Mở cửa hít thở không khí thanh sạch bên ngoài, sau một trận mưa vạn vật như sinh sôi nảy nở.
Sáng nay khi trời chưa hửng nắng, trời lành lạnh thanh thanh, bên tai là tiếng chim hót đầu cành ríu rít, quả là cảnh đẹp ý vui.
Tinh thần Trần Khâm tốt hơn hẳn bình thường, còn tôi hôm nay cũng cảm giác có gì đó khác biệt, nhưng ngoại trừ eo hơi mỏi lưng hơi đau thì hình như cũng tồi tệ như tôi từng tưởng tượng.
Tôi lại không ưa vẻ vui sướng khi người khác đau khổ của Trần Khâm, bèn nhỏ giọng dè bỉu:
"Rất là giống một con ngựa hoang!"
Trần Khâm phì cười gác cằm lên vai tôi, gian trá nói:
"Vừa hay tôi lại cầm tin con ngựa."
Tôi nhếch môi:
"Ngựa nào thì cũng dùng để cưỡi!"
Lúc này vừa hay người đỏ mặt lại là Trần Khâm.
Hôm nay hồi kinh nên bọn tôi dậy rất sớm để chuẩn bị, Trần Khâm đột nhiên hoá thân thành người đàn ông của gia đình phụ tôi hết việc này đến việc khác, có cảm giác như một cặp vợ chồng bình thường.
Những thứ trước đây tôi quen dùng anh ta càng cẩn thận đem tất cả để vào rương dù tất cả đều đã cũ kỹ.
"Những thứ này không cần mang theo đâu, cũ hết cả rồi!"
Trần Khâm lại nói:
"Nhìn vật nhớ người, nhìn nó giống như thấy em của ngày xưa vậy."
Tôi bật cười:
"Có gì tốt đâu, ngày xưa em là một đứa trẻ ngỗ nghịch."
"Nếu em không ngỗ nghịch thì tôi còn xót hơn!" – Anh ta đáp.
Trong lòng ngập tràn ấm áp.
Tôi biết một khi đã mở lòng ra với ai thì chỉ thấy được những mặt tốt của họ, hy vọng sau này bản thân mình sẽ chỉ thấy được những mặt tốt của anh.
Không ngờ lúc bước chân ra cửa thì dì Nguyễn đã dẫn người xộc vào, dì ta vừa gặp tôi đã bật cười, hùng hổ nói:
"Chúng mày định ăn trộm xong rồi trốn hả?"
Tôi hơi bất ngờ nhìn dì ta, phía sau cha tôi đã được gia nô dẫn đường đi tới, vẻ mặt thâm trầm.
Ồ, cái này là lạt mềm buộc chặt không được nên quyết tâm làm tới mức cá chết lưới rách luôn hay sao?
Cha tôi bước tới đối diện tôi, trầm giọng nói:
"Con trả miếng ngọc đó lại thì cha sẽ tha cho."
Trần Khâm bước lên chắn trước mặt tôi, nhìn thẳng vào mắt cha tôi lên tiếng thách thức:
"Hôm nay đúng lúc muốn xem quan đại tư xã xử án này như thế nào."
Cha tôi cũng không hề yếu thế, liền cho người lục soát.
Tôi đứng một bên xem kịch, cảm thấy vở kịch cha vợ và con rể choảng nhau cũng rất là thú vị đó chứ.
Chốc lát sau thật sự lôi ra được một miếng ngọc bích từ trong phòng của tôi.
Lần này đúng là hết chối, tôi bặm môi nhìn Trần Khâm, gằn giọng thì thào:
"Đã bảo chàng không cần mang gì rồi mà không nghe."
Anh ta đáp:
"Tôi cam đoan ban nãy không hề thấy miếng ngọc này!"
Dì Nguyễn giống như chỉ đợi có thế, ba máu sáu cơn vội nhảy vào mắng sa sả:
"Bà biết ngay là chúng bay mà, vội vội vàng vàng bỏ đi thì chắc chắn có điều khuất tất, nay bà bắt tận tay day tận mặt rồi xem mày còn chối đường nào.
Đúng là phường gian thương đầu trộm đuôi cướp."
Tôi ngẩng mặt nhìn dì Nguyễn hỏi:
"Chỉ là một miếng ngọc, giá trị cỡ nào chứ? Tại sao tôi phải ăn trộm?"
Lúc này cha tôi mới cười mỉa mai, bảo rằng:
"Miếng ngọc này là chị Ngọc của mày gửi về từ kinh thành, duy nhất một miếng chứ không có miếng thứ hai, trên mặt khắc ấn của vua thì mày làm sao mà có được.
Bây đâu, bắt hai đứa nó lại cho quan."
Trần Khâm bật cười ha hả, nhếch môi:
"Ông lấy quyền gì nói bắt là bắt?"
Quanh người anh ta tỏa ra loại khí thế cao sang hiển quý của một bậc đế vương.
Mấy hôm nay anh mặc quần cộc áo thô ở cùng tôi trong phủ Tô này, làm tôi suýt chút nữa thì quên anh ta là Hiếu hoàng của Đại Việt.
Cha tôi càng cười đến run người:
"Tao muốn bắt là bắt, tao là cha nó, mày biết cha nó là ai hay không?"
Trần Khâm bước lại gần nhìn ông, từ trên nhìn xuống như nhìn một kẻ thấp hèn.
Bình thường vóc dáng anh ta đã rất cao ráo, hiện giờ lại còn dùng ánh mắt như bề trên nhìn xuống, giống như trên đời này không ai xứng nói chuyện với anh ta cả, khiến tôi cũng bất giác hơi run.
Anh ta nhếch mày, cười như không cười bảo:
"Tôi đương nhiên biết cha nàng là ai, còn cha tôi là ai ông biết không?"
Dưới chân tôi run lên, thôi được rồi, anh không cần so sánh cha anh với cha tôi được không?
Trần Khâm nói xong thì lấy ra cả một túi ngọc quẳng xuống dưới chân.
Cha tôi hốt hoảng nhặt lên, không tin được ngước lên nhìn Trần Khâm lắp bắp:
"Đây là đồ giả, làm sao mày có..."
Trần Khâm xem thường liếc mắt nhìn ông ta:
"Chẳng phải cha vợ nói bên trên khắc ấn của vua nên không ai có được hay sao, trùng hợp mấy thứ này bình thường tôi có rất nhiều, rất hay dùng để ném gà ném chó trong cung!"
Tôi đang suy xét tại sao trong cung có gà có chó thì đã thấy dì Nguyễn bên kia quỳ sụp xuống, khóc lóc tỉ tê:
"Quan gia tha tội, cả nhà tôi có mắt không tròng, quan gia hãy nể tình cái Ngọc và thằng Bình tận tụy vì người mà tha tội cho cả nhà tôi."
Trần Khâm lạnh lùng quay đi:
"Đừng nhắc hai kẻ phản phúc đó trước mặt ta nữa, chúng đều mắc tội chết hết rồi!"
Trần Khâm nói xong câu đó, cha tôi bỗng dưng hộc máu.
Tôi hốt hoảng đỡ ông, không lẽ chỉ vì mấy câu nói của Trần Khâm mà ông sợ quá nên chịu không nổi hay sao? Nhưng không lâu sau, kể cả dì Nguyễn cũng hộc máu chết tức tưởi.
"Lại trúng độc!" – Trần Khâm nghiến răng nói.
Tôi nhìn cha hấp hối trong tay mình, dù vậy cũng không thể rơi nước mắt, cho dù tôi biết công lao nuôi dưỡng lớn hơn trời biển.
Cha tôi bỗng giơ tay lên mặt tôi, giọng yếu ớt đứt quãng, ông nói:
"Mẹ con nhặt được con trên đường..lúc đó con thương tích đầy mình...bà ấy sợ nên không cho nói với ai..."
Trước mắt tôi bỗng tối sầm, tay chân lạnh toát.
Cha tôi chết, Trần Khâm đỡ lấy tôi, tôi cảm giác mặt mình cắt không ra giọt máu.
Tinh thần tôi có chút bấn loạn, chẳng biết nên buồn hay vui.
"Giống..giống y như mấy cảnh em hay xem trong kịch..."
Trần Khâm biết tôi đang hoảng loạn, vội vã ôm chặt lấy tôi vào lòng, liên tục nói không sao đâu, không sao đâu.
Lúc này tôi mới như thông tỏ mọi chuyện, hóa ra chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó cả.
Giống như khi cha mẹ đối xử với mình không tốt, đừng vội buồn phiền, hãy tìm hiểu xem đó có phải là cha mẹ ruột của mình không đã, biết đâu thật sự là không phải thì sao.
Tôi nhìn Trần Khâm, miệng cười nhưng bất giác rơi nước mắt, thì ra đây mới là đáp án mà tôi muốn đi tìm.
Ngay hôm đó Trần Khâm sai người khám nghiệm thì biết được cả nhà tôi bị trúng một loại độc lạ.
Tôi nhớ đến Trịnh Giác Duy hôm nọ cũng trúng độc của người Nguyên, mơ hồ đoán ra.
Tôi lại mơ hồ không biết nguyên do là gì.
Dù sao hết tình nhưng còn nghĩa, tôi chôn cất cả nhà họ, từ nay Tô Linh Lan ở Bí Giang xem như không còn nữa.
Những hận thù ân oán cứ để gió cuốn đi.
Trần Khâm đánh xe ngựa trở về, bỗng nhiên hỏi tôi:
"Vậy sao này gọi em là Linh Lan hay là Tĩnh?"
Tôi bật cười:
"Giữa trời dù có đôi vành chuyển,
Biển cả ngại gì hòn bọt sanh."
Bên ngoài vang lên tiếng cười của anh ta:
"Vậy ra Thượng sĩ đem câu chuyện này đi kể khắp cùng trời cuối đất rồi ư? Xem ra tôi không phải người duy nhất giảng giải được." – Sau đó anh ta vẫn không chịu bỏ qua cho tôi, hỏi – "Vậy em muốn làm Tĩnh hay Linh Lan"
Tôi thản nhiên đáp:
"Chẳng phải Linh Lan cũng chẳng phải là Tĩnh, là Tuyên phu nhân của chàng!"
Bên ngoài vang lên tiếng cười nho nhỏ, nom anh ta rất ưng bụng.
Tôi trở về cung Quân Hoa xơ xác tiêu điều vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa nhưng lại vắng bóng Đan Thanh, cảnh mất người cũng mất nốt.
Tối đến tất cả quây quần nhưng chẳng ăn nỗi một hạt cơm, còn Trần Khâm thì đương nhiên phải vùi đầu vào đống việc mà anh ta bỏ bê lâu ngày dài tháng..