Ngầm - Haruki Murakami


Anh Ogata làm nghề bảo trì phần mềm máy tính. Trong quá trình thu thập tư liệu cho quyển sách này tôi đã gặp khá nhiều người làm việc liên quan đến máy tính. Theo anh Ogata, "có rất nhiều công ty phần mềm dọc theo tuyến Hibiya" – vì những lý do không ai biết. Trùng hợp chăng?
Nói chung là những người làm việc trong ngành phần mềm hình như là: (1) "họ cực kỳ bận"; (2) "họ hay nhảy việc". Nhưng từ khi tốt nghiệp ra trường anh Ogata vẫn làm việc ổn định cho công ty này. Trong lĩnh vực của anh, chuyện này khá ngoại lệ và anh được đồng nghiệp rất ngưỡng mộ. Mà dù có làm việc dài hạn hay không, anh cũng bận rộn như bất cứ ai. Không phải người làm công ăn lương nào mà tôi chuyện trò cũng nói, "Ôi, chúng tôi ở đây sướng lắm. Khối thì giờ rỗi."
Nói cho thật chính xác thì những người trong ngành máy tính mà tôi gặp không hề "lập dị". Anh Ogata là típ người khá gọn gàng, sáng sủa, nói năng lưu loát – anh vừa mới sang tuổi ba mươi khi gặp tôi nhưng trông anh không đến thế - và là một thành viên có ích của xã hội.
Có lẽ khía cạnh này của tính cách anh đã làm cho anh ở lại vùng nguy hiểm lâu đến thế để giúp những người bị thương, khi chuyến tàu điện ngầm anh đi bị tai họa giáng vào ở ga Kodammacho. Kết quả là anh đã nhiễm phải một liều lớn sarin và cuối cùng đã bị thương như nhiều người anh cứu giúp. Anh kiềm chế mọi cảm giác oán hận đối với dịch vụ cấp cứu quá thiếu chuẩn bị nên đã không thể trợ giúp mọi người trong biến cố kiểu này.
° ° °
Tôi sinh ra ở khu Adachi [Bắc Tokyo] và luôn sống ở đó. Chính thức thì nơi đó thuộc Tokyo, nhưng nó lại kề với Saitama. Bố mẹ, chị và tôi sống với nhau ở đó. Một chị khác đã lấy chồng và dọn đi. Công việc khiến tôi luôn bận rộn. Tôi phải chịu trách nhiệm về nhiều việc cho nên thường làm việc đến mệt nhoài. Tôi phàn nàn với sếp không biết đã bao lâu, nhưng ông ấy không nghe. Khi công việc chồng chất lên, tôi phải làm đến mười hai, mươi ba giờ một ngày là chuyện thường tình. Tôi làm quá giờ nhưng không đòi hỏi quá nhiều, nếu không thì sếp tôi lại ca cẩm. Mà nếu tôi không làm quá giờ thì công việc sẽ không thể hoàn thành.
Sao chúng tôi lại bận thế à? Cạnh tranh giữa các công ty, chắc thế. Gần đây, bất cứ lúc nào tôi có công việc đi đâu cũng thấy ở đó có hai hay ba công ty dính vào rồi. Ông không thể ngồi quanh mân mê ngón tay được. Các ngày cuối tuần, tôi chỉ ngủ hay đi thăm bạn bè. Tôi có hai máy tính ở nhà vẫn dùng để làm việc. Đúng thế đấy. Cả vào những ngày nghỉ. Tôi đâu có muốn thế. Nhưng đơn giản là công việc có bao giờ hết đâu. Không thế thì tôi không làm xong được. [cười] Bố mẹ đã đầu hàng tôi. "Đủ là đủ!" các cụ bảo tôi, "sao chỉ mình anh phải tự giết mình cơ chứ?" Nhưng các cụ muốn nói thế nào thì tôi vẫn cứ phải làm việc.
Trong nghề máy tính, ngoài 30 tuổi là đã bị đào thải. Họ cứ tiếp tục cho các hệ thống và tiêu chuẩn mới, ngày càng khó cho ông xoay xở để khỏi lạc hậu. Những cha giỏi nhất trong công ty chúng tôi phần lớn đều khoảng 22, 23 tuổi. Ngoài tuổi đó thì thường họ sẽ bỏ công ty. Không ai ở lại mãi mãi trong lĩnh vực này.
Công ty tôi ở Roppongi. Tôi bắt xe buýt đi ga Gotanno vào quãng 7 giờ rồi đáp chuyến tàu 7 giờ 42 hay 7 giờ 47 của tuyến Hibiya đi Naka-meguro. Chật không tin nổi. Đôi khi thậm chí mình không lên được tàu. Nhưng đông như vậy mà đến Kita-senju người vẫn cứ chen vào thêm. Mình bị kẹp vào y như nhân bánh sandwich ấy. Tôi đang nói đến cái khốn khổ về thể xác. Mình cảm thấy như bị nghiền cho đến chết, hay hông mình bất ngờ bị văng ra khỏi khớp. Người mình bị vặn đến biến dạng và mình chỉ còn có thể nghĩ, "Ôi, đau thế!" Mình bị hành cho tơi tả giữa tất cả đống đó, chỉ có đôi chân là vẫn nguyên tại chỗ mà thôi.
Đi tàu điện ngầm hàng ngày như thế thật đau đớn, theo nghĩa đen. Cứ đến sáng thứ Hai, tôi lại nghĩ, "Hôm nay có thể ta không lên được tàu…" [cười] Nhưng ông biết đấy, dù cho đầu ông đang nói, "Không đâu, tôi không muốn đi!" thì cơ thể ông vẫn cứ tự động lên đường tới sở.
Nếu ai cũng có máy tính nối mạng với cơ quan thì sẽ chẳng cần phải đi tàu điện ngầm nữa. Thậm chí bây giờ thì điều đó cũng không phải là không thể. Ông thậm chí có thể họp hành nhờ dịch vụ điện thoại hội nghị cơ mà. Ông có thể chỉ cần một tuần đến sở một lần – có thể một ngày nào đó điều này sẽ xảy ra.
Hôm 20 tháng Ba vì có sương mù trên song Tone, tôi bị lỡ mấy chuyến tàu. Cuối cùng tôi đã bắt chuyến tàu 7 giờ 50 gì gì đó mà do các chuyến khác bị hoãn mãi nên đã bị lèn chật ních. Kinh hoàng. Thứ Sáu vừa qua tôi bị cảm và sốt cho nên đã xin nghỉ một ngày. Nhưng thứ Bảy tôi lại đến sở làm, phải thay đổi hệ thống ột khách hàng. Tôi nghỉ Chủ nhật, ngủ suốt cả ngày. Thứ Hai còn lơ ma lơ mơ, tôi thật sự muốn xin nghỉ một hôm nữa nhưng đã lỡ bảo sếp là sẽ đến mất rồi.
Khá đông người xuống tàu ở ga Ueno, cho nên cuối cùng tôi cũng đã thở được. Không hiểu sao tay tôi lại đang bám vào một cái quai nắm. Tôi thường làm gì khi đi tàu điện ngầm à? Chẳng gì cả. Tôi chỉ nghĩ, "Ôi, mình muốn ngồi!" [cười]
Hôm ấy tàu đỗ ở giữa Akihabara và Kodemmacho. Rồi có thông báo về một vụ nổ ở Tsukiji: "Tàu sẽ đỗ ở Kodemmacho." "Chết tiệt," tôi nghĩ, "hết sương mù lại đến vụ này. Mình đúng là không gặp ngày." Tôi đã bị muộn lắm rồi.
Tàu chỉ đỗ lúc ấy rồi đi tiếp đến Kodemmacho. Tôi đinh ninh sớm muộn gì nó cũng lại chạy nên ngồi chờ ở trên tàu. Nhưng sau đó không lâu lại có thông báo, "Đoàn tàu này đỗ lại ở đây. Chúng tôi không chắc tàu còn chạy nữa hay không." Tôi còn làm được gì ngoài việc xuống tàu? Tôi quyết định đi taxi hết đoạn đường còn lại đến sở. Vậy tôi leo cầu thang đến rào soát vé rồi lên mặt đất. Thình lình tôi bắt gặp một quang cảnh lạ lùng chưa từng thấy. Người ta đổ gục xuống như ruồi trên khắp quảng trường.
