Ngày Đầu Tiên

Athene

- Giáo sư sao rồi? giọng nói cất lên từ điện thoại.

- Vỡ xương hàm, giãn dây chằng cổ, nhưng không chấn thương sọ não, người phụ nữ đáp.

- Tôi không nghĩ chúng lại phản ứng theo kiểu đó. Tôi e là từ nay trở đi, cuộc chơi sẽ trở nên phức tạp hơn.

- Thưa ông, chẳng thể dự đoán được bất cứ điều gì trong chuyện này.

- Còn món đồ chúng ta đã để vuột mất, cái điều đáng tiếc hơn cả ấy. Không thể biết được nơi ẩn náu của hai kẻ đào tẩu sao?

- Chúng đã xuống chuyến phà nối liền Héraklion với Athene, sáng ngày mai chúng sẽ xuống phà.

- Chúng ta có ai đó trên phà hả?

- Đúng, lần này thì may mắn thuộc về chúng ta. Một người bên ta đã phát hiện ra chúng trên bến tàu; vì chưa có chỉ thị, hắn không chặn chúng lại, nhưng hắn đã tỏ ra nhanh trí khi theo chúng lên tàu. Tôi đã nhận được một tin nhắn trong khi phà chuẩn bị nhổ neo ra khơi. Tôi còn có thể làm gì khác đây?

- Cô đã làm những gì cần làm. Hãy lo liệu để không ai để ý đến vụ rắc rối này, giáo sư đã bị ngã khi xuống cầu thang. Hãy lệnh cho trưởng nhóm an ninh thu xếp để trong sổ lưu của Học viện không xuất hiện một dòng nào về sự cố đáng tiếc này, bất kể thế nào cũng không được để giám đốc biết chuyện khi đi nghỉ về.

- Thưa ông, ông có thể tin tưởng ở tôi.

- Có lẽ đã đến lúc cho thay cái bảng tên treo trên cửa văn phòng của cô. Magdalena đã qua đời cách đây sáu thsang và chuyện này bắt đầu trở nên hết sức bất nhã rồi đấy.

- Có lẽ vậy, nhưng chuyện này lẽ ra phải cực kỳ hữu ích cho chúng ta trong hôm nay!

- Nếu nhìn vào kết quả thu được, tôi sẽ không dám chắc về điều đó, người đàn ông đáp rồi đặt lại ống nghe lên bệ máy.

Amsterdam

Jan Vackeers lại gần cửa sổ để suy nghĩ trong giây lát. Tình hình khiến ông phiền lòng hơn những gì ông muốn thừa nhận. Ông lại nhấc điện thoại lên và bấm một số tại Luân Đôn.

- Tôi muốn cảm ơn ông về cuộc gọi ngày hôm qua, Sir Ashton; nhưng vụ việc tại Héraklion thất bại mất rồi.

Vackeers thuật lại chi tiết cho người đối thoại với mình những sự kiện diễn ra vài giờ trước.

- Chúng tôi mong sự việc được bảo mật ở mức cao nhất.

- Tôi biết và hãy tin rằng tôi lấy làm tiếc về chuyện này, Vackeers đáp.

- Anh có nghĩ chúng ta bị liên lụy không? Sir Ashton hỏi.

- Không, tôi nghĩ bằng cách nào đó có thể liên hệ các sự việc lại với nhau. Được thế thì chúng đã quá thông minh.

- Anh đã nhờ tôi nghe lén điện thoại của các thành viên Học viện Khoa học Hoàng gia, tôi đã chấp nhận lời thỉnh cầu của anh, tiếp sức tại Athene, và chuyện này vi phạm mọi trình tự thông thường. Tôi đã nhiệt tình giúp anh bằng cách báo tin một trong số họ đã xin đồng nghiệp giúp đỡ để được ưu tiên tiếp cận với trung tâm nghiên cứu Héraklion. Tôi đã xoay xở để lời thỉnh cầu của gã đó được chấp thuận và, theo yêu cầu của anh, đã để anh toàn quyền dẫn dắt phần tiếp theo cho đúng hướng. Ngày hôm sau, một trận ẩu đả nổ ra trong tầng hầm và hai kẻ ranh mãnh đó đều chạy thoát; anh vẫn không nghĩ là chúng có thể đặt ra vài câu hỏi sao?

- Chúng ta có thể mơ đến dịp thuận lợi hơn thế để giành lại vật đó chăng? Nếu Athene thất bại trong vụ này thì cũng không phải là lỗi của tôi. Paris, New York và mới thêm cả Zurich từ nay sẽ đề cao cảnh giác, tôi tin là đã đến lúc tất cả chúng ta họp lại và đưa ra quyết định chung về việc nên làm. Nếu hành động theo kiểu này, rốt cuộc chúng ta sẽ gây ra cái việc mà chúng ta đang muốn ngăn chặn nhất.

- Còn tôi thì khuyên anh làm ngược lại và hãy tỏ ra kín tiếng hơn, Vackeers ạ. Tôi cho là tin đồn thổi quanh vụ lùm xùm này chẳng bao lâu nữa sẽ lan truyền. Hãy làm những gì cần thiết để chuyện đó không xảy ra. Nếu không, tôi sẽ không đáp ứng thêm bất cứ yêu cầu nào khác.

- Ý ông là gì?

- Anh hiểu rõ ý tôi rồi đấy, Vackeers.

Có người đang gõ cửa văn phòng của ông. Vackeers kết thúc cuộc trò chuyện trên điện thoại.

- Tôi không làm phiền anh chứ? Ivory hỏi khi bước vào phòng.

- Không hề.

- Tôi cứ ngỡ vừa nghe thấy anh nói chuyện.

- Tôi đang đọc một bức thư cho trợ lý đánh máy.

- Mọi chuyện ổn cả chứ? Sắc mặt anh trông xấu quá.

- Vết loét dạ dày ngày trước lại hành tôi.

- Tôi rất tiếc. Tối nay anh vẫn có thể chơi cờ tại nhà chứ?

- Tôi e là phải từ chối vụ này thôi, tôi cần nghỉ ngơi.

- Tôi hiểu, Ivory đáp, có lẽ để khi khác?

- Ngay ngày mai, nếu anh muốn.

- Vậy thì hẹn mai nhé, bạn thân mến.

Ivory khép cánh cửa lại và đi dọc hành lang dẫn về phía lối ra, ông quay bước và dừng lại trước văn phòng trợ lý của Vackeers. Ông đẩy cửa bước vào và nhận ra không có ai tron gp, ông không lấy làm ngạc nhiên vì lúc đó đã gần chín giờ tối.

Biển Égée

Phà lướt nhanh trên biển lặng, tôi đang say ngủ trong giường tầng trên thì bị Walter đánh thức. Tôi mở mắt, trời hãy còn chưa sáng.

- Anh muốn gì hả Walter?

- Chúng ta đang tới gần bờ biển nào thế?

- Làm sao anh lại muốn tôi biết chuyện ấy nhỉ? Tôi đâu phải người có khả năng nhìn xuyên bóng tối!

- Anh có phải là người ở đây không thế?

Tôi miễn cưỡng đứng dậy và lại gần cửa sổ khoang. Không khó để nhận ra hình dạng trăng lưỡi liềm của đảo Milos; để khẳng định rõ, chỉ cần lên boong và xác minh xem Antimilos, một hòn đảo nhỏ không người ở, có xuất hiện bên mạn trái tàu không là biết ngay.

- Tàu sẽ dừng lại đó hả? Walter hỏi.

- Sẽ là dối trá nếu nói tôi có tấm bản đồ chính xác về lịch trình hàng hải, nhưng đất liền đang mỗi lúc một gần hơn, tôi nghĩ chúng ta sẽ đỗ lại Adamas.

- Đó là một thành phố lớn à?

- Theo tôi thì đúng ra là một ngôi làng lớn.

- Vậy thì dậy đi, chúng ta sẽ xuống đó.

- Chúng ta sẽ làm gì ở Milos?

- Thà anh hỏi tôi muốn chúng ta không làm gì khi đến Athene còn hơn.

- Walter này, anh thực sự nghĩ chúng ta sẽ bị đón lõng khi về đến Pirée sao? Chúng ta thậm chí còn không biết liệu chiếc xe cảnh sát kia đang theo dõi chúng ta hay chỉ tình cờ xuất hiện trên chuyến phà này mà. Tôi nghĩ anh đã quá quan trọng hóa vấn đề rồi.

- Vậy thì giải thích cho tôi nghe tại sao có kẻ hai lần thử mò vào khoang trong lúc anh đang ngủ.

- Nói để tôi yên tâm nào, anh không hạ luôn gã đó đấy chứ?

- Tôi chỉ mở cửa ra thôi, nhưng hành lang không bóng người, gã đó đã kịp chuồn rồi.

- Hoặc gã đã vào khoang kế bên sau khi nhận ra là mình nhầm khoang!

- Hai lần liên tiếp à? Cho phép tôi được nghi ngờ chuyện đó. Mặc lại quần áo đi rồi chúng ta sẽ kín đáo lên bờ ngay khi phà cập cảng. Chúng ta sẽ ở trên cảng và chờ chuyến phà tiếp theo về Althene.

- Ngay cả khi chuyến phà đó đem mai mới khởi hành ư?

- Chúng ta dự định qua đêm tại Héraklion, đúng không? Nếu anh sợ mẹ lo vì chúng ta về muộn thì cứ gọi cho bà ấy ngay khi trời sáng.

Tôi không biết liệu những lo ngại của Walter là có cơ sở hay không, hay hắn thích thú với chuyến phiêu lưu chúng tôi trải qua hôm trước, và đang dùng mẹo để chuyến phiêu lưu ấy kéo dài thêm chút nữa. Tuy nhiên, khi chiếc cầu phà được kéo lên, Walter đã chỉ cho tôi thấy người đàn ông đang nhìn chòng chọc chúng tôi từ boong phía trên. Tôi không chắc anh bạn đồng nghiệp có lý không khi vẫy chào gã đó vẻ đắc thắng trong khi phà rời cảng.

Chúng tôi đang ngồi trên sân hiên một quán bar dành cho dân đánh cá hẳn đã mở cửa ngay khi chuyến phà đầu tiên cập bến, lúc đó là sáu giờ sáng và mặt trời đang ló rạng đằng sau đồi. Một chiếc máy bay nhỏ xuất hiện trên bầu trời và đổi hướng phía trên cảng trước khi bay nhanh ra ngoài khơi.

- Ở đây có sân bay à? Walter hỏi.

- Đường băng thì có, nếu tôi nhớ không nhầm, nhưng tôi tin là chỉ máy bay của ngành bưu chính và một vài chiếc thuộc sở hữu riêng được sử dụng đường băng đó.

- Tới đó thôi! May ra chúng ta có thể lên một trong những máy bay đó và bỏ xa những kẻ đang truy đuổi chúng ta.

- Walter, tôi nghĩ anh đang mắc chứng cuồng ám rất nặng, không giây nào tôi tin có ai đó đang truy đuổi chúng ta.

- Adrian ạ, bất cháp tình bạn tôi dành cho anh, anh đang thực sự làm tôi phát bực đấy!

Walter thanh toán hai cốc cà phê chúng tôi vừa uống và tôi chỉ còn cách chỉ cho hắn con đường dẫn tới sân bay nhỏ.

Walter và tôi, chúng tôi đang ở đây, bên vệ đường để vẫy xe xin quá giang. Nửa tiếng đầu tiên trôi qua không được khả quan cho lắm, mặt trời khiến những phiến đá trắng sáng lấp lánh và trời nóng dần.

Một nhóm thiếu niên dườn gnhư đang chế nhạo chúng tôi. Hẳn là chúng tôi mang bộ dạng của hai du khách lạc đường và phản ứng của chúng đúng ra là bất ngờ khi tôi ngỏ lời xin trợ giúp, bằng tiếng Hy Lạp, mà không hề để ý đến những lời chế giễu trước đó. Đứa lớn tuổi nhất trong nhóm muốn sự giúp đỡ phải được trả bằng tiền, nhưng Walter khi hiểu toàn bộ sự thể đã trổ tài thuyết phục để chúng tôi được ngồi đằng sau hai chiếc Mobylette như có phép màu.

Chúng tôi lên đường, ai nấy đều bám chặt vào viên phi công ngồi trước; với tốc độ và độ nghiêng này mỗi khi đến chỗ rẽ, tôi không tìm ra từ nào khác để gọi những người đang chở chúng tôi trên con đường khúc khuỷu quanh co. Chúng tôi đang phóng nhanh thẳng hướng sân bay trên đảo. Phía trước chúng tôi trải ra một vùng đầm lầy nước mặn rộng mênh mông; xa xa là một đường băng trải nhựa trải dài từ Đông sang Tây, mặt đường vắng tanh. Kẻ tinh ranh nhất trong nhóm chỉ cho tôi thấy chiếc máy bay cứ hai ngày lại chuyển thư đến một lần vừa cất cánh, chúng tôi vừa bỏ lỡ chuyến bay đó.

- Nhất định là chiếc chúng ta vừa nhìn thấy ban nãy, tôi nói.

- Sáng suốt thế chứ! Walter đáp.

- Vẫn còn máy bay hỗ trợ y tế, nếu các vị đang vội đến thế, đứa ít tuổi nhất trong nhóm bảo tôi.

- Máy bay nào cơ?

- Bác sĩ tới mỗi khi ai đó lâm bệnh nặng, bác sĩ có riêng một chiếc máy bay cúc cu kiểu cổ. Trong căn lều phía dưới kia có một chiếc điện thoại để gọi bác sĩ, nhưng chỉ được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp thôi. Hôm nọ anh họ tôi lên cơn đau ruột thừa, bác sĩ đã tới đón anh ấy chỉ sau nửa tiếng đồng hồ.

- Tôi bắt đầu cảm thấy đau bụng quằn quại rồi đây, Walter bảo sau khi nghe tôi dịch xong lời cậu thiếu niên.

- Dẫu sao các vị cũng không định làm phiền một thầy thuốc rồi đổi hướng máy bay của người ta để về Athene đấy chứ?

- Nếu tôi chết vì chứng viêm màng bụng, cả đời cậu sẽ phải chịu trách nhiệm về cái chết của tôi! Gánh nặng lớn lắm đó! Walter vừa rên rỉ vừa khuỵu gối.

Đám trẻ bắt đầu ôm bụng cười. Điệu bộ nhõng nhẽo của Walter vô cùng quyến rũ.

Đứa lớn tuổi nhất trong nhóm chỉ cho tôi chiếc điện thoại cũ kỹ được bắt vít vào thành cái được dùng làm tháp điều khiển. Một căn lều bằng gỗ, với một chiếc ghế, một chiếc bàn và một chiếc radio VBHF hẳn được sản xuất từ thời chiến tranh. Cậu ta từ chối gọi điện, vì nếu trò gian dối này bị lộ, cậu ta sẽ bị chỉnh cho một trận tơi bời và bố cậu sẽ không bỏ lỡ dịp trút đòn lên thằng con. Walter lại đứng dậy để chìa cho cậu ta vài tờ bạc, đủ để thuyết phục anh bạn mới của chúng tôi rằng một trận đòn nhừ tử chẳng đến nỗi quá kinh khủng.

- Bây giờ các vị còn mua chuộc cả trẻ con nữa. Mỗi lúc một khá hơn rồi đấy!

- Tôi yêu cầu các cậu chia nhau số tiền này, mà nếu các cậu thừa nhận đang vui chẳng kém gì tôi, tôi sẽ nhận hết trách nhiệm về mình!

Tôi không cần phải nói dối và tôi rút ví ra để tham gia vào việc treo giải thưởng cho lời nói dối. Cậu trai nhấc điện thoại lên, quay tay quay rồi giải thích với bác sĩ là dân đảo cần đến sự giúp đỡ của ông ngay lập tức. Một du khách đang quằn quại vì đau, họ đã đưa người bệnh ra tận đường băng, bác sĩ chỉ cần ghé qua đón thôi.

Nửa tiếng sau, chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ ù ù tiến lại gần. Walter không cần phải giả vờ đau dạ dày để nằm áp bụng xuống đất nữa; chiếc Piper-cub loại nhỏ đang lượn là là trên đầu chúng tôi. Máy bay chao liệng trước khi hạ cánh dọc đường băng, nó nảy lên ba lần trước khi đứng yên.

- Giờ thì tôi đã hiểu rõ hơn thuật ngữ “cúc cu” rồi! Walter thở dài.

Máy bay quay trở lại và tiến lại gần chỗ chúng tôi đang đứng. Đến ngang tầm chúng tôi, viên phi công tắt động cơ, cánh quạt tiếp tục quay thêm vài giây nữa, các pittông kêu òng ọc và bầu không khí yên ắng bao trùm trở lại. Lũ trẻ đều chăm chú theo dõi cảnh tượng sắp diễn ra. Không ai ho he câu nào.

Viên phi công xuống khỏi máy bay, cởi mũ bảo hiểm bằng da, tháo kính và chào chúng tôi. Ở độ tuổi sáu mươi, bác sĩ Sophie Schwartz có dáng vẻ thanh lịch của một Amelia Earhart[15]. Bà hỏi chúng tôi bằng một thứ tiếng Anh gần như hoàn hảo, mặc dù hơi pha chút âm sắc Đức, xem ai trong hai chúng tôi bị đau.

[15] Người phụ nữ đầu tiên một mình lái máy bay vượt Đại Tây Dương.

- Anh ta! Walter kêu lên và chỉ sang tôi.

- Trông anh có vẻ không đau đớn lắm nhỉ, chàng thanh niên? Anh bị làm sao thế?

Bị bất ngờ, và tôi không thể nhập vai như Walter đã khoác lác. Tôi thú thật với nữ bác sĩ từ đầu chí cuối hoàn cảnh của chúng tôi, bà ngắt lời tôi để châm một điếu thuốc.

- Nếu tôi hiểu đúng, bà nói, các anh đã đánh lạc hướng chiếc máy bay hỗ trợ y tế của tôi, vì các anh cần một phương tiện chuyên chở riêng tới tận Athene? Các anh táo tợn thật đấy!

- Chính tôi đã nảy ra ý này, Walter nhắc.

- Chuyện đó chẳng thay đổi gì nhiều cách cư xử vô trách nhiệm của các anh, anh bạn trẻ ạ! Bà nói và dụi đầu mẩu thuốc lá lên lớp nhựa đường.

- Xin bà nhận lấy lời xin lỗi của tôi, Walter nói với vẻ ngượng ngùng.

Bọn trẻ đang chứng kiến cảnh tượng mà không hiểu những câu trao đổi giữa hai người, có vẻ như đang chăm chú thưởng thức màn diễn.

- Các anh đang bị cảnh sát truy nã à?

- Không, Walter nói chắc, chúng tôi là hai nhà khoa học của Học viện Hoàng gia Luân Đôn và chúng tôi đang gặp phải một tình huống khó xử. Chúng tôi không đau ốm gì cả, đúng là thế, nhưng chúng tôi cần bà giúp đỡ, hắn van nài.

Bác sĩ có vẻ đột nhiên dễ tính.

- Nước Anh, Chúa chứng giám là tôi yêu đất nước này. Tôi hâm mộ Công nương Diana vô cùng, đúng là thảm kịch!

Tôi nhìn Walter đang làm dấu thánh giá và tôi tự hỏi tài diễn kịch của hắn bao giờ mới được khai thác hết.

- Vấn đề là, bác sĩ nói tiếp, máy bay của tôi chỉ có hai chỗ ngồi, mà tôi đã chiếm một chỗ rồi.

- Thế còn những người bị thương, bà làm thế nào để sơ tán họ? Walter hỏi.

- Tôi là một bác sĩ lưu động, chứ không phải xe cứu thương. Nếu các anh sẵn lòng ngồi sát vào nhau, tôi nghĩ máy bay vẫn có thể cất cánh.

- Tại sao lại là vẫn có thể? Walter dò hỏi, vẻ lo âu.

- Bởi vì chúng ta hơi nặng hơn một chút so với tải trọng cho phép, nhưng đường băng này không ngắn như bề ngoài đâu. Nếu vít hết ga và bó chặt phanh, chúng ta vẫn có thể đủ tốc độ để cất cánh.

- Còn trong trường hợp ngược lại? tôi hỏi.

- Tõm! Bác sĩ đáp.

Rồi với một thứ tiếng Hy Lạp lược bỏ hết trọng âm, bà ra lệnh cho lũ trẻ tránh xa và mời chúng tôi đi theo bà. Trong lúc đi vòng quanh máy bay để thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật trước khi cất cánh, bà thổ lộ với chúng tôi đôi chút.

Bố bà là người Đức gốc Do Thái, mẹ là người Ý. Trong chiến tranh, họ sống trên một hòn đảo nhỏ thuộc lãnh thổ Hy Lạp. Dân làng đã che chở họ; sau khi đình chiến họ không muốn rời khỏi đảo nữa.

- Chúng tôi vẫn sinh sống tại đây; về phần mình, tôi không bao giờ nghĩ đến chuyện chuyển đi nơi khác. Các anh có biết chốn thiên đường nào trên thế giới đẹp hơn những hòn đảo này không? Bố tôi là phi công, mẹ tôi là y tá, đó là lý do tại sao tôi lại trở thành một bác sĩ lưu động! Giờ đến lượt hai anh; già mà hai anh giải thích cho tôi biết hai anh đang thực sự trốn chạy điều gì. Chao ôi, thế rồi nói cho cùng thì chuyện đó đâu có liên quan tới tôi, mà các anh cũng không có vre gì là độc ác. Dẫu sao, người ta cũng sắp tước giấy phép của tôi rồi, vậy thì phải nắm bắt lấy tất cả những dịp bay này. Các anh sẽ trả tôi tiền nhiên liệu, chỉ thế thôi.

- Tại sao bà lại bị tước giấy phép? Walter lo lắng.

Bà bác sĩ tiếp tục kiểm tra máy móc.

- Năm nào cũng vậy, mỗi phi công đều phải khám sức khỏe và làm xét nghiệm thị lực. Trước nay việc này vẫn do bác sĩ nhãn khoa vốn là ông bạn cũ của tôi đảm nhiệm, ông ấy hết sức ưu ái tôi, tử tế lờ đi chuyện tôi không thể thuộc lòng bảng kiểm tra thị lực, tính cả dòng cuối cùng với các chữ cái đã trở nên quá nhỏ để tôi có thể đọc rõ. Nhưng ông ấy vừa nghỉ hưu và tôi không thể lừa dối thiên hạ lâu hơn được nữa. Đừng có tỏ cái vẻ ấy, ngay cả khi nhắm mắt tôi vẫn có thể điều khiển chiếc Piper cũ kỹ này cất cánh! Bác sĩ phá lên cười và bỏ đi.

Bà muốn không phải hạ cánh xuống Athene. Để hạ cánh xuống một sân bay quốc tế, cần phải xin phép qua radio, khi tới nơi còn qua trạm kiểm soát của cảnh sát, bà sẽ phải điền quá nhiều các mẫu khai. Đổi lại, bà biết tại Porto Éli có một khoảnh đất nhỏ bỏ hoang vẫn có thể dùng làm đường băng. Từ đó, chúng tôi chỉ việc lên một chiếc tàu chở khách về Hydra.

Walter ngồi lên trước, tôi cố gắng ngồi thật vững trên đầu gối hắn. Dây an toàn không đủ rộng để dùng cho cả hai chúng tôi, nên đành bỏ qua. Động cơ kêu òng ọc, cánh quạt bắt đầu quay chậm rãi trước khi tăng tốc trong một luồng khói vừa phụt ra. Sophie Schwartz vỗ lên khoang để thông báo máy bay sắp cất cánh. Đó là cách tốt nhất để giao tiếp trong cái tiếng động ồn ĩ này. Máy bay chậm rãi di chuyển trên đường băng, quay lại để vào vị trí ngược chiều gió, động cơ vào chế độ cất cánh. Máy bay rung lên bần bật khiến tôi ngỡ sắp chứng kiến nó rời ra từng mảnh trước khi cất được cánh. Phi công của chúng tôi nhả phanh và mặt đường nhựa bắt đầu lướt qua dưới cái bánh xe. Chúng tôi đi gần hết đường băng thì cuối cùng thân trước máy bay cũng nhấc bổng lên và chúng tôi rời khỏi mặt đất. Bên vệ đường, bọn trẻ vẫy tay chào từ biệt. Tôi gào lên bảo Walter cũng vẫy tay đi chứ, để cảm ơn bọn trẻ, nhưng đến lượt hắn cũng gào lên là khi nào đến nơi, có lẽ phải dùng đến cờ lê mỏ lết để vặn những ngón tay hắn long khỏi thanh sắt nẹp hắn đang bám vào.

Tôi chưa từng được chiêm ngưỡng đảo Milos như buổi sáng hôm đó, chúng tôi bay trên mặt biển ở độ cao vài trăm mét, máy bay lại không có cửa kính, gió thổi giữa các dây néo và tôi chưa bao giờ cảm thấy tự do đến thế.

Amsterdam

Vackeers phải mất một lúc mới quen được với không gian tranh tối tranh sáng của tầng hầm; cách đây vài năm, mắt ông lập tức quen với cảnh này nhưng giờ thì ông đã già đi. Cho là đã đủ sáng để đi khắp đường quanh co giữa những thanh xà chống đỡ tòa nhà, ông thận trọng tiến lên trên những cây cầu nhỏ làm bằng gỗ bắc ngang cách mặt nước khoảng vài chục centimét, vô cảm với cái lạnh và độ ấm toát ra từ con sông ngầm. Vackeers thông thuộc nơi này như lòng bàn tay mình vậy, giờ thì phía trên đầu ông đang là phòng lớn; khi đến bên dưới tấm bản đồ làm bằng đá hoa cương, ông ấn lên hệ thống chìa khóa cắm trong một phiến gỗ và chờ cơ chế hoạt động. Hai tấm ván xoay quanh trục, mở ra một con đường dẫn tới bức tường phía cuối. Một cánh cửa, cho tới lúc đó vẫn khuất trong bóng tối, tự động tách khỏi nền gạch. Vackeers khóa cửa lại đằng sau lưng và bật đèn.

Trong phòng có kê một bàn kim loại và ghế bành; toàn bộ thiết bị bao gồm một màn hình phẳng và một máy tính. Vackeers ngồi vào trước bàn phím và nhìn đồng hồ đeo tay. Một tín hiệu âm thanh báo ông biết cuộc nói chuyện vừa được bắt đầu.

- Chào các vị, Vackeers gõ trên bàn phím máy tính. Các vị đã biết tại sao ngày hôm nay chúng ta họp lại với nhau rồi đấy.

- MADRID: Tôi cứ nghĩ hồ sơ này đóng từ nhiều năm nay rồi kia mà?

- AMSTERDAM: Tất cả chúng ta đều nghĩ vậy, nhưng một vài sự kiện gần đây cho thấy việc lật lại hồ sơ này là cần thiết. Lần này, tốt hơn hết là không một ai trong số chúng ta tìm cách thách thức những người khác.

- ROME: Thời thế thay đổi rồi.

- AMSTERDAM: Mừng khi nghe anh nói thế, Lorenzo.

- BERLIN: Anh trông đợi gì ở chúng tôi?

- AMSTERDAM: Sự chung tay góp sức, và mỗi người trong chúng ta đều tuân thủ những quyết định chung được đưa ra.

- PARIS: Bản báo cáo anh gửi cho thấy Ivory đã trông thấy vật đó cách đây ba mươi năm, tôi có nhầm không nhỉ? Chúng ta có nên mời ông ta gia nhập trở lại?

- AMSTERDAM: Khám phá này dường như xác minh các giả thuyết của Ivory nhưng tôi cho là tốt nhất nên tách ông ta ra. Vẫn không thể lường trước phản ứng của ông ta ngay từ dạo chúng ta đề cập đến vấn đề đang khiến chúng ta họp lại với nhau ngày hôm nay.

- LUN ĐÔN: Vậy ra đúng là có tồn tại mẫu vật thứ hai, hoàn toàn đồng nhất với thứ chúng ta đang có?

- ATHENE: Hình dạng có khác biệt nhưng đặc tính chúng đã được xác định chắc chắn. Chuyện xảy ra ngày hôm qua là một sự cố đáng tiếc nhưng nó đã cho chúng ta bằng chứng không thể chối cãi. Và còn itết lộ cho chúng ta một đặc tính chưa hề được biết đến. Một trong số chúng ta đã được tận mắt chứng kiến.

- ROME: Người bị đấm vỡ mặt ư?

- AMSTERDAM: Chính là ông ta.

- PARIS: Các vị có nghĩ rằng còn tồn tại những mẫu vật khác không?

- AMSTERDAM: Ivory tin chắc như thế, nhưng sự thực là chúng ta mù tịt chuyện đó. Mối bận tâm của chúng ta lúc này là đoạt lấy mẫu vật vừa xuất hiện chứ không phải tìm hiểu xem còn tồn tại những mẫu vật khác không.

- BOSTON: Anh có chắc không? Như anh vừa nhắc, chúng ta không tin lời cảnh báo của Ivory, và chúng ta đã nhầm. Tôi rất muốn chúng ta cung cấp vốn và nguồn nhân lực để giành lại mẫu vật này nhưng tôi sẽ thỏa mãn hơn nếu biết chúng ta đang tiến hành đến đâu. Tôi ngờ rằng ba mươi năm qua chúng ta vẫn còn giậm chân tại chỗ!

- AMSTERDAM: Khám phá này hoàn toàn ngẫu nhiên.

- BERLIN: Cái đó nói lên rằng những sự ngẫu nhiên khác vẫn có thể xảy ra!

- MADRID: Sau khi đã cân nhắc kỹ, tôi không tin rằng chúng ta được lợi gì khi cố gắng làm bất cứ việc gì trong thời điểm này. Amsterdam, mưu toan đầu tiên của anh kết thúc bằng thất bại, cú thứ hai mà vẫn thất bại sẽ khiến đối phương cảnh giác. Hơn nữa, không gì chứng minh được rằng người đang giữ mẫu vật này, dù là đàn ông hay đàn bà, biết nó là cái gì. Mặt khác, chính chúng ta vẫn không chắc chắn được điều đó. Vậy thì đừng thổi bùng lên ngọn lửa nếu sau đó chúng ta không thể dập tắt đi.

- ISTANBUL: Madrid và Amsterdam đang trình bày hai quan điểm trái ngược. Tôi đứng về phía Madrid, và đề nghị các vị đừng làm gì khác ngoài việc quan sát họ, ít ra là vào lúc này. Chúng ta sẽ họp lại ngay khi tình hình có tiến triển mới.

- PARIS: Tôi tán thành quan điểm của Madrid.

- AMSTERDAM: Đó là một sai lầm. Nếu tập hợp được cả hai mẫu vật, có lẽ chúng ta sẽ biết được nhiều hơn.

- NEW DELHI: Nhưng đúng lúc, Amsterdam ạ, chúng tôi không muốn biết thêm nữa, nếu có một điều chúng tôi đạt được sự đồng thuận từ ba mươi năm, thì đó chính là điều này.

- CAIRÔ: New Delhi hoàn toàn có lý.

- LUN ĐÔN: Chúng ta nên tịch thu mẫu vật ấy và đóng hồ sơ này lại càng nhanh càng tốt.

- AMSTERDAM: Luân Đôn nói đúng. Người đang giữ mẫu vật này là một nhà nghiên cứu vũ trụ lỗi lạc, sự tình cờ đã khiến anh ta nhận lại mẫu vật từ tay một nhà khảo cổ học, các vị có tin rằng, dẫu tính cả đến năng lực phân tích của hai người đó, họ cũng còn mất khối thời gian mới phát hiện ra bản chất thực của thứ đang nắm trong tay không?

- TOKYO: Tuy nhiên, vẫn với điều kiện là họ phải cùng nhau suy ngẫm; hai người họ vẫn liên lạc với nhau chứ?

- AMSTERDAM: Không, cho đến lúc này thì không.

- TEL-AVIV: Vậy thì tôi đồng ý với Cairô, chúng ta nên chờ.

- BERLIN: Tôi cũng nghĩ như anh, Tel-Aviv.

- TOKYO: Tôi cũng vậy.

- ATHENE: Vậy là các vị muốn chúng tôi để mặc cho họ hành động?

- BOSTON: Hãy gọi đó là một sự tự do bị quản thúc.

Bởi vì chương trình nghị sự không có gì khác, buổi họp bế mạc. Vackeers tắt màn hình, tâm trạng vô cùng bực bội. Cuộc họp kết thúc không như ông mong muốn, nhưng ông là người đầu tiên yêu cầu các đồng minh tập hợp sức mạnh, vậy nên ông sẽ tôn trọng quyết định của đa số.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui