Đoàn người kéo nhau về Lạc Dương, đông cũng không kém lúc đi, nhưng vang dậy tiếng nói cười vui vẻ.
Bách tính hai bên đường đổ xô ra xem mặt vị kỳ hiệp vừa chết đi sống lại.
Tin mừng lan nhanh như nước lũ, qua hệ thống phi cáp truyền thư của Cái Bang.
Sau mười ngày, Kiếm Vân đã hồi phục như xưa, chỉ có mái tóc là không toàn vẹn.
Trong tiệc mừng, chàng hỏi Nam Cung Sách:
- Sư phụ, đồ nhi nhớ rằng đã chém gẫy xương lồng ngực của họ Vu, nhưng chẳng hiểu lão bị thương có nặng hay không?
Lão nhân vuốt râu cười:
- Nhuyễn Thể Ma Công có đặc tính là biến da thịt thành mềm mại, dai bền đến mức không thể chém đứt, nhưng khi đã đứt rồi thì rất lâu liền miệng. Do đó, lão quỷ Trường Tu phải mất không dưới một năm để trị thương!
Cầu Nhiệm Cái nói:
- Vậy lão phu sẽ đôn đốc đệ tử truy tìm tông tích lão tặc, nhân cơ hội này diệt trừ hậu họa cho võ lâm.
Cuối tháng tư, tin quân Mông Cổ vượt trường thành chiếm ải Ngọc Môn Quan và vùng hồ Sách Khắc đã làm chấn động thiên hạ.
Hai mươi vạn quân triều đình đang lập phòng tuyến chặn đường tiến của quân Mông.
Nhưng dường như chúng không có ý định tiến sâu mà chỉ giữ chặt những vùng đất đã chiếm được.
Quân Minh đã mấy lần tràn lên để chiếm lại cương thổ, nhưng đều thất bại trước đoàn kỵ binh tinh nhuệ và thần xạ Mông Cổ.
Tả Thừa Tướng Tiết Thân quỳ xuống, dâng biểu tấu:
- Khải tấu thánh thượng! Việc Liễu tráng sĩ hồi sinh trên giàn hỏa đã khiến mọi người đều ngưỡng mộ, tôn sùng. Quan lại các nơi gởi tấu chương về kinh đều báo rằng lòng dân oán trách triều đình đã bạc đãi một bậc hiền tài nhân nghĩa, đức độ như họ Liễu. Nay biên thùy nổi sóng, cương thổ bị xâm lăng. Xét ra chỉ có họ Liễu mới đủ tài lấy đầu tướng giặc giữa ba quân, đuổi người Mông về bên kia Vạn Lý Trường Thành. Lão thần dập đầu xin long nhan phục hồi họ Liễu, gia phong tước Bắc Bình Vương, cử làm Nguyên Soái mặt trận kháng Mông!
Vĩnh Lịch buồn rầu bảo:
- Lúc trước, cũng chính các khanh lời ra tiếng vào, đàn hặc, ép trẫm phải truất phế phò mã. Nay có việc cần đến y lại giáng chỉ phục hồi, thì hóa ra trẫm là đàn bà hay sao?
Bỗng ngài động nộ vỗ long án hỏi:
- Chủ ý hạ bệ là của ai, mau tấu trình cho trẫm rõ?
Bá quan đều nhìn về phía Hộ Bộ Thượng Thư Trình Lăng. Lão run rẫy buớc ra kêu oan:
- Muôn tâu! Lão thần chỉ vì thiên uy và thanh danh của triều đình nên mới đàn hặc phò mã, chứ nào phải do tư lợi.
Ngự Sử đài Phạm Thực bước ra tấu rằng:
- Muôn tâu! Trước đây hạ thần đã hết lời can gián mà long nhan chẳng chịu nghe. Sau này, hạ thần đã điều tra phát giác Trình Thượng Thư đã mua một trang viện đồ sộ ở cửa Nam đế đô với giá ba ngàn lượng vàng. Trước đó, Thượng Thư rất túng thiếu thường phải vay mượn đồng liêu. Hơn nữa, việc phò mã tìm được kho báu không hề được tiết lộ ra ngoài, chỉ có đối thủ với phò mã là Trường Tu Đại Pháp Sư Vu Hội biết được. Phải chẳng, họ Vu đã hối lộ Thượng Thư để hãm hại trung lương? Xét ra, họ Liễu hoàn toàn vô tội, chàng ta không hề lấy danh nghĩa của mình mà phát chẩn để thu phục lòng người. Chính Vĩnh Sương công chúa đã đứng ra tổ chức và giám sát việc cứu muôn dân. Hạ thần xin thánh thượng giao Trình Thượng Thư cho Đại Lý Tự xét xử!
Minh Thần Tông tái mặt, gằn giọng hỏi họ Trình:
- Té ra khanh tậu nhà mới mà chẳng thèm mời trẫm uống chén rượu tân gia? Thôi được, khanh đã không coi trọng trẫm thì còn làm quan gì nữa. Hãy trả áo mão và chịu sự điều tra của Đại Lý Tự.
Ngự tiền thị vệ lập tức lột áo mão, đưa vào thiên lao.
Chiếu chỉ phục chức và gia phong tước Bắc Bình Vương được phê duyệt. Giữa tháng năm, khâm sứ đã có mặt ở Lạc Thành, tuyên đọc thánh chỉ.
Bọn Kiếm Vân lập tức lên đường vào sáng hôm sau. Chỉ mình Phụng Hương ở lại để chăm sóc con thơ, bốn nàng kia đều được đi theo. Tô Tháo, Thiết Quyền, Phiêu Phong thư sinh, Viên Long cùng ba vị Phi Ma cũng tháp tùng.
Để tranh thủ thời gian, họ không ghé qua Bắc Kinh mà đi thẳng đến Thương Dịch trên đất Cam Túc. Nơi đây là đại bản doanh của Tổng Đốc Quân Vụ Hồ Đình Tá, Nguyên Soái của đạo quân Tây Bắc.
Hồ Tổng Đốc cũng đã nhận được thánh chỉ về việc Liễu phò mã sẽ đến thay nên khấp khởi chờ đợi. Lão tự biết mình không đủ khả năng đánh thắng quân Mông, trước sau gì cũng mang tội với triều đình. Nay có người tới gánh thay, lão mừng là phải.
Đoàn người đi không quản ngày đêm, chỉ dừng lại để đổi ngựa và lấy thêm vật thực.
Hai cỗ xe tứ mã do xưởng đóng xe nổi tiếng nhất Lạc Dương chế tạo đã chạy rất êm, giúp cho bốn mỹ nhân đỡ cực nhọc trên đường thiên lý.
Đám nam nhân thay nhau vào chiếc thứ hai nghĩ ngơi. Bọn họ đều là những thiết hán nên mới chịu nổi cuộc hành trình thần tốc, gian khổ như vậy.
Hai mươi ngày sau họ đã có mặt ở thành Tương Dịch. Nghỉ ngơi một đêm, sáng ra, Kiếm Vân cho triệu tập ba quân tướng sĩ để khích lệ tinh thần.
Họ đều biết phò mã là người võ nghệ tuyệt luân, mình đồng da sắt, nên rất phấn khởi, đồng thanh thề sẽ quét sạch quân Mông khỏi cõi bờ.
Sau cuộc hội quân, Kiếm Vân ra lệnh tăng gấp đôi khẩu phần ăn, cho phép uống rượu, nhưng ai say sẽ bị chém. Ba quân hớn hở thầm cám ơn chủ soái.
Khi kiểm tra quân nhu, chàng cau mày nhận ra áo giáp quá mỏng nên không chống nỗi những mũi tên có đầu bọc sắt.
Phiêu Phong thư sinh cười bảo:
- Nếu mặc hai lần giáp may ra mới cản được trường tiễn của quân Mông.
Ba vạn quân binh lực lưỡng được tuyển ra, họ sẽ được trang bị đến hai bộ giáp để làm lực lượng tiên phong. Trường thương và giáo dài rất thích hợp để chiến đấu với bọn kỵ binh.
Bàn bạc kế hoạch xong, sáng ngày tám tháng sáu, Kiếm Vân mặc giáp thụ nguyên nhung, kéo ba vạn quân đi chiếm lại Ngọc Môn Quan. Hồ Tổng đốc thống lĩnh sáu vạn, ở cách sau chàng hai dặm, chờ lệnh.
Quân Mông chiếm cứ ải Ngọc Môn Quan đông đến năm vạn người. Chúng thấy quân số đối phương ít hơn nên mở cửa thành nghênh chiến.
Tiếng trống thúc quân nổi lên, ba vạn quân Minh ào đến vượt qua làn mưa tên. Thấy cung tiễn không cản được bước tiến đối phương, kỵ binh Mông Cổ tung vó tràn lên.
Kiếm Vân nhắm hướng ngọn đại kỳ của quân địch, lướt đến như bay. Thanh tuệ kiếm tựa ánh chớp bạc chặt phăng những chiếc đầu đội mũ lông trên đường.
Chỉ một khắc sau, chàng đã vào đến trung quân. Đại tướng Mông Cổ Cổn Sa Luân đang ngồi trên chiến mã chỉ huy, nhận ra có một người kiêu hùng như thiên tướng xông đến, theo sau là giáp sĩ dũng mảnh, họ đi đến đâu máu tuôn như suối, xác người ngã gục.
Thanh thiết côn của Đại Lực Ma Quân vun vút trong không gian, đập cong trường kiếm và gẫy nát xương cốt bọn quân Mông. Sáu người đều mặc đến ba lần áo giáp nên không sợ cung tiễn, giáp gươm.
Tướng Mông kinh hoàng, thét đám giáp sĩ chặn đường, nhưng chúng đều bỏ mạng trong chớp mắt dưới trường kiếm của họ Liễu. Chàng nhún chân bốc lên cao hai trượng, nhẩy xổ vào Cổn Xa Luân như Thần Ưng tróc thỏ. Lão vung đao chống cự nhưng đã bị tuệ kiếm chặt phăng cổ tay.
Kiếm Vân đáp xuống lưng ngựa, điểm huyệt lão rồi đứng trên yên, nâng cao thân hình họ Cổn lên, quát lớn bằng tiếng Mông:
- Cổn Sa Luân đã bị bắt, mau buông vũ khí đầu hàng!
Một tên sau lưng chàng dương cung bắn trộm. Mũi tên cám vào áo giáp gẫy làm đôi.
Viên Long ở hậu trận thấy chàng đắc thủ, tung pháo hiệu cho Hồ Tổng Đốc biết. Đại quân tràn lên, trống thúc vang trời. Thấy quân Mông vẫn chiến đấu dù chủ tướng đã bị bắt, chàng kẹp gã vào hông, tiến về phía cổng thành khép kín. Sáu người kia cũng bám theo hộ vệ.
Quân trong thành không dám bắn tên vì sợ trúng Cổn Sa Luân. Bẩy người phi thân đến trước cánh cửa gỗ đai thép dầy hàng gang tay, hợp chưởng quất vào. Dăm gỗ tróc ra bắn tung tóe nhưng không chịu vỡ.
Kiếm Vân trao viên tướng Mông cho Tô Tháo rồi vận Ly Hỏa Chân Khí khiến lưỡi kiếm đỏ rực lên như đương nằm trong lò rèn.
Chàng thọc kiếm vào khe cửa, sọc đứt thanh gỗ gài bên trong, đẩy tung cửa xông vào.
Bốn vạn quân Mông không còn đường rút lui, bị vây chặt và tử vong rất nhiều. Sở trường của chúng là cung tiễn nhưng đụng phải đội giáp sĩ sử dụng trường thương nên hết phương sính cường. Hơn nữa, chủ soái đã bị bắt sống, không người điều động, chỉ huy nên chúng rất lúng túng.
Thẩm Xuân Mi tinh thông binh pháp, đứng cạnh Hồ Tổng Đốc, cố vấn cho lão điều động ba quân, nhờ vậy quân Mông mau chóng tan tành.
Nhắc lại, bọn Kiếm Vân mở cửa thành xông vào, mấy ngàn quân sĩ cũng tràn theo.
Chàng quát vang như sấm:
- Nếu buông vũ khí qui hàng sẽ được toàn mạng. Bổn phò mã sẽ cho Vương Tử Mông Cổ đem vàng đến chuộc về.
Phu nhân của Cổn Sa Luân nhận ra trượng phu đang nằm trong tay Tô Tháo. Địch quân lại đã tràn vào thành, bà bảo viên phó tướng giương cờ trắng trước dinh và mặt trường thành.
Quân Mông Cổ bên ngoài chỉ còn hơn hai vạn vội buông giáp qui hàng. Quân Minh chỉ mất có bốn ngàn người.
Cổn Sa Luân cho biết ở thành Sách Khắc có bốn vạn quân Mông. Chàng biết bọn chúng đang ra sức tìm kho tàng trong Thạch Sơn nên sẽ chẳng kéo đến đây làm gì, đêm ấy toàn quân vui say chiến thắng.
Hôm sau, những người có công vinh thăng cấp bậc và thưởng bạc.
Chàng rút kinh nghiệm lần trước nên sang sảng tuyên bố:
- Thánh thượng đã ra lệnh cho bổn Nguyên Soái ân thưởng cho ba quân bằng ngân sách của triều đình.
Toàn quân đồng thanh cảm tạ long ân! Chỉ mình Hồ Tổng Đốc biết chàng đã bỏ ra đến nửa trong số hơn trăm vạn lượng.
Phiên chế lại đội ngũ xong, trưa ngày mười một tháng sáu, đại quân kéo về hướng Sách Khắc.
Hai ngày sau dừng quân ở một vùng đồi núi, cây cối thưa thớt, cách hồ Sách Khắc hơn trăm dặm.
Tối đến, trong lúc bàn chuyện quân cơ, Phiêu Phong thư sinh chỉ địa đồ nói:
- Néu ta là tướng Mông, sẽ cho hai vạn quân phục kích ở địa điểm phía trước. Đoạn đường này xuyên qua hai ngọn đồi, nếu có cây cối rậm rạp thì mai phục rất tốt.
Hồ Tổng đốc xác nhận:
- Hoàng tiên sinh đoán chẳng sai, trên đồi đẩy những bụi rậm cao hơn đầu người, có đến mấy vạn quân cũng đủ.
Kiếm Vân cười bảo:
- Để tại hạ đến đấy thám thính xem sao?
Chàng mặc y phục dạ hành vượt quãng đường ba chục dặm, đến điểm hiểm yếu kia.
Khing công Vạn Lý Phần Hương đưa chàng lướt nhanh như cánh dơi đêm duới ánh trăng vàng yếu ớt.
Lúc đến gần, chàng không theo đường sơn đạo mà lẫn vào cây cỏ. Trong đêm thanh vắng, tiếng trò chuyện của bọn lính Mông dù thì thầm cũng bị thính giác tinh tường của chàng nhận ra.
Chàng tiến đến gần, còn cách hai chục trượng thì vô tình đạp gẫy đám cỏ khô dưới chân. Đương nhiên quân địch không nghe thấy, nhưng việc này lại gợi ra một kế sách diệu kỳ.
Kiếm Vân quay lại bản doanh, chén trà vẫn chưa kịp nguội. Chàng ngồi xuống tươi cười bảo:
- Mùa này nắng gắt nên cỏ đã khô cả rồi!
Thẩm Xuân Mi hiểu ngay:
- Tướng công định dùng hỏa công ư?
Hoàng Đình Phổ vỗ đùi khen ngợi:
- Vân nhi giỏi lắm! Chỉ cần ba ngàn cây hỏa cũng là đủ phá địch rồi!
Xuân Mi trổ tài thao lược, bàn rằng:
- Tướng công nên đưa những tay cao thủ giỏi khinh công, vượt lên phóng hỏa mặt Đông để chặn đường rút lui của chúng. Sau đó phóng hỏa phía Nam. Gió hạ sẽ đưa lửa dồn chúng về phía trường thành vì ba ngàn cung nỏ đã chặn ở phía Tây, rót tên lửa vào đống cỏ. Chỉ cần cho quân mai phục ở mặt Bắc chờ đợi là toàn thắng!
Hồ Tổng Đốc vô cùng thán phục:
- Tài quyết sách của ngũ phu nhân khiến bổn quan thêm hổ thẹn.
Kề hoạch lập tức được triển khai. Hồ Tổng Đốc kéo hai vạn quân lặng lẽ đi dọc theo trường thành, mai phục sau lưng địch. Ba ngàn cung thủ cũng ngậm tăm tiến lên.
Thanh Hoa công chúa và Đổng Kim Thu khinh công cao cường nên được chọn theo Kiếm Vân đi phóng hỏa. Vĩnh Sương nằng nặc đòi theo! Chàng đành chiều ý, nhưng bắt phải mặc bảo y và theo sát Thanh Hoa, Kim Thu, không được rời một bước.
Trên đường tiến quân, bọn chàng đã giết sạch đoàn thám mã Mông Cổ, để chúng không thể báo động khi đội cung thủ của chàng tiến đến.
Còn cách điểm mai phục của quân Mông Cổ chừng hai chục trượng, chàng dẫn chín người kia rẽ phải, băng qua đồng cỏ, bọc hậu cánh quân Mông đang phục bên hữu đường quan đạo.
Trăng đã sáng hơn nhưng những lùm rậm cao ngất che chở cho toán dạ hành.
Quân Mông phục kín một đoạn dài trăm trượng. Kiếm Vân rải người dọc sau lưng chúng rồi cùng Phiêu Phong thư sinh, Viên Long vượt lên phía trước chặn mặt Tây.
Ba ngàn cung thủ Minh triều vào vị trí đã định, liền đốt pháo hiệu.
Bọn Kiếm Vân lập tức bật hỏa tập đốt đuốc rồi dùng khinh công lướt đi, châm lửa khắp hai mặt Tây và Nam.
Toán cung thủ cũng rót tên lửa vào khu vực quân Mông đang ẩn nấp.
Đồng cỏ đã khô héo vì nắng hạ, gặp lửa bùng lên dữ dội. Gió Nam lồng lộng khiến thế lửa mạnh hơn, thiêu chết mấy ngàn lính Mông. Còn gần vạn người tháo chạy về hướng Bắc, rơi vào ổ phục kích của Hồ Tổng Đốc.
Đến sáng lửa mới tàn và quân Mông Cổ cũng chẳng thoát được mấy tên.
Đại quân theo kế hoạch cũng nhổ trại lên đến nơi, cùng chủ tướng tiến về Sách Khắc. Đoạn đường về tiếp địa hình bằng phẳng, ít cây cối nên không sợ phục binh.
* * *
Chiều hôm ấy, quân Minh hạ trại cách bờ hồ, cách thành Sách Khắc hai dặm.
Quân Mông trong thành chỉ còn hơn vạn nên không dám mở cửa nghinh chiến với chín vạn quân Minh.
Tối đến, Xuân Mi đang ăn cơm bỗng rưng mình. Náng bấm tay tính toán, tái mặt bảo Kiếm Vân:
- Đêm nay chúng sẽ cướp trại và thiếp nghe như có mùi ma quỷ đâu đây!
Kiếm Vân giật mình lẩm bẩm:
- Chẳng lẽ bọn Trường Tu Đại Pháp Sư và Bán Diện Thần Ông đã đầu phục quân Mông? Không có Triển lão gia ở đây, ai sẽ phá tà pháp của họ Vu?
Xuân Mi trấn an:
- Tướng công chớ lo, Vu lão tặc đang thọ thương, khó lòng thi triển được hết tuyệt kỹ. Thiếp có mang theo Thất Tinh Bảo Kính, sẽ cùng lão thi thố một phen. Chủ yếu là chàng phải giữ cho ba quân không náo loạn.
Kiếm Vân bèn sai tùy tướng truyền mật lệnh rằng, đêm nay dù có cuồng phong bảo táp, ma quỷ hiện hình cũng không được sợ hãi, làm loạn quân kỹ. Ai vi phạm sẽ chém ngay tại trận.
Hai viên Tổng Binh lãnh mỗi người năm ngàn quân âm thầm rời trại, phục cách thành Sách Khắc một dặm để chặn đường rút lui của quân Mông.
Đến đầu canh ba thì trong doanh trại chỉ còn độ vài ngàn quân rải khắp nơi để nghi binh. Số còn lại đã rút cả vào khu rừng thưa phía sau lưng.
Đội quân ở lại đều mặc hai ba lần giáp trụ, có nhiệm vụ cầm chân quân Mông để những toán khác ập vào vây chặt.
Cuối canh ba, mây đen vẩn vũ che kín vẩn trăng, quân Mông lặng lẽ áp sát khu trại ồ ạt tấn công. Hàng vạn mũi tên lửa cắm vào lều vải, cháy rực trời.
Tiếng trống thúc quân vang dội, như để cướp tinh thần đối phương.
Nhưng quân Minh không ở trong lều mà ẩn mình dưới hố, nhất tề buông tên bắn trả.
Đại quân trong rừng kéo ra vây chặt lấy chiến trường. Quân Mông biết trúng kế, quay ngựa quyết phá vây.
Đoàn quân giáp sĩ do bọn Tô Tháo thống lãnh đã dồn quân Mông xuống hồ Sách Khắc, chúng là người phương Bắc, quen với nghề cưỡi ngựa, bắn cung trên sa mạc Đại Am Bích mênh mông, nhưng không hề biết bơi lội. Quân Mông cố bám vào lưng ngựa để khỏi chết chìm nhưng cũng làm mồi cho cung thủ Minh triều. Nước hồ loang máu, biến thành màu đen thẫm dưới ánh lửa hồng. Cuối cùng chúng đành phải đầu hàng.
Kiếm Vân kéo đại quân về phía thành Sách Khắc.
Bỗng cuồng phong nổi lên ào ạt, cuốn cát đá vào mặt quân Minh. Trời đất tối sầm lại, hàng ngàn hồn ma bóng quế bay lượn, rên khóc.
Nhưng đã có nghiêm lệnh nên quân Minh không hề rối loạn, họ đưa khiên mây che đầu, chân vẫn tiến lên.
Xuân Mi đứng trong vòng bảo vệ của Kiếm Vân, xõa tóc, niệm chú, Thất Tinh Bảo Kính tỏa hồng quang chói lọi, phá tan tà pháp.
Lát sau, cuồng phong im bặt, mây đen tan biến, trả lại vầng trăng rực rỡ.
Quân mình tràn lên vây chặt bốn cửa thành.
Bọn Tô Tháo cùng đội giáp quân đánh phá cửa Nam thành, nhưng bị những tay thần xạ Mông Cổ chặn đứng.
Kiếm Vân đã tính toán từ trước nên đêm nay mặc hắc y, còn giáp trụ Nguyên Nhung đưa cho Thiết Quyền. Từ đầu trận đến giờ, Thường Luyện đóng vai Nguyên Soái, đứng dưới đại kỳ thúc quân.
Bọn Trường Tu, Bán Diện tưởng chàng đang ở cửa Nam đốc chiến nên tụ cả lại ở nơi này.
Kiếm Vân trà trộn vào hàng ngũ quân Minh ở cửa Tây, chờ cơ hội.
Mấy khắc sau, một đám mây đen bay đến che phủ vầng trăng. Chàng như bóng ma lướt đến chân thành, tung mình lên, điểm vào chân tường, chỉ hai lượt đã lên đến mặt thành.
Chàng vung Ngư Trường Kiếm chém bay đầu tên lính Mông trước mặt rồi buông mình xuống phía trong.
Hành động chàng thần tốc đến nỗi bọn lính Mông không kịp phản ứng. Khi đám mây trôi qua thì chàng đã có mặt ở cửa Nam.
Chàng vung chưởng đánh gẫy thanh gỗ chắn cửa, mở tung ra cho bọn Tô Tháo tràn vào.
Kiếm Vân nhẩy lên mặt thành tìm bọn Trường Tu thì chúng đã biến mất.
Quân Mông Cổ cửa Bắc phá vòng vây chạy về phía Thạch Sơn, lẩn vào rừng mất dạng.
Chàng không muốn ba quân dấn thân vào hiểm địa nên sai đánh trống lui quân, không cho truy kích nữa.
Sáng ra, thám mã về báo rằng quân Mông đã vượt qua đoạn tường thành bị vỡ trước đây, thoát về Mông Cổ.
Hồ Tổng Binh thống lĩnh vạn quân lục soát khắp vùng mà không hề thấy bóng một tên nào.
Chiều họm đó, chàng cho quân sĩ tát cạn hồ nước trong Thạch Sơn, chuyển tất cả vàng vạc, châu báu lên.
Kiếm Vân niêm phong hai mươi hòm bảo vật, viết tấu chương giao cho Hồ Tổng Đốc mang về kinh dâng lên thánh thượng.
Họ Hồ hỏi chàng:
- Sao Vương gia không hồi kinh báo tiệp?
Chàng cười bảo:
- Hồ Tổng Đốc thay ta nhận long ân cũng có sao đâu? Ta vốn chỉ là kẻ áo vải trên giang hồ, không thích hợp với chốn triều trung.
Chàng trao lại ấn Nguyên Nhung cho họ Hồ rồi cùng bọn Tô Tháo trở lại Trung Nguyên.
Hồ Tổng Đốc bố trí lại quân cơ phòng thủ trường thành rồi cùng ngàn quân hộ tống hai chục rương bảo vật hồi kinh.
Tin báo biệp đã được thám mã đưa về trước nên đế đô mở hội ăn mừng.
Họ Hồ vểnh râu vào thành, thay áo rồi lập tức triều kiến Vĩnh Lịch.
Dù không phải buổi chầu nhưng quần thần vẫn vào cung để mừng thắng trận.
Không thấy Kiếm Vân, Vĩnh Lịch sa sầm nét mặt hỏi:
- Phò mã đâu sao không hồi kinh?
Hồ Tổng Đốc vội tấu rằng:
- Phò mạ điện hạ sau khi đại công cáo thành đã sai hạ thần hộ tống hai mươi rương vàng bạc châu báu trong kho tàng Sách Khắc về dâng lên thánh thượng. Người có gửi cả tấu chương nữa.
Quốc khố đang trống rỗng, Minh Thần Tông đổi giận làm vui:
- Khanh mau dâng tấu biểu của phò mã lên cho trẫm xem.
Đọc xong, Vĩnh Lịch thở dài:
- Người này anh hùng cái thế, khí tiết cương trực lại không màng vinh hoa phú quý, thật đáng khâm phục.
Quân cấm vệ đã chuyển những rương bảo vật vào đến và mở nắp để thánh thượng và quần thần chiêm ngưỡng.
Ai nấy đều sửng sốt trước số tài sản khổng lồ. Vĩnh Lịch vui mừng truyền đem cả vào quốc khố.
* * *
Bọn Kiếm Vân về đến Lạc Dương vào khoảng giữa tháng bẩy.
Mười ngày sau, Hàn minh chủ nhận được tin đã cùng hai vị chưởng môn tìm đến.
Khi nghe chàng kể rằng bọn Trường Tu, Bán Diện có mặt trong đoàn quân Mông Cổ, Hàn Thiên Đông cả giận bảo:
- Thật là đáng giận cho những kẻ táng tận lương tâm. Không hiểu sau này chúng còn âm mưu gì nữa đây?
Trời đã hoàng hôn nên ba người ở lại qua đêm, định sáng mai mới khởi hành.
Tối hôm đó, Hành minh chủ cao hứng nên ép mọi người uống rất nhiều. Chỉ trừ Thiên Nhất Thần Tăng, ai cũng say khướt.
Mờ sáng, nghe dãy nhà các phu nhân xôn xao tiếng khóc, Kiếm Vân bật dậy chạy sang. Thanh Hoa công chúa đang run rẩy cầm một tờ hoa tiên, ba nàng kia khóc vùi bên cạnh Kiếm Hồng, nhưng Phụng Hương thì chẳng thấy đâu.
Thấy chàng, Vĩnh Sương òa lên:
- Tướng công ơi! Hàn đại thư đã bị bắt cóc rồi.
Kiếm Vân bàng hoàng, nhận lấy tờ hoa tiên. Chàng mở ra đọc, lời lẽ trong mảnh hoa tiên đó như sau:
"Liễu đại hiệp nhã giám!
Bổn cung chủ muốn mời ngọc giá đến Thánh Thủy Cung chơi một chuyến, mà không biết làm cách nào, đành phải đưa quý phu nhân đi trước. Bổn cung mỗi năm chỉ mở có ba tháng, mong đại hiệp vội bước cho. Nếu không, lòng này sẽ rất ân hận.
Bách Lý Nhu cẫn bút."
Kiếm Vân muốn gầm thét lên, nhưng sợ tiểu hài tử kinh hãi nên cố nén lòng, trấn an các phu nhân:
- Thánh Thủy Cung muốn ta đến làm khách, chắc sẽ hậu đãi Phụng Hương. Đừng làm rối lên như vậy.
Kiếm Hồng đã lên ba, thường được ngồi trong lòng thân phụ nghe bàn bạc chuyện giang hồ, nên cũng học đòi làm người lớn, ngây thơ bảo:
- Phụ thân đã nói vậy, tứ vị di mẫu còn khóc làm gì nữa?
Họ đành lau nước mắt, gượng cười. Mọi người trong trang và tổng đàn đã xúm lại, nhưng không hề dám lộ vẻ lo lắng trước mặt Kiếm Hồng.
Kiếm Vân bước ra đại sảnh, họ lặng lẽ theo sau, quây quần bên bàn gỗ lớn.
Viên Long quỳ xuống khóc ròng:
- Thuộc hạ canh phòng không nghiêm nên mới để gian phi vào tận hậu viện bắt cóc phu nhân, tội đáng muôn thác!
Hàn minh chủ đau đớn nói:
- Võ công Thánh Thủy Cung quán tuyệt thiên hạ, dù một nữ tỳ cũng có bản lãnh ngang với cao thủ thành danh trên giang hồ. Nay mụ cung chủ đã đích thân ra tay thì bọn ngươi làm sao mà phát giác nổi. Hãy đứng lên đi.
Kiếm Vân buồn rầu hỏi:
- Lão gia và ân sư có biết Thánh Thủy Cung ở địa phương nào không?
Nam Cung Sách gật đầu:
- Vùng Tây Bắc đất Thiểm có núi Ly Nhung, thuộc địa phận huyện Thần Thủy. Thánh Thủy Cung ở trên núi ấy.
Chàng hỏi tiếp:
- Võ công của Thánh Thủy Cung lợi hại ra sao, xin ân sư chỉ giáo?
Võ Lâm Chí Tôn đỡ lời:
- Về phương diện này thì lão phu biết rõ hơn Nam Cung nhị đệ. Ba mươi năm trước, ta có đụng độ với một đường chủ ở ngoại thành Diên An. Sau ba trăm hiệp bất phân thắng bại, đành phải giải hòa. Đó chỉ là một nữ nhân, vì trong Thánh Thủy Cung hoàn toàn không có bóng nam nhân. Chắc cũng vì vậy mà Bách Lý Nhu không bắt cóc Kiếm Hồng thay vì Phụng Hương.
Tô Tháo hậm hực nói:
- Vậy chúng muốn Vân đệ đến đấy làm gì?
Hàn minh chủ giật mình:
- Đúng vậy! Chúng ta vẫn chưa biết động cơ của họ. Chẳng lẽ có nữ nhân nào trong cung để ý đến Vân nhi?
Vô Trần đạo trưởng bối rối:
- Bần đạo đã xem số tử vi của Liễu đại hiệp, rõ ràng chỉ có năm vợ thôi. Chắc lần này không phải duyên nợ gì đâu.
Hàn minh chủ kể tiếp:
- Võ công Thánh Thủy Cung lợi hại nhất là pho Ảo Ảnh Thần Bộ và chưởng pháp Thánh Thủy Xuyên Tâm. Khi giao đấu với họ, ta cảm thấy như mình đánh nhau với những bóng u linh, khó mà phân biệt thực hư. Trong chưởng kình có dấu những hạt nước cực độc, dính vào thân là xuyên thủng thịt da, xương cốt, bỏ mạng đương trường.
Thiết Quyền ấp úng hỏi:
- Họ lợi hại đến thế mà sao lão gia vẫn thủ hòa được?
Hàn lão gượng cười:
- Ba mươi năm trước lão phu còn rất anh tuấn, nên mỹ nhân sinh lòng quyến luyến mà không nỡ hạ độc thủ. Nếu không ta cũng đã táng mạng rồi!
* * *
Ngay sáng hôm ấy, Kiếm Vân khoác bọc hành lý lên đường. Chàng hóa trang làm khất cái, trà trộn vào đám đệ tử vẫn ra vào tổng đàn để xuất trang. Đến chỗ vắng mới cải dạng thành một lão nhân tuổi độ ngũ tuần râu cằm dài đen nhánh.
Ra khỏi cửa thành Tây vài dặm, chàng ghé vào một trấn nhỏ mua ngựa. Chiều hôm sau đén Trường An, chàng qua đêm ở đây, dầu canh tư đã len đường.
Quá trưa, chàng dừng cương trước một tửu điếm ven đường để tuấn mã được nghĩ ngơi.
Lòng chàng nặng trĩu nỗi lo lắng và nhớ thương Hàn Phụng Hương.
Những kỹ niệm êm đềm và kỳ diệu hiện về trong tâm tưởng, lệ bất giác tràn mi, lăn dài trên má.
Điều này làm gã hán tử mặt đầy râu, đang ngồi cạnh một nữ nhân ở bàn bên chú ý.
Gã có vẻ hơi say nên bước qua, ngồi xuống trước mặt chàng lè nhè hỏi:
- Lão huynh có tâm sự gì đau lòng lắm hay sao mà sa lệ vậy? Tiểu đệ cũng đang buồn, hay là chúng ta cùng uống?
Chàng nghe giọng nói quen quen, chăm chú nhìn gã và nhận ra Hà Phi Vệ, nam tử của Quân Tử Kiếm và Bán Tiếu Hằng Nga.
Từ trận đại phá Hoan Hỉ Giáo của Bán Diện Thần Ông đến nay, chàng không gặp lại gã. Phi Vệ gầy đi rất nhiều, gương mặt hốc hác đầy râu trông rất thiểu não.
Chàng bảo gã:
- Lão đệ hãy mời luôn cả phu nhân qua đây cho vui.
Nữ lang tuổi độ đôi mươi, dung mạo xinh xắn nhưng đầy nét ưu sầu. Phi Vệ quay lại vẫy, nàng bẽn lẽn bước sang ngồi cạnh gã.
Họ Hà rót đầy hai chén rượu, nâng lên ngâm nga:
"Đồng thị thiên thai luân lạc nhân
Tương phùng hà tất tằng tương thức."
- Xin mời lão huynh cạn chén.
Kiếm Vân uống xong, hỏi gã:
- Lão đệ có tâm sự gì mà hình dung tiều tụy đến dường này?
Gã hạ giọng nói nhỏ:
- Lão huynh biết không, song thân của tiểu đệ đều bị sát hại, nhưng võ công y vô địch thiên hạ nên tiểu đệ đành ngậm hờn mà sống.
- Nhân vật ấy là ai mà ghê gớm vậy?
Gã chua xót đáp:
- Còn ai nữa ngoài gã Liễu Kiếm Vân danh lừng vũ nội.
Chàng mỉm cười hỏi lại:
- Thế là chính y đã ra tay sát hại lệnh huyên đường?
Phi Vệ lúng túng:
- Không! Hắn không tự tay nhưng đồng bọn của hắn đã hạ thủ.
- Thế lệnh huyên đường đã làm gì để họ Liễu phải kéo đồng đạo võ lâm đến truy sát?
Gã căm hận nói lắp bắp:
- Hắn... Hắn....
Chàng xua tay rồi hỏi:
- Quý trang có ở gần đây không? Sao chúng ta không về đấy đối ẩm và tâm sự cho thoải mái hơn?
Hà Phi Vệ mừng rỡ đáp:
- Tốt lắm! Xin mời lão huynh. Nhưng xin đừng chê tệ xá chật hẹp, tồi tàn nhé.
Kiếm Vân gọi tiểu nhị tính tiền cả hai bàn rồi theo phụ thê họ Hà. Chàng không quên mua thêm vò rượu ngon năm cân và mấy món thức nhắm.
Hóa ra nhà họ Hà cũng ở gần đây, trong một xóm bên kia đường. Căn nhà gỗ nhưng rất sạch sẽ, chứng tỏ nữ lang là người siêng năng, cần mẫn.
Nàng mau mắn chạy vào bếp lấy chén dĩa sắp thức ăn ra.
Chàng mỉm cười bảo nàng:
- Mời phu nhân an tọa, lão phu có chuyện muốn nói cùng cả hai người.
Hà Phi Vệ có vẻ tỉnh to lại đôi chút, gã nhìn chàng với vẻ dò xét. Kiếm Vân trầm giọng:
- Theo lời tâm sự của các hạ, lão phu đoán rằng lệnh huyên đường chính là Quân Tử Kiếm và Bán Tiếu Hằng Nga, đã từng thống lãnh đệ tử phái Điểm Thương thành lập Diêm Vương Hội, khuynh đảo giang hồ. Sau lại gia nhập Hoan Hỉ Giáo của lão ác ma Bán Diện Thần Ông. Nếu các hạ công nhận là đúng thì lão phu mới dám nói tiếp.
Hà Phi Vệ nghiến răng gật đầu.
Chàng tiếp lời:
- Xét hành vi của Diêm Vương Hội, rõ ràng là lệnh huyên đường và hai phái Không Động và Côn Luân đã tự biến mình thành công địch của võ lâm. Các hạ là bậc nhân kiệt há không hiểu điều ấy? Họ Liễu cũng là một phần tử của võ lâm, tất phải góp sức tiêu diệt tà ma, chứ đâu phải vì tư thù với họ Hà. Sao các hạ không thức ngộ mà trở về gầy dựng lại Điểm Thương, nối tiếp truyền thống chính nghĩa của tổ sư? Lệnh huyên đường ở dưới suối vàng chắc cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình. Nếu các hạ nối lại được tông môn Điểm Thương, chắc họ sẽ mỉm cười. Lão phu chỉ có bấy nhiêu lời phế phủ, mong Hà thiếu hiệp suy nghĩ.
Phi Vệ buồn bã nói:
- Tại hạ cũng biết tiên phụ vì muốn thỏa mãn lòng tham vọng của tiên mẫu nên đã đưa bổn phái vào cảnh diệt vong. Thực tâm cũng chẳng oán hận Liểu Kiếm Vân nhiều lắm đâu. Nhưng trong cảnh ngộ này, suốt ngày nơm nớp lo sợ bị truy sát, sản nghiệp cũng không còn, nếu chẳng vì chút duyên nợ với tiện thê thì đã tự sát cho rồi.
Kiếm Vân nghiêm nghị bảo:
- Nếu Hà thiếu hiệp thực lòng muốn làm lại cuộc đời, lão phu tự tin sẽ giúp được.
Chàng lấy mười tấm ngân phiếu vạn lượng đặt trước mặt gã:
- Đây là mười vạn lượng bạch ngân. Thiếu hiệp cứ trở về Quảng Tây dựng cờ triệu tập những môn đồ Điểm Thương ngày xưa đã không đồng ý với hành động của lệnh tiên phụ nên bỏ đi ẩn dật. Sau đó chọn ngày làng tháng tốt thông báo với tổng đàn võ lâm. Hàn minh chủ sẽ cùng chưởng môn, long đầu các phái trong thiên hạ sẽ đến chúc mừng.
Phi Vệ kinh ngạc, nhìn chàng trân tối:
- Lão huynh đây là...
Chàng vuốt mặt để lộ chân diện mục:
- Tiểu đệ là Kiếm Vân đây!
Phi Vệ chết lặng rất lâu mới nắm lấy tay chàng, sa lệ:
- Liễu đại hiệp quả là bậc chính nhân quân tử, tại hạ đã tỉnh cơn mê, xin nghe theo lời chỉ giáo của đại hiệp.
Chàng an ủi gã:
- Tiểu đệ đã nhận ra Hà huynh là bậc anh tài. Nhưng phận làm con đâu có quyền lựa chọn cha mẹ? Tiểu đệ nguyện sẽ hết lòng hỗ trợ Hà huynh dựng lại môn phái. Giờ đây tiểu đệ phải lên đường có chút việc riêng.
Hà Phi Vệ vội nói:
- Tại hạ quên không giới thiệu tiện thê, nàng tên gọi Phùng Thu Hà.
Phùng nương kính cẩn thưa:
- Tiện thiếp đội ân đại hiệp đã mở con đường sáng, cứu vớt cuộc đời tăm tối của Hà lang. Dám hỏi, phải chăng đại hiệp đang tìm đến Thánh Thủy Cung?
Kiếm Vân giật mình:
- Sao đại tẩu lại biết? Tiện thê Hàn Phụng Hương đã bị Bách Lý cung chủ bắt cóc. Bà ta đòi tiểu đệ phải đến Thánh Cung bái kiến.
Phùng nương cười đáp:
- Tiện thiếp chính là môn đồ Thánh Thủy Cung, vì mối lương duyên với Hà lang nên đã thoát ly, trốn theo chàng cách nay nửa tháng. Trước đó, có nghe Trường Tu Đại Pháp Sư và Bán Diện Thần Ông dâng năm ngàn lượng vàng, nhờ cung chủ tiêu diệt đại hiệp.
Chàng là người quang minh chính đại, không muốn nhân lúc thi ân mà ép nàng phản sư, chỉ giáo đường đi nước bước, nên đứng lên cáo từ. Phùng nương ngăn lại:
- Tiện thiếp biết đại hiệp không dám hỏi nội tình Thánh Thủy Cung để giữ tròn khí tiết cho thiếp. Nhưng thực ra Thánh Thủy Cung chủ cũng là kẻ thù của họ Phùng. Trước đây tiện thiếp không biết, sau nhờ Hà lang chỉ giáo, thiếp mới biết rõ căn nguyên.
Phi Vệ đỡ lời nàng:
- Song thân Thu Hà làm chủ một sản nghiệp lớn ở huyện Thần Thủy. Biết nàng hiếu võ nên mới gửi vào Thánh Thủy Cung học nghệ. Họ vẫn thường gửi vàng bạc, lễ vật rất hậu nên Thu Hà được cung chủ thương yêu, tận tình dạy bảo. Ba năm trước đây, phu thê Phùng trang chủ đột ngột qua đời. Thánh Thủy Cung chủ đã phủ dụ Thu Hà đem hết sản nghiệp dâng cho bà ta. Tại hạ quen nàng, nghe kể chuyện mới sinh lòng hoài nghi, bảo nàng hỏi han các gia nhân. Họ đều nói phu thê Phùng trang chủ rất khỏe mạnh, không hề có bệnh tật gì.
Phùng nương căm hận nói:
- Tiện thiếp tài hèn sức mọn, không cách nào báo đuợc đại thù. Chỉ dám đem những gì mình hiểu biết truyền đạt lại cho đại hiệp. Nếu người diệt trừ được Bách Lý Nhu thì vong linh tiên phụ mẫu cũng toại lòng nơi chín suối.
Nàng bèn chỉ dẫn cặn kẽ vị trí đại lao, đuờng đi nước bước trong cung. Thu Hà còn đem pho Ảo Ảnh Thần Bộ và Thánh Thủy Xuyên Tâm Chưởng mà biểu diễn lại, để chàng biết lộ số mà đối phó. Với thiên bẩm tuyệt cao, chỉ sau một canh giờ, chàng đã hiểu hết tinh túy của hai pho tuyệt kỹ.
Điểm then chốt của Độc Thủy là nó được bắn ra từ tay áo, cổ tay có dấu ống phóng rất tinh xảo. Lúc bất ngờ nhất, chỉ cần lắc nhẹ, phát động cơ quan là nước độc bắn ra, vô hình vô ảnh.
Chiều đến, chàng viết một phong thư trao cho Phi Vệ rồi cáo từ.
Thực ra, lẩn này chàng đến huyện không phải chỉ có một mình. Võ Lâm Chí Tôn, Nan Đề lão nhân và các đại cao thủ đã đến Diên An bằng con đường khác. Dù nhân số chỉ có mười mấy người, nhưng toàn là trang hảo thủ.
Điều quan trọng nhất là phải giải thoát cho được Phụng Hương trước đã rồi mới tính đến chuyện đánh phá Thánh Thủy Cung.
Hai ngày trôi qua, chàng đến Diên An lúc xẩm tối. Đã có hẹn trước nên Kiếm Vân đi thẳng đến Thiểm Tây đệ nhất khách điếm.
Viên Long trong vai một gia nhân, đang quanh quẩn trước cửa, mừng rỡ nháy mắt ra hiệu với chàng.
Gã chạy vào thì thầm với chưởng quầy rồi đưa chàng lên tầng ba. Hàn Thiên Đông đã thuê trọn tầng này để bảo đảm bí mật.
Mỗi tầng đều có phòng ăn riêng, mọi người đang quây quần ở đây. Thanh Hoa công chúa và Kim Thu cũng có mặt.
Nan Đề lão nhân cằn nhằn:
- Sao Vân nhi lại chậm chân như vậy, để bọn ta phải nóng ruột, lo âu?
Chàng tươi cười đáp:
- Dù chậm nhưng lại thu hoạch được rất nhiều lợi ích, ân sư chớ trách đồ nhi.
Chàng bèn kể lại cuộc gặp gỡ bất ngờ với phu thê Hà Phi Vệ. Hàn minh chủ cao hứng vỗ đùi:
- Trời cao có mắt, phen này bọn ta sẽ cho bọn Thánh Thủy Cung biết tay.
Ăn uống xong, chàng đem hai pho tuyệt học của đối phương ra phân tích, mỗ xẻ, tìm cách giải phá. Đến nửa đêm thì mọi người đã hoàn toàn nắm vững.
Sáng ra, trong bữa điểm tâm, chưởng quầy dem lên một bọc vải. Lão tuổi chừng năm mươi, người cao gầy, mặt xương xương, trông dáng văn nhã nhưng đôi mắt lại lấp loáng hận thù. Lão cung kính nói:
- Nam Cung bá phụ. Tiên phụ lúc lâm chung chỉ để lại có ba mươi trái Chấn Thiên Thần Đạn. Tiểu diệt xin dâng lên hết để bá phụ xử dụng.
Nan Đề lão nhân bùi ngùi nói:
- Hiền điệt yên tâm, bọn lão phu sẽ thay ngươi thanh toán món nợ với Bách Lý Nhu.
Chưởng quầy bái tạ rồi bước ra. Kiếm Vân thắc mắc:
- Sư phụ! Người này có mối thù với Thánh Thủy Cung hay sao?
Nam Cung Sách gật đầu:
- Cha của y là Hỏa lão nhân Tần Võ, cố hữu của lão phu. Đã mấy năm không gặp nên ta đâu biết Tần hiền đệ bị Thánh Thủy Cung sát hại cách đây ba năm? Lần này đến đây là có ý muốn xin vài quả thần đạn, nào ngờ y đã qua đời. Gã lúc nãy là Tần Văn, chỉ ham đọc sach chứ không thích võ công nên đành chôn chặt mối phụ thù.
Tần Thủy cách Diên An chỉ hai trăm dặm, nên trưa hôm sau mới khởi hành, để đến nơi khi trời sụp tối.
Viên Long đã đi trước một bước để lo bố trí nơi ăn chốn ở. Xong xuôi, gã đứng ra cạnh đường quan đạo chờ đợi. Truy Phong Cái đã mướn nguyên một khách điếm nhỏ kín đáo.
Kẻ trước, người sau vào điểm tập kết chứ không đi thành đoàn.
Cơm nước đã sẵn sàng, Kiếm Vân ăn thật no rồi lên đường đến núi Ly Nhung.
Ly Nhung còn gọi là Ly Sơn tuy không cao nhưng phong cảnh rất xinh đẹp. Trên đỉnh núi có một hồ nước tên gọi Thanh Hoa Trì, Đường Minh hoàng, trong những năm tháng chạy loạn An Lộc Sơn, đã xây dựng Thanh Hoa Cung cạnh hồ để vui say với Dương Quý Phi.
Sau này, Thánh Thủy Cung đã chiếm cả ngọn núi và sửa chữa Thanh Hoa Cung để làm bản doanh.
Nhân số trong cung chỉ có hơn trăm người. Mỗi năm mở cửa ba tháng để tìm kiếm nam nhân tuấn tú trong thiên hạ vào gieo giống. Khi họ hoàn thành nhiệm vụ thì cũng là lúc về Quỷ Môn Quan. Các cung nữ thọ thai, nếu sinh nam tử cũng loại bỏ ngay, chỉ để lại nữ hài.
Số nam nhân mất tích trong vòng mấy chục năm nay đã khá đông, nhưng không ai dám nghi ngờ đó là hành vi của Thánh Thủy Cung. Vì họ hành sự vô cùng kín đáo. Nếu không có sự tiết lộ của Phùng Thu Hà thì bí mật này sẽ còn được che dấu rất lâu.
Kiếm Vân nai nịt gọn gàng, toàn thân hắc y. Chàng tiến lên núi một mình, mọi người chờ ở chân núi.
Có lẽ do tự thị uy danh của Thánh Thủy Cung nên đường sơn đạo không hề có người canh gác. Nữ nhân dù có võ công cao cường cũng vẫn là nữ nhân, họ không đủ can đảm để đi tuần tra trong đêm vắng.
Thanh Hoa Cung nằm ở phía Bắc hồ nước. Mé Tây hồ là một vách đá cao chừng bốn trượng. Lao thất là hang động thiên nhiên nằm trong dãy vách đá này. Nhưng cửa ra vào lại nằm dưới nước, ngay gốc cây quế già cạnh hồ.
Kiếm Vân chuồi xuống nước ở bờ Nam, lặn một hơi về hướng đã định. Chàng trồi lên lấy hơi và xác định vị trí lần cuối rồi lặn xuống.
Chàng dồn Ly Hỏa Chân Khí vào thân Ngư Trường Kiếm khiến nó đỏ rực lên, làm sôi dòng nước và tỏa ánh sáng mờ mờ, đủ để thấy hàng song sắt bị khóa chặt. Kiếm Vân chặt đứt dây xích, mở cửa lướt nhanh vào trong hang. Nền cao dần, hang dộng hiện ra trước mặt.
Phụng Hương đang rầu rĩ ngồi cạnh đĩa đèn dầu trên nền đá, ngửa mặt nhìn qua lỗ hổng trên trần, ngắm ánh sao trời nhấp nháy.
Lỗ này là một đường ống tròn dài nửa trượng, chỉ đủ để thông hơi và thả vật thực vào.
Có lẽ vì quá hư nhược, nên nàng không nhận ra sự có mặt của Kiếm Vân. Chàng sa lệ gọi nhỏ:
- Phụng Hương!
Rồi lao đến ôm nàng vào lòng, hôn lên gương mặt tiều tụy, lem luốc. Phụng Hương mừng như sống lại, nàng nức nở nói:
- Thiếp biết thế nào tướng công cũng tìm ra chỗ này.
Lời nói thể hiện một niềm tin yêu tuyệt đối.
Kiếm Vân cõng nàng trên lưng như những ngày đầu quen biết, cùng nhau dong ruổi dặm trường.
Xuống đến chân núi, mọi người mừng rỡ nhưng không dám nói to. Thanh Hoa, Kim Thu lau nước mắt đỡ lấy nàng. Phụng Hương là vợ cả nhưng đối với họ như tình ruột thịt, không hề ghen hờn đố kỵ. Nếu nàng không rộng lượng, họ cũng khó lòng trở thành dâu nhà họ Liễu và sống hạnh phúc bên Kiếm Vân.
Hàn minh chủ bảo hai người đưa Phụng Hương về khách điếm trước. Nàng nghiế răng căm hờn:
- Tôn nữ muốn ở lại để xem cảnh Thánh Thủy Cung cháy rụi.
Lão đành chiều ý, bảo hai nàng kia đưa Phụng Hương ẩn vào chỗ kín đáo, an toàn.
Mười hai người chia nhau ba chục trái Chấn Thiên Thần Đạn rồi tiến lên núi.
Họ vây quanh cung điện, tung thần lôi vào. Ba mươi trái nối nhau nổ vang trời, chấn động đêm trường, lửa bốc cao rọi sáng cả đỉnh núi Ly Son.
Sau loạt đạn đầu tiên, Thanh Hoa Cung đã sụp mất một nửa. Kiếm Vân phát hiện có bóng trắng từ trong thoát ra, thân pháp cực kỳ nhanh nhẹn. Chàng đoán đó là Bách Lý cung chủ nên dồn Ly Hỏa Chân Khí vào song chưởng, đánh chieu Thiên Long Vấn Tâm trong pho Hàng Long Thập Bát Chưởng.
Mụ hoa tay đẩy ra một luồng chưởng kình vàng nhạt, kèm theo những giọt độc thủy phản chiếu ánh lửa hồng lóng lánh.
Nhưng chưởng phong cua Kiếm Vân nóng như lửa đỏ, rực rỡ hồng quang, đã đốt độc thủy thành hơi tan biến mất. chưởng kình chạm nhau nổ vang rền.
Công lực hai bên có vẻ ngang tay. Mụ đảo bộ, biến thành năm sáu bóng trắng. Chàng đã biết cách hóa giải Ảo Ảnh Thần Bộ, nên dùng Vô Nhẫn Kim Thủ trong pho Kim Trảm, xông vào bóng thứ hai từ trái qua.
Hai bàn tay chàng bỗng đỏ rực, phá tan màn chưởng phong màu vàng của đối phương, ập vào như thiểm diện.
Bách Lý Nhu đâu ngờ chàng lại ra đòn chính xác như vậy, mụ hoàn toàn lúng túng. Song thủ Kiếm Vân như hai lưỡi cương đao nóng bỏng, định rạch nát cơ thể đối phương.
Nhưng võ công Thánh Thủy Cung nào phải tầm thường, Bách Lý Nhu điểm nhanh chân lùi nhanh. Đôi kim thủ chỉ kịp rạch đứt bộ ngực đẫy đà. Mụ rú lên ghê rợn, tung mình đào tẩu với tốc độ kinh hồn.
Chỉ có hơn ba chục nữ môn đồ Thánh Thủy Cung sống sót, họ chẳng còn tinh thần đâu mà chiến đấu nữa, quỳ cả xuống xin tha mạng. Một người kể rằng cả Trường Tu Đại Pháp Sư, Bán Diện Thần Ông, Tam Nhãn Tú Sĩ đều đã vong mạng vì hai trái thần lôi đã rơi ngay vào phòng ngủ của họ.
Kiếm Vân bảo:
- Bách Lý Nhu đã thọ thương đào tẩu. Thánh Thủy Cung cũng thành tro, các ngươi nên trở về quê cũ làm ăn. Ta biết rõ trong khu rừng sau cung còn có một tòa thạch thất, nơi nuôi dưỡng các nữ hài nhi. Hãy đem cả bọn chúng đi theo, lấy tài sản của Thánh Thủy Cung chia nhau để sinh sống và nuôi dưỡng trẻ thơ.
Bọn nữ nhân cảm kích, lạy tạ rồi làm theo ý chàng.