CHƯƠNG 7: TÀU ĐIỆN NGẦM THỦ ĐÔ TOKYO:-♦-GA KODEMMACHO-♦-TÀU KHÔNG RÕ SỐ-♦-
Anh Yamazaki là người thanh niên mà Ichiba đã thấy ngã khuỵu bất tỉnh ở trước ga Shibuya. Tìm anh có mất công, nhưng trong quá trình làm các cuộc phỏng vấn này, chúng tôi đã lần được theo nhiều đầu mối khác nhau.
Hoàn toàn ngẫu nhiên, Yamazaki từng cùng học trung học tại Kyoto với Yoshihiro Inoue ở Ban chỉ huy cấp cao Aum. Anh trông thấy mặt người bạn cùng lớp cũ trên tivi và nhận ra ngay. "Kìa, Inoue!" Anh và Ionue chưa bao giờ hợp nhau, và nói chuyện với anh ta thì sẽ dễ dàng thấy tại sao. Anh Yamazaki thích môn trượt tuyết, bóng rổ, các loại xe tốc độ cao (tuy anh nói gần đây đam mê này có nguội đi nhiều) và gần như là một típ người thể thao thoải mái; anh không có gì giống với Yoshihiro Inoue bí ẩn, hướng nội và thậm chí đa cảm thi ca. Từ lúc gặp Inoue trên xe buýt nhà trường, anh đã tự dặn mình, "Tay này không là bạn được. Cả nói chuyện cũng không." Mười năm sau ấn tượng đầu tiên tiêu cực ấy, ở trên tàu điện ngầm Tokyo xa xôi, những mối nghi ngờ của anh đã được xác nhận không mong đợi và kinh hoàng. Kỳ lạ thay những gặp gỡ của một đời người.
Là người mê trượt tuyết, cứ đến mùa đông thì ít nhất một tuần một lần, bất chấp có bận thế nào anh cũng tìm ra thì giờ lên các dốc núi cùng với cô bạn gái. Điều tốt đẹp duy nhất mà sau vụ đánh hơi độc mang lại là nó làm cho anh và cô bạn gái thêm gắn bó. Nó có vẻ đã bắt buộc anh trưởng thành mau chóng. Anh tò mò muốn biết Yoshihiro Inoue rồi sẽ ra sao.
Anh Yamazaki sống với bố mẹ và em gái ở Shin Urayasu, phía Đông vịnh Tokyo.
Tốt nghiệp xong tôi tìm việc rất khó, mọi nơi đều thẳng thừng nói: "Không!" Tôi muốn làm trong lĩnh vực thiết kế thời trang nhưng các hãng lớn lại không tuyển ai cả. Vậy nên tôi quyết định thử sức ở các lĩnh vực khác – kiến trúc, viễn thông, bất cứ cái gì không dính đến thực phẩm. Cuối cùng tôi vẫn tay trắng hoàn tay trắng. Đó là năm sau vụ nổ bong bóng kinh tế Nhật, chẳng đâu có việc làm.
Không hiểu sao tôi lại xoay xỏa vào được ngành may mặc, làm ở đó cho tới tháng Ba vừa rồi. Tôi bỏ vì cảm thấy tôi chưa bao giờ tự thúc mình làm hết sức. Tôi thích việc gì đó khiến tôi được đánh giá cao hơn.
Tháng Mười vừa rồi, tôi nói điều này với bạn gái và cô ấy cũng quyết định bỏ việc nốt. Chúng tôi thế là thất nghiệp. Nhưng thực tế thì chúng tôi lại đến công ty của bố cô. Nó là một xí nghiệp nhỏ gồm 15 nhân viên. Chúng tôi làm cà vạt của đàn ông, được một hãng Ý nhượng quyền thương hiệu, với ba cửa hàng bán lẻ của chính mình ở Tokyo.
Bây giờ tôi bán hàng ở đó, như thế là nhất. Nhưng nó hoàn toàn là công việc của gia đình. Khi vào đây tôi đã ăn cơm tối với ông chủ tịch công ty – bố bạn gái tôi – và ông đã hỏi tôi. "Cậu có dự định lấy con gái tôi không đấy?" Tôi đang định cầu hôn cô ấy khi xây dựng xong bản thành tích của mình với công ty thì đấy, cơ hội lại hay thế chứ! [cười] "Dĩ nhiên rồi, thưa chủ tịch," tôi nói với ông, "Mai tôi sẽ lấy cô ấy ạ." Thì ông ấy nói, "Được rồi được rồi, hãy gác chuyện ngày giờ lại đã, nhưng cậu dứt khoát là người công ty chúng ta cần."
Ngày 20 tháng Ba, ngày xảy ra vụ hơi độc… Ừm, để xem nào, chúng tôi có bận không à? Chờ tôi một phút nhé. Tôi vẫn còn giữ quyển sổ Filofax ghi lịch làm việc từ ngày ấy (đi vào buồng lấy nó ra). Hừm, có vẻ chúng tôi bận thật. Mấy cửa hàng mới khai trương, cho nên tôi về nhà muộn, lúc 11 hay 12 giờ đêm. Vâng, đúng thế, những ngày ấy tôi còn đến trường học lái xe nữa.
Tôi bị lột bằng và đang cố xin cái mới. Tôi chạy xe phạm lỗi ba lần, hai lần vì quá tốc độ ở Hokkaido. Một khi ông đã bị lột bằng thì họ bắt ông vào trường học lại tất tần tật từ đầu.
Sáng 20 tháng Ba, tôi rời nhà sớm hơn thường lệ nửa giờ. Thứ Hai là phải vào sổ kết toán số liệu bán hàng những ngày cuối tuần. Cả họp hành nữa. Cho nên tôi dự tính sẽ đến vào quãng 8 rưỡi. Vì thế mà tôi xộc thẳng vào vụ đánh hơi độc. Nếu không phải là thứ Hai thì tôi đã thoát rồi.
Sáng ấy đầu óc tôi khá lơ mơ. Sau những ngày cuối tuần tôi thường như thế. Hôm trước, Chủ Nhật, tối tôi ra ngoài làm việc. Tôi đến một cửa hàng ở tận Machida để bàn việc với bộ phận bán hàng ở đấy, quyết định cách bố trí, thay đổi cách bày hàng. Những việc như thế này chỉ có thể làm được lúc cửa hàng đã đóng.
Hôm sau là ngày nghỉ lễ Xuân Phân nhưng tôi vẫn phải đi làm. Tôi phải đến lễ khai trương một cửa hàng mới trang trí lại ở Ginza. Ngành thời trang có vẻ như toàn là trình diễn, óng ánh lung linh nhưng kỳ thật ở bên trong thì gian nan lắm. Mà lương bổng cũng không cao như người ta tưởng.
Ở tuyến Hibiya, tôi thường lên toa thứ nhất hay thứ hai tính từ đầu tàu. Tôi vừa mới đổi tàu ở Hatchobori thì có thông báo, "Vài ba hành khách bị đau yếu. Chúng ta sẽ dừng tàu ở Tsukiji, ga sau. Xin cảm ơn các vị vì đã hợp tác." Khi đến Tsukiji, tàu đỗ và cửa mở thì – rầm – bốn người ngã đổ kềnh ra khỏi toa ngay sau toa tôi. Đổ thẳng ra khỏi cửa.
Một nhân viên nhà ga đi đến như thường lệ khi có người bị ngất nhưng ở đây họ lại đang cố vực người ngã dậy, điều này xem ra lạ. Đó là lúc bắt đầu nhốn nháo. Một nhân viên nhà ga hét vào micro. "Xe cứu thương! Xe cứu thương!" Rồi thì, "Hơi độc! Mọi người xuống tàu hết! Ra hàng rào soát vé rồi đi thẳng lên trên mặt đất."
Tôi không chạy. Tôi nghĩ sao phải chạy? Tôi gần như không tập trung. Tôi vừa xuống sân ga vừa nghĩ mình có nên ngồi xuống không. Thật tình tôi không để ý lắm. Cũng có những người khác nữa không chạy. Không có thông báo nào nói tàu sẽ lại khởi hành, nhưng cuối cùng thì mọi người đều đã nối hàng theo nhau đi ra. Chỉ đến lúc ấy tôi mới ngạc nhiên. "Thế ra ông bảo là tôi cũng phải đi à?" Rồi đứng lên. Tôi đại loại là người cuối cùng.
Chẳng ai có vẻ vội vã ra khỏi đây. Họ đi thủng thẳng. Các nhân viên nhà ga mới là những người hò hét nhiều hơn. "Xin đi nhanh lên! Ra ngoài!" Tôi không thấy được mối nguy hiểm nào. Không nổ hay cái gì cả. Nhân viên thì nhớn nhác hết cả lên trong khi hành khách lại đủng đà đủng đỉnh. Vẫn có những người nhởn nha trong nhà ga, cố quyết định xem làm gì.
Những người khuỵu xuống vẫn không cựa quậy. Họ ngất xỉu à? Hay là đã chết? Vài người chân còn trên toa mà người lại ở dưới đất, cần phải kéo họ ra. Tôi vẫn chưa cảm thấy nguy hiểm. Không hiểu vì sao. Nhớ lại chuyện này, thật lạ là sao tôi lại không sợ chứ? Nhưng lúc đó thì đâu có ai sợ.
Tôi không lại chỗ những người bị thương mà đi đến cửa ra của đền Tsukiji Honganji. Bất chợt một mùi ngòn ngọt, thật sự ngọt, như dừa vậy, xộc vào mũi tôi. Đang leo cầu thang, tôi nghĩ, "Cái gì thế nhỉ?" rồi dần dần thấy khó thở. Lúc ấy tôi nhớ ra là phải gọi điện cho công ty báo mình sẽ đến muộn. Có một cửa hàng xén ở gần cửa ra, tôi đã gọi điện ở đó. Nhưng vẫn còn quá sớm để gọi điện đến công ty nên tôi gọi về nhà. Mẹ tôi trả lời, tôi bảo mẹ, "Chẳng hiểu sao tàu lại đỗ ở Tsukiji nên con không đến sở làm đúng 8 rưỡi được."
Ngay trong lúc gọi cuộc điện thoại ngắn ngủi ấy, tôi đã khó thở rồi. Không phải như cổ họng tôi bị chẹn hay cái gì đó, tôi vẫn thở nhưng không nhận được đủ ôxy. Tôi hít, hít mãi nhưng tựa hồ phổi tôi không hoạt động. Lạ lùng. Giống như bị hụt hơi vậy.
Chỉ có lúc ấy tôi mới bắt đầu nghĩ có chuyện gì đó là lạ, rằng có thể nó có liên quan tới những người bị ngã trên sân ga. Gọi điện xong, tôi quay lại để nhìn tìm cửa ra, nơi tôi sẽ đi lên. Tôi thở hổn hển, nhưng tôi phải biết là đang xảy ra chuyện. Ngay lúc đó, vài người lính của Lực lượng Phòng vệ hay ai đấy có trời mới biết, đeo mặt nạ và thiết bị chiến đấu đặc biệt đi xuống cầu thang. Những nhân viên nhà ga đang được đưa lên bằng cáng. Trông họ hoàn toàn như bị dại: chảy dãi, mắt trắng dã. Một người trong họ không còn phản ứng với bất cứ thứ gì, một người khác hình như đang lên cơn, không thể đi thẳng người, đau đớn rên rỉ. Lúc ấy các con đường đã bị chặn, xe cảnh sát và xe cứu hỏa đỗ đầy trên quảng trường.
Tôi quyết định đi bộ đến ga Yurakucho, lên tuyến Yamanote đến Shibuya rồi đi xe buýt đến Hiro-o, nhưng càng đi tôi càng thấy tồi tệ. Lúc lên tàu chạy tuyến Yamanote, tôi cảm thấy như đã rồi đời. Làm gì cũng phải rất gắng sức. Mùi kia đã thấm vào quần áo tôi. Nhưng không hiểu sao tôi đã đi được đến ga cuối của xe buýt Shibuya. Tôi biết chắc là mình sẽ gặp một đồng nghiệp nào đó ở đấy. Nhiều người trong công ty tôi vẫn quen đi lại bằng xe buýt từ Shibuya. Nhưng nếu tôi ngã khuỵu xuống ở trên tàu thì sẽ không ai giúp tôi. Dù có phải bò ra thì tôi cũng phải đi đến bến đỗ của xe buýt tuyến Shibuya.
Tôi xuống tàu ở Shibuya, không hiểu sao đã xoay xở ra được đường và đến bến xe buýt, ở đó chân tôi không còn chút sức lực nào. Tôi ngồi bệt lên hè và dựa vào lan can, thẳng cẳng. Mới sáng ra chẳng ai trông lại thảm hại như thế, đúng không? Không ai trừ mấy tay xỉn, chắc thế. Vì thế chẳng ai nói gì với tôi. Họ thấy tôi ườn ra đó thì chỉ cho rằng tôi đã ăn chơi đập phá suốt đêm ở Shibuya.
Cuối cùng một người cùng công ty cũng bước tới nói chuyện với tôi, nhưng tôi không nói được. Hầu như không thở được nữa. Giọng nói của tôi như của một gã say mà lưỡi đã líu cứng lại. Muốn gì tôi cũng không thể chuyển ý nghĩ của mình thành lời. Tôi cố nói nhưng không cái gì lọt qua miệng. Tôi chỉ muốn được giúp đỡ, bất cứ kiểu gì cũng được, nhưng do không thể giải thích nên hình như không ai hiểu. Tôi đang lạnh run lên, càng lúc càng rét, không chịu nổi. Rồi một đồng nghiệp lớn tuổi hơn [Takanori Ichiba] đi qua và cứ y như là số phận muốn thế, anh ấy cũng lại đi tuyến Hibiya. Anh ấy hỏi tôi, "Kìa, có phải anh bị dính phải vụ ở Tsukiji kia không?" Anh ấy đã thấy ra vấn đề.
Tôi rất là may. Nếu không nhờ có anh thì không ai biết sự tình sẽ nghiêm trọng ra sao. Anh lập tức điện thoại gọi xe cứu thương nhưng tất cả các xe cứu thương đều đã được gọi đi. Vậy nên anh vẫy taxi, cùng hai đồng nghiệp nữa nhấc tôi vào xe. Chúng tôi lên cả xe và đến Bệnh viện Chữ thập Đỏ ở Hiro-o. Trên xe, một người nói, "Cái mùi gì ngòn ngọt như thế nhỉ?" Quần áo tôi thấm đẫm sarin.
Thở là cực nhọc nhất nhưng ngoài thế ra tôi còn cảm thấy tê bì toàn thân và không thể mở mắt, tựa hồ sức lực đã bị rút hết ra khỏi người và tôi đang trôi dạt vào một giấc ngủ li bì. Tôi thật lòng nghĩ mình đang sắp chết. Tôi không động đậy được. Nhưng tôi không sợ. Không thấy đau, tôi nghĩ, "Chết già có lẽ cũng giống kiểu này đây. Nếu tôi chết thì ít nhất cũng phải cho tôi nhìn thấy mặt bạn gái chứ." Còn hơn cả bố mẹ tôi, cuối cùng cô ấy là người tôi nhớ đến đầu tiên. Giống như câu hát, "Nói với nàng rằng tôi muốn nhìn mặt nàng" vậy.
Tôi không nhớ phải mất bao lâu những người đồng nghiệp mới tìm thấy tôi nhưng tôi nhớ rõ là đã rất điên tiết với tất cả những ai vờ không trông thấy tôi nằm đó. Bố láo! Con người mà sao có thể lạnh lùng đến như thế? Một người đang hấp hối ngay trước mắt họ mà họ không nói được ột lời. Họ chỉ lảng tránh. Nếu ở vào địa vị họ, tôi đã nói gì đó. Nếu có ai có vẻ đau ốm trên tàu, tôi luôn nói, "Ông/bà/anh/chị ổn chứ? Có muốn ngồi không?" Nhưng phần lớn người khác thì không – tôi thật sự hiểu ra điều đó theo một cách khá khổ sở.
Tôi nằm bệnh viện hai ngày. Họ bảo tôi nằm lâu hơn nhưng tôi cảm thấy mình như con chuột lang để họ thí nghiệm một loại bệnh hiếm nên tôi về nhà. Bác sĩ nói, "Anh nên ở lại đây để chúng tôi có ví dụ tham chiếu cho các trường hợp khác giống anh." Không, xin cảm ơn! Trên tàu về nhà, tôi vẫn khò khè, nhưng tôi cứ muốn về nhà, ăn một cái gì ngon và thoải mái. Khá là lạ, tiêu hóa của tôi không bị ảnh hưởng. Dù vậy tôi đã không đụng đến thuốc lá và rượu từ lâu.
Tình trạng thẫn thờ ngơ ngẩn kéo dài chừng một tháng. Tôi nghỉ việc một tuần nữa nhưng trong một thời gian rất dài thể trạng của tôi vẫn chưa phục hồi hẳn. Tôi còn khó thở và không thể tập trung vào công việc. Khi bán hàng, tôi phải nói như lúc này đây – nhưng vấn đề là muốn nói cái gì tôi cũng phải gắng sức – a a a – để thu được đủ ôxy vào phổi. Lên thang gác thì thôi rồi. Tôi thường phải xin nghỉ việc. Tôi không đủ sức bán hàng.
Thật thà mà nói, với tôi nếu nghỉ ốm mà vẫn được hưởng lương thì sẽ tốt hơn nhưng công ty không thể hào hiệp như vậy. Vẫn tám tiếng cộng làm ngoài giờ như thường lệ. Như thế gay cho tôi nhưng tôi cho rằng ở một mặt nào đó cũng có những cái thú vị cho người khác. Theo kiểu nhiều lúc cũng buồn cười. Tôi gặp khách hàng và họ bảo tôi, "Yamazaki, tôi nghe nói anh nhiễm độc sarin." Mọi người đều biết. Tôi cố không nghĩ nhiều quá về chuyện đó, nhưng cái ức nhất là không ai thật sự hiểu điều tôi trải qua. Tuy vậy, chuyện tôi thay đổi công việc không liên quan gì đến vụ đánh hơi độc.
Ngay cả bây giờ tôi cũng không thể tập thể dục quá căng. Tôi từng có thể trượt tuyết hai giờ liền không nghỉ nhưng nay nhiều nhất là một giờ rưỡi.
Sau khi ra viện về, một dạo khi bị khó thở, tôi phải dùng bình ôxy. Ông biết đấy, giống như một loại bình các cầu thủ bóng chày vẫn dùng ở sân vận động Mái vòm Tokyo. Không to hơn bình xịt thuốc diệt côn trùng. Bạn gái tôi mua cho tôi.
Với tôi điều tốt đẹp duy nhất mà vụ đánh hơi độc mang đến là tôi đã hiểu bạn gái mình hơn. Trước lúc ấy, chúng tôi cãi nhau suốt. Chúng tôi không thật sự quan tâm đến cảm xúc của nhau. Tình cảm của cô ấy với tôi thế nào, tôi không chắc lắm. Cho nên tôi thật sự ngạc nhiên khi cô ấy khóc như mưa nhào đến bệnh viện. "Em cứ nghĩ là anh chết mất thôi," cô ấy nói, thật sự suy sụp. Lúc đó sếp tôi vẫn ở cạnh tôi, và trước sự chứng kiến của ông, cô ấy nắm chặt tay tôi không buông. Ngày nào cô ấy cũng đến bệnh viện và khi tôi ra viện về nhà, cô ấy lại đến thăm tôi. Ở công ty, chúng tôi vẫn giữ bí mật mối quan hệ này cho nên được cô ấy siết chặt tay ở ngay trước mặt sếp thì… [cười] Điều đó thổi bay tấm màn che chuyện của chúng tôi!
Tôi học cùng lớp với Yoshihiro Inoue ở trường trung học Rakunan tại Tokyo. Chúng tôi không chọn cùng môn học, chỉ học cùng khối. Chúng tôi cùng đi xe buýt từ bến Hankyu Omyia tới trường cho nên tôi biết hắn khá rõ. Một bạn tốt của tôi cũng chọn cùng môn học với Inoue vì thế chúng tôi đi học với nhau. Tôi không thân thiện với hắn bao giờ.
Thế nhưng tôi vẫn nhớ hắn như in. Cảm tưởng đầu tiên của tôi là hắn lập dị đến khó tin. Kỳ quặc. Có cái gì cay nghiệt. Tôi không thích hắn ngay từ đầu. Vì thế tôi không nói chuyện với hắn. Chỉ nói chuyện vài câu là ông có thể thấy ngay mình có hợp với ai đó hay không: tôi thì, đúng thế, tôi không chơi được với hắn. Tôi nghe anh bạn kia chuyện trò với Inoue và nghĩ, "Cha này làm mình sợ." Chưa hết những năm đầu trung học tôi đã chuyển tới một trường ở Tokyo, nhưng sau này nghe các bạn nói Inoue đã tọa thiền ở ngay trong lớp, hàng giờ liền.
Tôi có nhiều bạn. Tôi mê xe đạp. Tất cả bọn chúng tôi đạp xe ra ngoài. Tôi thích ở ngoài trời nhưng Inoue thì không.
Khoảng hai tuần sau vụ đánh hơi độc, khi họ đưa bọn Aum lên báo và tivi, tôi đã nhìn mặt hắn và nghĩ: "Mình đã thấy cha này ở đâu rồi." Tôi gọi điện cho bạn học cũ thì cậu ấy nói: "Ừ, Inoue, đúng thế."
Tôi cáu điên lên. Tôi nhớ lại cảm giác khó chịu hồi ở trường trung học. Quả thật là tôi phẫn nộ. Tôi đã chuyển trường nhưng tôi vẫn có chút tự hào với ngôi trường cũ. Tôi không thể tin người nào tốt nghiệp ở Rakunan lại có thể làm một việc kinh khủng như vậy. Một cú sốc, một nỗi thất vọng lớn.
Tôi vẫn để mắt hóng tin tức về hắn. Tôi chỉ muốn biết họ sẽ làm gì với hắn, muốn biết cái tính gọi là chân thật của hắn nhiều được đến đâu.
"Anh ấy tốt như thế đấy. Dường như trước khi chết còn tốt hơn"
Yoshiko Wada (31)
vợ góa của anh Eiji Wada
Cô Wada đang mang thai thì chồng mất. Không lâu sau, Asuka, một cô con gái, ra đời. Sau vụ hơi độc, cô Wada hay xuất hiện trên truyền hình và nay nhiều người Nhật đã biết mặt cô. Trước khi gặp cô, tôi đã lướt qua khắp các bài báo và tạp chí có thể tìm thấy, nhưng sự khác nhau giữa hình tượng tôi tưởng tượng ra với con người mà tôi gặp thật sự đáng ngạc nhiên. Dĩ nhiên hình tượng kia thuần túy là do cá nhân tôi tạo ra và ở đây không có ai đáng trách, nhưng chuyện này khiến tôi phải ngưng lại mà nghĩ đến cách làm việc của giới truyền thông – cái cách họ dựng lên bất cứ hình tượng nào họ muốn.
Yoshiko Wada thật (đối lập lại với hình ảnh do giới truyền thông sáng chế ra) thì rạng rỡ, nói năng rành mạch, thông minh. Dùng chữ "thông minh", tôi muốn nói là cô chọn chữ nghĩa cũng thận trọng như lựa chọn cách sống vậy. Tuy tôi chưa hề gặp người chồng quá cố của cô, nhưng bằng cách nào đó tôi vẫn biết rằng người đã chọn cô làm bạn đời thì hẳn phải là một tay được lắm.
Với cô, cú sốc trước cái chết của chồng ắt phải rất lớn. Tôi ngờ là chẳng ai lại có thể hồi phục hẳn sau một chuyện như thế. Nhưng suốt ba giờ phỏng vấn, không lần nào cô để mất phong độ và nụ cười. Cô luôn trả lời cởi mở, dù câu hỏi của tôi có tế nhị đến đâu, và chỉ một lần để mình rơi lệ, vào lúc cuối. Tôi xin lỗi đã khiến cô phải chịu đựng nhiều đến vậy.
Cô gặp tôi, trên tay bế Asuka và sau đó tiễn tôi đến tận sân ga. Đường phố gần như vắng tanh dưới cái nóng mùa hè. Đi ra ngoài, cô nom giống y như các bà nội trợ ngoại thành khác, hạnh phúc, trẻ trung. Câu nói lúc chia tay của tôi khá vụng về, "Xin giữ gìn sức khỏe và sống vui vẻ" hay đại khái thế - tôi không nghĩ ra được gì khác để nói. Có những lúc lời nói thật vô dụng, nhưng là nhà văn, tôi chỉ có lời nói mà thôi.
° ° °