Edit: Hà Thu
Sầm Tưởng không thể đánh giá và định nghĩa chính xác ba mẹ của mình.
Cô cảm thấy họ là những bậc cha mẹ vị tha nhất trên thế giới, cũng là những bậc cha mẹ ích kỷ nhất.
Đặc biệt là ba của cô, một tháng sau khi mẹ cô qua đời, ông cũng ra đi mà không một lời từ biệt.
Sau khi nhận gói đồ mà ba gửi đến, Sầm Tưởng vội vàng chạy đến nhà bọn họ, chỉ có thể nhìn thấy ông đang nằm thẳng ở trên giường, giống như đang chìm vào giấc mộng, đôi mắt bình thản nhắm lại, trên ngón áp út còn đang đeo chiếc nhẫn cưới sớm đã phai màu từ lâu.
Ông ăn mặc bảnh bao, mái tóc bạc trắng cũng được chải một cách tỉ mỉ, như thể sắp đi hẹn hò với người trong lòng.
Mà khoảng thời gian trước, Sầm Tưởng đều cố gắng hết sức ở bên ba càng nhiều càng tốt.
Cô biết ba có tình cảm vô cùng sâu đậm với mẹ, sợ trong lòng ông không vượt qua được sẽ nghĩ quẩn.
Nhưng ba cũng không hề tỏ ra cực kỳ đau khổ, thoạt nhìn trông ông không có phiền muộn hay oán trách gì, chỉ xử lý ổn thỏa hậu sự cho mẹ một cách có trật tự.
Sau đó, ông thường ngồi trước cửa nhà, nhìn ra xa, nhìn lên bầu trời, rừng cây và dòng nước.
Mỗi lần ngồi xuống là ngồi cả ngày, ánh mắt xa xăm.
Đây là ngôi nhà dưỡng lão của họ.
Sau sinh nhật 70 tuổi của mẹ, cả hai đều nghỉ việc, rời xa sự ồn ào nhộn nhịp của thành phố, mua một ngôi nhà hai tầng ở vùng ngoại ô yên tĩnh, sửa sang lại thành hình dạng mà họ thích, từ đây ở đó an hưởng tuổi già.
Sầm Tưởng đứng bên giường, biết gọi xe cấp cứu cũng vô ích.
Một lúc sau, cô bắt đầu rơi lệ.
Một màn trước mắt cũng không ngoài ý muốn, nhưng vẫn đủ khiến cô đau lòng.
Trước khi qua đời, mẹ từng thì thầm với cô bốn chữ: “Con đừng cản ông ấy.”
Sầm Tưởng hỏi: “Cản gì ạ?”
Mẹ mỉm cười không nói, kêu cô rời đi, lại gọi ba tới để nói chuyện.
Bây giờ cô hiểu rồi.
Ba cô lại muốn đuổi theo mẹ, muốn ở bên mẹ rồi.
Đám tang của ba mẹ đều diễn ra âm thầm và lặng lẽ.
Cũng giống như đám cưới của họ vậy.
Khi Sầm Tưởng kết hôn, khách mời và bạn bè ngồi đầy trong khán phòng, hiện trường được trang trí như một biển hoa, mọi người nâng ly chúc mừng trong gió biển.
Cô tò mò hỏi mẹ, lúc đó ba mẹ cũng như vậy sao? Mẹ cô lắc đầu, nói rằng họ chỉ đi du lịch một chuyến thôi.
Nhưng không kể chi tiết.
Sầm Tưởng ở lại nghĩa trang một hồi lâu, nhìn người thợ khắc bia cẩn thận khắc tên của ba mình lên.
Toàn bộ quá trình chồng cô đều ở bên cô, lo lắng tâm trạng cô suy sụp.
Hơn một tháng trước, ba cô cũng làm như vậy, nhưng ông ấy là ngồi xổm trước bia mộ, không muốn từ trên cao nhìn xuống.
Bên cạnh tên của mẹ đồng thời để trống ra một hàng, đó là ông ấy đặc biệt để lại cho mình.
Sầm Tưởng hiểu rõ, nhưng cô không ngờ sẽ đến nhanh như vậy.
Ba cô, đã tám mươi hai tuổi rồi.
Nhưng khi đối mặt với mẹ, vẫn giống y như thằng nhóc vậy, vội vàng không thể chờ nổi, cũng có gan dám thực hiện.
Lúc còn sống, ba cô đã đạt được những thành tựu nổi bật trong học thuật, có rất nhiều học sinh, thu nhập của ba và mẹ phần lớn đều dùng cho việc từ thiện.
Rất nhiều đồng nghiệp, nhiều học trò, rất nhiều người được tài trợ đã liên hệ với cô, muốn đến chia buồn, nhưng Sầm Tưởng đều một mực từ chối.
Đây là quyết định của ba mẹ, cô nhất định phải thực hiện.
Sau khi ba mất được bảy ngày, Sầm Tưởng mới dám nhìn kỹ những gì ba để lại cho cô.
Dù sao, ngay từ giây đầu tiên nhận được gói hàng, cô đã có chút linh cảm rằng, bên trong chứa đựng lời từ biệt của ông ấy.
Với người con gái này của ông ấy, với thế giới đã không còn có mẹ này.
Đó là một lá thư viết tay của ba, còn có một cuốn album ảnh, nội dung của bức thư vừa chất phác lại giản đơn.
Ngoại trừ lời xin lỗi ở phần đầu dành cho cô ra, thì phần sau mô tả lại câu chuyện đằng sau của mỗi bức ảnh trong album.
Sầm Tưởng cuối cùng cũng biết chi tiết về đám cưới của bọn họ, và cuối cùng cũng biết chi tiết về tình yêu của bọn họ.
Khi còn sống, họ rất ít khi nói chuyện với cô về quá trình yêu đương.
Chỉ nói là ba theo đuổi mẹ, nói rằng mẹ là ân nhân của ba.
Họ yêu nhau không vì lý do gì cả, lại rất hiển nhiên, như thể đã được định sẵn vậy.
Thời điểm trung học, giáo viên từng giao một đề văn, tên là “Tình yêu mà bạn cho rằng là đẹp nhất trên thế giới”.
Trong lớp có rất nhiều bạn viết về tình yêu của ba mẹ dành cho mình, nhưng Sầm Tưởng thì không, cô viết về tình yêu giữa ba mẹ.
Sau đó, tác phẩm này vì xuất phát điểm độc đáo, chân thật ý nghĩa, được xem như là một bài văn mẫu dán trên bức tường phía sau của lớp học.
Cô lật giở cuốn album ảnh, nước mắt đầm đìa suy nghĩ.
Nếu như trước đó đã có thể biết được những điều này, thế thì bài văn đó của cô chắc chắn sẽ có thể viết tốt hơn.
Nhưng viết hay đến đâu, cũng không thể hay hơn bức di thư này của ba được.
Không, dùng từ di thư để hình dung nó thì không hề thích hợp.
Nó càng giống như là một bộ phim ấm áp, một bài thơ ca mỹ lệ thì đúng hơn.
Hóa ra, ba từng là học sinh nghèo được mẹ giúp đỡ, như tùng như trúc vậy đó, khí phách hiên ngang như ông ấy, thế mà cũng từng gầy yếu không có chỗ dựa, chìm sâu vào trong bùn lầy.
Hóa ra, hôn lễ của bọn họ cũng chỉ có hai người, ở trên hòn đảo nhỏ ít người gần nửa tháng.
Bãi cát như một tấm thảm vàng, nước biển trong như ngọc bích.
Đến ban đêm, họ sẽ hôn nhau dưới bầu trời đầy sao, ôm nhau trước những con sóng cuồn cuộn, cười đùa với nhau.
Ảnh chụp chung rất qua loa, họ tự chuẩn bị sa trắng cùng áo cưới, làm những biểu cảm ngộ nghĩnh trong gió, tự do tự tại, không lo không nghĩ.
Lần đầu tiên Sầm Tưởng nhìn thấy một bộ ảnh cưới tùy hứng nhưng lại tuyệt vời như vậy.
Hóa ra, việc cô ra đời là chủ kiến của mẹ, ban đầu ba phản đối với cùng kịch liệt, lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ.
Sau đó mẹ bàn bạc với ba xong, đồng thời cũng đồng ý để đứa trẻ mang họ của mình, ba mới đổi giọng đáp ứng.
Toàn bộ quá trình mang thai, mẹ không hề thoải mái chút nào.
Thời kỳ đầu của thai kỳ ốm nghén rất nghiêm trọng, thời kỳ sau lại có dấu hiệu sinh non.
Lúc đó ba chăm sóc rất cẩn thận tỉ mỉ, nhưng đồng thời cũng thường xuyên hối hận đến mức âm thầm lau nước mắt, tức giận mãi không thôi về quyết định ban đầu của mình.
May là ngày sinh con cũng được tính là suôn sẻ, sau đó nhìn cô lớn lên từng chút một, ba mới chậm rãi hòa giải với chính mình, và chấp nhận cô, người thứ ba giữa bọn họ.
Hóa ra, sở dĩ cô được gọi là Sầm Tưởng, là vì bản tính lãng mạn của mẹ sớm đã nghĩ ra tên cho đứa bé, Lý Tưởng.
Nhưng sau này tình hình thay đổi, cô lấy họ mẹ, nên mẹ chỉ có thể đặt vào tên mụ của cô, đặt một chữ Lý có phát âm giống với tên của ba.
Cả đời này của họ đều suy nghĩ cho đối phương, nhưng đều cho rằng bản thân mình làm vẫn chưa đủ.
Cuối bức thư, nét chữ của ba ngay ngắn chỉnh tề, nhưng giọng điệu lại vô cùng thoải mái:
“Con đoán xem trước khi mẹ con đi đã nói gì với ba, bà ấy hỏi ba xem liệu ba có còn nhớ câu nói đùa một năm trước khi đăng ký kết hôn không?”
“Ba nói: Làm sao mà tôi lại không nhớ được.
Bà ấy bĩu môi như một cô gái nhỏ: Tôi vốn dĩ muốn ra đi một cách thành thản, nhưng khi tôi nghĩ đến việc phải rời xa ông, phải một mình bước tiếp, phải sống một mình ở một nơi khác không biết bao nhiêu năm, thì tôi lại không chịu được.
Cho nên tôi vẫn muốn ích kỷ một chút, muốn ông đi cùng bầu bạn với tôi, cậu bé, cậu có đồng ý không?
Làm sao ba có thể không muốn chứ? Làm sao có thế để bà ấy một mình đi tới phương xa? Sao có thế chỉ là một câu nói đùa được?
Kể cả khi bà ấy không nói những điều này, ba cũng sẽ như một cơn gió đuổi theo bà ấy, chạy đến bên bà ấy.
Lý Lý, đây là giao ước của ba mẹ, ba nhất định phải thực hiện lời hứa của mình.
Mẹ con vẫn đang đợi ba, ba phải tiếp tục đi làm cậu bé của bà ấy rồi.
Thứ lỗi cho sự ích kỷ của ba nhé, tạm biệt con gái của ba, ba và mẹ mãi mãi yêu con.”
Chữ ký của ông ấy không phải là ba.
Mà là “Lý Vụ.”
Tại sao lại có những bậc cha mẹ ích kỷ như vậy chứ?
Sầm Tưởng đóng cuốn album, rồi gấp phong bì lại.
Cả đời này của cô e rằng cũng không thể hiểu hết được, nhưng cô chắc chắn rằng, có thể trở thành con cái của bọn họ, có thể tự mình trải qua tình yêu tuyệt vời nhất trên thế gian này, cho dù chỉ là khán giả, cũng đã là sự may mắn lớn nhất trong cuộc đời này rồi..