Ngầm - Haruki Murakami

CHƯƠNG 5: TÀU ĐIỆN NGẦM THỦ ĐÔ TOKYO:-♦-TUYẾN HIBIYA-♦-(Khởi hành: Kita-senju/Nơi đến: Naka-meguro)-♦-TÀU A720S
Nhóm của Yasuo Hayashi và Shigeo Sugimoto bỏ sarin trên một đoàn tàu của tuyến Hibiya chạy theo hướng Tây Nam, xuất phát từ ga Kita-senju đi Naka-meguro.
Yasuo Hayashi sinh ở Tokyo năm 1957, lúc đánh hơi độc thì hắn 37 tuổi. Không giống như Ikuo Hayashi (không họ hàng), Yasuo là người nhiều tuổi nhất ở Bộ Khoa học và Công nghệ của Aum, một phó lãnh đạo dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hideo Murai. Cũng có nền tảng khoa học nhưng Yasuo không giống với kiểu tinh hoa khoa học "thuần chủng" quen được bao bọc mà đại diện là Ikuo Hayashi, Toyoda và Hirose, hắn từng chịu đủ khó khăn và bất hạnh. Bố hắn làm cho Đường sắt Quốc gia Nhật Bản trước khi tư hữu hóa, nhưng đã chết từ hai mươi năm trước. Bà mẹ đã làm hư hắn, đứa út trong ba đứa con – hết mức có thể với một thu nhập thấp như thế.
Học xong trung học phổ thông theo một chương trình bán thời gian, hắn vào Đại học Kogakuin, học về trí thông minh nhân tạo. Không có triển vọng nào về công ăn việc làm chắc chắn sau tốt nghiệp, hắn đã làm nhân viên tạm thời cho hết công ty này đến công ty khác rồi ra nước ngoài. Ở Ấn Độ, hắn thức tỉnh với tôn giáo và bắt đầu năng lui tới các ashram yoga, cuối cùng gặp giáo phái Aum và trở thành môn đệ của Shoko Asahara. Năm 1988, hắn tuyên thệ và ngoi lên tới vị trí số ba trong Bộ Khoa học và Công nghệ của Aum.
Có tiếng là một trong những người bảo vệ trung thành của giáo phái, hắn cũng có mặt tốt và hiền lành, được nhiều người trẻ tuổi theo đạo ngưỡng mộ như một kiểu tiền bối.
Sau 20 tháng Ba, khi những tên khác chỉ được nhận hai gói sarin tại buổi huấn luyện ở Satyam số 7, Yasuo Hayashi lại được những ba. Gói thêm vào là gói đã bị nứt rạn mà chính hắn yêu cầu. Toàn bộ việc này là một phần của nghi thức "thử lòng" do Hideo Murai (và rất có thể cả bản thân Asahara nữa) dựng lên. Trong năm người ai sẽ nhận gói thêm kia? Khi Hayashi không do dự tiến lên, Murai mỉm cười đầy ngụ ý. Cũng ở lúc đó, Hirose nhớ lại khá ủ ê rằng "tựa như Murai đã thắng một ván cá cược vậy."
Asahara đã có lần nghi Yasuo Hayashi là nội gián, điều này hình như đã tác động sâu sắc đến hắn và khiến hắn càng cường điệu xu hướng kiểu gã trai cứng rắn "dám nghĩ dám làm" của mình lên. Không may, thái độ "dám nghĩ dám làm" của hắn trên đoàn tàu tuyến Hibiya mà hắn được phân công đã gây nên nhiều thương vong nhất trong năm tuyến bị tấn công. Cả ba gói đều bị chọc thủng…
Yasuo Hayashi đến ga Ueno trên chiếc xe do Shigeo Sugimoto lái. Trên đường hắn bọc kỹ ba gói sarin vào trong tờ báo. Theo kế hoạch, hắn sẽ lên đoàn tàu A720S lúc 7 giờ 43 phút đi từ Kita-senju. Ở Ueno, hắn lên toa thứ ba, ném bọc báo xuống sàn và khi tàu đến Akihabara hai chặng đỗ sau, hắn chọc mũi dù đã được mài sắc vào cái bọc mấy lần. Hắn chọc nhiều lỗ hơn bất cứ tên nào trong năm tên gây ác. Xuống ga Akihabara, hắn lên xe của Sugimoto đang chờ và quay về ajid Shibuya lúc 8 rưỡi. Hắn hoàn thành nhiệm vụ không một sơ suất nào, thậm chí một chút do dự cũng không.
Không lâu sau khi đoàn tàu rời Akihabara, sarin bắt đầu rò ra và bốc mùi. Lúc tàu đến ga tiếp theo, Kodemmacho, hành khách đi trên toa thứ ba tính từ đầu xuống bắt đầu cảm thấy người ốm mệt. Người ta phát hiện ra từ đùm báo đang dò rỉ ra chất lỏng. Quanh chỗ nó đã thành một vũng. Cho rằng vấn đề chắc nằm ở đó, một hành khách đã đá cái gói xuống sân ga Kodemmacho.
Chất sarin được thoát ra tỏa đi nhanh chóng vào bầu không khí khu vực sân ga Kodemmacho bé nhỏ. Bốn người chết ở đây, gồm cả Eiji Wada, nhân viên công ty Thuốc lá Nhật Bản.

Trong khi đó tàu A720S vẫn tiếp tục chạy theo lịch trình với một vũng sarin trên sàn toa, với mỗi lần đỗ kế tiếp số lượng thương vong tăng dần lên – Ningyocho, Kayabacho, Hatchobori… - một Đoàn tàu Địa ngục ngay giữa đời thực.
8 giờ 10, ngay sau khi tàu rời khỏi ga Hatchobori, một hành khách không chịu đựng thêm được nữa đã bấm nút khẩn cấp ở toa thứ ba. Nhưng theo quy định, tàu không được dừng lại ở giữa hầm ngầm cho nên nó phải đi tới ga sau. Tsukiji. Khi cửa mở, bốn hay năm hành khách lảo đảo lao ra rồi ngã gục xuống sân ga. Một nhân viên nhà ga chạy tới. Phải mất một lúc lâu người của Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm mới nhận ra có chuyện không hay. Ngay lập tức đoàn tàu ngừng phục vụ và bác sĩ được gọi đến. Thông tin đầu tiên từ ga Tsukiji gửi đến Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm Trung tâm là báo cáo của người lái tàu: "Hình như có một vụ nổ, trong toa tàu có khói trắng, nhiều người bị thương." Kết quả là sau đó ít lâu, vụ đánh hơi độc đã được biết đến là "vụ nổ ở ga Tsukiji," những từ này nhanh chóng đi đến mọi nhà ga trên khắp các tuyến.
Các nhân viên nhà ga ở Tsukiji nhận ra khá nhanh rằng đó không phải là một vụ nổ. "Hơi độc!" họ hét lên, cố sơ tán hết hành khách ra khỏi sân ga càng nhanh càng tốt. Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm Trung tâm nắm được sự việc rất chậm: phải mất hơn hai chục phút sau – 8 giờ 35 – mới quyết định ngưng hoàn toàn tuyến Hibiya, rồi thông báo: "Di tản hết hành khách rồi di tản hết nhân viên."
Ở năm nhà ga trên đường tàu chạy, tổng cộng 8 người chết và 275 người bị thương nặng, một thảm họa ghê gớm.
Sau đó Yasuo Hayashi – "Cỗ Máy Giết Người" – lẩn trốn, sống nay đây mai đó cho đến tháng Chạp năm 1996, gần một năm chín tháng sau. Cuối cùng hắn bị bắt trên đảo Ishigaki cách Tokyo một nghìn dặm. Có tin đồn rằng, trong suốt cuộc trốn chạy, hắn luôn mang theo một bàn thờ Phật để chuộc lại các mạng người hắn đã lấy đi.
Tiếp theo đây là lời kể của các hành khách đã đi tàu A720S, đoàn tàu bị rải sarin của tuyến Hibiya 1 .
"Tôi vừa vay để trả tiền đặt cọc mua nhà, và vợ tôi đang mang thai – chuyện này xem ra khá là tồi tệ"
Noboru Terajima (35)
Terajima là kỹ thuật viên bảo dưỡng của một hãng sản xuất máy photo . Anh hay đi tàu điện ngầm tuyến Hibiya từ Soka đến Higashi-ginza. Anh phụ trách việc kiểm tra định kỳ ngẫu nhiên các máy của công ty và sửa chữa.

Anh sống một mình trong một căn hộ tại Soka cho đến khi lấy vợ, sáu tháng trước vụ đánh hơi độc. Lúc đó anh được cho vay một khoản để mua một căn hộ chung cư ở Soka. Sau đó không lâu, vợ anh có mang. Đúng ở bước ngoặt giữa lúc bắt đầu trưởng thành và có trách nhiệm của tuổi trung niên, anh lao thẳng vào vụ đánh hơi độc. Khi anh đau yếu và hít phải sarin ở ga Kodemmacho, điều đầu tiên anh nghĩ tới là đứa con chưa ra đời và khoản tiền đồ sộ đã vay để đặt cọc mua căn hộ chung cư mới.
Chúng tôi gặp nhau ở tầng trên một quán cà phê tại Soka vào một chiều Chủ nhật đầy nắng. Ngoài cửa sổ, những cặp vợ chồng trẻ và các gia đình có trẻ nhỏ đang đi dạo xuôi đại lộ trước ga Soka: một cảnh tượng cuối tuần ngoại thành yên bình.
Anh Terajima trả lời thong thả các câu hỏi, suy nghĩ rất kỹ, nhưng thận trọng không nói quá nhiều.
° ° °
Tôi luôn muốn làm họa sĩ, nhưng khi bố tôi chết ngay sau khi tôi tốt nghiệp trung học thì chúng tôi cần tiền. Anh cả đang học đại học, nên ít nhất chúng tôi cũng phải nhìn thấy anh ấy lấy được một tấm bằng. Tôi trượt đại học nhưng đã xoay xở trang trải hết học phí ở một trường hướng nghiệp, điều đó cũng có nghĩa là tôi phải tìm được một công việc thật nhanh.
Thoạt đầu tôi kinh doanh bất động sản. Việc không tồi nhưng thật sự yêu cầu cao, nên sau một năm tôi đổi nghề và vào yên vị tại công ty hiện nay. Thật ra tôi muốn làm việc lập kế hoạch hay quảng cáo, nhưng người ta cứ nói tôi thiếu kinh nghiệm, hoặc không có bằng lái ôtô. Không lý do này thì lý do khác. Nhưng, rồi thì, cuối cùng tôi cũng đã vào được một công ty có tiếng tăm bền vững. Nói cách khác, coi như tôi đã ổn định.
Tôi lấy vợ tháng Chín trước vụ đánh hơi độc và mua một căn hộ chung cư ở Soka. Tháng Chín ký hợp đồng, tháng Tư nhận đứt nhà. Cho đến khi ấy, chúng tôi tiếp tục sống ở căn hộ tôi thuê tại Soka. Cho nên vào tầm ngày 20 tháng Ba, thời điểm xảy ra vụ hơi độc, chúng tôi đang chuẩn bị sẵn sàng để dọn nhà. Chúng tôi đã sục sạo khắp các cửa hàng tìm hộp đựng và đang đóng gói mọi thứ.
Không, tôi chưa từng hình dung ra mình lại đi mua nhà ở chung cư. Tôi không quan tâm lắm đến chuyện sống ở đâu, nhưng khi đến phòng trưng bày nhìn thấy cái nhà thì chúng tôi thích ngay. Khi thảo luận tiền lãi, tay môi giới đã thuyết phục được chúng tôi, nói là nếu chúng tôi ra tay ngay thì lãi là 3,9 phần trăm nhưng nó sắp lên 4 phần trăm đến nơi. Đây là một vụ mua bốc đồng. Một khoản nợ hai mươi lăm năm. Không đùa đâu, mua một căn nhà cơ mà.
Chúng tôi sinh được một bé gái, khóc ầm ĩ suốt. Cho đến trước đây hai năm, tôi vẫn sống vui vẻ một mình, nhưng nay tôi đã có vợ, là một ông bố, vác một khoản vay trên lưng, và hoàn toàn túng bấn, đúng thế đấy. Tất cả tiền nong của tôi đã ra đi. [cười]
Nếu tôi không lấy vợ trước tuổi 35 thì tôi sẽ không bao giờ lấy nữa. Tôi thấy lấy vợ thì sẽ phiền phức lắm. Nhưng, thôi được, tôi lấy vợ năm 34 tuổi. Tôi gặp vợ tôi khi đang lướt sóng. Từ năm 25 tuổi, tôi đã là một tay lướt sóng cừ. Bây giờ tôi không quan tâm nữa, nhưng lúc ấy còn trẻ, tôi đã lái suốt chặng đường đến các bãi biển ở Shonan hay Zaimokuza. Mỗi tuần một lần, tôi dậy lúc 5 giờ sáng và lái xe ba giờ liền. Hồi đó tôi đầy sức sống. Lúc ấy lướt sóng chưa phải là một môn thể thao đông người chơi. Tôi cùng một người bạn mua lại một bộ ván lướt gắn buồm secondhand và để ở gần bãi biển – chẳng biết bây giờ nó đã thành ra cái gì rồi?

Bây giờ hễ rảnh thì pachinko 2 là món duy nhất tôi còn có thể xoay xở được. [cười] Quên tranh sơn dầu đi! Tôi là loại người nếu đã bắt đầu làm gì thì cứ thế là cuốn mình hoàn toàn vào đấy. Tôi cần rất nhiều thời gian.
Tháng Ba tôi khá bận. Khu vực tôi chịu trách nhiệm là Kasumigaseki, vậy nên có hàng đống việc phải làm: những việc mua sắm thiết bị trả đủ phải cân đối, ngân quỹ văn phòng, các vụ giao hàng lớn… Họ đã quen dùng hết tiền quỹ được cấp trước khi kết thúc năm tài khóa cho nên đây là một trong những lúc bận rộn nhất trong năm. Vụ đánh hơi độc rơi vào đúng giữa hai ngày nghỉ lễ, nhưng công việc không cho phép tôi nghỉ một kỳ nghỉ cuối tuần dài được.
Sáng tôi ít khi ăn thứ gì: cà phê, bánh ngọt, rồi ra khỏi nhà. Tôi chờ tàu chạy tuyến Hibiya, bắt tuyến này tôi thường có thể kiếm được một chỗ ngồi, và đi lên cửa đầu của toa thứ ba. Hôm ấy tôi phải bắt tuyến 7 giờ 53. Nói chung vừa ngồi xuống chỗ là tôi ngủ liền. Với tôi không có chuyện đọc báo. Nhưng hễ cứ đứng trước ga Higashi-ginza là mắt tôi lại tự động mở, tuy đã ba phen tôi ngủ quá giờ. [cười]
Hôm ấy tôi thức dậy ở Kodemmacho. Loa thông báo: "Có một vụ nổ ở Tsukiji. Chúng ta phải tạm thời chờ ở đây." Vậy tôi cứ ngồi chờ ở đó cho tới khi cuối cùng họ nói: "Chúng tôi dự kiến sẽ ngừng phục vụ." Tôi còn chọn gì được nữa ngoài việc xuống tàu? Chính lúc đó mùi hắc của cồn isopropyl xộc vào mũi tôi. Chúng tôi dùng cồn này để lau kính trong máy photo , cho nên tôi biết nó rất rõ. Tôi luôn mang nó theo trong khi làm việc.
Khi tôi xuống tàu, ở bên phải tôi là một cây cột nhà ga và gần đấy có cái gì đó bọc trong giấy báo, có vẻ mùi cồn propyl thoát ra từ đây – tuy lúc đó tôi không để ý đến điều này. Tôi nhớ là đã có nhìn xuống đất để dò nguồn gốc của mùi đó. Khi đánh hơi tôi đã hít sâu. Muốn gì thì cồn isopropyl cũng đâu phải là hóa chất độc hại chứ.
Ở ga Kodemmacho, tôi chỉ thấy một người đang trong tình trạng xấu. Một người đàn ông. Tôi để ý thấy ông ta khi đi qua hàng rào soát vé: lưng tựa vào một cái cột, miệng sùi bọt và đang nôn, bàn tay run rẩy. Nhưng ông ta là người duy nhất như vậy nên tôi nghĩ là ông bị ốm hay gì đó.
Rời khỏi ga, tôi quyết định đi bộ đến Nihombashi. Nhưng lúc ấy tôi bắt đầu cảm thấy thực sự tệ hại: buồn nôn và chóng mặt. Mắt nhìn kém đi, hay đúng hơn là đeo kính hay không đeo thì cũng chả có gì khác nhau. Tôi không tập trung nhìn được. Mọi cái cứ loa lóa. Tôi cũng nhức đầu. Tôi không nhận ra được phương hướng, không biết mình đang đi đâu. Tôi nghĩ đi theo hướng mọi người thì sẽ đến một chỗ nào đó cho nên tôi cứ đi cùng với đám đông.
Mấy lần tôi phải ngồi xuống thở. Tôi muốn về nhà nhưng biết văn phòng ở gần hơn cho nên quyết định đi bộ đến làm việc. Nhưng tôi không nhận ra mình đang đi đâu và cứ đi tới đi lui tới hai, ba lần trên cùng con đường ấy. Đi bộ thật mệt quá! Tôi nghĩ mình bị tụt huyết áp. Tôi tính đi vào một cửa hàng để mua bản đồ Tokyo nhưng tôi không còn hơi sức đâu mà đọc nữa.
Bỗng dưng tôi phát hoảng, cho rằng có thể mình vừa bị đứt mạch máu nào đó. Mới đây bệnh này đang gia tăng ở những người ở quãng ba mươi tuổi. Chính lúc ấy tôi nhớ ra mình vừa vay để trả tiền đặt cọc mua nhà, và vợ tôi đang mang thai – chuyện này xem ra khá là tồi tệ. Nếu như ngay lúc ấy tôi hít phải nó thì sao?
Đi không nhìn thấy gì mà không hiểu sao tôi lại tới được ga Nihombashi. Tôi bắt tuyến Ginza đi Ginza, rồi từ đấy đi bộ đến văn phòng, tuy không nhớ gì cả về đoạn đường này. Không nhớ gì hết. Tôi đến văn phòng sau 8 giờ 45 một chút. Bắt đầu các thủ tục buổi sáng. Tôi thay trang phục làm việc và vào làm cùng mọi người nhưng đến đứng vững cũng không thể. Tôi sẽ không bao giờ biết mình đã xoay xở ra sao để thay quần áo, nhưng điều đó cho thấy tôi có đạo đức lao động mạnh mẽ. [cười] Sức mạnh của thói quen. Không thế tôi đã không đi làm trong trạng thái như vậy.

Không chịu đựng được hơn nữa, tôi đi đến Bệnh viện Hibiya. Tôi đến đó vào khoảng 10 giờ. Lúc ấy nhiều người đang được chạy chữa ở đó rồi. Khi tôi xem tin tức trên tivi và nghe họ nói đến cái cửa đầu tiên của toa xe thứ ba trên đoàn tàu đỗ ở Tsukiji, thì tất cả đều lóe lên: "Ô, kia chính là cái bọc giấy báo mình trông thấy khi xuống Kodemmacho." Tôi đã nhìn thấy, đánh hơi, cố tìm xem cái mùi khó chịu ấy ở đâu ra, cho nên tôi đã bị nặng hơn người khác.
Tôi ở bệnh viện một đêm. Các triệu chứng tan hết khi tôi được truyền dịch; mắt tôi dần khá lên.
Bây giờ tôi không gặp vấn đề sức khỏe gì đặc biệt. À, có thể trí nhớ tồi đi. Không phải tôi trở nên đãng trí, mà là tôi mất toàn bộ trí nhớ. Nó cứ thế mất sạch. Cho nên hễ có ai bảo tôi cái gì là tôi phải ghi lại ngay. Bằng không tôi sẽ quên.
Tôi đã dùng cồn isopropyl suốt mười năm trong nghề và tôi luôn nhận ra cái mùi ấy. [cười] Nhưng ông biết không, sau này theo dõi tin, tôi mới thấy ra là họ đã thực sự dùng cồn isopropyl để chế sarin. Đơn giản là tôi đã biết.
"Trong những tình huống như thế này thì dịch vụ cấp cứu chả giúp được gì nhiều cả."
Masanori Okuyama (42)
Tôi có ấn tượng với ông Okuyama rằng ông là một người trầm lặng. Nhưng phải công nhận rằng đây là lần gặp đầu tiên và chúng tôi mới chuyện trò chỉ chừng hai giờ đồng hồ cho nên tôi thật sự không thể khẳng định.
Sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng Đông Bắc, ông học ở một trường cao đẳng địa phương. Là anh cả trong ba anh em, ông là, như ông thừa nhận, "một đứa con ngoan ngoãn, bảo gì làm nấy."
Là một người cha nhân hậu, ông ít khi mắng hai đứa con. Khi tôi hỏi liệu ông có lo cho việc chúng sẽ sống như thế nào trong thế giới này không thì ông trả lời: "Tôi không bận tâm đến lắm."
Ông làm việc tại một hãng sản xuất thiết kế nội thất, bán buôn cho các cửa hàng bách hóa và chuỗi siêu thị lớn. Không như hầu hết những người làm nghề kinh doanh khác, ông không cần phải chiêu đãi hay biếu xén quà cáp nhiều. Thời này khách hàng tuyệt đối không chấp nhận quà biếu. "điều này giúp mình dễ tách bạch chuyện đời sống cá nhân và công việc hơn." Ông thường đáp xe điện ngầm qua tuyến Hibiya đến Kayabacho để đi làm.
Những ngày nghỉ, ông xem tivi hay thỉnh thoảng chơi trò chơi trên máy tính. Ông không ra ngoài uống rượu với đồng nghiệp và nhiều lắm chỉ uống một chai bia một ngày. Ông biết giới hạn của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận