Trước cửa khoa cấp cứu của bệnh viện huyện hôm ấy ồn ào hơn hẳn mọi khi.
Một người bệnh lớn tuổi được đưa vào, kèm theo chính là gần chục người nhà lầm lũi đi theo.
Gia đình của Gia Văn rất có tiếng trong vùng, nên mấy vị y tá cũng vì nể mặt họ mà chăm sóc cẩn thận hơn.
Không hiểu ông Lâm thúc giục kiểu gì mà chỉ một vài tiếng sau khi báo tin, đã có bác sĩ chuyên khoa từ trung ương xuống tận phòng xem bệnh.
Các bác sĩ xem xét một hồi rồi chẩn đoán bà nội bị tai biến, có lẽ do lúc từ trên giường xuống bị ngã nên khi leo được lên mới một hai kêu đau.
Tiên lượng của bà rất xấu, cần ở lại bệnh viện để theo dõi thêm.
Ai nấy nghe xong đều rụng rời.
Ông cả thậm chí ngay lúc ấy còn phải bám tay vào cạnh bàn để kiềm chế cơn xúc động.
"Bác sĩ, thật sự nguy cấp như vậy ư?"
Bác sĩ trưởng khoa lướt nhìn lại bệnh án, thở dài một tiếng, sau đó cũng ái ngại gật đầu.
Ông đẩy chiếc gọng kính trắng trên mắt lên, cất giọng nhẹ nhàng nói.
"Tôi là người thầy thuốc, những chuyện này cũng không thể giấu các vị được.
Bà nhà tuổi đã cao, thời tiết không tốt, lại lâm cơn tai biến ngay lúc này nên nguy cơ thực sự rất cao."
Ông cả gấp gáp thở hắt ra, vội vàng lên tiếng.
"Bác sĩ, mong các ông hết sức giúp cho.
Tính mạng của mẹ tôi là quan trọng hơn hết.
Về vấn đề kinh tế, chúng tôi..."
"Tôi hiểu, thưa ông! Đích thân vợ chồng ông Phan Lâm đã nhờ vả đến tôi như vậy, tôi cũng sẽ dốc hết sức lực.
Nhưng cũng mong ông hiểu cho.
Cái quan trọng không phải là tiền mà là sức khỏe của cụ nhà có chống đỡ được hay không.
Bình thường với người khác, tai biến chưa hẳn là quá nguy kịch.
Nhưng đằng này, cụ bà lại đã ngoài 90...Với người già, chúng tôi thực sự không dám nói trước điều gì cả.
Tôi nói thật, gia đình tốt nhất cũng không nên kì vọng, áp lực quá.
Quan trọng vẫn là để người già cuối đời được thoải mái.
Trong trường hợp không qua khỏi mà còn cố thuốc men níu giữ, cũng chỉ làm gia tăng gánh nặng, đau đớn cho người bệnh thêm thôi."
Trong khi ông cả nặng nề thở dài, anh con trai cũng liền biết ý mà đứng lên đỡ bố ngồi xuống ghế.
Anh hướng mắt nhìn vị bác sĩ kia, theo đúng phép tắc mà cúi đầu thấp giọng.
"Mong chú giúp cho.
Nếu qua cơn tai nạn, gia đình chúng tôi xin đội ơn suốt đời."
"Không dám! Tôi hứa sẽ cố gắng hết sức."
Vị bác sĩ đi rồi, còn lại chỉ là đại gia đình đứng như trời trồng trước hành lang.
Cửa phòng bệnh vẫn đang khép lại, do tránh ồn ào nên mọi người quyết định giao nhiệm vụ cho con gái của bác hai ở trong trông.
Con gái của bác cả đang đi học xa, vì cả nhà không muốn cô bị ảnh hưởng đến cô nên vẫn chưa gọi về.
Lúc này, bà cả đang ngồi lấy khăn chấm nước mắt, bám vào vai chồng nỉ non lên tiếng.
"Tại sao đang yên đang lành lại xảy ra chuyện như vậy? Rõ ràng bao lâu nay, mẹ mình có làm sao đâu!"
Ông cả đang buồn lại bị âm thanh này làm cho chấn động, sắc mặt thoáng chốc đanh lại.
"Bà còn chưa biết thế nào, mình khóc cái gì? Đây là bệnh viện, đừng có ồn ào để cho người ta chê trách gia đình mình quy củ không đâu vào đâu!"
Bà cả hiếm khi bị buông lời nạt nộ như vậy, tiếng nức nở sau câu nói ấy liền lập tức im bặt đi.
Những người khác thấy vậy, cũng chỉ biết thở dài xoa trán.
Lâm Khanh và Gia Văn cùng nhau ngồi vào một góc.
Cả ngày mệt mỏi nên gần như không ai còn tỉnh táo, sắc mặt đều xanh mướt như tàu lá dưới mưa.
Lâm Khanh yên lặng, cảm giác bàn tay Gia Văn đang bấu chặt lấy tay áo anh.
Khi anh nghiêng đầu sang, liền nghe thấy cậu ghé vào tai mình nói.
"Anh Khanh, anh cũng cảm thấy như em, đúng không?"
Lâm Khanh mở to mắt, nghi hoặc.
"Sao?"
"Anh hiểu mà.
Các bác nhà em ít khi ra viện nên bác sĩ nói thế nào liền sẽ nghe theo.
Nhưng em lại từng nằm đó thời gian dài rồi nên cũng có chút kinh nghiệm hơn.
Chẳng lẽ anh không thấy rằng biểu hiện của bà không hề giống một người tai biến hay sao?"
Tiếng nói của Gia Văn nhỏ như tiếng muỗi vo ve, miễn cưỡng lắm mới để hai người vừa đủ nghe tiếng.
Lâm Khanh trong lòng cũng thầm nghĩ như cậu nhưng tất nhiên không thể nói thẳng ra.
Anh vỗ vỗ nhẹ lên vai cậu, lạnh giọng lên tiếng nhắc nhở.
"Đang có cả nhà em ở đây.
Im lặng chút đi, đừng có nói linh tinh."
Gia Văn nghe lời thu người lại, không nói không rằng mà quay đầu ra hướng khác.
Máu nóng trong người cậu thiếu chút sôi lên khi nhận ra ánh mắt nghi kị của mấy vị con dâu đang chăm chăm hướng về phía bọn họ.
Gia Văn bĩu môi một cái, cố gắng dồn sự chú ý vào cánh cửa phòng bệnh sáng trưng bên cạnh.
Chị dâu của cậu có lẽ cảm thấy do mình đã yên lặng quá lâu, lúc ấy liền bâng quơ lên tiếng.
"Được đúng bận vợ chồng cháu ngoan chăm sóc bà, bà cụ lại thành ra thế kia.
Đầu năm em đi xem bói, nghe thầy bảo năm nay nhà mình có người mang sao xấu đến, không biết..."
"Em thôi đi.
Bố đã nói thế rồi, sao còn lằng nhằng như thế? Đợi lúc bà tỉnh rồi, em muốn nói gì anh cũng mặc kệ em."
Anh cả của Gia Văn rất ít khi nặng lời với vợ, riêng hôm nay giọng điệu đã lộ ra vẻ không vui.
Trong khi Gia Văn trong lòng hậm hực, Lâm Khanh vẫn còn đủ bình tĩnh để đáp lại ánh mắt sắc lẹm của cô ta bằng vẻ mặt điềm nhiên.
Anh nhanh chóng kéo Gia Văn đi ra ngồi ghế khác, tránh cho người lớn phải bận tâm thêm về xích mích của con cháu trong nhà.
Một giờ trong viện, tưởng như dài đến ba thu.
Lúc ấy, đã qua giờ cơm tối từ lâu nhưng gần như không ai có tâm trạng ăn uống.
Tinh thần rệu rã hoang mang như vậy khiến ông cả cảm thấy thật sự không hay.
Sau một hồi lâu trầm ngâm, ông quyết định lấy danh nghĩa người chủ gia đình mà lên tiếng, nói.
"Sự thể của mẹ đã ra như vậy, thực sự là chuyện không ai mong muốn.
Dù vậy, tôi vẫn không muốn cả nhà chúng ta căng thăng như lúc này.
Tương lai sắp tới ra sao, chúng ta cũng phải lạc quan lên.
Dù sao bác sĩ cũng nói trường hợp của bà cũng còn nhiều may mắn.
Bây giờ, mọi người cũng phải vững tin lên.
Cái đầu tiên, là nhà cửa không thể bỏ cho ai nên tôi đề nghị chỉ để lại tôi, chú hai và con gái chú ở lại trông bà.
Còn lại, tất cả nên ra về đi."
Lời ông cả nói vô cùng mạnh mẽ dứt khoát.
Dù vài thành viên ban đầu định biểu lộ ra thái độ kháng nghị nhưng cuối cũng liền nghe theo.
Thực sự hai ông là con trai trưởng, con gái bác hai là cháu gái duy nhất của bà còn ở nhà, anh chị Lâm Khanh còn phải lo cho cu Bo nên làm như vậy rất hợp lí.
Sau khi phân phó vọ con xong xuôi, ông lại quay sang Gia Văn và Lâm Khanh.
"Cả hai cháu nữa, về nhà nghỉ ngơi đi.
Bố mẹ các cháu nói ngày một ngày hai sẽ về, hai cô út cũng chuẩn bị lên nên cần có người ở nhà lo liệu đón tiếp.
Nếu ngày mai muốn, các cháu có thể lên viện thay cho con gái bác hai về nhà.
Dù sao khi còn ở nhà, bà cũng rất thích được Gia Văn chăm sóc."
Gia Văn dạ nhỏ trong miệng, nhưng sau đó sắc mặt liền hiện lên vẻ mông lung.
"Cháu đã hiểu, thưa bác.
Nhưng cháu còn một câu hỏi nữa, rằng bác cứ định để bà ở đây mãi hay sao? Nói không phải nếu có chuyện gì, ở nơi ồn ào xa lạ thế này, bà sẽ..."
Vợ ông cả nghe thấy câu này, lập tức thừa cơ công kích Gia Văn.
"Văn, sao cháu lại nói như vậy? Bà nội cháu còn đang nằm sờ sờ trong kia, thế mà cháu..."
"Mình bình tĩnh lại đi! Thằng bé nói đúng đó.
Dù gì bác sĩ cũng đã cảnh báo thẳng với tôi rồi.
Bác hiểu, Gia Văn, và bác cũng đã thảo luận với mấy người chữa trị rồi.
Cho nên bác định nốt ngày mai sẽ đưa bà về nhà, mời bác sĩ đến để con cháu tiện chăm sóc.
Đến lúc bố mẹ và hai cô cháu về, cũng phải có nơi ở nơi ăn, không thể cứ lếch thếch ngoài viện như ăn mày thế này được."
Ông cả từ tốn nói với Gia Văn, phớt lờ, coi như không có bà vợ mình đứng bên.
Bà cả bị một phen xấu hổ như vậy, khi ấy chỉ biết đỏ mặt tía tai mà quay đi hướng khác.
Cu Bo được bố mẹ đón ở nhà trẻ rồi đưa luôn ra viện, vì còn nhỏ nên chưa thể hiểu hết tình hình đang diễn ra.
Cái quan trọng nhất là nó đã ở đây từ chiều cho nên trong người vừa mệt vừa đói, quần áo cũng vì chưa tắm giặt nên còn lấm lem bụi đường và mồ hôi.
Đợi lâu như vậy, cuối cùng nó cũng uể oải.
Thằng bé lon ton đi đến nắm ống quần bố mình, trề môi nũng nịu nói.
"Bố ơi, sao cụ cứ nằm ở bên trong, không ra ngoài ăn uống gì hết vậy? Con đói rồi, lại còn mệt nữa.
Mấy cái ghế kia cứng như vậy nên cũng không ngả lưng xuống ngủ được.
Bố ơi, con muốn về nhà, bố vào lay cụ tỉnh dậy rồi đưa cả nhà mình về đi!"
Câu nói ngây ngô của thằng bé khiến cho ai nấy đều cảm thấy đau xót.
Nó còn quá nhỏ, tất nhiên chưa thể hiểu hết thế nào là nguy cấp, là li biệt và chia xa.
Thằng bé đến mặt chữ còn chưa biết, đến cả phòng cấp cứu trong bệnh viện cũng biến thành phòng ngủ, làm sao mà hiểu được nỗi lo trong lòng của cha và ông nó.
Lâm Khanh thương đứa trẻ vô lo liền đi đến bế bổng nó lên.
Anh cả Gia Văn ban đầu hơi sững sờ nhưng khi thấy thằng bé rất quấn Lâm Khanh, thì cũng không làm ra hành vi phản đối gì.
Lâm Khanh bế cu Bo vào một góc, véo nhẹ má đứa nhỏ mà âu yếm nói.
"Cu Bo ngoan, cụ nội đang ngủ nên cháu để yên cho cụ ngủ nhé.
Nếu cháu mệt rồi thì để hai chú và bố mẹ đưa cháu về nhé! Cụ còn đang ngủ nên hai ông cũng phải ở lại canh giấc cho cụ.
Bé Bo về nhà ngủ ngoan, ăn ngoan, đợi sáng mai sang thăm cụ nhé!"
Thằng bé ngoan ngoãn gật đầu, vòng tay định ôm lấy cổ Lâm Khanh.
Mẹ nó thấy ngứa mắt nên ngay lúc ấy liền chạy ra giành con lại.
Cô ta vỗ vỗ lưng nó, ngọt nhạt cười cười đỡ lấy nó từ tay Lâm Khanh.
Thằng bé luyến tiếc buông cổ anh ra, dụi dụi đầu lên vai mẹ nó.
Lâm Khanh thở dài, cũng không dại mà nhiều lời đôi co.
Khi hai anh chị Gia Văn ôm con trai ra ô tô, anh và cậu cũng vào trong tạm biệt với cụ bà.
Lâm Khanh nhẹ nhàng mở cửa phòng, kéo theo bên cạnh là một đang Gia Văn tập tễnh bước đi.
Trong phòng bệnh yên tĩnh trống trải, màu sắc lạnh lẽo gợi cho Lâm Khanh nhớ về những tháng ngày chăm mẹ, chăm em rồi cả chăm sóc Gia Văn trong viện khi trước.
Chị họ Gia Văn thấy bọn họ bước vào liền kéo thêm hai chiếc ghế ra.
Lâm Khanh từ tốn đỡ lấy chúng, đem cả hai kê vào bên đầu giường.
Bác hai của cậu lúc ấy cũng đứng lên, vì muốn cho căn phòng bớt đông đuc mà nhân thể đi xuống cổng viện mua cơm hộp.
Gia Văn ngồi bên giường, vì tình cảm máu mủ kích động mà khe khẽ cắn môi.
Cậu đưa tay vuốt lên mái tóc bạc trắng như cước của bà, nói.
"Bà ơi..."
Bà nội Gia Văn không thốt lên câu gì, đôi mắt run rẩy trân trân nhìn lên.
Lâm Khanh không biết bà là không nói được hay không muốn nói vì rõ ràng dáng nằm thẳng tắp nghiêm chỉnh kia không có bao nhiêu vẻ co quắp kiệt quệ của người sắp lìa đời.
Nhìn vào mắt bà, anh cảm giác tia sáng trong đôi mắt ấy nhiều phần là tâm sự chứ không giống như đau khổ, bất lực vì ốm đau.
Anh vươn đôi bàn tay thon dài kéo lại tấm chăn bông trên người bà, nói.
"Bà đừng lo lắng, mọi thứ sẽ ổn thỏa sớm thôi."
Hành động này trước mắt chị gái của Gia Văn biến thành thân tình quan tâm.
Cô và cha cùng có cảm tình với Lâm Khanh, tất nhiên đều nhìn rõ sự chân thành trong cử chỉ của Lâm Khanh.
Cô cũng nhổm lên nhìn bà, cười nói.
"Đúng rồi đấy bà, cậu Khanh cậu Văn, cả chúng con đều mong bà khỏe lại nên bà phải cố lên.
Nay mai thôi, các cô các chú cũng sẽ về."
Gia Văn gật đầu, nói tiếp.
"Đúng vậy, bà ạ.
Bố mẹ cháu, cả cô tư cô út đều sắp về rồi nên bà phải lạc quan lên.
Cháu còn chưa được nhìn thấy mẹ chải tóc cho bà, cũng chưa nghe thấy bà chúc phúc cho cháu và Lâm Khanh."
Cơ mặt bà cụ giật giật, bàn tay thoáng chốc như run run.
Lâm Khanh ngồi gần lúc ấy nhanh nhẹn cầm lấy mấy ngón tay xương xẩu, nhìn vào mắt bà mà dịu dàng nói.
"Đúng rồi bà ạ! Còn có chúng cháu ở đây, nên bà đừng có lo."
Câu nói ấy khiến khuôn mặt bà cụ hơi chuyển động.
Một cái động rất khẽ, gần như cái gật đầu.
"Chúng cháu về trước.
Ngày mai sẽ lại đến thăm bà."
Gia Văn và Lâm Khanh tạm biệt mọi người, cùng nhau đi ra đường lớn bắt taxi.
Dù sao đây cũng còn là tỉnh lẻ nên phương tiện giao thông không phong phú.
Gia Văn mệt mỏi cả ngày, do ảnh hưởng của vụ tai nạn lần trước mà sức khỏe yếu đi rất nhiều.
Chỉ khí lạnh cùng một ngày căng thẳng như vậy thôi đã đủ khiến Lâm Khanh nghe thấy cậu sụt sịt, trong miệng khúc khắc ho.
Lâm Khanh thở dài, từ tốn vòng tay qua người cậu, khiến cho thân thể cả hai trong tiết đêm giá lạnh đều bỗng chốc ấm lên.
Khi ngồi trên xe, Gia Văn nửa tựa lên vai Lâm Khanh, tranh thủ chợp mắt được gần mười phút.
Nhưng trái lại, người bên cạnh cậu suốt cả chuyến đi lại vì suy nghĩ trong lòng mà không ngừng mở mắt trầm ngâm
Anh vẫn chưa lí giải nổi.
Anh chưa lí giải nổi cái bắt tay kín đáo của bà nội với mình ban nãy, tóm lại là có ẩn ý gì.
End chap 86