Ngầm - Haruki Murakami

PHẦN HAI: NƠI ĐƯỢC HỨA HẸN-♦-
MURAKAMI: Tháng Ba năm 1995, khi xảy ra vụ đánh hơi độc, ông đang ở đâu và đang làm gì?
Tôi đang ở một mình trong phòng tại Kamikuishiki, dùng máy tính. Tôi có kết nối Internet và thường đọc tin tức bằng cách này. Chúng tôi không nên làm thế nhưng dù sao tôi cũng cứ làm. Thỉnh thoảng tôi ra ngoài, mua một tờ báo rồi chuyền tay cho người khác mượn. Nếu phát hiện ra họ sẽ cảnh cáo ông, nhưng không là chuyện gì lớn cả.
Thế là tôi vào Internet đọc tin nhanh và biết về vụ đánh hơi độc trên xe điện ngầm ở Tokyo. Nhưng tôi không nghĩ Aum dính líu tới. Tôi không biết ai làm nhưng tôi đinh ninh không phải Aum.
Sau vụ đánh hơi độc, Kamikuishiki bị vây ráp. Chúng tôi nghĩ các thành viên của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ bị bắt hết với những lời tố giác bịa đặt và xem ra thì tốt nhất là rời khỏi đó, cho nên tôi lấy một chiếc xe hơi lái loanh quanh trong khi cảnh sát lục soát. Tôi yên chí không phải là Aum làm.
Ngay cả sau khi ông ta [Asahara] bị bắt, tôi cũng không thấy tức giận. Cái này có vẻ là khó tránh. Những người theo Aum tin rằng giận dữ là dấu hiệu cho thấy tinh thần của ông vẫn non nớt. Thay vì tức giận, chúng tôi lại nghĩ đạo đức hơn là hãy nhìn sâu vào thực tế tình hình, rồi suy xét xem cần hành động gì.
Chúng tôi nói đến việc chúng tôi nên là và tất cả đều tán thành là chúng tôi nên tiếp tục tu luyện càng nhiều càng tốt. Chắc chắn là chúng tôi không có chút cảm giác đau buồn nào về việc bị dồn vào một góc hay gì. Bên trong Aum giống như mắt của cơn bão, rất êm ả.
Tôi chỉ bắt đầu nghi ngờ Aum là thủ phạm thật sự sau khi một vài người bị bắt và thú nhận. Họ gần như đều là bạn lâu năm của tôi. Nhưng với người theo Aum trung bình thì những người đó có làm hay không không thành vấn đề; cái quan trọng là liệu ông sẽ còn tiếp tục tu luyện khổ hạnh được nữa không. Chuyện làm sao để phát triển Bản Tâm quan trọng hơn việc Aum có là thủ phạm hay không.
MURAKAMI: Nhưng các giáo huấn của Aum Shinrikyo đều đi vào một hướng nhất định, dẫn đến các tội ác này khiến nhiều người bị giết hay bị thương. Ông thấy điểm này thế nào?
Ông cần hiểu rằng phần đó – Mật thừa 2 Đát đặc la 3 – rõ ràng là khác với phần còn lại.

Chỉ những người đã đạt đến cấp cực kỳ ới luyện Mật thừa. Chúng tôi được dặn đi dặn lại rằng chỉ những ai đã tu xong Đại thừa mới làm được 4 . Chúng tôi còn dưới đó nhiều cấp. Cho nên ngay cả sau vụ đánh hơi độc, chúng tôi cũng không thắc mắc gì về sự tu luyện cũng như các hoạt động mà chúng tôi liên quan đến trong giáo phái.
MURAKAMI: Gác đi vấn đề về cấp trên cấp dưới thì Mật thừa là một phần quan trọng của học thuyết Aum, vậy nên nó có ý nghĩa to lớn.
Tôi hiểu được ý ông nói nhưng từ vị trí của chúng tôi thì đó là một điều hão huyền – hoàn toàn không ăn nhập gì với những cái chúng tôi thường vẫn nghĩ hay làm. Nó quá xa vời. Ông phải mất cả vạn năm đạt được đủ thứ thì mới lĩnh hội được nó.
MURAKAMI: Tức là anh thấy nó không dính dáng gì đến mình? Nhưng, chỉ để tranh luận thôi, giả dụ như trình độ của anh đã tăng nhanh tới mức lĩnh hội được Mật thừa và anh nhận được lệnh giết một ai đó coi như một phần của con đường đạt tới Niết Bàn. Liệu anh có làm không?
Về logic đấy là một câu hỏi đơn giản. Miễn là giết một người mà nhờ đó ông lại kéo được người ta lên, nhờ đó người ấy sẽ hạnh phúc hơn sống cuộc đời hiện tại của người ấy. Tức là tôi hoàn toàn hiểu con đường đó. Nhưng điều này chỉ nên do một người có khả năng nhìn thấu quá trình luân hồi và hóa kiếp thực hiện. Bằng không thì đừng có làm. Nếu tôi có thể nhìn thấy điều gì sẽ xảy ra ột người sau khi người ấy chết và giúp đưa họ lên một trình độ cao hơn – thì có lẽ ngay cả tôi cũng sẽ tham gia. Nhưng chưa ai trong Aum lên đến trình độ cao như thế.
MURAKAMI: Nhưng năm người kia đã làm chuyện đó.
Nhưng tôi thì sẽ không. Khác biệt nằm ở đấy. Tôi không thể chịu trách nhiệm với cái kiểu hành động này. Nó làm tôi sợ và tôi không tài nào làm được. Chúng ta hãy làm rõ ra một điều. Một người không thể nhìn thấu luân hồi của người khác thì không có quyền lấy đi tính mạng của người ta.
MURAKAMI: Shoko Asahara có tư cách làm việc đó không?
Lúc đó tôi nghĩ ông ta có.

MURAKAMI: Nhưng anh có đo lường được cái đó không. Anh có bằng chứng khách quan nào không?
Không, lúc này thì tôi không có.
MURAKAMI: Vậy phải chăng sẽ không thể tránh được việc pháp luật nước ta đưa ông ta ra xét xử, bất kể phán xét đưa ra là thế nào?
Đúng vậy. Tôi không nói mọi cái của Aum đều đúng. Tôi chỉ thấy có nhiều giá trị ở trong đó và tôi muốn bằng cách nào đó dùng nó làm lợi cho những người bình thường.
MURAKAMI: Nhưng ở một trình độ hiểu biết phổ biến, những người bình thường đã bị giết hại. Nếu anh không thể bù đắp được cho chuyện ấy thì ai sẽ nghe anh?
Đó là lý do vì sao tôi nghĩ chúng ta không thể nói về chuyện đó trong khung khổ của Aum được nữa. Tôi vẫn ở trong Aum vì các lợi ích nó đem lại cho tôi là rất lớn. Tôi đang cố giải quyết hết các vấn đề này, ở bình diện cá nhân. Tôi vẫn tin là ở đó có nhiều khả năng. Nó đòi hỏi một kiểu thay đổi về logic. Có những yếu tố rất đáng để hy vọng, và tôi đang cố tách bạch rõ cái tôi hiểu với cái tôi không hiểu.
Tôi sẽ chờ khoảng chừng hai năm và nếu Aum vẫn còn nguyên dạng như bây giờ thì tôi dự kiến sẽ ra khỏi đạo. Cho tới lúc đó tôi có rất nhiều điều phải nghĩ lại. Nhưng có một điều chắc chắn là chính xác – Aum Shinrikyo không học từ kinh nghiệm. Nó làm như điếc – bất kể người khác nói gì. Người khác nói chẳng ảnh hưởng tới nó mảy may. Không có cảm giác hối hận. Giống như điều mà các thành viên Aum nói về vụ đánh hơi độc: "Đó là một sứ mệnh của người khác. Không phải tôi."
Tôi không như vậy, vì tôi nghĩ vụ này là một sự kiện khủng khiếp. Lẽ ra người ta không bao giờ được làm điều đó. Cho nên ở bên trong tôi cái sự kiện đáng sợ này cứ xung đột với mọi điều tốt lành mà tôi đã trải qua. Những người bị chuyện kinh khủng ấy làm cho xúc động mạnh hơn thì bỏ Aum, còn với người mà với họ, cảm giác về những "điều tốt lành" mạnh hơn thì ở lại. Tôi đang bị kẹt vào đâu đó giữa hai bên. Tôi sẽ chờ xem.

"Nostradamus đã ảnh hưởng lớn đến thế hệ chúng tôi"
Akio Namimura (sinh 1960)
Namimura sinh ra ở quận Fukui. Anh từng muốn nghiên cứu văn học và tôn giáo, hai lĩnh vực anh luôn quan tâm từ trước khi vào đại học, nhưng anh và bố anh, một người khá cứng ngắc, đã xung đột với nhau về việc anh nên chuyên về môn gì nên anh đã thôi không học đại học để đi làm. Anh tìm được việc làm ở nhà máy phụ tùng xe hơi tại thành phố Fukui. Hồi học trung học phổ thông anh ghét học, chỉ đọc các sách theo ý mình, luôn cảm thấy lạc lõng trong môi trường của mình. Phần lớn các sách anh đọc lúc đó là về tôn giáo hoặc triết học.
Anh làm nhiều nghề, và tiếp tục đọc sách, suy ngẫm, viết và đặc biệt quan tâm đến tôn giáo. Suốt đời mình, anh luôn cảm thấy rõ mình và thế giới này không hề đồng điệu. Đó là lý do anh đi tìm sự liên hệ với những người sống ở ngoài trào lưu chính. Nhưng giữa cuộc tìm kiếm ấy, anh vẫn không thể bỏ hết được sự ngờ vực rằng điều mà anh phát hiện lại không phải là câu trả lời anh tìm kiếm. Anh nhận thấy mình không thể toàn tâm toàn ý gửi gắm mình vào bất cứ một nhóm cụ thể nào, ngay cả khi anh đã trở thành thành viên của Aum cũng vậy.
Hiện nay, anh trở về quê hương, làm việc ột công ty vận tải đường dài. Anh luôn yêu biển và thường đi bơi. Anh điên lên vì Okinawa. Anh thường khóc khi xem phim của Hayao Miyazaki. 5 "Như thế chứng tỏ tôi có cảm xúc bình thường của con người," anh nói.
° ° °
Khi tốt nghiệp trung học phổ thông tôi cảm thấy hoặc là tôi từ bỏ thế giới này hoặc là chết – một trong hai điều. Nghĩ đến tìm việc làm là tôi đã phát ốm. Nếu có thể thì tôi thích được sống một đời sống tôn giáo. Do sống có nghĩa là tích cóp tội lỗi cho nên tôi nghĩ có khi chết lại tốt cho thế giới hơn nhiều.
Những ý nghĩ này đi qua đầu tôi trong khi tôi đang bán lốp ột công ty phụ tùng xe hơi. Thoạt đầu tôi là một tay bán hàng vô dụng. Tôi vào trạm xăng hay một cửa hàng sửa chữa xe, nói "Xin chào" rồi đứng đực ra, không nói thêm được nữa. Tôi thấy khó xử, và cả các khách hàng tiềm năng của tôi cũng thế. Mới đầu số tiền tôi bán được là con số không.
Về sau tôi giao tiếp tốt hơn và đã có thể tăng doanh thu lên được một ít. Đây là cách rèn luyện tốt cho đời. Tôi làm ở đấy hai năm. Lý do tôi bỏ việc là tôi đánh mất bằng lái.
Tình cờ một người họ hàng của tôi lại mở lò luyện thi ở Tokyo, ông ta nói tôi có thể làm việc cho ông. Tôi đang nghĩ đến việc trở thành một nhà tiểu thuyết, và khi tôi nói chuyện ấy ra, ông ta bảo tôi, "Chữa các bài làm văn, anh có thể học thành nhà tiểu thuyết đấy."
Nghe hay đấy, tôi nghĩ, cho nên đầu năm 1981 tôi chuyển đến Tokyo và bắt đầu làm việc ở lò luyện thi đó. Nhưng chuyện lại không như hứa hẹn. Người họ hàng đột nhiên trở nên lạnh nhạt với tôi: "Anh muốn thành nhà tiểu thuyết? Dẹp cái mộng ấy đi. Thế giới không phải là xứ sở thần tiên, anh biết đấy." Tôi thậm chí còn không được cho giúp chữa các bài làm văn. "Anh không đủ trình độ," ông ta bảo và tôi được bố trí cho những việc làm kỳ lạ - giữ cho học trò trật tự, quét dọn phòng, những việc đại khái như thế. Tôi chịu đựng được một năm rưỡi rồi chào thua.

Nhờ để dành được ít tiền khi làm việc ở Fukui cho nên tôi quyết định sống bằng tiền tiết kiệm qua lúc này và học để làm nhà văn. Thế là ba năm tôi thất nghiệp. Tôi hạn chế tiêu pha đến tối thiểu. Tôi không mua thứ gì cả, trừ cái ăn. Dù sao thì nói chung tôi cũng là một kẻ thanh đạm. Tôi chỉ có đọc và viết. Khu vực tôi ở thật tuyệt vì quanh đó có những năm thư viện công cộng. Đó là một cuộc sống cô độc, nhưng cô độc không làm tôi buồn phiền. Tôi nghĩ chắc nhiều người không chịu nổi cảnh như tôi.
Tôi thường đọc tiểu thuyết siêu thực – Kafka, Nadja của Breton, những cuốn như vậy. Tôi đến các lễ hội, liên hoan, giao lưu ở các trường đại học, đọc tất cả các tạp chí be bé họ phát hành và đánh bạn với những ai tôi có thể nói chuyện về văn học. Tôi kết bạn với một tay học ở khoa triết Đại học Waseda, và anh ta đã giới thiệu cho tôi nhiều tác giả: Wittgenstein, Husserl, Shu Kishida, Shoichi Honda. Tôi ấn tượng với cách viết tiểu thuyết của cha này, nhưng nay nghĩ lại thì chuyện của cha thật sự là mượn ý chỗ khác.
Tay ở Waseda có một người bạn tên là Tsuda theo Soka Gakkai 6. Anh ta cố hết sức kéo tôi theo. Chúng tôi thảo luận tôn giáo liên miên nhưng cuối cùng anh ta nói: "Xem đấy, nói suông thì chẳng đi tới đâu cả. Nếu anh không thật sự trải nghiệm nó thì đời anh sẽ không thay đổi cho nên hãy nghe tôi mà thử một lần xem sao." Thế là tôi vào nhóm Soka Gakkai của anh ta, sống với họ khoảng một tháng nhưng tôi nhận thấy cái này không phải dành cho tôi. Họ là một trong các tôn giáo nhắm đến mục đích là giúp con người trở nên thành công trong thế giới này. Tôi đang tìm một kiểu học thuyết thanh khiết hơn. Như Aum. Aum gần với các lời dạy ban đầu của đạo Phật hơn.
Khi cạn tiền, tôi bắt đầu làm việc ột công ty chuyên chở hàng cho cửa hàng bách hóa. Tôi làm việc này trong hai năm. Việc vất vả nhưng tôi vẫn luôn thích võ thuật và tập luyện với cường độ cao nên cũng không sợ lao động chân tay. Đây là một công việc bán thời gian nên lương thấp nhưng tôi làm căng gấp ba bất cứ ai khác. Tôi theo học các lớp buổi tối ở một chỗ gọi là Trường Kỹ thuật Nhà báo Nhật. Tôi nghĩ tôi có thể viết phóng sự.
Nhưng chính vào khoảng dạo đó cuộc sống ở Tokyo khiến tôi kiệt sức. Đầu óc tôi rối tinh rối mù. Tôi hung bạo hơn, tính khí nóng nảy. Tôi thích thiên nhiên, nên tôi nghĩ trở lại với thiên nhiên hay quay về quê quán có vẻ là một ý hay. Tôi đã quan tâm tới cái gì là sẽ không rời đầu óc khỏi nó được. Lúc bấy giờ tôi quan tâm tới sinh thái học. Dù hiểu theo cách nào thì cánh rừng cụ thể ấy vẫn cháy bỏng trong tôi và tôi thèm nhìn thấy biển ở quê hương mình.
Vậy là tôi quay về nhà bố mẹ và bắt đầu làm việc trên công trường xây dựng lò phản ứng hạt nhân tốc độ cao Monju. Tôi dựng giàn giáo. Tôi cũng coi công việc này như tập luyện nhưng nó cực kỳ nguy hiểm. Sau một thời gian ông sẽ quen với độ cao. Tôi ngã nhiều lần và đã có phen suýt chết. Xem nào – tôi ở đấy phải gần một năm. Từ lò phản ứng Monju, ông sẽ thấy đại dương đẹp như một kỳ quan. Chính vì thế tôi chọn công việc này. Tôi có thể ngắm đại dương trong khi làm việc. Biển ở nơi xây dựng lò phản ứng hạt nhân là đẹp nhất trong cả một vùng quanh đó.
MURAKAMI: Nhưng một người thích sinh thái học thì có nên làm ở lò phản ứng hạt nhân không?
Lúc ấy tôi đang có kế hoạch viết phóng sự về lò phản ứng hạt nhân này. Tôi nghĩ viết về nó thì sẽ phế bỏ được việc tôi tham gia xây dựng nó. Nghĩ kiểu hy vọng, có lẽ. Ông biết phim Cầu trên sông Kwai 7 chứ? Ý tưởng của tôi cũng tương tự. Ông ra sức xây dựng một cái gì rồi cuối cùng ông tự phá hủy nó. Dĩ nhiên tôi không định đi đặt bom hay gì. Nói thế nào nhỉ? Vì đằng nào biển mà tôi rất yêu mến cũng sẽ bị ô nhiễm, nên tốt hơn để tôi là người làm điều đó. Những cảm xúc chồng chéo, tôi biết. Đầu óc tôi bị xé ra nhiều hướng.
Một năm sau, tôi xong việc ở Monju và đến Okinawa. Tôi lấy tiền dành dụm được từ nghề xây dựng để mua một chiếc xe cũ và đi phà đến Okinawa, sống một dạo trong chiếc xe ấy. Tôi làm một chiếc đi chơi tà tà từ bãi biển này đến bãi biển khác. Như vậy mất chừng hai tháng. Tôi đâm ra phải lòng quang cảnh ngoài trời lớn rộng ở bên ngoài. Cái tuyệt của Okin


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận