25.
Buổi tối lúc cảnh sát Tiểu Phó tới, tay anh xách đầy quà.
Mẹ Chu nói: “Tiểu Phó, lần sau tới đừng xách đồ theo nữa.”
Sắc mặt cảnh sát Tiểu Phó thay đổi, vẻ hoảng hốt lộ hẳn ra trên mặt. Mẹ Chu vội giải thích: “Ý dì là đều là người một nhà, đừng khách sáo vậy.”
Anh ấy thở phào nhẹ nhõm, tủi thân: “Dì ơi, dì nói chuyện đừng ngắt câu, xém tí con tưởng đêm nay không phải ăn bữa cơm đoàn viên mà là bữa tối cuối cùng rồi.”
Anh nói làm mẹ Chu bật cười.
Cơm nước xong, mọi người cùng ngồi xem Xuân vãn. (Chú thích: Chương trình đêm giao thừa của Trung Quốc, giống chương trình Táo quân mỗi năm của mình ấy).
Mẹ Chu lấy ba bao lì xì, phát cho chúng tôi mỗi người một cái, cười nói: “Tháng đổi năm dời, bình an vô sự.”
“Cảm ơn mẹ, chúc mừng năm mới.” Chu Hải Yến đã quen.
“Cảm ơn mẹ, chúc mừng năm mới!” lần đầu tiên tôi được nhận bao lì xì, không kiềm được niềm vui.
“Cảm ơn dì, năm mới vui vẻ ạ!” cảnh sát Tiểu Phó không ngờ mình cũng có bao lì xì, phấn khích muốn nhảy dựng lên.
Không khí hài hòa, tôi về phòng mang quà đã chuẩn bị sẵn ra.
Quà cho mẹ Chu là khăn quàng cổ, đôi găng tay, bà thường xuyên ngồi thẫn thờ nơi cửa, bây giờ trời lạnh, có thể giữ ấm cho bà.
Cảnh sát Tiểu Phó là một chiếc mũ dệt kim dày, thị trấn mùa đông lộng gió, anh đội đi tuần bên ngoài có thể bảo vệ đầu.
Mẹ Chu sờ trái sờ phải, yêu thích không buông tay được, ngạc nhiên khen tay nghề của tôi rất giỏi. Cảnh sát Tiểu Phó nước mắt lưng tròng, nói không ngờ bao lì xì cũng có phần anh, quà cũng có nghĩ đến anh.
Chu Hải Yến là người duy nhất im lặng. Anh nhìn chằm chằm bàn tay trống trơn của tôi, phát hiện không có gì thì ho nhẹ một tiếng.
Tôi làm bộ không nghe thấy, quay qua xem TV.
Tiếng ho mạnh hơn.
Sô pha bên cạnh tôi lún xuống, bên tai có hơi thở ấm áp phả vào: “Ai cũng có, của anh đâu?”
Tôi quay lại, mở to mắt ngây thơ: “Anh trai, không phải anh nói không thích mấy thứ này sao?”
Trước kia dò hỏi anh, anh nói mình không bao giờ quàng khăn gì đó, anh còn nói đàn ông thay vì choàng khăn nọ kia thì nên tập thể dục còn hơn.
Tôi nghĩ cũng phải, hình như anh không sợ lạnh, ngay cả mùa đông mà anh vẫn mặc quần mùa thu!.
“…”
Anh đờ người, vẻ mặt cũng mất tự nhiên. “Ai nói? Dù sao thì cũng không phải anh nói.” Rồi làm vẻ không để tâm, nhìn TV, “Thôi, quên anh thì thôi đi, quên thì quên, anh không phải người hay so đo.”
Nhưng ánh mắt anh thì không nói vậy. Mẹ Chu với cảnh sát Tiểu Phó đang xem TV, tầm mắt không nhịn được mà quay sang bên này.
Tôi đứng dậy, lấy từ sau sô pha một bông hoa hướng dương cao cỡ nửa người tôi, tôi đan nó suốt nửa tháng. Chu Hải Yến rất thích hoa hướng dương, thích đến độ nếu khách đến xăm hình này thì anh sẽ giảm ngay 40% cho họ mà không đắn đo.
Tôi bắt chước anh nói: “Ui chao, chắc cái này anh cũng không thích đâu?”
Anh quay đầu lại, đồng tử hơi chấn động. Trong kinh ngạc là niềm vui không giấu được. Ý thức được gì đó, anh bật cười: “Hay nhỉ, nay to gan rồi, cố tình trêu anh đúng không?”
Tôi nhạy bén nhận ra nguy hiểm đến gần, yên lặng lùi về sau hai bước. Anh đứng lên, một tay chống lưng ghế sô pha, nhảy qua một cái chặn trước mặt tôi.
Tôi xoay người bỏ chạy.
Anh tóm chặt búi tóc tròn của tôi, bóp cổ tôi, dùng tay cù lét.
Tôi vừa né vừa cầu cứu. “Mẹ, mẹ ơi cứu con! Anh Tiểu Phó, cứu em!”
Mọi người cười ha ha ngã trên sô pha, không ai cứu tôi.
Tiếng cười rộn rã xen lẫn tiếng Xuân vãn: “Tôi kiểm điểm, tôi quá ham chơi, đánh bóng bàn hại người hại mình, tôi từ chối…”
…
Buổi tối trước khi ngủ tôi cảm giác gối đầu cồm cộm. Lấy ra xem, một bao lì xì và một khóa trường thọ. Bên cạnh có tờ giấy: “Nhiều niềm vui, luôn bình an, không lo lắng.”
Bút lực sắc bén, giấy tựa mây bay, chữ tựa như người.
…
Sau này nhớ lại vô số khoảng khắc hạnh phúc trong đời mình, mọi khung cảnh đều có hình bóng mọi người.