạo!
Tôi đạp chân anh ta một cái, anh ta đi cà nhắc nhìn tôi tức đến không nói nên lời.
Tôi không quan tâm tên Trần Thì Kiến nhiều chuyện, bèn đứng ra phía trước dõng dạc nói:
- Bà con đã thấy sự nham hiểm của quân Thát chưa? Quốc công Tiết chế cùng với tướng sĩ đang dùng tính mạng mình để bảo vệ bà con và lãnh thổ Đại Việt, bọn chúng người đông thế mạnh đã đánh tới biên quan.
Kinh thành bây giờ là nơi bọn chúng đang nhắm đến, nơi đây đã không còn an toàn nữa.
Bệ hạ đang rèn luyện quân binh để chống giặc, chúng ta cũng phải góp một phần công sức đó di dời tất cả mọi nguồn lương thảo có thể tiếp ứng cho địch, bà con có làm được không?
Tôi nghe bên dưới trăm miệng hô "được", trong lòng cũng thở phào nhẹ nhõm.
Quân dân đồng lòng, trận này xem như đã thắng phân nửa.
Người dân di tản, trên đường gia súc cũng từng đàn nối đuôi nhau ra khỏi thành, ra đến ngoại ô, Trần Thì Kiến xuống ngựa, cho quân binh nổi lửa đốt sạch ruộng nương.
Tôi nắm lấy cổ tay anh ta, trong lòng cảm thấy không nỡ.
An Tư cũng nhảy xuống ngựa chạy đến can ngăn, luôn miệng quát:
- Các người làm cái gì vậy?
Trần Thì Kiến khẽ lắc đầu:
- Lúa đang sắp vào mùa gặt, không giữ được!
Tôi nhìn thấy trong đám đông di tản có nhiều người không nén được khóc lớn, cũng cảm khóe mắt mình cay cay.
Khó khăn lắm mới được mùa to, giờ vì lũ xâm lăng mà trong một khắc thiêu trụi toàn bộ công sức trong gần một năm của bá tánh, tôi bỗng giật mình nhận ra sự tàn khốc của chiến tranh.
Trần Thì Kiến đứng khoanh tay, trầm ngâm:
- Tập làm quen đi, sau này sẽ còn nhiều thứ đáng buồn hơn nữa.
Chúng tôi dong ngựa lên đồi cao, nhìn thấy hàng hàng lớp lớp dân chúng lũ lượt di tản, xung quanh lửa bốc lên nghi ngút, khói bay như muốn lên tận trời xanh.
Tôi thở dài, chiến tranh đã chính thức bắt đầu rồi.
Tôi ở trong cung, vốn không thể cùng với Trần Khâm dự bàn chính sự, mà với tính cách của anh ta chỉ mong tôi không biết gì, đương nhiên sẽ không thể thật thà thẳng thắng mà đối diện nhau.
Tôi giả vờ không màng chuyện chiến sự, thực tế là tận dụng hết các mối quan hệ xung quanh để nghe ngóng, như hôm nay tôi giả dạng thành một tên lính cúi đầu đứng gác ngoài điện Thiên An.
Trong điện có người khẩn trương nói:
- Hiện tại cánh quân nhỏ của Bột La Hợp Đáp Nhĩ đã phá vỡ Khâu Ôn, đang tiến đánh Chi Lăng, nếu như ải Chi Lăng còn không giữ được thì tình thế của Quốc công rất cam go.
Tôi hít một ngụm khí lạnh, nghe tim mình đang đập bang bang như trống trận, phải nắm chặt nắm đấm mới ngăn được dòng máu nóng đang cuộn trào.
Cha tôi đã thất thủ ở ải Nội Bàng rút về Vạn Kiếp, cánh quân của Bột La Hợp Đáp Nhĩ nếu như lại giành thắng lợi ở Chi Lăng, thì với lãnh địa bị chiếm rộng thênh thang như thế, cha tôi ắt sẽ bị co cụm lại ở Vạn Kiếp.
Địch lại đang chiếm thế lực về quân số, mà ngay từ đầu cha tôi đã cho rải binh để trấn giữ các ải, đừng nói là tập kích bất ngờ, cho dù Thoát Hoan hẹn ngày nghênh chiến thì cũng khó mà thủ được.
Tôi lại lắng tai nghe, có tiếng Trần Khâm trầm giọng hỏi:
- Vậy tình hình Chi Lăng hiện tại thế nào?
Một viên tướng nói:
- Chỉ e là lành ít dữ nhiều!
- Vậy chỉ còn một cách là ta đưa quân đi tiếp viện thôi.
– Trần Khâm nói.
Tôi nghe có tiếng như hàng loại người đang quỳ xuống, quả nhiên bên trong các bô lão và các quan đều hô bệ hạ hãy suy nghĩ lại.
Tôi loáng thoáng nghe Trần Khâm thở dài, anh ta bỗng nói như đinh đóng cột:
- Bại trận liên tiếp như vậy, chỉ e lòng quân cũng đã lung lay.
Hiện giờ chỉ có ta tự mình xuất quân đi mới yên ổn được lòng quân.
Ý ta đã quyết, các khanh không cần phải nói nữa.
Chân tôi như rụng rời.
Mãi đến khi cuộc hội nghị kết thúc và Trần Khâm đứng cau mày trước mặt tôi tôi mới tỉnh hồn.
Anh chỉ nhìn tôi không nói, nhưng tôi cảm giác Trần Khâm nhìn vào thấu tận tâm can tôi.
Tôi thất thần trở về Quân Hoa cung, đến trước gian chính thì nghe Quốc Chẩn đang khóc lóc ầm ĩ.
Tôi xoa trán bước vào, Thụy Hương đưa ánh mắt cầu cứu nhìn tôi, tôi mệt mỏi hỏi:
- Có chuyện gì mà Quốc Chẩn khóc dữ thế?
Thụy Hương cúi người với tôi, thưa:
- Phu nhân ơi, cậu không chịu ăn món em nấu.
Bình thường đều rất thích ăn món này.
Tôi liếc xuống bát canh gà còn dang dở, lại nhìn đứa con vừa mới gặp lại không lâu của mình, lúc rời Đại Việt nó chỉ vừa tròn một tuổi còn đi chập chững.
Hiện tại Quốc Chẩn đã ba tuổi, cũng cao tới đùi tôi rồi.
Hoàn cảnh không cho tôi ở bên con trẻ được lâu, lúc nó đang trong lúc cần mẹ thì tôi lại ngây ngẩn ở Nguyên triều, còn hiện tại tôi trở về, thì lại một lòng hướng về nơi biên ải.
Tôi ngồi xổm xuống bên cạnh Quốc Chẩn, mỉm cười hỏi nó:
- Bình thường con thích ăn nhất món này, sao hôm nay lại không chịu ăn?
Quốc Chẩn tủi thân ôm lấy tôi, quệt nước mũi nói:
- Mẹ ơi con ngán không muốn ăn nữa, con muốn ăn món khác.
Một nỗi tức giận không biết từ lâu xộc lên đỉnh đầu tôi, bỗng nhớ tới binh lính ở chiến trường còn không có cơm ăn, chịu gian khổ đói rét vì ai chứ? Tôi đánh mạnh vào mông nó, đẩy nó ra, quát lớn:
- Xem ra chị Trinh nuông chiều nó quá nên sinh hư rồi.
Thụy Hương, bát canh gà này nó ăn thì ăn, không ăn thì cũng không cần ăn nữa, bao giờ đói thì tự nó muốn ăn thôi.
Thụy Hương nhăn mặt nhìn tôi, lắp bắp:
- Nhưng phu nhân ơi cậu vẫn còn nhỏ, làm vậy e..
Tôi phất tay, cau mày lảo đảo bước vào trong, trong ngực như có tảng đá đè nặng đến không thở được.
Bỗng nhiên phía sau có tiếng Thụy Hương quỳ bái, tôi nghe giọng Trần Khâm vang bên tai:
- Em không nuôi nó nên không biết xót, nhưng dù sao em cũng là mẹ ruột nó.
Nghe giọng anh ta có vẻ đè nén, tôi thầm cười mỉa trong lòng, Trần Khâm có ý muốn trách tôi vì để bản thân rơi vào tay Thoát Hoan hay sao? Tôi xoay người về sau, nhìn vào mắt anh ta, lạnh nhạt nói:
- Trẻ nhỏ không dạy sẽ hư!
Nói rồi đi thẳng vào trong mà không nhìn anh ta lấy một cái.
Buổi tối tôi nằm gác tay lên trán, trằn trọc mãi không ngủ được, chẳng biết ngoài biên ải cha tôi đã đi nghỉ hay vẫn còn đỏ mắt nghĩ về cuộc chiến ngày mai.
Cũng chẳng biết binh sĩ đã no bụng chưa hay vẫn còn đói rét canh gác quân thù từng giờ từng khắc.
Lại nghĩ đến những người dân trong thành đã sơ tán, toàn bộ ruộng nương đều bị đốt trụi, sau khi cuộc chiến kết thúc, họ sẽ sống như thế nào đây?
Bất chợt lại nghĩ đến Trần Khâm, giờ này cung Quan Triều vẫn đang chong đèn, chắc vẫn đang cùng quần thần bàn kế sách để nhanh chóng đi tiếp ứng.
Không biết tại sao sáng nay bản thân lại kích động như vậy, tôi lặng lẽ ôm Quốc Chẩn vào lòng rơi nước mắt, đứa trẻ này thiếu tình thương của mẹ đã lâu, tôi biết mình không nên đánh nó.
Dù sao nó cũng chỉ là một đứa trẻ ba tuổi, còn chưa hiểu sự đời.
Quốc Chẩn dường như cảm nhận được tôi đang khóc, dụi mắt ngồi dậy, dùng chất giọng non nớt nói:
- Mẹ ơi mẹ khóc ạ?
Tôi nhìn kỹ Quốc Chẩn, cảm thấy nó càng lớn lại càng giống Trần Khâm như tạc, khẽ xoa đầu con trẻ, dịu giọng hỏi:
- Chẩn có giận mẹ không?
Quốc Chẩn lắc đầu:
- Không ạ, con sai rồi, nhưng mẹ đừng bỏ Chẩn đi nữa nhé.
Tôi lại thấy lòng quặn thắt, càng không kìm được khóc to hơn.
Ôi Quốc Chẩn con tôi hiểu chuyện đến thế, tại sao tôi có thể xuống tay đánh nó nhỉ.
Tôi hôn con, dùng lời ngọt ngào dỗ nó:
- Mẹ không muốn bỏ con đi, nhưng đất nước đang lâm nguy, nếu như có nhiều người cần mẹ hơn con, thì con sẵn lòng cho mẹ đi chứ?
Tôi biết lúc này nói ra có lẽ Quốc Chẩn sẽ không hiểu những gì tôi nói, nhưng đến một ngày nó đủ nhận thức để biết, có lẽ nó sẽ hiểu cho tôi.
Nếu tôi thật sự có cơ hội ra chiến trường, thì chắc là tôi lại phải tiếp tục rời xa nó.
Quốc Chẩn ấy thế mà lại giống như hiểu được lời tôi, khẽ gật đầu:
- Dù có chuyện gì con vẫn sẽ ủng hộ mẹ!
Tôi ôm hôn Quốc Chẩn, cảm thấy cõi lòng khẽ ấm lên..