Nếu Em Ở Lại (If I Stay)

[3] 9:23 A.M

Tôi chết rồi sao?

Quả thực tôi phải hỏi bản thân câu đó.

Tôi chết rồi sao?

Thoạt đầu những tưởng tôi đã chết thật. Và rằng chuyện đứng-đó-rồi-nhìn chỉ là tạm thời, là quãng nghỉ trước khi ánh sáng chói lòa và dòng-ký-ức-ùa-về sẽ đưa tôi đến nơi nào đó tiếp theo.

Trừ việc những bác sĩ cấp cứu đang ở đây, cùng với cảnh sát và lực lượng cứu hỏa. Ai đó đã trùm một tấm vải lên cha tôi. Một lính cứu hỏa chuyển mẹ tôi vào một cái túi nhựa. Tôi nghe thấy anh ta nói về mẹ tôi với một đồng nghiệp, người trông chẳng thể quá mười tám tuổi. Anh chàng lớn tuổi hơn giải thích với lính mới rằng mẹ tôi đã bị đâm đầu tiên và chết ngay tại chỗ, lý giải cho việc không chảy máu. “Tim ngừng đập đột ngột,“ anh ta bảo. “Khi trái tim không bơm máu nữa, cậu không thật sự chảy máu, chỉ rỉ ra thôi.”

Tôi không thể nghĩ về điều đó, rằng mẹ tôi rỉ máu. Thay vì thế tôi nghĩ rằng trùng hợp làm sao mẹ lại là người bị đâm đầu tiên, bà là người làm tấm đệm cho vụ tai nạn. Đó không phải sự lựa chọn của bà, tất nhiên, nhưng đó là con đường bà đã đi.

Nhưng tôi đã chết rồi ư? Tôi đang nằm kia, bên rìa đường, chân gác lên một cái nắp cống thoát nước, được bao quanh bởi một nhóm cả đàn ông và phụ nữ đang cuống cuồng cầu nguyện phía trên tôi và cắm một thứ gì đó tôi không biết vào mạch máu của tôi. Tôi nửa trần truồng, bác sĩ cấp cứu phải cắt mở phần áo trên, một bên ngực của tôi lộ ra. Thật xấu hổ, tôi quay đầu đi.

Cảnh sát đã bật đèn chung quanh hiện trường và đang chỉ dẫn các xe ở cả hai chiều quay lại, đường bị phong tỏa. Họ lịch sự gợi ý tuyến đường thay thế hay tuyến đường tắt sẽ đưa họ tới nơi cần đến.

Họ hẳn có một nơi để đi, đám người trong những chiếc xe ấy, nhưng rất nhiều người trong số đó không quay đi. Họ bước ra khỏi xe, ôm nhau để chống lại cái rét. Họ đánh giá tình cảnh trước mắt. Và rồi họ quay mặt đi, vài người còn khóc, một phụ nữ thậm chí ngã phịch xuống bên cạnh cây dương xỉ ven đường. Dù họ không biết chúng tôi là ai, hay chuyện gì đã xảy ra, họ vẫn cầu nguyện cho chúng tôi. Tôi có thể cảm thấy họ đang cầu nguyện.

Điều đó cùng với sự thật rằng thân thể tôi có vẻ đã hoàn toàn đông cứng khiến tôi nghĩ mình đã chết, mặc dù nhìn vào tôi, nhìn vào đôi chân mà cú đâm sáu mươi dặm một giờ rạch toạc tới tận xương, đáng ra tôi phải đang quằn quại. Tôi không khóc, dẫu cho tôi biết một chuyện không thể tưởng tượng nổi đã xảy đến với gia đình mình. Chúng tôi giống như Humpty Dumpty, tất cả chiến mã và bầy tôi của nhà vua cũng không thể đưa chúng tôi về bên nhau một lần nữa.[1]

Tôi đang cân nhắc điều này khi cô bác sĩ có gương mặt tàn nhang và mái tóc đỏ nãy giờ vẫn sơ cứu cho tôi trả lời câu hỏi của tôi. “Điểm Glasgow[2] của cô bé ở mức tám, cho cô bé túi thở!” Cô ấy gào lên.

Cô ấy và một bác sĩ mặt vuông luồn một cái ống vào họng tôi, nối nó với một cái túi có quả bóp rồi bắt đầu bơm. “ETA[3] của hàng không Life là bao lâu?”

“Mười phút,“ bác sĩ kia trả lời. Sẽ mất khoảng hai mươi phút để về đến thành phố. “Chúng ta sẽ đưa cô bé tới nơi trong vòng mười lăm phút nếu cô phóng nhanh như quỷ.”

Tôi có thể hiểu những gì anh chàng kia suy nghĩ. Rằng mọi chuyện sẽ chẳng tốt hơn cho tôi nếu họ bị tai nạn, tôi buộc phải đồng ý. Anh ta không nói gì nữa, chỉ nghiến hàm lại. Họ đưa tôi vào chiếc xe cứu thương, cô tóc đỏ trèo vào ngồi sau tôi, cô ấy bóp chiếc túi thở bằng một tay, điều chỉnh tiêm tĩnh mạch[4] và chiếc máy giám sát với tay kia. Sau đó cô vén mớ tóc rối ra khỏi trán tôi.

“Cố gắng lên em,“ cô nói với tôi.

***

Tôi có màn độc tấu đầu tiên năm mười tuổi. Vào thời điểm đó tôi đã chơi cello được hai năm. Đầu tiên chỉ là ở trường, một phần của chương trình âm nhạc. Thật bất ngờ khi họ có một chiếc cello, thường thì chúng rất đắt và dễ hỏng hóc. Một giáo sư ngữ văn lớn tuổi ở trường đại học đã qua đời và để lại chiếc cello Hamburg cho trường chúng tôi. Nó toàn nằm trong góc, hầu như bọn trẻ chỉ thích chơi ghita hoặc saxophone.

Khi tôi thông báo với cha mẹ rằng mình muốn trở thành một nghệ sĩ chơi cello, cả hai đều người sằng sặc. Sau đó họ xin lỗi tôi, đổ tại hình ảnh một cô nhóc tí hon như tôi với nhạc cụ khổng lồ giữa hai cẳng chân mảnh khảnh đã khiến họ quá khích. Nhưng khi nhận ra tôi nghiêm túc, ngay lập tức bố mẹ đã nuốt vào tiếng cười khúc khích và đeo lên khuôn mặt ủng hộ.

Nhưng phản ứng của họ vẫn châm chích - theo những cách tôi chưa bao giờ kể với họ, và theo những cách tôi không chắc họ sẽ thấu hiểu dù tôi có kể. Thỉnh thoảng bố nói đùa là bệnh viện nơi sinh tôi hẳn đã ngẫu nhiên nhầm lẫn đứa trẻ bởi vì trông tôi không hề giống những người còn lại trong nhà. Mọi người đều tóc vàng bạch kim trong khi tôi là hình ảnh trái ngược, tóc nâu mắt sẫm màu. Nhưng khi tôi lớn hơn, trò đùa bệnh viện của bố có ảnh hưởng tới tôi nhiều hơn tôi nghĩ ông đã định. Có những lúc tôi cảm thấy như mình đến từ một bộ lạc khác. Tôi không giống người bố hòa đồng, hóm hỉnh hay người mẹ mạnh mẽ của mình. Và như thể đánh một đòn quyết định vào sự thật này, thay vì học chơi ghita điện, tôi lại quay đi và chọn cello.

Nhưng đây là gia đình của tôi, chơi nhạc vẫn quan trọng hơn là loại nhạc được chơi, vì thế sau vài tháng thấy tình yêu với cello của tôi vẫn chưa hề sút giảm, bố mẹ đã thuê một cái để tôi có thể luyện tập ở nhà. Những thang âm và tam hợp âm[5] quen thuộc dẫn tới cố gắng đầu tiên với bài 'Ngôi sao nhỏ lấp lánh lấp lánh',[6] mở đường cho khúc luyện[7] cơ bản cho đến khi tôi chơi được tổ khúc của Bach. Trường cấp hai của tôi không có nhiều chương trình âm nhạc, vì thế mẹ tìm cho tôi một gia sư, một sinh viên cao đẳng mỗi tuần dạy một lần. Những năm sau đó các sinh viên đến dạy tôi thay đổi liên tục, và rồi, khi kỹ thuật của tôi trội hơn bọn họ, những gia sư sinh viên đó chơi nhạc cùng tôi.

Chuyện này diễn ra đến năm lớp chín, khi mà bố, người quen biết giáo sư Christie từ hồi làm việc ở tiệm bán đĩa, hỏi rằng liệu cô có sẵn lòng dạy riêng cho tôi không. Cô đồng ý nghe tôi chơi, không kỳ vọng gì nhiều, chỉ vì nể bố thôi, về sau cô kể với tôi như vậy. Cô và bố ngồi nghe bên dưới nhà khi tôi ở trong phòng luyện tập bản xô-nát của Vivaldi. Khi tôi đi xuống ăn tối, cô đề nghị được dạy tôi.

Tuy vậy, buổi độc tấu đầu tiên của tôi lại là chuyện mấy năm trước khi tôi gặp cô. Nó diễn ra tại một hội trường trong thành phố, nơi thường có buổi biểu diễn của các ban nhạc địa phương, vì thế âm thanh sẽ rất tồi cho nhạc cổ điển không có loa khuếch đại. Tôi đã chơi bản cello đơn 'Điệu nhảy của nàng tiên mận đường' của Tchaikovsky.

Đứng sau cánh gà, nghe những bản hòa tấu violin vụng về và piano lóng ngóng của những đứa trẻ khác, tôi gần như khiếp sợ. Tôi chạy ra cửa sân khấu và co mình trên bậc thềm bên ngoài, thở hổn hển vào lòng bàn tay. Gia sư sinh viên của tôi đã rất hốt hoảng và mở một cuộc tìm kiếm nho nhỏ.

Bố đã tìm thấy tôi. Lúc ấy ông vừa mới bắt đầu cuộc lột xác dân-hipster[8]-thành-kẻ-lỗi-thời, vì thế ông mặc một bộ com lê cổ điển, với thắt lưng da dập đinh và bốt cao cổ màu đen.

“Con có ổn không, Mia ú-òa?” ông hỏi, ngồi xuống ngay bên cạnh tôi.

Tôi lắc đầu, xấu hổ không nói nên lời.

“Chuyện gì xảy ra vậy?”

“Con không thể làm được,“ tôi khóc.

Bố nhướng một bên chân mày rậm của ông, nhìn tôi chằm chằm với cặp mắt màu xanh xám. Tôi cảm thấy chính mình như một sinh vật lạ lẫm huyền bí mà ông quan sát và cố phân tích. Ông chơi suốt trong ban nhạc. Hiển nhiên, ông chưa từng trải qua thứ gì đó bất lực như nỗi sợ hãi sân khấu.

“Chà, đúng là xấu hổ thật.” Bố nói. “Bố đã sắm một món hết sảy làm quà cho buổi độc tấu của con. Tuyệt hơn cả hoa nữa.”

“Bố tặng cho ai khác đi. Con không thể rời khỏi đây. Con không giống như bố mẹ, hay thậm chí là Teddy.” Thời điểm đó Teddy mới chỉ sáu tháng tuổi, nhưng rõ ràng nó cá tính và sôi nổi hơn tôi. Tất nhiên, nó còn tóc vàng và mắt xanh. Cho dù không như vậy, nó cũng đã được sinh ra ở một nhà hộ sinh, không phải bệnh viện, vì thế không có cơ hội cho vụ ngẫu nhiên nhầm lẫn trẻ sơ sinh.

“Đúng thế,“ bố đăm chiêu. “Khi Teddy có buổi hòa nhạc đàn hạc đầu tiên, nó sẽ ngầu như một quả dưa chuột. Quả là một thiên tài.”

Tôi bật cười trong làn nước mắt. Bố choàng một cánh tay dịu dàng qua vai tôi. “Con phải biết rằng bố từng trải qua sự bồn chồn kinh khủng khiếp trước một buổi diễn.”

Tôi nhìn bố, người lúc nào trông cũng chắc chắn tuyệt đối với mọi thứ trên đời.

“Bố chỉ nói thế thôi.”

Ông lắc đầu. “Không, không hề. Nó tệ hại dã man. Mà bố chỉ là người chơi trống, toàn đứng đằng sau, không ai thèm để mắt tới bố đấy nhé.”

“Vậy bố đã làm gì?” Tôi hỏi.

“Ông ấy say mèm,“ mẹ bỗng xen vào, ló đầu ngó qua cánh cửa sân khấu. Bà mặc chân váy đen ngắn bằng da và áo ba lỗ màu đỏ, còn Teddy đang hạnh phúc nhỏ nước dãi trong cái địu Baby Bjorn của nó. “Hai chai một lít trước buổi diễn. Mẹ không khuyến khích con làm thế đâu.”

“Mẹ con hoàn toàn đúng đấy,“ Bố nói. “Các tổ chức xã hội rất khó chịu với đứa mười-tuổi-say-sưa. Thêm nữa, bố đã đánh rơi dùi trống và nôn ọe ngay trên sân khấu, đúng là vô dụng. Nếu con làm rơi cái vĩ và bốc mùi như một nhà máy bia thì trông mất thể diện lắm. Mấy người chơi nhạc cổ điển như con rất chi là hợm mình kiểu đó.”

Tôi cười phá lên. Tuy vẫn sợ hãi, nhưng tôi đã cảm thấy dễ chịu hơn khi nghĩ rằng có lẽ nỗi sợ sân khấu là một đặc điểm được di truyền từ bố, dù sao tôi cũng không phải đứa con nhặt được nào đấy, sau tất cả.

“Nhỡ mình không thành công thì sao? Nhỡ mình chơi tệ? Mẹ có tin tức cho con đây, Mia. Có đủ loại thảm họa ngoài đấy rồi, nên con sẽ không trội hẳn lên đâu,“ mẹ bảo. Teddy ré lên tán thành.

“Nhưng con hỏi thật, làm sao bố vượt qua được nỗi sợ hãi?”

Bố vẫn cười, nhưng tôi có thể thấy ông đã trở nên nghiêm túc, bởi ông nói chậm hơn. “Con không cần làm thế. Cứ chơi nhạc cùng nó thôi. Cố gắng lên con.”

Vì thế tôi lên diễn. Tôi không tỏa sáng với bản nhạc. Tôi chẳng giành được hào quang hay có sự hoan hô công nhận, nhưng tôi cũng không hoàn toàn làm hỏng tiết mục. Sau màn độc tấu, tôi nhận món quà của mình. Nó đã được đặt sẵn trong xe ô tô, trông sống động y như chiếc cello tôi thích mê hai năm trước. Nó không phải là đồ thuê. Nó là của tôi.

[1] Humpty Dumpty là một nhân vật phổ biến trong dòng thơ cổ dành cho trẻ em. Câu này có nhắc đến bài thơ nổi tiếng nhất:

Humpty Dumpty sat on a wall,

Humpty Dumpty had a great fall.

All the king's horses and all the king's men

Couldn't put Humpty together again.

[2] Thang điểm hôn mê, đánh giá tình trạng ý thức của người bệnh. Mức 8 là mức nặng.

[3] Estimated time of arrival: Thời gian dự kiến tới nơi của một phương tiện.

[4] Intravenous: Trong tĩnh mạch. Phương pháp điều chỉnh lưu thông tĩnh mạch bằng một ống tiêm.

[5] Triad: Một hợp âm gồm ba âm.

[6] Twinkle, Twinkle, Little Star

[7] Étude, còn được hiểu nôm na là “khúc luyện”, trong âm nhạc, nó là 1 bản nhạc ngắn để người chơi luyện tập. Mục đích chung của étude là được viết để người chơi nhạc luyện tập, nhằm củng cố và nâng cao kĩ năng về kĩ thuật chơi và góp phần bổ trợ khả năng thỉnh âm.

[8] Để chỉ một người trong độ tuổi 20-30, đề cao tư duy độc lập, văn hóa đối lập, tư tưởng chính trị tiến bộ, đánh giá cao nghệ thuật và Indie Rock, sáng tạo, thông minh và châm biếm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui