Nghiệt Trái (Món Nợ Nghiệt Ngã)

Cô rất quý những người ở đây, thân thiết, nhiệt tình, lại hiếu khách, giữa người với người chỉ có sự hòa hảo, không tranh đua.

Tạ Kiều tỉnh lại vì quá lạnh, cả ổ chăn y như cái hầm băng, hai bàn chân cô cũng lạnh toát, lại thêm cái phản cứng khiến lưng cô đau ê ẩm. Cô duỗi lưng, tuy rằng trong người không thoải mái nhưng tinh thần thì rất phấn chấn. Cô ra khỏi phản, đến một gian nhà nhỏ. Mẹ của Vương Đại Nhãn mặc một chiếc áo bông cực dày ngồi khâu áo trong cửa hàng, trước mặt là một cái lò sưởi nhỏ, vừa thấy Tạ Kiều bà đã nói: “Cơm ở bên kia kìa, vẫn còn nóng đấy, cháu mau ăn đi.”

Tạ Kiều nhìn quanh gian tạp hóa của bà rồi hỏi: “Có bán bàn chải với kem đánh răng không cô?”

Người phụ nữ không ngẩng đầu mà chỉ đưa tay ra chỉ: “Có đấy, tự lấy đi.” Bà lại nhìn đôi giày của Tạ Kiều, “Cháu không lạnh à, hôm nay lạnh thế mà cháu vẫn chỉ đi như thế, nếu bị ốm do rét thì không tốt đâu.”

Tạ Kiều cúi đầu nhìn xuống chân mình, “Lúc đi vội quá nên không chuẩn bị kịp, ở đây cũng lạnh thật đấy.”

Sau khi rửa mặt xong, Tạ Kiều bước đến bên cạnh bếp lò, vừa mở vung ra đã ngửi thấy mùi thơm, cháo trắng nấu chung với khoai lang vàng, vừa đẹp mắt lại vừa khiến người ta thèm ăn. Người phụ nữ bước vào múc cho cô một bát và nói: “Ở thôn nhỏ trong núi như bọn cô chẳng có gì ngon, cháu ăn tạm đi.”

Ăn xong, Tạ Kiều lấy túi xách, rút ra một trăm đồng đưa cho người phụ nữ, “Cô à, cám ơn cô đã cho cháu ở qua đêm, nếu không cháu cũng không biết nên đi đâu. Đây là tiền cơm, cô nhận đi.” Người phụ nữ nhìn chỗ tiền, không nhúc nhích, “Cháu làm gì đấy, có ai ra khỏi nhà mà không có lúc khó khăn đâu. Cháu cầm tiền lại đi, hai bát cháo loãng sao có thể lấy từng này tiền, bọn cô cũng phải ăn cơm, thêm cháu cũng chỉ là thêm một bát thôi mà, cầm lấy đi.”

Người phụ nữ nói xong liền xoay người rời đi, Tạ Kiều đành phải thu tiền lại rồi bước vào gian hàng. Người phụ nữ kia vừa khâu áo vừa hỏi: “Cô gái à, thằng bé nhà cô nói, cháu đi du lịch à?”

“Vâng.”

“Người ta đi du lịch toàn đi cả đoàn, đâu có một mình như cháu, người nhà cháu yên tâm thế sao?”

“Cháu ở một mình, họ cũng chẳng phải lo lắng.”

“Người nhà cháu cũng thoải mái thật đấy, nhưng bây giờ không phải mùa du lịch, mùa du lịch là mùa xuân mà, người trong thành phố các cháu không phải là thích đi chơi vào Đạp…cái gì Đạp ấy nhỉ?”

“Đạp thanh.”

“Ha ha, đúng là Đạp thanh, người làm công tác văn hóa ăn nói dễ nghe thật đấy.”

Tạ Kiều nở nụ cười, “Cô cũng thật biết đùa.”

“Nghe giọng cháu thì không phải người bản địa, cháu từ đâu đến thế?”

“Bắc Kinh ạ.”

“Bắc Kinh? Trời ơi, thành phố lớn, ở đó tốt hơn bao nhiêu sao cháu lại đến chỗ rừng rú này của bọn cô?”

“Chỉ là buồn buồn nên muốn ra ngoài thôi ạ.”

“Ở chỗ này có gì hay mà chơi đâu cơ chứ, ngoài mấy ngọn núi cũng chỉ còn đá tảng, đường cũng không dễ đi. Nếu đi du lịch sao cháu không đến Cửu Trại Câu, chỗ đó rất được, có núi có nước, phong cảnh đẹp lắm, có điều mùa đông cũng lạnh ra phết.”

Vương Đại Nhãn hấp tấp chạy từ ngoài vào, ngồi xổm cạnh bếp lò, vừa sưởi vừa nói: “Này, chị không đi được đâu, em nghe Râu bảo ở trấn trên núi lở đầy đất đá lấp kín đường rồi, xe không chạy qua được.”

Mẹ thằng bé dừng việc trong tay lại rồi hỏi: “Cái gì? Lở núi? Thế chắc vài ngày mới thông đường được à?”

“Ai biết được, nhưng mà người ta bảo người trấn trên sẽ tự mình làm, cuối năm rồi mà không thông đường thì bán hàng cho lợn à.”

Tạ Kiều nghĩ ngợi, dù sao mình cũng không có chỗ nào để đi, nhưng hôm nay quá lạnh, cứ ở mãi đây cũng không có gì không tốt cả, cô liền nói với người phụ nữ: “Cô ơi, cô xem, cháu cũng không đi ngay được, như thế này được không, cháu ở chỗ cô, cháu sẽ trả tiền cơm và tiền nhà cho cô, coi như cô mở nhà trọ, được không ạ?”

“Ở thì ở thôi tiền nong gì.”

“Vậy không được, tối qua cô cũng không lấy tiền, cháu thấy tình hình hôm nay cũng không tốt cho lắm, đường cũng không biết bao giờ mới sửa xong, lại sắp hết năm rồi, cháu gửi cô ít tiền để mua đồ Tết, được không ạ?”

Người phụ nữ hớn hở cười nói: “Chưa thấy ai như cô gái này, người ta không cần tiền mà cứ nằng nằng đòi đưa. Được rồi, cháu tự tính rồi đưa đi, ở đến bao giờ cũng được.”

Vương Đại Nhãn nói với người phụ nữ: “Con nói có sai đâu, đầu óc chị ấy có vấn đề, có tiền muốn đốt bỏ.”

Người phụ nữ cầm cái que bên cạnh lên đánh, lại mắng thêm: “Thằng ranh, nói xằng nói bậy, biến đi.”

Vương Đại Nhãn nhảy phốc lên, vừa nhăn mặt vừa cười nói: “Hầy, mẹ đánh đi, mẹ đánh đi.”, lại nhảy tót ra ngoài hiên rồi chạy đi.

Người phụ nữ bật cười, nói với Tạ Kiều: “Bố nó chết sớm, không có ai dạy dỗ nên cứ xấc xược, cả ngày khiến cô bực chết đi được.”

Tình mẫu tử khiến Tạ Kiều không khỏi hâm mộ, bỗng nhiên cô rất nhớ mẹ. Cũng không biết từ lúc nào, mẹ luôn rất cẩn thận với cô, luôn sợ cô khó chịu, cô cũng sợ chạm đến nỗi đau của mẹ, dần dần khiến giữa hai người trở nên hơi khách sáo, không còn tồn tại tình mẫu tử gắn bó như thế này. Giờ nhìn thấy cảnh tượng này, cô bỗng rất xúc động, không khỏi nói: “Em trai cũng rất tốt bụng, cô cũng lương thiện, lúc cháu đến đây không quen không biết mà giúp đỡ cháu, cháu rất cảm kích.”

Người phụ nữ nhìn cô, “Cô gái, cháu tên gì nhỉ?”

“Cháu tên là Tạ Kiều, cô cứ gọi nhũ danh của cháu đi, Kiều Kiều, mẹ cháu cũng hay gọi cháu như vậy.”

“Thằng bé nhà cô tên là Vương Đại Nhãn, nó hay bị cười vì cái tên này lắm. Lúc nó một tuổi bố nó vẫn đang làm trong hầm mỏ nhưng bị chết, cô không biết chữ, cũng chẳng có văn hóa, lại lười nghĩ tên cho nó, thế nên giờ mới để nó bị cười thế, nhưng dù sao cũng gọi thành quen rồi. Cô nhìn cháu có vẻ không lớn hơn thằng bé nhà cô là mấy, chắc tầm hai mươi nhỉ?”

“Vừa qua sinh nhật hai mươi hai, giờ là hai mươi ba ạ.”

“Chậc chậc, nhìn cháu mặt hoa da phấn xinh đẹp thật đấy, cô nghĩ là mẹ cháu cũng lo lắng cho cháu một mình ở ngoài lắm, kiểu gì cũng là con nhà khuê các, đâu thể như mấy đứa vớ vẩn. Cô nói chuyện bỗ bã thế đấy, nếu có chỗ nào không vừa ý, cháu đừng để bụng nhé.”

“Không đâu, không đâu, cháu còn mong có người nói chuyện như thế với cháu ấy chứ.”

Người phụ nữ đứng dậy rời đi, một lúc sau quay lại, trong tay cầm theo một bộ quần áo hoa, còn có một đôi giày kiểu cũ, bà nói với Tạ Kiều: “Cô thấy cháu không mặc vừa đâu, nhưng đừng xem thường thời tiết trên núi này, thay đổi nhanh lắm. Nếu cháu không chê thì mặc vào đi, đừng thấy nó xấu nhé, ấm hơn nhiều bộ quần áo trên người cháu đấy.”

Tạ Kiều mặc xong, đứng soi trước cái gương nhỏ, nếu cô tết mái tóc ngắn này sang hai bên thì có thể trở thành một cô bé thôn quê rồi. Vương Đại Nhãn bước vào, vừa nhìn thấy cô đã cười: “Chị Kiều Kiều, chị mặc bộ này trông càng ngốc hơn, chả khác gì mấy cô gái quê.”

Tạ Kiều đảo mắt liếc nó một cái rồi nói: “Chị thấy đẹp, lại còn ấm nữa.”

“Mẹ em bảo em lên núi hái nấm, còn nói là trưa nay sẽ hầm gà, chị có đi không?”

“Đi, chị đi với, chị chưa leo núi bao giờ, có xa không?”

Trên đầu Tạ Kiều đội chiếc mũ len của mẹ Đại Nhãn, cắp theo chiếc rổ trúc bên sườn, đi theo Đại Nhãn lên núi, trên chân là đôi giày cũ. Đầu đổ đầy mồ hôi, cô hỏi: “Đại Nhãn này, hái nấm ở chỗ nào đấy, còn xa lắm không?”

“Qua ngọn núi này thôi, nấm ở chỗ cái cây cao nhất kia kìa, sắp đến rồi, chị nhanh lên hơn được không, chậm quá đi mất.”

“Chịu thôi, đây là lần đầu tiên chị leo núi. Mấy cành cây này cứ mắc vào quần áo chị, chị sợ rách mất. Đợi chị với, không thấy em chị lạc đường chết.”

“Xem chị kìa, một con đường thôi mà cũng lạc được, đấy là còn chưa đưa chị vào núi sâu hơn đấy. Ở đây còn có một chỗ ghê lắm, có tà môn đấy, nếu mà vào đấy em cũng không dám nói đâu.”

“Cái gì cơ, em cũng sợ sao.”

“Mọi người ở đây đều sợ, chỗ đấy âm u, không ai dám đến, vào là không về được.”

“Khiếp, đừng làm chị sợ, chẳng lẽ có ma à?”

Vương Đại Nhãn lập tức nhảy chồm lên, nóng nảy với cô: “Em bảo này, chị lạy thổ địa ba cái đi. Mau!”

Tạ Kiều hoảng sợ, nhìn vẻ mặt thằng bé không giống nói đùa lắm, lại nhìn xung quanh thì phát hiện mình đã lên đến sườn núi, trong lòng cũng bắt đầu nổi lên nỗi lo khó hiểu, vội vàng cúi đầu ba cái rồi mới cẩn thận hỏi: “Đại Nhãn, em đừng làm chị sợ nhé, rốt cục, tà môn gì cơ?”

Vương Đại Nhãn tóm lấy cánh tay cô, vừa đi vừa nói nhỏ: “Em cũng nghe người khác nói thôi, chứ em chưa đi qua lần nào, nhưng mà có người đi qua rồi. Hôm đấy anh Râu đi chăn dê, vào nhầm chỗ, nhưng mà vừa vào là đã ngất xỉu, hai ngày sau mới ra được, đáng sợ hơn là sau đấy anh ý bị ốm mấy chục ngày liền, mà ngày nào cũng mê sảng, rồi sau cũng chẳng dám chăn dê nữa. Thế vẫn còn may chán đấy nhé, có mấy đứa con gái cũng đi hái nấm, đi rồi cũng không thấy về nữa. Ở đây bọn em đều gọi là động câu hồn, nghe Râu nói, gần chỗ đấy có khí độc, còn có người đến nghiên cứu nữa cơ, gọi là đội thám hiểm hay cái gì ý, nghe nói là vào đấy rồi cũng không ra được nữa.”

Tạ Kiều nghe xong thì thấp thỏm: “Thật hay giả đấy, thật sự ghê rợn thế sao?”

“À, nhưng mà cách chỗ này mấy chục cây đường núi cơ, chị không phải sợ, từ nhỏ em đã chơi trò chạy trốn trên núi này rồi, chị cứ đi theo sát em là không sao cả.”

“Woa, cây nấm này đẹp quá.”

Dưới một tán cây lớn có một loại nấm sặc sỡ, trên tán nấm màu hồng, lại điểm thêm mấy chấm trắng nhỏ. Tạ Kiều chưa bao giờ thấy loại nấm nào đẹp như vậy, sung sướng định hái lên, lại lập tức bị Vương Đại Nhãn ngăn lại: “Đừng chạm vào, loại này có độc, ghê lắm đấy.”

Tạ Kiều lè lưỡi: “Là nấm độc à, nhưng mà đẹp thật đấy.”

“Chị mà động vào thì một lúc sau sẽ váng đầu buồn nôn, nặng hơn còn bị đi ngoài, nặng hơn nữa là mất mạng.”

“Ghê thế! Vậy, loại nào ăn được?”

“Chị đi theo học hỏi đi, cô thôn nữ. Trong thành phố chắc chị biết nhiều thứ, nhưng đến chỗ này của bọn em thì chắc chắn là chị ngốc nhiều thứ lắm.”

“Ngốc cái gì?”

“Biết chơi mạt chược không? Chính là mạt chược á.”

“Này, Vương hẹp hòi, có em mới là ngốc ý.”

“Tạo phản, tạo phản rồi, dám bảo em hẹp hòi, xem ta xử lý cô em thôn quê này thế nào nào!”

Họ cười đùa ầm ĩ cho đến đỉnh núi. Tạ Kiều phóng tầm mắt về phía xa, cây lá ở chỗ cô đứng có vẻ hơi héo úa, nhưng xa xa đồi núi trùng điệp, toàn một màu xanh.

Bữa trưa mẹ Đại Nhãn thịt một con gà trống, gà mái còn đang độ đẻ trứng nên bà hơi tiếc. Tạ Kiều giúp bà đun ấm nước nóng để vặt lông gà, rồi cô cùng Đại Nhãn nhặt nấm ngâm vào chậu nước, trông chúng giống như những tán ô nhỏ vậy.

Trên ngọn núi cao, tuy rằng không có ánh nghê hồng, không có cầu, cũng không có ô tô đi qua, nhưng không khí thì lúc nào cũng trong lành thanh mát, mỗi sáng đều có thể nghe tiếng gà trống gáy gọi bình minh. Cuộc sống của Tạ Kiều ở một trấn nhỏ trong thung núi sâu này dần ổn định, cô giúp mẹ Đại Nhãn tính toán sổ bán hàng của tiệm tạp hóa. Cửa hàng tạp hóa vốn rất lạnh lẽo giờ vô cùng náo nhiệt, người trong trấn rất nồng hậu, cho dù không mua gì cũng đến tán gẫu với mẹ Đại Nhãn vài câu, chủ yếu là đến để ngắm một cô gái xinh đẹp. Tạ Kiều cũng biết đến người mà Đại Nhãn hay gọi là Râu, thực ra Râu không có hàng râu dài, chỉ vì anh ta mang họ Hồ*, là một anh chàng ngăm đen. Lần đầu tiên anh ta nhìn thấy Tạ Kiều đã làm rơi cả điếu thuốc đang ngậm trong miệng. Sau này Đại Nhãn lại nói với Tạ Kiều, anh ta lớn vậy rồi mà chưa từng thấy cô gái nào xinh đẹp như Tạ Kiều. Tạ Kiều mím miệng cười. Cô rất quý những người ở đây, thân thiết, nhiệt tình, lại hiếu khách, giữa người với người chỉ có sự hòa hảo, không tranh đua.

*Râu = Hồ tử

Mẹ Đại Nhãn ngày càng thích Tạ Kiều, có thể nhìn ra cô gái này sống trong thành phố nhưng cũng rất dễ gần. Tuy rằng bà không thể lý giải nổi vì sao trời lạnh như vậy mà ngày nào cô bé kia cũng tắm, tắm xong lại chạy đến ngồi trước bếp lò, chỉ thiếu nước ôm cả cái lò vào lòng. Nhìn đôi môi run bần bật vì lạnh của cô, bà nghĩ, ngoài tật xấu này ra thì cô bé này khá tốt, nói chuyện nhỏ nhẹ, lễ phép, dễ nghe, còn giúp thằng con bà làm bài tập, giúp bà giặt quần áo, sắp xếp gian hàng nhỏ lộn xộn của bà một cách ngăn nắp.

Chớp mắt cũng đã qua năm mới dương lịch, trời lại đổ mấy trận mưa, bùn bên đường dần đóng băng, đường núi không thông được nên Đại Nhãn không thể đi học được, cả ngày ngồi một chỗ với Râu. Đến giờ cơm trưa nó lại quay về, vừa vào cửa đã ồn ào: “Có cơm chưa? Ăn xong em còn phải cùng Râu đi xem quân giải phóng.”

Tạ Kiều hiếu kỳ hỏi: “Quân giải phóng?”

“À, đường núi bị đóng băng không làm thế nào được, Râu bảo quân giải phóng đã đến sửa đường hộ rồi. Bọn họ siêu thật đấy, chỉ dùng máy móc tự động, không cần dùng người. Tẹo nữa em đi với Râu, Râu bảo em hỏi chị có đi không đấy.”

Tạ Kiều vén rèm cửa nhìn ra ngoài mấy lần rồi nói: “Không đi, lạnh lắm.” Cô tiện tay lật tờ lịch, đến Nguyên Đán cũng chỉ còn một thời gian ngắn nữa.

Hai ngày sau, đường đã được sửa xong. Xe quân binh vào trấn mua đồ, mua dầu, mua muối, mua tương, dấm, còn mua của mẹ Đại Nhãn mấy con gà. Vì đường bị chặn nên hàng dự trữ gần như đã bán hết, mẹ Đại Nhãn phải vào thành phố nhập hàng. Đại Nhãn không nghĩ ngợi liền tin ngay, để Tạ Kiều ở nhà trông cửa hàng, còn nó thì theo mẹ vào thành phố mua thêm áo bông và giày. Đến tối mờ, rốt cục mẹ Đại Nhãn cũng về, bà còn mua giúp Tạ Kiều một chiếc áo lông màu hồng nhạt, quanh viền mũ cũng có thêm ít lông mềm. Vương Đại Nhãn thấy Tạ Kiều cười liền nói: “Chị mặc cái áo này rất đẹp.”

Sáng sớm tết Nguyên Đán hôm nay, Râu mang đến một tảng thịt lợn rừng, nói là người thân bẫy được từ trong núi, cũng chia hết cho người trong trấn. Anh ta nhìn gương mặt trắng hồng của Tạ Kiều, nhỏ giọng nói: “Con lợn mẹ nhà anh mới đẻ, lợn con nhìn hay lắm, em có muốn sang xem không?”

Tạ Kiều cùng Vương Đại Nhãn đến nhà Râu xem lợn con, mẹ Đại Nhãn lại dặn, trưa nhớ về sớm vì phải gói bánh trẻo tiễn năm cũ.

Giữa trưa, trên đường về nhà, Tạ Kiều nói với Vương Đại Nhãn: “Thì ra lợn con mới đẻ không có lông, nhìn hồng hồng, đáng yêu thật đấy, không kinh tẹo nào.”

Vương Đại Nhãn liền chỉ vào áo của cô và nói: “Con lợn con đấy hồng hồng giống chị.”

Tạ Kiều ầm ĩ vui đùa với nó, lại nhìn thấy trước cửa hàng của mẹ Đại Nhãn có mấy chiếc xe, toàn bộ là xe màu xanh. Đại Nhãn nói: “Mấy hôm nay đường không thông, cửa hàng của mẹ em có cực kỳ nhiều bộ đội đến mua hàng. Chị nói xem, họ mua cả gà nữa thì mẹ con em ăn gì đây. Mau đi nói với mẹ em đi, để lại một con để mừng năm mới.”

“Em đó, chỉ biết ăn thôi.” Vương Đại Nhãn kéo tay Tạ Kiều chạy vào, vừa vào cửa hàng đã thấy mẹ nó kéo mành lên. Trông thấy Tạ Kiều, bà liền nói to: “Đang định đi gọi cháu đây, nhanh lên, trong kia có người tìm cháu.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui