Cô Tĩnh Thu gật đầu. “Đúng rồi, hồi ấy Allan còn ít tuổi, nhưng Jane đã gần hai mươi mốt tuổi, hơn cả tuổi em bây giờ, đang là tuổi mộng mơ mà.”
Jane quen Allan từ rất sớm, hai nhà họ là láng giếng ở thành phố K. Bố Allan mang dòng máu nước ngoài, mũi cao, tóc xoăn, cao ráo, thế nên bố Allan rất có tiếng ở khu ấy, mọi người đều gọi ông là “chú Tây”. Allan rất giống bố, mũi cao, tóc xoăn, mắt vừa to vừa đen, mọi người gọi cậu ấy là “bé Tây”.
Jane và Allan từng học cùng trường học với nhau. Jane học rất giỏi và là thủ khoa ngành xã hội của thành phố J, đỗ khoa Triết học trường Đại học J, một mình đến trường J học đại học, chỉ về thành phố K thăm bố mẹ vào kỳ nghỉ hè, nghỉ đông. Hè năm đó về thăm nhà, cô gặp Allan, mặc dù hồi ấy Allan còn trẻ nhưng đã thi đỗ Đại học L, rất đẹp trai, không còn là “bé Tây” nữa mà là “anh Tây” rồi, tình cảm mông lung mà Jane dành cho Allan thuở nào đã biến thành tình yêu mãnh liệt.
Sau đó bố mẹ Jane chuyển công tác đến thành phố J, Jane không phải về thành phố K mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ đông nữa, nhưng mỗi khi được nghỉ hè, cô vẫn tìm cách về thành phố K và ở nhà bà nội một thời gian, chỉ vì muốn được gặp Allan. Đương nhiên là cô bé không để Allan biết được tình cảm đó, vì họ hơn kém nhau năm tuổi. Đối với một người mười mấy tuổi và một người hơn hai mươi tuổi, năm năm là khoảng cách rất lớn.
Hè năm nào Jane cũng về thành phố K như thế để thăm Allan. Hồi ấy, chiều nào Allan cũng ra con sông trước nhà tắm, Jane cũng ra đó tắm để được gặp và nói chuyện vài câu với Allan. Thỉnh thoảng Jane cũng đến nhà Allan chơi, chủ yếu là thăm bố mẹ và bà nội Allan, đôi khi được bố mẹ Allan giữ lại ăn cơm. Tình trạng này kéo dài cho đến khi Allan thi đỗ nghiên cứu sinh trường Đại học J, lúc ấy Jane đã tốt nghiệp nghiên cứu sinh trường J. Trong một bài thơ, Jane viết, cô giống như một chuyến tàu xuất phát sớm, hoặc giả Allan là một hành khách đến muộn, mỗi lần đợi Allan ra đến ga thì chuyến tàu của cô đã chuyển bánh.
Sau khi tốt nghiệp, Jane ở lại thành phố J và thường xuyên tìm cơ hội đến trường J thăm Allan, nấu đồ ăn rồi mang đến trường cho cậu, mang quần áo của cậu về nhà giặt. Nhìn thấy Allan đánh mạt chược, Jane luôn nhắc Allan không nên bỏ bê học hành. Đội bạn đánh mạt chược với Allan còn gọi đùa Jane là “chị gái Thành Cương”. Mấy lần, Jane vừa ra khỏi phòng Allan nhưng chưa đi ngay, còn nghe thấy đám bạn của Allan gọi là “mẹ Thành Cương”. Có thể mọi người nói như thế vì Jane giống như người chị gái tận tình chăm sóc Allan, nhắc nhở Allan, không cho cậu ấy đánh mạt chược, nhưng Jane lại nghĩ người ta đang chê cô ấy quá già, nhìn như chị gái hoặc mẹ Allan. Cô không bao giờ cho Thành Cương gọi là chị, nhưng lại nghi ngờ sau lưng Allan cũng giống như mấy cậu bạn kia, gọi cô là “chị” hoặc “mẹ” gì đó.
Phòng Allan trở thành ổ chứa chấp mạt chược, Jane liền kể chuyện này cho bố mẹ Allan và gợi ý họ nên thuyết phục Allan chuyển đồ về nhà cô ở, như thế có thể cắt đứt với đám bạn nghiện mạt chược kia, ăn uống cũng được đảm bảo hơn.
Bố mẹ Allan liền đến trường đại học J xem thực hư, phát hiện đúng là phòng Allan như Jane tả, họ sợ Allan bỏ bê việc học hành nên bảo con trai chuyển đến nhà Jane ở.
Allan không muốn chuyển về đó, nói hiện tại biết chơi mạt chược rồi nên không còn nghiện như hồi đầu nữa, hơn nữa đám bạn cùng phòng kêu cậu ta có tay chơi cờ bạc, chỉ thấy thắng mà không thấy thua nên không cho cậu ta nhập cuộc nữa.
Bố mẹ Allan tin lời con trai vì biết cậu ta bất kể học cái gì, chưa biết thì hào hứng lắm, biết rồi thì không còn nhiệt tình nữa. Hơn nữa bố mẹ Allan cũng ngại làm phiền nhà họ Giản nên không ép cậu chuyển về đó.
Sau khi biết điều đó, Jane lại viết thư cho bố mẹ Allan, nói có thể Thành Cương không chơi mạt chược nữa nhưng cậu là người hay cả nể, bạn bè đến phòng chơi, cậu cũng không đuổi người ta về. Như thế mặc dù bản thân cậu không chơi nhưng cũng chẳng tập trung học được, cô chú nên thuyết phục Thành Cương đến nhà cháu ở, nếu không việc học hành sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bố mẹ Allan liền bảo con trai chuyển về nhà họ Giản, Allan rất có hiếu, không muốn làm bố mẹ phải lo lắng nên đã chuyển về nhà Jane, nhưng hồi ấy cậu có nhiều môn học, trường J cách nhà họ Giản khá xa, đạp xe phải mất tầm một tiếng đồng hồ, thế nên cậu chỉ về nhà họ vào cuối tuần.
Sau đó bố mẹ Allan di cư sang Canada, Allan không muốn đi theo mà ở lại Trung Quốc, hồi ấy ngoài dịp cuối tuần, nghỉ đông, nghỉ hè, cậu cũng ở nhà Jane, nhưng thường thì nghỉ đông cậu sang Canada, còn nghỉ hè lại đi dạy ở miền Nam.
Allan ở nhà Jane nên Jane có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với cậu, nhưng cô bé phát hiện ra Allan không hề để ý đến cô. Hồi ấy Allan lại mê chơi guitar, nhờ một thầy dạy guitar rất có tiếng dạy, suốt ngày chơi đàn, quên ăn quên ngủ. Thời gian còn lại, lúc thì Allan đi hát karaoke với bạn bè, đi khiêu vũ ở trường múa, lúc lại đi đánh bóng bàn ở trường thể dục thể thao. Allan đã từng giành được vị trí quán quân đơn nam giải bóng bàn thành phố K, sau khi vào trường Đại học J liền vào đội bóng bàn của trường, có lúc phải thi đấu, cậu sẽ đến trường thể dục thể thao của thành phố J để tập, được huấn luyện viên ở đó phát hiện ra tài năng, mời cậu làm huấn luyện viên cho đội bóng bàn thiếu niên kiêm hỗ trợ luyện tập cho đội thiếu niên, thế nên phần lớn thời gian cậu không ở nhà.
Jane không dám thổ lộ lòng mình với Allan vì sợ Allan chê cô già hơn cậu. Cô đã dùng rất nhiều cách để thăm dò thái độ của cậu về vấn đề chênh lệch tuổi tác, lúc thì bịa ra một câu chuyện, nói một người bạn nọ hoặc người quen con gái hơn tuổi con trai, hỏi Allan thấy thế có được không, liệu họ có đến được với nhau hay không. Hầu hết Allan chỉ đáp qua loa cho xong chuyện, vì cậu ấy không biết Jane đang thăm dò thái độ của cậu ấy nên nghĩ là chuyện không liên quan đến cậu, chỉ trả lời theo suy nghĩ thông thường mà thôi.
Trong nhật ký Jane viết, Allan từng nói “một số đàn ông không thích vợ hơn tuổi mình”. Thực ra câu này là trích ý kiến của người khác nhưng Jane lại nghĩ đó là ý kiến của Allan.
Jane từng phản bác rằng: “Mác còn ít hơn bà Jenny – vợ ông ba tuổi” nhưng Allan liền đáp: “Ai mà sánh được với Mác và Jenny?” Câu này có thể là chỉ nói bình thường nhưng đã gây cho Jane một cú sốc lớn, cô cho rằng Allan sẽ không thích cô gái hơn tuổi cậu ấy.
Jane thường xuyên giới thiệu bạn gái cho Allan, thực ra cũng là một cách thăm dò, vì cô bé đều giới thiệu bạn bè của mình nên tuổi tác cũng tương đương cô. Có lúc Jane không nói với cô bạn gái của mình là giới thiệu người yêu mà chỉ bảo mọi người cùng đi ăn hoặc đi nghe hòa nhạc. Nhưng sau đó Jane sẽ hỏi Allan có ấn tượng gì về cô bạn đó không, như có ý giới thiệu bạn gái cho cậu ấy. Kế hoạch của Jane là, nếu Allan thích cô gái đó thật thì cô bé sẽ nói cô bạn đó không đồng ý, như thế sẽ không thể thành công.
Có thể Allan không để tâm đến những cô bạn của Jane hầu hết là trả lời không có ấn tượng gì. Điều này khiến Jane vừa vui vừa buồn, vui vì Allan không thích các cô gái đó, buồn vì điều khiến cậu không thích có thể là do họ hơn tuổi cậu.
Trong số những cô bạn được Jane “tác hợp” với Allan, có cô yêu Allan từ cái nhìn đầu tiên thật, rồi nhờ Jane dắt mối cho họ, điều này khiến Jane rất mâu thuẫn. Một mặt cô cảm thấy tình yêu của mình cũng có lý, vì những cô gái tầm tuổi cô cũng yêu người ít tuổi hơn họ, tầm như Allan. Mặc khác cô lại rất lo lắng, thấy Allan “hot” như vậy, suốt đời sẽ phải sống trong sự cám dỗ. Cô luôn nói dối mấy cô bạn đó rằng, có nói với Allan về họ nhưng Allan thấy tuổi tác chênh lệch hơi nhiều. Mặc dù mấy cô bạn đó không vui lắm nhưng dường như cũng chấp nhận được thực tế “tuổi tác chênh lệch hơi nhiều”, điều này khiến Jane càng tuyệt vọng.
Ngoài những cách trên, còn lại là nửa đùa nửa thật bộc lộ tình cảm của mình, nhưng cô lại sợ bị Allan từ chối, nên nói xong lại đính chính, bảo vừa nãy chỉ l nói đùa.
Khoảng cách năm năm giống như một tảng đá lớn đè nén trong lòng Jane bao nhiêu năm, cô từng làm một bài thơ, đại ý nói rằng, khi em bấm ngón tay làm toán thì anh mới oe oe cất tiếng khóc chào đời; khi em đeo cặp sách đi học thì anh mới ê a học nói. Như thế chúng ta cách nhau đúng năm năm, và năm năm này tựa như một thế kỷ ngăn cách em và anh. Thế kỷ này đã khiến chúng ta thành chị em, tình yêu trai gái biến thành điều xa xỉ…
Ngải Mễ không kìm được bèn nói: “Thực ra không phải anh chàng nào cũng đòi hỏi con trai phải hơn tuổi con gái…”
“Đúng vậy, chỉ tiếc là Jane rất sợ Allan có yêu cầu này. Nhưng cũng không có gì là lạ, hồi cô còn trẻ cũng không bao giờ thích yêu anh chàng nào ít tuổi hơn mình. Cô cũng từng rất quý mến một cậu bạn, khi đóng kịch với nhau, cậu ấy đóng vai Đại Xuân trong Bạch mao nữ, còn cô thì đóng Hỷ Nhi, theo kịch bản thì cô và cậu ấy là người yêu của nhau, sau đó đúng là cậu ấy cũng theo đuổi cô thật, mong muốn được đời sống hóa sân khấu. Hai đứa cô yêu nhau một thời gian, cũng khá hòa hợp, nhưng sau đó cô phát hiện ra cậu ấy kém mình ba tháng nên không nhập vai được nữa, chẳng mấy chốc biến thành vai chị gái, sau rồi cũng chia tay nhau.”
“Nhưng tình yêu đích thực phải vượt qua được những rào cản này chứ?”
“Có thể là từ phía các anh chàng thì vẫn vượt qua được, có thể là họ không hề quan tâm đến điều đó nhưng đối với đám con gái thì không thể không băn khoăn. Em cứ tưởng tượng mà xem, bây giờ em yêu một cậu chàng kém em năm tuổi thì em có băn khoăn không?”
Ngải Mễ bèn thử tưởng tượng, một anh chàng kém cô năm tuổi tức là hiện tại đang học cấp hai, thấy thật không thể chấp nhận nổi. Cô liền cười rồi nói: “Em không tưởng tượng nổi, chắc là em không yêu, nếu yêu rồi thì chắc chắn em sẽ bất chấp tất cả.”
“Có lẽ đây cũng chính là điều gây ra bi kịch của Jane, cô bé vừa không thể không yêu, vừa không thể bất chấp tất cả, chắc là một người có tính cách như cô và em rất khó cảm nhận được sự dày vò đó. Nếu là cô, chắc chắn sẽ nói thẳng với Allan, không thành công cũng thành nhânđỡ phải mệt mỏi vì suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng.”
Ngải Mễ đột nhiên nghĩ đến một câu hỏi: “Nếu hồi ấy Jane bộc lộ tình cảm của mình với Allan thì anh ấy sẽ thế nào nhỉ?”
Cô Tĩnh Thu nói: “Cô không biết, không ai có thể trả lời câu hỏi này vì lịch sử không thể viết lại. Thực tế là Jane không làm như thế. Trong khi tình cảm là thứ càng không thể bày tỏ càng mãnh liệt như ngọn lửa bốc cháy rừng rực, không tìm ra được lối thoát, nhiệt lượng khủng khiếp đó lớn hơn nhiều so với việc để nó tự cháy. Không thể bày tỏ thì tình yêu tựa như ngọn núi lửa bị bịt chặt không thể phun trào, năng lượng càng tích càng lớn, nếu không được phun lên trời, nung đỏ bầu trời thì đành phải phun xuống đất hoặc đại dương gì đó.”
Trong nhật ký, Jane đã nhiều lần nhắc đến cái chết, thậm chí dùng thủ pháp hết sức nghệ thuật để miêu tả về cảnh tượng sau khi cắt cổ tay, và cách miêu tả này cho thấy Jane chưa bao giờ trực tiếp chứng kiến cái chết của người nào đó trong cuộc sống thực tế, cô tưởng tượng việc chết là hết sức lãng mạn và kỳ diệu, khó quên như thế nào đối với người thân, bạn bè của cô.
Chi tiết Jane lấy con dao cạo ở tiệm “Thiên hạ đệ nhất kéo” cũng đã được ghi lại trong nhật ký, lý do khiến cô chọn dao cạo có thể ấu trĩ đến mức không thể lý giải, Jane nói là mẹ cô rất thích con dao thái rau ở nhà, dùng nhiều năm rồi, thế nên cô ấy không muốn làm bẩn con dao đó. Có thể trong mắt Jane, sau khi nhà xảy ra chuyện đó, bố mẹ cô vẫn có thể tiếp tục sống ở nhà, vẫn dùng con dao ngày trước để thái rau, nấu cơm. Nếu biết được tình hình sau khi chuyện xảy ra thì có lẽ Jane sẽ không bước vào con đường này.
Thực ra Jane cũng muốn thoát khỏi mối tình vô vọng này. Cô ấy đã thử tiếp xúc với người khác, thậm chí còn yêu một, hai người nhưng cuối cùng đều không thành công, vì trong lòng cô ấy có một khuôn mẫu, luôn lấy Allan ra để so sánh với người khác. Một điều bất hạnh là, kết quả của phép so sánh đó là những người kia luôn luôn kém hơn, cuối cùng cô ấy đã đi vào ngõ cụt: Chỉ ưng một người, nhưng vì cách biệt tuổi tác mà không thể đến được với nhau.
Trang nhật ký cuối cùng được Jane viết ngay trong buổi tối tự vẫn, cô ấy đã gọi rất nhiều cuộc điện thoại để tìm Allan, rồi còn bắt taxi đến nhiều nơi tìm cậu ấy nhưng đều không gặp. Jane không nói tại sao lại tìm Allan mà cuối cùng chỉ nói rằng: “Có lẽ số phận đã an bài như thế này. Thành Cương, em mong kiếp sau anh đừng đến thế giới này muộn như thế.”
Hai người im lặng hồi lâu rồi Ngải Mễ hỏi: “Nếu Allan đọc được nhật ký của Jane thì thế nào hả cô?”
Cô Tĩnh Thu liền đáp: “Hy vọng là cậu ấy sẽ không đọc được. Cô đoán đến giờ Allan vẫn chưa biết Jane tự tử, vì bên công anh cũng không tin là Jane tự tử, vì muốn Allan khai ra quá trình giết người nên họ sẽ không nói cho cậu ấy biết là Jane tự tử đâu, có lẽ nội dung của lá thư tuyệt mệnh kia cũng chưa nói cho cậu ấy biết. Cô mong là mãi mãi cậu ấy sẽ không biết chuyện này.”
“Tại sao ạ? Nếu Jane tự tử thì anh ấy được minh oan còn gì?” Ngải Mễ thắc mắc.
“Ngải Mễ, thế gian có hai mẫu người, một mẫu người có thể dũng cảm đối mặt với bi kịch do số phận tạo nên nhưng lại không thể chấp nhận được bị kịch do lỗi lầm của chính mình gây ra. Mẫu người kia thì hoàn toàn ngược lại, với bi kịch do chính mình gây ra thì có thể tìm hàng ngàn lý do để thanh minh, nhưng đối với bi kịch do số phận tạo nên thì luôn luôn phàn nàn, kêu ca, nếu gặp cú sốc nào đó thì không vươn lên được nữa mà biến thành con người căm hận nhân loại, căm hận cuộc sống.
Allan là mẫu người sẽ tự trách mình, hay nói cách khác là người có lòng tự trọng rất cao, luôn luôn mong muốn mình sẽ đem lại hạnh phúc và niềm vui cho người khác. Nếu cảm thấy mình không thể đem lại hạnh phúc cho mọi người thì cậu ấy sẽ né tránh, ít nhất là sẽ không gây phiền hà và đau khổ cho người ta. Từ nhỏ cậu ấy đã như vậy, có lúc chơi ở nhà cô, cô ngáp một cái là cậu ấy chủ động chào ra về.
Cậu ấy bị giam lâu như vậy nhưng không hoảng loạn về tinh thần như người bình thường, sau khi được thả cậu ấy vẫn sống được như bình thường, vì đó là bi kịch của số phận gây ra chứ không phải do cậu ấy gây ra, cậu ấy có thể đối mặt một cách bình thản. Nhưng nếu biết Jane tự tử, hơn nữa lại vì cậu ấy mà tự tử thì có thể cậu ấy sẽ mãi mãi phải sống trong sự ăn năn, tự trách.”
Ngải Mễ nói: “Mình có thể giấu Allan, không để anh ấy biết Jane tự tử vì anh ấy. Mấy cuốn nhật ký của Jane và bức thư tuyệt mệnh đều ở chỗ công an, bản photo nhật ký thì nằm trong tay cô, bản photo lá thư tuyệt mệnh nằm trong tay em, chỉ cần không cho Allan xem những thứ này thì anh ấy chỉ biết là Jane tự tử chứ không biết cụ thể.”
“Cô chỉ mong sự việc sẽ đơn giản như em nói.”