Ngồi Khóc Trên Cây

Ông Hương, ba con Rùa, qua đời do trượt chân ngã xuống sông Kiếp Bạc vào một đêm tối trời là chuyện có thật. Nhưng trong cái đêm không may đó ông không hề đuổi theo bọn cướp.

Chỉ có ông Bốn Lai rượt ông qua cầu treo. Chi tiết này chú Ngãi đã nói đúng. Khi biết được chuyện đó qua lời kể của ông Bốn Lai, ông Hai Sắn, ông Bảy Thành và chú Ngãi đều tin rằng ông Hương lẻn vào nhà ông Bốn Lai để trộm kỳ nam, bị ông Bốn Lai phát hiện và xách súng rượt theo. Đoạn kết thì ai cũng biết: ông Hương trong khi tẩu thoát, chẳng may sẩy chân rớt xuống sông bị nước cuốn mất tích.

Những người thợ săn tốt bụng lúc đó đều nhất trí kể lại câu chuyện theo cách khác, trước hết bịa ra một bọn cướp sau đó bịa ra thêm một người anh hùng bắt cướp để đứa con ông Hương có thể lớn lên một cách tự nhiên như mọi đứa trẻ khác trong làng.

Chú Ngãi và những người bạn đã hành động theo tiếng gọi của lương tri, vì mặc cảm về danh dự gia đình là nỗi khổ tâm lớn lao có thể làm thui chột tâm hồn non nớt của một đứa bé, nhưng khi chú mất bình tĩnh đến mức phun ra tất cả bí mật giấu kín trong bao nhiêu năm thì lòng tốt của chú đã trôi theo dòng nước nhưng cũng nhờ vậy mà câu chuyện bất ngờ mở ra thêm một cánh cửa khác.


Con Rùa đã khóc rất nhiều ngay sau khi bị những người thợ săn chặn đường trong buổi trưa đầy nắng đó.

Con Rùa không vào rừng nữa. Kể từ hôm đó, mỗi ngày khi mặt trời trượt dần xuống bên kia đồi và trong không khí bắt đầu sực nức mùi hoa dại, người làng thường bắt gặp nó đứng thẫn thờ giữa cầu treo cắm mặt xuống dòng sông. Nó đứng đó, trầm tư, xa cách, một mình một thế giới, và khi trong làng dậy lên tiếng xì xào rằng cháu nội của thầy Điền bị điên thì ông Bốn Lai lặng lẽ xách súng đi tìm nó.

Chú Ngãi đã nói ra sự thật nhưng đằng sau sự thật đó hóa ra còn có một sự thật khác. Một tháng sau ngày chú Ngãi tiết lộ về nguyên nhân cái chết của ông Hương, trên chiếc cầu lộng gió và không ngừng đu đưa ông Bốn Lai đã nói với con Rùa rằng chuyện ông hái được kỳ nam trong rừng chỉ là tin đồn nhảm. Kỳ nam là một sản vật quí hiếm chứa nhiều tinh dầu chỉ được sinh ra trong lõi của cây gió, là loại cây không mọc ở địa phương.

Trong cái đêm định mệnh đó, ông Hương có vào nhà ông Bốn Lai thật nhưng chỉ để đánh cắp súng kíp của người thợ săn. Trước khi đột nhập một ngày, trong một bữa rượu giữa hai ông với nhau, ông Hương đã kịch liệt phản đối ông Bốn Lai khi ông này bộc lộ ý định bắn hạ bầy khỉ đuôi dài mới về trú ngụ trong rừng. Dạo đó có người về làng hỏi mua cao khỉ và món lợi quá hấp dẫn đã khiến ông Bốn Lai, cho tới lúc đó chưa từng xem khỉ là một loại thú săn vì vậy vẫn chưa biết tới phương pháp bẫy khỉ, quyết định phục kích bầy khỉ vào hai ngày sau - thời điểm mà ông tin bầy khỉ đã quen lui tới khu vực ông đã chọn sẵn với những trái bắp làm mồi nhử.

Ông Hương khi thấy không thể thuyết phục được người bạn của mình, đã quyết định ra tay. Vào đêm trước ngày ông Bốn Lai vào rừng, ông Hương đã lẻn vô nhà người thợ săn lấy đi khẩu súng kíp và rủi ro bị chủ nhà phát hiện.

Ông Bốn Lai lúc đó đuổi theo ông Hương thực ra chỉ để đòi lại khẩu súng săn nhưng tiếng chân rượt bắt huỳnh huỵch đã khiến chó trong làng sủa vang, và đến khi cái tin ông Hương sẩy chân rớt khỏi cầu treo bị nước cuốn trôi lan ra thì câu chuyện ông Hương đuổi cướp được những người thợ săn thêu dệt và đi kể khắp làng. Theo kịch bản của phường săn thì đêm hôm đó nhóm cướp ba người tấn công nhà ông Bốn Lai để truy lùng nơi cất giấu kỳ nam, chẳng may gặp ông Hương đi ngang thế là hai ông hợp lực chống cự và đuổi bọn cướp chạy tới cầu treo, và nếu ông Hương không bất hạnh ngã xuống sông chắc chắn hai ông đã tóm được bọn cướp.

Sự thật về mục đích đột nhập của ông Hương, ông Bốn Lai giấu cả ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi. Ông sợ pháp luật khép ông vào tội ngộ sát và ông sẽ phải vào tù. Nhưng bây giờ khi thời gian đã lăn bánh quá xa, đặc biệt khi thấy con Rùa có vẻ như sắp bị câu chuyện của chú Ngãi đè bẹp, ông quyết định không giữ im lặng nữa.


Ông thú nhận với con Rùa như vậy. “Hôm đó, ông Bốn Lai vừa nói vừa rơm rớm nước mắt”, con Rùa kể với tôi bằng thứ giọng pha trộn nhiều cảm xúc. Nó bảo lúc đó sau khi thổ lộ hết sự thật với nó, ông Bốn Lai đã dang tay ném khẩu súng kíp xuống sông. Ông bảo ông đã quyết định từ bỏ nghề săn. Tuy ông không nói gì thêm với con Rùa nhưng tôi hiểu đó là cách ông tạ lỗi với hai cha con nó, cũng là để cho chính ông được nhẹ lòng.

Không chỉ ông Bốn Lai, những người thợ săn khác khi biết được sự thật đằng sau cái chết của ba con Rùa cũng lập tức bỏ nghề.

Con Rùa bảo trước khi vào Tam Kỳ lập nghiệp chú Ngãi có đến tìm nó để xin lỗi. Và nó nói tôi nó chẳng thấy chú Ngãi có lỗi gì, thậm chí nó còn biết ơn chú vì nếu chú không bức xúc nói lung tung thì ông Bốn Lai đã không có cơ hội minh oan cho ba nó.

Dưới bóng cây bướm bạc, câu chuyện của con Rùa sưởi ấm lòng tôi từng phút một. Tôi cảm thấy dù sao số phận cũng không đến nỗi tước hết của con Rùa mọi niềm vui sống và nếu địa ngục từng trút lên đầu nó thì bây giờ ít ra cũng có vài cái vạc dầu được nhấc đi.


Những ý nghĩ trong đầu tôi còn đi xa hơn khi tôi lờ mờ nhận ra sự kiện mẹ con Rùa bỏ nhà ra đi ngay sau cái chết của ba nó có thể xuất phát từ việc bà nghi ngờ và thất vọng về tư cách của chồng mình giống như ông Bảy Thành, ông Hai Sắn và chú Ngãi đã nghĩ như vậy trong một thời gian dài. Tôi chỉ không hiểu tại sao bà không đem theo đứa con bé bỏng của bà. Bà không có cơ hội hay bà cố tình lưu lại đứa cháu nội để ba mẹ chồng không phải sống lủi thủi sau cái chết của con trai?

Dĩ nhiên tôi đã không thốt ra thành lời những thắc mắc trong đầu vì tôi không muốn con Rùa đau lòng thêm lần nữa khi đào bới lại quá khứ.

Kết thúc câu chuyện về ba nó, hôm đó tôi chỉ nói một câu mà tôi tin con Rùa sẽ vui:

- Lạ thật! Cách em đối xử với các con vật giống hệt ba em.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận