tháng Hai, hồi VI
Vào ngày đầu tiên sau khi trở lại làm việc, Dịch A Lam được thông báo người bị tình nghi là Joker đã chết.
La Thái Vân hy vọng y có thể thử liên lạc với Joker trong ngày 32 tới, xác nhận thực hư của chuyện này.
Tin tức ập đến bất ngờ, Dịch A Lam không biết phản ứng thế nào ngoài việc bàng hoàng đón nhận.
Dịch A Lam có được một phần thông tin về Bob Taylor.
Để xem nào...!Người nọ chỉ mới hơn ba mươi tuổi, anh ta [1] còn bộc lộ tài năng về biên soạn chương trình thông minh từ nhỏ.
Thuở trung học, anh ta đã viết một chương trình trí tuệ nhân tạo bằng thuật toán do chính mình phát triển và giành được giải thưởng uy tín, mức độ thông minh của nó cũng được đánh giá rất cao trong phép thử Turing (1).
Vào thời điểm đó, những cá nhân tham gia cuộc thi cũng là nghiên cứu sinh hoặc thạc sĩ đã tốt nghiệp từ các trường trọng điểm có chuyên ngành liên quan.
Nhóm "tinh hoa xã hội" này đã hiểu được như thế nào gọi là "tài năng thiên phú" từ cậu sinh viên trẻ tuổi ấy.
Sóng sau xô sóng trước, ngọn núi này cao thì cũng có núi khác cao hơn; họ đã học được cách khiêm tốn sau những lần thất bại, đây cũng là một điều tốt cho tương lai của họ.
Mối quan tâm của Bob sau đó đã chuyển sang máy tính lượng tử, anh ta cũng chẳng công khai bày tỏ quan điểm của mình về trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy anh ta vẫn chú ý đến dòng phát triển của AI, có lẽ Bob đã âm thầm thực hiện các công trình nghiên cứu riêng, chẳng hạn như kết hợp mạng lưới thần kinh sâu (2) của trí tuệ nhân tạo với điện toán lượng tử.
Điểm này phù hợp với những gì Joker đã nói, rằng hắn từng viết một chương trình thông minh tên A.
(1) Phép thử Turing: là một bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính.
Phép thử như sau: một người chơi thực hiện một cuộc thảo luận bằng ngôn ngữ tự nhiên với một con người và một máy tính, cả hai đều cố gắng chứng tỏ mình là con người.
Ba bên tham gia phép thử được cách ly với nhau.
Nếu người chơi không thể nhận ra máy tính không phải là con người, máy tính đó vượt qua phép thử.
(2) Mạng lưới thần kinh sâu (DNN-Deep neural Network): là một mạng neuron nhân tạo (ANN) với nhiều đơn vị lớp ẩn giữa lớp đầu vào và đầu ra (hình như chương trước mình quên chú thích).
Bob bẩm sinh đã nói lắp, cha mẹ từng đưa anh ta đến bệnh viện phẫu thuật nhưng vẫn không khỏi.
Bác sĩ cho rằng vấn đề cốt lõi là yếu tố tâm lý, có lẽ anh ta không muốn giao tiếp với thế giới bên ngoài nữa.
Dịch A Lam đôi khi có thể ghép gương mặt Bob Taylor với Joker, song đôi khi y cảm thấy lại chẳng tương đồng.
Có lẽ thật sâu trong thâm tâm, rằng y hy vọng Joker vẫn còn sống.
Suy cho cùng, Joker đã cứu Dịch A Lam một lần.
Mặc dầu lo lắng nguồn năng lượng khổng lồ mà Joker nắm giữ vào ngày 32 có thể trở thành mối nguy tiềm ẩn, và y cũng đã báo cáo với mọi người trong Tổ nên lập kế hoạch đề phòng, nhưng đột nhiên nghe tin người bị tình nghi là Joker đã chết – ngay cả khi Bob Taylor chỉ thuộc diện tình nghi, y cũng chẳng mấy dễ chịu.
Theo quan điểm của Dịch A Lam, dẫu y không tán thành với tư tưởng của hắn, song nó cũng chẳng ngăn y cảm thấy Joker là một người ngay thật, và trung thành với nguyên tắc của mình.
Đã tám tháng trôi qua kể từ lần đầu tiên xuất hiện ngày 32, nếu Joker thực sự muốn lật đổ hay theo đuổi thứ gì đấy, hắn đã chẳng im hơi lặng tiếng như vậy.
Trước khi đám mây nghi vấn về Joker và Bob Taylor bao trùm lên các quốc gia dần rút đi, một cơn bão khác với sức công phá lớn hơn đã thình lình ập đến.
Lần này, ngay cả những lãnh đạo bình tĩnh nhất, lý trí nhất, đang ngồi trước bàn làm việc hoạch định chiến lược cũng phải bật dậy thảng thốt.
Chưa có quốc gia nào từ bỏ việc truy tìm nguồn gốc và nguyên nhân của ngày 32.
Vì tính-nhân-tạo quá rõ ràng (trong mốc thời gian), nhiều người đã tán đồng ý kiến cho rằng "ngày 32 là một thực nghiệm của nền văn minh ngoài hành tinh".
Hoặc "họ" chỉ quan sát Trái Đất và loài người trong khoảng thời gian ngắn rồi tiện tay "phẩy vài nét mực", chẳng với mục đích gì cả, hệt như cuộc thăm thú trong buổi dã ngoại hết sức bình thường.
Tựu trung, ngày 32 không thể khám phá và lý giải bằng công nghệ hiện tại.
Mặc dù vậy, nhiều quốc gia vẫn triển khai hàng loạt hình thức khám phá khác nhau, biết đâu lại mèo mù vớ phải cá rán?
Trước mắt, làm rõ dòng thời gian bất thường của ngày 32 là mục tiêu nghiên cứu hàng đầu trên khắp thế giới.
Mọi người đều thắc mắc, tại sao bản chất ngày 32 giống với thế giới thực, nhưng chỉ mỗi thời gian là thay đổi, chính xác phải nói là đồng hồ? Thời gian vẫn là thời gian đó, 24 giờ một ngày, 60 phút một giờ, và độ dài mỗi giây giống hệt với độ dài của đồng hồ nguyên tử; chỉ là lịch sau Công Nguyên vốn trở thành tiêu chuẩn phi chính thức trên toàn cầu, nay mỗi tháng có thêm ngày 32, hơn nữa múi giờ còn thống nhất toàn thể, bất kể ngày đêm, đều có thời gian biểu giống hệt nhau.
Ngoài việc nói rằng đây là trò đùa dai của người ngoài hành tinh, thì thật khó để tìm ra lý do nào khác.
Tiếp đến, một câu hỏi khác được đặt ra: Tại sao thời điểm bắt đầu ngày 32 là 0 giờ? Cụ thể, tại sao ngày 32 xuất hiện lúc 02:34 sáng ngày 1 tháng 6 ở Hoa Quốc, 14:34 chiều ngày 31 tháng 5 ở nước A, 18:34 tối ngày 31 tháng 5 ở Kinh tuyến gốc, và tuyến thời gian của ngày 32 vừa khéo bắt đầu một ngày mới – 0 giờ?
Do việc phân chia múi giờ lấy 1 (giờ) làm đơn vị cơ bản (một số khu vực cũng chia nửa giờ, song đều là số nguyên), nên trên thế giới có tổng cộng 24 múi giờ, vì thế không tồn tại quốc gia nào chính xác ở "0" trong khoảng thời gian ngày 32 xảy ra.
Vậy hãy tưởng tượng rằng, nếu múi giờ được chia thành phút và các yếu tố hành chính không được xem xét, thì khi ngày 32 xuất hiện, trên Trái Đất phải có một kinh độ với thời gian chính xác bằng 00:00 – phép tính khá đơn giản, đáp án là 81,5° Kinh Đông [2].
Như vậy, việc ngày 32 và kinh tuyến này đạt tới "điểm 0" cùng lúc chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay có mối liên hệ nào đó?
Để xác minh ý tưởng này có hợp lý hay không, Liên Hợp Quốc đã đề xuất rằng: Mỗi quốc gia cử một hai đại diện, thành lập đội ngũ thăm dò nơi kinh tuyến đi qua có 00:00.
Nhưng nói thì dễ, làm lại khó.
Trên bản đồ chỉ hiển thị một đường kinh tuyến mảnh được vẽ từ Bắc Cực đến Nam Cực, song thực tế là những vùng đất hẹp dài mà rộng lớn, với loạt thành phố sầm uất và khu rừng rậm rạp, ngoài ra còn có sa mạc cao nguyên, biển cả mênh mông.
Muốn khám phá, vậy chẳng lẽ chúng ta cũng cần mò xuống đáy biển? Chưa kể, Bắc-Nam Cực còn có sông băng dày.
Theo cách này, e rằng phải tốn cả bộn tiền và nhân lực; từ quan điểm kinh tế, cái mất quả là nhiều hơn cái được.
Mặt khác, do đường kinh tuyến này đi qua nhiều quốc gia, đàm phán và thỏa hiệp là việc không thể tránh khỏi trên quan điểm chính trị.
Chính vì lẽ đó, nhiều nước cho rằng ý tưởng này rất thiếu thực tế.
Lý do của họ là, 00:00 chỉ đơn thuần đại diện cho một thế giới mới, khởi đầu mới của ngày 32.
Có vẻ như con người ta đã quá kiêu ngạo, khi cho rằng ngày 32 có liên quan mật thiết đến mốc 0 giờ trong thế giới thực.
Tuy nhiên, một số quốc gia tình cờ gần đường kinh tuyến đó, và một số quốc gia có nguồn lực dồi dào vẫn phái người đến tìm vận may.
Hơn nửa năm nay, cư dân trên 81,5° Kinh Đông thường xuyên gặp nhiều người lạ, hỏi họ có thấy hiện tượng kỳ ảo nào vào cuối tháng Năm hay không, chẳng hạn như UFO, người ngoài hành tinh, thảm họa, thần linh, ma quỷ, v.v.
Rừng càng phát triển, càng đa dạng giống nòi; có khá nhiều người tự nhận đã trông thấy hiện tượng kỳ bí, nhưng qua các cuộc điều tra thực tế, kết quả thường rất "giản dị khiêm tốn", thậm chí còn khá trêu ngươi.
Những đại diện được Hoa Quốc cử đến, luôn nhớ tới một chương trình có tên Approaching Science [3] từng phổ biến ở đất nước họ trong thời quá khứ xa xôi.
Mãi gần đây, một đại diện từ nước E đã chạm tới khu vực đảo nhiệt đới có vĩ độ thấp trên kinh tuyến này.
Trong một quán bar sôi động gần cảng.
Anh trưng gương mặt tê liệt, hỏi những câu được lặp lại không biết bao lần mà kết quả thu được chỉ là "Điên hả".
Nhưng có một ngư dân cho anh biết, vào đầu tháng Sáu năm ngoái, cá đột ngột chết hàng loạt ở vùng biển khiến sản lượng thu hoạch tháng đó giảm đi nhiều.
"Ồ, cá chết thôi ư." Anh thầm nghĩ.
So với những chuyện mà anh đã nghe trong sáu tháng qua, nó thoạt trông nhạt nhẽo, chẳng có tí thú vị.
Nhưng dẫu sao nhận tiền chính phủ, hơn nữa hòn đảo cũng đẹp, không khí trong lành, ít khách du lịch, anh thà ở lại đây một thời gian xem như nghỉ ngơi.
Và thế, anh quyết định điều tra vụ án cá chết.
Mọi chuyện quả tình rất chi kỳ lạ.
Anh đã hỏi nhiều ngư dân, họ đều nói rằng cá ngửa bụng hàng loạt trên biển vào thời gian đó.
Anh bèn đánh dấu tất cả các vùng biển mà ngư dân đề cập, thì thấy những nơi có cá chết nối liền nhau thành một vòng tròn, và tâm vòng tròn là một hòn đảo tư nhân.
Anh gửi phát hiện này về nước E, sau đó nhận được chỉ thị tiếp tục điều tra.
Chẳng mấy chốc, anh phát hiện rằng chủ sở hữu đằng sau hòn đảo tư nhân là Ackerman Ron nổi tiếng – hiện bảy mươi mốt tuổi, là người đứng đầu tập đoàn Ackerman.
Nói lão "phú khả địch quốc" cũng không ngoa, riêng công ty ô tô Phi Việt đã chiếm 50% thị trường ô tô toàn cầu, lĩnh vực đóng tàu thì uy danh hiển hách, nghe đâu lão còn đầu tư sản xuất-chế tạo máy bay dân dụng.
Nói chung, "mâm cơm" nào liên quan đến máy móc và hái ra tiền đều có mặt lão.
À, hình như có một công ty đóng tàu của Ackerman ở gần cảng đất liền ngay phía Bắc hòn đảo tư nhân.
Chuyện đại gia bỏ tiền mua hòn đảo giải khuây âu cũng bình thường, song vấn đề là hòn đảo của lão không thích hợp cho nghỉ dưỡng, chứ đừng nói đến đầu tư, ấy là đã xét trên mặt vị trí địa lý.
Hòn đảo này quá xa; trên biển khơi, hầu như chẳng một ai đến đó ngoại trừ bộ phận nhỏ ngư dân ưa mạo hiểm muốn đánh bắt cá nhiều hơn.
Chính phủ nước E cho rằng động cơ mua hòn đảo của Ackerman thật đáng nghi.
Song, bất cứ ai nhắc đến Ackerman đều phải xuýt xoa kính nể.
Lão chọn sống độc thân, tư lịch trong sạch, chưa từng có chuyện tai tiếng; dẫu gia tài bạc triệu, lão cũng sống thanh liêm, ít khi xa hoa lãng phí.
Bên cạnh đó, dòng sản phẩm cao cấp của tập đoàn lão có kiểu dáng tao nhã, dòng bình dân thì mộc mạc tự nhiên, chiều lòng hầu hết mọi tầng lớp xã hội.
Bởi vậy, đại đa số chỉ chăm chăm vào khí chất của Ackerman mà quên mất thân phận khác của lão.
Vâng, lão chính là con trai độc nhất của Reilly Ron.
Khi Ackerman khởi nghiệp vào hơn bốn mươi năm trước, cái tên của lão chưa bao giờ rời xa thân phận này trên mọi báo đài.
Chẳng biết tự lúc nào, thành công của Ackerman đã làm lu mờ hoàn toàn người cha khét tiếng của mình.
(*) Reilly Ron từng xuất hiện trong chương 45, đoạn đối thoại giữa Dịch A Lam và Tống Duệ.
Và nếu Reilly Ron còn sống, ít nhất ông cũng đã ngoài chín mươi.
Reilly Ron chết khi nào nhỉ? Anh chợt ngộ ra, rằng chẳng có lấy một phương tiện truyền thông đưa tin chính thức về cái chết của Reilly Ron.
Mọi người cho rằng ông đã chết, cốt chỉ vì tuổi tác; nhưng với nền y học hiện nay, tuổi thọ hơn chín mươi hay chạm ngưỡng một trăm đã chẳng phải hiếm.
Tại sao trong tiềm thức, anh lại đinh ninh rằng Reilly Ron đã qua đời? Chắc hẳn anh đã trông thấy ai đó nhắc trên Internet, rồi bằng cách nào đấy hình thành ấn tượng nơi tiềm thức?
Nghĩ tới đây, anh bỗng dưng hổ thẹn.
Anh không nên thờ ơ trước vấn đề sống chết của Reilly Ron như thế.
Giáo sư Ron có thể xưng là vĩ nhân – một vĩ nhân chân chính, vĩ đại như những vĩ nhân trên những trang vàng lịch sử, thậm chí còn vĩ đại hơn.
Anh đã dùng rất nhiều từ giống nhau chỉ để mô tả một người, mô tả cho nỗi tiếc nuối của nhân loại đối với ông.
Nếu ví tài năng như những ngọn núi, vậy Reilly Ron chính là đỉnh núi cao nhất của tài năng và trí tuệ trong số những bác học cùng thời đại.
Ông luôn khiến mọi bậc trí giả phải ngước nhìn.
Reilly Ron là một đại diện khổng lồ trong lĩnh vực vật lý vũ trụ.
Cho đến nay, không ai có thể vượt qua đóng góp của ông.
Vào thời điểm đó, các phương tiện truyền thông đại chúng đã phát cuồng vì Reilly Ron.
Câu nói phổ biến nhất lúc bấy giờ, rằng "nếu con người thực sự có thể mở ra kỷ nguyên giữa các vì sao, vậy Reilly Ron nhất định phải là người đầu tiên dong buồm đi xa".
Sự tồn tại của ông là một siêu điểm, và tên của ông chắc chắn nằm ngay trang đầu tiên trong những cuốn lịch sử về thám hiểm vũ trụ giữa các vì sao.
Đây chỉ mới là việc Reilly Ron từng tiến hành nghiên cứu sâu về vật lý vũ trụ khi ông ở độ tuổi đôi mươi đến chưa đầy tứ tuần, một khoảng thời gian ngắn chừng mười năm.
Lúc khác...!Chẳng ai biết Reilly Ron đang làm gì vào lúc khác.
Ông đi qua nhiều quốc gia, lừa gạt trót lọt một quỹ nghiên cứu khổng lồ, song lại chẳng giao ra bất kỳ kết quả nào.
Mọi người đều biết, rằng nghiên cứu mà ông thực hiện sẽ không mang lại kết quả trong thời gian ngắn, người xưa cũng từng bảo "ăn cá nhả xương, ăn đường nuốt chậm".
Chỉ là Reilly Ron...!Ông thậm chí không thể đáp ứng điều kiện đánh giá tài trợ thông thường.
Hơn nữa, nhiều nhà nghiên cứu làm việc cùng ông đã lên tiếng chứng minh rằng Reilly Ron dùng quỹ R&D để chế tạo những thiết bị khổng lồ thiếu tính ứng dụng, rằng ông thực hiện những cuộc thí nghiệm tiêu tốn rất nhiều của cải, và đặc biệt, chẳng liên quan đến vật lý vũ trụ.
Sau cùng, mười chín năm trước, Reilly Ron đã bào hết danh tiếng của mình, phụ lòng tin tưởng và kỳ vọng của vạn người, của triệu dân dành cho ông.
Vào thời điểm đó, có một thuyết âm mưu phổ biến, nói rằng Reilly Ron là một "ngôi sao" được quảng bá bởi đội ngũ nước A; thực chất ông chỉ là một thằng khờ chẳng có tài cán, và cuối cùng còn bị trục xuất vì đã lãng phí ngân quỹ của chính phủ cho việc khám phá vũ trụ vốn chẳng làm nên trò trống gì.
Ngoài những điều kể trên, không ai chú ý đến hướng đi của Reilly Ron nữa, ông cứ thế biến mất giữa nhân gian.
Anh phát hiện, thời điểm Ackerman mua hòn đảo này chính xác là mười chín năm trước, khi cả thế giới ruồng bỏ Reilly Ron.
Anh vốn không phải một đặc vụ chuyên nghiệp, chưa từng được huấn luyện bài bản về phương pháp phản gián và chống theo dõi.
Cuộc điều tra của anh về Ackerman nhanh chóng thu hút sự chú ý của các Đội 81.5 từ quốc gia khác, vì vậy cả Ackerman lẫn cha lão, Reilly Ron, đều lọt vào tầm ngắm của nhóm người này.
Mãi đến tận bây giờ, toàn thế giới mới đồng ý thành lập Liên Minh Thám Hiểm.
Dẫu sao ở cái nơi chỉ to bằng bàn tay, chẳng ai có thể qua mặt nhau, vậy nên cả bọn "bằng mặt không bằng lòng" mà hợp tác điều tra hòn đảo này.
Họ nhanh chóng phát hiện, hòn đảo thoạt trông hoang vắng hơn những gì mình tưởng; không có dấu vết sinh hoạt của con người, cũng chẳng có tàu hay máy bay.
Hội ý với nhau, rồi họ quyết định lặng lẽ đổ bộ lên hòn đảo vào đêm 24 tháng 2.
Dưới ánh trăng bàng bạc, tất cả họ đều trông thấy đống kim loại đổ nát thấp thoáng giữa những loài thực vật nhiệt đới, và giữa hàng chục rặng núi nối liền nhau.
Có thể hình dung rằng, nó là một thiết bị vật lý tương tự như một cỗ máy va chạm hạt lớn [4] nào đó.
Đáng tiếc, hầu hết các linh kiện bên trong đã biến mất, chỉ còn sót lại vỏ rỗng, và vài dụng cụ không thể tháo rời đã nát đến mức chẳng nhìn rõ hình hài ban đầu.
Phế tích trên đảo chứng minh có người từng sinh sống ở đây, ít nhất tòa nhà thấp bé kia cũng chứa được gần trăm người.
Nhưng xét trên những dấu vết để lại, e rằng nơi này đã bỏ hoang khoảng nửa năm.
Họ tìm kiếm khắp nơi, song chẳng thấy máy tính, ổ cứng hoặc các tệp hồ sơ.
Tất cả đều ngỡ rằng sẽ chẳng còn thứ gì hữu ích nữa, nhưng may sao, họ tình cờ tìm thấy một cuốn sổ ghi chép.
Cuốn sổ này thuộc về Reilly Ron.
Ký sự kéo dài hơn nửa cuộc đời, tiết lộ mối liên hệ đáng kinh ngạc giữa ngài với ngày 32.
///
Tác giả có chuyện muốn nói:
Vốn dĩ không muốn thách thức lòng hiếu kỳ của các bạn, tôi định viết liền một mạch, ai ngờ viết hơn bốn nghìn chữ rồi mà chỉ mới chào đầu...
Reilly Ron từng xuất hiện rồi đó.
Trong chương 45, Dịch A Lam đã nhìn thấy con tàu vũ trụ đang được phát triển tại Trung tâm R&D Tây Bắc.
Trong cuộc trò chuyện với kỹ sư trưởng Tống Duệ, ông đã đề cập đến Reilly Ron và cú lừa của ngài.
Tôi để lại một phục bút be bé ở đấy.
;
[1] Đoạn này và cả những đoạn khác trong chương, là đứng dưới góc nhìn của Dịch A Lam (chắc vậy, do mình cảm nhận chủ quan thôi, chứ tác giả cũng chỉ "hắn" này "hắn" nọ...), nên ngôi thứ 3 của Bob Taylor mình chuyển thành "anh ta", vì dù sao Bob cũng hơn tuổi Dịch A Lam (mở đầu truyện, Dịch A Lam 27 tuổi; qua năm mới, Dịch A Lam 28 tuổi, nhưng dù sao cũng nhỏ nhất trong truyện).
Đáng lẽ ban đầu mình nên để Bob với những ngôi xưng khác (hắn, y, anh, anh ta...), nhưng chẳng biết vì sao, có lẽ vì vũ trụ mách bảo, có lẽ vì không muốn lặp ngôi xưng quá nhiều, có lẽ vì cả truyện chưa xuất hiện ngôi xưng "cậu", cũng có lẽ cả tác phẩm này chỉ mỗi Bob trông "hợp" nhất với "cậu", nên mình tạm để "cậu" cho Bob.
Nhân vật này đất diễn khá ít, mong rằng không làm hỏng cảm giác khi đọc truyện của các bạn ^-^
[2] Làm sao ra con số 81,5° Kinh Đông? Công thức tính giờ: Tm=To+m (với Tm là giờ múi; To là giờ GMT; và m là số thứ tự múi giờ).
Mặt khác, ở Đông bán cầu thì m=(kinh tuyến Đông): 15°.
Lúc 00:00 ngày 32/5, GMT là 18:34 ngày 31/5, áp dụng công thức đầu tiên, ta có m=5,43333.
Sau đó lấy 5,43333×15°=81,5° Kinh Đông (lúc bấm máy tính để nguyên phần lẻ, nhân với 15 thì ra 81,5).
[3] Approaching Science là một chương trình của CCTV Trung Quốc, phát sóng lần đầu vào năm 1998.
Trong truyện, tác giả đặt bối cảnh trăm năm sau, nên mới bảo "quá khứ xa xôi".
[4] Máy va chạm hạt, chắc nói về "Collider" (?) Có thể là máy gia tốc hạt lớn (LHC; có nơi dịch là "máy va chạm hadron lớn").
Đây là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn.
Mục đích chính là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn – những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt.
Hết chương 89
- *-
Editor có lời muốn nói: Vì không muốn "lộ" phục bút của tác giả, trước đây khi nhắc về Reilly Ron, mình dùng ngôi thứ ba là ông (trên góc nhìn từ người kể chuyện và góc nhìn của Dịch A Lam).
Kể từ dòng cuối cùng của chương này, ngôi thứ ba của Reilly Ron sẽ là ngài (vì mình muốn tỏ lòng kính trọng cho những cống hiến và những gì ngài đã bỏ ra trong suốt cuộc đời; cũng như thể hiện sự thay đổi về thái độ của mọi người khi biết sự thật về ngài) trong góc nhìn người khác; những chương nào chỉ kể chuyện theo góc nhìn của Reilly Ron (ví dụ, chương sau) mình sẽ dùng ông (cảm giác chương sau nếu dùng ngài thì không...!thuận mắt, thuận miệng lắm ) Tất cả những cái này đều theo quan điểm và cảm giác cá nhân, mong rằng không khiến trải nghiệm đọc của các bạn gặp phải sự khó chịu nào..