Ngục Thánh

Vô Phong không phải siêu nhân. Mấy ngày trầm mình liên tục trong chiến đấu, lại thêm tác dụng phụ của thuốc tăng lực, hắn nhanh chóng gục ngã. Mạc Điển bèn vác cả hắn lẫn Tiểu Hồ lên vai rồi tiến về ngôi làng của họ Mạc. Vì quá mệt mỏi, tên tóc đỏ chẳng rõ ngôi làng tròn méo ra sao. Hắn láng máng thấy những cây cầu đá phủ rêu và ánh lửa từ những cái hang nhỏ. Sau đó hắn nhắm mắt ngủ tít mít, không mơ mộng, không ác mộng, không công chúa, chỉ ngủ ngủ và ngủ.
Tầm chiều tối, Vô Phong tỉnh ngủ. Hắn gượng dậy, nửa thân người quấn đầy băng và đau ê ẩm. Hắn ngó quanh rồi nhận ra mình đang nằm trong một cái hang. Nếu chẳng phải có vài món đồ đạc cá nhân như tủ quần áo, chiếc giường cùng một bàn thờ nghi ngút hương, hắn đã nghĩ nơi đây là tổ ấm của mấy con đấu lạc điểu. Bỗng thấy khúc xương giao long chúa dựng góc hang, Vô Phong biết ngay cái hang này là “nhà” của Mạc Điển. Vừa nhắc tới Mạc Điển, ông ta đã xuất hiện ngay trước cửa hang, tay mang theo một cái vạc nhỏ. Lão khổng lồ hất hàm hỏi gã tóc đỏ:
-Khá hơn tí nào chưa? Ban nãy ngươi như con cá chết vậy!
Vô Phong ôm cánh tay, mặt nhăn nhó:
-Đau chết bà! Mà bạn tôi đâu?
Mạc Điển nghiêng đầu sang trái:
-“Nhà” kế bên. Con nhỏ đang ngủ, vết thương nhỏ thôi, không vấn đề. Còn chú mày thì có vấn đề, ngồi xuống!
Vô Phong ém miệng cười trước sự tốt bụng ẩn dưới lớp vỏ cộc cằn của Mạc Điển. Ông ta tháo bỏ lớp băng, thân thể thảm hại của Vô Phong dần hiện rõ: vai căng cơ phồng to, máu tụ thành đường dọc cột sống, chưa kể một bên mặt sưng vếu do lãnh trọn hai cú đá tạt của Diễm Tà, răng hàm bay mất hai cái. Mạc Điển thò tay vào chiếc vạc, vục lên một mớ dịch đặc sệt đoạn bôi lên cánh tay của Vô Phong, sau trét lại chất dịch dọc theo xương sống. Chất dịch bốc mùi khăn khẳn làm Vô Phong buồn nôn nhưng hắn cố kiềm chế. Làm thế khác nào sổ toẹt lòng tốt của lão khổng lồ? Hắn cũng không dám hỏi thành phần món thuốc vì sợ nghe xong sẽ nôn thật. Mạc Điển nắn lưng Vô Phong đoạn hỏi:
-Cảm giác thế nào?
-Hơi nhức!
-Chỉ nhức thôi á? – Mạc Điển ngạc nhiên – Rạn xương sống mà chỉ “nhức” thôi?
Tên tóc đỏ há mồm. Vì miễn cưỡng sử dụng Tử Thiết nhiều lần, hắn bị rạn xương cột sống. Người thường thì đã chết từ lâu, song hắn là Ngục Thánh, sức chịu đựng và sức tái tạo vượt trội. Vết thương kiểu này chưa thấm tháp vào đâu so với lần suýt chết ở Thiên Phạn. Mạc Điển lắc đầu:
-Ta chưa từng gặp ai quái dị như ngươi đâu, nhóc!
-Bình thường thôi. Một gã trong đội của tôi bị đấm lòi xương còn chưa chết nữa là…
Nói rồi hắn kể lại cuộc đụng độ trên Cây Cầu Vĩ Đại, tất nhiên đã lược bớt phần cô ả Diễm Tà khinh thường hắn ra sao. Nghe Vô Phong miêu tả ngoại hình Diễm Tà, lão khổng lồ nhăn trán nghĩ ngợi, sau nói:
-Theo những gì ngươi mô tả, rất có thể đó là Diễm Tà mà ta biết. Vào những năm cuối cùng của thời đại phi cơ giới, ta đã gặp con bé ấy. Nhưng tại sao nó sống lâu như thế? Nó đâu phải người Lạc Việt?
Những năm cuối thời đại phi cơ giới đã diễn ra cách đây cả nghìn năm, lẽ nào Diễm Tà là hồn ma bóng quế? – Vô Phong lạnh gáy. Nhưng sự tình bí ẩn xung quanh Diễm Tà lại khiến hắn tò mò hơn bao giờ hết. Vô Phong hỏi:
-Ông nói thật chứ?
Mạc Điển trầm ngâm:
-Lẽ nào ta nói dối? Ngươi có thể hỏi Lộc Tục hay tộc trưởng Lạc Long. Nó từng đến tộc của ta, còn học lỏm cả Đông A Quyền từ họ Trần. Hừm, cái dòng họ mọi rợ…
Lời lẽ của ông già đầy hằn học, rõ ràng có ý công kích họ Trần. Vô Phong hỏi:
-Đông A Quyền là cái gì?
-Một loại quyền thuật của họ Trần. Quân địch phương bắc năm xưa thà chết vì gươm đao chứ không muốn chết bởi thứ quyền thuật đáng sợ này. Nó thuần về ngạnh công, vận dụng tối đa sức mạnh cơ thể để tạo nên lực đánh lớn nhất. Đó là lý do con nhỏ Diễm Tà có thể đấm lật mặt Ác Lạc Điểu.
Vô Phong thộn mặt, vừa nghe vừa tưởng tượng hình ảnh một siêu nhân đấm vỡ núi đá vỡ biển. Hắn lắc lắc đầu:
-Cơ thể con người đâu thể sinh ra một lực lớn như thế? Ngay cả khi dùng nội lực, tôi nghĩ cái găng tay kim loại của cô ta mới là nguyên nhân!
Mạc Điển cười:
-Không đâu. Hoàn toàn nhờ nội lực đấy! Võ thuật hay kiếm thuật hiện nay chỉ giúp phát triển các khối cơ bắp lớn chứ không thể phát triển các bó cơ nhỏ, trong khi bó cơ nhỏ chiếm gần một nửa cơ thể người. Đông A Quyền sở hữu phép luyện thể giúp kẻ luyện nó hoàn thiện toàn bộ cơ bắp, dù là nhỏ nhất, vì vậy sức mạnh đòn đánh được phát huy gần như tối đa. Hừm, mặc dù rất ghét, nhưng ta buộc phải công nhận gã Khánh Dư họ Trần là kẻ dùng Đông A Quyền ghê gớm nhất.
Vô Phong chợt nhớ ngày đầu tiên tới làng Lạc Việt, hắn đã chứng kiến Khánh Dư một đấm hạ gục con giao long to lớn. Rõ ràng Khánh Dư chỉ sử dụng sức mạnh đơn thuần chứ không nhờ ngoại lực trợ giúp. Tuy nhiên, họ Trần giữ bí mật cách luyện thể, gần như không phổ biến cho người ngoài, ngoại trừ trường hợp Diễm Tà. Đông A Quyền được sáng tạo giữa thời kỳ chiến tranh nên rất tàn bạo. Nhưng thực tế là nó đã bảo vệ lãnh thổ Lạc Việt suốt thời đại phi cơ giới. Chim lạc thân thiết với mảnh đất Lạc Việt ra sao, bộ quyền thuật gắn bó với họ Trần y như vậy. Lão khổng lồ tiếp lời:
-Đông A Quyền bình thường sẽ làm địch thủ gãy xương. Nhưng một khi dùng sát chiêu, nó sẽ đoạt mạng đối thủ ngay tức khắc. Sau này gặp lại Diễm Tà, chớ để con nhỏ áp sát. Nếu để nó bắt trúng huyệt đạo, ngươi chắc chắn chết.
-Huyệt đạo là cái gì?
Lão khổng lồ chỉ vào giữa rốn Vô Phong:
-Đó là huyệt đạo, gọi là “thần khuyết”. Dồn lực đấm vào chỗ đó, nội tạng sẽ chấn động, khí lực tổn thương.
Ông ta rờ ngón tay to như dùi đục lên một chút, đoạn ấn nhẹ. Gã tóc đỏ cảm giác tim đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập. Hắn tóm lấy tay Mạc Điển theo bản năng. Lão khổng lồ nói:
-Đó cũng là huyệt đạo, gọi là “cự khuyết”. Đánh vào sẽ làm vỡ gan, thủng thành dạ dày.
Theo lời Mạc Điển, cơ thể có một trăm linh tám huyệt đạo gồm bảy mươi hai yếu huyệt và ba mươi sáu tử huyệt. Chúng xuất hiện khắp nơi, từ vùng đầu, cổ cho đến ngực, lưng hay bàn tay, bàn chân. Các huyệt khá nhỏ nhưng nếu bị đánh trúng, thân thể lập tức chấn động, thậm chí tử vong ngay tức khắc. Mai Hoa đã bị đánh vào huyệt “Kỳ môn” – một huyệt nằm ở xương sườn số sáu (6), gã may mắn lắm mới thoát chết, hoặc cũng có thể Diễm Tà nương tay. Tuy nhiên Mạc Điển khẳng định Mai Hoa từ rày sẽ liệt nửa người, ông ta nói:
-Trong Đông A Quyền có mười ba thức chuyên đánh vào ba mươi sáu tử huyệt, gọi là Thập Tam Huyết Chiến. Hẳn con nhỏ Diễm Tà đã sử dụng một trong mười ba thức ấy.
-Chỉ là một cú đấm thường thôi mà? – Vô Phong nhún vai.
-Bề ngoài thôi! Thực chất nó là sự tích tụ nội lực và làm bùng nổ huyệt đạo. Mỗi chiêu của Thập Tam Huyết Chiến đều là nhất kích tất sát.
-Có cách nào để chống lại Đông A Quyền không?
-Luôn giữ khoảng cách. Nhưng tốt nhất nên dùng súng ống cho nhanh gọn! – Mạc Điển đáp tỉnh queo.
Vô Phong bật cười trước câu nói nửa đùa nửa thật rồi chống cằm ngẫm nghĩ, trong lòng lửng lơ một nỗi bâng khuâng mang tên Diễm Tà. Gương mặt, giọng nói và điệu cười của cô ta hoàn toàn trái ngược với cái cách mà cô ta chiến đấu. Chúng quá khác biệt, quá tương phản, tựa như sự đối lập hiển nhiên giữa ánh sáng và bóng tối. Cô ta thực sự là mẫu phụ nữ mà cánh đàn ông hằng mơ ước: nhẹ nhàng, cởi mở, thông minh. Một sắc đẹp chớm nụ đang đợi ngày hé nở. Tiếc thay, vẻ đẹp thuần khiết ấy với Đông A Quyền tàn bạo lại cùng tồn tại trong Diễm Tà. Ngẩn ngơ hồi lâu, Vô Phong hỏi Mạc Điển:
-Hồi ấy, Diễm Tà như thế nào?
-Ngây ngô như con gà gô, hỏi cái gì cũng lắc đầu không biết. – Mạc Điển đáp lời – Nó thậm chí còn chẳng hiểu đàn ông và đàn bà khác nhau chỗ nào! Nhưng con nhỏ có năng khiếu đặc biệt về đánh đấm. Nó chẳng ngán ai hết, kể cả ta. Vì muốn thắng ta, nó đã học lỏm Đông A Quyền.
-Đầu đuôi câu chuyện thế nào vậy?
Mạc Điển gãi đầu, ánh mắt tìm kiếm dấu mốc thời gian trong những năm tháng cuộc đời. Và ông ta bắt đầu kể những câu chuyện của tộc Lạc Việt, từ thời Huyết Thiên Thiết Giáp tung hoành ngang dọc và bắt con Ác Lạc Điểu làm thú nuôi, những cuộc chiến tránh liên miên với người phương bắc, thời Tam Bất Tử còn sống đến những năm tháng nội chiến dai dẳng. Đó cũng là lúc Diễm Tà xuất hiện. Nội chiến kết thúc, dòng họ Mạc vĩnh viễn tách khỏi tộc Lạc Việt, còn Diễm Tà tiếp tục cuộc hành trình riêng của cô ta. Từ đấy về sau, không người Lạc Việt nào thấy Diễm Tà nữa.
-Tại sao các ông lại tách khỏi Lạc Việt? – Vô Phong hỏi.
Gương mặt Mạc Điển bỗng bặm trợn. Lão cúi xuống, bộ râu chổi xể chạm mặt Vô Phong, từng sợi rung rung theo giọng điệu gầm gừ:
-Có những điều ngươi không cần biết, nhóc à! Nếu ta kể, ngươi sẽ kể cho đám đồng bạn về câu chuyện của dòng họ chúng ta, và tự hào rằng mình hiểu biết hơn người chăng?
Tên tóc đỏ co rúm người. Nhưng ngay sau đó, hắn hít một hơi thu hết can đảm rồi trả lời:
-Có phải vì người ta gọi Mạc Dung – ông nội của ông là kẻ phản bội?
Đôi mắt Mạc Điển long sòng sọc, hai cánh tay đấm xuống nền đất, hang đá rơi bụi rào rào. Vô Phong run lẩy bẩy, cảm giác như đang đối diện một con hổ. Nhưng rồi gương mặt lão khổng lồ dịu đi, ánh mắt hiện hữu những tia phân vân. Lời nói của tên tóc đỏ đã phần nào tác động tâm khảm sâu kín của Mạc Điển. Ông ta mấy lần mở miệng định thanh minh điều gì rồi lại thôi. Sau rốt, Mạc Điển bước tới gầm bàn thờ, lôi ra một chum nước, vải trắng cùng khăn khố. Ông ta vác đống thứ lỉnh kỉnh đó rồi rời khỏi “nhà”. Vô Phong lẽo đẽo bước theo rồi hỏi:
-Ông đi đâu vậy?
-Tới giờ tắm rửa cho ông nội ta. – Mạc Điển làu bàu.
“Mạc Điển to như gấu, Mạc Dung chắc to cỡ quả núi!” – Vô Phong đoán già đoán non. Hắn mường tượng ra một lão già lớn xác mà ốm yếu đến nỗi không thể tự mình tắm rửa. Dẫu sao xứ Xích Quỷ vốn dị thường, thêm vài ba chuyện lạ nữa cũng chẳng thành vấn đề. Vô Phong dợm hỏi:
-Tôi có thể gặp ông ấy chứ?
Lão khổng lồ chẳng nói lời nào , chỉ cặm cụi bước. Vô Phong coi thái độ ấy tương đương với “đồng ý”. Tuy nhiên, hắn không dám vo ve gần Mạc Điển vì sợ ông ta ngứa mắt rồi thay đổi quyết định. Vô Phong vừa đi vừa ngắm nghía cảnh quan. Hắn nhận ra “làng” của họ Mạc nằm trong một thạch động vô cùng rộng lớn, vách đá được đào sâu thành những cái hang cho người ở. Vô Phong bần thần nhìn ngôi làng, hắn bất giác hỏi:
-Các ông… đã xây dựng nên chỗ này?
-Không, tự nhiên đã vậy rồi. – Mạc Điển trả lời.
Hang động được chống đỡ bởi vô số cột đá vững chắc trong dáng hình mềm mại. Nước từ các kẽ nứt rớt xuống, âm thầm đẽo đá, ngân vang tí tách. Có dãy đá muôn hình vạn trạng dựa nhau tựa mây trời lạc lối chốn trần gian. Có dải đá lô nhô uốn lượn tựa bầy giao long đang vượt sóng. Lại có tảng đá co quắp như thú hoang say ngủ, cô độc một chốn. Đi trên đá mà tưởng bước trên thảm cỏ. Hơi đá lạnh mà tưởng đang thì thầm chuyện xưa. Vô cảm, vô tình, không biết yêu, không biết nhớ, là đá. Nhưng từng giọt nước trong vắt vẫn nhẫn nại thổi hồn vào những khối vô tri vô giác, gắn kết vạn hòn đá. Không gian bằng đá tự nhiên duyên dáng lạ kỳ như một thiếu nữ đang lứa xuân thì.
Đá là đá, nhưng đá có hồn.
Những cây cầu đá chen nhau trong hang động, dẫn tới những hang hốc nhỏ – “nhà” của thành viên họ Mạc. Họ cặm cụi làm việc. Không nói. Không cười. Vô Phong giơ tay chào vài người đi qua, họ chỉ gật đầu. Không cười. Không nói. Họ là người Lạc Việt; đàn ông có dấu xăm giao long, phụ nữ mặc những chiếc váy giản dị. Nhưng họ không có tính hiếu khách và lạc quan của người Lạc Việt. Họ bước đi và làm việc. Ngay cả bọn trẻ con cũng chẳng khá hơn. Chúng nhìn Vô Phong, đôi mắt chất chứa tâm sự, gương mặt thiếu một cái gì đó khiến chúng già trước tuổi. Vô cảm. Vô tình.
Người là người, nhưng người vô hồn.
Con đường mòn dẫn Mạc Điển và Vô Phong lên tầng thạch động khác. Mấy khối nhũ thạch ngày ngày nhỉ nước ướt mái tóc của Vô Phong. Qua khe núi hẹp, ánh mặt trời bị dát mỏng, thẩn thơ sắc vàng như tấm voan mỏng. Từ những khe đã, vài loài thực vật dây leo rủ xuống đùa cợt mái tóc người. Sắc xanh rêu, màu xanh chồi, ánh xanh lá nảy nở khắp nơi. Cảnh hiền hòa, đầy sức sống…
…người cằn cỗi, lủi thủi sống.
Qua năm tầng thạch động, hai người đã tới đỉnh núi. Trời xanh không mây, gió thổi căng ngực lồng lộng bốn bể. Đứng từ đây có thể trông thấy dãy núi đen hình cánh cung – nơi ở của họ Mạc – nằm giữa biển khơi. Trơ trọi. Cô đơn. Như một người đàn ông cô độc giữa muôn trùng sóng. Mạc Điển tiếp tục đi theo con đường đá đổ dốc trên đỉnh núi, được khoảng chục bước, ông ta bỗng dừng chân. Vô Phong thò đầu qua lưng Mạc Điển và phát hiện ra một khu vực kỳ lạ. Thật khó để gọi đó là “đền thờ”, “nhà” hoặc cái gì đại loại thế.
Phía trước họ chừng mười mét có một bãi đất trống cắm tám cọc thép tại tám hướng. Chúng là điểm tựa, điểm kết nối của vô số sợi xích sắt đan xen chằng chịt trong không trung. Dàn kim loại ấy treo vô vàn thanh kiếm đã hoen gỉ. Máu khô đen đặc loang lổ, bện chặt từng dây xích, từng thanh kiếm. Gió biển thổi đến, kiếm chạm nhau lách cách, hơi tanh phảng phất, oan hồn lảng vảng. Lòng Vô Phong run sợ, đôi chân tự nhiên chùn bước. Lão khổng lồ nhếch mép:
-Sợ à? xem tại .
-Không, không… hơi lạ thôi!
Tên tóc đỏ luống cuống. Lời nói dối vụng về của hắn chỉ khiến Mạc Điển tức cười. Hắn xán tới lão khổng lồ, lòng thấp thỏm lo âu bởi cái chết đang lửng lơ ngay trên đầu.

Một cột đồng dựng đứng tại khu vực trung tâm, vươn mình giữa dàn xích sắt. Dưới chân cột là một bộ hài cốt bị trói chặt. Đất bám trên từng thớ xương, cát bụi lấp đầy hai hốc mắt, bộ hài cốt hoen ố màu nâu xỉn. Nhìn vào có thể đoán ra người này khi sống đã bị hành quyết. Bên cạnh cột đồng có một thanh trường đao khổng lồ bằng sắt, cao gấp ba Mạc Điển. Lưỡi đao rỉ nhoèn, mục ruỗng gần hết, từng mảng tróc lở sần sùi dưới ánh mặt trời. Mạc Điển dừng bước. Ông ta khom người, tấm thân vĩ đại quỳ xuống trước bộ xương bé nhỏ, lầm rầm điều gì đấy tựa cầu nguyện. Cầu nguyện xong, lão khổng lồ gỡ dây trói rồi cẩn thận đặt bộ hài cốt lên tấm vải trắng tinh đoạn nói:
-Con đã về, thưa ông.
Vô Phong ngỡ ngàng, miệng há hốc:
-Đây là… là ông nội của ông? Mạc Dung?
-Phải.
Mạc Điển nhúng khăn ướt nhẹ nhàng lau rửa hài cốt. Dòng nước gột rửa đất cát, trả lại màu trắng lạnh cho bộ xương. Lắm chỗ đã bám bụi quá lâu, nước dội qua mấy lần mà bẩn vẫn hoàn bẩn. Tuy vậy, lão khổng lồ vẫn cặm cụi lau chùi từng ly từng tí. Dáng vẻ to lớn của Mạc Điển bỗng chốc cô đơn lạc lõng như dãy núi đen trơ trọi giữa biển. Nhìn cảnh ấy, Vô Phong sinh lòng bất nhẫn. Hắn nói:
-Đây là lý do ông căm ghét tộc Lạc Việt?
Lão khổng lồ đáp:
-Sao nói vậy?
-Tôi cảm giác thế!
Mạc Điển im lặng. Sự im lặng này có nghĩa rằng suy đoán của Vô Phong là đúng. Hắn tiếp lời:
-Kể cho tôi nghe! Hãy nói cho tôi chuyện gì đã xảy ra với ông nội của công?
Quá khứ là một cái gì đó mơ hồ với Mạc Điển. Không phải vì ông quên quá khứ, mà vì nhớ quá nhiều thành ra mơ hồ. Ông bắt đầu kể, vừa kể vừa tỉ mẩn lau rửa thi hài người ông quá cố.
Cách đây nhiều thế kỷ, khi Lộc Tục – Kinh Dương Vương còn tại vị, nước Xích Quỷ xảy ra nội chiến. Nhiều gia tộc tách khỏi đế chế, tự mình xưng đế lập quốc. Các dòng họ đánh nhau liên miên mấy chục năm liền. Họ Mạc lúc đó với ưu thế đánh trận càn lướt đã độc chiếm miền bắc đất nước. Họ Mạc từng là một trong những thế lực mạnh nhất thời nội chiến.
Chiến tranh loạn lạc, quốc gia suy tàn. Cực chẳng đã, Kinh Dương Vương phải dùng vũ lực nhằm vãn hồi trật tự. Các vị thần trong Tam Bất Tử xuất trận, chiến tranh ngày càng ác liệt. Nhân cơ hội nước Xích Quỷ rối ren, đế quốc Bắc Thần manh nha xâm phạm biên ải miền bắc. Kinh Dương Vương kêu gọi dẹp bỏ hiềm khích, đồng lòng chống ngoại địch. Đáng tiếc, chỉ có Mạc Dung – thủ lĩnh họ Mạc chịu nghe lời ông già hoàng đế. Các gia tộc khác hoặc ngoảnh mặt làm ngơ, hoặc mong Bắc Thần đế quốc nhanh chóng tấn công miền bắc, xử lý gọn họ Mạc.
Kinh Dương Vương rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc. Dựa vào thực lực của ông và họ Mạc, cộng thêm Tam Bất Tử là không đủ. Bởi quân đội Bắc Thần đông tới mức gần như… vô hạn. Chưa kể nếu chống cự quân Bắc Thần, họ sẽ bị kẻ địch đánh vào lưng. Kẻ địch ở đây chẳng phải ai khác mà chính là những dòng họ trong tộc Lạc Việt. Chuyện oái ăm, nhưng là sự thực. Kinh Dương Vương đã đề xuất hiệp ước hòa bình song chẳng thu được gì. Bắc Thần muốn xâm chiếm Xích Quỷ từ lâu, nay mồi dâng tận miệng, họ không thể bỏ qua. Kinh Dương Vương chẳng thể ngồi yên. Ông ta đề xuất một kế hoạch điên rồ: đánh thức Huyết Thiên Thiết Giáp. Mạc Dung hết lời can ngăn song vô ích. Muốn vị ác thần đó sống dậy là quá đơn giản. Có điều ru ngủ gã khó gấp vạn lần chuyện làm người chết tái sinh. Huyết Thiên Thiết Giáp sẽ tàn sát mọi thứ, từ quân Bắc Thần tới người Lạc Việt.
Do đã thần phục hoàng đế nên Mạc Dung buộc phải nghe lệnh. Ông ta cùng họ Mạc trấn thủ tại miền biên ải phương bắc. Riêng Kinh Dương Vương sắm sửa lễ bái, sẵn sàng đánh thức Phù Thiên Vương. Cùng thời gian ấy, các gia tộc khác triển khai lực lượng tới Hoành Sơn. Một mặt họ sẽ lật đổ ông già hoàng đế, mặt khác chờ thời cơ để diệt họ Mạc. Cảnh nồi da nấu thịt vẫn tiếp diễn mà họa mất nước ngày càng gần. Mạc Dung đã tự thảo một bản nghị hòa và kèm theo món quà ngoại giao: họ Mạc sẽ dâng đất cho Bắc Thần. Ban đầu, Bắc Thần chối bỏ bản nghị hòa vì Kinh Dương Vương không viết ra nó. Sau cùng họ đưa ra điều kiện làm tin: Mạc Dung phải tự tay cắm quốc kỳ Bắc Thần trên mảnh đất kia, đồng thời phải quay về hướng bắc, quỳ gối trước lá cờ, vái năm lần, khấu đầu ba lần.
-Mạc Dung có làm vậy không? – Vô Phong hỏi.
Mạc Điển nhắm nghiền mắt, nói một cách khó khăn:
-Ông nội ta đã làm thế.
Giọng của lão khổng lồ đầy sự tủi hổ. Ông ta bóp chiếc khăn trắng đến kiệt nước. Từng giọt rơi xuống hốc mắt của bộ hài cốt, chảy vào lòng đất sâu thẳm. Vô Phong thực tình không muốn hỏi thêm nhưng trí tò mò lại thôi thúc hắn:
-Sau đó thì sao?
Lão khổng lồ thở dài:
-Bắc Thần chấp nhận rút quân. Sự thật là trước đấy ông nội ta đã tổ chức phòng thủ, đề phòng trường hợp nghị hòa thất bại.
Thực lực họ Mạc khi đó có thể cầm cự quân địch ít nhất nửa năm. Tuy nhiên Mạc Dung đã lựa chọn giải pháp khác. Giải pháp ấy đi ngược lại truyền thống bấy lâu của bộ tộc.
Và bi kịch cũng từ đó mà ra.
Họa mất nước bị đẩy lùi. Nhiều năm sau, Kinh Dương Vương đã thống nhất lãnh thổ, dẹp nội chiến. Nhưng vấn đề nảy sinh khi các gia tộc khác nhất quyết đòi loại trừ họ Mạc. Họ cho rằng họ Mạc Dung vì tư lợi mà hạ nhục thể diện quốc gia. Ông già hoàng đế lại lâm cảnh khó xử. Nếu Kinh Dương Vương từ chối, các gia tộc sẽ bất phục. Song họ Mạc là gia tộc lâu đời, không thể nói bỏ là bỏ. Nguy cơ nội chiến nhen nhóm như đốm lửa âm ỉ dưới than nóng. Trước tình hình ấy, Mạc Dung đã gặp Kinh Dương Vương, cầu xin hoàng đế đừng đuổi họ Mạc khỏi đất nước. Đổi lại, Mạc Dung sẽ tự mình gánh tội và chịu án tử hình.
-Ông nội ta bị hành quyết tại đây. – Mạc Điển chỉ tay vào cột đồng – Các gia tộc khác mỗi người một kiếm, lần lượt đâm ông ấy cho tới chết.
Gió thổi, kiếm va nhau, thanh âm lạnh lùng. Vô Phong ngước lên, lẩm nhẩm đếm nhưng đếm không xuể.
Nhiều quá…
…không đếm được.
Mạc Điển chỉ tay về phía trước. Vô Phong nhìn theo, nhận ra một dãy núi mờ mờ nơi chân trời phía bắc. Lão khổng lồ nói:
-Đấy là mảnh đất mà họ Mạc từng sinh sống; ông nội ta phải dâng nó cho Bắc Thần. Đó cũng là nơi ông ấy phải quỳ xuống.
Sau khi Mạc Dung qua đời, gia tộc họ Mạc định cư tại dãy núi đen này, cách xa tộc Lạc Việt. Từ đó đến nay, tộc họ Mạc luôn bị người Lạc Việt nguyền rủa. Trong thời đại phi cơ giới, dâng đất cho ngoại bang đồng nghĩa với bán nước. Nhiều người trong họ quá ngán ngẩm nên bỏ đi. Số còn lại tiếp tục sống với sự nhục nhã đời đời kiếp kiếp. Thậm chí, chẳng còn ai nhớ tới họ Mạc nữa, hoặc có nhớ cũng chỉ buông lời nguyền rủa cay độc.
Nơi đây không có tiếng cười.
Những đứa trẻ họ Mạc không biết cười.
Lau rửa hài cốt xong, lão khổng lồ đặt hài cốt về vị trí cũ rồi dùng dây trói lại. Vô Phong ngạc nhiên:
-Sao không chôn cất?
-Luật không cho phép chúng ta chôn cất. Con cháu họ Mạc phải gìn giữ hài cốt của ông ấy. Cha ta đã mất, đến phiên ta làm. Sau này ta mất, con ta phải làm.
Lão khổng lồ phết một chất dịch nhớt trong vắt lên bộ xương. Chất dịch này có tác dụng làm chậm quá trình phân hủy. Nhưng để hài cốt giữa nắng mưa sương gió sớm muộn sẽ tan thành cát bụi.
-Vậy đó là lý do ông căm ghét tộc Lạc Việt? – Vô Phong hỏi.
-Phải. – Mạc Điển trả lời.
-Vậy sao các ông không đi tìm nơi khác mà sống?
Mạc Điển trả lời:
-Ông nội ta dặn rằng con cháu họ Mạc bị sỉ nhục thế nào đi nữa thì vẫn phải ở đây.
-Để làm gì?
-Bảo vệ đất nước này.
Lão khổng lồ nắm cây cột đồng, cánh tay run run một cách bất lực. Vô Phong không thấy nét mặt của Mạc Điển, song hắn thấy người đàn ông đó bỗng dưng nhỏ bé vô cùng. Hắn tự hỏi Mạc Dung làm thế vì cái gì?
Kẻ bị nguyền rủa đó làm thế vì điều gì?
Mạc Điển quỳ xuống vái lạy thêm lần nữa, sau rời đi. Vô Phong ngoảnh đầu nhìn lại. Thanh trường đao hoen ố hiu hắt với gió. Đao đứng đó, vẫn hiên ngang, nhưng đã không còn là đao nữa.
Vô Phong theo Mạc Điển trở về hang động. Đang đi, cả hai chợt thấy người họ Mạc tập trung trước cửa hang cùng tiếng hò hét chửi bới. Lão khổng lồ vội ra xem thì nhận ra hai vị khách bị chặn đường là Lộc Tục và Khánh Dư. Thấy Vô Phong, Khánh Dư cười rộ:
-A, tên tóc đỏ đây rồi! Chúng ta đi tìm ngươi mãi!
Ông già Lộc Tục đã sai bầy chim lạc truy tìm Vô Phong và Tiểu Hồ; họ Trần cũng tham gia giúp sức. Sau cùng Khánh Dư đề nghị Lộc Tục tới đây bởi chỉ có người họ Mạc hay qua lại vùng biển này. Rốt cục, gã họ Trần đã đúng. Mạc Điển bèn ra lệnh cho người trong tộc rời đi, cuối cùng chỉ còn lại bốn người đối mặt nhau. Khánh Dư nheo mắt nhìn lão khổng lồ, cười xách mé:
-Khỏe chứ?
-Khỏe. – Lão khổng lồ đáp cụt lủn.
Gã họ Trần trề môi gật gù, đoạn chắp tay sau lưng, chân khệnh khạng, tay vuốt cằm:
-Khỏe là cái chắc! Sống ở nơi đẹp thế này kia mà! Này, cho ta xin ít đá về trang trí nhà cửa, nhé?
Mạc Điển nhún vai:
-Đụng vào là có người đánh què tay đấy.
-Ô? Lạ nhỉ? Các người khi trước dâng cả dải núi cho ngoại bang kia mà! Giờ xin mấy hòn đá cũng không cho, kỳ ghê!
Lão khổng lồ nhếch mép cười:
-Ta không liên quan tới bọn mọi rợ kết hôn cùng huyết thống.
Khánh Dư cười mà gương mặt rúm ró. Gã ngửa cổ nhìn Mạc Điển, giọng thách thức:
-Mỏi mồm quá! Đánh nhau luôn đi!
-Có cần gọi người mang xác về không?
Mạc Điển và Khánh Dư đều cười gằn, bộ dạng ai nấy đáng sợ tựa ác quỷ đối đầu. Ông già Lộc Tục vờ ho hắng đánh tiếng cảnh báo cả hai. Khánh Dư biết ý liền rời đi, đoạn nháy mắt với Vô Phong:
-Con nhỏ công chúa cứ nhắc ngươi hoài!
Gã họ Trần đi rồi, Mạc Điển mới quay sang Lộc Tục, thái độ hòa nhã:
-Lâu mới thấy ngài qua. Ở lại uống chút rượu, được chứ?
Ông già ậm ừ đồng ý. Vô Phong đi theo, trong lòng nghĩ tới hài cốt của Mạc Dung. Ông ta đã chết với suy nghĩ cuộc nội chiến Xích Quỷ sẽ kết thúc.
Nhưng ông ta đâu biết ngọn lửa chiến tranh vẫn đang cháy trên mảnh đất này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui