Lạp nguyệt trung hoán , Chu Thư Hành thân mang giáp bạc đầu đội kim quang cưỡi trên chiến mã ,mang theo mười vạn quân Lang Nha không kể ngày đêm thẳng tiến đến Phong Đô thành .
Với mưu đồ bành trướng thế lực và dã tâm đoạt lấy bằng được từng tấc đất ngọn cỏ của Thiên Triều.
Hoắc Tôn cho quân vây kín thành Phong Đô ,cho dù không thể công thành trong một thời gian ngắn ,gã cũng muốn đem Phong Đô đẩy vào trong tình thế bị động, hoàn toàn biệt lập với thế lực đồng minh bên ngoài .Bên cạnh đó , để ngăn chặn đường lui của chủ thành Phong Đô _ Ưng Bắc Vương -Nam Cung Quyết và chặt đứt con đường ứng cứu của nhóm tinh binh tiếp viện đến từ Thượng Kinh.
Gã bèn để phó tướng của mình là Nặc Lâm dẫn theo hơn bảy vạn quân chia làm hai hướng thủ sẵn ở hai con đường chủ chốt dẫn đến Phong Đô thành .
Thái Ninh năm thứ hai , đầu xuân se lạnh , những bông tuyết trắng phau vẫn còn chưa tan hết buông mình rơi lả tả dưới nền trời xám xịt .Chu Thư Hành giơ mạnh trường thương trong tay , điều động toàn quân ,mở ra một con đường máu mà vượt ải Lĩnh Khê.
Đem đầu của Nặc Lâm làm quà gặp mặt ném thẳng đến chỗ Hoắc Tôn.
Những tháng ngày sau đó là một chuỗi dài binh đao chiến loạn, chém giết không ngừng.
Ở Phong Đô thành thây chất thành đống ,máu chảy khắp nơi .Không biết đã có bao nhiêu người ngã xuống chỉ để kiên trì giữ lấy cánh cổng của tòa thành này không bị giặc ngoại bang công phá .
Thái Ninh năm thứ ba, sau trận đại chiến kéo dài suốt ba ngày ba đêm ở Nhạn Môn Quan , Chu Thư Hành rốt cuộc cũng khiến cho đội quân hùng mạnh của Chiến Quốc phải nhận lấy thất bại ê chề.
Để vị Thiết Mã nguyên soái vốn tự xưng là bách chiến bách thắng phải cúi đầu cụp đuôi mang theo đám tàn quân còn sót lại rút hết về thành Bất Dạ .
Đêm ấy , ở Phong Đô mở tiệc khao quân ,sau khi đã uống đến ngà ngà say, Chu Thư Hành liền mang theo một thân mệt nhoài uể oải mà đứng ở trên tường thành cao lẳng lặng nhìn về phía trời nam.
Ánh mắt hắn thâm sâu trầm đục, lại có phần mờ mịt mông lung .
Vạn dặm đường xa ,vạn dặm gió , khói lửa sa trường đã sớm làm nhòe hình bóng cố hương.
Con đường chinh chiến năm dài tháng rộng vốn chẳng còn chờ mong thấy được ngày về .
Thái Ninh năm thứ tư , dưới sự chỉ huy và thống lĩnh của Chu Thư Hành ,Lang Nha quân từng bước từng bước giành lại được những căn cứ điểm quan trọng .Cũng trong cùng năm đó ,Bất Dạ thành lần nữa đổi chủ.
Trên đất Thiên Triều không còn dung được bước chân của quân đội Chiến quốc.
Hoắc Tôn tử trận - gã chết không nhắm mắt dưới mũi thương bén nhọn của Chu Thư Hành.
Tin tức này vừa truyền đến Thượng Kinh đã gây ra một hồi chấn động không hề nhỏ.
Đối với trăm dân bách tính Chu Thư Hành chẳng khác gì một vị võ thần tuổi trẻ tài cao đánh đâu thắng đó .Nếu đem ra so với tài trí và mưu lược củaTrấn Quốc Công Chu Thành năm xưa thì cũng chỉ có hơn chứ nào có kém.
Còn trong mắt của đám triều thần yếu hèn bạc nhược thì hắn lại là một mãnh tướng đáng gờm với tiền đồ rộng mở uy danh.
Tuy ngoài mặt bọn họ đều ra vẻ tấm tắc ngợi khen thế nhưng trong lòng lại không tránh khỏi có phần ganh đua đố kị .Duy chỉ có Huyền Đức đế là không rõ thái độ vui buồn yêu ghét .Gã vẫn giữ nét mặt bình thản mà thâm sâu để quan sát tất thảy sự tình ,thế nhưng chẳng mấy ai biết được,ở trong lòng của bậc đế vương đã sớm ngày gieo xuống một hạt mầm chứa đầy nghi kỵ và nổi ý sát tâm .
Thái Ninh năm thứ năm ,tuy biên ải phương Bắc đã sạch bóng quân thù , thế nhưng ý đồ xâm lược của Đại Hãn Chiến Quốc vẫn còn nhen nhóm mãi.
Vậy nên ,để giữ vững từng tấc sơn hà của Thiên Triều thoát khỏi ánh nhìn chầm chầm như hổ đói của lũ giặc ngoại bang , Chu Thư Hành đành phải nán lại nơi biên quan mịt mù khói lửa , khoác giáp cầm thương mà trấn thủ Bất Dạ thành .
Thái Ninh năm thứ sáu ,gió bụi miền hoang đã phũ lên đôi mắt trong trẻo của chàng thiếu niên năm xưa một mảnh tình ảm đạm của thế cuộc xoay vần.
Chu Thư Hành đã chẳng còn nhớ nỗi dáng vẻ yên bình tĩnh lặng của sông núi Giang Nam , cũng chẳng còn nhớ nỗi mùi vị cay nồng của một bình Hồng nhan tửu mà người nào đó vẫn hay ngồi cùng hắn uống cạn.
Ngày nối ngày trôi đi trong chiến chinh loạn lạc , lấy máu rửa đao, nằm gai nếm mật , hắn đã chẳng còn là hắn của những ngày xa xưa .
Thái Ninh năm thứ bảy ,trong một lần cưỡi ngựa đi tuần tra địa hình dọc theo bờ phòng tuyến trên nhánh sông Như Nguyệt , Chu Thư Hành vô tình nhìn thấy một gốc đào già đã cằn cỗi xác xơ .Hắn dừng lại vó ngựa , đứng ở đấy rất lâu , trong đôi mắt phượng lạnh lùng sát phạt thoáng hiện lên ánh nước lệ nhòa khi bắt gặp sắc hồng chớm nở của một nụ hoa .
Thái Ninh năm thứ tám , khi trận tuyết đầu mùa bắt đầu rơi , Chu Thư Hành lại ngửa cổ nhìn từng đàn chim én bay về Nam tránh rét.
Hắn thẩn thờ mất một lúc lâu , mãi đến khi lấy lại tinh thần thì đôi mi đã ướt.
Ngày hôm ấy ,hắn lại nhớ y rồi ! Nhớ đến quặng thắt con tim ,cõi lòng tê tái .