Ngọc Quan Âm

Tàu hỏa bắt đầu đi vào địa phận tỉnh Vân Nam lúc sáu giờ hơn, trạm dừng đầu tiên có tên Lễ Ngang. Bắt đầu từ trạm đó, tàu đi ngày càng chậm, số lần dừng lại ngày càng nhiều, người xuống kẻ lên tấp nập. Thành phần khách đi tàu có sự thay đổi rõ rệt, càng về sau, người nông thôn càng nhiều. Họ mang theo rất nhiều hành lý, có người còn mang cả nông sản lên tàu và nói chuyện với nhau bằng những thứ tiếng địa phương rất khó hiểu, khiến tôi cảm thấy khó chịu. Nhưng điều khiến tôi mệt mỏi nhất chính là ở ghế đối diện có một cặp vợ chồng trẻ dẫn theo hai đứa trẻ sinh đôi, một trai một gái. Chúng khoảng tầm hai tuổi, nghịch như quỷ sứ. Chốc chốc, anh chồng hoặc chị vợ lại gọi con hoặc quát tháo chúng, ầm ĩ cả toa tàu.

Nói thật, tôi không thích trẻ con, có lẽ tôi chưa đến tuổi thích những đứa trẻ. Tôi luôn có cảm giác có một đứa trẻ ở bên cạnh thì sẽ chẳng làm được gì. Một là vì nó quá ồn ào, hai là đứa trẻ sẽ dùng đủ trò để thu hút sự chú ý của người lớn, biến mình thành trung tâm để những người khác phải làm nền cho nó, thật là vô vị. Tôi không thể hình dung được nếu mình có một đứa con thì cảm giác sẽ như thế nào. Tôi có thích không? Chắc vì tôi chưa được làm bố nên không cảm nhận được niềm vui đó.

Buồn cười nhất là, một năm rưỡi trước đây, khi còn trẻ hơn bây giờ, tôi đã bị hiểu lầm là một ông bố. Tôi bị chỉ trích là một người cha vô trách nhiệm, trong khi đến mặt của đứa bé tôi còn chưa được nhìn thấy. Chỉ vì đứa bé đó mà tôi từng không muốn tha thứ cho An Tâm, từng cãi nhau một trận kịch liệt với em.

Chi tiết trận cãi vã đó, đến giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ.

Buổi sáng hôm đó, khi trung tâm thương mại vừa mới mở cửa, thậm chí tôi còn đến sớm hơn cả An Tâm. Khi em đến gian hàng của mình, tôi đã ngồi đợi ở đó với bộ mặt không mấy thiện cảm.

Tôi nghĩ, nhìn thấy tôi đợi ở đó từ sớm với nét mặt không vui, chắc em phải hiểu rõ nguyên do, nhưng em lại làm như không có chuyện gì, khách sáo chào tôi: “Anh đến sớm vậy?”

Tôi lạnh lùng không thèm chào lại, chỉ hỏi: “Sao em đến muộn vậy, mới gửi con xong à?”

An Tâm đứng lặng nhìn tôi. Có lẽ em cũng đại khái hiểu được hôm đó tôi đến để hỏi về chuyện của đứa bé, nhưng lời nói cùng với thái độ của tôi đã làm em tổn thương. Em lúng túng một hồi rồi mới nói: “Chuyện đứa bé, hôm nào có thời gian em sẽ giải thích với anh.”

Tôi vội nói: “Giờ em nên giải thích đi. Anh đã nói hết với em chuyện của anh, nhưng em lại luôn giấu anh. Rốt cuộc em còn bao nhiêu bí mật nữa?”

Giọng tôi rất to, An Tâm hốt hoảng nhìn quanh, nói: “Dương Thụy, giờ em đang làm việc. Anh cũng biết em tìm được việc này không dễ dàng gì, em không thể bị mất việc được!”

Nói đến công việc, tôi càng giận dữ hơn. “Giờ anh cũng mất việc rồi. Anh cũng không thể không có việc làm.”

Nói xong, tôi quay người bỏ đi. Gió ngoài đường thổi rất mạnh, bụi bay mù mịt, khiến lòng người càng thêm nặng nề. Tôi kéo cổ áo lên, đứng bên lề đường, không biết đi đâu.

An Tâm đuổi theo tôi, tóc em bị gió thổi lòa xòa trên mặt, trông thật thê lương và khổ cực. Tôi nhìn em, lòng đau nhói. Tôi nói nhỏ như đang thì thầm với chính mình: “Em làm việc đi, anh đi đây.”

Em đứng im nhìn tôi một lúc lâu rồi hỏi: “Anh mất việc rồi sao? Vì em ư?”

Tôi quay đầu lại, không hi vọng em sẽ tỏ thái độ đồng cảm. Tôi hướng ánh mắt về phía dòng xe cộ đông đúc. Đúng là một thành phố bận rộn, mỗi ngày không biết có bao nhiêu chuyện hợp tan xảy ra nhưng nó vẫn vận hành đều đặn giống như một cỗ máy không cảm xúc. Không có ai dừng lại để quan tâm hay cảm thán vài câu, mỗi con người đều lo cho cuộc sống của mình, không màng đến chuyện của người khác.

Thế nên tôi đành thở dài một tiếng, nói với An Tâm: “Em quay về làm việc đi, đừng để bị mất việc. Em nói đúng, việc làm đối với em rất quan trọng. Trước đây anh không biết em có một đứa con.”

An Tâm dường như áy náy, vội giải thích: “Dương Thụy, đáng lẽ em phải nói chuyện đứa bé cho anh nghe, em phải…”

Tôi xua tay cắt lời em, dường như muốn nói mọi sự giải thích đều vô nghĩa. Tôi nói: “Bí mật của em, quá khứ của em, anh không có quyền hỏi, cũng không muốn hỏi.”

An Tâm không đi, vẫn đau đáu nhìn tôi. Tôi quay mặt ra đường lớn nhưng vẫn cảm nhận được sự nuối tiếc ở em.

“Anh mất việc là vì em phải không?” Em hỏi.

“Đúng, họ nghĩ anh là bố của đứa bé!”

An Tâm nghiêm túc nói: “Anh đi nói với bọn họ, anh không phải là bố của đứa bé. Em có thể đi cùng anh, đứa bé không có liên quan gì đến anh, không phải là con anh.”

Tôi quay đầu lại, nhìn An Tâm rất lâu rồi nghiến răng nói: “Anh biết nó không phải là con anh!” Ngừng một lát, tôi hỏi: “Nó là con ai?”

An Tâm cúi đầu, nói: “Em nên nói cho anh biết sớm mới phải…”

Em cúi đầu nhưng tôi vẫn nhìn thấy nước mắt chảy trên khuôn mặt em. Tuy nhiên, ngay sau đó em đã kiên cường gạt hai hàng nước mắt, nói: “Em giấu anh là vì em thích anh, em sợ anh biết rồi sẽ không chấp nhận em. Anh là người tốt, em làm sao dám mở miệng nói chuyện này…”

An Tâm nghẹn ngào nói từng tiếng. Đó không phải là lần đầu tiên em khóc trước mặt tôi, nhưng là lần đầu tiên em thẳng thắn thừa nhận là em thích tôi. Trong phút chốc, tôi bị cảm xúc ấm áp, mềm mại ấy bao trùm, và tôi đã ôm lấy An Tâm.

An Tâm cũng ôm lấy tôi. Chúng tôi cứ ôm chặt lấy nhau, mặc kệ ánh mắt của những người qua đường. Tất cả sự giận dữ và ấm ức chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Chúng tôi ôm lấy cơ thể của nhau, cũng là ôm lấy nỗi đau khổ, sự cảm thông với đối phương, cảm nhận được sự cần thiết của đối phương trong cuộc sống của mình. Tình cảm đó khiến người ta rơi lệ, đồng thời cũng là niềm vui và an ủi.

Chúng tôi ôm nhau rất lâu, gió thổi khiến toàn thân chúng tôi lạnh cóng. Tôi khẽ nói: “Em quay về làm việc đi, đừng để bị mất việc. Em muốn nói gì với anh thì đợi đến tối nay chúng ta gặp nhau.”

Tôi buông em ra, quay người bước đi, không quay đầu lại, giống như một người đàn ông chín chắn.

Sau đó, tôi đến công ty Quốc Ninh lần cuối cùng, không gặp anh em nhà họ Chung, ánh mắt của những người trong công ty nhìn tôi không được tự nhiên lắm, còn thì thầm to nhỏ sau lưng tôi. Tôi thu dọn đồ đạc trong phòng làm việc, mang theo những đồ dùng cá nhân rồi để chìa khóa lại trong phòng.

Trước khi đi, tôi tới gặp thư ký, nói với cô ta là tôi đã từ chức, đồ đạc trong phòng có cần bàn giao lại từng thứ không. Cô ta do dự một lát rồi bảo tôi cứ quay về phòng đợi. Mười phút sau, cô ta dẫn hai bảo vệ tới, chẳng nói chẳng rằng kiểm tra đồ đạc trong phòng, thậm chí còn kiểm tra cả đồ dùng cá nhân mà tôi mang đi nữa. Thường ngày niềm nở là thế, vậy mà lúc đó mặt ai cũng lạnh như băng. Tôi nhếch mép cười, chăm chú nhìn thư ký, cô ta né tránh ánh mắt của tôi, chỉ nhìn chằm chằm vào đống đồ đạc. Tôi nhìn cô ta không phải vì có ý trách cứ mà là vì hiếu kì. Tôi không thể nào tưởng tượng được gương mặt hòa nhã luôn tươi cười đó lại có lúc lạnh lùng, tàn khốc đến vậy.

Rời khỏi công ty Quốc Ninh, tôi bắt taxi về nhà rồi gọi điện thoại cho bố.

“Bố, con và Chung Ninh chia tay rồi, hôm nay con cũng xin thôi việc rồi. Con gọi điện để nói với bố một tiếng.”

Bố tôi lo lắng hỏi: “Cái gì? Sao lại thế? Có phải vì con bé An Tâm kia không?”

“Đúng vậy!” Tôi loáng thoáng nghe thấy bố tôi chửi một câu “khốn nạn” rồi ngay lập tức dập máy.

Chập choạng tối, An Tâm đến. Chúng tôi pha cà phê và ngồi xuống sô pha, dù chưa ăn gì nhưng cũng không thấy đói. Từng giọt cà phê trôi xuống cổ họng dường như đắng hơn. Có lẽ vị đắng của cà phê đã phản ánh đúng tâm trạng khi đó của chúng tôi, đánh thức cảm xúc của chúng tôi, nên chúng tôi dễ cảm thông cho nhau hơn.

An Tâm hỏi: “Về chuyện của đứa bé, anh muốn biết gì? Muốn biết ai là bố nó à?”

Tôi cười nhạt. “Anh nghĩ mình biết ai là bố nó, việc này không khó đoán.”

An Tâm nhìn tôi, không hề tỏ vẻ ngạc nhiên, chỉ bình thản hỏi: “Anh đoán là ai?”

Tôi cố tình im lặng một lát rồi cất giọng đều đều: “Bố đứa bé chính là người đàn ông họ Phan đã trả tiền cho em, đúng không?”

Đáng lẽ tôi phải sớm nghĩ đến người đó mới phải. Từ hôm bắt gặp An Tâm khóc lóc trước mặt ông ta, rồi ông ta lại cho An Tâm vay tiền, đáng lẽ tôi phải đoán ra giữa họ không phải là mối quan hệ bạn bè bình thường mới phải. Nếu ông ta là bố của đứa bé thì tất cả đều hợp tình hợp lý. Chỉ có một điều làm tôi ái ngại, người đàn ông họ Phan đó đáng tuổi cha của An Tâm.

Tôi không dám nói xấu ông ta vì sợ An Tâm đau lòng. Tôi chỉ hỏi một câu: “Em không thấy người đàn ông đó quá từng trải ư? Chẳng lẽ phải ở cạnh một người như thế thì em mới thấy an toàn?”

An Tâm chau mày, có vẻ ngạc nhiên, sau đó em cười, đáp: “Anh nói gì mà buồn cười thế, sao anh lại nghĩ đến ông ấy? Ông ấy là cấp trên của em, thành tâm thành ý muốn giúp em.”

“Cấp trên?” Tôi ngạc nhiên. “Cấp trên gì? Em và ông ta rốt cuộc có quan hệ như thế nào?”

An Tâm quay mặt về phía cửa sổ, im lặng, có lẽ đang nghĩ xem nên trả lời thế nào. Tôi muốn pha trò để giảm bớt bầu không khí nặng nề đang bao trùm, đồng thời cũng muốn em biết rằng tôi không để ý đến quá khứ của em, nên trước mặt tôi, em không cần phải giấu giếm gì cả.

“Chắc bọn em không phải là băng đảng xã hội đen đâu nhỉ?” Tôi nói.

An Tâm nghe thấy câu hỏi đùa của tôi, không cười nhưng chí ít nét mặt cũng dãn ra đôi chút.

“Dương Thụy, em nói thật cho anh biết, em chưa từng học ở trường Cao đẳng Sư phạm Bình Quảng, cũng chưa từng làm giáo viên ở Nam Đức. Người đàn ông họ Phan mà anh nói là Đội trưởng đội Phòng chống ma túy của thành phố Nam Đức, và em là một trong những cảnh sát dưới quyền của ông ấy.”

Tim tôi đập dồn dập trong lồng ngực. So với việc nhận mình là xã hội đen thì việc An Tâm nói mình là cảnh sát còn khiến tôi thất kinh hơn nhiều. Thật không thể tin được! Nếu trước đó, tôi đã chẳng thế nào hình dung được em đã làm mẹ thì khi nghe em nói ra bí mật đó, tôi lại càng không thể tưởng tượng được gương mặt ngây thơ, non nớt ấy lại là gương mặt của một nữ cảnh sát được tôi luyện trong lửa đạn.

Tôi thật sự sững sờ, không cách nào giả vờ bình thản được. “Rốt cuộc câu nào của em mới là thật?” Tuy hỏi như thế nhưng thực lòng tôi biết, khi em thẳng thắn nói ra quá khứ của mình, em mới đích thực là An Tâm.

Trời tối nhanh hơn bình thường, có lẽ mùa đông đang tới nên thời gian của ban ngày bị rút ngắn lại.

Bên ngoài cửa sổ, ánh nắng đã dần tắt. Không ai trong chúng tôi muốn đi bật đèn, dường như mỗi người đều muốn dùng bóng tối mờ ảo để che giấu tâm trạng của mình.

Trong bóng tối, giọng nói của An Tâm có vẻ trưởng thành, từng trải hơn, giống một người đàn bà đã nếm trải bao sóng gió của đời người, giờ đang ngồi kể lại những chuyện đã qua. Tuy những chuyện đó mới xảy ra không lâu nhưng cả tôi và em đều có cảm giác chúng tôi thuộc về một quá khứ xa xôi.

“Sáu tuổi, em bắt đầu học tiểu học ở Thanh Miên, nhỏ hơn các bạn cùng lớp một tuổi. Mười một tuổi, em lên trung học, mười bảy tuổi thì thi đỗ đại học, vừa đủ điểm. Vì em đã từng đạt huy chương vàng toàn tỉnh môn Teakwondo nên được Học viện Cảnh sát Bình Quảng ưu tiên tuyển sinh. Sau khi tốt nghiệp, theo quy định của bộ Công an, học viên sẽ được phân về địa phương công tác hai năm. Em đã trình bày nguyện vọng được phân về đội Phòng chống ma túy thành phố Nam Đức, làm một nhân viên bàn giấy.”

Hai mươi năm cuộc đời của em đã được kể lại một cách đơn giản và ngắn gọn như vậy đấy, nó đơn điệu tới mức người nghe không thể nào tìm thấy bất kì một dấu tích của bánh xe thời gian.

“Nam Đức là cửa ngõ giao thông quan trọng nối Myanmar và Trung Quốc đại lục, hơn tám mươi phần trăm tội phạm ở đó có liên quan đến ma túy. Những người buôn bán ma túy đều biết rõ, đó là cánh cửa lớn nhất để tuồn ma túy vào Trung Quốc, đồng thời cũng là chiến tuyến tàn khốc nhất. Cũng vì thế mà em yêu cầu được đến đó.”

“Tại sao vậy? Lẽ nào em thích sự tàn khốc đó? Chẳng lẽ một cuộc sống mạo hiểm mới phù hợp với tính cách của em?”

An Tâm lắc đầu, hỏi: “Đó là ấn tượng em để lại cho anh à?”

“Đúng.” Tôi đáp. “Một người con gái thích học võ, thích làm cảnh sát, lại chủ động đến nơi nguy hiểm như em, chắc chắn là người có cá tính mạnh mẽ, đặc biệt sùng bái những vị anh hùng. Chắc hồi nhỏ em thích xem phim và tiểu thuyết kiếm hiệp lắm nhỉ?”

An Tâm lắc đầu rồi trầm tư suy nghĩ một lát, dường như em đang tìm cách lý giải hợp lý nhất. Sau đó, em nói: “Không phải, vì nhà em cách xa trường học, em phải ở trong ký túc xá, nên mẹ em muốn em học võ, cũng là để có người quản thúc em sau giờ học, và vì em học võ nên họ mới cần em vào ngành cảnh sát. Em yêu cầu được đến Nam Đức cũng không phải vì thích sự mạo hiểm. Trong ba năm học, em được học luật pháp, học cách điều tra vụ án, đó đều là những môn chuyên ngành quan trọng. Nhưng có một thứ còn hấp dẫn hơn cả, chính là môi trường học tập ở đó. Môi trường đó đã khơi dậy khát vọng chiến đấu trong lòng em.”

An Tâm bật một cây đèn bàn. Dưới ánh đèn vàng, em nhận ra sự kinh ngạc của tôi, liền cười, nói: “Thật mà, là em yêu cầu được đi Nam Đức. Lần trước, em nói là sau khi tốt nghiệp, em đã nghĩ mọi cách để được ở lại Bình Quảng là nói dối đấy.”

“Thế còn cái anh chàng Trương Thiết Quân kia, mẹ anh ta và cả Mao Kiệt nữa, đều là nói dối ư?”

“Không,” An Tâm lắc đầu, “khi em học năm thứ ba hiệu trưởng trường em bị bệnh nặng, trường cử em tới chăm sóc bác ấy phụ giúp cho gia đình, và em đã quen con trai bác ấy ở đó. Anh ấy chính là Trương Thiết Quân. Sau khi tốt nghiệp được nửa năm, em đã kết hôn với Thiết Quân.”

“Kết hôn? Em và anh ta đã kết hôn?” Trong lòng tôi vô cùng kinh ngạc nhưng vẫn làm ra vẻ bình thản. “Em còn trẻ thế mà đã kết hôn rồi sao?”

“Năm đó, em hai mươi mốt tuổi, còn Thiết Quân hai mươi tám.”

Đầu tôi rối như canh hẹ, từ suy nghĩ ban đầu về em là một cô gái còn trinh, đến khi từng bước tìm hiểu, mỗi lần sự thật được hé mở lại là một lần tôi bị sốc.

“Ở Vân Nam, con gái hai mươi mốt tuổi mà đã kết hôn rồi, không cảm thấy quá sớm sao?” Tôi hỏi em.

An Tâm cúi đầu. Tôi không nhìn rõ gương mặt em, nhưng qua giọng nói, tôi có thể hình dung được nét mặt ấy.

“Em kết hôn sớm như vậy là vì khi đó em đã có thai.”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui