31.
Thời gian trôi nhanh, tôi đã vào 12. Trường rút ngắn kỳ nghỉ từ hai tuần một lần xuống thành 1 tháng một lần. Thời gian tôi dành cho gia đình ngày càng ít.
Điều đáng mừng là bác sĩ nói bệnh trầm cảm của mẹ Chu gần như đã khỏi. Hiện giờ bà rất ít khi ngồi ngẩn người ở cửa nhìn cây hoa quế, bà nói ngoài cửa gió to, nhiều nắng, không có gì đẹp, cũng rất hiếm khi nửa đêm dậy treo chuông gió nhảy múa, bà nói bà quên nhảy thế nào rồi.
Thậm chí bây giờ bà không còn chìm đắm trong những quyển sách mà là nghe lời bác sĩ, thường ra ngoài hoạt động, thỉnh thoảng ra quảng trường nhảy, đi dạo phố. Mỗi lần tôi về nhà đều có quần áo mới bà mua.
Về phần Chu Hải Yến, tôi vừa lo anh sẽ thích người khác, lại vừa lo người khác sẽ thích anh. Cảm giác nhớ thương và mong chờ làm tôi nghiện.
Tối hôm nay về nhà nghỉ.
Như thường lệ, tôi ngồi học bên cạnh Chu Hải Yến, anh đang xăm hình cho khách. Điều khác biệt duy nhất là khách xăm lần này là một chị gái tóc ngắn xinh đẹp.
Chị ấy mặc chiếc yếm đen, hình xăm hoa diên vĩ chiếm nửa bên xương quai xanh, đường cong eo có thể nhìn thấy mơ hồ qua áo khoác. Người chị ấy toát lên vẻ tự tin, mạnh mẽ. Hơn nữa có vẻ chị ấy rất quen thuộc với Chu Hải Yến, trong lời nói có điều bất thường.
Tôi cúi đầu làm bài tập, thực tế tai vểnh lên tận trời.
Chu Hải Yến hỏi chị chọn mẫu nào. Chị ấy lấy di động ra, lật qua rồi chỉ minh tinh nam trên màn hình. “Sao cũng được, một chàng đẹp trai.”
“Chắc chưa?”
Chị khẽ nhếch đôi môi đỏ mọng, cười nói: “Nếu không xăm anh cũng được, tôi thấy anh còn đẹp hơn cả bọn họ.”
Tôi ngẩng lên theo bản năng.
Chu Hải Yến liếc chị ấy, mặt không biểu cảm, không nói được cũng không nói không được.
Tôi yên lặng siết chặt cán bút.
“Không trả lời là xem như được?”
Đột nhiên chị ấy nhìn tôi, “Em gái, giúp chụp tấm ảnh hai người bọn chị với. Muốn xăm thì xăm cho tới, xăm luôn hai chúng ta lên đi.”
Bút trên tay tôi cầm không vững, rơi xuống đất lăn hai vòng.
Chu Hải Yến đặt quyển mẫu xuống, ngả người ra sau, chậm rãi: “Tốt nhất là cô thật sự dám xăm.”
Ánh mắt chị ấy lấp lóe, cười khẩy: “Tôi có gì mà không dám? Nhưng anh thì lại miễn cưỡng, sợ bạn gái hiểu lầm sao? À, quên mất, anh không có bạn gái, là sợ người trong lòng hiểu lầm thôi.” Nói rồi nhìn tôi cười với đầy ẩn ý.
Ánh mắt kia khiến tôi nghĩ chị đã nhận ra gì đó.
Thấy Chu Hải Yến không phản ứng, chị đứng dậy tới ngồi cạnh tôi, ôm vai tôi, nhiệt tình như rất thân thuộc: “Chu Hải Yến không đáng yêu nhưng em gái anh ta thì ngược lại. Gương mặt đúng chuẩn mối tình đầu đẹp thế này, trong trường chắc hẳn nhiều người theo đuổi lắm? Nước phù sa không chảy ra ruộng ngoài, chị có đứa em trai tầm tuổi em, hay là em gái cân nhắc nhé?”
“…”
Tôi đang định từ chối thì cánh tay bị huých nhẹ. Chúng tôi nhìn nhau, tim tôi đập dữ dội, dường như tôi hiểu ý chị ấy.
Tôi giả vờ thẹn thùng cúi đầu không nói.
“Cân nhắc con khỉ.” Chu Hải Yến cười lạnh, cầm di động gọi điện thoại, tức giận nói với người đầu dây bên kia: “Mẹ kiếp sao mày còn chưa tới? Còn muốn có bạn gái không?”
Đầu bên kia là giọng hổn hển của cảnh sát Tiểu Phó: “Đừng để cô ấy chạy, tao tới ngay.”
Tôi: “…”
Vậy chị xinh đẹp này là bạn gái cảnh sát Tiểu Phó?
Hai người cãi nhau?
Người bên cạnh tôi kéo khóa áo khoác lại, lườm Chu Hải Yến.
Không đầy một phút sau, cảnh sát Tiểu Phó hấp tấp xông vào. Anh ngồi xổm trước mặt chị đẹp gái, ôn tồn: “Lần trước em xăm rồi nói đau quá, sau này không bao giờ xăm nữa mà?”
Mặt chị vô cảm: “Anh quản lý tôi?”
Cảnh sát Tiểu Phó nhỏ giọng dỗ dành: “Vậy lần này em muốn xăm gì?”
“Tao, ảnh chụp bạn gái mày với tao.” Chu Hải Yến châm ngòi thổi gió, xem náo nhiệt không sợ thêm lớn chuyện.
Cảnh sát Tiểu Phó sửng sốt, gật gật đầu. “Được, vậy cũng xăm cho tao một hình, hình em gái Đường đi.”
“…”
“…”
“…”
Chu Hải Yến đen mặt, “Mày bị điên hả?
…
Sau đó chị đẹp bị cảnh sát Tiểu Phó mạnh mẽ khiêng đi, khi đi ngang qua tôi chị còn bóng gió: “Em gái, có hy vọng, thắng chắc.”
“…”
Bị chị tác động, tôi nảy ra ý định thử nghiệm. Tôi ngồi thụp xuống, ôm bụng, mắt ươn ướt nhìn Chu Hải Yến, “Anh ơi, em lại đau bụng.”
Tới tháng là thật, nhưng đau bụng là giả.
Anh không nói hai lời, quay lưng vào bếp nấu nước đường đỏ. Tôi lắc đầu, “Anh, em muốn nghỉ ngơi.”
Anh ôm tôi về phòng, giống như trước đây, chống tay nửa nằm nửa ngồi bên cạnh tôi, bàn tay nóng hổi cách lớp vải áo dán vào bụng tôi. Xúc cảm ấm áp lan tràn như dây leo, nhanh chóng vây cả người, vành tai, cổ tôi đều nóng lên. Tôi vùi mặt vào lòng anh, thì thầm: “Chu Hải Yến.”
“Hửm?”
“Em không yêu sớm, anh cũng đừng yêu sớm được không?” Tôi cắn chặt môi dưới.
“Được.” Bất ngờ anh lại đồng ý.
Tôi tham lam muốn nhiều hơn, dựa vào sự nhượng bộ của anh mà lấn tới qua giới hạn. “Vậy anh chờ em được không?”
Anh tựa cằm lên đầu tôi, thật lâu sau mới nói khẽ: “Được.”
Giữa chúng tôi dường như đã đạt được sự ăn ý ngầm. Dường như có những việc không cần nói ra, đôi bên trong lòng đều hiểu.
32.
Ngày thi đại học, mẹ Chu và Chu Hải Yến cùng đưa tôi đi thi.
Mẹ nghe người ta nói cha mẹ đưa con đi thi phải chú ý trang phục, vì vậy ngày đầu tiên bà mặc một chiếc sườn xám đỏ, bắt Chu Hải Yến mặc áo ngắn tay màu đỏ, ngụ ý khởi đầu thuận lợi.
Hai người đứng ở cửa, đã đẹp còn cao, rất nổi bật.
Biết tôi căng thẳng, mẹ Chu vặn bình giữ ấm đưa cho tôi: “Uống miếng nước cho đỡ lo, một ngụm thuận đến tim.”
Tôi nhận lấy, ngọt ngọt. Mơ hồ như ly nước đường tôi uống trong phòng bệnh năm đó như mới vừa hôm qua.
Chu Hải Yến lấy túi văn phòng phẩm của tôi của tôi kiểm tra hai lần, xác định không sót cái gì, giọng nghiêm trang: “Không có gì kéo chân, em cứ yên tâm bay.”
Tôi cười cong eo. Sự căng thẳng lập tức giảm đi nhiều.
Trên đường đến phòng thi, tình cờ gặp bạn cùng lớp Vương Giả. Cậu ấy đi tới, “Trùng hợp ghê, ở ngoài cửa là người nhà cậu à?”
Tôi ưỡn ngực tự hào: “Mẹ với anh trai tôi.”
Cậu ấy liếc nhìn tôi, thở dài: “Nhà cậu không có ai xấu hết phải không?”
Tôi sững người một lúc, giả vờ thở dài: “Biết sao được?”
Chúng tôi nhìn nhau, bật cười.
“Lần này thi cậu không ngủ quên nữa chứ?”
“Ui, sao tôi dám chứ. Nếu thi đại học mà tôi ngủ thì anh trai tôi giải phẫu sống tôi đấy.”
Tôi kinh ngạc, “Anh trai cậu học pháp y à?”
Cậu ấy gật đầu: “Đại học Tứ Xuyên.”
Tôi: “…”
Lão đại lại ở bên nguời, nếu biết trước thì đã tập trung nghe bài phát biểu của đàn anh hôm đó rồi.
Chúng tôi vừa đi vừa nói nói cười cười, giống như một kỳ thi bình thường.
Ba ngày liên tiếp rất thuận lợi. Môn cuối cùng thi xong, khi ra khỏi phòng thi, thần kinh căng thẳng đã thả lỏng. Cảm giác mệt mỏi cũng theo đến, chỉ muốn về nhà ngủ liền ba ngày ba đêm.
Chu Hải Yến cười nhạo tôi như bị hút hết sức sống.
Buổi tối Chu Hải Yến tạm thời đi nơi khác làm việc.
Mẹ Chu làm bánh quy cho tôi trong bếp. Bà đeo tạp dề, gương mặt nghiêng dịu dàng điềm tĩnh, dường như năm tháng không lưu lại dấu vết trên gương mặt bà.
Tôi đi lên ôm bà, “Cảm ơn mẹ, lần này mẹ làm nhiều vậy ạ?”
Bà dùng bàn tay sạch xoa đầu tôi, “Làm nhiều chút để dành ăn từ từ, Thanh Thanh chúng ta thời gian qua vất vả rồi.”
Mẹ làm bánh quy siêu ngon, trước kia tôi có chia cho bạn cùng phòng ăn, họ đều khen không ngớt. Tôi ôm mặt yên lặng nhìn bà.
Ánh đèn ấm áp tạo bầu không khí êm ả, những mảnh ký ức ấm áp trào dâng trong tâm trí, kết lại thành một. Những điều vụn vặt bà làm dịu dàng suốt từng tháng từng năm bên tôi.
Mẻ bánh quy cuối cùng ra khỏi lò. Mẹ quay lại tìm cái đĩa trống bà chuẩn bị sẵn, “Lạ thật, mẹ mới để đây mà?”
Tôi lơ mơ sắp ngủ, không kịp phản ứng. Đến khi mẹ phát hiện cái dĩa trên tay mình cầm, bà tặc lưỡi, “Già rồi, trí nhớ không tốt.”
Để hết bánh quy ra xong thì cũng đã muộn, tôi khuyên bà đi nghỉ. Bà lắc đầu, “Thanh Thanh, con đi ngủ trước đi, mẹ chưa buồn ngủ.”
Thấy bà cương quyết, tôi ngáp dài, cố mở đôi mắt nặng trĩu. “Mẹ, vậy con đi ngủ trước nhé.”
Bà dịu dàng nhìn tôi, “Đi đi, đi đi con.”
Đi nửa đường, tôi nhớ ra một việc, lại vòng về. Thi xong, hai người đều không hỏi tôi thi thế nào vì sợ tạo áp lực cho tôi. Nhưng tôi tự tin.
Tôi thủ thỉ với mẹ: “Mẹ, con cảm thấy thi rất khá, đến lúc đó chúng ta lấy học bổng cùng đi du lịch nha. Đi ngắm biển!”
Mẹ từng nói bà muốn đến bờ biển nhặt vỏ ốc.
Bà bật cười kéo tôi vào lòng, “Ui chao, được được được, Thanh Thanh nhà chúng ta thật giỏi.”
Mùi hương của mẹ quẩn quanh chóp mũi, hơi ấm trong vòng tay. Không biết sao, tôi buột miệng thốt lên: “Mẹ, con yêu mẹ.”
Nói rồi lại tự thấy ngượng, quay người bỏ chạy.
Tôi không thấy bà sững người tại chỗ, vành mắt đỏ hoe, trầm lặng rất lâu mới cất tiếng khàn khàn: “Thanh Thanh, mẹ cũng yêu con.”
Tôi về phòng rửa mặt qua loa rồi nằm vật ra giường, mắt díp lại, chỉ vài phút sau đã chìm vào giấc ngủ sâu.
…
Xung quanh không còn ai, tinh thần mẹ Chu bỗng suy sụp trong nháy mắt, thần sắc uể oải.
Bà đi đến dưới cây hoa quế, đứng yên thật lâu. Chiếc chuông gió sau thời gian dài bị bỏ quên, dầm mưa dãi nắng đã phủ đầy bụi. Bà giơ tay với lấy, không ngờ một cơn gió thổi qua làm cong đầu cành, chiếc chuông gió làm bằng sứ rơi thẳng xuống đất, vỡ tan thành nhiều mảnh trước khi bà kịp giữ lấy nó.
Bà chớp chớp mắt. Nước mắt rơi không hề báo trước, tim đau như bị khoét đi một mảnh.
Trong đầu có hai hình người nhỏ bé.
Một người an ủi bà, “Treo ở đây lâu vậy không ai động tới, hẳn là đồ vật không quan trọng, vỡ thì thôi.”
Một người kia xuyên qua những ký ức dần bị lãng quên nhắc nhở bà: “Đây là món đồ từng rất quan trọng với bà.”
Bà nhón chân, giang hai tay, nhảy một điệu nhảy mới, giữa chừng còn quên vài động tác.
Bà lẩm bẩm: “Thấy chưa, quả thật đã gần quên hết. Sống mà không nhớ gì thì sống có ý nghĩa gì?”
Mấy năm nay sợ con cái lo lắng, bà vẫn cưỡng ép bản thân khám bệnh điều trị, uống từng vốc từng vốc thuốc, mà tóc thì cứ âm thầm rụng rất nhiều. Bề ngoài đã khá, thực tế bởi vì bà dần quên đi những ký ức thống khổ đó.
Những người sống an phận, gió êm sóng lặng thường tự hủy diệt mình.
Bà đã lừa gạt mọi người nhưng không thể tự gạt chính mình, tích lũy theo thời gian, những ký ức đó đã hòa thành một với bà, mất đi những nỗi đau ấy cũng chính là đánh mất chính mình.
Những ngón tay nhợt nhạt vuốt ve cành lá bị sâu bệnh lổ chỗ. “Xin lỗi, không chú ý đến mày bị bệnh.”
Bà tìm lọ thuốc trừ sâu còn dang dở trong nhà, cẩn thận phun xịt lên cây hoa quế, phần còn lại mang về phòng.
…
Trong phòng, người phụ nữ quần áo chỉnh tề nằm yên lặng trên giường, trong thùng rác là chai thuốc rỗng.
Cùng với cơn đau dữ dội trong người, bà bắt đầu xuất hiện ảo giác. Bà nghe có tiếng người gọi mình, “Kí Thu, Kí Thu.”
Giọng quen thuộc, đã nhiều năm không ai gọi bà như vậy, người trong trí nhớ kia đã hy sinh trong đêm mưa từ 5 năm trước. Không có tang lễ, không có mộ bia, thậm chí không có lễ tế.
Bà mở mắt ra, trong ánh sáng trắng mơ hồ có người đàn ông cao lớn đi ra, nhiều năm không gặp, gương mặt ông vẫn tuấn tú, kiên nghị như thế.
“Diệc Bách, anh đến đón em sao?”
Bà chậm rãi cong môi, khó nhọc đưa tay cho người đàn ông. Trong thực tế trong phòng chẳng có gì. Cuối cùng, tay bà hết sức từ từ thõng xuống, người trên giường nhắm mắt lại.
Cửa phòng đóng kín, cả đêm không ai ra vào