Trần Nhật Duật không buồn trả lời tôi mà tập trung nhắm mắt nghỉ ngơi, có vẻ mấy hôm nay anh ta khá là căng thẳng.
Thằng nhóc Mạc Đĩnh Chi vẫn còn không cam tâm, ánh mắt nhìn tôi giống như muốn nói mà không dám nói, tôi cười cười nhìn nó, đôi lúc người ta phải nhìn vào sự thật chứ không phải phán đoán.
Lúc này Trần Khâm bỗng bước vào khoang thuyền, nhỏ giọng bảo tôi:
"Được rồi đừng đùa nữa."
Trần Khâm nói xong bèn đưa cho Mạc Đĩnh Chi một bức thư còn chưa bóc.
Có vẻ đây là thứ mà Trần Ích Tắc để lại riêng cho em ấy.
Mạc Đĩnh Chi vừa cúi người nhận thư đã lập tức mở ra, đọc xong bèn ôm mặt khóc nức nở.
Sau đó em ấy đưa thư cho tôi, trên thư viết:
"Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,
Cảnh cảnh đan trung đối bi thương.
Bất vị Văn Công đào Tấn nạn,
Thử ky Vi Tử kế Ân vương.
Cơ cừu vị mẫn tiên nhân chí,
Giản sách ưng lưu vạn cổ phương.
Hoàn vũ xa thư hội đồng nhật,
Cố gia tông tự Việt sơn trường."
***
(Trọng nghĩa, nên ta rời Đại Việt,
Trời xanh mới biết tấm lòng son.
Chẳng phải Văn Công rời Tấn quốc,
Mà như Vi Tử muốn Ân còn.
Chí nối nghiệp xưa luôn tạc dạ,
Tiếng thơm truyền mãi sử không mòn.
Một mai thống nhất giang sơn ấy,
Dòng dõi cha ông vững Việt non.)
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Tôi đọc xong thì thở dài một tiếng, bỗng thấy Trần Nhật Duật nhướng mày nhìn Thì Kiến, bộ dạng có chút hả hê.
Trần Ích Tắc cũng chỉ gửi thư lại cho Mạc Đĩnh Chi chứ nào phải anh ta, anh ta hả hê cái gì?
Trong lòng tôi bỗng giật mình hốt hoảng, có khi nào tất cả mọi chuyện từ tạo phản đến việc bị cách chức, và cuối cùng là hàng giặc hôm nay đều nằm trong dự tính của anh ta hay không?
Nếu là ai tôi còn có thể không tưởng tượng ra, nhưng với kẻ như Trần Ích Tắc thì có thể lắm.
Trong lúc này có tin Trần Ích Tắc đã được phong làm An Nam Quốc Vương, cái chức An Nam Quốc vương này giống như một miếng thịt bị tẩm độc, nhìn thì có vẻ ngon đấy, nhưng ăn vào có khi lại chết bất đắc kỳ tử.
Có điều không hiếm lạ những kẻ thèm khát, đầu là Trần Di Ái, thứ là Trần Kiện, nay lại có thêm một Trần Ích Tắc chẳng rõ thực hư.
Nếu như Trần Ích Tắc thật sự hàng giặc, đối với Đại Việt ta đúng là một mối nguy lớn.
Trong khi Thoát Hoan đang lùng sục khắp các hang cùng ngõ hẹp ở Thiên Trường thì chúng tôi đã đi ngược ra tới Tam Trĩ Nguyên.
Lệnh của cha tôi là ém quân không giao chiến khiến chúng rơi vào trạng thái mất phương hướng, đợi thời cơ chín muồi.
Mấy lần vồ hụt vào khoảng không, e là sự kiên nhẫn của Thoát Hoan cũng ngày càng không giữ được.
Không biết khi phát hiện ra lần đó tôi chỉ đứng cách anh ta một lớp vải, anh ta sẽ cảm thấy thế nào nhỉ?
Một buổi sáng tháng ba trời còn lành lạnh, tôi đứng tựa vào lan can trên thuyền chiến nhìn đại quân tập trận, bỗng thèm một tách trà sen đắng đến nao lòng.
Dù cái đắng đó làm tôi phải tê đầu lưỡi và trước đây tôi cũng khó hiểu tại sao Trần Khâm lại rất ưa vị đắng của trà sen.
Mãi đến sau này tôi mới hiểu hoá ra không phải Trần Khâm thích trà sen, cái anh ta thích là mùi vị của ký ức.
Tôi bỗng nhiên cảm giác như mình bị phản bội, dù người trong ký ức của anh ấy vẫn là một mình tôi.
Quốc Chẩn và nhóc Thuyên vẫn còn ngủ say, mấy tháng này chúng nó đã quen với cuộc sống rày đây mai đó, cũng học được cách im lặng khi có nguy hiểm.
Thằng nhóc Thuyên hiện đã biết cầm kiếm múa quyền, thuộc lào binh pháp và thi thư nhưng bản tính ham chơi vạn năm không đổi.
Tôi hay trêu đùa nó, nếu cứ mãi như thế thì chẳng thể nào mà lấy được vợ mất.
Thằng nhóc Thuyên gãi đầu, bảo rằng đương không rước về một bà mẹ trẻ làm gì, bản thân nó có hai người mẹ đã là quá đủ.
Chị Thuỵ Hữu và anh hai Quốc Uất ở chiến thuyền bên kia đang chơi trò người đuổi ta chạy, nhưng lần này ngược lại là anh tôi đang chủ động đuổi theo.
Tôi bật cười cảm thán:
"Đúng là quả báo không chừa một ai!"
Trần Khâm đã đến bên cạnh tôi từ lúc nào, anh khoanh tay đứng ở đối diện nhìn tôi cười bảo:
"Chắc em cũng không ngờ mình lại yêu một kẻ lừa lọc."
Tôi thoáng đỏ mặt nhìn chóp mũi cao cao của anh ở ngay phía trước mình.
Trong cái tiết trời cuối tháng ba tôi thấy mồ hôi của anh thấm qua lớp áo bào, mấy sợi tóc lòa xòa trước trán, trên cằm cũng lúng phúng râu.
Gió biển tạt vào mặt tôi có chút bỏng rát, tôi bỗng nhớ tới cơn gió mùa hạ dịu nhẹ lướt qua vùng sen trên hồ Thủy Tinh.
Lần đầu tiên gặp Trần Khâm, sen nở rộ trước giờ chưa từng có.
Thuở ấy anh vẫn còn là hoàng tử, cả Thượng hoàng và Tiên đế đều hết mực thương yêu, vậy mà lại bày đủ trò để đưa tôi vào tròng.
Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ tôi thoát khỏi tầm ngắm của anh.
Tôi ồ một tiếng, đáp:
"Nếu không yêu thì uổng phí công sức người ta bày trò!"
Trần Khâm bật cười, đường rãnh nam tính kéo dài từ cằm lên tới tận gò má.
Đời này được nhìn thấy cảnh như vậy, giống như tuyệt sắc nhân gian.
Những ngày gần đây Trần Khánh Dư lại là kẻ bận rộn nhất trong số chúng tôi.
Anh ta giữ nhiệm vụ lái thuyền ngự bỏ trống đi ngược lên phía bắc ra cửa biển Ngọc Sơn để đánh lừa quân Nguyên.
Về vấn đề này thì tôi tin tưởng Trần Khánh Dư hoàn toàn, nói về việc quân thì tôi không biết chứ nói về lái tàu thuyền, thì anh ta tự nhận thứ hai không ai dám đứng nhất.
Trong suốt mười ngày, rốt cuộc Thoát Hoan đã đánh hơi thấy dấu vết của quan quân ta.
Không ngoài dự liệu, anh ta đã trúng phải kế nghi binh của cha tôi khi cho toàn bộ thuỷ quân đuổi theo đoàn thuyền trống của Trần Khánh Dư ở cửa biển Ngọc Sơn.
Trong lúc Trần Khánh Dư chơi trò chơi tốc độ với thuỷ quân của Thoát Hoan thì chúng tôi ngay lập tức lên bộ hành quân, lên thuyền mới đi ra cửa biển rồi đánh vòng ngược lại Thanh Hoá.
Nhưng Thoát Hoan cũng không phải kẻ đơn giản.
Chúng tôi đóng quân ở Thanh Hoá chưa lâu hắn ta đã bắt hơi được ngay, có điều đừng nói là những binh lính nhỏ bé đang bơ vơ trên đất khách như người Thát, ngay cả tôi nếu như rơi vào trạng thái chỉ bắt toàn trượt như bọn chúng chỉ e cũng không thể kiên trì nỗi.
Sở dĩ biết được những thông tin quan trọng đó là do mạng lưới tình báo mà Trần Ích Tắc giăng ra đã bắt đầu phát huy tác dụng.
Chúng tôi lại nghe được tin Thoát Hoan phái Ô Mã Nhi cùng Toa Đô quay trở lại Thanh Hoá.
Trần Khâm bèn cử Chiêu Minh Vương và Phạm Ngũ Lão chặn đánh ngay khi bọn chúng tiến quân vào Thanh Hoá.
Tuy Trần Khâm an ủi rằng trận này chỉ cần giằng co câu kéo thời gian ắt sẽ thắng nhưng quả tim tôi vẫn như treo trên cột cờ thành Bố Vệ.
Rốt cuộc một tuần sau binh lính ở vùng chiến báo về, Chiêu Minh Vương đã đánh lùi được Ô Mã Nhi và Toa Đô chạy ngược ra Bắc trong tuyệt vọng, quả tim đang treo trên cột cờ của tôi mới được hạ xuống.
Mấy người chúng tôi ở trong thành liên tục hò reo, ngay cả Quốc Chẩn đang ăn dở bát cơm cũng buông đũa nhảy cẫng lên.
Toàn thành được một trận vui như trẩy hội, đánh lâu như vậy rốt cuộc cũng có trận thắng lớn trong vẻ vang.
ôi đứng trên tường thành nhìn ngọn cờ tung bay trong gió, thấy chị Anh Nguyên đang dùng ánh mắt vui sướng trông về phương xa, bèn đẩy vai chị nói nhỏ:
"Lần này còn có việc vui hơn cả thắng trận nữa đấy!"
Chị Anh Nguyên vẫn còn đang trong trạng thái lâng lâng nên chẳng thèm xem tôi là ai mà bâng quơ đáp:
"Có sao? Là chuyện gì thế?"
Tôi kề tai chị thì thầm:
"Lần này thắng trận công lao của chị không ít đâu!"
"Hả, sao vậy? Lần này chị đâu ra chiến trường?" – Chị Anh Nguyên giật mình hỏi.
Tôi làm bộ dáng thần bí bảo chị:
"Ngũ Lão nói với cha nếu như thắng trận này, anh ấy xin cha được lấy chị làm vợ.
Cha cũng đồng ý rồi nhé! Lần này đúng là hai việc vui cùng đến một lượt."
Chị Anh Nguyên càu nhàu:
"Vậy nếu lỡ thua thì sao?"
Tôi nhất thời không biết trả lời chị làm sao, xem ra chị ta còn gấp hơn cả Phạm Ngũ Lão..