Nạp Thiếp Ký

Bộ đầu áp giải Lưu Bưu cùng bọn thuộc hạ về giam lại rồi báo cáo Chu tri phủ. Lão vừa kinh vừa mừng, vụ án bạch cốt này không hề có đầu mối gì, khiến cho mấy ngày nay lão nghĩ đến nát óc. Không ngờ vị tiểu lao đầu thần kỳ này mới vừa ra mặt đã dễ dàng phá án, khiến lão cao hứng đến chết đi được. Đến lúc Dương Thu Trì cùng mọi người quay về, Chu tri phủ vội tiến lên luôn miệng cảm tạ.
Dương Thu Trì khiếm tốn vài câu, sau đó đem chuyện bắt không được Đồ lão tứ ra kể, Chu tri phủ lập tức hạ lệnh cho người đi tra xét, mọi bộ khoái, dân tráng đều nhất khởi đi tìm kiếm khắp thành. Lão cũng đồng thời gửi thông báo truy bắt Đồ lão tứ ở khắp nơi.
Dương Thu Trì cùng mọi người suốt đêm không ngủ, mệt đến mỏi nhừ gân, nên chia nhau về phòng ngủ bù, chờ Chu tri phủ bắt được Đồ lão tứ rồi tính tiếp.
Hắn ngủ một giấc đến giữa trưa mới tỉnh. Người hầu đến báo là có quản gia của Hác viên ngoại chờ ở ngoài phòng khách để tiếp rước Dương Thu Trì và Long Tử Tư đi dự yến.
Tống Tình chưa được cưới hỏi, đương nhiên không thể ra mặt đi dự yến này. Dương Thu Trì chào Tống tri huyện cùng mọi người, cùng Long Tử Tư ngồi kiệu đến nhà Hác viên ngọai.
Hác gia không xa nha môn, nên đi một lúc là đến.
Dương Thu Trì xuống kiệu quan sát, thấy quả nhiên là một nhà giàu, trạch viên chiếm diện tích rất rộng, trước cửa có hai con sư tử đá uy vũ hùng tráng, hai bên cửa đứng đầy gia đinh đứng thẳng người, thấy Dương Thu Trì xuống kiệu liền khom người thi lễ.
Trên cổng chính có treo một biển lớn, khắc hai chữ vàng to như cái đấu: "Hác phủ."
Vợ chồng Hác viên ngoài và Hác Dịch Phong đứng ở giữa của chính, cung tay chào, rồi lễ độ cung nghênh Dương Thu Trì và Long Tử Tư vào đại môn.
Sau khi đi qua bức bình phong đối diện vào vườn, hai người thấy bên trong đứng chỉnh tề hai hàng nô bộc và nha hoàn, đứng nghiêm người chò, xem ra lần yến thỉnh này Hác gia vô cùng coi trọng. Toàn bộ người trong nhà đứng ra nghênh tiếp, chỉ bằng điều này không cũng cho thấy quy mô không thể tầm thường.
Từ khi Dương Thu Trì tiếp thụ toàn bộ gia sản của Hạ gia, chưa bao giờ đến thăm qua lần nào, do đó không biết trạch viện của mình so với của Hác viên ngoại như thế nào. Chín phần mười là so không bằng rồi, vì Hạ gia chẳng qua là chủ đất ở thôn quên, sao có thể so với Hác gia vừa có đất vừa có thương hiệu, là nhà giàu chân chính được?
Đi vào phòng khách, hắn lại thấy hai dãy nha hoàn và người hầu nữa, ở giữa có một bàn dài lớn, trên bàn bày đầy sơn hào hải vị, cực kỳ phong phú, chỉ dựa vào độ tinh tế và phong phú của món ăn không mà xét, thì tửu yến này so với tiệc ở chỗ Chu tri phủ ngày hôm qua sang trọng và lớn hơn nhiều.
Vợ chồng Hác viên ngoại không giỏi nói chuyện, chủ yếu để cho công tử Hác Dịch Phong và Dương Thu Trì hàn khuyên khách sáo. Dương Thu Trì không rõ dụng ý của họ, nên chỉ thuận miệng cười nói cho qua. Hác Dịch Phong mời Dương Thu Trì ngồi vào ghế dành thủ tịch của tiệc rượu, nhưng lại an bày Long Tử Tư ở bên cạnh hắn, trong khi vị trí cạnh Dương Thu Trì còn để không một chỗ. Dương Thu Trì hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ còn có vị tân khách nào hay sao?
Lúc này, có một nữ tử từ sau phòng khách đi ra, tuổi hơn hai mươi, mặt trái xoan, mắt phượng, đuôi mắt hơi xếch lên nhìn rất có thần. Da nàng trắng như tuyết, khóac trên người một bộ váy hồng, thân hình thon thả, dáng đi nhẹ nhàng như ngọn gió xuấn. Tháp tùng theo nàng là vài nha hoàn nhan sắc cũng mười phần xinh đẹp.
Hác Dịch Phong đứng dậy nói: "Dương huynh đài, để ta dẫn kiến chút, đây là gia tỷ, khuê danh Hác Thiến."
Hác Thiến khẽ mỉm cười, chào hỏi Dương Thu Trì: "Tiểu muội hân hạnh được biết Dương công tử." Thanh âm réo rắc như chuông ngân, dễ nghe vô cùng. Nàng thi lễ xong, đôi mắt phượng hơi nhướn lên, khiến lòng người đối diện có phần xao xuyến.
Dương Thầm Trì thầm than: Không ngờ tình địch lại có một tỷ tỷ quốc sắc thiên hương như vậy.
Hác Thiến quay sang chào Long Tử Tư, sau đó ngồi cạnh Dương Thu Trì, khiến hắn vui như trẫy hội. Có mỹ nhân ngồi ở bên cạnh, mùi thơm như lan như ngọc nhè nhẹ từ thân nàng tỏa ra, hắn cảm thấy vừa hưng phấn vừa khẩn trương, tay chân dường như thừa thải.
Những cô gái cần kề Dương Thu Trì trước giờ đều là những tiểu cô nương chưa đến hai mươi tuổi đầu, là những cô nhóc không thông nhân tình thế thái, ví dụ như Tống Vân Nhi. Hiện giờ đột nhiên gặp được một thiếu nữ thành thục sung mãn phong tình và tuyệt sắc như thế này, thật không tránh khỏi toàn thân nhiệt huyết phi đằng.
Điều kỳ quái chính là, nhưng nữ nhân trước đây, ví dụ như Tần Chỉ Tuệ, Tống Tình, hay thậm chí tiểu thiếp Mỵ nương của Tống tri huyện, sau khi có sự tiếp xúc thân thể với Dương Thu Trì rồi mới khiến hắn có cảm giác máu nóng sôi rừng rực trong người, còn với cô nàng Hác Thiến này, chỉ đơn giản có nụ cười nhẹ như chuông ngân, đôi mắt phượng láy động cũng đủ làm cho hắn bức rức khó chịu trong người.
Dương Thu Trì hơn hổ thẹn, thậm chí không hiểu được mình, tại sao chẳng có chút định lực nào trước người đẹp, nếu như vậy còn làm được chuyện đại sự nữa sao? Nhưng mà, "nhân bất phong lưu uổng thiếu niên", gặp được nữ tử xinh đẹp như vậy, động tâm là chuyện bình thường, không động tâm mới là chuyện lạ. Dương Thu Trì dù sao cũng cảm thấy loại người như Liễu Hạ Huệ (Chú: người đàn ông có tiếng là quân tử đời xưa, ôm người đẹp trong lòng ủ ấm suốt đêm mà không có chút tà niệm gì) nếu không phải có tính lãnh đạm, thì cũng là kẻ đã mất lĩnh đàn ông rồi. Sau khi tự tìm cho mình một lời giải thích có thể tiếp thụ, Dương Thu Trì yên dạ yên lòng cứ để mặt cho trống trận trong lòng khua vang loạn nhịp.
Hác Thiến đưa đôi mắt phượng nhướn nhìn qua Dương Thu Trì, che miệng cười, tựa hồ như đối với phản ứng của Dương Thu Trì đã sớm dự liệu trước rồi vậy. Cha con nhà họ Hác cũng khẽ cười nụ, phảng phất như đối với kết quả này rất vừa ý.
Dương Thu Trì nhớ đến một chuyện, vừa rồi Hác Dịch Phong giới thiệu khuê danh của Hác Thiến, nhưng không giới thiệu họ của nhà chồng, chẳng lẽ Hác Thiến còn chưa thành thân? Như vậy thì thực kỳ quái, Hác Thiến mỹ lệ như vậy, gia đình lại thuộc loại nhất đẳng trong Ninh Quốc phủ, sao lại hơn hai mươi tuổi rồi mà chưa thành thân? Minh thái tổ Hồng Vũ nguyên niên hạ lện, hôn thú trong dân gian, nam 16 tuổi, nữ 14 tuổi là đến kỳ hôn phối. Như vậy xem ra trong thời Minh triều mỹ nữ như Hác Thiến có thể nói là bà cô già rồi.
Hác viên ngoại phảng phất nhìn được ý nghĩ của Dương Thu Trì, bảo: "Vợ chồng lão hủ đối với hôn sự cũa Hác Thiến đã lo lắng nhiều năm, nhưng mãi không tìm được nhà nào thích hợp. Nếu không phải không môn đăng hộ đối, thì người không thích hợp, kéo dài cho đến ngày nay, thiệt là để Dương công tử cười cho rồi."
Thì ra là thế! Xem ra nhà của Hác Thiên có yêu cầu thật cao trong chuyện cưới hỏi cho nàng, trong khi đó Minh triều lại trọng nông khinh thương. Nhà của họ tuy có tiền, nhưng không được người nhà quan để vào mắt, kết quả cao không được mà thấp cũng không xong, cho nên trước sau đều lỡ việc. Hắn len lén nhìn Hác Thiến, lòng thầm nghĩ, với điều kiện này ở xã hội hiện đại, phối ngẫu kiểu nào cũng có thể tìm được. Thật đáng tiếc là nàng lưu lạc ở Minh triều, thật là mệnh khổ không biết trách ai.
Tửu yến bắt đầu, cụng ly cụng chén ăn uống một hồi, Dương Thu Trì vẫn chưa nhìn rõ được mục đích chân chính của Hồng môn yến này (Chú: "Hồng Môn yến" là vụ mưu sát nổi tiếng trong thời Lưu Bang - Hạng Vũ. Trong đó, Phạm Tăng (mưu sĩ của Hạng Vũ, được Hạng Vũ gọi là Á Phụ), muốn giết Lưu Bang, nhưng Hạng Vũ không nỡ. Lưu Bang trốn về, để Trương Lương ở lại dâng đôi ngọc bích lên Hạng Vũ, đôi chén ngọc lên Phạm Tăng, Phạm Tăng nổi giận đập vỡ đôi chén ngọc. Ý trong đoạn này chỉ đây là một bữa tiệc có mưu đồ (không tốt)). Không đoán được, bọn họ không nói hắn cũng không thèm hỏi, dù gì bên cạnh cũng có muội muội xinh đẹp ngồi mời rượu là tốt rồi.
Dương Thu Trì uống rượu vào, lời bắt đầu ra, bắt chuyện phiếm với Hác Thiến: "Hác Thiến cô nương, hàng ngày cô thường thích làm gì?"
Hác Thiến thẹn thùng đáp: "Tiểu muội ngày thường ở nhà ngồi làm nữ công, hầu chuyện với mẹ, hoặc làm thơ, vẽ tranh vậy thôi hà."
Dương Thu Trì vừa nghe là đã hứng thú, làm thơ thì hắn không dám tiếp, môn văn của hắn chẳng ra gì, chỉ có thể nhớ được vài bài thơ Đường, mà đó lại là những bài giáo viên cưỡng bức học thuộc, nhưng mà nói về nghề vẽ thì hắn có thể phác được vài nét. Thời trung học hắn thường tham gia vào các nhóm năng khiếu, đã được học các kiến thức về phác họa, đặc biệt là thư họa của Trung Quốc, do đó cũng nắm được vài phần, bèn hỏi: "Thì ra là Hác Thiến cô nương rành về đan thanh (vẽ tranh)? Nhất định là họa đẹp lắm, không biết tại hạ có nhãn phúc được hân thưởng mặc bảo (bản vẽ đẹp) của cô nương hay không?"
"Công tử quá lời rồi, tiểu muội nhàn hạ có dư, tùy ý vẽ thôi, làm sao lọt vào mắt nhà nghề của Dương công tử chứ."
"Ha ha ha, cô nương đừng có cười, ta lúc nhỏ tuy có vẽ hai ba đường, nhưng đó chẳng phải là những bức họa chân chính, hiện giờ ngay cả làm thế nào để cầm bút cũng quên mất rồi, làm sao có thể gọi là bậc thầy đường a."
Hác Dịch Phong ở cạnh bên chen lời: "Tỷ, nếu như công tử am về nghề này, tỷ sao lại không nhân cơ hỏi lãnh giáo Dương công tử một phen."
Long Tử Tư nhất mực lặng im, lúc này cũng chen lời: "Dịch Phong huynh đệ đừng khách khí, các bức vẽ của Hác Thiến cô nương đích xác là có tạo nghệ nhất định rồi a."
Dương Thu Trì hơi kỳ quái: "Long tiên sinh làm sao mà biết vậy?"
Long Tử Tư còn chưa hồi đáp, Hác Thiến đã nói: "Long tiên sinh đã từng chỉ điểm cho tiểu muội."
A? Xem ra vị thư sinh nghèo này đã từng là sư phụ của mỹ nữ này: "Ngay cả Long tiên sinh cũng nói như vậy, các bức vẽ của Hác Thiến cô nương nhất định là không tầm thường rồi!"
Hác Thiến quả nhiên lanh lợi đáp: "Nếu như công tử đã khen ngợi như vậy, tiểu muội đành vẽ một bức, thỉnh Dương công tử chỉ bảo một phen."
Dương Thu Trì mừng rỡ: "Được a! Lúc nào? Hiện giờ được không?"
"Tiểu muội tuân lệnh!"
Người hầu mang ra một bộ bàn dài bày đủ giấy bút, Hác Thiến uống một chung rượu, bước đến sau bàn, nâng bút chấm ngập mực, trầm ngâm một chút, sau đó phóng tay họa thoăn thoắt. Dương Thu Trì và Long Tử Tư cùng mọi người đứng một bên quan sát.
Hác Thiến vẽ một bức họa tả ý thể loại hoa điểu (*), chừng uống cạn một chung trà là hoàn thành. Trên bức họa có đề một đoạn thơ ngắn:
"Biệt đắc đông hoàng tạo hóa ân
Đại tiêu duyên thốn tự thiên chân
Sỉ tùy hác lĩnh hoa tranh bạch,
Nghi thị đông li cúc phản hồn." (**)
Tiểu nha hoàn mang tới một con dấu, Hác Tiến tiếp lấy, ấn lên trên bức họa, rồi quay sang Dương Thu Trì nhoẻn miệng cười: "Tiểu muội bêu xấu rồi."
Dương Thu Trì sờ cằm làm ra vẻ chuyên gia, gật gật đầu khen: "Thật đẹp! Cách vận bút, dùng mực, kết cấu bức vẽ, ý cảnh... thật quá hay!" Lại nghiêng đầu nghiêng não đọc đọc thơ đề trên bức họa, lại luôn miệng khen tuyệt, luôn miệng khen "hảo thi". Dương Thu Trì cũng không biết bài thơ này "hảo" ở chỗ nào, chỉ biết khen phiên phiến vậy thôi, không nói ra được gì khác.
Hác Thiến mỉm cười: "Nếu như công tử thích, tiểu muội xin tặng bức này cho công tử."
Dương Thu Trì mừng rỡ: "Thật không? Quá tốt rồi, đa tạ! Đạ tạ!" vừa đáp vừa chấp tay xá lia lịa.
Hác Dịch Phong bảo người hầu mang bức họa đem đi trang hoàng, mọi người trở lại bàn tiệc, tiếp tục cuộc vui.
Dương Thu Trì giờ đây đã tăng thêm vài phần hảo cảm đối với Hác Thiến, xem ra cô gái này chẳng tầm thường, không những có sắc, đầy phong vận của nữ nhân thành thục, mà còn có tài, chí ít là về ngâm thơ làm phú, diệu bút đan thanh thì khỏi phải nói. Bản thân hắn ngoài việc kiểm tra xác người chết thì chẳng còn tài cán gì, đừng nói gì tới mấy thứ nhức đầu nhức óc này.
Hắn vô cùng cao hừng, không ngừng kính rượu với người nhà họ Hác, đặc biệt là đối với Hác Thiến, hết ly này đến ly khác, cùng mỹ nữ uống sảng khoái cuộc đời. Hác Thiến hiển nhiên không giỏi uống rượu, uống chỉ mấy chung mà mặt đã ửng hồng, hơi có ý say, quay sang Dương Thu Trì cười bẻn lẽn: "Xin lỗi, tiểu muội đi đây một chút." Xem ra là định chạy vào trong nội đường uống nước ô mai cho tỉnh rượu, nếu không thì cũng chỉnh trang lại nét mặt.
Dương Thu Trì cười đáp: "Thỉnh cô nương tự nhiên!"
Một nha hoàn phía sau bước lên đỡ nàng, từ từ tiến vào hậu đường, ánh mắt của Dương Thu Trì nhất mực dõi theo bóng dáng của Hác Thiến cho đến khi khuất hẳn, mới quyến luyến thu lại mục quang.
Hác viên ngoại nãy giờ cứ nhất mực cười hề hề nhìn hai người họ nói chuyện, chợt lên tiếng: "Dương công tử, lão hủ và Chu tri phủ giao tình khá sâu, hôm qua Chu tri phủ khen công tử không ngớt, lão hủ cảm thấy Dương công tử thiên tư thông minh, tiền đồ sau này là không thể đo lường được. Hai vợ chồng lão hủ cứ đắn đo mãi, chợt nảy ra một ý tưởng, nên hôm nay đặc biệt không mời một ai, là vì muốn cùng Dương công tử thương lượng chuyện này."
Tới rồi! Ta nói cái Hồng môn yến này nhất định là có mục đích mà. Dương Thu Trì thầm cười lạnh, nhưng mà nghe khẩu khí của Hác lão xem ra là không phải chuyện gì xấu, nên cảm thấy có chút kỳ quái.
Hác viên ngoại nhìn phu nhân cùng Hác Dịch Phong, sau đó quay sang đề nghị với Dương Thu Trì: "Vợ chồng lão hủ chính là muốn, muốn đem tiểu nữ Hác Thiến hứa gả cho công tử làm tiểu thiếp, không biết ý của công tử thế nào?"
Câu nói này thật là như sét đánh giữa ban ngày, khiến cho Dương Thu Trì như bị đánh mê bay đi hết ba hồn bảy vía vậy. Hắn vừa kinh vừa mừng, vừa sợ câu nói vừa rồi chỉ là chuyện đùa, đầu óc không khỏi ông ông trống rỗng cả nửa ngày, cuối cùng mới ấp úng hỏi: "Lão nhân gia, lão nhân gia ngài đang, đang đùa sao?"
Vừa nghe Dương Thu Trì hỏi vậy, Hác viên ngoại nhìn phu nhân và con trai rồi vuốt râu cười khà khà. Hác lão phu nhân cười khẽ, bảo: "Nếu như công tử vừa ý tiểu nữ thì chúng ta cứ định thân sự như vậy đi a."
Vừa ý! Đương nhiên vừa ý! Vừa đẹp vừa có tài văn chương, lại có nội hàm, còn biết thơ hiểu lý, nếu lấy về làm tiểu thiếp, thế giới này còn có gì khiến người ta trúng ý hơn đây? Dương Thu Trì cười toét miệng tới mang tai, nhưng mà không tiện trả lời, sợ nói ra bị hớ, không muốn để bọn họ nhìn ra tâm trạng anh chàng họ Trư của hắn lúc này.
Hác viên ngoại thấy Dương Thu Trì cười hoài không nói, liền tiếp lời: "Lão hủ đã nghe ngóng trước, biết Dương công tử đã có vợ ở nhà, nghe nói còn là vợ tào khang nữa. Dương công tử súyt vì nàng ta mà trở mặt với một vị thiên tổng đại nhân ở Ứng thiên phủ. Thật đúng là người có tình có ý, lão hủ nghe nói mà thập phần bội phục. Lại nghe nói phu nhân của công tử chăm lo việc nhà ổn thỏa, lệnh từ (mẹ) ở nhà đối với người hòa thiện, tiểu nữ gã về đó sau này nhất định sẽ không thụ khổ, do đó, lão hủ mới làm mặt dày mà đề xuất chuyện này. Công tử đừng nên cho đó là lạ."
Chú thích:
(*) Tranh thể loại Hoa Điểu: Tranh hoa điểu ngư trùng (hoa cỏ, chim chóc, cá, côn trùng) của Trung Quốc có nguồn gốc lâu đời. Kể từ đời Đường và đời Tống trở về sau, loại tranh này kết hợp giữa hội họa và văn học. Ở Âu Châu, từ thời Phục Hưng cho tới nay loại tranh đề tài bướm, thảo trùng, hoa cỏ không phải là hiếm. Nhưng những đề tài này trong lối họa sơn dầu Tây phương không hàm ý nghĩa tượng trưng văn học. Đó là nét đặc trưng của hội họa truyền thống Trung Quốc, khác biệt với lối họa sơn dầu Tây phương. Đã bao triều đại qua, các họa gia cũng rất thường là thi nhân, văn sĩ, dùng hội họa để tải đi những thi tứ của mình. Khuynh hướng này đặc biệt hiện rõ trong loại tranh hoa điểu.
Văn nhân Trung Quốc thường gán cho từng loại hoa một đức tính, một ý nghĩa tượng trưng văn học nào đó, và các họa gia đã tiếp thu toàn bộ những quan niệm này. Chẳng hạn Chu Đôn Di 周惇頤, một đại nho đời Tống, từng nói: «Trong các loài hoa, cúc là kẻ ẩn dật, mẫu đơn là kẻ phú quý và sen là bậc quân tử vậy.» (Cúc, hoa chi ẩn dật giả dã; mẫu đơn, hoa chi phú quý giả dã; liên, hoa chi quân tử giả dã. 菊花之隱逸者也牡丹花之富貴者也蓮� � �之君子者也).
Quan niệm cúc là kẻ ẩn dật có lẽ phát xuất từ Đào Tiềm 陶潛 tức Đào Uyên Minh 陶淵明 đời Tấn, một thi sĩ vĩ đại, chán cảnh làm quan luồn cúi, treo áo từ quan, hưởng thú điền viên, vui cảnh nghèo, thích uống rượu chơi cúc và nhàn du. Người đời khen ông là bậc ẩn dật cao khiết. Trong bài Ẩm Tửu 飲酒 của ông có nhắc đến hoa cúc: «Hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam.» (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam Sơn. 採菊東籬下悠然見南山.) Người ẩn sĩ này uống rượu ngắm cúc để quên cảnh náo nhiệt, trầm luân trong đời, cho nên hoa cúc cũng là biểu tượng của kẻ ẩn dật lánh đời vậy.
Người giàu có ưa chuộng màu sắc lộng lẫy rực rỡ của mẫu đơn. Mẫu đơn là loài hoa quý hiếm, chỉ có bậc quyền quý đài các mới chơi hoa này. Cho nên mẫu đơn là biểu tượng của sự giàu sang phú quý. Hoa sen là cốt cách của bậc quân tử. Đẹp và ngát hương, gần bùn mà chẳng tanh bùn. Dù cuộc đời ô trọc, nhân tình ấm lạnh, bậc quân tử vẫn giữ được tiết tháo của mình, thơm tho và tinh khiết như đóa sen kia.
Hoa kết hợp với điểu, thảo trùng, cá, đá và các khí vật khác cũng tăng thêm thi ý cho tranh, tạo cho tranh có chủ đề mới. Thường đó là lời chúc nguyện cát tường. Chẳng hạn: «Tùng hạc diên niên» 松鶴延年 (tùng và hạc sống lâu) là chủ đề tranh dùng chúc thọ, bởi vì theo truyền thuyết, người Trung Quốc tin rằng hạc sống đến ngàn năm (Hạc thọ thiên tuế 鶴壽千歲). Người Trung Quốc có thói quen tặng tranh tùng hạc mừng lễ thượng thọ của các bậc trưởng thượng.
Thi nhân cho rằng chim én là loài chim nhỏ có cảm tình, mùa thu và mùa đông bay đi tìm cái ấm áp của miền nhiệt đới và mùa xuân quay về tổ cũ. «Xuân phong yến hỉ» 春風燕喜 (chim yến vui trong gió xuân) mô tả một đôi én về tổ trong cành liễu xanh phất phơ hay cành đào hồng thắm. Một bức tranh với đôi én hoặc một bức tranh với cặp hồng nhạn 鴻雁 hay đôi uyên ương bơi lội trong ao sen chính là biểu tượng tình nghĩa vợ chồng, gia đình khang lạc. Dưới cội mai vàng (biểu tượng của Phúc) là đôi chim cun cút hoặc một đàn gà con cùng gà trống gà mái cũng là biểu tượng của ân nghĩa tao khang, quan hệ nhân luân. Tranh phụ đề «ân nghĩa tại sinh tiền» 恩義在生前 (ân nghĩa đối với nhau lúc còn sống) thật là cảm động và thâm trầm biết bao!
Tranh «Thập toàn báo hỉ» 十全報喜 vẽ mười con chim khách đậu trên phiến đá và trên cây tùng hót líu lo báo tin mừng (chim khách được tin tưởng là báo điềm lành nên tục gọi nó là «hỉ thước» 喜鵲), tranh để chúc sự nghiệp thành công.
Mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng: «Phú quý hữu dư» 富貴有餘 (phú quý dư dật) là lời chúc nguyện tốt đẹp vào ngày đầu năm. Mẫu đơn vẽ chung với khổng tước (chim se sẻ) mang tên «Khổng tước khai bình» 孔雀開屏 là tranh chúc mừng khai trương cửa tiệm. Hoa xuân điểm thêm vài cánh bướm, tạo sinh động cho tranh. Bướm là điệp 蝴 (hay hồ điệp 蝴蝶) đồng âm /dié/ với điệp 疊 (trùng điệp 重疊). Tranh mẫu đơn điểm thêm cánh bướm ngụ ý phú quý trùng điệp 富貴重疊. Hoặc trên cánh hoa vẽ con dế, cho ta hình dung tiếng thu đang về rồi với tiếng nhạc để râm ran đâu đây.
Từ đời Đường (618-907) trở về trước, hoa điểu được vẽ chỉ để trang sức cho khí cụ đồ vật, hoặc để điểm xuyết thêm cho nhân vật. Bắt đầu từ đời Đường là thời kỳ phồn thịnh phú cường trong lịch sử Trung Quốc. Giao thông phát triển, giao lưu văn hóa với các dân tộc, kinh tế xã hội phồn vinh, văn học nghệ thuật được đề cao. Đến nỗi mãi đến những thế kỷ gần đây mà người Trung Quốc vẫn quen xưng là «Đường nhân» 唐人 một cách tự hào. Cho nên trong bối cảnh học thuật văn nghệ rực rỡ như vậy, không riêng gì tranh hoa điểu mà tranh nhân vật, tranh sơn thủy cũng phát dương, tài bồi có qui củ và hệ thống hơn.
(**): Đây là phần tác giả trích từ bài "Vô danh thị - Chá cô thiên" (Chá cô/Giá cô: Chim ngói, gà gôi). 无名氏- 鹧鸪天
别得东皇造化恩。
黛消铅褪自天真。
耻随庾岭花争白,疑是东篱菊返魂。
风淡淡,月盈盈。
麝煤沈馥动孤根。
寒蝉冷蝶知何处,惟有蜂房不待春。
Vô danh thị - Chá cô thiên
Biệt đắc đông hoàng tạo hóa ân 。
Đại tiêu duyên thốn tự thiên chân 。
Sỉ tùy dữu lĩnh hoa tranh bạch,
nghi thị đông li cúc phản hồn 。
Phong đạm đạm ,nguyệt doanh doanh 。
Xạ môi trầm phức động cô căn 。
Hàn thiền lãnh điệp tri hà xử ,
Duy hữu phong phòng bất đãi xuân 。
------------o0o---------------


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui