“Này, tớ về rồi đây. Có nhớ tớ không?”
“Cậu cũng chịu quay về trường học cơ à?”
“Tiếc lắm ý, nhưng còn cách nào đâu, vì đã khai giảng rồi. Kỳ nghỉ đông phong phú chứ?”
“Vô cùng phong phú. Đọc rất nhiều sách giáo khoa, thi rất nhiều cuộc thi.”
“Cậu ở lớp học lo cho dân cho nước, tớ đến nơi ngoại ô biển xanh trời xanh, thật là hòa hợp.”
“Thế giới này thật không công bằng.”
“Tớ đùa thôi. Cậu quên rồi à? Cho dù là nghỉ đông, tớ vẫn phải đi làm.”
Suýt chút nữa đã quên, buổi tối cô ấy là học sinh bổ túc, ban ngày còn có công việc.
Thế giới của tôi rất nhỏ hẹp, dường như ngoài kỳ thi tuyển sinh, thế giới này liền trống rỗng.
Tóm lại, cô ấy trở về đi học, mỗi sáng sớm khi bước vào phòng học tôi lại có thể có cái để chờ mong.
Cuối cùng cũng quay lại thời kỳ liên lạc qua những tờ giấy như thường lệ, tâm tư tôi an bình không ít.
Chẳng mấy chốc sẽ lên lớp mười hai, học kỳ này các thầy chỉ chăm chăm tụng câu đó.
Hơn nữa vẻ mặt họ khi nói câu đó, cứ như thể người ngoài hành tinh đến đột kích, địa cầu sắp diệt vong đến nơi ấy.
Khiến cho tôi căng thẳng kinh khủng.
Tôi thường phàn nàn với cô ấy nỗi niềm này, còn cô ấy cứ cố tìm cánh làm trệch hướng sự chú ý của tôi.
“Câu thành ngữ nào bên trong có chứa bốn loài động vật?”
“Huynh đệ tỷ muội. Đây là bốn kiểu người, người cũng là động vật.”
“Là chu ti mã tích (heo, sư tử, ngựa, gà) chứ!” [1]
“Van cậu, cậu đừng kể truyện cười nhạt nhẽo nữa, tớ trả cậu tiền.”
“Một câu nữa này. Ai hiểu con heo nhất?”
“Mẹ con heo đấy.”
“Sai. Đáp án là con nhện (hiểu heo).” [2]
“Vì sao không phải là người nhện? Cậu hỏi là ‘Ai’, cho nên là Spider-Man [3] mới đúng.”
“Giỏi, cậu có lý, coi như cậu đúng. Trong ngăn kéo có một gói bánh bích quy, mời cậu ăn.”
“Cảm ơn. Nhưng xin cậu thương xót, đừng hỏi kiểu đề này nữa.”
“Nếu không thì cậu hỏi tớ?”
“Đẳng cấp của bọn mình khác nhau nhiều lắm, tớ là đẳng cấp giải Nobel văn học, cậu là trình độ viết văn tiểu học. Tớ mà hỏi, cậu sẽ hổ thẹn.”
“Hỏi luôn đi, lải nhải ít thôi.”
“Đôn Luân trong tiếng Anh nói như thế nào?”
“Ê! Không được hỏi loại đề này.”
“Đấy là tự cậu hiểu sai. Vì Luân Đôn trong tiếng Anh Văn là London, thế nên Đôn Luân đương nhiên gọi là Nodnol.” [4]
“Cậu còn chán phèo hơn cả tớ.”
“Biết là tốt. Đã bảo cậu từ đầu rồi, đẳng cấp của bọn mình chênh lệch quá nhiều.”
“Được thôi, vậy tớ không hỏi cậu kiểu đề này nữa. Phải rồi, bài văn dự thi của cậu có đoạt giải không?”
“Bài văn một vạn chữ hả? Chẳng nghe nói có giải gì cả. Nếu bài văn ấy mà đoạt giải, thì các trường trung học ở Đài Loan nên thẳng thắn kiểm điểm tình hình dạy môn văn.”
“Tớ vẫn rất hiếu kỳ, vì sao thầy dạy văn của cậu nhất định phải chọn cậu tham gia thi đấu?”
“Chỉ cần có người dự thi, lão đã có thể báo cáo cho qua chuyện, lão vốn chẳng quan tâm xem ai là người tham gia.”
“Nghe có chút xót xa.”
Có gì xót xa đâu?
Ở thời đại chủ nghĩa lên lớp lên ngôi này, sự quan tâm của mỗi trường trung học chỉ là tỉ lệ lên lớp.
Ý nghĩa lớn nhất của bạn đối với nhà trường, là sau này tên của bạn có xuất hiện trong bảng thông báo hay không, ai quan tâm xem bạn đã giúp nhà trường đoạt bao nhiêu giải thưởng?
Nhà trường không quan tâm, học trò lại càng không màng tới.
“Cậu nói nghiêm trọng quá rồi. Cậu có thể nói cho tớ biết không, đối với cậu, kỳ thi tuyển sinh là gì?”
“Là tất cả thanh xuân từ 16 tuổi đến 18 tuổi đó. Thế đối với cậu là gì?” “Tớ rất vô dụng, tớ không tham gia thi tuyển, đã học trung học ngay rồi.”
“Ấy, cậu không nên xem thường chính mình. Nếu cậu còn như thế, tớ sẽ không nói chuyện với cậu nữa.”
“Tớ xin lỗi. Thực ra học sinh bổ túc bọn tớ đa số là như thế, chỉ có số ít tham gia thi tuyển.”
Tình hình này tôi cũng biết, rất nhiều học sinh bổ túc đã bước vào xã hội làm việc nhiều năm.
Khi còn trẻ họ có thể bởi vì hoàn cảnh mà không thể học trung học, cho nên họ rất quý trọng cơ hội đi học có được từ tận dụng thời gian buổi tối, cho dù ban ngày công việc bề bộn.
Bạn cùng lớp các cô chính là như thế, thậm chí có một số học sinh đã có con.
Đối với học sinh bổ túc, có thể mang lòng biết ơn hoặc tinh thần vươn lên để học tập, nhưng đối với học sinh trung học bình hường như chúng tôi đây, chúng tôi không có tâm tư, chỉ có kỳ thi tuyển sinh.
