Nhà tâm lý Điền Lộ gần như lý giải tâm trạng Dịch A Lam ngay tức khắc, có thể thấy chàng trai trước mặt khá nhạy cảm.
Sự nhạy cảm này có lẽ đến từ bẩm sinh hoặc hình thành thông qua quá trình tương tác với môi trường.
Dẫu thế nào đi nữa, một cậu bé nhạy cảm phải sống trong gia đình có cha là người đồng tính và bản thân rất có khả năng là sản phẩm của một trò lừa gạt, nhất định đã chịu lắm giày vò.
"Khi mẹ và tôi phát hiện cha là người đồng tính, ông ấy đã chết." Dịch A Lam lên tiếng sau một hồi im lặng.
"Ông ấy đang lái xe đến chỗ tình nhân vào lúc nửa đêm thì gặp tai nạn giao thông.
Khi chúng tôi biết được tin ông ấy đã mất, cũng là lúc biết được lý do vì sao."
Tử vong, ngoại tình, lừa hôn.
Ba đòn kích thích liên tiếp đã khiến Nhạc Khê Minh vốn dịu dàng trầm tĩnh gần như sụp đổ.
Và năm đó, Dịch A Lam chỉ vừa tròn chín tuổi.
Trong ấn tượng của Dịch A Lam, cha y - Dịch Vân Sơn, là một người hào hoa lịch lãm.
Ông luôn dùng giọng điệu nhẹ nhàng khi nói chuyện với Dịch A Lam; cũng như luôn tỏ thái độ tôn trọng với Nhạc Khê Minh suốt những năm sống chung, phải nói rằng hai người hiếm khi cãi vã.
Nhưng mãi sau này khi đã lớn, Dịch A Lam mới hiểu rằng đấy thực sự chỉ xuất phát từ phép lịch sự thuần túy mà không hề trộn lẫn bất kỳ tình cảm nào.
Dịch Vân Sơn bận rộn với một dự án lớn trong khoảng thời gian trước khi qua đời, phải thường xuyên làm việc thâu đêm suốt sáng.
Dịch A Lam vẫn nhớ như in đôi mắt hằn đầy tơ máu của ông lúc bấy giờ.
Ông vất vả là vậy, nhưng vào ngày trước sinh nhật của người kia, ông vẫn lái xe hơn trăm cây số sau khi vội vã kết thúc buổi tăng ca vào khoảng mười giờ tối.
Vì sao à? Vì cha y chỉ muốn gửi lời chúc sinh nhật sớm nhất đến người đàn ông đó.
Trong đoạn video giám sát về sau, Dịch A Lam trông thấy cha mình gặp phải một tên say rượu lái ngược chiều.
Ông vội bẻ lái tránh đi chiếc xe "hung thần" kia, song lại tông vào lan can phòng hộ lao xuống cầu vượt chết tại chỗ.
Cảnh sát giao thông xác định hai nguyên nhân chính: Một là, Dịch Vân Sơn lái xe trong tình trạng mệt mỏi quá độ; hai là, ông đang nói chuyện điện thoại với tình nhân nên lơ đễnh trong việc tham gia giao thông, dẫn đến phản ứng quá khích khi có phương tiện đi ngược chiều - tăng tốc nhanh mà không phanh kịp, gây ra một lực đáng kể làm vỡ lan can.
Đó là một ngày vô cùng đau đớn và tủi hổ.
Nội tâm Nhạc Khê Minh dấy lên biết bao cảm xúc lẫn lộn về cái chết của Dịch Vân Sơn.
Bà thầm nghĩ "anh chết cũng đáng", nhưng lại buồn đến mức nôn mửa; muốn mắng ông một câu "quả báo nhãn tiền", nhưng chỉ khiến bản thân càng thêm đáng thương.
Nhạc Khê Minh, bà nội và Dịch Hiểu Sơn đều muốn giấu Dịch A Lam sự thật đằng sau.
Chẳng qua, một đứa trẻ chín tuổi đã nhận thức được nhiều hơn họ nghĩ.
Y phát hiện chân tướng phũ phàng từ những lần trao đổi ánh nhìn giữa người lớn, từ những lời mập mờ trước mặt và cả lời bóng gió sau lưng.
Nhạc Khê Minh đã vững vàng trở lại vì đứa con một nhỏ tuổi.
Và cũng chính vì điều ấy, bà đã dành hết thảy tình cảm cùng sự quan tâm cho Dịch A Lam.
Dịch A Lam nói với nhà tâm lý một cách khó khăn: "Anh biết đấy, đồng tính luyến ái có thể di truyền."
Điền Lộ gật đầu.
Anh cũng có thể mường tượng ra Nhạc Khê Minh - người mẹ "một lần bị rắn cắn, mười năm sợ dây thừng" - sẽ hoảng sợ và chú ý quá nhiều đến xu hướng tính dục của con trai mình.
Kể từ lúc Dịch A Lam vừa chớm dậy thì, Nhạc Khê Minh có lẽ là bậc cha mẹ duy nhất muốn con mình biết yêu càng sớm càng tốt.
Thậm chí nếu y tỏ ra hứng thú với con gái thì bà cũng đã cười toe toét cả ngày.
Đôi khi bà cố tình lấy ảnh hoạt động trong lớp và hỏi Dịch A Lam rằng "con thấy bé gái nào xinh nhất", hoặc nói đùa "con trai mẹ đẹp thế này, sao chẳng có bạn nữ nào thích con nhỉ".
Và một khi Dịch A Lam quá thân thiết với bạn nam nào đấy, nó sẽ khơi dậy lòng cảnh giác tột độ của Nhạc Khê Minh dù cho chỉ là tình bạn bình thường giữa những đứa trẻ.
Nhạc Khê Minh đã cố giấu nhẹm những lo lắng về xu hướng tính dục của con trai, bà không muốn tạo áp lực quá lớn cho Dịch A Lam.
Nhưng Dịch A Lam vốn thông minh nhạy cảm, sao y có thể không cảm nhận được sự giám sát và thăm dò của mẹ đối với mình.
Thậm chí, y còn có thể thông qua đó mà cảm thụ tình yêu sâu sắc của mẹ dành cho đứa con trai duy nhất.
Y không muốn làm mẹ thất vọng nên đã cố tình giữ khoảng cách với các bạn nam, chỉ là y làm cách nào cũng không thể hòa đồng vào nhóm còn lại.
Kể từ đó, y đã bắt đầu học cách sống một mình.
Những khó khăn thời niên thiếu của y cũng nhiều biến động hệt như nỗi lo của mẹ.
Nhạc Khê Minh hy vọng con trai tiếp xúc nhiều hơn với các bạn nữ để vun đắp mối quan hệ; nhưng đồng thời bà cũng sợ rằng việc tiếp xúc quá nhiều với nữ giới khiến y cư xử như một cô gái, mất đi tính mạnh mẽ khảng khái của đàn ông.
Và khi Dịch A Lam chơi bóng cùng các cậu trai, nỗi buồn lo sâu sắc ấy lại bắt đầu tràn ngập trong bà.
Nhạc Khê Minh đã gián tiếp tra tấn tinh thần Dịch A Lam trong khi tự hành hạ chính mình.
Căn nguyên của mọi chuyện âu vẫn là Dịch Vân Sơn, người đã mất nhiều năm nhưng vẫn gây ám ảnh cho người ở lại.
Chủ đề xu hướng tình dục chưa bao giờ được thảo luận một cách công khai và trung thực giữa mẹ con họ, hai người đều kín đáo và cẩn thận tránh né khía cạnh này.
Lần căng thẳng duy nhất đến nỗi suýt chọc thủng tầng giấy là khi Dịch A Lam đăng ký nguyện vọng vào một trường đại học cách xa thành phố mà bất chấp sự phản đối gay gắt của mẹ.
Nhạc Khê Minh đỏ bừng mắt.
Bà không hiểu vì sao Dịch A Lam lại đi xa như vậy, trong khi đầy rẫy trường đại học địa phương tốt hơn.
Có lẽ đâu đó nơi sâu thẳm trong bà vẫn biết, rằng Dịch A Lam làm thế cốt thoát khỏi tầm mắt của mình.
Bà chỉ là chẳng dám thừa nhận, chẳng dám nghĩ tới việc vì sao Dịch A Lam lại trốn chạy.
Dịch A Lam đã nói rằng "mặc dù về tổng thể, trường đại học kia không bằng những nơi khác, nhưng chuyên ngành về người máy và trí tuệ nhân tạo lại rất xuất sắc".
Lý do chính đáng là thế, sao Nhạc Khê Minh có thể đứng ra phản đối thêm nữa.
Vào đêm tranh luận cuối cùng, Dịch A Lam đọc được nỗi tuyệt vọng giấu sau đôi mắt mẹ.
Y nghĩ bà ấy hẳn đang chất vấn mình, rằng có phải con cũng giống như cha con không?
"Nếu mẹ hỏi thế, em sẽ trả lời như thế nào?" Điền Lộ hỏi.
"Tôi sẽ nói," Dịch A Lam cụp mắt, không dám thừa nhận.
"Vâng."
Đó cũng là khoảng thời gian y nổi loạn và can đảm nhất.
Giá như lúc đó đã dàn trải hoàn toàn hết thảy mọi chuyện, giá như xu hướng tính dục đáng xấu hổ kia được phơi bày trọn vẹn dưới cái nắng thiêu đốt, có lẽ hôm nay Dịch A Lam sẽ cảm thấy tốt hơn.
Dịch A Lam đôi khi tự hỏi, rằng mình đã bất chấp mọi sự né tránh và phòng vệ mà vẫn rung động trước đàn ông, ấy là vì nó đã khắc sâu vào gen hay chỉ là tín hiệu tâm lý nghịch đảo khi càng sợ hãi, ta lại càng tò mò.
Trước nỗi hoang mang này, nhà tâm lý tạm thời chưa thể đưa ra câu trả lời khẳng định.
Điền Lộ hỏi: "Em từng quan hệ với người đàn ông nào chưa? Em cảm thấy thế nào về điều đó?"
Dịch A Lam vội lắc đầu: "Khi nhận ra mình thích đàn ông, tôi đã hoảng sợ và không dám lại gần người cùng giới nữa.
Nếu xuất hiện một người đàn ông có hảo cảm với tôi, tôi sẽ tự nhiên thấy sợ."
Sợ bản thân sa vào một vũng lầy không thể cứu vãn.
Điền Lộ gật đầu, rót thêm nước ấm vào cốc đặt trên bàn của Dịch A Lam.
Anh cho cậu trai trẻ này một chút thời gian để lấy lại bình tĩnh trước khi nói về những suy nghĩ của riêng mình.
"Tôi thử phân tích về thế giới kỳ lạ mà em đã thấy nhé." Điền Lộ nhìn Dịch A Lam.
"Điều đầu tiên khiến em bối rối nhất chính là hình xăm của người chú đã khuất.
Em và chú mình đã không gặp nhau chừng một, hai năm; và trong lần cuối cùng em gặp chú ấy, trên người chú vẫn chưa có hình xăm - đây là điều mà em chắc chắn.
Hình xăm của chú đã được thực hiện vào lúc em vắng mặt, và em cũng không biết nó trông như thế nào.
Nhưng khi nhìn thấy di thể của chú, em lại có cảm giác quen thuộc đối với hình xăm kia.
Hóa ra em đã trông thấy nó ở "vài ngày trước", cụ thể là vào ngày 32."
"Vâng."
"Đây thực ra là một hiện tượng rất phổ biến." Điền Lộ mỉm cười.
"Nhiều người cũng từng có trải nghiệm này.
Khi làm điều gì đấy hoặc trông thấy một cảnh tượng nào đó, họ bỗng dưng cảm thấy "dèjá vu (1)" - như thể bản thân đã trải qua điều ấy.
Giải thích về mặt y học, đây có thể là kết quả từ hiện tượng phóng điện nhất thời của các dây thần kinh (2).
Còn được gọi là "trompe-l'œil (3)", ảo thị.
Như tên cho thấy, nó liên quan đến cơ chế lưu trữ thông tin của bộ não.
Trong não chúng ta có một vùng gọi là "bộ nhớ ngắn hạn (4)", thông tin từ "bộ nhớ tạm thời (5)" cần phải đi qua nó mới chạm đến "bộ nhớ dài hạn (6)".
Tuy nhiên bộ não đôi khi gặp phải "trục trặc", đặc biệt là vào những lúc mệt mỏi.
Điều này hết sức bình thường, đúng không em? Bằng một cách nào đó, một số thông tin từ "bộ nhớ tạm thời" đã tiến thẳng đến "bộ nhớ dài hạn".
Do vậy mà ấn tượng của em về một đối tượng đến từ nó (bộ nhớ dài hạn), nhưng cũng không thực sự đến từ nó.
Điều này khiến em cảm tưởng rằng mọi thứ đã xảy ra."
Dịch A Lam lấy làm ngờ ngợ.
Y từng trải qua hiện tượng Điền Lộ đã nói, song đó chỉ là cảm giác "dèjá vu" mơ hồ ngắn ngủi.
Mà trí nhớ của y về hình xăm trên cơ thể chú thì vô cùng rõ ràng.
Điền Lộ nói tiếp: "Em còn đề cập rằng đó là thế giới mà hầu hết mọi người đều biến mất một cách vô cớ.
Tôi nghĩ, đây là vì em muốn họ biến mất trong vô thức (7).
Tôi đã gặp rất nhiều thân chủ có vấn đề tâm lý do đồng tính luyến ái gây ra.
Đồng tính luyến ái không hề mang lại cảm giác buồn khổ cho họ, nhưng chính những ánh mắt phán xét của thế giới bên ngoài và sự thiếu hiểu biết của các thành viên trong gia đình đã tạo ra áp lực cho nhóm người này.
Nếu tất cả những điều kể trên biến mất thì đồng tính chẳng còn là vấn đề gì nữa."
(chú thích đặt cuối chương)
Dịch A Lam mở miệng định trả lời, nhưng không âm thanh nào thoát ra cả.
Điền Lộ cười: "Tôi biết em muốn nói gì.
Em rất yêu mẹ của mình, và hiển nhiên em không muốn bà ấy biến mất.
Nhưng những gì tôi đang nói đến là trong vô thức.
Em không thể phủ nhận rằng bà ấy đã tạo cho em một áp lực khó lòng chịu nổi.
Tình yêu và sự quan tâm săn sóc của bà ấy đã hóa thành một tấm lưới bao bọc em, và em lại không đành lòng làm tổn thương tấm lưới đó.
Bởi vì như thế, cũng đồng nghĩa làm tổn thương mẹ em.
Vậy nên bà ấy biến mất vào hư không, chẳng có lấy một vết thương."
"Chúng ta hãy nói về người đàn ông tên Châu Yến An mà em đã gặp đi nào." Điền Lộ hỏi.
"Châu Yến An có phù hợp với gu thẩm mỹ của em không?"
Dịch A Lam sững sờ, bỗng dưng có chút xấu hổ: "Anh ấy...!Anh ấy trông rất ổn.
Nhưng tôi không có bất kỳ suy nghĩ nào về mặt đó.
Tôi đang hoang mang trước ngày tận thế, nào còn rỗi hơi suy nghĩ về những chuyện không đâu."
"Em không cần ngại." Điền Lộ cười mỉm.
"Thực ra, tôi cũng đánh giá cao về Châu Yến An mà em đã mô tả.
Anh ta hẳn là đại diện cho em, cũng như thẩm mỹ xã hội của hầu hết đàn ông và phụ nữ khi nghĩ đến biểu tượng nam tính.
Nét đẹp của anh ta mang tính phổ quát và có ý nghĩa mỹ học.
Loài người từ xưa đến nay đều ngưỡng mộ những người đàn ông như thế.
Đó là ấn tượng khắc sâu vào gen nhân loại từ xa xưa khi đàn ông chiến đấu với thú dữ, trải qua các cuộc chiến lâu dài nhằm bảo vệ quê hương, mở mang bờ cõi.
Đàn ông hẳn nên mạnh mẽ, dũng cảm, không sợ nguy hiểm khi đối mặt với thảm họa tận thế.
Hình như em có nói rằng anh ta còn biết sử dụng súng? Đây cũng là đại diện của sức mạnh hiện đại.
Vì vậy, Châu Yến An là biểu tượng nam giới hoàn hảo nhất trong vô thức của em."
"Còn người phụ nữ mang thai thì sao? Cô ta không phải là một cá thể riêng biệt, mà cũng là một biểu tượng.
Hay nói theo góc nhìn văn học, cô ta là một mô-típ.
Cô đại diện cho sự sinh sản của con người, cũng là một ham muốn bản năng khắc sâu trong gen nhân loại.
Đồng tính luyến ái từng được xem là "dị giáo" trong quá khứ vì không có khả năng sinh sản, tôi nói đúng chứ? Em và Châu Yến An cùng nhau đỡ đẻ cho người phụ nữ ấy, đây là một nghi thức nhằm thỏa mãn áp lực sinh sản do xã hội và lịch sử áp đặt lên em.
Ngày 32 tượng trưng cho một sự cứu rỗi đến từ vô thức, khi mà em không thể chịu đựng nổi những áp lực ấy nữa.
Vì nó là vô thức nên rất nhiều chi tiết không thể lý giải theo cách thông thường, cũng như xuất hiện nhiều vấn đề mang tính cực đoan."
Dịch A Lam muốn phản bác, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Bởi vì sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, dường như những gì nhà tâm lý vừa nêu cũng rất có lý.
"Nếu có lần sau," Điền Lộ không dùng những từ ngữ dị thường như "hoang tưởng" hay "ảo giác" mà nói với vẻ tôn trọng.
"Nếu còn gặp lại Châu Yến An, tôi đề nghị em nên có một ít hành vi thân mật với anh ta.
Có lẽ, tôi sẽ hiểu được những xung động của em dành cho người cùng giới đến từ gen sinh học hay là tác dụng của "hiệu ứng trái cấm (8)" dựa trên hành vi đến từ vô thức.
Nếu là vấn đề sau, em vẫn có thể thông qua vài liệu pháp trị liệu tâm lý để khôi phục xu hướng tính dục ban đầu."
(8) Hiệu ứng trái cấm: Khi một thứ gì đó bị cấm hoặc nguy hiểm, không thể tiếp cận hoặc khó khăn...!nó sẽ hấp dẫn hơn những thứ dễ dàng có được hoặc chắc chắn có được chúng.
Dịch A Lam ngượng chín mặt, vành tai cũng đã đỏ ửng.
Y cảm thấy nhà tâm lý kiến nghị như thế âu cũng vì anh không biết Châu Yến An thực sự mà mình trông thấy là người như thế nào.
Mặc dù Châu Yến An quả thật hoàn hảo như một biểu tượng, song đó chẳng phải là biểu tượng hoạt động theo ý muốn của y.
Hết chương 007
Chú thích:
Mình thấy có vài chỗ tác giả giải thích "gộp" (?).
Không biết là do dụng ý của tác giả (Nhà tâm lý giải thích ngắn gọn cho thân chủ) hay do tác giả chưa tìm hiểu kỹ nữa.
Nhưng tại đây, mình xin phép chú thích vài dòng như sau:
(1) Dèjá vu: Đây là một từ tiếng Pháp, nghĩa là "đã nhìn thấy"; đại khái là cảm giác xuất hiện khi một sự kiện nào đó diễn ra và bạn cho rằng nó đã xảy ra rồi trong quá khứ.
(2) Hiện tượng phóng điện nhất thời của các dây thần kinh: Đây được xem là một trong những nguyên nhân của "dèjá vu", nhưng nó cũng là thủ phạm gây ra cơn động kinh (chứ không phải như tác giả đã nói, "còn được gọi là "trompe-l'œil").
Và theo các nghiên cứu, nhiều bệnh nhân động kinh cho biết họ có cảm giác "dèjá vu" trước khi cơn động kinh bắt đầu.
(3) Trompe-l'œil: Đây là một từ tiếng Pháp, nghĩa là "đánh lừa thị giác".
Search trên Google, các bạn có thể thấy nhiều về nó trong ứng dụng nghệ thuật.
Nhưng (theo mình biết), nó không liên quan đến cơ chế lưu trữ thông tin như tác giả đã nói.
(4) Trí nhớ tạm thời (Sensory Memory): Còn gọi là trí nhớ cảm giác; là sự ghi nhớ trong khoảng thời gian ngắn, ảnh hưởng do những kích thích vào giác quan.
(5) Trí nhớ ngắn hạn (Short-term Memory/STM): Là sự ghi nhớ thông tin được nhận từ trí nhớ tạm thời; và là nơi thông tin được nhẩm lại để đưa vào trí nhớ dài hạn và mang thông tin từ trí nhớ dài hạn ra để sử dụng khi cần thiết.
(6) Trí nhớ dài hạn (Long-term Memory/LTM): Là nơi cho phép lưu trữ thông tin trong khoảng thời gian dài; và sức chứa là vô hạn.
(7) Vô thức: Chỉ là mình nhịn không được, muốn nói vài dòng về "vô thức" (unconscious) theo góc nhìn của Sigmund Freud.
Vô thức chứa đựng tất cả những động lực, thôi thúc hoặc bản năng nằm ngoài nhận thức nhưng nó vẫn thúc đẩy hầu hết những lời nói, cảm xúc và hành động của con người.
Vô thức thường xuyên tìm cách thoát lộ lên trên tầng ý thức và mỗi người đều phải đầu tư năng lượng giữ vô thức khỏi thoát lộ..