Đi toa thứ ba kể từ cuối, tôi tuyệt đối không biết chuyện gì xảy ra ở đầu sân ga. Tôi đang đi lên mặt đất, rủa thầm như tất cả mọi người, thì trông thấy ngay trước mặt ba người ngã xuống, sùi bọt mép, chân tay co giật: "Cái quỷ gì xảy ra thế này?" tôi nghĩ.
Gần tôi nhất là một người đàn ông đang run rẩy tứ chi, toàn thân rung bần bật và miệng sùi bọt mép, kiểu như lên cơn động kinh gì đó. Tôi há hốc miệng ra nhìn ông ta. Biết là nghiêm trọng, tôi chạy đến hỏi ông ta xem có chuyện gì. Tôi có thể thấy ông đang cần chăm sóc ngay lập tức. Đúng lúc ấy, một người đi ngang qua, nói, "Sùi bọt mép thế kia là nguy hiểm lắm, tốt nhất là anh ột ít báo vào miệng ông ấy." Vậy là cả hai chúng tôi giúp ông ta. Sau đó là hàng đoàn người kiệt sức từ hàng rào soát vé ở bên dưới liên tục kéo lên rồi đổ kềnh xuống đất. Tôi không thể mò nổi đã xảy ra chuyện gì. Một vài người đang ngồi bỗng ngã kềnh ra nằm bẹp.
Một cảnh tượng kỳ lạ. Ở đằng sau tòa cao ốc gần đấy, ông già này – ý tôi là già thật sự - đã ngừng thở và không có mạch. Ông đã bất động ngay ở chỗ ông nằm. "Đã có ai gọi xe cứu thương chưa?" tôi hỏi người ở gần tôi nhất. "Gọi rồi," ông ta nói, "nhưng chả xe nào đến." Rồi một người khác nói: "E không kịp mất. Cứ chờ xe cứu thương thế này thì chết mất." Chúng tôi quyết định phải cố dừng các xe đi ngang lại và nhờ tài xế giúp mang từng người một ra.
Đèn đỏ vừa bật, chúng tôi nhảy ra trước đầu các xe van xin họ: "Làm ơn, các ông cần mang chúng tôi đến Bệnh viện Thánh Luke." Đó là bệnh viện gần nhất. Chúng tôi xin chủ yếu là các xe van nhiều chỗ, nghĩ chúng có thể chở năm, sáu người. Tất cả đều đỗ lại với chúng tôi và khi chúng tôi nói rõ tình hình thì họ đều hiểu và đưa chúng tôi đi.
Tôi chắc đã làm việc này trong vòng một giờ, giúp mang qua đường những người đã tự lê lết bò được lên trên mặt đất. Chúng tôi chuyền cho họ đi như một kíp chuyền tải. Chúng tôi chia nhau ra thành "nhóm khiêng" và "nhóm chặn xe."
Xe cứu thương mãi không đến. Cuối cùng một chiếc hiện ra, nhưng sau một tiếng rưỡi đồng hồ. Nó đến từ cách đây hàng dặm đường vì tất cả các xe khác đều ở Tsukiji hết. Mỗi một xe cứu thương!
Tôi cũng đến bệnh viện bằng taxi. Tôi quá mải bận giúp người, cuối cùng giúp xong thì chính mình cũng bắt đầu có biểu hiện triệu chứng. Lý do chủ yếu là tôi đã lại quay xuống sân ga. Nghe nói một nhân viên nhà ga ngã quỵ và một nhân viên khác đi lên, nói, "Ai đó giúp tôi một tay với?" Thế là tôi lại xuống cùng mấy người nữa rồi hít phải sarin. Vào lúc ấy, sân ga đầy hơi độc.
Nhân viên ngã quỵ đó đã hầu như bất tỉnh và đang ấp úng cái gì về, "Không, không, tôi phải ở lại đây, tại nhà ga." Chả hiểu sao, ông đã cúi gập người lên hàng rào soát vé mà vẫn cứ nói, "Tôi phải ở lại đây." Chúng tôi phải dùng sức kéo ông ta ra ngoài.
Tôi không hề do dự khi xuống sân ga. Sợ hay không, cái này thậm chí tôi cũng không nhận thấy; chúng tôi quá ư tuyệt vọng. Tôi chỉ biết mỗi một điều là chúng tôi phải giúp. Chỉ một dúm người là còn có thể đứng vững, sao chúng tôi lại không giúp họ được cơ chứ? Xuống sân ga, có một mùi như chất làm loãng sơn. Tôi nhớ là đã nghĩ, "Lạ thật, ai lại làm ánh sáng lù mù đi thế này?" Đồng tử tôi đã co lại.
Sau khi chúng tôi đưa hết người bị thương đi và lấy lại hơi, tôi đang cố tìm bắt taxi để đi làm thì bắt đầu cảm thấy yếu mệt. Đầu tôi đau, tôi buồn nôn, mắt tôi ngứa. Những người khác bảo tôi, "Nếu anh thấy là lạ trong người thì nên đi bệnh viện."
Ba chúng tôi đi chung một taxi. Một người từ Osaka hay Nagoya lên Tokyo vì công chuyện làm ăn cứ làu bàu: "Sao lại xảy ra chuyện này hôm nay cơ chứ? Tôi chỉ vừa mới đến đây." Tôi ngồi ở ghế đầu, hai người ở ghế sau chắc khá váng vất cho nên suốt đường chúng tôi hạ cửa sổ xuống. Đường ùn tắc. Ga Tsukiji bị cấm vào và không có cách nào khác đi vào các phố nhỏ phía sau nên chúng tôi phải đi thẳng dọc đại lộ Harumi xuống, nó cũng đang chật cứng, thật sự hỗn loạn.
Ở bệnh viện họ khám mắt và truyền dịch cho tôi ngay lập tức. Chỗ này y như một quân y viện tiền phương, người truyền dịch nằm thành hàng ở hành lang… Tôi truyền hai chai và rồi các triệu chứng của tôi lúc ấy không tệ lắm nên tôi về nhà. Bác sĩ còn hỏi tôi, "Anh ở lại hay về nhà?" nhưng tôi đã kiệt sức, tựa như vừa mới rời bãi chiến trường nên thậm chí còn không để ý thấy mình mệt hay yếu hay gì nữa.
Lúc về nhà, mắt tôi thực sự đau. Tôi hầu như không ngủ được chút nào suốt một tuần. Tôi nhắm mắt, nhưng mắt cứ đau – suốt đêm cho tới sáng – … và điều đó khiến tôi kiệt sức. Cho nên tôi lại đến bệnh viện để làm thêm xét nghiệm, thì được cho biết là mức cholinesterase của tôi đang xuống thấp và tôi đang có biểu hiện bị nhiễm sarin. Giá như họ nói với tôi sớm hơn. Ngay từ vụ Matsumoto họ đã biết các triệu chứng nhiễm sarin là như thế nào và lẽ ra họ phải có các thể thức xét nghiệm rồi mới phải. Mà Thánh Luke là một trong những bệnh viện tốt rồi đấy. Phần lớn các bệnh viện khác trang bị nghèo nàn đến độ thành ra trò cười.
Các xét nghiệm cho thấy chức năng thận của tôi sa sút nghiêm trọng. "Anh đang ở trong vùng nguy hiểm," họ bảo tôi. Mà không chỉ tôi, những người khác cũng cho thấy các dấu hiệu tương tự. Rõ ràng là có một cái gì liên quan đến chất hòa tan có thành phần cồn mà họ dùng làm dung môi cho sarin. Thậm chí cái họ gọi là "cơ quan câm lặng" cho nên ông không bao giờ biết được. Không đau. Họ bảo tôi phải hoàn toàn từ bỏ rượu, nên một thời gian dài sau tôi đã không uống.
Cuối cùng tôi nghỉ việc một tuần và không làm thêm giờ gì cả trong suốt ba tháng sau đó. Sếp tôi hiểu và điều này đã thật sự giúp được tôi.
Nhưng nói thật lòng thì tôi nghi ngờ năng lực của cảnh sát và cơ quan cứu hỏa. Đành rằng họ đã nhảy vào việc từ đầu ở Tsukiji, nhưng kiểu gì thì họ vẫn đến giúp Kodemmacho quá muộn. Lúc họ đến, chúng tôi đã từ bỏ hy vọng vào họ từ lâu. Tôi băn khoăn không biết sẽ ra sao nếu chúng tôi không tự thân vận động làm gì đó. Coi như cảnh sát không có kinh nghiệm về chuyện này đi, nhưng cái tôi muốn nói ở đây là họ vô dụng. Hỏi họ nên đến bệnh viện nào, những thông tin này chưa được nạp vào đầu họ nên họ phải gọi điện làm mất những mười phút. Chỉ mỗi một câu hỏi đơn giản: "Bệnh viện nào?" thế thôi.
Cảnh sát chỉ xuất hiện khi công việc cứu hộ thực tế đã xong xuôi. Lúc ấy họ mới bắt tay chỉ dẫn lối ra vào ỗi một xe cứu thương đã đến. Tôi không biết có gì không ổn với hệ thống trực chiến xử lý tai họa ở Nhật nữa. Sau ngần ấy nạn nhân sarin ở vụ Matsumoto, lý ra họ đã phải học lấy một hai bài học rồi chứ. Họ đã xác định được mối liên hệ giữa Aum và sarin từ dạo ấy. Nếu họ bám riết lấy việc đó thì toàn bộ vụ đánh sarin lần này sẽ không xảy ra, hay ít nhất thì tôi cũng qua được đận này với những tổn thương bớt nghiêm trọng hơn.
Ở bệnh viện tôi đã thấy một vài người khác từng giúp tôi cứu nạn nhân lúc ở ga Kodemmacho. Một số đang nằm bẹp. Tất cả chúng tôi đều hít phải sarin. Tôi không muốn giữ im lặng về chuyện này; giữ im lặng là một thói quen xấu của người Nhật. Tôi biết bây giờ mọi người đang bắt đầu quên đi tất cả sự cố này, nhưng tôi tuyệt đối không muốn ai quên nó.
Và tôi tiếp tục phản đối: tại sao người ta không đặt ra chính sách đối xử nào đối với các rối loạn stress sau chấn thương? Tại sao chính phủ Nhật không có một đánh giá chính xác về tình hình sức khỏe hiện nay của những người bị thương? Tôi sẽ đấu tranh cho vấn đề này.
"Chết như thế này thì thảm quá"
Michiru Kono (53)
Ông Kono sinh ra ở một gia đình nhà nông tại Oyama, Tochigi (phía Bắc Tokyo) năm 1941, năm bắt đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Sau khi tốt nghiệp trung học, qua một người bạn, ông vào làm tại một nhà in tại Kayabacho. Thời ấy xe ngựa kéo còn lăn bánh qua các khu cửa hàng bán sỉ của Tokyo. Những ngày ấy, bạn có thể ngồi trên nóc nhà ở Kayabacho nhìn thẳng tuốt tới ga Tokyo. Ông sống trong khu tập thể của nhà máy cho tới 21 tuổi. Để giải trí thì có xinê hay đi chơi xa cùng các bạn đồng nghiệp đến vùng đồi.
Năm 1960, 28 tuổi, ông lấy vợ. Bây giờ hai vợ chồng ông sống ở Soka, Saitama, có hai con đều đang ở tuổi đôi mươi. Người ông vạm vỡ và chưa đau ốm bao giờ. Ông thề rằng gốc rễ của sức khỏe là ăn uống điều độ. Nếu đêm nào ông ra ngoài uống thì hôm sau tuyệt đối ông không đụng đến một giọt cho dù vợ ông có quên mất mà mở một chai bia ra. Ông có ý chí mạnh mẽ như vậy đấy.
Bây giờ tuần một lần ông đến bể bơi một tiếng. Vụ đánh hơi độc đã hủy hoại sức khỏe của ông cho nên ông bắt đầu chế độ này.
Ông thích cây thế bonsai. Nói đến cây thế là mặt ông sáng lên và ông sẽ nói không ngừng. Nhưng sau vụ đánh hơi độc, ông quá đỗi bấn loạn và hoang mang nên quyết định đem cho những cái cây yêu quý ấy của mình. May sao ông đã đổi ý, nhưng chỉ sau khi một người bạn đã lấy đi mười cây khỏe nhất, đẹp nhất.
° ° °
Công ty chúng tôi in sổ cái kế toán. Tôi làm việc ở đây đã ba mươi chín năm. Từ 1957. Chả có chỗ nào khác để mà đi. [cười]
Gần đây làm ăn không được tốt lắm. Ai cũng xài máy tính nên nhu cầu về sổ cái kế toán không nhiều nữa.
Bây giờ họ chỉ bấm nút một cái là tất cả thòi ra, in xong xuôi. Cứ việc xé rồi cho vào phong bì mà gửi qua bưu điện. Hết. Cho nên nhu cầu mẫu hóa đơn và giấy tờ giao hàng cũng chẳng còn. Từ giờ về sau chắc sẽ càng tệ hơn. Bây giờ công ty chúng tôi còn tám người thôi. Trước đây có những hai mươi lăm cơ.
Tôi thường ngủ dậy lúc 5 giờ và việc đầu tiên tôi làm là tưới cây thế. Trước khi tôi uống nước thì cây thế phải được uống cái đã. Ba ngày tưới một lần là đủ nhưng mùa hè thì ngày ngày. Tôi có tám chục chậu cho nên cũng không ít việc. Mất ít nhất nửa giờ. Sau đó tôi ăn sáng, mặc quần áo và rời nhà vào quãng 7 giờ. Tôi đi bộ đến ga Matsubara Danchi và bắt chuyến 7 giờ 17. Nhưng hôm ấy do hoàn cảnh tôi bắt một chuyến tàu khác.
Ngoài cây thế, sự thật là tôi còn mê câu cá nước ngọt. Sau khi đi câu tôi thường nghỉ một ngày. Ông cần có nhiều đồ nghề, ủng, cần câu, đủ kiểu lệ bộ khác. Mà tôi không thể không tự tay lau chùi vệ sinh cho từng món trong mấy thứ đồ nghề đó của tôi. Kiểu tôi là như thế mà. Nên tôi mới phải nghỉ ngày hôm sau chứ.
Thường thì tối thứ Bảy tôi và mấy ông bạn lái xe từ Kawaguchi tới tận Niigata. Chúng tôi không ngủ và trời vừa rạng sáng là chúng tôi bắt đầu câu, có khi câu từ rạng đông cho tới 1 giờ chiều. Chúng tôi bắt đầu ở hạ lưu, dần ngược lên, rồi lại xuôi dòng và quay về thị trấn. Khi đường cao tốc Kanetsu tắc thì không xe nào chạy nổi, nên phải đến chín mười giờ đêm tôi mới về được nhà. Tôi nghỉ việc thứ Hai tiếp sau. Vào ngày cuối tuần đó [18/19 tháng Ba], chúng tôi đến sông Daimon ở Nagano, ngay dưới hồ Shirakaba. Tôi về nhà lúc 8 giờ tối Chủ nhật.
Nhưng thứ Hai tiếp đó tôi lại có việc, đúng như tôi vẫn mong đợi, nên không nghỉ được. Tôi tạm dẹp chuyện lau chùi đống đồ nghề câu to tướng, gom vội chúng lại thành thử rời nhà muộn mất mười phút so với thường lệ. Tôi không ngủ quá giấc. Tôi không ngủ quá giấc bao giờ.
Tôi đổi tàu ở Takenozuka sang chuyến tàu đầu tiên buổi sáng của tuyến Hibiya. Tôi có thể đổi ở Kita-senju nhưng nó đông phát sợ. Bảy tám năm trước tôi từng bị vỡ kính ở đấy. Tôi bị đè bẹp khi tất cả bọn họ cứ thế mà nhồi lèn tiếp vào. Sau đó tôi thôi đi tuyến Kita-senju. Tôi có nhiều cơ hội kiếm được ghế ngồi trên chuyến tàu đầu tiên của tuyến Takenozuka hơn. Rồi tôi đọc sách về cây thế hay tạp chí.
Nhưng hôm ấy bị muộn nên tôi đã đi chuyến muộn hơn. Tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai bên tay phải, nhìn về phía mũi đoàn tàu, gần cửa giữa của toa thứ ba kể từ đầu tàu. Các nhân viên điều tra đã hỏi đi hỏi lại tôi điều này cho nên tôi nhớ thật rõ. Chừng nào còn sống thì tôi sẽ không quên. [cười]
Thực ra công việc tôi làm lúc ấy có liên quan đến bệnh AIDS. Chúng tôi in nhãn ột công ty dược phẩm. Nhãn hai màu để dán vào sản phẩm và ngày 25 tháng Ba phải giao hàng. Chúng tôi phải bắt đầu in ngày 22, nên tôi phải đến làm và chuẩn bị khuôn in.
Trên đường – ngay trước Akihabara, phải thế không nhỉ? – tàu dừng lại. Có thông báo: "Đã xảy ra sự cố ở ga Tsukiji, chúng ta sẽ chờ ở đây một lát." Nhưng chúng tôi không ở đấy quá lâu nên tôi không thấy lo ngại. Chuyện như thế này lúc nào mà chả có. Rồi chúng tôi lại dừng nữa ở giữa Akihabara và Kodemmacho và lại có thông báo. Cái gì đó về vụ nổ khí ga ở ga Tsukiji. Nó được nhắc lại hai lần. Các toa bắt đầu xôn xao.
Năm sáu phút sau, hình như thế, tàu chúng tôi từ từ nhích vào ga Kodemmacho. Rồi bỗng nhiên tôi nghe thấy một phụ nữ rú lên. Quang quác chói tai như tiếng vẹt – ít ra tôi nghĩ đó là một phụ nữ. Tiếng rú ở bên ngoài toa. "Giờ lại đến chuyện gì đây?" tôi nghĩ, nhưng sân ga quá đông, nên tôi không nhìn thấy gì từ trong toa cả.
Lại một thông báo nữa: "Chúng ta sẽ đỗ lại ở đây một lúc." Đến lúc này, có lẽ một phần ba hành khách đã xuống. Nhưng tôi vẫn ngồi. Dựa vào kinh nghiệm trước đây, tốt hơn vẫn là ở lại: có khi tàu lại chạy. Cố đổi tàu mà bị kẹt thì ngu xuẩn lắm.
Vậy đấy, tôi chờ được ba, bốn phút thì lại có thông báo: "Đoàn tàu này ngừng phục vụ." "Làm ăn thế đấy," tôi nghĩ và đứng lên. Từ Kodemmacho đến Kayabacho còn hai ga nữa, đi bộ chắc mất ba bốn mươi phút. Nếu rảo chân, tôi có thể đến được sở khoảng 9 giờ hơn một chút. Tôi lấy một cái túi giấy để ở giá bên trên chỗ ngồi xuống và bước ra sân ga. Cách tôi một chút về phía đầu toa, gần một cái cột có một người nằm ngửa mặt lên, chân tay giãy giãy tựa như đang trút hơi thở cuối cùng.
Tôi đặt cái túi vào cạnh tường và giữ chân ông ta cho khỏi đá nhưng tôi không thể ghìm chặt được, ông ta co giật dữ quá. Mắt ông nhắm chặt. Tôi ở đó chừng sáu, bảy phút, chỉ giữ lấy ông, nhưng cuối cùng thì ông đã chết. tôi biết vậy. Ông là người chết thứ mười một. Tên ông là Tanaka, ông sống ở Urawa, 53 tuổi – cùng tuổi với tôi.
Tôi không phải loại người thấy hoạn nạn mà bỏ đi. Thấy có chuyện là tôi vào giúp một tay liền. Người ta hay bảo tôi, "Ông không nên đi tầm lấy rắc rối." [cười] Nhưng tôi không nhìn khác đi được. Gần đó, một phụ nữ cũng đã khuỵu xuống và có chừng mười người đang ở quanh cô ta. Ông không thể thận trọng quá mức chỉ vì phải chạm đến một phụ nữ, mà với tư cách con người với con người, ông có thể giúp mà không ai thắc mắc gì. Dù sao thì họ cũng đã đứng ở quanh cô. Tôi đang phục xuống cho nên có thể nhìn thấy cô qua chân họ. Cô tên là Iwata, 32 tuổi. Hai ngày sau cô qua đời.
Tôi bắt đầu hét với mọi người đi dọc sân ga. "Có một người ốm ở đây, ai đi gọi hộ nhân viên nhà ga với!" Tôi nhìn xung quanh nhưng ở trên sân ga chẳng thấy bóng dáng nhân viên nhà ga nào cả.
Khá mau sau đó một người xuất hiện, nhưng lại đi thẳng đến chỗ người phụ nữ chứ không đến chỗ tôi. Cho nên tôi gọi to, "Đây, đằng này!" Nhưng ông ta nói, "Chỉ có mình tôi, mà tôi thì không thể làm cùng lúc ở hai nơi được." Sau này tôi nghe nói nhân viên nhà ga ấy cuối cùng cũng lâm bệnh nghiêm trọng và suýt nữa thì mất mạng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui