Trung tuần tháng mười hai trời vào lúc rét đậm, phần lớn thời gian bầu trời xám xịt một màu, mưa phùn lất phất đổ lên mái ngói nghe vô cùng ảm đạm.
Vào những ngày hiếm hoi có nắng ấm, tôi thích tựa vai Trần Khâm ngồi sưởi nắng ở tòa đình giữa hồ sen.
Dù phần lớn thời gian anh ta dùng để làm việc nhưng với kẻ thích bầu không khí tĩnh lặng như tôi thì việc ngồi ngủ gà ngủ gật với Trần Khâm còn thoải mái hơn là ở cùng với bọn người ồn ào An Tư hay thằng nhóc Thuyên nữa.
Trong lúc Trần Khâm vẫn đang ghi ghi chép chép, tôi thường ngắm mây bay trên trời.
Những ngày có hoàng hôn đỏ ối, làn gió thổi đóa sen dao động hay hàng liễu rậm lá phủ bên hồ.
Nhưng hầu hết thời gian tôi dùng để ngủ, lúc tỉnh dậy có khi Trần Khâm đã đi rồi, chỉ để lại chiếc áo khoác ngoài phủ lên người tôi và Thụy Hương ngồi ngáp ngắn ngáp dài bên cạnh.
Đó là những khi anh bận rộn.
Lúc rảnh rỗi Trần Khâm rất kiên nhẫn với tôi.
Bao giờ tỉnh lại tôi cũng thấy mình nằm trên đùi anh, trên tay anh ta cầm quyển binh pháp dày cộm, còn ánh mắt thì mơ màng nhìn ra xa.
Khi phát hiện tôi nhìn trộm, hầu như lúc nào Trần Khâm cũng mỉm cười, tự mãn nói:
"Tôi đẹp trai đến thế à?"
Khi đó tôi bỗng nhiên nhận ra trên đời này dù có đi đến đâu, gặp phải loại cảnh đẹp chốn nhân gian nào thì nơi yên bình nhất, thứ làm tôi xao xuyến nhất chỉ có nằm gục trong lòng Trần Khâm nhìn anh nở nụ cười.
Đêm rằm tháng chạp lại có một bữa tiệc nhỏ thết đãi các quan, tôi cùng nhóc Thuyên ngồi uống trà ngắm trăng ở trong sân, hít thở không khí lành lạnh của đêm đông yên tĩnh.
Thằng nhóc bộc bạch với tôi việc nó muốn vượt hoàng thành ra ngoài phường phố, được cùng bọn trẻ ngoài đấy chơi đùa.
Tôi nói với thằng bé:
"Hôm nay đúng lúc trăng sáng vằng vặc, làm một bài thơ đi, nếu thấy hay hôm nào dì sẽ đưa con đi!"
Một thằng bé mới năm tuổi như Thuyên biết đọc chữ là đã giỏi lắm rồi.
Nó ngồi chống cằm suy nghĩ một hồi, giận dỗi nói:
"Dì không muốn đưa con đi nên cố tình làm khó chứ gì!"
Tôi cốc đầu nó một cái, bảo:
"Phàm là những việc trong thiên hạ nếu như càng khó thì phải bỏ ra cái giá càng cao.
Con nghĩ đưa một thằng nhóc như con ra khỏi cung là dễ lắm hả, đòi một bài thơ là đã giảm giá rồi.
Dì còn chưa có tính lời đâu."
Thằng nhóc Thuyên giả bộ khóc nhưng lại không rặn ra được giọt nước mắt nào.
Trong đầu tôi bất chợt hiện ra một câu: mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng, trong lòng quặn lên một trận cười làm đứa bé trong bụng lại đạp thêm một cái.
Thằng nhóc Thuyên nhìn sắc mặt tôi lúc trắng lúc xanh vội vàng hỏi han dồn dập, đúng là một đứa con hiếu thảo.
Tôi vuốt tóc nó, bảo rằng:
"Sau này học hành chăm chỉ một chút, đừng mải ham chơi.
Cái gì cũng phải có chừng mực, nhất là khi con mang trên người trọng trách với thiên hạ, là bậc quân vương tuy không phải cái gì cũng cần cáng đáng nhưng cũng đừng ỷ lại vào quần thần.
Thần tử có trung có gian, làm sao phân biệt được để dùng mới đúng là bậc hiền vương.
Mà muốn làm được điều đó thì phải học, phải hành, phải nhìn và cảm nhận.
Đừng nghe mọi chuyện bằng tai."
Nhóc Thuyên gãi đầu, nó hỏi tôi:
"Vậy phải nghe bằng gì ạ?"
Tôi chỉ tay vào ngực trái của nó, cười nói:
"Nghe bằng cái này này!"
Nhóc Thuyên ngồi ngã ra ghế, đôi má phúng phính trắng nõn và cái áo choàng lông màu đỏ tươi khiến nó trông bật lên như một viên ngọc quý được điêu khắc tỉ mẫn từng công đoạn.
Đôi mắt của con trẻ sáng ngời như vì sao lấp lánh ngoài xa làm người ta muốn moi hết ruột gan ra để cưng chiều.
Một chiếc áo choàng ấm phủ lên vai tôi, phía sau truyền đến giọng nói như nén cười:
"Thật có dáng dấp mẹ hiền!"
Tôi nghe anh ta nói thế thì hơi đỏ mặt, quay sang đã nghe anh ta nói với nhóc Thuyên:
"Đọc được một bài thơ hay, đích thân ta dẫn con đi thì thế nào?"
"Để con suy nghĩ! – Thằng bé nói."
Có nguồn động lực lớn dễ khiến khả năng của con người ta trỗi dậy.
Thằng nhóc Thuyên hết nhìn trăng lại nhìn tôi, rồi nhìn quanh quẩn một lúc làm bộ dáng người ta hay ngâm thơ, đứng dậy múa một vòng, tay chỉ vào không trung mà đọc:
"Thanh phong táp địa vô hưu yết" (Gió mát thổi quanh mặt đất không lúc nào ngừng)
Tôi ngạc nhiên nhìn Trần Khâm, thấy anh ta cũng có phần kinh ngạc, sau thì đắc ý cười cười.
Nhóc Thuyên múa xong, ngẩng đầu nhìn trăng sáng đọc tiếp:
"Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết" (Trăng trong lơ lửng trên không sáng như băng tuyết)
Tôi lại nhìn Trần Khâm trong lòng trộm nghĩ: chà, đúng là sóng sau xô sóng trước, con hơn cha là nhà có phúc đây.
Thấy tôi và Trần Khâm có vẻ hứng thú, nó bèn lượn đến chỗ tôi, trước chỉ vào không trung, kế đến lại chỉ lên trời, cuối cùng chỉ vào tôi, vừa chỉ vừa thích thú đọc theo từng động tác:
"Thử phong, thử nguyệt dữ thử nhân" (Gió ấy, trăng ấy, với người ấy)
Lại xòe ra ba ngón tay rồi nháy mắt với tôi:
"Hợp thành thiên hạ tam kỳ nguyệt" (Hợp thành ba tứ kỳ tuyệt trong thiên hạ)
Tôi đằng hắng mấy tiếng, cảm thấy từng tuổi này rồi còn bị một thằng nhóc ranh năm tuổi trêu chọc đến đỏ mặt, thật mất mặt làm sao.
Trần Khâm xách cổ áo nó lên, cười như không cười bảo:
"Đúng là một kỳ tuyệt, nói hay lắm, đúng là con trai ta!"
Tôi đỡ lấy thằng bé đang la oai oái thả xuống, trừng mắt nhìn anh ta.
Này, đừng nói với tôi là anh ta đang ghen với chính con ruột của mình đấy nhé? Khổ thân thằng nhóc chân vừa chạm đất liền chạy một mạch đi tìm Thụy Hương đưa trở về cung.
Trần Khâm ngồi xuống trên ghế, cảm thán:
"Tuy không quá xuất sắc nhưng cũng không phải là gỗ mục không thể đẽo."
Tôi nhếch môi:
"Đừng vội xem thường, sợ là ngọc trong đá, chỉ nhìn thôi thì không thấy được đâu."
Trần Khâm quay sang nhìn tôi, sửa lại cổ áo choàng đã từ lúc nào rơi xuống vai của tôi, cười ẩn ý:
"Thế nào là ngọc trong đá, em đối với nó rất có niềm tin nhỉ?"
Trong lòng tôi thắc mắc một chuyện, trăn trở mãi bỗng buột miệng nói ra:
"Chàng không sợ em sẽ dạy hư thằng bé à? Dù sao em cũng sắp có đứa con của mình, mà chàng thì vẫn còn trẻ.
Chàng không sợ em sẽ gieo vào trong đầu thằng nhóc những thứ xấu sao?"
Trần Khâm nhấp một ngụm trà:
"Đúng là con trẻ như tờ giấy trắng, nhưng ai có ý đồ xấu thì chúng sẽ nhận ra ngay thôi.
Lòng của chúng sáng như gương vậy."
Tôi cảm thấy anh ta nói cũng đúng.
Yên lặng ngẩng lên nền trời bỗng thấy phía xa xa có mấy ngọn đèn trời đang bay lơ lửng như quả cầu lửa giữa không trung.
Tân Tỵ, Thiệu Bảo năm thứ ba.
Mùa xuân, tháng giêng, ngày hai mươi chín, hoàng tử Quốc Chẩn sinh.
Ngay từ lúc mới chào đời thằng bé Quốc Chẩn đã chiếm hết sự chú ý của cả hai bên nội ngoại, thậm chí cha tôi còn cãi một trận nảy lửa với Thượng hoàng xem đứa trẻ giống ai.
Tôi nhìn trái ngó phải, cảm thấy mặc dù là do mình sinh ra nhưng cũng không nói được rõ được chỗ nào giống mình, từ đôi mắt, cái mũi, cái miệng nhỏ đều giống Trần Khâm y đúc.
Trong lòng tôi vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng có lẽ do nó còn quá nhỏ, biết đâu năm mười năm nữa tôi sẽ phát hiện điểm gì đó giống mình không chừng.
Sinh Quốc Chẩn được ba tháng tôi dần cảm thấy mọi việc trở lại như bình thường, ngoài việc có thêm một thằng bé để chăm sóc còn lại việc nào nên làm tôi đều học.
Dạo này chị Trinh lại càng thành tâm hướng Phật, trên vai tôi đột nhiên cảm thấy một áp lực vô hình.
Riêng về Quốc Chẩn hễ ngủ thì thôi, một khi mà tỉnh dậy thì phải có tôi bên cạnh nếu không sẽ khóc lóc ầm ĩ.
Cũng may ngoài tôi ra thì thằng nhóc Thuyên cũng có thể làm nó vui vẻ được, nếu không tôi đến đổ bệnh mất thôi.
Cũng may xung quanh tôi cũng không thiếu những kẻ sẵn sàng ngồi từ sáng đến tối với Quốc Chẩn, ví như An Tư, Thanh Vân hay Thụy Hương chẳng hạn.
Nhưng phải công nhận, aizz, thằng bé này rất thích khóc, chẳng biết giống ai..