Nếu Đời Anh Vắng Em

Đây là điều phũ phàng nhất: nghệ thuật của cuộc sống chính là tài khéo léo không để cho những người thân yêu nhất biết rằng ta đang hạnh phúc khi ở bên họ, bởi nếu không chúng ta sẽ mất họ.

Cesare PAVESE

Ngày hôm sau, thứ Ba 21 tháng Mười hai

Trụ sở của sở cảnh sát Paris

10h40

Đúng vào lúc chuẩn bị nộp đơn từ chức, Martin cảm thấy toàn thân nổi da gà. Anh thấy mình lại trở thành một chàng thanh niên như lần đầu tiên anh đặt chân vào tòa nhà bí hiểm này, chỉ cách nhà thờ Đức Bà có hai bước chân: số 36, kè Orfèvres.

Anh nhớ lại cảnh mình đang đi dọc những hành lang chật hẹp, bước xuống những cầu thang có từ thế kỷ trước, tìm kiếm bóng ma của những thế hệ cảnh sát huyền thoại trong tòa nhà già nua này, một nơi đã trở nên quá chật chội, không còn phù hợp với những điều kiện gò bó của ngành cảnh sát hiện đại, song vẫn còn giữ lại được nguồn năng lượng cảm xúc rất mạnh mẽ đối với tất cả những ai từng làm việc tại đây.

Trong thời gian từ lúc làm việc ở Stups cho tới khi vào OCBC, anh đã ở tòa nhà này mười năm. Ngôi nhà mà anh chưa từng có cảm giác là nhà mình, ngôi nhà trong đó anh không thể tìm thấy gia đình mình, song cũng là một ngôi nhà anh khó lòng rời xa.

Nửa tiếng sau anh ra khỏi tòa nhà. Mặt trời vàng rực rỡ chiếu xuống vìe hè bên bờ sông Seine. Anh đã trả lại phù hiệu, thẻ nghề, súng và đôi còng sắt.

Anh cảm thấy mình trần trụi. Cảm giác lẫn lộn giữa sự lo lắng và khuây khỏa. Thế đấy, anh không còn là cảnh sát nữa.

Anh cần phải cố quen với việc này...

° ° °

Nhà thanh thiếu niên

Đại lộ Port-Royal

15h30

Nhìn từ ngoài phố, Nhà Solenn trông giống như một con tàu bọc kính với hai cánh tay vươn về phía thành phố, giống như lời mời gọi bước vào trong. Martin đi qua một khoảng sân rợp bóng cây và theo những lối đi bao quanh khu vườn nhỏ dẫn tới tòa nhà bệnh viện. Từ ba năm nay tuần nào anh cũng tới đây một lần.

Sảnh bệnh viện rộng rãi và sáng sủa: 600m2 tràn ngập ánh sáng, sàn được ốp ván màu vàng rơm và những bức tường cao vòi vọi, trần nhà được treo rất nhiều những tấm áp phích lớn về triệu chứng của những thanh thiếu niên mắc bệnh tâm thần.

Martin cảm thấy dễ chịu lạ lùng khi ở đây, nơi này có thể giống bất cứ chỗ nào trừ bệnh viện: những gian phòng rộng, những mặt tiền trong suốt và khung cảnh xung quanh xua tan mọi cảm giác tù túng.

Anh đi thẳng lên tầng bốn, nơi dành cho các hoạt động văn hóa với một dãy phòng gồm một thư viện đa phương tiện, một căn bếp, một phòng nhảy và cả một phòng thu âm...

Martin không có lòng tin vào nhiều thứ, song anh tin vào hiệu ứng điều trị của nghệ thuật, tin rằng văn hóa có thể là một phương tiện giúp phục hồi hình tượng bảnthân và khích lệ khả năng sáng tạo.

- Chào chị, Sonia.

- Chào anh Martin, hôm nay anh đến sớm quá! Thiếu phụ khoác áo blu trắng đáp.

Cô đặt nhẹ một nụ hôn thân thiện lên má anh và ra hiệu cho anh bước vào trong phòng trưng bày đầy những sản phẩm của các học viện ở đây. Lần nào Martin cũng đều ngây ngất trước vẻ đẹp của các tác phẩm: những bức tranh đầy dằn vặt trong đó thấp thoáng bóng dáng của tử thần, những thiên thần bằng thạch cao đầy vẻ an ủi, những quái vật gớm ghiếc, những mô phỏng thân hình tàn tạ của những bệnh nhân trẻ khi được đưa vào đây, rồi cũng những thân hình ấy sáu tháng sau đã dần lấy lại được vóc dáng và cân nặng. Đứng trong căn phòng này, người ta có cảm giác như thiên thần và ác quỷ đang đấu tranh kịch liệt trong một trận chiến mà kết cuộc vẫn còn chưa được phân định.

Cũng giống như trong cuộc sống...

- Martin, anh có thể giúp tôi di chuyển những cái kệ đỡ này không?

Anh cảnh sát trẻ nhanh nhẹn giúp một tay đồng thời hỏi:

- Cô bé đã khám xong chưa?

- Xong rồi, tôi đã nói với con bé anh sẽ lên trên phòng tìm nó.

- Chị đi cùng tôi chứ?

- Martin, anh lớn rồi mà!

- Tôi có việc cần nói với chị, Sonia...

Cô theo anh ra hành lang, và trong lúc anh chờ thang máy, cô nói gần như thách đố.

- Chúng ta đi cầu thang thôi, anh chàng lười nhác! Ai đến sau sẽ phải mời người kia đi ăn nhà hàng.

Rồi chưa nói xong hết câu, cô đã chạy thẳng, leo bốn bậc thang trên một cầu thang dẫn thẳng lên sân thượng.

Martin khó khăn lắm mới đuổi kịp cô và dồn cô vào chân tường.

- Tôi cần phải nói với chị chuyện này.

- Anh yêu tôi à? Không thể được đâu, anh biết tôi đã có người yêu rồi mà...

- Nghiêm túc một chút đi, anh nói và buông cô ra.

- Thế anh muốn nói gì với tôi? Rằng anh sẽ ra đi? Nhưng anh không cần nói với tôi điều đó, mà phải nói với con bé cơ. Anh phải nói với Camille...

° ° °

Ba năm trước, Martin đã gặp bác sĩ Sonia Hajeb, trưởng khoa lâm sàng và tâm lý trẻ em, khi cô tới văn phòng của anh ở OCBC.

Đó là một phụ nữ mảnh dẻ, vóc dáng trẻ trung và mái tóc đen thẫm buộc túm sau gáy. Chỉ hơn anh vài tuổi, cô mặc quần jean cùng áo khoác da, sống ở Saint-Denis và gần như là một người chị gái mà anh chưa từng có.

Trong công việc, hằng ngày cô phải vật lộn với những chứng chán ăn, ăn uống vô độ, trầm cảm và những cách hành xử có hại có thể đẩy trẻ vị thành niên tới ý định tự vẫn.

Chỉ sau vài lời đầu tiên của cô, anh đã cảm thấy cô là một người tốt.

- Điều tôi sắp tiết lộ với anh ở đây hoàn toàn bị pháp luật cũng như quy định trong nghề của tôi ngăn cấm.

Anh rất thích cách đặt vấn đề đó của cô, cho thấy cô là một người cá tính mạnh mẽ và vô cùng quyết đoán.

- Nói thêm để anh biết, tôi có thể bị cách chức...

- Vậy tại sao cô lại tới đây?

- Vì tôi nghĩ điều đó có thể giúp cho một cô bé cảm thấy dễ chịu hơn.

Martin nhíu mày. Anh không hiểu điều đó thì có gì liên quan đến mình.

- Anh còn nhớ Camille không?

Anh nhún vai.

- Tôi đã từng gặp rất nhiều người tên Camille.

- Có thể đó là những người phụ nữ, thưa chàng Casanova, chứ không phải là một bé gái năm tuổi...

Martin nhắm mắt lại trong nửa giây.

Trong nửa giây đó anh cảm thấy hoóc môn kích thích bắt đầu dâng lên trong mạch máu.

Trong nửa giây đó mọi ký ức lại tràn về mãnh liệt trong tâm trí anh.

° ° °

Mùa đông năm 2000.

Khu phố Luth, phía bắc Gennevilliers.

Một dãy những tòa nhà hai mươi tầng dài hai trăm mét.

Mưa bụi, bẩn thỉu và xám xịt. Mới chỉ 17 giờ, nhưng trời gần như tối đen.

Chiếc xe Peugeot 309 màu xanh nước biển đậu dưới chân tòa nhà C.

Anh là một trong ba nhân viên cảnh sát chuẩn bị bắt giữ tình nhân của một tên xã hội đen đang bị bắt giam. Anh gõ cửa và hô những câu thôgn lệ. Không ai trả lời. Một đồng nghiệp của anh bắn tung ổ khóa. Tay cầm súng lăm lăm, Martin là người đầu tiên xông vào trong căn hộ.

Cô gái đang nằm sóng sượt trên đệm. Người cô ta sốt đùng đùng, đồng tử đã dãn ra và hai cổ tay bị cắt mạch. Máu và nước tiểu chảy ra ướt sũng tấm áo ngủ. Bên cạnh là một tẩu đốt ma túy tự chế: một lon Coca nhựa có cắm một thân bút bi Bic cristal thay cho ống hút. Anh chạy vội tới cấp cứu cho cô ta trong lúc đồng nghiệp gọi xe cấp cứu. Anh biết đã quá muộn. Cô ta đang ra đi, đang ra đi... Khi xe cứu thương tới nơi, cô ta đã chết.

Cuộc tấn công cũng chẳng thu được nhiều kết quả: một chục bánh cần sa, một ít cocaine, vài viên ma túy tổng hợp.

Một ngày chết tiệt.

Trở về đồn cảnh sát Nanterre, giấy tờ, quy trình phải hoàn thiện, cảm giác buồn nôn, muốn bật khóc, muốn biến đi nơi khác. Trở về nhà, giấc ngủ mãi không chịu tới, anh cảm thấy như dãbỏ lỡ điều cốt yếu, ánh mắt cuối cùng của cô gái cứ trở về ám ảnh anh...

Một đêm chết tiệt.

Martin tỉnh dậy, quay ra xe, chạy thẳng ra ngoại ô: đường vành đai, Saint-Ouen, Gennevilliers, khu phố Luth. Anh đi bộ lang thang một hồi trong khu phố, tra hỏi lũ anh chị đàn đúm quanh bờ tường rồi lên thẳng trên căn hộ. Anh tìm kiếm cái gì đó, nhưng không biết là gì, lục tung phòng ngủ, căn bếp, nhà vệ sinh, anh tìm kiếm thứ gì đó, anh đi xuống, dừng lại dưới chân cầu thang, bới tung hộp thư, lớp trần giả trên thang máy, anh tìm kiếm thứ gì đó... Bên ngoài, màn đêm, cái lạnh, cơn mưa đáng nguyền rủa, anh tìm kiếm thứ gì đó, bãi đậu xe, ô tô, xe máy, những thùng container đầy ắp, anh tìm kiếm thứ gì đó... một ai đó. Một tiếng khóc? Một linh tính chẳng biết từ đâu tới? Anh mở cái thùng rác đầu tiên ra và bắt đầu lục lọi bên trong. Rùng mình. Nó đây rồi! Anh biết nó ở trong đó, từ trước khi tìm thấy nó. Trong một cái túi ni lông siêu thị to đùng: một đứa bé mới chỉ vài giờ cuối, trần trụi, lạnh ngắt, cuốn trong một cái áo len và khăn tắm. Nó vẫn còn dính vài mẩu nhau trên đầu. Nó không còn thở nữa. À có, nó vẫn còn thở! Hình như thế. Anh thậm chí còn chẳng buồn gọi xe cấp cứu. Anh bọc đứa trẻ sơ sinh trong cái áo măng tô của mình, đặt nó lên ghế cạnh lái, bật đèn ưu tiên lên và chạy như bay về phía Bắc, nhằm hướng Ambroise-Paré. Lúc trước, máu trên áo ngủ của cô gái không phải là máu từ cổ tay bị cắt, mà còn là máu chảy ra do băng huyết sau khi sinh. Lũ nhân viên cấp cứu đần độn ấy chẳng hề phát hiện ra điều đó! Anh gọi cho bệnh viện để báo trước rằng anh đang trên đường tới. Thỉnh thoảng anh liếc mắt nhìn đứa bé. Nó là một bé gái. Đó là anh đoán thế. Anh vừa khiếp hãi lại vừa ngây ngất vì nó quá bé bỏng. Chắc chắn nó chưa đủ tuổi thai, điều đó quá hiển nhiên, nhưng nó đã ở trong bụng mẹ nó được bao nhiêu lâu? Bảy tháng? Tám tháng?

Bệnh viện. Thủ tục nhập viện. Phải điền hàng đống giấy tờ. Họ và tên đứa bé? Thoạt đầu anh chẳng biết phải trả lời thế nào. Phải cố gắng lắm mới nhớ ra được họ của mẹ nó. Còn tên, thì cái tên duy nhất mà anh nghĩ ra được là Camille. Rồi anh chờ đợi hàng tiếng đồng hồ dài đằng đẵng mà chẳng được gì. Ngày hôm sau anh quay trở lại. Như những con nghiện, đứa bé cũng đang lên cơn và bị ép vào một chế độ cai nghiện ngặt nghèo. Cần phải chờ đợi. Nhưng sao nó bé thế? Có thể do ma túy làm co cuống rốn lại khiến cho cái thai bị kém phát triển. Ngày thứ hai anh trở lại, đứa bé đang vận lộn tranh đấu. Anh muốn vật lộn cùng với nó. Ngày thứ ba, người ta bảo anh rằng những gì khó khăn nhất của quá trình cai nghiện đã được vượt qua, nhưng đứa bé nhiễm virus HIV và chắc chắn nó sẽ mang nhiều di chứng hoặc dị tật nào đó. Ngày thứ tư, anh không đến bệnh viện mà gần như cả đêm vạ vật trong một quán bar tồi tàn nốc rượu vodka. Bởi vì Camille là cái tên mà Gabrielle yêu thích nhất. Cái tên cô muốn đặt cho con gái mình. Ngày thứ năm, anh không đi làm. Ngày thứ sáu, anh chôn cái ký ức vào bộ nhớ và cấm tiệt mình không được nghĩ về Camille nữa.

Rồi nhiều năm trôi qua.

Và một buổi sáng, Sonia Hajeb đến văn phòng của anh...

° ° °

Trên nóc bệnh viện, một sân thượng rộng có tầm nhìn hướng ra khu vườn rợp bóng cây bao quanh tòa nhà, điểm thêm vài chiếc bàn và ghế mây.

Tóc ngắn, mũi hếch, rất xinh xắn, một cô bé khoảng mười tuổi dường như bị hút hồn bởi Khu phố xa xôi, một bộ truyện tranh được ưa chuộng của Taniguchi.

- Chào em, Camille.

- Anh Martin!

Cô bé rời mắt khỏi quyển truyện và chạy vội lại ôm hôn anh. Anh nhấc bổng nó lên và quay nó vòng tròn với tốc độ chóng mặt, một trò chơi mà anh và nó vẫn thích.

Ba năm trước, khi Camiile đang trải qua một giai đoạn khó khăn trong gia đình đỡ đầu, thì Sonia Hajeb, bác sĩ tâm lý theo dõi cô bé từ khi còn nhỏ, đã quyết định kể cho cô bé nghe về hoàn cảnh ra đời của nó. Camille liền năn nỉ cô cho nó gặp người anh trai bí ẩn đã cứu nó trở về với cuộc sống. Cuộc đoàn tụ bí mật đã mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với con bé, điều này thực sự bõ công Sonia đánh liều.

Cho dù có chuyện gì đi nữa, anh và nó cũng gặp nhau một tuần một lần, vẫn ở cùng một nơi và tuần nào cũng vào thứ Tư.

Camille rất xinh, tràn đầy sức sống và khỏe mạnh. Khi nhìn nó, Martin thấy ở nó sinh lực, sự bình yên, bằng chứng rằng cuộc sống sinh tồn không phải chỉ chứa đầy những điều khốn nạn mà còn có thể mang tới những món quà bất ngờ. Mọi rủi ro dị tật đều đã biến sạch! Nhiễm virus HIV! Cứ tưởng rằng cuộc sống đã định sẵn số phận trớ trêu cho nạn nhân của nó!

- Ôi, lạnh quá, Martin vừa nói vừa xoa tay. Em không muốn vào lại bên trong à?- Không, em muốn tận hưởng ánh ănnsg tuyệt đẹp! Hơn nữa em rất thích trời lạnh, thật là sinh động!

Anh ngồi xuống bên cạnh cô bé và thả ánh mắt nhìn ra xa xăm, trên những mái nhà của thành phố Paris nhấp nhô và trải dài mênh mông như đại dương.

- Bộ truyện tranh đấy thế nào?

- Đúng là bom tấn! Camille hồ hởi. Cảm ơn anh đã chỉ cho em đọc truyện này.

- You're welcome.

Anh mở ba lô và lôi ra một cái máy iPod màu xanh táo mà anh đã tặng cô bé vài tháng trước.

- Đây, anh đã ghi đầy nhạc hay vào trong này cho em: Marvin Gaye, The Cure, U2, Jacques Brel...

- Em thích nhạc Beyonce và Britney Spears cơ!

- Thế tại sao không phải là Spice Girls nữa nhỉ?

Anh kéo chiếc ghế lại gần và nói giọng nghiêm túc:

- Được rồi, giờ hai anh em mình có chuyện cần nói với nhau...

Cô bé nhìn anh đăm đăm, cảm thấy một hiểm họa đang đe dọa sự thăng bằng mong manh mà cuộc sống của cô bé đang lấy làm điểm tựa.

- Em đã bao giờ nghe câu ngạn ngữ xa mặt cách lòng chưa?

Cô bé lắc đầu.

Trong khi anh giải thích cho cô bé nghe vì sao câu ngạn ngữ ấy sẽ không bao giờ đúng đối với anh và cô bé, một thiên thần bay vụt qua trong luồng ánh sáng, đôi cánh lướt nhẹ trên những tia nắng cuối cùng của mặt trời mùa đông.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui