Quả nhiên không phụ mong đợi của toàn thể quần chúng từ trên xuống dưới, tới tháng chín tôi đã sinh ra một con nhóc trắng trẻo mập mạp, Trần Khâm đặt cho nó cái tên rất kiêu gọi là Huyền Trân.
Lúc này Trần Khâm tức một ngày chỉ có mười hai canh giờ, lại càng tức vì mình không thể phân thân, hoặc chí ít là ba đầu sáu tay cũng được.
Động thái của bọn Thát ngày càng lộ rõ, anh ta phải quanh quẩn trong mùi vị của chiến sự, để không lâm vào cảnh bị động khi chúng đột ngột cất quân sang.
Tôi thì lại đang ở cữ, trong vòng ba tháng kiêng gió kiêng nước nên chỉ quanh đi quẩn lại trong phòng, đa số thời gian thì nằm ngắm xem con bé này tóc tai mũi miệng ra sao.
Con nhóc Huyền Trân lại là kẻ vô ưu vô lo, suốt ngày chỉ chu chu cái môi lên rồi ngủ ngon lành, vốn không biết được bên ngoài đã căng thẳng đến mức nước sôi lửa bỏng.
Nhưng kể từ khi có em gái, thằng nhóc Thuyên và Quốc Chẩn giống như trưởng thành lên rất nhiều.
Những lúc ngủ thì thôi, nếu như con bé dậy mà đúng lúc các anh không bận học thì tôi lại chẳng cần trông chừng, trong nhà lúc nào cũng vang lên tiếng cười khanh khách.
Tôi lại tranh thủ nghỉ ngơi, bởi từ khi có con bé ban đêm giấc ngủ của tôi thường không thể nào tròn giấc.
Lúc tỉnh lại đúng lúc gặp chị Trinh ngồi ở đó, không biết nghĩ thế nào liền nói:
"Mấy hôm nay thằng nhóc Thuyên giống như chuyển nhà sang đây, cơm nước và nhà ở cũng không phải miễn phí.
Chị xem, em sắp không nuôi nổi người ăn kẻ ở trong nhà rồi."
Thằng nhóc Thuyên quay ngoắt sang nhìn tôi, ánh mắt vừa đáng thương vừa phẫn uất.
Tôi quay mặt sang hướng khác, giả vờ ngủ tiếp.
Nhưng mấy lời chì chiết của bà mẹ ghẻ là tôi đây vốn không thể chống lại sự đáng yêu không cưỡng lại được từ con bé Huyền Trân.
Vừa ra tháng là con nhóc đỏ hỏn ngày nào đã trắng trẻo hẳn ra, hai gò má phúng phính thơm sữa, cái môi chúm chím hồng hào.
Đặc biệt là đôi mắt to tròn mở to mỗi khi giận dỗi thêm hai lúm đồng tiền xoáy sâu khiến người ta phải thương yêu.
Tôi nhìn Trần Khâm, nghi hoặc:
"Cả em và chàng đều không có.."
Lúc này thằng nhóc Thuyên liền chỉ lên mặt mình nói:
"Con cũng có này!"
"Thế sao con lại không có nhỉ?" – Thằng bé Quốc Chẩn cũng phân bì.
À, thế thì thứ này vốn không phải do di truyền rồi.
Lại nhớ khi đầy tháng thì nghe nói có Mạc Đĩnh Chi đến thăm, tôi lại đang ở cữ nên không tiện gặp, chỉ nằm bên trong nghe loáng thoáng tiếng thằng nhóc Thuyên cùng với Đĩnh Chi chuyện trò.
Lát sau thì mới biết hóa ra là nó đến tặng mấy thứ đồ lễ linh tinh gì đó của ông chú sáu nhà mình.
Ngoại trừ kiềng vàng hay mấy cái vòng ngọc quý theo lệ, trong rương còn có..à, cái này..
Tôi cầm một vật bằng lá cọ có hình dáng con châu chấu lên, thắc mắc:
"Bình thường ông sáu nhà con rảnh rỗi lắm hả? Rồi còn cái này..."
Thằng nhóc Thuyên còn chưa kịp trả lời, tôi bèn bắt lấy một thanh kiếm nhỏ bằng gỗ được điêu khắc cực kỳ tinh xảo.
Lúc bấy giờ đúng lúc Trần Khâm rảnh rỗi ghé sang, thấy thế thì nghiến răng nghiến lợi:
"Nhà ta chỉ một người gây họa là đủ rồi, chú ta còn muốn cho con gái của tôi học theo nữa à?"
Lúc này tôi tức thì liếc mắt nhìn anh ta, bèn chỉ vào mình ngờ vực:
"Gây họa? Chàng đang nói em?.."
Thằng nhóc Thuyên nhìn tôi như kiểu nói "dì đoán xem?".
Thôi thôi, anh ta là quan gia thì tôi vốn chẳng thể làm gì được, chỉ là cứ thế hễ lúc nào anh ta tới thì tôi liền quay mặt đi, suốt hai ba ngày làm Trần Khâm hết sức rầu rĩ.
Trong cái hòm đầy kỳ trân dị bảo của ông chú sáu vẫn còn rất nhiều thứ hay ho như là trống bỏi, ngựa gỗ, còn có mấy con thuyền chiến thu nhỏ y như đúc thuyền chiến của quân ta, hình dáng hết sức bắt mắt.
Trong lòng tôi vừa không ngờ tới ông chú này có nhiều tài lẻ như vậy, lại vừa hoang mang cái cách tặng quà của ông chú.
Hay là bởi vì xung quanh chú ta toàn những nữ sĩ cầm đao cưỡi ngựa nên chú ta sớm quên mất bộ dạng thật sự của nữ nhi mất rồi?
Về việc này sau đó thằng nhóc Thuyên có kể lại với tôi rằng sau khi Trần Nhật Duật để vụt mất cô nàng Ngọc Châu.
Nói chung việc cần làm vẫn cứ làm, làm xong thì lại rơi vào trạng thái ngơ ngẩn, sầu hoa rụng, sầu trăng rơi, đến việc đàn hát như thông thường cũng là miễn giảm.
Nhưng ông chú sáu này hình như vẫn không nhận ra được điểm kỳ lạ của mình, vẫn tỏ ra điềm nhiên nhưng không hề biết chữ nghĩa đều đã viết hết lên trên mặt.
Cái đống đồ kỳ lạ này cũng từ những lúc thất thần mà sinh ra, khi ấy mỗi khi làm xong một thứ thì Trần Nhật Duật giống như người trong mộng bừng tỉnh, lại ngơ ngẩn hỏi:
"Đã hai ngày rồi sao?"
Mạc Đĩnh Chi liền không nén được lắc đầu.
Thầy sáu của mình, áng chừng là bệnh tương tư nặng lắm.
Sau ngày đầy tháng không lâu, đại quân cũng lục tục chia nhau ra hành quân về các cứ điểm đã bố trí từ trước.
Lần này tôi không thể ra tận nơi hợp binh để tiễn Trần Khâm, nên đêm cuối đành bịn rịn ôm lấy anh ta mà rơi nước mắt.
Trần Khâm bật cười nói rằng anh ta sẽ cố không để cho mẹ con tôi nhọc nhằn, nhất định sẽ đánh lui chúng trước khi chúng kịp tiến quân vào kinh.
Trong lòng tôi mặc dù có chút an ủi, nhưng nói tin hay không thì cũng không chắc được.
Lần này tôi chỉ âm thầm gửi một phong thư cho Trần Quốc Toản, ý bảo cậu ta một mình dẫn dắt Hoài Văn quân mọi việc hãy nên cẩn thận.
Sau đó cậu ta cũng hồi âm, dặn tôi đừng lo lắng, cứ tin tưởng vào cậu ta.
Trong lòng tôi vui vẻ, người có gia đình nên cũng không còn thái độ ngông nghênh như trước, cũng biết quan tâm tới người khác rồi.
Quả nhiên đến tháng mười hai đã có tin quân Thát vượt biên giới tiến đến Lộc Châu, sau đó lại chia làm hai đường đánh xuống vào Chi Lăng và Vạn Kiếp.
Ồ, Thoát Hoan thật sự đưa quân về Vạn Kiếp như tôi dự đoán này!
Ngoài đường tiến quân đó bọn chúng còn đi theo hai đường khác đánh sang.
Sớm hơn cả là cánh quân đánh từ Vân Nam xuống Bạch Hạc, nơi này chính là cứ điểm của Chiêu Văn Vương.
Cuối cùng là đông đảo thủy quân từ cảng Khâm Châu vượt biển tiến vào Vạn Kiếp theo đường thủy.
Mai phục ở vùng Đông Bắc cụ thể là Vân Đồn không ai khác chính là đội thủy quân của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, đi tiên phong là Hoài Văn Quân của Trần Quốc Toản, Trần Khâm cũng đứng chỉ huy đội quân này.
Nắm được bọn chúng chủ yếu là tập trung ở lực lượng thủy quân nên đội quân của Trần Khánh Dư phải nói là vô cùng hùng mạnh, Hoài Văn quân của tôi cũng vô cùng được tín nhiệm mới được giao trọng trách.
Tuy nói giặc tiến quân thì nhanh như gió lốc, ngày trước lúc tôi ở trên chiến trường toàn quân lúc nào cũng hừng hực sĩ khí nên cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh.
Hiện giờ cùng con bé này lăn lộn ở nhà cả ngày rầu lo khiến thời gian như ngưng lại, mãi lại chẳng thấy tin tức gì truyền về.
Chị Trinh lại trông có vẻ điềm tĩnh hơn tôi, an ủi:
"Thật ra không có tin tức mới là tin tốt."
Chị Trinh xem ra rất quen thuộc với cảnh này, nói một câu mà mặt không biến sắc, ra chiều rất tin tưởng vào cục diện trên chiến trường.
Mấy chị em của tôi đã từ các vùng thái ấp lân cận Vạn Kiếp lần lượt được hộ tống trở về, chị Anh Nguyên cũng rơi vào số phận y như tôi, suốt ngày chống cằm thở hắt ra trông cứ như một quả bóng vải xì hơi.
Lần này gặp lại mẹ tôi có vẻ gầy yếu hơn rất nhiều, tuy là con cháu quây quần nhưng thời gian thật sự không chờ đợi một ai.
Tôi lại nhớ đến thái hậu vừa băng lúc trước, đáy lòng cũng khó chịu.
Người vui vẻ nhất chỉ có mấy đứa nhỏ, con bé Duyệt định mệnh của thằng nhóc Thuyên (theo lời của nó) vào kinh thì nó không vui vẻ đến mức nhảy cẫng lên mới là lạ.
Con nhóc này vừa qua thôi nôi, trông bụ bẫm đáng yêu hơn Huyền Trân nhiều, nhất thời lại giúp Huyền Trân dời đi sự chú ý.
Nó lại rất tận hưởng khoảng thời gian tự do, dứt khoác ngủ một giấc dài không thèm dậy.
Trẻ con hơn một tuổi so với trẻ con chỉ mới hai tháng tuổi rất khác biệt, đương nhiên một đứa nhóc có thể tự ngồi, tự bám để đứng dậy, có thể ăn uống làm trò sẽ hấp dẫn hơn một đứa chỉ biết ngủ và tay chân huơ loạn.
Hơn nữa con bé Duyệt lại còn vô cùng có thiên phú, mới từng đó đã i a gọi cha gọi mẹ, lại còn lẫm chẫm tập đi thì đúng là đáng yêu vô cùng, chốt hạ vẫn là cái miệng hồng hồng mỗi khi cười ló ra bốn cái răng con con khiến người ta mềm nhũn.
Ngay cả Quốc Chẩn vốn ngoan ngoãn trầm tĩnh cũng đặc biệt ngây ngẩn, đến lúc này thì tình anh em khắng khít giữa thằng nhóc Thuyên, thằng nhóc Tự và Quốc Chẩn bắt đầu rơi vào hẻm cụt.
Rốt cuộc chỉ có thằng bé Nhữ Triết là bị bỏ rơi, lần đầu tiên bị hắt hủi bởi các anh trai bên đằng ngoại.
May mắn là anh Quốc Tảng của tôi đã theo cha đi chiến trường từ sớm, nếu không mấy thằng nhóc có ý đồ xấu này vốn đã mềm xương.
Mất mặt nhất là thằng nhóc Thuyên tuổi tác được xếp là lớn nhất, vậy mà vẫn mang ý định cùng mấy đứa còn lại tranh giành.
Nó còn trưng ra bộ mặt bổn thái tôn ở bối phận cao nhất, cùng mấy đứa cạnh tranh công bằng là nương tay lắm rồi.
Chị An Hoa vào kinh lần này lại đang mang thai bốn tháng, đúng kiểu ba năm hai đứa đây chứ đâu!