Ngầm - Haruki Murakami

PHẦN HAI: NƠI ĐƯỢC HỨA HẸN-♦-
MURAKAMI: Tôi không nghĩ là anh đọc tiểu thuyết?
Đúng, tôi không đọc. Ba trang là con số nhiều nhất mà tôi gắng gượng nổi trước khi buông sách.
MURAKAMI: Vì là người viết tiểu thuyết cho nên tôi trái ngược với anh – tôi tin rằng thứ quan trọng nhất là thứ không thể đo lường được. Tôi không phủ nhận cách tư duy của anh, nhưng phần lớn trong cuộc đời con người lại gồm những thứ không thể đo lường được, và về mặt thực tiễn, cố đem đổi tất cả chúng thành một cái gì đo lường được là bất khả.
Đúng. Không phải tôi tin rằng tất cả những cái không thể đo lường đều vô giá trị. Chỉ là tôi thấy dường như thế giới của chúng ta đang tràn ngập những đau khổ không cần thiết. Và nguyên nhân gây nên đau khổ thì cứ tăng lên – những dục vọng không thể kiểm soát đang gây ra đau khổ cho con người. Chẳng hạn thèm khát ăn uống hay tình dục.
Việc Aum đã làm là giảm bớt stress tâm lý dạng ấy đi và nhờ thế tăng sức mạnh của mỗi cá nhân lên. Chín mươi chín phần trăm hình ảnh mà những người theo Aum có được về Aum Shinrikyo chính xác ra là như thế này – một cách nhìn các hiện tượng tâm linh và vật chất kèm một phương thuốc hoặc giải pháp cho chúng. Tổ chức hay triết học mạt thế hay bất cứ cái gì cũng chỉ là một hình ảnh do thông tin đại chúng tạo ra về Aum. Tôi chưa thấy ai quan tâm đến Sấm truyền của Nostradamus sất. Không ai lại để cho những trò như vậy thuyết phục cả.
Tôi muốn làm một việc là hệ thống hóa một cách khoa học những ý tưởng triết học của phương Đông như luân hồi và nghiệp chướng. Nếu thăm Ấn Độ ông sẽ thấy ở đấy người ta tin vào những điều này một cách trực giác, chúng là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ, nhưng ở các nước tiên tiến, trong ta sống trong một thời đại mà những điều này cần phải đặt trên một cơ sở lý luận thì người ta mới hiểu và chấp nhận chúng.
MURAKAMI: Trước chiến tranh, một số người Nhật tin Thiên hoàng là thần thánh và họ đã chết cho niềm tin ấy. Anh có thể chấp nhận được điều này không? Có phải mọi chuyện vẫn sẽ ổn chừng nào anh còn tin vào chúng?
Nếu chỉ đến đó là hết thì không sao, nhưng nếu ông quán xét đến thế giới bên kia thì tốt hơn là hãy sống cuộc đời Phật giáo.

MURAKAMI: Nhưng đó chỉ là vấn đề chỗ khác nhau ở đối tượng của niềm tin: Thiên hoàng hay luân hồi.
Nhưng kết quả khác nhau. Nếu ông tin Thiên hoàng thì cái mà ông được sau khi chết sẽ không giống cái mà ông được sau khi chết nếu ông tin đạo Phật.
MURAKAMI: Các tín đồ của đạo Phật cũng nói y như thế. Những người tin ở Thiên hoàng lại nghĩ nếu anh chết cho ông ta thì linh hồn của anh sẽ được yên nghỉ ở Đền Yasukuni và được thanh thản. Anh vẫn nói như vậy ổn chứ?
Đó là lý do khiến tôi đã bận tâm như thế đến một phương pháp chứng minh Phật giáo bằng toán học. Phương pháp này vẫn chưa có, vì thế chúng ta vẫn ngồi tranh cãi với nhau thế này. Tôi không thể nói gì thêm được nữa.
MURAKAMI: Vậy nếu tìm ra được một phương pháp đánh giá Thiên hoàng bằng lý luận thì anh sẽ không phiền chứ?
Đúng. Miễn là điều ấy có lợi cho người ấy sau khi chết thì tôi sẽ không thấy vấn đề gì.
MURAKAMI: Điều tôi đang cố nói là nếu xem xét lịch sử khoa học thì anh có thể thấy khoa học đã bị thao túng nhân danh chính trị và tôn giáo. Đảng Quốc xã Đức đã làm chuyện này. Nhìn trở lại ta thấy có nhiều khoa học bù nhìn đi lầm đường. Và đã đem lại những thiệt hại không kể xiết cho xã hội. Cứ cho anh là một người thu nhặt kỹ càng bằng chứng đi, tốt thôi, nhưng phần lớn dân chúng cứ hễ được các nhân vật có thẩm quyền cho biết một cái gì đó là "khoa học" thì liền nuốt chửng lấy nó và làm theo bất cứ cái gì họ nói. Theo tôi điều này là rất đáng sợ.
Tôi thì chỉ nghĩ tình hình hiện nay của chúng ta mới là đáng sợ. Người dân trên thế giới hiện nay đang đau khổ không cần thiết. Đó là cớ tại sao tôi đang nghĩ tới các phương cách để có thể tránh được điều này.
MURAKAMI: Nhân đây, làm sao anh có thể đi đến chỗ gia nhập Aum Shinrikyo?

Tôi đọc một quyển sách về cách thiền đơn giản, có thể làm được ở nhà và khi tôi thiền thử thì một sự rất lạ đã xảy ra với tôi. Tôi chưa nghiêm túc thực hành toàn bộ quá trình thiền nhưng khi tôi toan thanh lọc các luân xa, thì khí [sinh lực] của tôi lại bị yếu đi nhiều. Điều ông nên làm khi thanh lọc luân xa là đồng thời tăng cường khí lên. Nhưng tôi lại không làm thế. Và các luân xa của tôi đã mất cân bằng. Tôi cảm thấy như bị hun đốt rất nhanh rồi ngay sau đó lại rét cứng người lại. Mức năng lượng của tôi sút xuống và tôi thường xuyên thiếu máu. Đó là một tình huống nguy hiểm. Tôi không ăn được bất cứ thứ gì và tụt cân. Cứ lên giảng đường là tôi lại ốm mệt và không học được tí nào.
Quanh quẩn thời gian đó, tôi đến dojo [đạo tràng] của Aum ở Setagaya. Họ giải thích tình trạng của tôi cho tôi rồi ngay tại đấy, ngay lúc ấy họ bảo tôi cách chữa. Tôi thử các bài tập thở mà họ dậy cho tôi và tôi không thể tin rằng mình lại khỏe ra nhanh được đến thế.
Trong hai tháng sau đó, tôi không đến dojo nhiều lắm nhưng rồi tôi bắt đầu đến đều đặn, làm công việc tình nguyện, gấp truyền đơn, đại loại thế. Gần như ngay sau đó có một khóa "Yoga Mật" nơi có thể nói chuyện trực tiếp với Thủ lĩnh [Shoko Asahara], tôi đã hỏi ông ta nên làm gì với sức khỏe kém của tôi. "Anh phải xuất gia," ông ta bảo tôi. Cứ như chỉ cần liếc một cái ông ta đã nhìn thấu con người thật của tôi. Mọi người ngạc nhiên vì ông ta trước đây chưa nói với ai như thế bao giờ - vậy nên tôi cảm thấy không còn lối chọn nào khác ngoài bỏ học và xuất gia. Khi ấy tôi 22 tuổi.
Có rất ít người bắt đầu bằng xuất gia. Hiếm lắm. Nhưng tôi quá yếu, đi không nổi, và chắc chắn nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này thì tôi không thể có một cuộc sống bình thường. "Anh không hợp với cái thế giới phù du này," ông ta [Asahara] bảo tôi và tôi tán thành tắp lự - không cần phải thuyết phục tôi. Chúng tôi không hẳn là chuyện trò, ông ta chỉ đi ra và nói thế thôi. Ông ta thường không nói gì cả nhưng có thể chỉ nhìn mặt mà nói được rất nhiều về một người. Như hiểu biết về người ấy vậy. Đó là lý do vì sao người ta lại tin ông ta.
MURAKAMI: Dĩ nhiên, người ta có thể nghi là trước khi gặp một người, ông ta đã có hồ sơ với mọi thứ dữ liệu về người ấy.
Đúng, có thể là thế. Tuy lúc ấy xem ra không có vẻ là thế. Tôi trở thành người xuất gia năm 1989 và lúc ấy trong giáo phái chỉ có chừng 200 người như thế. Cuối cùng tôi nghĩ có khoảng ba nghìn.
Khi đã tốt với ai thì con người ấy [Asahara] tốt hơn bất kỳ ai mà tôi đã gặp. Nhưng khi ông ta nổi giận thì ông ta là người đáng sợ nhất trong đời tôi. Chỗ khác nhau này rõ đến nỗi chỉ nói chuyện với ông ta thôi cũng đủ để bị thuyết phục rằng ông ta phần nào đó có nhận được phép màu.
Với tôi, thật khó khăn khi nghe lời mà xuất gia. Tôi không muốn làm cho bố mẹ lo phiền, hơn nữa tôi ghét mọi ý tưởng về các tôn giáo mới. Tôi cố hết sức mình giải thích mọi chuyện cho bố mẹ nhưng các vị đã khóc nhiều và điều đó khiến tôi rất khổ tâm. Bố mẹ tôi không phải kiểu người tranh luận, các vị chỉ có khóc. Sau đó không lâu mẹ tôi qua đời và tôi đau lòng ghê gớm. Vào quãng thời gian ấy, nhiều chuyện căng thẳng đã xảy ra với mẹ và câu chuyện của tôi có thể là giọt nước tràn ly. Chắc bố tôi nghĩ mẹ chết là do tôi. Tôi cầm chắc bố tôi nghĩ thế.

[Không lâu sau đó có bầu cử Hạ viện của Quốc hội Nhật bản và Aum Shinrikyo đã đưa ra vài ứng cử viên. Anh Kano đinh ninh Asahara kia sẽ trúng cử. Thậm chí bây giờ anh vẫn thấy thật khó tin khi gần như không ai bỏ phiếu cho hắn. Nhiều người theo Aum nghĩ cuộc bầu cử có gian lận. Sau chuyện này, anh Kano được điều đến Cục Xây dựng của Aum và làm việc ở các cơ sở của Aum tại Naminomura quận Kumamoto.]
Tôi ở Naminomura chừng năm tháng, ở đây tôi làm tài xế xe tải đường dài. Tôi chạy khắp nước Nhật thu gom vật liệu. Không đến nỗi. Ở công trường xây dựng, ông phải làm việc dưới nắng gắt cho nên so ra thì lái xe tải chỉ là ngồi hóng mát.
Sống ở Aum gian khổ hơn sống trong thế tục nhiều, nhưng càng gian khổ tôi càng thấy hài lòng; các dằn vặt day dứt nội tâm của tôi đã hết và tôi biết ơn điều đó. Tôi cũng kết được nhiều bạn – người lớn, trẻ con, bà già, nam nữ. Mọi người ở Aum đều nhắm một điều giống nhau – nâng đời sống tinh thần của mình lên – cho nên chúng tôi có nhiều điểm chung. Tôi không phải thay đổi chính mình mới kết giao được với người khác.
Nghi ngờ không còn vì mọi thắc mắc của chúng tôi đều được giải đáp. Chúng tôi được bảo rằng, "Làm cái này đi thì cái này sẽ đến." Chúng tôi thắc mắc gì là được giải đáp ngay. Tôi thực sự chìm đắm hoàn toàn vào trong đó. [cười] Báo đài không bao giờ nói đến khía cạnh này. Họ gán cho tất tật mọi thứ cái nhãn kiểm soát đầu óc. Nhưng thật ra không phải. Họ nói như vậy chỉ là để câu người xem các talk show truyền hình. Họ thậm chí còn chẳng thiết tường thuật đúng sự việc.
Sau Naminomura, tôi quay về tổng đàn ở núi Phú Sĩ làm việc với máy tính. Hideo Murai là cấp trên của tôi. Tôi có một vài việc muốn nghiên cứu, Murai thờ ơ bảo tôi, "Cứ làm tới đi." Ông ta chỉ làm hết sức để thực hành mệnh lệnh của trên.
MURAKAMI: Nói "của trên" ý anh là Asahara chứ?
Vâng. Murai cố dẹp đi càng nhiều càng tốt cái tôi của ông ta. Điều ông ta bận tâm duy nhất là ai đó dưới quyền ông ta đi tới hiểu được vấn đề. Nhưng nếu chúng tôi có muốn tự mình điều tra nghiên cứu cái gì thì ông ấy cũng không ý kiến gì.
Vị trị của tôi là "phó sư phụ", cấp cao nhất có thể đạt tới trong Aum, ngay dưới cấp lãnh đạo tối cao của Aum, đại khái na ná như trưởng bộ phận một công ty lớn vậy. Nhưng thật sự không oai đến thế đâu. Dưới tôi chả có người nào. Giống như tôi làm việc một mình, không có hạn chế thắt buộc. Tôi biết nhiều người như thế. Nếu ông tin báo đài nói thì bọn tôi ai cũng bị kiểm soát ngặt nghèo y như Bắc Triều Tiên ấy, nhưng sự thật là nhiều người được tự do làm những gì họ muốn làm. Và dĩ nhiên chúng tôi được tự do đi lại. Chúng tôi không có xe riêng, nhưng khi cần xe, chúng tôi có thể mượn đâu cũng được.
MURAKAMI: Nhưng sau đó đã xảy ra bạo lực thành hệ thống – ám sát luật sư Sakamoto và gia đình ông ta, đánh đập đến chết, rồi vụ Matsumoto. Chẳng lẽ anh không biết chút nào khi những chuyện như thế xảy ra sao?
Hình như là Aum đã có những động thái đáng ngờ, bí mật nhiều hơn ngày thường. Nhưng dù có trông thấy gì đi nữa, thì đầu tiên và trên hết tôi vẫn sẽ bướng bỉnh khăng khăng rằng lợi ích của công việc chúng tôi đang làm đây có giá trị hơn mọi cái xấu. Tôi không thể tin được những tin ấy trên báo đài. Nhưng từ khoảng hai năm trước [1996] tôi bắt đầu nghĩ có thể những việc như thế đã xảy ra thật.

Tôi tin rằng một chuyện như vụ Sakamoto thì đám chúng tôi không cách nào mà giấu đi được trong nhiều năm như thế. Vì toàn bộ tổ chức là rất ô hợp. Nó giống như một kiểu cộng sản chủ nghĩa mà cho dù có phạm sai lầm ông cũng không bị cách chức đuổi việc, và tuy chúng tôi nói là có "việc làm" ở Aum nhưng nó không giống với chuyện ăn lương hay cái gì đó đâu. Tôi không thể gọi đó là vô trách nhiệm, đúng thế, chỉ là không có cảm nhận về trách nhiệm cá nhân thôi. Mọi việc đều là một kiểu không rõ ràng và tùy tiện. Có cảm giác là miễn sao đời sống tinh thần ông lên cao còn kỳ dư tất cả mọi cái đều không quan trọng. Phần đông con người ở ngoài đời thường đều có vợ hay gia đình cho nên họ có một cảm thức nhất định về trách nhiệm và họ gắng hết sức làm công việc của mình. Nhưng trong Aum điều này hoàn toàn mất.
Chẳng hạn nói ông đang ở công trường xây dựng và ngày mai phải có một khung thép đến để tiếp tục làm việc. Nếu cái khung không đến, người phụ trách chỉ nói, "Ồ, đúng, tôi quên mất đấy." Và thế là xong chuyện. Ông ta có thể bị trách móc một chút nhưng ông ta không bận lòng. Ai cũng đã vươn tới được cấp độ mà ở đó những thực tế khắc nghiệt của đời sống hàng ngày không thể ảnh hưởng đến họ. Có chuyện gì xấu xảy ra họ liền bảo như thế sẽ giảm bớt nghiệp căn xấu và mọi người lại vui vẻ. Phạm sai lầm, bị la – họ chỉ coi những chuyện đó là để giảm bớt vẩn đục trong người. [cười] Nghĩ thì thấy họ là những con người rắn rỏi sắt đá. Chuyện gì xảy ra cũng chẳng làm cho họ bận tâm. Các thành viên của Aum coi thường những người bình thường trong thế tục. Như là nói: "Nhìn xem họ đang đau khổ kìa, nhưng chúng ta chẳng phải đoái đến."
MURAKAMI: Anh đã tham gia Aum trong sáu năm. Trong thời gian này, anh từng có vấn đề hay nghi ngờ nào đó không?
Tôi thấy biết ơn, hài lòng. Vì dù có chuyện gì đau đớn xảy ra họ cũng sẽ giải thích tường tận ý nghĩa của nó cho tôi. Khi đạt tới một cấp cao hơn, mọi người ai cũng tuyệt cả. Fumihiro Joyu là tấm gương tốt, nhưng cũng có nhiều người giỏi hùng biện giống như ông ta. Dứt khoát là trong Aum có một cái gì đó vận hành ở mức độ khác với thế giới thế tục. Càng thăng cấp ông càng ít cần ngủ hơn; nhiều người chỉ ngủ ba giờ một ngày. Hideo Murai là như thế. Sức mạnh tâm linh, sáng suốt – những người đạt tới cấp cao này về mọi mặt đều phần nào khiến người khác kinh ngạc.
MURAKAMI: Anh đã có lần nào gặp Asahara và chuyện trò trực tiếp với ông ta chưa?
Rồi, tôi đã gặp và nói chuyện. Hồi trước, khi người theo Aum còn ít, người ta đến với ông với những vấn đề vớ vẩn – như việc họ hay buồn ngủ vân vân, nhưng khi tổ chức lớn lên chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp như thế nữa. Chúng tôi không còn đến được với ông theo kiểu một gặp một nữa.
Tôi đã trải qua nhiều kiểu khai tâm. Một số trong đó khá khó. Cái mà họ gọi là "Nhiệt" quả là tồi tệ. Họ cũng dính dáng đến ma túy. Lúc đó tôi không biết chuyện này nhưng đó là LSD 1 . Hễ dùng nó là chỉ thấy như đầu óc đã bỏ đi đâu mất. Ông không có cảm giác về thân thể mình, ông đối mặt với cái vô thức sâu nhất của ông. Không phải thứ dễ đương đầu đâu, tin tôi đi. Ông cảm thấy hoàn toàn lơ ma lơ mơ, chắc cũng giống như sau khi chết. Tôi không biết mình đang chơi ma túy – tôi cứ ngỡ đó là một thứ thuốc làm cho hướng nội để giúp tu luyện khổ hạnh.
MURAKAMI: Nhưng có vẻ một số người đã trải qua vài ảo giác khá tồi tệ rồi kết thúc với những vết sẹo sâu về cảm xúc.
Đó là khi liều dùng quá mạnh và khi các phương pháp khác không ăn thua. Có một bộ phận trong Aum gọi là Bộ Y tế do Ikuo Hayashi phụ trách, nhưng vụ đó khá ấm ớ. Tôi nghĩ nếu họ làm khoa học hơn thì đã chẳng có vấn đề gì. Ông cần nhớ cho, trong Aum có một tư tưởng phổ biến rằng mình nên được nhận mọi kiểu thử thách và phải vượt qua chúng. Nhưng với ma túy, nếu suy nghĩ kỹ hơn một chút thì sẽ có ích hơn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận