3.
~*~
“Thương lượng với cậu một việc, cho tớ để sách trong ngăn kéo nhé?”
“Mấy quyển sách này vừa cũ lại vừa bẩn, có quyển bên trên còn dính ráy tai, thật ghê tởm.”
“Đấy là cứt mũi. Nếu không tin, cậu cứ nhìn kỹ, trong đó có lông.”
“Cậu càng mắc ói hơn. Tại sao không mang sách về nhà? Ngại bẩn à?”
“Ở nhà không có cách nào viết được, tâm trạng sẽ trở nên tệ hại. Tớ cực kỳ không tình nguyện viết bài văn này.”
“Vậy được rồi. Cậu có thể để sách trong ngăn kéo.”
“Cảm ơn cậu. Mời cậu ăn viên kẹo, của Nhật đó.”
“Ăn ngon lắm. Cảm ơn cậu.”
Ngày thứ ba sau khi tiếp tục mang bốn quyển sách đó đến trường, cuối cùng tôi đã viết xong.
Tính toán thử cái, một tờ giấy viết được 500 chữ tổng cộng tôi viết hết 18 tờ.
Chỉ có khoảng chín ngàn chữ, lão thầy ngữ văn có đồng ý không?
Tôi dám chắc cô ấy không phải là nữ sinh hẹp hòi, nhưng lão thầy ngữ văn lại cực kỳ nhỏ mọn.
Quả nhiên động tác đầu tiên của lão thầy ngữ văn sau khi cầm được bản thảo, đó là cẩn thận đếm giấy viết bản thảo xem có bao nhiêu tờ.
Thậm chí còn dùng ngón tay vừa thấm nước bọt vừa đếm, đang đếm tiền sao?
“Mới có 18 tờ.” Sau khi đếm xong, lão thầy ngữ văn nhíu mày.
“Thầy ơi, em đã tận lực rồi.”
“Quy định là một vạn chữ, thì là một vạn chữ.” Mặt lão lạnh tanh, “không được thương lượng.”
“Nhưng chín ngàn đã gần với một vạn lắm rồi.”
“Nếu tôi nợ em một vạn đồng, nhưng chỉ trả cho em chín ngàn đồng, em có chấp nhận không?”
“Có thể chấp nhận ạ.” Tôi nhỏ giọng nói, “bởi vì thầy kiếm tiền rất vất vả.”
Đến cả nội dung bên trong bài văn cũng chưa xem, lão thầy ngữ văn liền cuộn xấp giấy kia thành hình ống, tỏ ý muốn đưa cho tôi.
“Cầm về viết lại.” Lão nói.
“Nhưng…”
“Nhưng cái gì?” Lão vươn tay, “cầm về!”
Trong bụng tôi chửi rủa không ngừng, chậm chạp chìa tay phải ra nhận lấy.
Đời trung học quả nhiên là địa ngục.
Dù chỉ thiếu có một ngàn chữ, nhưng cái gọi là “viết lại”, vẫn là phải viết lại một vạn chữ.
Thời kỳ máy vi tính không phổ biến, không có cách nào tùy ý thêm chữ vào trong bài văn.
Tôi chỉ có thể coi chín ngàn chữ này như bản nháp, sau đó nghĩ tất cả các biện pháp, vắt hết óc để đẻ ra một ngàn chữ, sau cùng sẽ viết lại từ đầu bản thảo một vạn chữ.
“Này, bản thảo viết thế nào rồi?”
“Viết xong rồi, nhưng bản thảo bị lão thầy trả lại. Bởi vì chỉ có chín ngàn chữ.”
“Thầy của cậu nhỏ mọn quá đi, chín ngàn đã gần với một vạn lắm rồi.”
“Câu đầu tiên của cậu tớ đồng ý, câu thứ hai giống hệt suy nghĩ của tớ.”
“Vậy cậu làm sao bây giờ? Chẳng lẽ lại viết lại một vạn chữ?”
“Ừ. Tớ đang đau đầu xem nên làm thế nào để thêm vào một ngàn chữ.”
“Sao không lấy ví dụ từ bản thân ấy? Như thế biết đâu có thể viết được nhiều hơn.”
“Về cơ bản tớ là một đứa khiêm tốn, chẳng lẽ những chuyện như tớ cắt thận chữa bệnh cho cha, bán máu nuôi mẹ, thường xuyên nắm tay dắt bà sang đường cũng phải viết ra để tất cả mọi người đều biết ư?”
“Cậu nhàm chán quá đấy!”
Nhưng chữ “nhàm chán” cô ấy viết lần này lại cho tôi cảm hứng.
Bởi vì kẻ nhàm chán, nhất định sẽ nhiều lời vô nghĩa.
Trong đầu tôi linh quang chợt hiện, nghĩ ra một cách trực tiếp “hô béo” bài văn.
Thay “rất, lắm” bằng “vô cùng, phi thường, cực kỳ”, có chết cũng không lược bỏ những từ đệm như “rằng, thì, là , mà”; còn phải biết sử dụng một số hư từ như “rồi”, “liền”.
Còn phải nhiều dấu câu hơn nữa, bởi vì dấu câu cũng chiếm một ô vuông của giấy viết bản thảo.
Tôi đã chán nản đến nước để có thể viết nhiều hơn một chữ mà không chừa thủ đoạn nào.
Tỷ như:
Bữa cơm hôm nay ngon lắm, cơm nước xong xuôi tôi thong dong tản bộ trên phố, nhặt được một đồng tiền trên mặt đất.
Có thể sửa thành:
Bữa cơm hôm nay (thì) ngon (vô cùng), cơm nước xong xuôi (rồi) (,) tôi (liền) rảnh rang (mà) tản bộ trên phố, (rồi) nhặt được một đồng tiền trên mặt đất.
Nguyên bản bao gồm cả dấu câu chỉ có 28 văn tự, trong nháy mắt tăng lên thành 35 văn tự.
Tôi phấn chấn tinh thần, đọc từng từ từng từ bản thảo, dùng bút đỏ điền trực tiếp những chữ thêm vào lên giấy viết bản thảo.
Sửa sang tập bản thảo trong kế hoạch vỗ béo này, sơ sơ chắc phải dư ra khoảng hơn một nghìn một trăm chữ.
Thêm vào nhiều nhất là những chữ “rằng, thì, là, mà”, quả nhiên chỉ cần để tâm, văn chương nơi nơi đều có thể thêm “rằng, thì, là, mà”.
Nhiều năm sau, đối thoại kinh điển trong phim “Thực Thần”: “Chỉ cần để tâm, ai ai cũng có thể là thực thần.”, cũng ăn khớp với điều này.
“Hì hì, tớ tìm được một ngàn chữ thêm vào rồi.”
Khi rời trường học, tôi nhắn lại trên tờ giấy như vậy.
Tôi mang bản thảo đã điền thêm rất nhiều chữ đỏ về nhà, đêm nay sẽ giải quyết dứt điểm việc này luôn.
Chép một vạn chữ tuy cũng là một công trình không nhỏ, nhưng ít nhất không cần động não, sẽ thoải mái rất nhiều.
Tôi đánh một tiếng trống cho lòng hăng hái trước bàn học, mất hơn sáu tiếng đồng hồ chép xong bản thảo một vạn chữ.
“Thật thế á? Sao cậu làm được vậy?”
Hôm sau sau khi thấy tờ giấy tôi rất đắc ý, cười hề hề, tay bạn học ngồi kế bên nhìn tôi chằm chằm.
Cuối cùng hôm nay có thể được giải phóng hoàn toàn rồi, đợi đến khi nộp bản thảo cho lão thầy ngữ văn xong, tôi sẽ cáo biệt Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Bởi vì tôi sắp rời khỏi địa ngục.
Nộp bản thảo cho lão thầy ngữ văn, lão lại cẩn thận kiểm kiểm, lần này tôi viết 20 tờ rưỡi.
Lão vẫn không ngó ngàng nội dung bản thảo, chỉ gật đầu, vẫy vẫy tay ý bảo tôi có thể rời đi.
Tâm tình tôi cả ngày đều rất vui vẻ khoan khoái, lúc tan học bỏ tập bản thảo cũ đầy rẫy chữ đỏ vào ngăn kéo, sau đó viết lên giấy:
“Cho cậu chiêm ngưỡng bản thảo một chút. Cậu sắp chứng kiến một nhà văn xuất chúng ra đời.
ps. Cậu sắp (có cơ hội) chứng kiến (thấy) sự ra đời (của) một nhà văn xuất chúng.”
“Thì ra là thế. Cậu dirty quá.”
“Vậy cậu có thirsty không? Đồ uống trong ngăn kéo mời cậu uống.”
“Cảm ơn cậu. Tại sao mời tớ đồ uống?”
“Bởi vì một câu “Nhàm chán” của cậu, đã thúc đẩy sự ra đời của một tác phẩm đồ sộ vĩ đại.”
“Không liên quan gì tới tớ, tớ cũng không bảo cậu thêm ‘rằng, thì, là, mà’ khắp nơi.”
“Ban ơn không mong hồi báo. Cậu thật là vĩ đại, vĩ đại quá”
“Cậu vẫn nhàm chán như thế. Đúng rồi, bản thảo mới viết xong chưa?”
“Viết xong lâu rồi. Dù sao cũng chỉ chép lại một lần thôi.”
“Vậy tập bản thảo cũ này cho tớ mượn về nhà xem. Dạo này ngủ không ngon, đọc kiểu bản thảo này dễ buồn ngủ.”
“Mong là như thế.”
Tôi mang ba quyển sách đi mượn trả lại cho thư viện, tặng quyển dính cứt mũi cho người nhặt đồng nát.
Mà khi vừa nhận lại tập bản thảo cũ cô ấy trả, tôi lập tức vo thành 18 nắm giấy quăng vào thùng rác.
Chuyện này đến đây xin phép được kết thúc, tôi hoàn toàn không muốn lưu lại ký ức về bài văn này.
Quay trở lại những tháng ngày đọc sách như thường lệ thật đáng ăn mừng, huống hồ còn còn có thể liên lạc với cô ấy qua giấy nhiều hơn.
Tôi nhận thấy cô ấy hẳn là một cô gái chu đáo, hơn nữa dường như rất ưa thích sạch sẽ.
Cô ấy luôn chuẩn bị một tờ giấy trắng tinh tươm, chữ viết ở mặt trên, sẽ sắp thành một hàng thẳng tắp.
Tôi sẽ viết phía dưới hàng chữ ấy, nhưng hàng chữ của tôi có chút xiêu vẹo, thi thoảng còn ngoằn ngoèo.
Tiếp đó cô ấy sẽ viết một hàng chữ thẳng tắp nữa.
Sau khi tờ giấy trắng gần như kín chữ, cô ấy lại đổi một tờ giấy trắng hoàn toàn mới.
Khi cảm xúc bất chợt dâng trào, cô ấy sẽ viết một đoạn chữ, tôi cũng sẽ viết một đoạn tiếp theo.
Đôi khi cô ấy còn vẽ tranh, đương nhiên tôi cũng phải vẽ cùng.
Nếu phong cách tranh của cô ấy giống như nàng công chúa Bạch Tuyết trong câu chuyện cổ tích, thì phong cách tranh của tôi đây tựa như khách làng chơi bị tóm ở khách sạn rẻ tiền.
Nói thật, nếu không trải qua quãng thời gian cùng cô ấy liên lạc qua những tờ giấy, hồi ức về đời trung học của tôi e rằng chỉ có bàn học, bảng đen, sách tham khảo và cuốn sát hạch.
Trong lúc các tờ giấy đến đi, tôi đại khái đã biết một số thông tin về cô ấy.
Cô ấy và tôi cùng tuổi, nhưng cô ấy là học trò ít tuổi nhất trong lớp các cô.
Hoàn cảnh các học sinh bổ túc khác xa nhau, học sinh lớn tuổi nhất trong lớp các cô đã 30 tuổi.
Ban ngày cô ấy đi làm ở khu công nghiệp An Bình, sau khi tan ca lập tức tới trường đi học.
“Eo ơi! Như thế mệt chết đi được.”
“Đã thành thói quen rồi, không thấy mệt lắm.”
“Ngày nghỉ thì sao? Cậu có đi hiến máu hay là đến Thiếu Lâm tự làm công không?”
“Cậu bớt nhàm chán đi. Ngày nghỉ tớ sẽ ngủ cả ngày.”
“Eo ơi! Ngủ cả ngày cũng mệt chết đi được.”
“Nghe cậu nói chuyện là mệt nhất!”
Văn chương có khởi, thừa, chuyển, hợp, trong cuộc sống hiện thực cũng có.
Khoảng ba tuần sau khi lão thầy ngữ văn nhận bản thảo của tôi, “Chuyển” trong hiện thực đã xuất hiện.
Ngày hôm ấy đột nhiên lão thầy ngữ văn bảo tôi sau khi tan học đến văn phòng tìm lão.
“Cách hạn chót còn hơn một tuần nữa, em viết lại một bài đi.” Lão nói.
“Lại viết một bài nữa?” Tôi không nén nổi kêu lên.
“Khẽ thôi, ở đây là văn phòng.” Lão trừng mắt nhìn tôi, “không thấy bản thảo của em nữa rồi.”
“Dạ?” Tôi há hốc mồm, “sao lại không thấy?”
“Việc này phải trách em. Nếu em viết tốt, tôi nhất định sẽ cất thật cẩn thận.” Lão lại lườm tôi, “chỉ trách em viết không ra gì, tôi mới có thể tiện tay đặt bừa. Bây giờ không tìm được nữa.”
“Bản thảo là thầy làm mất, tại sao lại bắt em chịu trách nhiệm chứ?” Tôi hổn hển.
“Em có hiểu tôn sư trọng đạo không? Mà lại dám nói với thầy như thế!” Lão phát hỏa, “em viết lại một bài là được rồi!”
Ra khỏi văn phòng, chỉ cảm thấy ánh mặt trời thật là chói mắt.
Why does the sun go on shining?
Why does the sea rush to shore?
Don’t they know it’s the end of the world?
Tiếng lòng tôi tựa như ca từ của “The end of the world”.
Bản thảo cũ đã ném đi, sách dính cứt mũi cũng cho người ta mất rồi, cho dù vẫn có thể đến thư viện mượn sách, nhưng yêu cầu tôi viết lại từ đầu bài văn một vạn chữ?
Đây đã không còn là vấn đề có khả năng hay không, mà là tôi hoàn toàn không muốn viết lại nữa đâu!
Tôi như bị một cước đá văng đến Thái Bình Dương, chỉ có thể thương tâm thật sâu nơi đáy Thái Bình Dương thăm thẳm.
Tờ giấy ngày hôm nay của cô ấy tôi không trả lời, vì thế giới của tôi đã tăm tối một vùng.
Hôm sau cô ấy viết lên tờ giấy:
“Ơ? Cậu ốm rồi à? Vì thế không tới lớp?”
Tôi vẫn không trả lời.
“Này, vì sao không trả lời tớ nữa?”
Tôi nhấc bút định viết mấy chữ lên giấy, nhưng tâm trạng vẫn rất tệ, một chữ cũng không vắt ra nổi.
“Ba ngày liên tiếp không trả lời, tốt nhất là cậu hãy bệnh thật nặng đi.”
Tôi thở dài, đành phải viết lên giấy:
“Tâm trạng tớ không tốt, không muốn nói chuyện.”
“Vậy tớ kể cho cậu nghe một truyện cười nhé.
Tuần trước đến cảng Hưng Đạt mua hải sản, có một tiểu thương bày trước mặt bốn chậu tôm he, đề giá khác nhau: Một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm. Tớ nom bốn chậu tôm he kia cũng hao hao nhau, tò mò bèn hỏi: “Vì sao giá khác nhau vậy?” Tay phải của tiểu thương chỉ từ chậu bốn trăm qua chậu một trăm, vừa chỉ vừa trả lời: “Chậu này là tôm sống, chậu này là đang chết, chậu này vừa mới chết không lâu, chậu này là chết rất lâu rồi.”
ps. Tiểu thương này đủ dã man nhỉ?”
Ôi, đau đầu quá.
Đó là một truyện cười nhạt nhẽo có thể khiến cho tâm tình đã rét vì tuyết lại giá vì sương.
Cho nên tôi tiếp tục không trả lời.
“Vậy tiếp tục một truyện cười ghê gớm hơn nhé.
Ở cửa nhà hàng xóm có trồng một gốc cây nhỏ, kể ra cũng khó hiểu, gốc cây nhỏ ấy thường lắc tới lắc lui, cho dù là khi lặng gió cũng thế.
Tớ hiếu kỳ lắm, bèn hỏi: “Sao cái cây này lúc nào cũng lảo đà lảo đảo thế ạ?” Hàng xóm trả lời: “Bác thường hay tưới bia cho nó, có thể nó say, thế nên là lúc nào cũng lắc la lắc lư.”
ps. Hàng xóm của tớ còn kinh khủng hơn nhỉ?”
Không. Đầu tôi càng đau nhức hơn.
Chỉ còn ba ngày thôi, một chữ tôi cũng không viết được.
Đại nạn sắp ập lên đầu đến nơi rồi, truyện có buồn cười thế nào đi chăng nữa tôi nghe xong đều có thể khóc.
Thế nên tôi vẫn giữ im lặng.
“Tùy ý nói gì đó đi. Tớ sẽ lo cho cậu.”
Sau khi thấy tờ giấy, trong lòng trào lên một luồng cảm xúc vừa ấm áp vừa tê dại.
Bỗng nhiên tôi có ảo giác cả thế giới chỉ còn lại mình cô ấy quan tâm đến tôi.
Chẳng bao lâu tôi bắt đầu cảm thấy uất ức, viền mắt hơi ươn ướt.
Sau khi lau lau khóe mắt, tôi cầm bút viết:
“Lão thầy ngữ văn làm mất bản thảo của tớ rồi, lão yêu cầu tớ viết lại một bài. Chỉ còn hai ngày thôi.”
Ngày hôm sau phát hiện thấy trong ngăn kéo ngoài tờ giấy ra, còn có một quyển sách giáo khoa ngữ văn cao nhị gần như mới tinh được bọc trong giấy bao sách trong suốt.
“Chú ý đến trang sách 19, trang 69, trang 10, trang 15, trang 22, trang 48, lật theo trình tự.
Còn nữa, đừng làm dơ sách, tớ cần dùng để học.”
Quyển sách giáo khoa này tôi cũng có, nhưng sách giáo khoa của tôi bẩn hơn nhiều.
Về cơ bản, tôi cho rằng dùng giấy bao sách để bọc sách giáo khoa trung học là chuyện vừa lãng phí sinh lực vừa lãng phí tiền tài.
Trong kế hoạch của cuộc đời tôi, việc đầu tiên phải làm sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh, chính là châm đuốc đốt rụi đống sách giáo khoa.
Tôi dè dặt mở trang thứ 19 của quyển sách này ra, trong đó có kẹp mấy tờ giấy.
Giấy bị gập đôi hai lần, lại còn cẩn thận ép phẳng, sau đó kẹp vào trong sách.
Tôi mở tờ giấy ra, chỉ nhìn thoáng qua, lập tức mừng khôn kể xiết, bản thảo cũ của tôi đây mà!
Đây là bản photo của tập bản thảo cũ 18 trang có điền thêm chữ đỏ, thứ tự của bản thảo theo đúng thứ tự trang 19, 69, 10, 15, 22, 48, mỗi trang đều kẹp ba tờ giấy.
Cuối cùng được cứu rồi.
“I’m on the top of the world looking down on creation
And the only explanation I can find
Is the love that I ‘ve found ever since you ‘ve been around…”
Tôi không kìm nổi hát vang bài “Top of the world” này.
Dẫu ngày mai là hạn chót, nhưng chỉ cần cầm bản photo này về nhà, đêm nay tôi có thể sao chép ngay bản thảo một vạn chữ.
Trước khi rời trường, tôi viết lên giấy:
“Làm thế nào cậu lại có bản photo của tập bản thảo này?”
“Cậu không biết nói tiếng cảm ơn trước à?”
Tối hôm qua thức chép thâu đêm, bản photo hơi mờ, nhất là phần photo chữ màu đỏ.
Khi chỉ còn một chút nữa là có thể chép xong, tôi đã không chống đỡ thêm được nữa, bèn nằm xuống ngủ.
Thời gian tự học đầu giờ hôm nay, tôi sẽ chép khoảng một trang bản thảo còn lại.
Lúc cầm bản thảo nộp cho lão thầy ngữ văn, bản thảo vẫn còn nóng hôi hổi.
Lão thầy ngữ văn mặt lạnh tanh nhận lấy bản thảo, không nói nửa câu, cũng như trước không xem bài văn bên trong.
Sau khi lão cất bản thảo vào ngăn kéo, tôi lẩm nhẩm trong đầu:
Trong ngăn kéo dưới cùng phía bên phải bàn giấy, trong ngăn kéo dưới cùng phía bên phải bàn giấy…
“Đang lẩm bẩm cái gì?” Lão trừng mắt nhìn tôi, “còn không mau về lớp!”
Tâm trạng u uẩn hơn một tuần nay, cuối cùng trời cũng xanh mây cũng trắng.
Tôi biết ơn cô ấy vô cùng, loại biết ơn này không phải một câu “Cảm ơn” là có thể giãi bày.
“Đại ân không lời nào cảm tạ hết được, tớ nợ cậu một cái mạng. Tiếc là sinh nhật cậu qua mất rồi.”
“Ơ? Cậu biết sinh nhật của tớ?”
“19, 69, 10, 15, 22, 48. Không phải là bát tự ngày sinh của cậu à?” (1)
“Than ôi. Cùng học tập dưới một mái trường, cậu là học sinh trung học nổi tiếng thông minh, còn tớ đây là học sinh bổ túc nhưng quá ngu dốt.”
“Ngàn vạn đừng nói thế, tớ chỉ đoán bừa thôi.”
“Này, nếu đã biết ngày sinh tháng đẻ của tớ, ngàn vạn đừng quấn người rơm hại tớ nhé.”
“Cậu yên tâm, cậu là của ân nhân cứu mạng tớ, tớ tuyệt đối sẽ không lấy oán báo ơn.”
“Biết là tốt rồi. Nhớ phải báo ân đấy.”
“Đúng rồi, cậu vẫn chưa nói cho tớ biết, vì sao cậu lại có bản photo?”
“Ngày ấy khi mượn bản thảo của cậu về nhà làm thuốc ngủ, tiện thì photo một bản.”
“Nếu cậu muốn bản thảo có thể bảo tớ mà, tớ nhất định cho cậu, thậm chí còn có thể trả cậu tiền phụ cấp.”
“Tớ không cần bản thảo của cậu. Tớ chỉ biết là cậu nhất định sẽ quăng bản thảo đi, sẽ không giữ lại.”
“Đương nhiên tớ sẽ không giữ lại tập bản thảo ấy, ai lại đi giữ giấy vệ sinh đã từng chùi mông?”
“Ấy, chớ có ví von lung tung.”
“Quay về việc chính. Nếu cậu đã không cần bản thảo của tớ, sao phải photo một bản?”
“Cậu có nghĩ tới không, rằng ba năm sau, năm năm sau, mười năm sau thậm chí là còn lâu hơn nữa, tóm lại, có thể là một ngày nào đó, cậu bất chợt tâm huyết dâng trào muốn xem xem hồi trung học cậu đã từng viết những gì.
Thế nên tớ giúp cậu photo một bản.”
“Cho dù qua bao lâu, chắc chắn tớ sẽ không muốn xem đâu. Trừ phi cuộc sống sau này của tớ quá vô vị.”
“Bởi thế tớ mới nói: có thể là một ngày nào đó.”
“Có thể một ngày nào đó tớ sẽ thật sự tâm huyết dâng trào, nhưng ‘Một ngày nào đó’ cậu làm sao đưa được cho tớ?”
“Cậu thật là ngốc. Có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau đấy.”
Gặp nhau?
~*~
* Thật là bó tay với chỗ bát tự
Chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ gặp cô ấy.
Nhưng điều này không có nghĩa là tôi không muốn gặp cô, mà bởi tôi vẫn cho rằng chúng tôi không cần phải gặp gỡ.
Chúng tôi dùng chung một bàn, ngồi chung một ghế, mỗi ngày cùng nhìn chăm chú vào một tấm bảng đen.
Khi lên lớp ghi chép bài, hai tay tôi sẽ tựa lên mặt bàn;
Lúc tan học, thỉnh thoảng tôi sẽ gục xuống bàn thiêm thiếp ngủ, má phải hoặc má trái dán sát vào mặt bàn.
Khi cô ấy chép bài, hay là khi mệt mỏi ghé vào bàn nghỉ ngơi, cũng là như thế chăng?
Trong không gian tọa độ, chúng tôi trùng nhau ở cùng một điểm, hoàn toàn không có khoảng cách.
Khoảng cách duy nhất, chỉ có thời gian.
Năm giờ mười lăm phút tôi tan học, sáu giờ cô ấy lên lớp, cách nhau chưa đến một giờ.
Trên lí thuyết chỉ cần tôi sẵn lòng, hơn nữa đủ vô vị, sau khi tan trường nán lại phòng học bốn mươi lăm phút là có thể gặp nhau.
Nhưng đối với những học sinh trung học bình thường mà trái tim chỉ đập vì kỳ thi tuyển sinh như chúng tôi, sau khi tan học sẽ không có một ai ở lại trong vườn trường quá một phút đồng hồ.
Huống hồ hầu như tất cả các học trò đều phải đến các lò luyện thi, vì thế bèn ba chân bốn cẳng rời khỏi trường.
Nếu sau khi tan học có tay nào đó nhàn nhã thưởng thức hoàng hôn trong vườn trường, thế thì nhất định tay đó đang ngã gục dưới áp lực của việc lên lớp, hoặc là phát điên rồi.
Năm giờ rưỡi cô ấy tan ca, vội vội vàng vàng tới được trường thì đã gần sáu giờ lắm rồi, thậm chí có khi còn muộn.
Mà tố chất tâm lý của tôi cũng rất cừ, chắc sẽ không gục ngã đến mức sau khi tan học vẫn còn quanh quẩn vườn trường.
Bởi thế cho dù khoảng cách giữa tôi và cô ấy chỉ có bốn mươi lăm phút đồng hồ ngắn ngủi, nhưng chỉ cần chúng tôi cùng không rời khỏi khuôn mẫu cuộc sống trung học hiện tại, chúng tôi có lẽ sẽ không gặp mặt.
Điểm mâu thuẫn là, một khi rời khỏi cuộc sống hiện tại, chúng tôi sẽ không trùng nhau tại cùng một điểm nữa.
Vậy nên gặp nhau thế nào?
“Có thể một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau nhỉ.”
“Đúng thế. Có thể một ngày nào đó.”
Chủ đề này đến đây kết thúc.
Chúng tôi ngoài nói chuyện phiếm ra, thỉnh thoảng cũng sẽ thảo luận về bài học.
Nói “Thảo luận” thì không chính xác lắm, nên chỉ đơn giản là than phiền thôi.
Cô ấy là học sinh ban xã hội, tôi là học sinh ban tự nhiên.
Tôi sẽ than phiền với cô ấy cái sự khó nhằn của vật lý hóa học, cô ấy cũng sẽ cùng tôi phàn nàn về sự buồn tẻ của lịch sử địa lí.
“Vì sao triều Tống suy tàn?”
“Bởi vì Bao Thanh Thiên thiết diện vô tư, chẳng sợ quyền quý, kiên quyết coi vương tử phạm pháp là cùng tội với thứ dân. Khốn nỗi ở triều Tống kẻ phạm tội hầu hết là vương tử, thế nên Bao Thanh Thiên đã chém rất nhiều vương công, đại thần và võ tướng, văn võ bá quan trong triều đình đều nhanh chóng bị ông ta chém hết, triều Tống có thể không suy tàn được sao?”
“Nói bậy!”
“Đến lượt tớ hỏi cậu. Cậu có biết chuyển động của Mặt Trăng quanh Trái Đất, thuộc loại vận động nào không?”
“Không biết.”
“Thế cậu có biết Mặt Trăng đang rời xa Trái Đất, với tốc độ gần 4cm/năm không?”
“Không biết.”
“Tại sao Mặt Trăng sẽ dần dần rời xa Trái Đất?”
“Không biết!”
Từ đây có thể thấy được sự khác biệt trong cá tính của tôi và cô ấy.
Cô ấy hỏi tôi, tôi sẽ nói nhảm; tôi hỏi cô ấy, cô ấy sẽ giả chết.
Tuy liên lạc kiểu này hỏi và đáp luôn không cùng xuất hiện, nhưng chúng tôi lại làm không biết mệt.
Lễ Giáng sinh tới rồi, trong nhà sách bày đầy thiệp Giáng sinh.
Tôi chọn một tấm thiệp, loại rẻ và giản đơn.
Để báo ơn, tôi còn chạy tới quán quà tặng mua một chiếc chuông gió, định tặng cô ấy làm quà Giáng sinh.
Chiếc chuông gió này rất nhạy cảm, nhè nhẹ lắc một cái là leng keng loảng xoảng, nhạy cảm gần như quá khích.
Tôi cầm tấm thiệp và chuông gió đến trường, chuẩn bị mang đến cho cô ấy niềm vui bất ngờ.
“Phật nói, kiếp trước năm trăm lần ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một lần gặp gỡ thoáng qua kiếp này.
Vậy cậu đoán xem, đời trước chúng ta tổng cộng đã ngoảnh lại bao lần?
Chúc cậu Giáng sinh vui vẻ.”
Không ngờ thứ thấy được buổi sáng hôm nay không phải là tờ giấy, mà là một tấm thiệp.
Cô ấy sớm hơn tôi một bước, tôi có chút tiếc nuối, nhưng may là tôi đã cầm tấm thiệp và chiếc chuông gió đến trường.
Tôi nhẹ nhàng đặt chiếc chuông gió đã được bọc đẹp đẽ vào ngăn kéo, xáo động rất nhỏ này vẫn làm cho nó leng keng loảng xoảng.
Sau đó tôi viết lên thiệp:
“Số lần chúng ta ngoảnh nhìn lại, nhất định vượt quá năm trăm lần.
Bởi vì chúng ta không gặp gỡ rồi chia xa, mà là đánh rắm rồi ngồi. [1]
Đánh rắm rồi ngồi ghê gớm hơn.
Chúc cậu Giáng sinh vui vẻ.
ps. Cậu còn có quà cơ đấy, tớ thật sự vui mừng thay cậu. Nói xong, nói xong nước mắt liền rơi xuống rồi.”
“Wow! Tớ không nghĩ là còn được nhận quà Giáng sinh đâu, cảm ơn cậu.”
“Không có gì. Có thích quà không?”
“Thích. Đây là công cụ phòng trộm rất hữu dụng.”
“Công cụ phòng trộm? Đó là chuông gió mà! Chị hai ơi.”
“Tớ biết chứ, nhưng chiếc chuông gió này rất nhạy cảm, tớ móc chặt nó bên cửa sổ, nếu kẻ trộm muốn mở cửa sổ leo vào, nhất định nó sẽ vang lên. Vì thế là công cụ phòng trộm cực tốt nhá.”
“Mong là như vậy.”
“Chủ nhật này, tớ cũng sẽ đi chọn một món quà tặng cậu, chờ nhé.”
Sáng thứ ba, tôi tìm thấy quà Giáng sinh của mình trong ngăn kéo.
Đó là một cuốn băng nhạc tuyển chọn những bài hát phương Tây xưa vào những năm 60 – 70 của thế kỷ XX.
Tôi vừa mừng vừa sợ.
Còn nhớ trước đây khi xa nhà đến Đài Nam học tập, trong hành lý có mang theo hơn chục cuốn băng nhạc những bài hát phương Tây xưa.
Thói quen nghe những bài hát phương Tây xưa của tôi là do ảnh hưởng của chị gái, băng nhạc cũng là của chị ấy cho tôi.
Lúc mới đến Đài Nam còn chưa quen với cuộc sống nơi đây, tôi thường phát những cuộn băng ấy cả đêm, những bài hát ấy có thể khiến tâm tình tôi an bình không hoảng loạn, cũng có thể giúp tôi yên giấc.
Khi ngồi trước bàn học, cũng thường vừa nghe những băng nhạc ấy vừa học bài.
“Tại sao cậu biết tớ thích nghe những bài hát phương Tây xưa?”
“Tớ có biết đâu. Vì tớ rất thích nghe, cho nên mới chọn lấy một cuốn tặng cậu.”
“Cảm ơn cậu. Trong này có sáu bài tớ chưa nghe bao giờ, nghe rất hay.”
“Không ngờ là chúng ta đều thích nghe những bài hát phương Tây xưa. À phải rồi, cậu có biết chơi nhạc cụ không?”
“Có biết cũng như không. Cậu thì sao?”
“Tớ biết chơi một loại nhạc cụ bất lợi cho cả tớ và cậu.”
“Bất lợi cho cả tớ và cậu? Tớ chưa nghe thấy bao giờ, đó là nhạc cụ gì?”
“Chính vì bất lợi cho cả cậu và tớ, cho nên mới phải gọi là ‘đàn ghi-ta’ đó.” [2]“Ôi, truyện cười nhạt nhẽo của cậu vẫn chưa tiến bộ.”
Kể từ khi biết chúng tôi có chung niềm đam mê này, chúng tôi liền thường xuyên trao đổi băng nhạc trong ngăn kéo.
Băng nhạc những bài hát phương Tây xưa của cô ấy nhiều hơn tôi rất nhiều, hiểu biết về những bài hát cũng chuyên nghiệp hơn tôi.
Thỉnh thoảng tôi sẽ viết tên một vài bài hát đơn tôi muốn nghe, cô ấy luôn có thể tìm ra băng nhạc rất nhanh, sau đó bỏ vào ngăn kéo.
Băng nhạc trên bàn học tôi trở nên nhiều hơn, hơn nữa có quá nửa không phải là của tôi.
“Bài hát tớ thích nhất là “Diamonds and Rust”, muốn nghe câu chuyện về bài hát này không?”
“Xin rửa tai lắng nghe. Cậu phải viết tỉ mỉ chút đấy.”
“‘Diamonds and Rust’ là sáng tác đỉnh nhất của Joan Baez (Yêu Niệm Quỳnh Bái Nhã, không phải là Quỳnh Bối Ti đâu nhé), người được mệnh danh là ‘Bà hoàng của nhạc dân gian’. Joan Baez tham gia phòng trào nhạc dân gian ở Mỹ vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, giọng hát của bà gần như hoàn mĩ, bà bộc lộ tài năng rất nhanh trong giới ca sỹ. [3]
“Những năm 60 của thế kỷ XX bà đã quen với Bob Dylan (Ba Bố Địch Luân), được mệnh danh là ‘Cha đẻ của nhạc dân gian’. Hai người cùng chí hướng, cùng mến mộ tài hoa của nhau, vì thế tình yêu nảy nở. Từ đó hai người cùng nhau biểu diễn khắp nơi, gần như như hình với bóng, là một đôi thần tiên quyến thuộc người người ca tụng lúc bấy giờ. Chỉ tiếc mối tình này cuối cùng vẫn không bệnh mà chết.”
“Tớ biết vì sao họ không thể bên nhau rồi, bởi vì một người được mệnh danh là cha đẻ của nhạc dân gian, người kia được gọi là con cháu của nhạc dân gian, cha không thể kết hôn với con, nếu không thì mẹ sẽ thảm.” [4]“Cách gọi không phải là trọng điểm. Bởi vì họ cũng được gọi theo cách khác là ông hoàng nhạc dân gian và nữ hoàng nhạc dân gian.” [5]“Danh xưng nữ hoàng này làm tớ nghĩ đến Võ Tắc Thiên, chẳng lẽ Joan Baez hung ác lắm? Thế nên ông hoàng nhạc dân gian mới phải thích quý phi nhạc dân gian hoặc là cung nữ nhạc dân gian.”
“Cậu nhạt nhẽo quá đấy, tóm lại là có muốn nghe kể chuyện không ?”
“Muốn chứ. Chắc cậu khát nước rồi, trong ngăn kéo có một lon đồ uống đấy.”
“Cảm ơn. Năm 1975 Joan Baez viết “Diamonds and Rust”, tưởng niệm tình yêu tựa như kim cương và gỉ sắt giữa Bob Dylan và bà.”
“Tớ vẫn luôn thắc mắc, vì sao tên bài hát lại là: Kim cương và gỉ sắt?”
“Cậu phải lĩnh hội từ trong ca từ ấy. Nếu vào một đêm trăng tròn nào đó của nhiều năm sau, cậu chợt nhận được điện thoại của người tình cũ, tâm trạng cậu sẽ ra sao?”
“Tớ sẽ nói: hãy tha cho tôi đi, tôi có con nhỏ rồi.”
“Này. Tâm trạng cậu sẽ ra sao?”
“Trước mắt tớ không biết, chỉ có thể cố gắng lĩnh hội.”
“Ca từ có hơi dài lại còn khó hiểu, dẫu sao cũng là mô tả nỗi lòng của Joan Baez. Cậu thử nghĩ xem, khi một người ví bản thân mình như gỉ sắt, nhưng lại ví người mình yêu sâu đậm tận đáy lòng như kim cương, đây là loại tâm trạng gì?”
“Đây là loại tâm trạng ‘tâng bốc chí khí của kẻ khác, dập tắt oai phong của bản thân’.”
“Hình như tớ đang gảy đàn tai trâu, cậu không hiểu loại tâm trạng này một chút nào cả.”
“Tớ sẽ cố gắng nghiên cứu ca từ, vậy là được rồi chứ.”
“Ca từ có chỗ rất thú vị. Tháng trước tớ xem băng ghi hình Live Concert của Joan Baez, thế nhưng bà ấy lại hát ‘Twenty years ago I bought you some cufflinks’.”
“Ca từ hẳn phải là: Ten years ago I bought you some cufflinks.”
“Đúng thế. Thế nên cậu đoán xem vì sao JoanBaez hát sai?”
“Bà ấy già rồi, cho nên nhớ lầm ca từ?”
“Không phải. Bởi vì hiện tại đã cách năm 1975, thời điểm bà ấy viết bài hát này hơn 10 năm. Vì thế trong lời bài hát, câu “Mười năm trước em từng mua cho anh vài khuy cài áo” này, phải thêm 10 năm nữa, thế là liền biến thành Twenty years ago.”
“Như thế vô vị lắm á.”
“Cậu không hiểu rồi. Đối với Joan Baez, “Diamonds and Rust” là cuộc đời, vi thế cùng với sự thay đổi của thời gian, năm tháng trong ca từ cũng sẽ thay đổi theo.”
“Quá sâu sắc, còn khó hiểu hơn cả vật lý.”
“Vậy cậu nghe ngay đi. Trong cuốn băng nhạc kia còn có bài “Blowing in the wind”, là kiệt tác của Bob Dylan. Trước kia Joan Baez thường cùng ông ta đồng ca bài này.”
Bài hát “Blowing in the wind” này tôi có băng nhạc, trước đây thường hay nghe.
How many ro must a man walkdown
Before they call him a man…
Một người đàn ông phải đi qua bao nhiêu con đường, mới đáng được gọi là đàn ông? Không cần đi quá nhiều hay quá lâu, chỉ cần ba lần liên tiếp viết bài văn một vạn chữ, hơn nữa còn là cùng một bài, chắc chắn có thể từ đàn ông bình thường trở thành đàn ông đích thực. Vớ vẩn có khi còn từ tay viết xoàng xoàng trở thành tay cáo già lừa tiền nhuận bút.
“Vì sao cậu lại chơi đàn ghi-ta?”
“Tớ dốc lòng học đàn ghi-ta chính là vì “Diamonds and Rust”. Có lẽ một ngày nào đó, tớ có thể đàn bài hát này cho cậu nghe.”
“Nếu có thể được nghe cậu chơi đàn ghi-ta, vậy kiếp trước chúng ta phải ngoảnh lại nhìn nhau bao nhiêu lần mới đủ nhỉ.”
“Việc này so với gặp gỡ thoáng qua khó khăn hơn nhiều, tớ nghĩ ít nhất phải ngoảnh lại nhìn nhau một nghìn lần đấy.”
“Ngoảnh lại một nghìn lần? Cổ sẽ vẹo mất thôi.”
“Đáng giá mà. Nếu cậu nghe tớ đàn “Diamonds and Rust”, nhất định sẽ cảm động đến nỗi nước mắt nước mũi giàn dụa.”
“Muốn tớ nước mắt nước mũi giàn dụa đơn giản cực, khi cậu kể truyện cười nhạt nhẽo, tớ cũng thường giàn dụa nước mắt.”
“Ê, truyện cười nhạt nhẽo của tớ đều kinh điển lắm đó.”
“Nhưng mà một ngày nào đó khi chơi ghi-ta cho tớ nghe, cậu phải chú ý dây đàn nhé.”
“Chú ý? Vì sao phải chú ý?”
“Dây đàn ghi-ta có thể sẽ đứt đấy. Cổ nhân thường nói: dây đàn chợt đứt, tất có anh hùng lắng nghe. Bởi vì tớ được xem như là anh hùng, thế nên dây đàn ghi-ta chắc hẳn sẽ đứt.”
“Khó cười quá, 0 điểm.”
Về chủ đề chơi đàn ghi-ta, lúc nào cô ấy cũng hăng hái tràn trề, thật dễ dàng cảm nhận được sự nồng nhiệt từ trong câu chữ.
Cô ấy còn bảo tôi, bài hát phương Tây đầu tiên cô ấy đàn được là “Donna Donna”.
“Donna Donna” thực ra là dân ca Israel, ý nghĩa của Donna là tự do.
Cô ấy nói bài hát này xuất hiện trong album đầu tiên của Joan Baez năm 1960.
Xem ra tình cảm của cô ấy dành cho Joan Baez dường như rất là mãnh liệt.
“Này, sắp nghỉ đông rồi, chúc cậu năm mới vui vẻ trước nhá.”
“Còn hơn hai tuần nữa mới tới Tết mà! Nói muộn một tí sẽ chết à?”
“Cậu đọc không hiểu tiếng Trung hả? ‘Sắp nghỉ đông rồi’.”
“Nghỉ đông thì làm sao? Vẫn có khóa phụ đạo, vẫn phải đến trường đấy thôi.”
“Đấy là học sinh trung học bình thường các cậu, bọn tớ là học sinh bổ túc, nghỉ đông chính là nghỉ đông.”
“Nghỉ đông các cậu không phải đi học?”
“Ừ phải, hưởng thụ cho tốt khóa phụ đạo nghỉ đông của cậu, ngày mai tớ bắt đầu nghỉ lễ. Năm mới vui vẻ.”
“Này!”
Cô ấy không trả lời tờ giấy, đúng là đã nghỉ rồi.
Về phần tôi, kỳ nghỉ đông ngoài mấy ngày nghỉ tết ra, thời gian còn lại vẫn phải đi học.
Cùng là phòng học, bảng đen, thầy cô, bàn ghế ấy, nhưng trong ngăn kéo không có tờ giấy nữa.
Trống trải quá đi thôi, mỗi ngày bước vào phòng học tôi đều có loại cảm giác này.
Hơn nữa còn cảm thấy kỳ nghỉ đông này sao mà dài đằng đẵng.
~*~
*Chú thích:
[1] Sát kiên nhi quá (擦肩而过): Gặp gỡ thoáng qua, lướt qua nhau,…
Sát thí nhi tọa (擦屁而坐): Đánh rắm rồi ngồi.
Lại chơi chữ à?!!↑
[2] Chơi chữ:
Đàn ghi-ta trong tiếng Trung là 吉他 (Cát Tha), tức là “May mắn cho kẻ khác” => “Không có lợi ình”.↑
[3] Phong trào nhạc dân gian.↑
[4] Chơi chữ:
Trong民谣之后 (Dân dao chi hậu), Chữ 后 (hậu) có nghĩa là vợ vua, nhưng cũng có nghĩa là thế hệ sau, con cháu. Trong 民谣之父 (Dân dao chi phụ), chữ 父 (phụ) có nghĩa là cha. Nam chính đã “xuyên tạc” ‘Bà hoàng của nhạc dân gian’ thành ‘Con cháu của nhạc dân gian’.↑
[5] Ở câu này nữ chính đã dùng 民谣皇帝 (Dân dao hoàng đế) và 民谣女皇 (Dân dao nữ hoàng) thay vì Dân dao chi hậu và Dân dao chi phụ như phần trên.↑