“Cậu có biết nhà hàng trên đường Đông Ninh không? Cái bảng hiệu màu đen trên cửa ấy?”
“Đó là nhà hàng rock ‘n roll, trên bảng hiệu viết: Kỳ thi tuyển sinh + Sự khác biệt thế hệ = Rock and Roll. Dưới áp lực của kỳ thi tuyển sinh cộng thêm sự khác biệt với thế hệ cha mẹ, đành phải mượn nhạc rock ‘n roll để biểu đạt nỗi buồn khổ. Tại sao cậu hỏi cái này?”
“Vì Kỳ thi tuyển sinh + Sự khác biệt thế hệ = Rock and Roll, cho nên dựa vào quy tắc chuyển vế trong toán học, thì trở thành: Kỳ thi tuyển sinh = Rock and Roll – Sự khác biệt thế hệ. Như thế chắc hẳn cậu đã nắm được Kỳ thi tuyển sinh là gì, đó chính là Rock and Roll – Sự khác biệt thế hệ.”
“Êu, nhạt quá đấy!”
“Tốt bụng chút đi, ban chút tiếng cười đi, đây là một học sinh trung học đáng thương chỉ còn lại sự hài hước.”
“Này, tuy áp lực của kì thi tuyển sinh rất lớn; tuy cuộc sống của cậu chỉ còn lại việc đọc sách và những kì thi; tuy cậu bị ép tham gia cuộc thi viết văn mà cậu không hề muốn tham gia, lại còn phải viết ba lần liên tục, nhưng cậu ngàn vạn đừng bởi vậy mà oán trách trong lòng, càng không nên bởi vậy mà hận đời. Bầu trời tương lai của cậu là bát ngát, là xanh thẳm, dù thế nào cũng đừng đeo những màn khói mù ấy. Được không?”
Nói thật, khi tôi nhìn những chữ này, trong lòng là nỗi xúc động.
Từ khi học trung học tới nay, nhịp bước của tôi ngày nào cũng như ngày nào, chỉ biết đi về phía trước.
Tôi chưa bao giờ thấy những thứ bên đường, dù chỉ cần dừng bước lại là có thể thưởng thức phong cảnh bên đường, nhưng bước chân tôi chưa bao giờ ngưng nghỉ, thậm chí càng đi càng vội.
Học hành và thi cử chiếm cứ toàn bộ thời gian của tôi, tôi cũng chỉ sống vì học hành và thi cử.
Thỉnh thoảng tôi lại nghĩ, thực ra học hành và thi cử không chiếm cứ trái tim tôi, mà là một loại ăn mòn.
Nếu có một ngày, tôi dừng chân, phong cảnh bên đường hẳn là đã hoàn toàn xa lạ.
Mà tôi, có thể cũng xa lạ với chính mình không?
May mà có cô ấy.
Một người bằng tuổi tôi nhưng không phải là đối thủ cạnh tranh trong kì thi tuyển sinh, mà chỉ là bạn bè đơn thuần.
Cô ấy khiến tôi hiểu, tôi chỉ là một học sinh trung học 17 tuổi, đang đứng ở khởi điểm của thanh xuân.
Cô ấy cũng khiến tôi nhắc nhở chính mình, đừng để những hiện tượng lạ lùng chứng kiến trong thời gian này, ảnh hưởng đến quan điểm và cảm nhận khi nhìn nhận thế giới của tôi sau này.
“Tớ sẽ nghe lời cậu. Tóm lại, tớ cứ học tập thật tốt là ổn, không thèm nghĩ nhiều nữa, cũng không bóp méo cá tính của bản thân. Nhưng liên tục viết ba lần cùng một bài văn thật sự rất quá đáng.”
“Có lẽ thầy dạy văn của cậu tự ví mình như Hoàng Thạch Công, sau đó coi cậu là Trương Lương, chẳng qua là ông ấy đang thử xem cậu có phải là trẻ con dễ bảo không. Cậu nên nghĩ như vậy mới đúng.” [5]
“Truyện cười này của cậu buồn cười, tớ không có tiền đồ mà cười rồi.”
“Tớ đang khuyên bảo cậu mà, không phải pha trò cho cậu cười.”
“Ờ. Tớ đang nhớ tới một truyện cười nhạt nhẽo thế này: Phải làm thế nào với đứa con bất hiếu? Đáp án là chọc cho nó cười.”
“Truyện cười này vẫn 0 điểm. Tóm lại cậu phải nhớ kỹ, tớ sẽ lặng lẽ đứng hỗ trợ sau lưng cậu.”
“Ví von này không hay. Lặng lẽ đứng sau lưng, thường thường là quỷ.”
“Ê! Chẳng lẽ cậu muốn tớ giả làm quỷ dọa cậu?”
“Tớ chỉ bảo ví von của cậu không hay thôi mà, bởi vì chỉ có ma qủy mới có thể không lên tiếng lặng lẽ đứng sau lưng dọa người thôi, phim kinh dị đều diễn thế mà.”
“Vậy tớ chọn bài hát này tặng cậu, ‘Bridge over troubled water’.”
“Cảm ơn. Bài hát này thật sự rất êm tai.”
“Như một cây cầu bắc ngang dòng nước muộn phiền, anh nguyện ngả mình xuống hóa thân làm cầu, giúp em vượt qua dòng nước muộn phiền ấy.
Like a bridge over troubled water
I will lay med own…”
“Cảm ơn cậu. Tớ rất xúc động.”
“Coi như cậu có lương tâm, vẫn còn biết xúc động.”
“Sáng mai phải thi Hóa, cậu có thể ngả mình xuống hóa thân làm cầu rồi.”
“Tớ chẳng biết tí Hóa nào đâu. Cậu đành phải ngã vào trong troubled water rồi.”
“Tốt nhất là thế.”
“Ấy, tớ nghiêm túc, không phải giỡn.”
“Ừ, tớ hiểu. Thế nên tớ mới nói tớ rất xúc động.”
Quả thực tôi rất xúc động.
Nhất là sau khi xem ca từ của “Bridge over troubled water”.
Các thầy đều coi học kỳ tới của lớp mười một là khởi điểm chạy nước rút của kỳ thi tuyển sinh, không ngừng ra roi thúc ngựa, quật roi rồi lại quật roi.
Tuy áp lực của việc học càng lúc càng lớn, nhưng tâm tình không hề tệ đi.
Một khi có nỗi buồn khổ, tôi có thể đùng ngăn kéo như khung cửa sổ thổ lộ.
Còn cô ấy sẽ chú ý lắng nghe lời than thở của tôi, cho dù bài than thở của tôi có dài bao nhiêu.
Tất nhiên cô ấy vẫn thích làm trệch hướng sự chú ý của tôi.
“Thấy bảo Đài Bắc có một nơi gọi là Miêu Không, xin hỏi vì sao gọi là ‘Miêu Không’?” [6]
“Cậu lại nữa rồi.”
“Đoán đi xem nào. Nếu đoán đúng, tớ tặng cậu một món quà.”
“Cái này đơn giản. Bởi vì có chó tới.”
“Sao cậu biết? Câu đố này tớ đã nghĩ lâu lắm đó.”
“Vì đẳng cấp của bọn mình lệch nhau quá nhiều, nếu muốn đoán đúng câu đố của cậu, chỉ có thể dùng cái chảo ra sức đập vào đầu ba cái, kết quả là ngu đi, thế là trả lời đúng thôi.”
“Mong là thế. Quà ở trong ngăn kéo.”
Đó là một cái cặp đo nhiệt độ lớn cỡ bàn tay, tạo hình rất đáng yêu.
Dán sát nó vào trán chừng một phút đồng hồ, nếu nhiệt độ cơ thể bình thường sẽ hiện lên hình mặt cười màu xanh; hơi hơi sốt là mặt mếu màu trái quýt; sốt nghiêm trọng thì là cái mặt màu đỏ kêu khóc oa oa.
“Cảm ơn cậu. Cái này đo có chuẩn không?”
“Chuẩn! Mua ở Bảo Đảo. Nếu cơ thể có chút khó chịu, nhớ phải đo nhé.”
Về sau cô ấy lại nghĩ đến một cách làm khuây khỏa những buồn khổ của tôi.
Đó chính là việc cô ấy sẽ bảo tôi, tối hôm qua cô ấy đàn ột bài hát nào đó.
“Tối hôm qua đàn cho cậu bài “Paloma blanca”, bồ câu trắng.
I ‘m just a bird in the sky
Una paloma blanca
Over the mountains I fly
No one can take my freedom away…”
Sau khi về nhà tôi sẽ cẩn thận nghe bài hát này ngay, sau đó thể xác và tinh thần đều cảm thấy sảng khoái tràn trề.
Tựa như chim bồ câu trắng bay qua những rặng núi được mô tả trong ca từ, không ai có thể cướp đi tự do của tôi.
Cho dù là giai điệu hết sức nhẹ nhàng như “Moon river”, “Edelweiss” (Bông hoa trắng nhỏ); Hay là giai điệu sôi động như “Knock three times”, “Sukiyaki” (Thọ hỷ thiêu), “El condor pasa” (Khúc ca đại bàng), cô ấy đều đã từng viết trên giấy.
Có điều những bài hát cô cô ấy thường hay viết trên giấy nhất, vẫn là những bài hát của Joan Baez.
Tôi thường vừa nghe băng nhạc, trong đầu vừa tưởng tượng dáng hình cô ấy ôm đàn ghi-ta tự đàn tự hát.
Dần dà, tôi đã quên mất thực ra cô ấy chỉ “viết” trên giấy, mà không thật sự đàn cho tôi nghe.
Thậm chí tôi còn gợi ý bài hát cho cô ấy.
“Cậu đàn ‘Jack a roe’ đi, đây cũng là danh khúc của Joan Baez mà.”
“Bài hát này rất bi thương, không thích hợp với cậu.”
“‘Donna Donna’ cũng có chút bi thương, cậu cũng đàn cho tớ nghe như thường?”
“‘Donna Donna’ khác chứ, ít ra trong ca từ còn có ý hướng tới tự do. Còn giai điệu và ca từ của ‘Jack a roe’, đều một toát ra sự bi thương không thể hóa giải. Tớ sợ cậu thi vật lý không tốt, tâm tình xuống dốc, nghe bài này sẽ muốn nhảy lầu.”
“Thế thì đàn ‘Diamonds and Rust’ đi.”
“‘Diamonds and Rust’ phải đợi đến khi bọn mình gặp nhau, tớ mới đàn.”
Nhỡ ra bọn mình không gặp nhau…
Vừa mới viết những chữ này lên tờ giấy, bỗng nhiên thấy không ổn, vội vàng gạch đi.
Dù đã gạch đi, nhưng vẫn nhìn ra được những chữ từng viết, tôi bèn tô ngang vẽ dọc lên hàng chữ, cho đến khi hoàn toàn không thấy được đã từng viết chữ gì mới ngừng lại.
Dường như từ tận đáy lòng cô ấy tin rằng chúng tôi nhất định sẽ gặp nhau, nhưng suy nghĩ của tôi thực tế hơn.
Khi nào gặp nhau? Gặp ở đâu? Gặp thế nào?
Còn có điều quan trọng nhất là, vì sao gặp gỡ?
Nếu gặp gỡ chỉ để thỏa mãn lòng hiếu kì của đôi bên, thế thì không cần thiết phải gặp.
Hơn nữa, gặp nhau rồi thì phải nói gì? Phải làm gì?
Nếu muốn nói điều gì, có thể nói ngay trên giấy, còn tránh được tình cảnh lúng túng hồi hộp nói chẳng nên lời.
Về phần phải làm gì, với loại học sinh trung học bình thường kém lãng mạn như tôi, e là chỉ biết nói:
Tớ có thể mời cậu cùng cưỡi xe đạp không?
Tôi không muốn lại nghĩ đến đề tài “Gặp gỡ” có chút xấu hổ này nữa, bèn viết trên giấy:
“Vậy cậu ngàn vạn phải nhớ đấy nhé.”
“Tớ sẽ không quên, cậu yên tâm. Cậu tô đen chữ viết sai như vậy làm gì, xấu quá cơ.”
“Bởi vì tớ muốn giết chết hai loài động vật trong một câu thành ngữ.”
“Có nghĩa là gì? Tớ xem mà không hiểu.”
“Hủy thi (sư) diệt tích (kê).” [7]
“Đủ rồi, chán phèo.”
Thực ra tôi muốn gặp cô ấy.
Nhưng tôi không rõ, loại “Muốn” này là mong muốn vì hiếu kỳ? Hay là mong muốn do khát vọng?
Với lại, tôi cũng không muốn suy nghĩ xem, loại mong muốn này rốt cuộc là loại mong muốn nào, bởi vì tôi muốn học bài.
“Muốn” trong muốn học bài, là loại mong muốn không thể không khát vọng.
Tôi của tuổi 17, chỉ biết nắm bắt thời gian học hành, không biết phải nắm bắt điều gì khác.
Cũng không biết còn có điều gì nên nắm bắt.
Tôi chỉ quý trọng những tháng ngày quen cùng cô ấy liên lạc qua giấy, không suy nghĩ quá nhiều, cũng không nghĩ đến về sau.
Từ “Về sau” này đối với tôi của hiện tại không có chút ý nghĩa nào.
Nếu nó phải có ý nghĩa, thì chỉ có sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào ngày mùng hai tháng bảy năm tới.
Kể từ bây giờ đến kỳ thi tuyển sinh, tôi chỉ có việc học, không có về sau.
Thế nên cứ như vậy thôi, đầu óc để dành cho vật lý, hóa học và toán học.
Mùa mưa dầm bắt đầu rồi, cô ấy nói những ngày trời mưa đều khiến cô ấy đi học muộn, thế nên cô ấy ghét những ngày mưa.
“Nhưng tớ thích ngày mưa lắm đấy.”
“Tại sao cậu thích ngày mưa?”
“Vì cậu ghét những ngày mưa, nếu tớ nói tớ cũng ghét, vậy chẳng phải tớ rất không có mặt mũi.”
“Cậu thật sự không nhàm chán bình thường đâu.”
Có hôm tôi đội mưa to đến trường, vào phòng học cởi áo mưa, sau khi chỉnh trang xong xuôi bộ dạng tơi tả, cúi đầu thấy trên tờ giấy trong ngăn kéo viết:
“Nhân giai kiến hoa thâm thiên xích, bất kiến minh đài ải bán tiệt. Câu này có ý nghĩa gì?”
Khi đọc hai câu này, tôi đã suy nghĩ rất lâu nhưng vẫn không rõ lắm.
Bảo là đối cú [8] thì không giống lắm, xem ra cũng không giống thơ, với lại ý nghĩa có chút mơ hồ.
“Tớ không hiểu lắm. Hai câu này từ đâu ra thế?”
“Sao cậu lại không hiểu? Đây là lời cậu nói mà.”
“Hả? Tớ nói hai câu này lúc nào? Tớ không có chút ấn tượng nào đâu đấy.”
“Tuần trước cậu xuất hiện trong giấc mơ của tớ, sau khi nói xong hai câu này đã không thấy tăm hơi. Không ngờ cậu lại không biết ý nghĩa hai câu này, điều này kỳ quái quá.”
“Là cậu nằm mơ, nếu tớ biết mới là kỳ quái ấy.”
“Cho dù là tớ nằm mơ, nhưng chính miệng cậu nói ra hai câu kia nhá.”
“Hôm qua tớ cũng nằm mơ. Trong mơ cậu bảo cậu nợ tớ một vạn đồng, hai ngày nữa sẽ trả tớ.”
“Nói bậy bạ gì đó, tớ nợ cậu tiền bao giờ?”
“Cho dù là trong giấc mơ của tớ, nhưng chính miệng cậu nói cậu nợ tớ một vạn đồng.”
“Ừ, tớ sai rồi. Tớ không nên tưởng giấc mơ của mình là thật.”
“Đúng rồi, trong giấc mơ cùa cậu, trông tớ thế nào?”
“Thì mặt mũi giống như học sinh trung học. Học sinh trung học các cậu sau khi để tóc húi cua, gần như đều hao hao nhau.”
“Tớ không giống thế. Tớ có một đôi mày lưỡi mác, đôi mắt sâu thẳm, chiếc mũi anh tuấn, cái cẳm kiên nghị.”
“Này, làm ơn đừng viết đối thoại trong tiểu thuyết ngôn tình lên giấy. Cảm ơn.”
“Học sinh bổ túc các cậu không có quy định cấm để tóc dài?”
“Tất nhiên là không. Lớp học có rất nhiều bạn đều đang đi làm, chẳng lẽ Bộ giáo dục còn có thể quy định những người tới học bài buổi tối như bọn tớ phải để kiểu tóc húi cua hoặc vỏ dưa hấu à?”
Diện mạo cô ấy có thể tưởng tượng về tôi, rất có thể là con mọt sách có quả đầu húi cua, đeo cặp kính cận.
Nhưng ngay cả tóc của cô ấy là dài hay ngắn, là thẳng hay xoăn tôi cũng không biết.
Có lẽ vì điều này, cho nên cô ấy từng mơ thấy tôi, nhưng tôi lại chưa bao giờ mơ thấy cô ấy.
Giấc mơ của tôi ước chừng chỉ có hai loại: mộng đẹp và ác mộng.
Ác mộng chính là thi trượt, tôi đứng bên vách núi chuẩn bị rơi tự do, hơn nữa không có ai kéo tôi lại.
Mộng đẹp thì ngoạn mục hơn, thường là thi đỗ vào khoa mang đẳng cấp Nobel của trường đại học y Đài Bắc.
Sau đó một người đàn ông trung niên dắt theo một cô con gái trẻ trung xinh đẹp tới tìm tôi.
“Đây là một trăm ngàn, mời cậu kiểm nhận.” Người đàn ông trung niên nói.
“Mới có một trăm ngàn.” Giọng điệu tôi rất khinh thường.
“Là đô la Mỹ mà!” Giọng điệu của ông ta gần như van nài, “Kính nhờ cậu, hãy qua lại với con gái tôi đi.”
“Được rồi.” Tôi thở dài, “Tôi cố mà làm vậy.”
Sau đó tôi sẽ tỉnh lại trong tiếng khóc nức nở vì cảm động của ông ta và cô bé kia.
Loại giấc mơ này có ý nghĩa hơn nhiều, hơn nữa còn là giấc mơ có đủ tính suy luận và tính tiên tri.
“Ý nghĩa của hai câu nói kia, có lẽ là hoa dù sinh trưởng ở đâu, thắm sắc thế nào, người ta đều có thể nhìn thấy. Nhưng những bệ bục rõ rệt thấp lè tè ngay bên người, lại không người nhận ra.’
“Có đúng không? Có chút mờ mịt nhỉ.”
“Thứ lỗi cho tớ, tớ hết sức rồi. Tớ thực sự rất khó lý giải hai câu ấy.”
“Đừng suy nghĩ nhiều nữa. Có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ biết hàm nghĩa của hai câu đó.”
Thực ra cũng không rảnh mà suy nghĩ nhiều, học kỳ chỉ còn chưa tới một tháng.
Nhà trường muốn tổ chức một chương trình vui khỏe cho học sinh lớp mười hai sắp tốt nghiệp, do học sinh lớp mười một phụ trách thực hiện.
Lớp chúng tôi theo thường lệ dùng phương thức đề cử để lựa chọn bạn học có tài biểu diễn trời cho, không, là bia đỡ đạn.
Kết quả là tôi và tay bạn học ngồi bên tay phải tôi, vô cùng vinh hạnh có thể gánh vác nhiệm vụ thần thánh này.
Tay bạn học ngồi bên tay phải tôi đấm ngực giậm chân kêu khóc: Tại sao!
Tôi vỗ vỗ vai cậu ta, nói: “Chắc là khi chơi bóng rổ chúng ta giẫm lên chân người ta.”
Lúc lên sân khấu biểu diễn, tôi dựa lưng vào tường đọc sách, bỏ mũ xuống, miệng mũ hướng lên trời đặt ở trước người.
Đọc được một lúc đã mệt mỏi, liền ngủ thiếp đi.
Bạn học của tôi đi từ bên trái tới, nhìn tôi một cái, quăng một đồng xu vào trong mũ tôi.
Sau đó cậu lại đi từ bên phải tới, tiếp tục quăng một đồng xu vào trong mũ tôi.
Vì chỉ có hai diễn viên, cho nên cậu ta không ngừng đi đi lại lại từ trái qua phải, từ phải qua trái.
Cuối cùng tôi tỉnh lại, thấy trong mũ có thật là nhiều tiền xu, vì thế nắm chặt nắm tay xúc động nói:
“Quả nhiên là ‘Thư trung tự hữu hoàng kim ốc’ ha!” (Trong sách vốn có ngôi nhà bằng vàng – người xưa khuyên rằng chỉ cần chịu khó học hành thì vinh hoa phú quý ắt hẳn tự nhiên mà đến)
Chúng tôi cảm ơn qua loa rồi ba chân bốn cẳng chạy, thứ nhất phải vội vàng lên lớp;
Thứ hai, ánh mắt của các đàn anh lớp mười hai dưới sân khấu tựa như là muốn xông lên sân khấu tẩn cho chúng tôi một trận.
Thật bất hạnh, khi chúng tôi chạy về phòng học, vì đến muộn nên bị ông thầy mắng ột trận té tát.
Vậy mà ông thầy đã quên mất có chương trình này, cũng quên luôn là ông ta bảo chúng tôi đi biểu diễn .
Nhưng chúng tôi đến cãi lại cũng chả dám.
Tôi viết quá trình biểu diễn ‘Thư trung tự hữu hoàng kim ốc’ lên giấy, cô ấy bảo rất thú vị.
“Vậy ‘Thư trung tự hữu nhan như ngọc’ nên biểu diễn thế nào?” (Trong sách sẵn có người con gái xinh đẹp như ngọc – bạn học tập chăm chỉ, bạn sẽ thành công, và những cô gái xinh đẹp sẽ kết hôn với bạn)
“Cho một cô gái đáng yêu lay tớ tỉnh, sau đó nói: bạn học, đừng ngủ ở đây, sẽ cảm lạnh. Tớ tỉnh lại sẽ kích động nói: Quả nhiên là thư trung tự hữu nhan như ngọc ha!”
“Sao không diễn như thế chứ?”
“Cậu quên rồi à? Trường tớ là trường nam sinh, chẳng có nổi một bạn nữ. Cậu thì không tới biểu diễn được.”
“Vừa nghĩ đến màn biểu diễn này là tớ liền cười không ngừng được. Phản ứng dưới sân khấu thế nào?”
“Dưới sân khấu, phần lớn các đàn anh lớp mười hai đang cầm trong tay quyển từ vựng tiếng Anh, chẳng có ai nghiêm túc xem biểu diễn. Lúc bọn tớ biểu diễn xong, cả khung cảnh yên tĩnh mà trang nghiêm .”
“Trời ơi, học sinh lớp mười hai thả lỏng một chút sẽ chết à?”
“Không thể trách các anh ấy. Đổi lại là tớ, tớ cũng sẽ lựa chọn học thuộc lòng từ tiếng Anh.”
“Cậu sắp lên lớp mười hai rồi. Đừng chê tớ lắm chuyện, nghe lời tớ khuyên, đừng quá thít chặt bản thân.”
Nếu người khác nói thế này, tôi sẽ cho là lời châm chọc.
Nhưng chữ từ tay cô ấy viết xuống, tự đáy lòng tôi cho rằng đó là một kiểu quan tâm.
Cho dù không tài nào thực hiện được, nhưng tôi vẫn cảm kích.
Tôi bỗng có cảm giác lo âu, không phải bởi áp lực quá nặng nề sau khi lên lớp mười hai, mà vì lên lớp mười hai sẽ phải đổi phòng học.
Nếu đổi phòng học, tôi và cô ấy còn có thể học chung một phòng nữa không?
Còn có thể không?
~*~
*Chú thích:
[1] Chu ti mã tích (蛛丝马迹): sợi tơ nhện, dấu chân ngựa, ý chỉ manh mối, đầu mối (ví với việc không tìm ra được đầu mối rõ ràng của sự việc) (blog Tiểu Xuyên)
Ở đây nhân vật chơi chữ:
‘Chu ti mã tích’ và ‘heo, sư tử, ngựa, gà’ có cùng phiên âm là: [zhu si ma ji]
Trong đó:
Heo: zhu, sư tử: si, ngựa: ma, gà: ji.↑
[2] Con nhện [蜘蛛 - zhi zhu] có cùng phiên âm với Hiểu con heo [知猪 - zhi zhu] ↑
[3] Nguyên văn là 知猪人[zhī zhū rén], là từ tiếng Trung của ‘Spider-Man’. 知猪人 có nghĩa là ‘Người hiểu heo’. ↑
[4] 敦伦 – Đôn Luân: Ý chỉ chuyện phòng the, sinh hoạt vợ chồng.
London – Nodnol: đảo thứ tự từ này.
Luân Đôn – Đôn Luân: đảo tiếp này. ↑
[5] Tham khảo câu chuyện ở đây. ↑
[6] Miêu Không (Không có mèo): Một địa danh ở Đài Bắc, Đài Loan, có đường dây cáp treo nổi tiếng. ↑
[7] 毁尸灭迹: Hủy thi diệt tích – Hủy xác chết không để lại dấu vết.
尸- xác chết, đồng âm với 狮 – sư tử (cùng là shi);
迹 – vết tích đồng âm với 鸡 – con gà (cùng là ji). ↑
[8] Đối cú: Cặp câu (hai câu thơ dài bằng nhau, vần điệu với nhau trong bài thơ). ↑
Cơn bão đầu tiên của năm nay ập đến, vừa khéo vào Chủ nhật.
Trong lòng tôi còn đang lo lắng chuyện đổi phòng học, tiếng sấm rền ầm vang ngoài cửa sổ khiến tôi giật cả mình.
Ngoài cửa sổ mưa sa gió giật, mây đen dầy đặc, trong đầu tôi bất chợt xẹt qua một tia chớp:
Cây tương tư ở cổng trường!
Gần cổng trường có gốc tương tư, thỉnh thoảng sẽ có hạt đậu tương tư trong truyền thuyết rơi xuống.
Rất nhiều học trò trước khi bước vào trường đều sẽ cúi đầu, không phải vì khiêm nhường trước tri thức, mà là để tìm kiếm xem có hạt đậu tương tư nào rơi xuống không.
Chỉ tiếc rằng cổng trường bao giờ cũng tập nập kẻ đến người đi, ngoài đám học trò ra vào ra, còn có người dân sống gần đó nữa.
Nếu trên mặt đất có hạt đậu tương tư, đã sớm bị người ta nhặt hết.
Tôi chưa bao giờ nghe nói có bạn học nào nhặt được hạt đậu tương tư trong truyền thuyết này.
Nhưng bây giờ thì khác, ngày bão tố lại gặp ngày chủ nhật, sẽ chẳng có ai chạy tới nhặt hạt đậu tương tư.
Với lại bên ngoài cuồng phong bão táp, chắc hẳn sẽ làm rụng mấy hạt đậu tương tư ấy nhỉ?
Tôi lập tức cầm lấy ô, lao ra cửa, lảo đà lảo đảo trong mưa gió đi đến dưới gốc tương tư ở cổng trường.
Tuy là khoảng hai giờ chiều, nhưng bốn phía tăm tối, hoàn toàn không nhìn rõ.
Ban nãy nóng lòng quá, phải mang theo đèn pin mới đúng.
Tôi mò mẫm trên mặt đất, dưới gốc cây cả một vùng bừa bộn, nào những hoa tàn những lá rách còn có cả cành cây.
Hơn nửa tiếng trôi qua, cây ô đã bung ra như hoa nở từ lâu, toàn thân tôi đều ướt đẫm.
Cuối cùng tìm được một trái đậu hơi nứt vỏ ở trong đống lá rụng, tách ra nhìn một cái, thấy có hai hạt đậu.
Một hạt đỏ khắp mình, một hạt khác còn hơi xanh.
Tôi đắc ý vô cùng, không nén nổi ngửa mặt lên trời cười một tràng, nước mưa rơi vào cổ họng cũng mặc, dù gì xung quanh cũng chẳng có ai.
Tôi gói hai hạt đậu tương tư ấy thật cẩn thận, sáng thứ Hai mang tới trường.
Khi đi đến trường tôi rất vui vẻ, vừa đi vừa cười ha hả, khi chờ đèn đỏ cũng thế.
Tuy là thứ này không có gì đặc biệt, nhưng thấy bảo con gái đều thích mê những thứ linh tinh lang tang kiểu này.
“Này, tặng cậu một món đồ, hôm qua tớ nhặt dưới cây tương tư ở cổng trường.”
“Là hạt đậu tương tư à, cảm ơn cậu. Nói cho cậu biết nhé, tớ có một chiếc vòng tay đậu tương tư, mua ở Khẩn Đinh. Hạt đậu hình tim chắc mẩy, sắc màu đỏ tươi, hơn nữa lồng bên trong hạt đậu còn có đường cong hình tim, có thể nói là tim đôi trong ngoài, ý hợp tâm đầu. Mọi người đều nói đậu tương tư có đặc tính cứng rắn, màu sắc đỏ tươi, qua bao lâu cũng không gỡ bỏ, là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng đấy.”
Xem giọng văn của cô ấy, hẳn là hưng phấn lắm, nhưng tôi không thấy hưng phấn chút nào.
Cô ấy đã có vòng tay đậu tương tư sáng lóng lánh rồi, vậy mà tôi còn tặng cô ấy một hạt đậu tương tư màu đỏ sậm, hạt kia còn chưa chín hẳn.
Khờ quá, rõ là khờ. Tôi hung hăng đập đầu mình.
“Vòng tay đậu tương tư của cậu nhất định rất đẹp.”
“Dù đẹp thế nào đi chăng nữa, cũng thua kém hai hạt đậu tương tư cậu tặng tớ.”
“Cậu không cần an ủi tớ.”
“An ủi? Sao lại nói thế?”
“Không có gì đâu. Chủ đề này đến đây thôi nhé.”
“Này, tớ đang nhớ tới một bài thơ.
‘Tiếu vấn lan hoa hà xử sinh,
Lan hoa sinh xử lộ nan hành.
Tranh hướng mấn tế sáp hoa đóa,
Nê thủ tặng lai biệt hữu tình’.”
“Tớ tư chất đần độn, không hiểu.”
“Người bình thường sẽ mua hoa lan xinh đẹp ở cửa hàng hoa, và trìu mến cài hoa lên tóc mai người con gái. Nhưng người có hơi ngốc nghếch sẽ tự mình đi đường núi khúc khuỷu để hái hoa lan, vì thế hai tay dính đầy nước bùn. Vì e tay mình lấm bẩn, nên không dám cài hoa lên tóc mai cô gái, chỉ có thể dùng đôi tay dính đầy bùn dâng tặng hoa lan. Trong ngày giông bão cậu còn đặc biệt đến trường nhặt hai hạt đậu này tặng tớ, tuy rằng hạt đậu không đẹp, nhưng điều đáng quý không phải là hạt đậu, là “tay lấm bùn” của cậu. Tớ cảm động lắm, thật đấy. Mà này, cậu không bị ướt sũng người đấy chứ?”
Khi đọc những chữ này, chắc là tôi đỏ mặt.
Đành phải giả đò như không có chuyện gì xảy ra, viết:
“Chẳng qua là ngày bão tớ rảnh rỗi không có việc gì làm, vừa khéo đi đến cổng trường nhìn thấy trên mặt đất có hai hạt đậu tương tư thôi mà. Người cũng chẳng ướt lắm đâu, cậu chớ để trong lòng.”
“Tớ sẽ cất giữ hai hạt đậu tương tư này thật cẩn thận. Đúng rồi, hạt đậu sinh ra từ cây tương tư không gọi là đậu tương tư, đậu tương tư là hạt đậu sinh ra từ cây khổng tước. Cho nên đậu tương tư còn được gọi là hạt khổng tước.”
“Hạt đậu sinh ra từ cây khổng tước gọi là đậu tương tư, thế hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì?”
“Ngốc thế, đương nhiên gọi là đậu khổng tước rồi. Cái này gọi là dịch tử nhi khiếu (giáo).” [1]
“Thì ra là thế.”
“Tớ nói bừa mà cậu cũng tin. Tớ chẳng biết hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì.”
Hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì cũng không quan trọng, quan trọng là tôi đã nhặt hai hạt đậu tương tư tặng cô ấy.
Hơn nữa cô ấy thích.
Tôi cũng không biết vì sao lại xúc động chạy tới nhặt đậu tương tư trong ngày bão; cũng không biết thì ra cái cây ở cổng trường kia không gọi là cây tương tư, mà là cây khổng tước.
Tôi chỉ biết là cô ấy thực sự rất vui, còn tôi cũng vì sự vui vẻ của cô ấy mà vui vẻ theo.
Niềm vui này, so với một trăm điểm bài thi môn toán còn vui hơn.
Tôi tin rằng cô ấy nhất định sẽ gìn giữ hai hạt đậu tương tư ấy thật cẩn thận, bởi vì cô ấy nói cô ấy sẽ làm.
Cô ấy cũng nói hạt đậu tương tư là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng, nhưng tôi và cô ấy đều chỉ là những cô cậu học trò 17 tuổi, “Vĩnh hằng” cách chúng tôi quá xa; “Tình yêu” đối với chúng tôi mà nói, lại quá lạ lùng.
Tôi không khỏi cảm thấy hiếu kỳ, giữa tôi và cô ấy là tình bạn? Hay là tình yêu? Hơn nữa, có thể vĩnh hằng không?
“Ngày mai bắt đầu thi cuối kỳ rồi. Cậu đoán xem tối hôm qua tớ đàn cho cậu bài hát nào?
Là một bài dân ca Ireland, “Danny Boy”.
Oh Danny boy, the pipes, the pipes are calling
From glen to glen, and down the mountain side
The summer’s gone, and all the flowers are dying
‘Tis you, ’tis you must go, and I must bide…”
Ôi Danny con ơi, tiếng sáo đang gọi con kìa.
Băng qua những khe núi, rồi ngân đến bên kia đồi.
Mùa hạ đã đi xa, và những bông hoa cũng đã úa tàn.
Con nhất định phải đi, mà ta chỉ có thể chờ đợi.
Cô ấy thi cuối kỳ sớm hơn tôi một ngày, điều này khiến tôi thấy sửng sốt, nhưng khiến tôi kinh ngạc hơn là, cô ấy từng nói sẽ không đàn cho tôi những bài hát bi thương, mà tôi nghe “Danny boy”, cảm thấy như một nhạc khúc u buồn.
Giai điệu của “Danny boy” trầm bổng, đẹp đẽ nhưng thê lương, nếu như lắng nghe giữa đêm khuya tĩnh lặng, rất dễ bị ca từ rung động, đến nỗi có thể trào dâng nước mắt.
Lẽ nào cảm nhận của tôi và cô ấy đối với bài hát này không giống nhau?
Tuy buồn bực, tuy mơ hồ cảm thấy bất an, nhưng thi cuối kỳ đối với học trò mà nói quá quan trọng.
Thế nên tất cả tâm tư của tôi vẫn đặt trên kỳ thi cuối kỳ, tôi cho rằng chắc hẳn cô ấy cũng thế.
Tôi bèn viết xuống tờ giấy:
“Ngày mai tớ mới bắt đầu thi cuối kỳ, chậm hơn cậu một ngày. Bọn mình cùng cố gắng nhé.”
Nhưng con hãy trở về khi mùa hạ về trên thảo nguyên,
Hay là khi thung lũng lặng thinh chìm trong tuyết trắng.
Cho dù dưới ánh nắng, hay trong bóng râm, ta cũng sẽ ở chốn này đợi con.
Ôi Danny con ơi, ta yêu con biết bao.
“Kỳ thi cuối kỳ kết thúc, là cậu đã lên lớp mười hai rồi. Cũng như cậu từng nói, cậu sắp bước vào tầng thấp nhất của địa ngục. Nhưng tớ vẫn muốn nhắc nhở cậu, đừng để những quyển sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm lĩnh trái tim cậu, ở trong tim hãy giữ lại chút không gian cho riêng mình.”
Chỉ cần tưởng tượng đến việc sắp lên lớp mười hai, cả người liền cảm thấy huyết mạch sôi sục.
Một khi lên lớp mười hai, tôi nghĩ chắc chắn tôi sẽ bị trạng thái căng thẳng tinh thần vây hãm khắp nơi nơi.
Nhưng trước mắt phải qua cửa kỳ thi cuối kỳ này trước, tạm thời không rảnh nghĩ đến việc khác.
Sau khi suy nghĩ, tôi viết: “Ừ. Tớ sẽ cố gắng. Nếu mỗi khi tớ mở miệng đều nói về kỳ thi tuyển sinh, vậy mong cậu hãy khuyên nhủ tớ.”
Nếu con trở về, khi những bông hoa héo úa cả rồi.
Còn ta đã chết đi, có thể chết rất an bình.
Con sẽ đến đây, tìm được nơi ta an giấc ngàn thu.
Và qùy xuống nói với ta lời chào tạm biệt.
“Dù nói thế này có thể cậu sẽ không vui, nhưng tớ vẫn muốn nói. Trong lòng tớ, cậu lóng lánh tựa như kim cương, mà học sinh bổ túc như tớ đây lại chỉ giống như rỉ sắt. Vì vậy cậu phải gắng lên, tương lai nhất định sẽ đề tên bảng vàng.”
Cô ấy đã dùng “Diamonds and Rust” của Joan Baez làm ví dụ.
Đã từng nghe câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của bài hát này, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ tim đập dồn.
Trong những năm tháng ngây ngô của 17 năm qua, tôi chưa bao giờ có cảm giác tim đập dồn, tuy tăng tốc nhưng trái tim lại rất mềm mại như bây giờ.
“Không nên xem thường bản thân, đừng so sánh bản thân với rỉ sắt nữa. Cậu biết không? Thực ra trong lòng tớ, cậu cũng giống như kim cương, hơn nữa số cara của cậu còn nhiều hơn cả tớ.”
Ta sẽ lắng nghe, cho dù con chỉ bước chân rất nhẹ nhàng phía trên ta.
Nếu con không quên thì thầm nói với ta rằng con yêu ta,
Hết thảy những giấc mộng của ta sẽ càng ngọt ngào ấm áp hơn.
Và như thế ta sẽ an giấc trong yên bình, cho đến khi con đến bên ta.
“Có thể là một ngày nào đó trong tương lai, cậu bất chợt có ý nghĩ muốn xem xem hồi trung học cậu đã từng viết những gì. Thế nên tớ đã đem những tờ giấy chúng ta viết trong khoảng thời gian này, photo cho cậu một bản.”
Ngày cuối cùng của kỳ thi cuối kỳ, tờ giấy trong ngăn kéo viết như vậy.
Phía dưới tờ giấy còn đặt một tập giấy, ước chừng 40 tờ.
Tôi cầm lấy tập giấy kia, thứ đầu tiên đập vào tầm mắt, là chỗ trống góc trái phía trên tờ thứ nhất.
Cô ấy viết:
“Phật nói, kiếp trước năm trăm lần ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một duyên gặp gỡ thoáng qua kiếp này.
Tớ tin rằng, kiếp trước chúng ta nhất định đã ngoái nhìn lại hơn cả năm trăm lần.
Bởi thế tớ không cần nói với cậu câu giã từ, cũng không cần ước hẹn với cậu.
Mai này, một ngày nào đó, chúng ta nhất định sẽ gặp lại.”
Có lẽ cô ấy đã quên rồi, chúng tôi chưa từng gặp gỡ, hoàn toàn không cần chữ “Lại”.
Hơn nữa chúng tôi đều không biết tên đối phương, cho dù mai này hữu duyên gặp mặt thậm chí là nảy nở tình yêu, nhưng chỉ cần chúng tôi cùng không nhắc đến chuyện liên lạc qua những tờ giấy kia, ai biết được ai là ai?
Công thức toán học thuộc làu làu như cháo chảy trong đầu tôi, đột nhiên trở nên mơ hồ.
Tôi không xem qua thời gian, ngay lập tức rút từ trong cặp sách ra một tờ giấy trắng, ra sức viết trên giấy:
“Tớ có thể gặp cậu không ?”
Thể chữ lớn gấp ba lần thể chữ thông thường.
Tiếng chuông vang lên, cuộc thi sắp bắt đầu rồi, nhưng tôi vẫn ngồi yên.
Bạn học ngồi bên lắc lắc vai tôi, nhắc tôi phải cầm cặp sách ra hành lang phía ngoài.
Tôi đứng lên, phát hiện ra chân hơi bủn rủn, lại suy sụp ngồi xuống.
Tại thời điểm này, tôi cảm thấy kì thi cuối kỳ không quan trọng một chút nào, cũng chẳng có ý nghĩa.
Thi xong về nhà, đáng lý ra là có thể nghỉ xả hơi một chút, vì ngày mai là được nghỉ học.
Nhưng tôi không thể nào nghỉ xả hơi được, hô hấp càng lúc càng dồn dập.
Cả đêm tôi phát “Danny Boy” làm nhạc nền, cứ như thể bị ma ám.
Tôi tỉ mỉ xem từng tờ từng tờ trong 40 tờ giấy photo những cuộc truyện trò của tôi và cô, xao động trong lòng chưa từng bình lặng.
Nhìn đến phần tô đen, đó là ngụy trang của câu “Nhỡ ra bọn mình không gặp nhau…” , tôi bắt đầu hối hận.
Làm gì có “nhỡ ra” chứ, chỉ cần không nắm bắt, tất cả mọi thứ sẽ rời đi.
Cho dù đã vào kỳ nghỉ, cho dù biết rằng cơ hội rất mong manh, sáng sớm hôm sau tôi vẫn chạy vào phòng học.
Trong phòng học không có một bóng người, tôi đi đến chỗ ngồi, chậm rãi ngồi xuống, cúi đầu nhìn một cái, tờ giấy trong ngăn kéo, chỉ có câu “Tớ có thể gặp cậu không?”, không có nét bút của cô ấy.
Tôi lấy bút ra, không ngừng viết trên giấy: “Tớ có thể gặp cậu không ?”
Một lần rồi lại một lần, viết lên bất kỳ chỗ trống nào trên tờ giấy.
Cho đến khi tờ giấy kín đặc gần như không nhìn thấy khoảng trống, tôi ngừng bút, lẳng lặng nhìn.
Tôi chợt có cảm giác cả thế giới đang bồng bềnh, đang chao đảo.
Sau đó tự đáy lòng trào dâng một nỗi buồn nồng đậm, cuồn cuộn không dứt, gần như nhấn chìm tôi.
Tôi nghĩ, có khi tôi đã khóc.
~*~
* Chú thích:
[1] Chơi chữ:
Câu gốc là易子而教 (Dịch tử nhi giáo): Đổi con cho nhau mà dạy. Vì mình dạy con mình thường không nghiêm bằng người khác.
Ở đây nữ chính chơi chữ, chữ Khiếu (叫: jiao – kêu, gọi) đồng âm với chữ Giáo (教: jiao – dạy dỗ). ↑